NÂNG TẦM BÓNG ĐÁ NỮ VIỆT NAM

SAU CHIẾN TÍCH SEA GAMES

Bàn thắng của đội trưởng Huỳnh Như giúp tuyển nữ Việt Nam thắng nữ Thái Lan 1-0 ở chung kết SEA Games 31.

Bàn thắng của đội trưởng Huỳnh Như giúp tuyển nữ Việt Nam thắng nữ Thái Lan 1-0 ở chung kết SEA Games 31.

Thành công của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cho thấy tiềm năng rất lớn của bóng đá nữ, nơi nguồn lực xã hội đổ vào không thể so sánh với bóng đá nam, nhưng cũng đã có tín hiệu tích cực để mang lại "trái ngọt". Tuy nhiên, để vươn ra châu Á hay xa hơn là thế giới, những "cô gái kim cương" cần được đầu tư bài bản và toàn diện hơn.

Từ ngôi hậu
SEA Games 31

Sau 19 năm, bóng đá nữ Việt Nam lại “mở tiệc” thiết đãi người hâm mộ với chiến thắng ngọt ngào ở kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà. Thầy trò HLV Mai Đức Chung vô địch thuyết phục với 4 trận toàn thắng, chỉ nhận 1 bàn thua. Đáng nói hơn, tuyển nữ Việt Nam đã thắng cả 3 đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực, gồm Thái Lan, Myanmar và Philippines.

Ở cả 3 trận, Huỳnh Như cùng đồng đội chỉ thắng với cách biệt 1 bàn, nhưng đó là chiến thắng của chênh lệch đẳng cấp mà các thế hệ cầu thủ nữ đã dày công xây dựng, rồi đổi lấy “quả ngọt” là vinh quang ở tầm Đông Nam Á.

Nếu chiến thắng năm 2003 mới là tấm Huy chương Vàng SEA Games thứ hai trong lịch sử, thì thành quả năm 2022 đã mang lại cho tuyển nữ Việt Nam Huy chương Vàng thứ bảy, nhiều gần gấp rưỡi đội xếp sau là Thái Lan.

Xét trong tầm Đông Nam Á, tuyển nữ Việt Nam không chỉ là đội bóng đẳng cấp nhất, mà còn có lộ trình thăng tiến ổn định nhất. Tuyển nữ Thái Lan đã tụt dốc không phanh sau kỳ tích 2 lần dự World Cup 2015 và 2019. Từ năm 2017 đến nay, đội nữ xứ Chùa vàng liên tục gục ngã trước tuyển nữ Việt Nam. 4 lần đối đầu gần nhất, tuyển nữ Việt Nam toàn thắng Thái Lan, ghi 5 bàn và không để thủng lưới.

Hải Yến đi bóng trước Sunisa Srangthaisong trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 31.

Huỳnh Như tự tin kiểm soát bóng trước hàng phòng ngự Thái Lan.

Những lá quốc kỳ tung bay sau chiến thắng chung kết trước đội tuyển nữ Thái Lan.

Hải Yến đi bóng trước Sunisa Srangthaisong trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 31.

Huỳnh Như tự tin kiểm soát bóng trước hàng phòng ngự Thái Lan.

Những lá quốc kỳ tung bay sau chiến thắng chung kết trước đội tuyển nữ Thái Lan.

Thế hệ của Taneekarn Dangda (em gái tiền đạo Teerasil Dangda nổi tiếng của đội tuyển nam Thái Lan) không thể sánh bằng lứa trước cả về đẳng cấp lẫn bản lĩnh ở sân chơi lớn.

Tuyển nữ Myanmar cũng chỉ dừng ở mức thách thức, khi chưa từng cạnh tranh sòng phẳng cho tấm Huy chương Vàng. Trong khi đó, Philippines là thế lực mới nổi. Nguồn lực từ các cầu thủ Phi kiều đang chơi bóng ở Mỹ và châu Âu giúp tuyển nữ Philippines cải thiện thành tích trong 4 năm qua, đỉnh cao là vé dự World Cup 2023, tuy nhiên, thất bại ở SEA Games 31 cho thấy thầy trò HLV Alen Stajcic còn nhiều việc cần làm.

Chương Thị Kiều dẫn bóng trong sự truy đuổi của Sofia Harrison đội tuyển nữ Philippines.

Chương Thị Kiều dẫn bóng trong sự truy đuổi của Sofia Harrison đội tuyển nữ Philippines.

Nói đến chuyện của Thái Lan, Philippines hay Myanmar để thấy, đạt được thành công mỹ mãn suốt hai thập kỷ qua là thành quả đến từ công sức, nỗ lực không ngừng của “Những cô gái kim cương” - như lời ngợi khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bóng đá nữ đã vượt qua những điều kiện ngoại cảnh đầy thách thức như điều kiện sân bãi, tập luyện ở cấp độ CLB còn nhiều hạn chế, thu nhập của cầu thủ nữ chưa được bảo đảm, hệ thống bóng đá nữ cũng chưa tồn tại cơ chế chuyển nhượng chuyên nghiệp để không ít CLB cũng như cầu thủ nữ được cải thiện thu nhập.

