Phạm Thu Hà là một trong những nữ nghệ sĩ chăm chỉ cho ra các sản phẩm âm nhạc nhất trong năm qua. Ở mỗi sản phẩm đều là sự tìm tòi, khám phá, kết hợp và đều được thực hiện vô cùng công phu để hướng tới mục đích lớn nhất: đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Một trong những mong muốn của cô trong thời gian tới là làm mới âm nhạc cổ điển với âm nhạc dân gian truyền thống.

Phóng viên: Trong hành trình âm nhạc của mình, một trong những điều quan trọng là luôn luôn phải làm mới mình, và cũng phải làm mới cả những sản phẩm âm nhạc của mình, điều đó đối với Phạm Thu Hà có khó không?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Đối với tôi, khi bước vào con đường âm nhạc, tôi cũng gặp nhiều thuận lợi và may mắn khi được gia đình hỗ trợ và năm qua chính bản thân mình cũng đã đứng vững với công việc, có nhiều show để thỏa mãn đam mê. Tôi không bị vướng vào việc loay hoay lo tài chính, mà chỉ chú tâm vào sáng tạo âm nhạc.

Tôi cho rằng nghệ sĩ rất cần đến sự sáng tạo, và đó chính là thứ để bắt kịp xu hướng và tồn tại. Tôi luôn có quan điểm có thực mới vực được đạo. Việc mình sáng tạo chắc chắn sẽ gặp được những sự đón nhận của các thế hệ khác nhau. Thí dụ như sản phẩm đầu tiên của tôi, album về nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, không tiếp cận nhiều khán giả đại chúng. Nhưng dần dần, cho đến Live Studio Session này, rất nhiều khán giả trẻ đã đến với tôi. Đó là cách sáng tạo mà tôi cho rằng mình phải thức thời để luôn chuyển động.

Với tôi, làm mới mình không phải là khó khăn gì, bởi vì đó là cuộc chơi, và nếu đã là nghệ sĩ, tôi chỉ thích “chơi” âm nhạc.

Item 1 of 3

Phóng viên: Đầu năm 2023, Phạm Thu Hà đã thực hiện một sản phẩm âm nhạc đình đám và đầy công phu Live Studio Session. Ở trong bối cảnh nhạc cổ điển hiện nay còn khó tiếp cận người nghe, Hà có thấy mình hơi liều?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Trong thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì hiện nay ở Việt Nam khán giả chưa thật sự hiểu, cũng chưa phải là nơi âm nhạc cổ điển phát triển mạnh mẽ, số người yêu âm nhạc cổ điển rất ít. Chính vì lẽ đó tôi luôn kết hợp nhạc cổ điển với các loại hình khác để định vị mình là một nghệ sĩ hát cổ điển giao thoa. Bởi vì tôi mong muốn mang những âm hưởng đẹp đẽ của cổ điển đến với công chúng yêu nhạc, nhất là những người trẻ.

Tôi muốn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên truyền lửa cho các nghệ sĩ sau này học cổ điển ở Nhạc viện ra, để các em thấy rằng con đường mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng Việt Nam phải rất bền bỉ, kiên định, có sự kiên trì và quyết tâm, phải thực sự đam mê với âm nhạc cổ điển và sáng tạo rất nhiều, mới có thể tồn tại được với dòng nhạc này.

Phóng viên: Trong thị trường, có nhiều ca sĩ trẻ rất nổi trong dòng nhạc thị trường, trong khi các nghệ sĩ nhạc cổ điển được đào tạo bài bản, đầu tư nhiều công sức, kỹ thuật, chất lượng nhưng lại rất khó được biết đến nhiều như các ca sĩ thị trường. Có bao giờ Hà cảm thấy chạnh lòng?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Tôi cho rằng mỗi người có một lãnh địa của mình khi làm âm nhạc. Khó có thể phủ nhận thực tế hiện nay thị hiếu của giới trẻ cũng đơn giản, nhiều khi hơi dễ dãi. Người ta thích nghe những gì đơn giản, dễ nghe, có khi chỉ một vài câu lặp đi lặp lại cũng thành hit. Tuy nhiên, tôi thấy các ca sĩ thị trường hiện cũng rất đáng nể phục khi có tư duy âm nhạc và bắt trend rất tốt đối với xu hướng của thế giới. Tôi thấy mình là người học cổ điển cũng phải biết hài hòa giữa thị trường và sự chuyên nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất cho con đường mình đi.

Tôi vẫn phải nghe, phải nhìn tất cả những dòng nhạc khác để học, để chắt lọc những tinh túy nhất, mang lại sự hài hòa nhất cho khán giả. Không thể bó hẹp mãi trong kinh viện của mình được.

Tôi muốn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên truyền lửa cho các nghệ sĩ sau này học cổ điển ở Nhạc viện ra, để các em thấy rằng con đường mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng Việt Nam phải rất bền bỉ, kiên định.

Ca sĩ Phạm Thu Hà

Phóng viên: Trong việc tự điều chỉnh, hài hòa lại, cũng có cả yếu tố giúp cho Phạm Thu Hà cân đối giữa âm nhạc và kiếm sống?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Tôi cho rằng không chỉ trong âm nhạc, mà cả trong cuộc sống hằng ngày, trong mọi tư duy, mình phải có sự cân bằng, cân bằng sẽ giúp mình tồn tại. Đó là tư duy mà tôi nghĩ rằng phải trải qua nhiều thăng trầm mới hiểu ra được.

