Mở cửa hoàn toàn du lịch

Tìm đà bứt phá


Ngay sau khi Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, trong đó bao gồm cả hoạt động đón khách quốc tế (inbound) và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài (outbound), Du lịch Việt Nam đã trong trạng thái sẵn sàng, chỉ chờ hiệu lệnh là xuất phát. Nhưng để lấy lại lợi thế cạnh tranh, bứt phá trong cuộc đua hút du khách quốc tế sau ngày 15/3 cần sự nỗ lực dài hơi và không chỉ của riêng ngành du lịch.

Chuẩn bị cho “giờ G” 


Để chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, ngành du lịch Việt Nam đã có sự chuẩn bị bằng chương trình mở cửa thí điểm đón khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine từ tháng 11/2021. 

Là một trong những địa phương thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, du lịch Khánh Hòa đã thu được những kết quả tích cực và những kinh nghiệm thiết thực cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch. 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, tính đến ngày 10/3/2022, Khánh Hòa đã đón được 51 chuyến bay với gần 11.000 khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường như: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, chiếm chủ yếu trong lượng khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine đến Việt Nam trong giai đoạn này. 

Hầu hết du khách quốc tế đều thể hiện sự hài lòng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ được cung cấp và bày tỏ sự tin tưởng về các giải pháp phòng, chống dịch, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách trong thời gian lưu trú trên địa bàn tỉnh. 

Du khách quốc tế theo chương trình mở cửa thí điểm thăm quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar, Nha Trang, Khánh Hòa.

Du khách quốc tế theo chương trình mở cửa thí điểm thăm quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar, Nha Trang, Khánh Hòa.

Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lan rộng tại Việt Nam, nguy cơ do dịch bệnh đưa lại luôn thường trực, bà Thanh cho hay tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng chống và xử lý sự cố ngay từ tháng 10/2021 và đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm. 

Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa chia sẻ: “Do có sự chuẩn bị rất tốt về công tác này nên cho đến nay, chúng tôi chưa để xảy ra sự cố nào về dịch bệnh ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của khách du lịch và người dân địa phương”. 

Từ những kinh nghiệm đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm tại 3 địa phương là Khánh Hòa, Kiên Giang và Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022, tham khảo ý kiến đóng góp của các Bộ, Ngành liên quan.

Phương án này gồm việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt bảo đảm an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Những du khách Nga trong đoàn 325 khách tới Khánh Hòa ngày 3/3 làm thủ tục tại sân bay Cam Ranh.

Những du khách Nga trong đoàn 325 khách tới Khánh Hòa ngày 3/3 làm thủ tục tại sân bay Cam Ranh.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc mở lại hoạt động du lịch cần bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022.

Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt mà phải có tổ chức, chặt chẽ và phải bảo đảm có lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022

 

Ngay từ đầu năm nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế và tiến hành nhiều chương trình khởi động cho ngày trở lại hoàn toàn của Du lịch Việt. 

Tín hiệu khởi động rõ nhất đang đến từ khối outbound. Theo khảo sát của phóng viên Nhân Dân, vào thời điểm hiện tại, lượng khách đến tham khảo và đăng ký tour nước ngoài tại các đơn vị lữ hành bắt đầu có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại sau hơn 2 năm “mỏ vàng” này bị đóng băng vì Covid-19.

Chưa cần tới ngày 15/3, ngay từ tháng 2, nhiều tour đi nước ngoài như: hành hương về miền đất Phật ở Ấn Độ, tour đi Thái Lan, Trung Đông,… đã hút nhiều du khách sau hơn 2 năm Covid-19 khiến biên giới bị đóng cửa. 

Cụ thể, theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, vào cuối tháng 4 tới đây, đơn vị này sẽ có 2 đoàn khách kết hợp công tác và đi du lịch tại Dubai. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tổ chức các nhóm 5-10 người đi du lịch theo hình thức tương tự tại Châu Âu và Châu Mỹ. 

Công ty Du lịch Châu Mỹ (Pan American Tour) đã mở các tour outbound ngay từ thời điểm cuối tháng 2 khi đường bay quốc tế được “thông suốt”. Ông Ngô Văn Thỏa, Giám đốc công ty thông tin, Pan American Tour đều có các chuyến khởi hành vào thứ 6 và thứ 7 hằng tuần và lịch đặt trước các tour đã kín tới tháng 4. 