Tấm huy chương của Đội tuyển bóng đá nữ cũng như các môn thể thao khác đều mang trong đó những câu chuyện riêng của sự hy sinh, vượt khó, nghị lực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Lá cờ Tổ quốc được kéo, quốc ca được vang lên khi trao huy chương, mỗi chúng ta đều tự hào và muốn dành lời cảm ơn sâu sắc đến các vận động viên, các huấn luyện viên…
Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Phẩm chất kiên cường của người phụ nữ Việt Nam” là câu cửa miệng được HLV Mai Đức Chung sử dụng để ca ngợi học trò. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhiều cầu thủ nữ đã vươn mình trở thành ngôi sao để mang lại niềm tự hào cho người hâm mộ nước nhà.

Cựu HLV đội tuyển nữ Việt Nam năm 2001, ông Steve Darby cho rằng “các cầu thủ nữ Việt Nam có thể được nhìn nhận như những thần tượng, người truyền cảm hứng” không thua kém ngôi sao ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đó là sự ghi nhận xứng đáng dành cho bóng đá nữ.

Tuy nhiên, nền bóng đá nào cũng cần phát triển, củng cố những vấn đề căn cơ và bền vững, thay vì chỉ chờ đợi “phần ngọn” là đội tuyển quốc gia, hay nỗ lực tự thân của các cầu thủ. Không thể phủ nhận các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam đã rất cố gắng, nhưng bóng đá nữ cần hơn nữa các điều kiện phát triển, để mang lại cho cầu thủ những quyền lợi tương xứng, bên cạnh tối đa hóa tiềm năng hiện có.

Từ hợp đồng của Mỹ Anh
đến trăn trở của bóng đá nữ

Hôm 27/5, CLB bóng đá nữ Thái Nguyên ra mắt 3 cầu thủ mới, gồm Nguyễn Thị Mỹ Anh, Lê Hoài Lương và Trần Thị Kim Anh. Trong đó, Mỹ Anh và Hoài Lương cập bến Thái Nguyên sau khi đạt thỏa thuận kết thúc hợp đồng với CLB bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh. Tại đội bóng mới, Mỹ Anh nhận phí hỗ trợ ký hợp đồng là 500 triệu đồng, cùng mức lương 30 triệu đồng/tháng, còn Hoài Lương nhận 400 triệu đồng cùng mức lương tương tự.

Bản hợp đồng của Mỹ Anh và Hoài Lương đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho bóng đá nữ Việt Nam. Lần đầu tiên, một cầu thủ nữ nhận được tiền phí hỗ trợ chuyển nhượng (hay còn gọi là phí “lót tay”) khi chuyển từ CLB này sang CLB khác.

Hợp đồng của Mỹ Anh cho thấy bóng đá nam và nữ đã bắt đầu tiến tới sự bình đẳng. Không phải chỉ riêng cầu thủ nam mới được ký hợp đồng với mức lót tay cao như vậy. Tôi mong tất cả các CLB đều làm như vậy, để cuộc sống cầu thủ nữ được bảo đảm hơn, yên tâm hơn khi giải nghệ.
HLV Mai Đức Chung

Bản hợp đồng đánh dấu bước tiến của bóng đá nữ Việt Nam.

Bản hợp đồng đánh dấu bước tiến của bóng đá nữ Việt Nam.

Chuyện cơm áo gạo tiền, hay tiền lương, thu nhập mỗi tháng luôn là trăn trở của bóng đá nữ nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Nếu không kể nhóm tuyển thủ quốc gia thường nhận mức thưởng cao (lên tới hàng tỷ đồng) sau những chiến công đạt được, các đồng nghiệp nữ của họ ở cấp CLB lại không may mắn như thế. Mức lương cơ bản của cầu thủ nữ chỉ rơi vào khoảng 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng. Có nhiều trường hợp cầu thủ bỏ đá bóng để đi làm công nhân, bởi mức lương không đủ chi trả cuộc sống.

Bóng đá nữ không chỉ khó mang lại thu nhập tốt cho mặt bằng chung cầu thủ, mà còn hoạt động chủ yếu theo hình thức khép kín. Các đội bóng đào tạo cầu thủ, sử dụng và không tồn tại cơ chế chuyển nhượng, khiến các cầu thủ hiếm khi có bước tiến về mặt thu nhập. Thương vụ Mỹ Anh chuyển đến CLB Thái Nguyên mới là lần đầu tiên, một tuyển thủ nữ nhận tiền lót tay khi ký hợp đồng mới. Chỉ khi nào có thêm những cầu thủ như Mỹ Anh, được đầu tư, tự do ra đi để lựa chọn CLB và trả đãi ngộ thỏa đáng, bóng đá nữ mới thực sự có cú hích để vươn lên. 