Như tôi, không phải một lúc dễ dàng mà đạt tới như ngày hôm nay, mà cũng phải trải qua những biến cố của cuộc sống. Ngay cả đồng nghiệp trước đây nhiều khi cũng ái ngại cho con đường mà tôi theo đuổi. Tuy nhiên tôi thấy rằng thời gian và sự bền bỉ đã chứng minh được sự vững vàng trên con đường âm nhạc tôi lựa chọn.

Phóng viên: Phải chăng những thăng trầm trong cuộc sống này cũng đã tác động ít nhiều đến cả cách hát và giọng hát của Phạm Thu Hà?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Ở mỗi độ tuổi, bản thân chúng ta sẽ có một sự tiến triển. Một thời gian rất dài, tôi theo con đường tu tập, và biết cách quan sát từ tâm, lắng nghe nhiều hơn. Chính vì dùng tâm quan sát cho nên tôi thấy được nhiều hơn, và tu dưỡng mình từ bên trong. Tôi luôn cho rằng tâm sinh tướng, và giọng hát của ca sĩ thể hiện ngay tâm hồn người đó.

Qua thời gian, nhất là qua Live Studio Session của năm vừa rồi, mọi người nhận thấy giọng hát của Phạm Thu Hà đã rất chín và có sự từng trải. Chính vì những thăng trầm, những hỉ nộ ái ố trong suốt cả chục năm theo đuổi con đường âm nhạc đã giúp tôi thấy rằng, khi mình càng tĩnh, học nhiều, đọc nhiều, mình càng thu lại nhiều, và khi mình quay về bên trong để tu dưỡng, giọng hát của mình càng chín.

Đó là thông điệp mà tôi mong muốn những nghệ sĩ trẻ sau tôi nhận ra, sẽ tĩnh hơn và sẽ học hỏi nhiều hơn nữa, không chỉ giọng hát, bởi giọng hát đẹp rất nhiều người có, nhưng để giọng hát có tâm hồn và cảm xúc chạm đến khán giả, phải có sự trải nghiệm, tĩnh tại để rèn luyện chính con người mình từ bên trong.

Phóng viên: Nếu làm một phép so sánh, Hà thích giọng hát của mình thời trong veo mới bước vào nghề hơn hay thích giọng hát bây giờ hơn?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Thời mới vào nghề, tôi nhìn lại thấy mình có sự ngây ngô, nhưng là ngây ngô trong sáng và rất đáng yêu. Tuy nhiên những nghệ sĩ cổ điển như tôi rất cầu toàn.  tôi cần sự chỉn chu về nghề, về kỹ thuật.

Và hiện tại bây giờ là thời gian tôi cảm thấy giọng mình có nội lực và nhiều cảm xúc nhất, có rèn luyện và trải nghiệm nhiều hơn, và tôi thích giọng hát của mình bây giờ nhất.

Phóng viên: Nếu được chơi nhạc hoàn toàn từ đam mê, bỏ qua việc kiếm sống, Hà sẽ chọn âm nhạc cổ điển thuần túy hay bán cổ điển và pha trộn với các dòng nhạc khác như hiện nay?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Tôi là người học cổ điển và rất thích cổ điển. Nhưng bản thân tôi thấy nghe cả một chương cổ điển rất nặng, chính vì thế tôi không thích hát cổ điển hoàn toàn. Tôi nhận ra rằng thấy nếu mình không thích, khán giả cũng khó có thể thích. Đó là lý do tôi đào sâu vào bán cổ điển, có thời gian tôi sang Áo học mấy tháng cũng chuyên tâm vào bán cổ điển. Tôi muốn làm nhẹ đi dòng nhạc cổ điển và muốn khán giả Việt Nam thấy rằng nhạc cổ điển rất đẹp qua những giọng hát bán cổ điển.

Phóng viên: Hiện nay có xu hướng các nghệ sĩ sử dụng các chất liệu âm nhạc dân gian, nhạc truyền thống vào các sáng tác để tác phẩm phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn. Hà có bao giờ nghĩ đến những cách biến hóa như vậy?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Tôi là một nghệ sĩ thích biến hóa giọng hát của mình. Khi thực hiện Live Studio Session không ai nghĩ là tôi sẽ hát được giọng pop, nhưng tôi đã vận dụng được. Tôi cũng từng thử nghiệm nhiều dòng nhạc khác, kể cả dòng dân gian. Tôi rất mong một lúc nào đó sẽ có cơ hội trải nghiệm kết hợp nhạc cổ điển với những dòng nhạc truyền thống của Việt Nam, như chèo.

Tôi cũng thích khám phá vì cổ điển cũng là cái nôi của sự sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ trên thế giới, tại sao mình không mang văn hóa truyền thống của mình kết hợp với âm nhạc cổ điển châu Âu. Đó là điều tôi rất thích, và đến lúc nào đó có duyên, tôi mong sẽ tìm được một nhà sản xuất phù hợp để làm mới âm nhạc cổ điển với âm nhạc dân gian.

Phóng viên: Xin cảm ơn và chúc Hà một năm mới thành công.

Ngày xuất bản: 10/02/2024
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Tuyết Loan
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
Trình bày-đồ họa: Dương Dương