“Chúng tôi ưu tiên các điểm đến khách hàng có thể đi ngay lập tức như Dubai, Maldives; sau đó sẽ tiếp tục tiến tới các điểm xa hơn như Mỹ, Canada trong tháng 5 và tháng 6”, ông Thỏa chia sẻ. 

Vietravel – một trong những đơn vị đã mở bán các tour nước ngoài nhanh nhất thị trường cũng đã đón nhận một số lượng đặt tour đáng kể. Cụ thể, theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh – Phó Giám đốc Ban tiếp thị, Viettravel đã “phất cờ” với các sản phẩm đa dạng, phủ sóng cả 5 châu như Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka, Dubai, Maldives, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, châu Âu, Australia… 

“Hiện tại các thị trường được khách quan tâm nhiều nhất là: Dubai, Thái Lan, Maldives, Ấn Độ… Ngay từ cuối tháng 2/2022, Vietravel đã tổ chức đoàn 180 khách thuê bao nguyên chuyến bay (charter) đi hành hương Ấn Độ, khởi hành từ Thành phố Hà Nội và khoảng 45 khách đi Dubai khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 4/3/2022. Đây là 2 đoàn khách outbound khởi hành đầu tiên của công ty trong năm 2022”, bà Vân Khanh nhấn mạnh. 

Theo dự kiến, trong tháng 3, doanh nghiệp này sẽ có 4 đoàn đi Dubai (với hơn 100 khách), 3 đoàn đi Thái Lan (hơn 50 khách), 1 đoàn đi Maldives (gần 20 khách). Các đoàn đi Singapore dự kiến sẽ khởi hành vào cuối tháng 3; trong khi đó điểm đến Châu Âu, châu Đại dương và Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 4/2022. Ngoài ra, tại khu vực Hà Nội, đoàn charter hành hương Ấn Độ cũng sẽ khởi hành vào ngày 25/3 tới – chỉ 10 ngày sau khi chính sách mở cửa du lịch quốc tế có hiệu lực. 

Về việc bảo đảm an toàn cho du khách khi đi ra nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định đã xây dựng quy trình chặt chẽ nhất căn cứ trên quy định phòng chống dịch của các điểm đến. 

“Cụ thể, chúng tôi theo dõi và cập nhật liên tục chính sách của nước sở tại, đồng thời tiến hành mua bảo hiểm ở mức cao nhất cho khách hàng. Ngoài ra, về mặt hậu cần, chúng tôi cũng bảo đảm luôn có thường trực tại các điểm đến để có thể giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh nếu có”, ông Thỏa nói. 

Chưa có đoàn khách đi nước ngoài như tại các thị trường lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, song Công ty du lịch Vietrantour chi nhánh Ninh Bình đã xây dựng các sản phẩm outbound để sẵn sàng cho giai đoạn sau 15/3. 

Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc công ty cho biết, ngay từ khi nắm được thông tin ngành du lịch sẽ được mở lại hoàn toàn từ ngày 15/3, Vietrantour Ninh Bình đã xây dựng và chào bán các sản phẩm outbound như tour Dubai, châu Âu,…. Tuy nhiên, vừa là thị trường nhỏ, vừa do có yếu tố dịch bệnh tác động nên hiện có nhiều khách hàng đã tham khảo chương trình nhưng vẫn chờ tin tức về dịch bệnh để quyết định mua tour. 

“Mặc dù vậy, chúng tôi nhận thấy đó vẫn là tín hiệu khả quan cho sự phục hồi của ngành lữ hành địa phương”, ông Biên chia sẻ. 

Hiện, nhiều quốc gia và khu vực đã nới lỏng các quy định về y tế khi nhập cảnh với du khách quốc tế khiến thị trường outbound được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. 

