Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc từ ngày 4 đến 6/12. Chuyến thăm là minh chứng cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, thực chất và hiệu quả.

Đây là chuyến thăm Hàn Quốc lần đầu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới và là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam sau 11 năm (sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2011).

Sau 30 năm kể từ ngày Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992-22/12/2022), quan hệ hai nước có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác.

Làm sâu sắc quan hệ đối tác

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng nỗ lực nâng tầm quan hệ song phương, lên mức Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21 vào năm 2001 và thành Đối tác hợp tác chiến lược vào năm 2009.

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển nhanh chóng và hiệu quả, hợp tác sâu rộng được tăng cường trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục... cả ở cấp độ song phương và đa phương.

Không chỉ về lịch sử và văn hóa, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng trong quá trình phát triển kinh tế. Quá trình bứt phá kinh tế nhờ chính sách Đổi mới của Việt Nam và giai đoạn được gọi là Kỳ tích sông Hàn ở Hàn Quốc, trong nửa sau của thế kỷ 20, đã đem lại những thành quả phát triển to lớn ở mỗi quốc gia.

Trải qua 30 năm, vượt qua những biến động, thăng trầm của tình hình thế giới và khu vực, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không ngừng phát triển, trở thành điển hình cho mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia Đông Á, cũng như cho sự hợp tác thành công trong khu vực.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế còn nhiều diễn biến phức tạp, hai nước duy trì hợp tác chặt chẽ, với tin cậy chính trị cao.

Hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và hợp tác, giao lưu trên tất cả các cấp, các kênh không ngừng được tăng cường và mở rộng. Các bộ, ngành, địa phương hai nước thực hiện định kỳ các cơ chế đối thoại, hợp tác nhằm trao đổi những vướng mắc để cùng giải quyết, đề xuất các sáng kiến hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ tổng thể Việt Nam-Hàn Quốc phát triển tích cực.

Hàn Quốc khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN; sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như chuyển đổi số, an ninh mạng, công nghệ sinh học, giáo dục-đào tạo… góp phần thúc đẩy đà phát triển ngày càng mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ song phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin. (Ảnh: Trần Hải)

Quan hệ giữa Quốc hội hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, đóng góp quan trọng cho tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc. Hai bên phối hợp chủ động và tích cực tại các diễn đàn nghị viện đa phương, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF).

Hai nước duy trì nhiều cơ chế đối thoại chiến lược về chính trị, an ninh-quốc phòng, đã ký kết các bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin, bảo mật thông tin quân sự và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030…

Hợp tác tư pháp giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc cũng đã được triển khai từ năm 2002, nổi bật là Dự án tăng cường năng lực tại Học viện Tòa án. Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia.

Việt Nam và Hàn Quốc đã triển khai thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, được ký kết giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam (Hàn Quốc); khánh thành Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ và đang triển khai dự án Viện Khoa học kỹ  thuật Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST).

Trong lĩnh vực giáo dục, hai nước đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, nổi bật là Hiệp định văn hóa và Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch.

Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội từ năm 2006, ký thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học; chuyển giao tàu huấn luyện hàng hải cho Trường đại học Hàng hải Việt Nam.

Việt Nam cũng thí điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn là ngoại ngữ 1, hệ 10 năm, từ tháng 2/2021.

Trong thời gian tới, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng tăng cường giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa, thông qua giao lưu, tương tác giữa thế hệ trẻ và ngoại giao nhân dân trên nền tảng kỹ thuật số.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin

Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người, trong đó có hơn 37.000 lao động phổ thông theo chương trình cấp phép lao động (EPS), gần 2.000 lao động kỹ thuật, hơn 14.000 sinh viên, hơn 35.000 thực tập và nghiên cứu sinh...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các tổ chức người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các tổ chức người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại Việt Nam, cộng đồng Hàn Quốc cũng có hơn 180.000 người, phần lớn là các doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy, gắn kết nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các tổ chức người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các tổ chức người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai bên sinh sống, học tập, làm việc, kinh doanh ổn định, an toàn và tiếp tục có cơ hội đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của cả Hàn Quốc và Việt Nam. Việt Nam cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, trên cơ sở pháp luật ổn định, kiến tạo môi trường phát triển kinh doanh có lợi nhuận trên tinh thần “lợi ích thì hài hòa, khó khăn và rủi ro thì chia sẻ”.

Đến nay, phần lớn các tỉnh, thành của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện diện tại 59 địa phương Việt Nam, trong đó tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh.

Với tình cảm sâu đậm dành cho Việt Nam và bằng kinh nghiệm của mình, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan

Khai thác tiềm năng, dư địa hợp tác

Hợp tác kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng và đóng góp to lớn cho quan hệ hai nước. Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, lớn thứ 10 trên thế giới và đã đạt nhiều thành tựu kinh tế-xã hội, khoa học, công nghệ... Trong những năm qua, hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, quy mô và hiệu quả, ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đến Việt Nam (tháng 10/2022), hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Việt Nam và Hàn Quốc cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại theo hướng cân bằng, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam luôn hoan nghênh các nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng quy mô đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần củng cố vị thế quốc tế của cả hai quốc gia.

Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác kinh tế hàng đầu của nhau, cùng triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) và cả hai hiện cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Lũy kế đến tháng 9/2022, Hàn Quốc đang duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (FDI) với mức 80,52 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Về hỗ trợ phát triển (ODA), Hàn Quốc đứng số 2 trong các nước cung cấp ODA cho Việt Nam khi đã hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (ECDF) cho giai đoạn 2012-2015 và 1,5 tỷ USD giai đoạn 2016-2020.

Về thương mại, Hàn Quốc đứng thứ 3 về hợp tác thương mại với Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương đạt 66,65 tỷ USD (năm 2019), 65 tỷ USD (năm 2020) và 78 tỷ USD (năm 2021).

Những năm gần đây, Hàn Quốc cũng nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam. Trung bình mỗi tháng, có hơn 1.000 chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, khách Việt Nam du lịch Hàn Quốc đạt 550.000 lượt. Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020-2021 từng giảm do tác động của đại dịch Covid-19, song đã tăng trở lại từ đầu năm 2022.

Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều thứ 2, với khoảng 48.000 lao động đang sinh sống và làm việc tại Xứ sở Kim chi. Đồng thời, Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ 2 đến Hàn Quốc.

Năm 2021, hai nước đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), ký Hiệp định bảo hiểm xã hội (hiệp định cho phép đóng bảo hiểm liên tục cho công dân hai nước đang làm việc, sinh sống tại nước kia). Đây là hiệp định bảo hiểm xã hội đầu tiên Việt Nam ký kết với nước ngoài.

Nền tảng cho phát triển quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam là cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau và nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin

Những thành tựu tốt đẹp trên chặng đường 30 năm hợp tác, cùng sự tương đồng về lịch sử, văn hóa và lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc, là động lực để thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia, vì lợi ích của nhân dân hai nước, từ đó đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tiềm năng và cơ hội hợp tác có được từ quyết tâm chính trị và những lĩnh vực hợp tác mới về văn hóa, giáo dục, kinh tế, công nghệ… sẽ góp phần quan trọng để quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc tiếp tục được vun đắp và nâng tầm trong những năm tới.

Chỉ đạo thực hiện: Chu Hồng Thắng
Nội dung: Sơn Ninh - Vũ Phong
Trình bày: Phùng Trang
Ảnh:  Thủy Nguyên, TTXVN, Tổng cục Du lịch, Phùng Trang, Trần Hải
Ngày xuất bản: 04/12/2022