Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar; tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 27/10 đến 1/11/2024, theo lời mời của Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan; Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani và Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm, cũng là chuyến thăm làm việc đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ của Việt Nam với UAE, Qatar và Saudi Arabia cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với các quốc gia tại vùng Vịnh.

Việt Nam-UAE: đẩy mạnh hợp tác thực chất

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là nền kinh tế lớn thứ hai trong sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), là trung tâm tài chính-thương mại hàng đầu ở Trung Đông và là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ngành công nghiệp chủ chốt tại UAE là khai thác và chế biến dầu mỏ, với sản lượng dầu khai thác đạt khoảng hơn 3 triệu thùng/ngày. Các ngành nông nghiệp quan trọng khác tại UAE là chăn nuôi và trồng chà là.

Trong những năm gần đây, UAE triển khai thành công chính sách giảm phụ thuộc vào dầu mỏ (hiện dầu mỏ chiếm 30% GDP và mục tiêu giảm xuống 20% từ nay đến 2030); đồng thời, đa dạng hóa nền kinh tế (tập trung phát triển công nghiệp, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, tài chính, thương mại…).

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), sáng 20/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan. (Ảnh: TTXVN)

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), sáng 20/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan. (Ảnh: TTXVN)

Kể từ khi Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993, hợp tác song phương duy trì đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất. Về chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Trong đó, Ủy ban Liên Chính phủ giữa hai nước được thành lập từ tháng 02/2009, đến nay, hai bên đã tổ chức 5 kỳ họp. Đồng thời, Cơ chế Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập từ 2009. Hai bên cũng tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, như Liên hợp quốc.

Về hợp tác giáo dục-đào tạo, tại kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-UAE vào tháng 5/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Đại học UAE đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác (MOU) trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-UAE những năm gần đây đạt khoảng gần 5 tỷ USD, trong đó kim ngạch trong năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Hai nước đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) vào tháng 6/2023.

Cuộc họp giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE chủ trì, diễn ra tại Hà Nội, chiều 30/7/2024. (Ảnh: TTXVN)

Cuộc họp giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE chủ trì, diễn ra tại Hà Nội, chiều 30/7/2024. (Ảnh: TTXVN)

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE, gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, dệt may, vải, ngọc trai, đá quý, hạt điều, gạo, chè, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất, rau quả… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm nguyên liệu nhựa, khí hóa lỏng LNG, chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất, sản phẩm hóa chất…

Cộng đồng người Việt tại UAE hiện có gần 5.000 người, đa phần là người lao động ngắn hạn, làm việc trong các ngành nghề như xây dựng, dịch vụ nhà hàng-khách sạn, bán hàng, cơ khí, đóng tàu, giúp việc gia đình... sinh sống tập trung tại Abu Dhabi và Dubai.

Hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, nổi bật là Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Khoa học Kỹ thuật và Thương mại (năm 1999); Hiệp định về vận chuyển hàng không (năm 2001); Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 2009); Hiệp định vận tải hàng không (năm 2014); Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp UAE... cùng nhiều bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học-công nghệ, lao động, tài nguyên-môi trường....

 Việt Nam-Qatar: khai thác tiềm năng thế mạnh

Qatar có tiềm năng kinh tế mạnh khi là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới và là trung tâm tài chính-thương mại hàng đầu ở khu vực Trung Đông. Đặc biệt Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

Qatar có thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 78.700 USD năm 2023, đứng đầu tại khu vực Trung Đông và thứ 8 thế giới. Nhà nước Qatar thực thi chính sách đối ngoại cân bằng, đẩy mạnh nỗ lực trung gian, hòa giải để nâng cao vai trò, vị thế tại khu vực và thế giới.

Nền kinh tế của Qatar chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác, chế biến dầu mỏ và khí đốt (khoảng 85% nguồn thu xuất khẩu). Thực hiện chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế, Qatar hiện chú trọng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác, như công nghiệp hóa chất, phân bón, sản xuất sắt thép, nhôm và đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ như hàng không, cảng biển, ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch...

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, sáng 20/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani. (Ảnh: TTXVN)

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, sáng 20/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani. (Ảnh: TTXVN)

Với chính sách Tầm nhìn Quốc gia 2030 (Vision 2030), Qatar hướng tới trở thành nước phát triển với hạ tầng xã hội tiên tiến, chất lượng sống cao thông qua việc thực hiện 4 trụ cột chính sách về kinh tế, xã hội, con người và môi trường.

Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 8/2/1993), hợp tác giữa Việt Nam và Qatar đang trên đà phát triển tốt đẹp, hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Qatar đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước được thành lập từ năm 2007, đến nay, hai bên đã tổ chức 2 kỳ họp. Đồng thời, hai nước duy trì cơ chế Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, được thiết lập từ năm 2007, đến nay, hai bên đã tổ chức 3 kỳ họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhà nước Qatar Soltan Bin Saad Al-Muraikhi, ngày 19/7/2024. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhà nước Qatar Soltan Bin Saad Al-Muraikhi, ngày 19/7/2024. (Ảnh: TTXVN)

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt khoảng 497 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022). Việt Nam nhập khẩu từ Qatar chủ yếu các sản phẩm khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, phân u-rê… và xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, gốm sứ, rau quả, hàng điện tử…

Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hai nước đã ký MOU hợp tác giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học (năm 2012) và MOU hợp tác về trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên (năm 2020). Hằng năm, Qatar cấp cho Việt Nam các suất học bổng học tiếng Arab, trong các khóa học kéo dài 9 tháng.

Hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, nổi bật là Hiệp định về quy định tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc tại Qatar (hiệu lực từ năm 2009); Hiệp định về vận chuyển hàng không (hiệu lực từ năm 2011); Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau (hiệu lực từ năm 2021) và Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học (hiệu lực từ năm 2018).

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng và trên hết tạo dựng một cách vững chắc sự tin cậy chính trị để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và ba nước cũng như toàn khu vực.

- Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng

Việt Nam-Saudi Arabia: tiếp nối đà phát triển tích cực

Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất tại vùng Vịnh, có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, đang nỗ lực vươn lên trở thành trung tâm tài chính, thương mại, du lịch hàng đầu tại khu vực, thông qua triển khai quyết liệt chiến lược “Tầm nhìn 2030” nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Những năm gần đây, Saudi Arabia đẩy mạnh điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng phát huy vai trò trung gian hòa giải cho các xung đột lớn ở khu vực; đa dạng hóa quan hệ, tăng cường chính sách hướng Đông.

Chính phủ Saudi Arabia đặt mục tiêu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế hàng đầu tại khu vực Trung Đông và thế giới vào năm 2030. Đặc biệt, gần đây Saudi Arabia chú trọng đầu tư vào kinh tế xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Hoàng thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman, ngày 20/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Hoàng thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman, ngày 20/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ ngày 21/10/1999), quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất được triển khai. Hai nước tích cực thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 2,7 tỷ USD.

Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đến Saudi Arabia bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, gạo, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, hàng rau quả... Việt Nam nhập các sản phẩm của Saudi Arabia, chủ yếu gồm chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng, thức ăn gia súc và nguyên liệu, kim loại thường khác, cao su, quặng và khoáng sản khác...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia, tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia, tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ngày 19/10/2023. (Ảnh: TTXVN)

Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động (năm 2006), Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động giúp việc gia đình Việt Nam làm việc tại Saudi Arabia (năm 2014). Tính đến cuối 2023, cộng đồng người Việt Nam tại Saudi Arabia có khoảng 4.000 người, chủ yếu là lao động được các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam đưa sang làm việc. Hằng năm, Saudi Arabia cung cấp một số học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập và nghiên cứu tại các trường đại học của Saudi Arabia.

Hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, nổi bật là Hiệp định khung hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và kỹ thuật (năm 2006); Hiệp định về Hợp tác nông nghiệp (năm 2010); Hiệp định Vận chuyển hàng không Việt Nam-Saudi Arabia (năm 2019)... cùng nhiều bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực, như tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, lao động, thể thao, thương mại...

Chuyến thăm chính thức tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nhà nước Qatar, cùng chuyến thăm làm việc tới Vương quốc Saudi Arabia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025. Qua đó, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia bạn bè tại Trung Đông.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư và các lĩnh vực mới. Đồng thời, tạo động lực mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với ba nước cũng như với khu vực vùng Vịnh.

Một góc thành phố Dubai của UAE. (Ảnh: Reuters)

Một góc thành phố Dubai của UAE. (Ảnh: Reuters)

Ngày xuất bản: 26/10/2024
Chỉ đạo thực hiện: PHẠM MINH ĐỨC - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: SONG MINH - HỒNG DUY
Trình bày: NHÃ NAM