NÂNG CẤP THỊ TRƯỜNG VỐN

để thúc đẩy kinh tế

PHỤC HỒI BỀN VỮNG

ĐÁNH GIÁ, DỰ BÁO KINH TẾ CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2023

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, Báo Nhân Dân thực hiện chuyên đề "Đánh giá, dự báo kinh tế các tháng cuối năm 2023" nhằm nhận diện thánh thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam vượt khó, bứt phá.

Khi nền kinh tế

thiếu kênh dẫn vốn

“Khủng hoảng đa tầng, phục hồi gập ghềnh” là cụm từ được các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý sử dụng để đánh giá về bối cảnh kinh tế Việt Nam thời gian qua.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết kinh tế thế giới xuất hiện tình trạng suy thoái kỹ thuật, cục bộ trong năm 2023. Điều này khiến Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo về tốc độ tăng trưởng cả năm xuống khoảng 2,1-2,4%, thấp hơn khá nhiều so với khoảng 3-3,4% của năm 2022. Còn lạm phát (CPI) cả năm 2023 dự kiến ở mức 5,5%, thấp hơn 2,1% so với năm 2022.

Theo ông Lực, 4 rủi ro đối với bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới được nhận diện gồm: xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ làm tăng rủi ro thị trường tài chính-tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm, nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính-tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn.

Với Việt Nam, chuyên gia này cho biết kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính trong nước. Ngoài ra, tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.

Với doanh nghiệp, những khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, chi phí đầu vào và đầu ra/đơn hàng thu hẹp vẫn hiện hữu.

Tình trạng khó khăn khéo dài, theo ông Lực, khiến các tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức như nợ xấu gia tăng, bên cạnh những rủi ro từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn cần thêm thời gian xử lý.

“Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối diện khủng hoảng đa tầng. Vì vậy, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi. Mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ nằm trong khoảng 5%”, ông Lực dự báo.

Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối diện khủng hoảng đa tầng. Vì vậy, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi. Mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ nằm trong khoảng 5%.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực

Còn ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều có sự sụt giảm. Theo đó, đầu tư công vẫn còn khó khăn, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân.

Xuất khẩu - dù ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai - nhưng tăng trưởng tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giảm nhanh. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang “co rút” lại và “miếng bánh” GDP giảm.

Với tiêu dùng trong nước, ông Quang cho rằng khi đầu tư và xuất - nhập khẩu đều sụt giảm, tổng cung không tạo ra công ăn việc làm, thì không thể kích thích tiêu dùng, dù Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách kích thích nội nhu và tiêu dùng trong nước.

Kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái, tổng cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn suy giảm, cùng những vấn đề nội tại khiến kinh tế Việt Nam đối với “khủng hoảng đa tầng”.

Bối cảnh trên và việc doanh nghiệp dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong khi trong huy động vốn từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khiến triển vọng phục hồi càng “gập ghềnh”.

Một thống kê của FiinRatings về cấu trúc các kênh huy động vốn trên thị trường tài chính cho thấy lượng vốn huy động qua hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng gần 80% năm 2022 - tương ứng 1.462.000 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ ở mức 58,4%. Kết quả này bắt nguồn từ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14,5% cả năm 2022, giai đoạn nền kinh tế có sự phục hồi sau hai năm dịch bệnh.

Ngược lại, huy động qua hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, vốn được định hướng thành hai kênh dẫn vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế giảm 58% về giá trị, kéo tỷ trọng vốn huy động vốn qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp từ mức 41,6% năm 2021 xuống mức 20% năm 2022 – tương ứng 375.000 tỷ đồng.

Kết quả này xuất hiện sau khi các cơ quan quản lý tiến hành xử lý các vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã tạo ra các xung động về tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. Mặt khác, trên thị trường thế giới, đồng đô la Mỹ trên đà tăng đến đỉnh điểm, đã khiến lãi suất và tỷ giá của đồng Việt Nam bắt đầu có biến động, qua đó ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, theo ông Phạm Chí Quang, tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung - dài hạn rất lớn.

Vị này cho biết tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 126%, sau khi quy mô nền kinh tế được tính toán lại. Ngược lại, nếu tính theo quy mô GDP cũ thì tỷ lệ này cao hơn khá nhiều.

“Với tỷ lệ này, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đòn bẩy cao nhất trong nhóm những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới”, ông Quang nói và cho biết đây là một trong những nội dung các tổ chức quốc tế, các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc gia luôn cảnh báo để bảo đảm sự an toàn hệ thống ngân hàng và tài chính.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết thị trường vốn rơi vào tình trạng trầm lắng khi thị trường trái phiếu bước vào thời kỳ tái cấu trúc, thị trường bất động sản gặp khó khăn, còn thị trường chứng khoán sau thời gian lao dốc đã vượt ngưỡng 1.200 điểm, nhưng chưa ổn định. Do đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và cả nền kinh tế hiện vẫn đổ dồn vào các ngân hàng.

“Cứ hễ sản xuất-kinh doanh thiếu vốn là nghĩ tới ngân hàng mà mọi người không nghĩ rằng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, khiến áp lực cho ngành ngân hàng rất lớn”, ông Hùng lo ngại.