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ các đội tuyển thể thao của nước ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Hướng tới
World Cup 2023

Đầu tư để nâng tầm bóng đá nữ cần được chú trọng hơn nữa khi tham vọng của tuyển nữ Việt Nam không còn chỉ giới hạn ở Đông Nam Á. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã xuất sắc giành vé dự Vòng chung kết World Cup lần đầu tiên trong lịch sử sau khi vượt qua Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) ở loạt đấu play-off Asian Cup 2022, tương đương giành hạng 5 chung cuộc. Tại ASIAD 2014, tuyển nữ Việt Nam cũng lọt tới bán kết.

Tấm vé dự World Cup là đỉnh núi cao nhất bóng đá nữ Việt Nam từng chạm tới, và chắc chắn, Huỳnh Như cùng đồng đội không muốn đây chỉ là thành tựu nhất thời. Sau lần đầu dự World Cup, đích ngắm xa hơn của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ là có thêm nhiều lần góp mặt ở giải đấu này. Được chạm trán với những đội tuyển ở đẳng cấp cao nhất thế giới là những bậc thang tuyển nữ Việt Nam phải bước qua để vươn lên tầm vóc mới.

Đội tuyển nữ Việt Nam thua 1-2 trước Australia - đội bóng xếp hạng thứ 6 thế giới trong lần đối đầu cuối cùng hồi tháng 3/2020.

Đội tuyển nữ Việt Nam thua 1-2 trước Australia - đội bóng xếp hạng thứ 6 thế giới trong lần đối đầu cuối cùng hồi tháng 3/2020.

Nền tảng thể lực vượt trội của đội tuyển nữ Australia.

Nền tảng thể lực vượt trội của đội tuyển nữ Australia.

Item 1 of 2

Đội tuyển nữ Việt Nam thua 1-2 trước Australia - đội bóng xếp hạng thứ 6 thế giới trong lần đối đầu cuối cùng hồi tháng 3/2020.

Đội tuyển nữ Việt Nam thua 1-2 trước Australia - đội bóng xếp hạng thứ 6 thế giới trong lần đối đầu cuối cùng hồi tháng 3/2020.

Nền tảng thể lực vượt trội của đội tuyển nữ Australia.

Nền tảng thể lực vượt trội của đội tuyển nữ Australia.

Muốn thường xuyên góp mặt ở World Cup, đội tuyển nữ cần nhiều thế hệ cầu thủ tài năng “gối đầu” nhau, có tính kế thừa để duy trì sức mạnh, thay vì chỉ trông đợi ở một, hai lứa cầu thủ nổi trội. Yếu tố này chỉ có thể đạt được nếu có 3 điều kiện.

Thứ nhất, chất lượng giải vô địch quốc gia nữ phải được nâng tầm, có thêm nhiều địa phương tham gia làm bóng đá nữ, giúp các trận đấu cấp độ CLB có tính ganh đua quyết liệt hơn. Ở giải nữ hiện nay, CLB TP Hồ Chí Minh đã thống trị 6 năm liên tục. Sự cạnh tranh chỉ xuất hiện ở nhóm rất ít các đội như CLB Hồ Chí Minh, Hà Nội, Than Khoáng sản Việt Nam hay Phong Phú Hà Nam, vốn là những CLB thuộc những địa phương nổi danh về bóng đá nữ trước đây, mà chưa có thêm tên tuổi mới.

Thứ hai, đào tạo trẻ cần được đẩy mạnh ở nhiều tỉnh thành nhằm tạo ra thế hệ cầu thủ trẻ trung, đồng đều và chất lượng hơn. Khi mẫu lựa chọn được mở rộng, đội tuyển quốc gia nữ Việt Nam có thêm cơ hội sàng lọc nhân tài. Thứ ba, cầu thủ nữ Việt Nam nên được tạo điều kiện thi đấu nước ngoài để nâng cao hơn nữa trình độ. HLV Mai Đức Chung tiết lộ, nhiều cầu thủ nữ từng được các đội nước ngoài để ý, đưa ra lời mời, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể xuất ngoại.

Đội tuyển nữ Việt Nam trên bục vinh quang.

Đội tuyển nữ Việt Nam trên bục vinh quang.

Đầu tư cho bóng đá nữ Việt Nam là mục tiêu cấp thiết. Theo ông Dương Vũ Lâm, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá TP Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng đoàn đội tuyển nữ Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á như Uzbekistan, Jordan đang đầu tư mạnh mẽ hơn cho bóng đá nữ. Do đó, nếu hài lòng với những thành công hiện tại, bóng đá nữ Việt Nam có thể thụt lùi.

Làm thế nào để nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam, qua đó bảo vệ đỉnh cao SEA Games và hướng tới World Cup, đó là chủ đề sẽ được thảo luận tại Tọa đàm “Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam” do Báo Nhân Dân tổ chức lúc chiều 4/6/2022.

Ngày xuất bản: 4/6/2022