Nâng tầm văn hóa đọc

của người lao động

Công nhân Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 đọc sách, báo trong giờ nghỉ ca. Ảnh: Thanh Hòa

Công nhân Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 đọc sách, báo trong giờ nghỉ ca. Ảnh: Thanh Hòa

Người lao động phổ thông hiện chiếm tỷ trọng lớn trong dân số đất nước. Vậy nhưng, do nhiều nguyên nhân, việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc với bộ phận này đã và vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để hiện thực hóa chiến lược xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời, có rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ để thúc đẩy việc khuyến đọc và quan tâm thực chất đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.

Liên kết chặt chẽ

và thực chất các nguồn lực

Xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội là quê hương của nhà văn danh tiếng Nguyễn Huy Tưởng (1912–1960). Đây là mảnh đất thuần nông nhưng một thời, cũng được xem là một mảnh đất của văn nhân. Ngay tên “Dục Tú” (mong muốn cái đẹp) cũng đã thể hiện dấu ấn của người có chữ.

Trong câu chuyện dài với chúng tôi, thầy Đỗ Bá Đạt, giáo viên dạy văn đã nghỉ hưu, người có lẽ hiện sở hữu một kho sách tư nhân lớn nhất nhì huyện Đông Anh, vẫn nhớ rõ cái cảm giác “hẫng hụt” từ nửa cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi nghe tin hai thư viện quan trọng của xã và của Phòng Giáo dục huyện sẽ bị dọn đi. Ông kể, lý do bỏ thư viện xã được thủ thư khi đó chia sẻ với riêng ông, đại ý là sách có nhiều người mượn rồi không trả, với lại trông coi thư viện mà cũng “chẳng được gì”. Thư viện xã Dục Tú khi đó được xem là thư viện lớn trong vùng, có lượng sách phong phú, được mang về từ nhiều nhà xuất bản ở Hà Nội qua cầu nối là một người con của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. “Đó là những năm đói kém chung của cả nước, lo cái ăn còn chưa xong, nói gì đến đọc sách!” – ông Đạt nhớ lại.

Thư viện Hà Nội luân chuyển sách về cơ sở. Ảnh: Thư viện thành phố Hà Nội

Thư viện Hà Nội luân chuyển sách về cơ sở. Ảnh: Thư viện thành phố Hà Nội

Bà Chu Thị Hiền, một giáo viên tiểu học nghỉ hưu có 15 năm hoạt động trong Hội Người cao tuổi và Hội Giáo chức ở địa phương, cho biết, nếu nói về sinh hoạt văn hóa tinh thần ở cộng đồng địa phương thì chỉ có thi đấu thể thao và văn nghệ “cây nhà lá vườn” là chính. “Còn sách thì không có, chỉ có báo thuộc các tổ chức hội như Người cao tuổi, Phụ nữ và thường là cấp một tờ cho chi hội trưởng, nên chủ yếu là chi hội trưởng đọc và phổ biến thêm cho các hội viên”. Trả lời câu hỏi về việc đọc gì đó khi rảnh rỗi, chị Hương, một nhân viên làm tóc và trang điểm, bật cười: “Có ti-vi và điện thoại là đủ rồi. Em không có nhu cầu đọc gì ngoài tin tức trên mạng”.

Đã hơn 30 năm trôi qua, kinh tế địa phương ngày một khấm khá, nhưng với câu hỏi: nếu bây giờ, khôi phục lại thư viện xã thì sẽ như thế nào, thầy giáo Đạt vẫn thấy không dễ dàng trả lời. Trong quan sát và trải nghiệm cuộc sống ở làng của ông, có lẽ vẫn chỉ có hai dạng bạn đọc “muôn thuở” của sách là học sinh và người già, cán bộ hưu trí về làng nghỉ hưu.

Bà Nguyễn Thị Luyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Thư viện tỉnh hiện phục vụ bạn đọc tại chỗ khá hiệu quả. Bên cạnh các mô hình phòng đọc, phòng mượn và lưu kho truyền thống, thư viện đã triển khai hệ thống phòng đọc mở và kho mở. Riêng với phòng đọc mở, thư viện không giới hạn đối tượng bạn đọc có hoặc chưa có thẻ bạn đọc. Họ có thể đến cùng con em, tự do lựa chọn sách để đọc tại chỗ, chỉ cần báo số hiệu sách với quản thư. Mô hình này khá thu hút các gia đình trẻ, vào dịp cuối tuần hoặc các cá nhân là lao động tự do”.

Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn mà Thư viện tỉnh Bắc Ninh cũng như các thư viện công lập hiện gặp phải trong việc triển khai các giải pháp thu hút và khuyến khích bạn đọc mới đến với thư viện. Thứ nhất, thời gian hoạt động trong ngày của thư viện công vẫn theo khung giờ hành chính. Đây cũng là khung giờ mà hầu hết người lao động đều đi làm.

Bạn đọc đến Phòng đọc mở vào dịp cuối tuần. Ảnh: Thư viện tỉnh Bắc Ninh

Bạn đọc đến Phòng đọc mở vào dịp cuối tuần. Ảnh: Thư viện tỉnh Bắc Ninh

Cuối tuần, khi nhiều người có thời gian thư giãn, dành để tìm hiểu đời sống xã hội chung quanh thì thư viện lại đóng cửa. “Để mở cửa hoạt động vào ngày thứ bảy như hiện nay, Thư viện chúng tôi cũng đã phải rất cân nhắc tất cả các vấn đề liên quan, trong đó cốt lõi là nhân sự phục vụ bạn đọc và kinh phí cho việc làm vào ngày nghỉ, bảo đảm quyền lợi của người lao động” – bà Luyên bày tỏ.

Thứ hai, là việc phát triển các dịch vụ kèm theo cho các hoạt động mở của thư viện, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí xen kẽ của bạn đọc. Thư viện tỉnh Bắc Ninh có khuôn viên rộng rãi, nhưng những quy định về đấu thầu cung cấp dịch vụ và sử dụng tài sản công khiến cho việc thực hiện mở rộng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ văn hóa và giải khát tại chỗ là quá khó khăn, cho dù ai cũng thấy nếu có những dịch vụ này kèm theo thì việc giữ chân bạn đọc và thu hút thêm bạn đọc mới đến thư viện sẽ khả thi hơn rất nhiều.

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận, vướng mắc của Thư viện tỉnh Bắc Ninh cũng “là vướng mắc của hệ thống thư viện công cộng trong cả nước, đó là hiện nay, mặc dù về bản chất, thư viện là một thiết chế cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cho người dân, có nghĩa phải dựa trên nhu cầu của người dân mà ở đây là nhu cầu đọc, nhưng lại hoạt động trên cơ sở một cơ quan hành chính (làm việc theo giờ hành chính, theo chuẩn mực hành chính). Chính vì vậy, giờ mở cửa của thư viện trùng với giờ làm việc, học tập sinh hoạt của người dân, dẫn đến việc thư viện không thu hút được người sử dụng”.

Những cuốn sách đầu tiên trong Chương trình 1001 cách làm ăn do ông Nguyễn Lân Hùng làm chủ nhiệm. Ảnh: An Trung

Những cuốn sách đầu tiên trong Chương trình 1001 cách làm ăn do ông Nguyễn Lân Hùng làm chủ nhiệm. Ảnh: An Trung

Chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng là chủ nhiệm Chương trình 1001 cách làm ăn với bộ sách cẩm nang dự kiến gồm 300 cuốn, cập nhật các cách thức nuôi trồng, chăm bón cây và con mới nhất cho bà con nông dân, bên cạnh cẩm nang hướng dẫn làm nhiều nghề mới có tính khoa học thực tiễn cao. Với tinh thần “nông dân làm gì cũng có sách”, ông Nguyễn Lân Hùng đã và đang vận động hàng trăm nhà khoa học trong cả nước tham gia chương trình. Tiêu chí của bộ sách là “dạy nghề cho nông dân: dễ hiểu, dễ làm theo; phổ biến nhất, dễ dàng nhất; hiệu quả nhất”. Hiện tại, 10 cuốn trong bộ sách đã được phát hành.

