TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định việc phát triển thị trường nội địa trong khi kinh tế đang khó khăn là lối đi đúng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây không phải là con đường dài hạn của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Trong dài hạn, kinh tế Việt Nam vẫn phải dựa vào thị trường quốc tế rộng lớn để tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô và chuyên môn hóa theo lợi thế cạnh tranh.

Các nước đang phát triển muốn tăng trưởng tốc độ cao trong dài hạn thì điều kiện tiên quyết là phải tập trung vào đầu tư. Đầu tư vừa tác động lên tổng cầu, vừa tác động lên tổng cung trong dài hạn. Nếu tiêu dùng nội địa quá mức, sẽ làm giảm tiết kiệm và qua đó giảm khả năng đầu tư của nền kinh tế. Một nền kinh tế đang phát triển mà tiêu dùng quá nhiều, thì chắc chắn sẽ không thoát được bẫy thu nhập trung bình.

Muốn đi xa và đi nhanh, Việt Nam vẫn cần tập trung vào phát triển thị trường nước ngoài. Tiến sĩ Tú Anh phân tích: “Nếu phát triển thị trường nội địa, chỉ có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng từ 2-3%, con số này với thị trường nước ngoài là 6-7%”.

BA NGUYÊN NHÂN

LÀM KINH TẾ

TĂNG TRƯỞNG CHẬM

PV: Thưa ông, tình hình kinh tế-xã hội quý II/2023 đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không đạt kỳ vọng. Từ những dữ liệu đã có, ông nhận định thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023?

TS Nguyễn Tú Anh: Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, có 2 điều gần như chưa từng xảy ra:

Một là, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp suy giảm mạnh, với tốc độ tăng trưởng “âm” 0,75% trong quý I và chỉ tăng +1,56% trong quý II. Nếu xét chỉ số sản xuất công nghiệp thì quý I âm 2,6% và quý II tăng 0,2%. 

Sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Hai là, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa suy giảm đáng kể. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 10,6% so cùng kỳ năm trước.

7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 10,6% so cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 10,6% so cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thực chất, dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế đã bắt đầu từ quý IV 2022.

Cụ thể, vào tháng 11/2022 chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm xuống 47,4 điểm, nằm dưới ngưỡng trung tính 50 khá xa. Từ đó đến nay chỉ có tháng 2/2023 là chỉ số PMI đạt trên 50 và đến tháng 7/2023 chỉ số này vẫn chỉ 48,7 điểm.

Chỉ số PMI liên tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy tâm lý thu hẹp sản xuất của các nhà quản trị chưa đạt tới điểm dừng để đảo chiều tăng trở lại.

Trước những khó khăn như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,72% - thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu mà chúng ta đề ra 6,5% - cũng là một sự khích lệ đáng kể.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu và hàng công nghiệp chế biến chế tạo. Trong năm 2022 xuất khẩu chiếm 90,8% GDP và trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì hàng chế biến chế tạo chiếm 86%.

Ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu lên tăng trưởng kinh tế qua 3 kênh trực tiếp và gián tiếp:

(i) xuất khẩu giảm trực tiếp làm giảm thu nhập của người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, qua đó làm giảm giá trị gia tăng của những ngành này;

(ii) xuất khẩu giảm làm giảm nhu cầu đối với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho hoạt động xuất khẩu (điện, nước, bao bì, dịch vụ logistics, nguyên vật liệu sản xuất trong nước, v.v…) qua đó làm giảm tiếp giá trị gia tăng những doanh nghiệp này;

(iii) thu nhập hai nhóm ngành trên giảm sẽ làm giảm tiêu dùng cuối cùng từ hai nhóm ngành này, qua đó làm giảm tổng cầu của tất cả các ngành khác trong nền kinh tế;

(iv) xuất khẩu giảm làm giảm kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế qua đó giảm nhu cầu đầu tư vào nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu.

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu.

Như vậy, hoạt động xuất khẩu giảm tại một nước có tỷ lệ xuất khẩu chiếm hơn 90% GDP như Việt Nam sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ lên cả tiêu dùng cũng như đầu tư thông qua giảm thu nhập và kỳ vọng. Sự sụt giảm mạnh của nhập khẩu cho thấy nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh đã giảm, khi hơn 90% nhập khẩu của Việt Nam là cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng các năm 2019-2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng các năm 2019-2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu giảm 10,3% và nhập khẩu giảm 17,4%. Hệ quả, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng giảm mạnh. Trong đó, những ngành then chốt, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập như dệt may, giày da, … suy giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11,58 tỷ USD, gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh như vậy, 3,72% lại là một con số tăng trưởng GDP rất đáng khích lệ.
TS Nguyễn Tú Anh

Trong bối cảnh như vậy, 3,72% lại là một con số tăng trưởng GDP rất đáng khích lệ.

