NGOẠI GIAO KINH TẾ GHI NHIỀU DẤU ẤN TẠI TRUNG QUỐC

Năm 2022, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn siết chặt các hạn chế để phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó, có cơ quan thương vụ đã tích cực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế tại địa bàn, góp phần quan trọng vào việc duy trì và đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trong mở cửa thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân với các sản phẩm của Việt Nam.

Năm 2022, trong khi nhiều nước trên thế giới đã nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thì Trung Quốc vẫn duy trì mục tiêu “Zero Covid” với hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt, trong đó hạn chế người nước ngoài nhập cảnh, áp dụng kiểm tra Covid-19 đối với hàng hóa nhập khẩu, phong tỏa các khu vực bùng phát dịch ở trong nước, nhất là các địa phương có vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa ra vào Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, mở rộng thị trường của doanh nghiệp, gây ra tình trạng ứ đọng hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu và gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, từ đó tác động đến hợp tác kinh tế thương mại hai nước. Điều này đặt ra một bài toán khó cho các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ xúc tiến các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại tại địa bàn Trung Quốc.

Thanh long ruột đỏ tại sự kiện Lễ hội trái cây Việt Nam.

Thanh long ruột đỏ tại sự kiện Lễ hội trái cây Việt Nam.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, các bộ, ngành hữu quan và địa phương cửa khẩu biên giới của Việt Nam đã tích cực trao đổi với bộ, ngành chức năng cũng như các địa phương liên quan của Trung Quốc cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thông quan tại cửa khẩu biên giới với tinh thần vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động thông quan hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và duy trì chuỗi cung ứng được thông suốt, thúc đẩy mở rộng thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, với vai trò cầu nối hợp tác, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên trao đổi với các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như phối hợp với các cơ quan trong nước thúc đẩy công tác thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, xử lý các vướng mắc hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển.

Với những biện pháp linh hoạt, kịp thời cùng sự nỗ lực không ngừng của cơ quan quản lý hai bên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 tiếp tục gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Cùng với kết quả của thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong năm qua nhờ vào lợi thế về địa lý, môi trường chính trị-xã hội ổn định, cùng với chi phí nhân công hợp lý và hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam ký với các đối tác.

Theo số liệu của Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương ước đạt khoảng 177 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc năm 2022 đã vươn lên vị trí thứ 4 trong số hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai bên đạt gần 234,9 tỷ USD, tăng 2,1%. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục được cải thiện, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã được mở cửa tại thị trường Trung Quốc, tạo đà tăng trưởng mới cho xuất khẩu trong thời gian tới. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Trao đổi thương mại Trung Quốc-Việt Nam trong tổng kim ngạch Trung Quốc-ASEAN.

Trao đổi thương mại Trung Quốc-Việt Nam trong tổng kim ngạch Trung Quốc-ASEAN.

Trong năm 2022, song song với việc tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam đã đàm phán thành công để mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, trong đó, có những loại nông sản có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, tổ yến và những loại nông sản có lợi thế về sản xuất với sản lượng lớn như khoai lang, chanh dây.

Như vậy, chỉ trong năm 2022, Việt Nam đã xúc tiến mở cửa thành công thị trường Trung Quốc cho 4 sản phẩm nông nghiệp, tức là chiếm gần 1/3 trên tổng số 13 loại sản phẩm nông nghiệp được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tính đến thời điểm hiện nay.

Lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Trung Quốc. (Ảnh: Nhật báo Quảng Tây)

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc khảo sát một trung tâm phân phối nông sản ở miền bắc Trung Quốc.

Ngay sau khi ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và cho phép xuất khẩu thí điểm chanh dây, Việt Nam đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với cơ quan Hải quan Trung Quốc để cho những lô hàng sầu riêng, chanh dây Việt Nam chính thức xuất khẩu sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Lãnh đạo Đại sứ quán và Chính quyền địa phương tham gia Lễ hội trái cây Việt Nam.

Lãnh đạo Đại sứ quán và Chính quyền địa phương tham gia Lễ hội trái cây Việt Nam.

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, chỉ trong 2 tháng 10 và 11 năm 2022 (kể từ khi lô hàng sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu vào tháng 9/2022), xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 31.000 tấn, với kim ngạch 143 triệu USD, tăng mạnh cả về khối lượng lẫn kim ngạch, trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất và ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm có thương mại truyền thống là chuối tươi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trái chuối tươi của Việt Nam đến với người tiêu dùng sở tại.

Ông Nông Đức Lai cho biết, để có được kết quả mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản trong năm qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phải trải qua một thời gian dài đàm phán (như sầu riêng, tổ yến phải mất 4 năm) theo trình tự, yêu cầu của phía Trung Quốc với sự phối hợp, vào cuộc của nhiều bộ, ngành chức năng nhằm cung cấp, chứng minh, đáp ứng các yêu cầu chi tiết nhất trong quá trình đàm phán. Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp trong nước đã cùng vào cuộc xây dựng vùng nuôi trồng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản..., nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.

Tham tán Nông Đức Lai trong một hoạt động xúc tiến thương mại.

Tham tán Nông Đức Lai trong một hoạt động xúc tiến thương mại.

Với vai trò cơ quan đại diện tại địa bàn, Đại sứ quán Việt Nam cũng như Cơ quan Thương vụ tại Trung Quốc đã tích cực phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy và phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng trong nước xuyên suốt quá trình trao đổi, đàm phán. Ngoài ra, Cơ quan Thương vụ đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các nhà nhập khẩu, phân phối tại địa bàn, nhất là các doanh nghiệp và thị trường khu vực phía bắc Trung Quốc.