Ông Nguyễn Lân Hùng trong buổi trò chuyện với phóng viên Nhân Dân cuối tuần. Ảnh: An Trung

Ông Nguyễn Lân Hùng trong buổi trò chuyện với phóng viên Nhân Dân cuối tuần. Ảnh: An Trung

Tuy ao ước “bộ sách này là cẩm nang cho bà con nông dân trên mọi vùng, khuyến khích bà con đọc và tự tin nâng cao đời sống ngay trên mảnh đất quê hương” nhưng ông cũng thấy rõ khó khăn trong khâu phát hành sách đến đông đảo người dân. Hiện sách mới chỉ được phát hành ngay tại trụ sở ở nội đô Hà Nội và chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Nông nghiệp. Điều này vô hình trung tạo khoảng cách lớn giữa ấn phẩm với bà con cần đọc sách.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề cập tới sự biến mất của mô hình “hiệu sách nhân dân” một thời tại các trung tâm huyện lỵ. Theo ông, đây là một tụ điểm quan trọng đối với bà con nông dân bởi tính chất gần gũi, dễ tiếp cận của nó, khác hẳn mô hình nhà sách/ hiệu sách tập trung chủ yếu ở đô thị, phố thị hiện nay. Về hướng phát hành bộ sách 1001 cách làm ăn tới đây, ông Hùng cho biết, đợi đến khi có khoảng 100 đầu sách, ông sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm phương thức hỗ trợ đưa sách đến tận tay người cần.

Có thể nói rằng, dòng sách dành cho giới lao động phổ thông đang chưa được quan tâm ở tất cả các “mặt trận”: đơn vị xuất bản, làm sách, phát hành, tác giả…  và ngay cả chính đối tượng bạn đọc này. Trong tám năm làm về giao dịch bản quyền sách nước ngoài về Việt Nam, tôi chưa nhận được một đơn đặt hàng mua bản quyền nào về một đề tài sách cụ thể cũng như chưa thấy có cuốn sách nào được tác giả trong nước viết cho đối tượng bạn đọc này. Tôi cũng hầu như chưa thấy một dự án công đồng bộ theo cách tiếp cận là một hệ sinh thái từ khâu đề tài, xuất bản đến phát hành và tuyên truyền để chuyển hóa nhu cầu cho đối tượng bạn đọc có phạm vi và mức độ tiếp cận sách hạn chế này. Phản ánh văn hóa đọc của người lao động trong toàn cảnh tri thức lao động xã hội, thì có thể thấy một lỗ hổng kiến thức nền tảng xã hội rất lớn và quan trọng.
Bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc và Trung tâm Giao dịch bản quyền Con Sóc

Thực tế rõ ràng cho thấy, nhu cầu đọc đối với người lao động, nhất là lao động phổ thông, là có. Nhưng để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu ấy, đồng thời dẫn hướng họ tiếp cận với kho tàng tri thức phong phú từ sách, báo, tạp chí trong bối cảnh của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, hướng đến kinh tế tri thức như hiện nay, rất cần sự hợp lực của nhiều ban ngành, để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan, đặt bạn đọc – người đọc vào vị trí trung tâm với một tinh thần phục vụ thật sự.

Trong hai năm 2020 và 2021:
* Số lượng thư viện cấp huyện tăng lần lượt từ 667 lên 671.
- Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tăng từ 180 lên 282.
- Số thư viện công cấp xã giảm từ 3.290 xuống còn 2.650.
- Phòng đọc sách xã và cơ sở (làng, thôn, bản, thư viện cộng đồng ) giảm từ 19.901 xuống còn 16.092.

* Đến hết năm 2020, tổng số sách hiện có trong hệ thống thư viện công cộng là 44.937.528 bản, theo đó, bình quân số bản sách/người/năm trong thư viện công cộng là 0,45 bản.

Nguồn: Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tạo đột phá từ chuyển đổi số

Trong bối cảnh hệ thống thư viện công còn gặp khó trên con đường đến với rộng rãi các đối tượng độc giả, chuyển đổi số được xem là giải pháp thiết yếu. Tuy nhiên, để cánh cửa này tạo đột phá thật sự trong công tác phục vụ độc giả thời kỳ mới thì vẫn còn nhiều bài toán đặt ra.

Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, chuyển đổi số với các dịch vụ thư viện tiện ích trên nền tảng số được đánh giá là một bước chuyển mạnh mẽ. Bạn đọc ngoài việc tra cứu tên sách còn có thể truy cập và đọc nhiều tài liệu bổ ích được thư viện cung cấp trên nền tảng số. Thư viện Quốc gia Việt Nam có hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và bộ sưu tập số gần 112.000 cuốn (khoảng 8 triệu trang). Với bước chuyển này, đối tượng bạn đọc của thư viện ngày càng mở rộng, đặc biệt là người lao động vốn ít có thói quen và thời gian cho việc đến thư viện.

Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện đang diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Giang

Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện đang diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Giang

Thư viện tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại. Theo thống kê, Thư viện có gần 250.000 bản sách, 150.000 trang tài liệu địa chí được số hóa, 200 loại báo, tạp chí, thuê quyền truy cập 1,5 triệu tài liệu điện tử. Cùng với đó, Thư viện mở rộng kết nối và hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị cùng dạng, đặc biệt là liên kết với tailieu.vn - website chia sẻ tài liệu lớn nhất Việt Nam.

Theo Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga, việc triển khai chương trình chuyển đổi số là cơ hội để ngành thư viện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ nguồn lực, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã và đang tiếp tục nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung để phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số cũng giúp xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện hiện nay có những điểm còn mới mẻ, có thể khiến cho các thư viện gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết 63 thư viện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý tại các thư viện chưa đồng bộ; tỉ lệ tài liệu số trong vốn tài liệu của thư viện, số lượng tài liệu được số hóa trong thư viện còn hạn chế; công tác ứng dụng khoa học và công nghệ mới được thực hiện ở thư viện công cộng cấp tỉnh.

Việc Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025 được xem là cơ sở tạo đột phá để phục vụ độc giả. Tại nhiều địa phương, hệ thống thư viện đang tích cực tổ chức các hoạt động chuyển đổi số, tuy nhiên để đạt mục tiêu như kỳ vọng cần có như sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.

Dẫn dắt để đánh thức nhu cầu

Đời sống vật chất và tinh thần nói chung, văn hóa đọc nói riêng của tầng lớp người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, hiện nay đều thấp.

Có khoảng 85% số công nhân trong các khu công nghiệp đang phải thuê nhà trọ, mà phần lớn nhà trọ của họ đều chật chội, không bảo đảm điều kiện vệ sinh và bảo vệ sức khỏe tối thiểu; hơn 60% là lao động phổ thông chưa qua hệ thống trường đào tạo bài bản; khoảng 66% số công nhân tốt nghiệp trung học phổ thông, còn lại là công nhân tốt nghiệp trung học cơ sở và tiểu học; hơn 75% số công nhân có tay nghề lao động thấp, từ bậc 1 đến 4… Để duy trì cuộc sống của mình và gia đình, phần lớn công nhân đều làm tăng ca từ một đến hai giờ mỗi ngày để có thêm thu nhập do mức lương còn thấp. Như vậy để thấy, đời sống vật chất và thể chất của họ đều đã và đang rất thấp, làm sao có thể đủ thời gian để nghĩ tới đời sống tinh thần. Rất nhiều người lao động, khi được hỏi về điều kiện lao động, về điều kiện sinh hoạt, họ đều chỉ nói ý là “vì miếng cơm, manh áo”.

Số lượng chủ doanh nghiệp quan tâm thật sự đến đời sống tinh thần của người lao động chưa cao, chiếm tỷ lệ có lẽ chỉ khoảng 30%, thể hiện qua việc họ dành quỹ đất, dành cơ chế về tài chính và con người cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân tại nơi làm việc, gọi là điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, có tủ sách, bàn chơi bóng, quầy dịch vụ căng-tin, và không gian để tập văn nghệ, thể thao khác. Một số doanh nghiệp lớn còn lập cả thư viện rộng rãi cho công nhân; đây là điều rất đáng mừng và cần được nhân rộng.