Con số này cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng dương trong điều kiện xuất nhập khẩu giảm mạnh; sức mạnh nội tại của nền kinh tế đã có thể kháng cự khá tốt đối với các cú sốc bất lợi bên ngoài.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận sự kháng cự tốt của kinh tế Việt Nam có phần nhờ hưởng lợi từ việc tăng giá sản phẩm nông nghiệp, qua đó làm cho vai trò bệ đỡ của khu vực nông nghiệp phát huy tác dụng cao trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, Việt Nam đã chịu tác động tiêu cực khi đồng USD lên giá mạnh vào năm 2022.

Khi các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ, … phá giá đồng tiền nội địa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh khốc liệt. Bởi, khi đồng tiền nội địa mất giá thì năng lực cạnh tranh của xuất khẩu, thu hút vốn FDI của các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam sẽ tăng lên vượt trội.

Thứ ba, quá trình dịch chuyển địa chính trị đã ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam khi Mỹ và nhiều nước phương Tây thực hiện chính sách phân cực, kiềm chế Trung Quốc, bao vây cấm vận Nga, làm phân hóa dòng vốn và dòng thương mại quốc tế theo các cực địa chính trị.

Việt Nam là nước có độ mở lớn, như đã nói ở trên, một mặt, ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất, đồng thời lại phụ thuộc vào Mỹ và các đối tác phương tây về thị trường đầu ra.

Một mặt, ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất, đồng thời lại phụ thuộc vào Mỹ và các đối tác phương Tây về thị trường đầu ra.
TS Nguyễn Tú Anh

Quá trình phân cực hoạt động kinh tế quốc tế này đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã xử lý tương đối khéo léo trong quá trình dịch chuyển địa chính trị này.

Chúng ta vẫn đang chứng minh cho thế giới thấy rằng, Việt Nam có thể bắc cây cầu kết nối các cực địa chính trị này bảo đảm lợi ích chung cho tất cả các nước, và giảm thiểu những thiệt hại cho kinh tế toàn cầu trong quá trình điều chỉnh này.

Bằng chứng là vốn FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 6 và tháng 7. Đầu tư của cả Trung Quốc và các nước phương tây tiếp tục tìm đến Việt Nam như là một điểm đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.

PV: Theo ông đâu là động lực tăng trưởng kinh tế của 6 tháng cuối năm?

TS Nguyễn Tú Anh: Theo tôi, để thúc đẩy kinh tế trong 6 tháng cuối năm thì chúng ta phải tìm ra nguyên nhân của vấn đề cốt lõi: Tại sao xuất khẩu giảm? và làm thế nào để neo giữ kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Việc xuất khẩu giảm trong khi kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng và dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1,9% trong năm 2023. Chi tiêu của người dân Mỹ năm 2023 được Deloitte ước tính tăng 2,3%. Kinh tế EU cũng được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1% năm 2023.

Các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng trưởng.

Như vậy tổng cầu của các đối tác chính của Việt Nam đều tăng, vậy tại sao cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ các nước này lại giảm? 

Trên thực tế các nước EU, Mỹ liên tục tăng lãi suất để kìm hãm tổng cầu, chống lạm phát. Cụ thể, ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp, nâng chi phí vay của khu vực đồng euro lên 2,5%; FED ngày 26/7 cũng tăng lãi suất lên mức 5,25%-5,5% - đây đều là mức cao nhất trong 22 năm qua.

Như vậy, trên thực tế, xuất khẩu Việt Nam giảm đang phản ánh một thực tế là Việt Nam đang mất thị phần trên thị trường quốc tế. Để trả lời câu hỏi “Vì sao hàng hóa Việt Nam đột nhiên mất thị phần ở quy mô lớn như vậy?”, tôi nghĩ cần phải có một nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tất cả nhiều mặt. Bởi nếu chúng ta dễ dàng thỏa mãn trước các câu trả lời thì những phản ứng đưa ra thường không toàn diện.

Như vậy, trên thực tế, xuất khẩu Việt Nam giảm đang phản ánh một thực tế là Việt Nam đang mất thị phần trên thị trường quốc tế. Để trả lời câu hỏi: “Vì sao hàng hóa Việt Nam đột nhiên mất thị phần ở quy mô lớn như vậy?”, tôi nghĩ cần phải có một nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tất cả nhiều mặt. Bởi nếu chúng ta dễ dàng thỏa mãn trước các câu trả lời, thì những phản ứng đưa ra thường không toàn diện.
TS Nguyễn Tú Anh

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG

CÓ THỂ ĐẠT 5,5% - 6%

PV: Vậy từ kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm, ông đánh giá thế nào về triển vọng, động lực kinh tế của Việt Nam năm 2023?