13 sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào.

Năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi của ngành hàng nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc với 4 Nghị định thư nông sản được ký. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, tạo điều kiện để hai bên mở rộng và tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Hiện nay, các cơ quan chức năng hai nước đang tích cực kết nối, trao đổi các biện pháp nhằm triển khai thực hiện các văn kiện, thỏa thuận đã ký kết để đưa hợp tác kinh tế-thương mại hai nước lên một tầm cao mới.

Nhiều thỏa thuận hợp tác xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa Việt Nam được ký kết tại các sự kiện ngoại giao kinh tế.

Nhiều thỏa thuận hợp tác xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa Việt Nam được ký kết tại các sự kiện ngoại giao kinh tế.

Một tín hiệu tích cực được cho là sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng mạnh là việc Trung Quốc hạ cấp phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2023. Theo đó, dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh vào Trung Quốc, hàng hóa xuất nhập khẩu không cần phải xét nghiệm Covid-19 như trước đây. Nhiều cửa khẩu biên giới có lưu lượng trao đổi hàng hóa lớn giữa hai nước như Lào Cai, Móng Cái, Bằng Tường đã khôi phục trở lại việc thông quan hàng hóa bình thường.  

Theo đánh giá của Tham tán Nông Đức Lai, việc Trung Quốc điều chỉnh các chính sách phòng chống dịch Covid-19 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển và hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước, tạo tiền đề vững chắc để hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc hứa hẹn đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trong năm 2023.

Lễ hội trái cây và giới thiệu sầu riêng Việt Nam. (Video: Truyền hình Nhân Dân)

Lễ hội trái cây và giới thiệu sầu riêng Việt Nam. (Video: Truyền hình Nhân Dân)

Những ngày đầu năm 2023, Đại sứ quán, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã phối hợp với Chính quyền nhân dân thành phố Thiên Tân, một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương được coi là cửa ngõ miền đông bắc Trung Quốc với gần 14 triệu dân, tổ chức sự kiện Lễ hội Trái cây và giới thiệu sầu riêng Việt Nam, gây được tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm, tham dự của hàng trăm đại diện doanh nghiệp, nhà phân phối, tiêu thụ trái cây, nông sản miền bắc Trung Quốc.

Hải quan Trung Quốc kiểm tra lô hàng chanh dây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đầu tiên. (Ảnh: Nhật báo Quảng Tây)

Hải quan Trung Quốc kiểm tra lô hàng chanh dây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đầu tiên. (Ảnh: Nhật báo Quảng Tây)

Đánh giá cao chất lượng hàng hóa, nhất là các loại nông sản, trái cây của Việt Nam, ông Dương Binh, Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân, Trung Quốc cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh việc nhập khẩu nhiều hơn trái cây Việt Nam, xây dựng Thiên Tân trở thành cơ sở nhập khẩu hoa quả ASEAN lớn nhất phía bắc Trung Quốc; làm tốt công tác dịch vụ và bảo đảm cho việc tiêu thụ và nhập khẩu trái cây Việt Nam, bảo đảm có hiệu quả để doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam mở rộng tại thị trường Trung Quốc và mở ra cục diện hợp tác mới về thương mại.

Nhiều đại lý phân phối, người tiêu dùng Trung Quốc đến tham quan Lễ hội trái cây Việt Nam.

Nhiều đại lý phân phối, người tiêu dùng Trung Quốc đến tham quan Lễ hội trái cây Việt Nam.

Măng cụt Việt Nam được ưu chuộng tại thị trường Trung Quốc.

Măng cụt Việt Nam được ưu chuộng tại thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam được chào đón nồng nhiệt tại thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam được chào đón nồng nhiệt tại thị trường Trung Quốc.

Item 1 of 3

Nhiều đại lý phân phối, người tiêu dùng Trung Quốc đến tham quan Lễ hội trái cây Việt Nam.

Nhiều đại lý phân phối, người tiêu dùng Trung Quốc đến tham quan Lễ hội trái cây Việt Nam.

Măng cụt Việt Nam được ưu chuộng tại thị trường Trung Quốc.

Măng cụt Việt Nam được ưu chuộng tại thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam được chào đón nồng nhiệt tại thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam được chào đón nồng nhiệt tại thị trường Trung Quốc.

Ông Lý Binh, đại lý tiêu thụ trái cây nhiệt đới miền bắc Trung Quốc cho biết, các loại trái cây và nông sản của Việt Nam có hương vị rất thơm ngon và mang đặc trưng của xứ nhiệt đới, đây là những sản phẩm mà người tiêu dùng miền bắc Trung Quốc nằm ở vùng khí hậu ôn đới rất ưa thích. Việc làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại đã giúp cho người tiêu dùng, nhất là các đơn vị nhập khẩu, phân phối có cơ hội tiếp cận với nguồn cung dồi dào các loại trái cây, nông sản nhiệt đới chất lượng cao của Việt Nam.

Với những dấu ấn nổi bật từ công tác ngoại giao kinh tế, mở cửa thị trường tại địa bàn Trung Quốc trong năm 2022, cũng như việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dần mở cửa trở lại với thế giới, hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại Việt Nam-Trung Quốc dự báo sẽ khởi sắc trong thời gian tới, khai thác được nhiều dư địa vốn có, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.

Ngày xuất bản: 24/1/2023
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh
Nội dung: Hữu Hưng
Trình bày: Phùng Trang
Ảnh: Hữu Hưng, Tân Hoa Xã, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Nhật báo Quảng Tây