Khu vực đọc sách, báo dành cho người lao động tại Công ty TNHH Panasonic Industrial Devices Việt Nam. Ảnh: Mai Quý

Khu vực đọc sách, báo dành cho người lao động tại Công ty TNHH Panasonic Industrial Devices Việt Nam. Ảnh: Mai Quý

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cơ sở đã có nhiều cố gắng trong việc đưa các hoạt động hỗ trợ đời sống tinh thần, trong đó có văn hóa đọc, tới tận công nhân ở cơ sở. Có thể kể đến việc xây dựng mô hình đưa sách báo và thiết bị kết nối internet về tận cơ sở, bao gồm tại nơi làm việc và nơi ở của công nhân. Các cấp liên đoàn lao động cũng đã xây dựng và phát triển hệ thống thông tin trực tuyến thiết thực đến người công nhân, trong đó bao gồm thông tin từ báo chí chính thống của Tổng Liên đoàn, các liên đoàn lao động địa phương, một fanpage của Tổng Liên đoàn (có từ năm 2016) cùng 800 fanpage của công đoàn cấp trên cơ sở và hơn 22.000 fanpage của công đoàn cơ sở, thu hút hàng trăm nghìn người lao động có tài khoản mạng xã hội theo dõi.

Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 5 tới, kênh VTV3 sẽ phát sóng một chương trình trò chơi và giải trí, tìm hiểu kỹ năng sống và nghề nghiệp dành cho công nhân, tương tự như các chương trình dành cho nông dân, chiến sĩ.

Cá nhân tôi thấy là các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần tuyên truyền, dẫn dắt, tập hợp, khơi dậy sự tự giác và tự đánh thức nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần từ trong chính mỗi người lao động. Phải làm tốt được điều này thì người lao động mới thật sự nhận ra mình thiếu gì, cần gì và làm thế nào để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của chính mình lên.
Ông Vũ Mạnh Tiêm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân tại các doanh nghiệp đến năm 2030; trong đó có sự phối hợp trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội và doanh nghiệp làm thế nào để hỗ trợ công nhân học thêm lên trung học phổ thông, đại học hệ tại chức, học thêm ngoại ngữ, học nâng cao tay nghề.

Bên cạnh đó, đặc biệt, cần những chính sách chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của từng ngành, địa phương; trong đó bao gồm những chương trình thực tiễn, nhất là những chính sách về nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, các chương trình hỗ trợ học văn hóa và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giúp người lao động an cư, lạc nghiệp.

Tính đến tháng 2/2021, cả nước có 369 khu công nghiệp. Hiện có khoảng 3,65 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước, trong đó số lao động nữ chiếm gần 60%. Có 48 tỉnh, thành phố trên cả nước thành lập được 50 công đoàn khu công nghiệp, với tổng số 2.402.927 đoàn viên công đoàn.

Báo cáo số 221/BC-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 31/12/2021

Những trang sách đang dần được mở

Bên cạnh hệ thống thư viện nhà nước, thư viện trường học và các tổ chức, những năm gần đây đang dần xuất hiện các thư viện tư nhân, tủ sách gia đình phục vụ bạn đọc miễn phí. Cũng từ đó, thêm nhiều trang sách đang dần được mở ra, cùng những câu chuyện, những tín hiệu tích cực cho tương lai văn hóa đọc nước nhà.

Được thành lập và đi vào hoạt động khá sớm, từ ngày 18/5/2008 tại địa chỉ số 352, đường Số 8, phường 11, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), đến nay thư viện của anh Phạm Thế Cường đã có tới hơn 60.000 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực. Cùng với việc đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà, bạn đọc còn có điều kiện tham gia các hoạt động câu lạc bộ của người yêu sách, dã ngoại, tham quan, giao lưu với nhiều chủ đề khác nhau. Để duy trì một thư viện tư nhân suốt gần 15 năm qua hẳn không dễ dàng, song khi được hỏi về bí quyết, anh Phạm Thế Cường chỉ ngắn gọn: “Tôi tự đúc kết và suy nghĩ, hành động dựa trên mấy yếu tố: thể lực, thời gian, tri thức và tấm lòng. Chỉ cần thiếu một trong đó thì sẽ rất khó làm được”.