TS Nguyễn Tú Anh: Bên cạnh những yếu tố bất lợi, Việt Nam cũng đang có nhiều yếu tố thuận lợi.

Thứ nhất, giải ngân đầu tư công đã đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.

Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.

Đây là một nguồn vốn bổ sung, một cú hích rất tốt để hỗ trợ nền kinh tế nội địa. Bởi giải ngân đầu tư công là một tín hiệu kích cầu rất sáng mà Chính phủ gửi tới khu vực tư nhân, nhất là khi thị trường nước ngoài còn yếu.

Theo thông lệ, càng cuối năm các vấn đề giải ngân đầu tư công càng tăng nhanh.

Thứ hai, ngân hàng nhà nước vừa rồi đã giảm lãi suất liên tục. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm, …

Lãi suất giảm sẽ giúp ngân hàng hỗ trợ cho các khoản vay đầu tư và tiêu dùng. Đó là một trong các yếu tố quan trọng để kích cầu nội địa.

Tuy chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhưng việc giảm mức lãi suất sẽ mang lại cho nền kinh tế hai điều kiện thuận lợi:

Một là, lãi suất giảm giúp các dự án có suất lợi nhuận thấp, ít rủi ro có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Hai là, lãi suất giảm sẽ làm cho dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Từ đó, chứng khoán lên giá. Khi đó, các doanh nghiệp trên sàn có thể mở rộng hoặc phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu. Đồng thời giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng lên, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng số nợ sẽ giảm qua đó giúp doanh nghiệp có thêm dư địa để vay vốn của ngân hàng.

Thứ ba, vốn FDI vào Việt Nam tăng trở lại với nhiều dự án lớn bắt đầu được triển khai.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so cùng kỳ và tăng 8,8 điểm phần trăm so 6 tháng đầu năm.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 các năm 2019-2023 (tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 các năm 2019-2023 (tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính chung 7 tháng đầu năm, có 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% về số dự án và tăng 38,6% về số vốn so cùng kỳ.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so cùng kỳ (giảm 42,5%) song mức giảm đang có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm.

Cụ thể, vốn đầu tư điều chỉnh 7 tháng đầu năm giảm 42,5% so cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 57,1% trong 6 tháng; mức giảm 59,4% trong 5 tháng; mức giảm 68,6% trong 4 tháng; mức giảm 70,3% trong 3 tháng và mức giảm 85,2% trong 2 tháng đầu năm 2023.

Đây là một điều quan trọng vì vốn FDI có khả năng ảnh hưởng tới quy mô của cả nền kinh tế thông qua neo giữ kỳ vọng tích cực. Dòng FDI tăng trưởng đưa ra một tín hiệu rõ ràng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước “Việt Nam vẫn là nơi có triển vọng kinh tế tốt, là nơi đáng để đầu tư”.  

Dòng FDI tăng trưởng đưa ra một tín hiệu rõ ràng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước “Việt Nam vẫn là nơi có triển vọng kinh tế tốt, là nơi đáng để đầu tư”.  
TS Nguyễn Tú Anh

Vốn FDI tăng còn điều kiện thuận lợi của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sau báo cáo tháng 4/2023 của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) khi cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng khá lớn bởi yếu tố địa chính trị trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Nhưng số liệu thực tế đã cho thấy điều ngược lại, các nhà đầu tư từ các nước phương tây và từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam.

Dường như những xung đột địa chính trị hiện nay bên cạnh các thách thức thì vẫn đang tạo ra một cơ hội cho những nước như Việt Nam.

Ngoài ra, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), tình hình xuất khẩu trong quý IV,… có thể là điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Tổng hợp những các yếu tố khó khăn và thuận, tôi nghĩ mục tiêu tăng trưởng 6.5% của chúng ta là khó đạt. Con số dự đoán tôi đưa ra là tăng trưởng kinh tế năm 2023 đâu đó khoảng 5,5% - 6%.

Tổng hợp những các yếu tố khó khăn và thuận lợi, tôi nghĩ mục tiêu tăng trưởng 6.5% của chúng ta là khó đạt. Con số dự đoán tôi đưa ra là tăng trưởng kinh tế năm 2023 đâu đó khoảng 5,5% - 6%.
TS Nguyễn Tú Anh

PHẢI KHÔI PHỤC

THỊ PHẦN XUẤT KHẨU

PV: Trước những biến động của thế giới, việc phát huy nội lực của một quốc gia ngày càng được quan tâm. Theo ông, làm thế nào để phát huy sức mạnh nội lực, đưa Việt Nam vượt qua khó khăn?