Cứ hễ sản xuất-kinh doanh thiếu vốn là nghĩ tới ngân hàng mà mọi người không nghĩ rằng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, khiến áp lực cho ngành ngân hàng rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Nâng cấp thị trường vốn

để góp phần

phát triển kinh tế

Hiểu những khó khăn thị trường chứng khoán và trái phiếu đang đối mặt, ông Phạm Chí Quang cho rằng việc sửa đổi khung chính sách là cần thiết để đảm bảo thị trường vốn phát triển bền vững hơn, qua đó gia tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế, thay vì để nền kinh tế và doanh nghiệp phục thuộc vào nguồn vốn tín dụng.

“Đây không phải là con đường phát triển bền vững, tạo nên tăng trưởng bền vững hay tăng trưởng bao trùm mà cần những nguồn lực khác, trong đó có những nguồn lực đặc biệt quan trọng từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Do đó, chính sách cần phối hợp nhuần nhuyễn, tạo cơ chế để khơi thông tất cả nguồn vốn này”, ông Quang nói.

Sửa đổi khung chính sách là cần thiết để bảo đảm thị trường vốn phát triển bền vững hơn, qua đó gia tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế, thay vì để nền kinh tế và doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước

Với thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết cơ quan này đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chí mà các tổ chức xét nâng hạng thị trường đưa ra.

"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cuối tháng 8 này chúng tôi sẽ tổ chức tọa đàm với các tổ chức xếp hạng tại Hồng Kông để đánh giá tiềm năng chúng ta có thể xếp hạng thị trường lên thị trường mới nổi", bà Phương nói.

Cũng theo vị này, có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần phối hợp các bộ, ngành liên quan để cải thiện, hướng tới hoàn thành lộ trình nâng hạng vào năm 2025, gồm: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Về yêu cầu ký quỹ, quy định tại Thông tư 120/2020 yêu cầu phải bảo đảm đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch, trong khi yêu cầu của các tổ chức xếp hạng là "không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch".

Để tháo gỡ, bà Phương cho rằng phải triển khai đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở và dần tiến tới giảm ký quỹ trước giao dịch về mức 10%.

“Nhà đầu tư - ngân hàng lưu ký nước ngoài có tâm lý e ngại khi không được là thành viên thanh toán bù trừ trực tiếp, mà phải qua ngân hàng trong nước. Nếu  họ được thanh toán bù trừ trực tiếp thì có thể tháo gỡ vướng mắc liên quan giao dịch ký quỹ”, bà Phương phân tích.

Cũng theo bà Phương, Trung tâm Lưu lý Chứng khoán (VSDC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuẩn bị cho việc xây dựng mô hình CCP với thị trường cơ sở. Trong đó, có mô hình được thiến kết theo hướng ngân hàng lưu ký được chấp thuận là thành viên bù trừ, nhưng mô hình này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước trong việc sửa đổi quy định liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.

Về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, bà Phương đề xuất khai một số cấu phần, gồm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài (Foreign Board) với các cổ phiếu hết “room” ngoại. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu nước ngoài.

Ngoài ra, các bộ ngành cần thực hiện rà soát và chỉ áp dụng hạn chế nhà đầu tư nước ngoài với lĩnh vực cần thiết như quốc phòng, an ninh, bảo hộ thương mại.

Bên cạnh các giải pháp trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ gia tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức trên thị trường qua việc tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư thành lập, hướng tới tỷ lệ giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức là 40%-60%, tương tự thị trường Hàn Quốc. Đồng thời rà soát, sửa đổi quy chế, bỏ hạn mức không phù hợp.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ gia tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức trên thị trường qua việc tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư thành lập, hướng tới tỷ lệ giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức là 40%-60%, tương tự thị trường Hàn Quốc.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Bà Phương cho biết số lượng nhà đầu tư vào chứng chỉ quỹ quý 1/2023 có sự tăng trưởng cao với 212.636 nhà đầu tư quỹ mở, tăng 18% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang dần quan tâm hơn đến loại hình đầu tư mới, góp phần dịch chuyển từ nhà đầu tư cá nhân sang nhà đầu tư tổ chức.

Ngoài ra, số lượng quỹ đầu tư chứng khoán mở mới trong năm qua tăng nhanh, từ 47 quỹ vào năm 2019 lên 103 quỹ vào năm 2023, tăng 2,19 lần.

Điều này, theo bà Phương, sẽ giúp thị trường chứng khoán ổn định hơn do ít chịu ảnh hưởng bởi tâm lý của nhà đầu tư cá nhân.

“Dòng tiền thông minh sẽ chảy vào nơi có hiệu quả đầu tư cao hơn”, bà Phương nói.

Với thị trường trái phiếu, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, khuyến nghị chính sách quản lý hướng tới các yếu tố gồm tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, bảo đảm tính thị trường, không hành chính.

“Doanh nghiệp nào cũng có quyền phát hành trái phiếu, nhưng doanh nghiệp phải hướng tới minh bạch, còn lại để thị trường tự đánh giá”, ông Quỳnh nói.

Chính sách quản lý cần hướng tới các yếu tố gồm tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, bảo đảm tính thị trường, không hành chính.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam

Theo ông Quỳnh, yếu tố minh bạch đến từ sự chủ động trong hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp, các yêu cầu của cơ quan quản lý và quy định của pháp luật. Đồng thời, phải có thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được bảo đảm công bằng và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, cần tiến hành đào tạo, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường. Nếu không, doanh nghiệp có minh bạch thông tin cũng không có ý nghĩa.

Ngày xuất bản: 7/8/2023
Chỉ đạo thực hiện: Ngọc Thanh
Tổ chức thực hiện: Hồng Vân
Nội dung: Hoàng Thắng - Khánh Giang
Trình bày: Bảo Minh