Vượt lên mọi khó khăn, Không gian đọc Hy vọng của anh Đỗ Hà Cừ ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) được mở cửa từ ngày 24/7/2015. Đây là một trong chuỗi không gian đọc do anh Trần Thiện Tùng và bạn bè sáng lập suốt thập niên qua. Điều đặc biệt, duy trì không gian đọc với hơn 4.000 cuốn sách tại chỗ và hơn 3.000 cuốn luân chuyển cho các tủ sách khác là nhờ sự nỗ lực tột bậc trên chiếc xe lăn của “thủ thư” Đỗ Hà Cừ. Các bạn đọc của Hy vọng đến mượn sách đều thấy như được truyền thêm cảm hứng, khi gặp chàng trai nhỏ thó, chân tay co quắp bởi ảnh hưởng của chất độc da cam, đi lại, nói năng rất khó khăn mà vẫn nỗ lực duy trì không gian đọc ý nghĩa cho cộng đồng.

Sáng kiến trao học bổng cho các bạn đọc tích cực tại Thư viện Hồng Châu. Ảnh: Lưu Kim

Sáng kiến trao học bổng cho các bạn đọc tích cực tại Thư viện Hồng Châu. Ảnh: Lưu Kim

Cách khu công nghiệp Phố Nối B không xa, Thư viện Hồng Châu thuộc tổ dân phố Hoàng Lê, phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) do nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện sáng lập từ giữa năm 2018, hiện giao cho gia đình và chính quyền địa phương quản lý. Một trong những điểm khác biệt của không gian đọc này so nhiều thư viện tư nhân, bên cạnh đối tượng bạn đọc là học sinh, sinh viên, người dân địa phương, thời gian gần đây, Thư viện Hồng Châu đang tích cực xây dựng “tủ sách tinh hoa” với nhiều bản sách thuộc diện quý hiếm, đồng thời hướng quan tâm nhiều hơn đến công nhân trong khu công nghiệp. Theo anh Khúc Văn Thuyết, người trông coi thư viện, tại phòng đọc chính hiện có khoảng 7.000 cuốn sách, và hơn 3.000 cuốn đã luân chuyển tại 11 điểm đọc do thư viện kết nối ở một số địa phương.

Vợ chồng tôi cũng là công nhân nên biết, thời gian eo hẹp, để thật sự quan tâm đến sách đòi hỏi các bậc cha mẹ cần phải nỗ lực rất nhiều, bớt đi những sở thích cá nhân như lướt Facebook, TikTok hay hát karaoke.
Anh Khúc Văn Thuyết, Quản lý Thư viện Hồng Châu

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng, nhằm mở rộng chia sẻ, giao lưu, kết nối trên nền tảng số, đã có một số không gian đọc tư nhân mở thêm kênh tương tác trực tuyến, từ các website đến trang cá nhân và nhóm trên mạng xã hội, vừa tiết kiệm chi phí, nhân lực và cơ sở vật chất lại vừa có khả năng duy trì và phát triển những trao đổi cởi mở về sách và văn hóa đọc. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước, có khoảng hơn 40 thư viện tư nhân, tủ sách gia đình phục vụ bạn đọc miễn phí đang được duy trì và hoạt động tốt.

Khuyến đọc theo cách của Nhật Bản

Muốn phát triển văn hóa đọc có hiệu quả, quốc gia phải có chiến lược vĩ mô, trong đó, dành trọng tâm cho phát triển văn hóa đọc rộng khắp mọi tầng lớp, chú ý đến cả tầng lớp bình dân.

Ở Nhật Bản, những bộ luật về văn hóa đọc đã được xây dựng khá sớm, như: Luật Thư viện trường học (ban hành lần đầu năm 1953, sửa đổi năm 2016), Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (năm 2001), Luật Chấn hưng văn hóa đọc (năm 2005)… Các bộ luật này luôn chú ý tới nguyên tắc bình đẳng trong tiếp nhận văn hóa đọc của các tầng lớp xã hội. Những bộ luật rất cơ bản nói trên đã tạo ra nền tảng và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển rộng khắp, quan tâm tới các nhóm yếu thế trong xã hội cũng như những địa phương xa trung tâm. Đặc biệt, nó giúp cho Nhật Bản hạn chế được đáng kể hiện tượng “xa rời văn hóa đọc” ở giới trẻ, khi internet và các thiết bị điện tử cầm tay nối mạng trở nên phổ cập trong xã hội.