TS Nguyễn Tú Anh: Hiện nay, Việt Nam đang cố gắng phát triển thị trường nội địa để bù vào sự sụt giảm của thị trường nước ngoài. Chúng ta cũng đang cố gắng hiện thực hóa mục tiêu này bằng các chính sách giảm, giãn thuế, giảm lãi suất, gia tăng đầu tư công…

Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm kích cầu thị trường trong nước chỉ nên mang tính chất tạm thời.

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, thì đầu tư quan trọng hơn tiêu dùng. Thị trường toàn cầu rộng lớn cho phép các hoạt động đầu tư tận dụng được lợi thế về chuyên môn hóa và lợi thế nhờ quy mô.

Đồng thời, các doanh nghiệp nếu chỉ tập trung vào thị trường trong nước sẽ thiếu động lực cạnh tranh quốc tế, và về lâu dài sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn át ngay tại thị trường trong nước.

Việc khuyến khích tiêu dùng thái quá sẽ làm giảm tiết kiệm, qua đó giảm nguồn vốn sẵn có cho đầu tư. Vốn đầu tư trong nước yếu thì sẽ khó mà thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, đầu tư trong nước thấp và nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài thì nền kinh tế sẽ đánh mất khả năng độc lập tự chủ.

Việt Nam vẫn phải kiên định con đường phát triển hướng xuất khẩu để tích lũy năng lực cạnh tranh, sử dụng ngoại tệ nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật.

Việt Nam vẫn phải kiên định con đường phát triển hướng xuất khẩu để tích lũy năng lực cạnh tranh, sử dụng ngoại tệ nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật.
TS Nguyễn Tú Anh

Lịch sử phát triển kinh tế cho thấy các nước thực hiện chính sách thay thế nhập khẩu, tập trung vào khai thác thị trường trong nước (ví dụ các nước Mỹ La-tinh trong thế kỷ trước) đều không thể tăng trưởng nhanh và thường rơi vào khủng hoảng.

Trong khi các nước như Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc đều định hướng xuất khẩu và đều có hàng thập kỷ tăng trưởng rất cao và vượt lên đói nghèo trở thành nước thu nhập cao.

Muốn đi xa và đi nhanh, chắc chắn chúng ta phải phát triển thị trường nước ngoài. Bởi vì nếu so sanh với quốc tế quy mô của thị trường trong nước quá nhỏ. Chỉ khi tập trung vào thị trường nước ngoài, chúng ta mới có thị trường quy mô lớn. Quy mô thị trường lớn thì mới có quy mô sản xuất lớn. Quy mô sản xuất lớn thì giá thành mới rẻ, tốc độ sản xuất mới nhanh.

Trước mắt, chúng ta phải khôi phục thị trường xuất khẩu để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sau 6 tháng đầu chật vật, Việt Nam bắt đầu nhận được các đơn hàng xuất khẩu, bởi doanh nghiệp đã bắt đầu thích ứng. Các doanh nghiệp đều đã rất nỗ lực đi gặp gỡ, khảo sát thị trường, tìm hiểu nguyên nhân, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với yêu cầu mới của thị trường.

Trước đại dịch, các nước phát triển là các xã hội tiêu dùng trong ngành dệt may – thế mạnh của Việt Nam. Thí dụ: Họ có thể mua một bộ quần áo mặc 7 - 8 lần rồi lại mua bộ khác. Hành vi này tạo ra một thị trường rất lớn cho ngành dệt may. 

Nhưng sau đại dịch, họ hạn chế thay đổi quần áo. Đồ còn mặc được người ta sẽ mặc, giày còn tốt người ta sẽ đi.

Những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi nhu cầu với hàng hóa. Đó là việc Việt Nam phải suy tính về lâu, về dài.

Muốn đi xa và đi nhanh, chắc chắn chúng ta phải phát triển thị trường nước ngoài. Bởi vì nếu so sánh với quốc tế quy mô của thị trường trong nước còn quá nhỏ. Chỉ khi tập trung vào thị trường nước ngoài, chúng ta mới có có thị trường quy mô lớn. Quy mô thị trường lớn thì mới có quy mô sản xuất lớn. Quy mô sản xuất lớn thì giá thành mới rẻ, tốc độ sản xuất mới nhanh.
TS Nguyễn Tú Anh

.

Ngày xuất bản: 23/8/2023
Chỉ đạo thực hiện: Ngọc Thanh
Tổ chức thực hiện: Hồng Vân
Nội dung: Thi Uyên - Khánh Giang
Ảnh: Nhật Quang
Trình bày: Bảo Minh