Biển hiệu sách ở sân ga tàu điện Ishiyama, đại ý: học mà không suy nghĩ thì cũng mất công. Ảnh: Nguyễn Quốc Vương

Các gia đình có thể đưa trẻ tới đọc và mua sách ở các hiệu sách trong các trung tâm mua sắm. Ảnh: Nguyễn Quốc Vương

Biển hiệu sách ở sân ga tàu điện Ishiyama, đại ý: học mà không suy nghĩ thì cũng mất công. Ảnh: Nguyễn Quốc Vương

Các gia đình có thể đưa trẻ tới đọc và mua sách ở các hiệu sách trong các trung tâm mua sắm. Ảnh: Nguyễn Quốc Vương

Muốn người dân có thói quen đọc sách và đọc sách ngày một nhiều, tất yếu phải xây dựng được môi trường mà ngay cả người dân bình thường nhất vẫn có thể dễ dàng có sách trong tay để đọc. Tất nhiên, người dân có thể mua sách để đọc nhưng để giới bình dân tiếp cận sách dễ dàng, hệ thống thư viện miễn phí, trong đó chủ yếu là thư viện công, đóng vai trò quan trọng.

Các thư viện ở Nhật Bản không chỉ thuần túy là nơi cho mượn sách mà còn là trung tâm thông tin, trung tâm giáo dục. Các thư viện được thiết kế trong một tổ hợp có bãi đỗ xe lớn, cảnh quan giống như công viên, nơi có thể ăn uống, giải trí, đi dạo… rất tiện lợi. Vì vậy mà các gia đình khi đi thư viện, thường sẽ dẫn cả trẻ em tới đọc, mượn sách, giải trí, dạo chơi ở đó trong suốt cả ngày cuối tuần.

Ở thời điểm năm 2021, Nhật Bản có 3.316 thư viện công. Nhờ đó, đông đảo người dân, bất chấp hoàn cảnh kinh tế, địa vị xã hội, vẫn có cơ hội thường xuyên tiếp cận sách và mượn sách miễn phí. Năm 2021, hơn 545 triệu bản sách được mượn từ hệ thống thư viện công. Ngoài hệ thống thư viện thông thường, Nhật Bản còn có thư viện trẻ em, dành riêng phục vụ trẻ em và các gia đình có con nhỏ.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho mọi người dễ dàng tiếp cận sách, để tạo ra môi trường thuận lợi cho văn hóa đọc, các phong trào khuyến đọc quy mô lớn, nhắm vào mọi giới trong xã hội là không thể thiếu. Hiện tại ở Nhật Bản có nhiều phong trào khuyến đọc sôi nổi, tiêu biểu như: “20 phút cha mẹ đọc sách cùng con”, “Book-start”, “lập thư viện-tủ sách”, “đọc sách buổi sáng”.

Phong trào “20 phút cha mẹ đọc sách cùng con” bắt nguồn từ phong trào “20 phút mẹ đọc sách cùng con”, ra đời vào tháng 5/1960, do nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi Mukuho Toju (1905-1987), khi đó đang là Giám đốc Thư viện tỉnh Kagoshima, khởi xướng. Phong trào đã phổ cập thói quen đọc sách trong các gia đình bất chấp địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế.

Phong trào “book-start” cũng có mục tiêu tương tự. Phong trào này khởi đầu từ nước Anh, sau đó Nhật Bản học tập. Các chính quyền địa phương sẽ cấp ngân sách cho tổ chức phi lợi nhuận có tên “Book-start” để tổ chức này phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành tặng cho mỗi trẻ em ra đời ở Nhật Bản một cuốn sách kèm theo tờ rơi hướng dẫn đọc sách. Cách làm này tạo ra sự hưởng thụ, tiếp cận văn hóa đọc công bằng cho tất cả người dân, kể cả trẻ em nước ngoài sinh ra ở Nhật Bản.

Ngày xuất bản: 18/4/2022
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Ngô Phương Thảo, Đào Mai Trang, Hương Mộc, An Đông, Phạm Đặng, Nguyễn Quốc Vương
Trình bày: Phan Anh, Duy Long