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma tiễn đoàn du khách Việt Nam theo tour đến các điểm đến Phật giáo tại Ấn Độ hôm 28/2 do công ty Gotadi phối hợp với hãng Hàng không IndiGo (Ấn Độ) tổ chức. (Ảnh: Đại Sứ quán Ấn Độ)

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma tiễn đoàn du khách Việt Nam theo tour đến các điểm đến Phật giáo tại Ấn Độ hôm 28/2 do công ty Gotadi phối hợp với hãng Hàng không IndiGo (Ấn Độ) tổ chức. (Ảnh: Đại Sứ quán Ấn Độ)

Đoàn khách đầu tiên của Vietravel khởi hành từ Thành phố HCM đến Thái Lan vào đầu tháng 3. (Ảnh: Vietravel)

Đoàn khách đầu tiên của Vietravel khởi hành từ Thành phố HCM đến Thái Lan vào đầu tháng 3. (Ảnh: Vietravel)

Đoàn khách của Công ty Du lịch châu Mỹ tại Dubai vào đầu tháng 3 (Ảnh: PAT)

Đoàn khách của Công ty Du lịch châu Mỹ tại Dubai vào đầu tháng 3 (Ảnh: PAT)

Các công ty lữ hành đã nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch nước ngoài ngay từ đầu năm nay (Ảnh chụp màn hình)

Các công ty lữ hành đã nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch nước ngoài ngay từ đầu năm nay (Ảnh chụp màn hình)

Lực cản xuất phát


Trái với sự nhộn nhịp của khối outbound, khối inbound vẫn trong tình trạng nhỏ giọt. Nguyên nhân do nhiều yếu tố, từ chính sách, quy định nhập cảnh với khách quốc tế tới tình hình dịch bệnh. 

Mặc dù đồng ý với quan điểm việc mở cửa du lịch từ 15/3 có ý nghĩa hết sức quan trọng với du lịch Việt Nam nói chung và các đơn vị lữ hành nói riêng, hầu hết các doanh nghiệp đều mong mỏi cần phải sớm cụ thể hóa chính sách khi áp dụng vào thực tế.  

Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bày tỏ, trong hơn 2 năm qua, dù hết sức khó khăn nhưng các doanh nghiệp du lịch và lữ hành tại Đà Nẵng vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng cho sự trở lại. Lãnh đạo thành phố, sở du lịch, hiệp hội cũng rất quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện để bắt được cơ hội này đón khách quốc tế. Nhưng điều những người làm du lịch hiện nay mong chờ là một hướng dẫn cụ thể, thông thoáng.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo RedTours cho biết: “Thời điểm này, chúng tôi cũng đã nhận được thông tin một số khách/đoàn hỏi vào Việt Nam. Tuy nhiên, các đoàn này chủ yếu dự định đi vào thời gian từ khoảng tháng 9 trở ra. Còn thông tin các đoàn vào ngay sau thời điểm 15/3 thì hiện tại chúng tôi chưa có”. 

Cùng chung quan điểm, ông Ngô Văn Thỏa – Giám đốc Công ty Pan American Travel cũng chia sẻ: “Pan American không xác định đặt trọng tâm vào thị trường inbound ngay bây giờ do chính sách hiện tại chưa thực sự rõ ràng. Thay vào đó, chúng tôi chỉ tiến hành xúc tiến và sẽ dài hạn hơn”. 

Khách du lịch Hàn Quốc theo chương trình mở cửa thí điểm trải nghiệm tại Safari Phú Quốc.

Khách du lịch Hàn Quốc theo chương trình mở cửa thí điểm trải nghiệm tại Safari Phú Quốc.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh – Phó Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho rằng: “Mục đích của du lịch là để du khách có được sự trải nghiệm thú vị, thỏa sức tham quan, mua sắm, tận hưởng dịch vụ, và có cảm giác thoải mái, thư giãn … để tái tạo nguồn năng lượng tích cực. Thiết nghĩ, không du khách nào bỏ thời gian và tiền bạc đi du lịch ở một quốc gia mà có nhiều điều kiện ràng buộc. Thay vào đó, họ sẽ chuyển hướng tìm hiểu và lựa chọn điểm đến ở các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hơn”. 

Cũng trong tình trạng chung, Giám đốc Vietrantour chi nhánh Ninh Bình thông tin, cho đến nay rất nhiều đoàn khách từ nước ngoài liên hệ tới công ty để hỏi về thủ tục đặt tour thăm quan Di sản UNESCO Tràng An nhưng cũng mới chỉ là hỏi, chưa có ai đăng ký vì còn chờ các quy định cụ thể về nhập cảnh, cách ly phòng dịch. Hiện, công ty mới chỉ phục vụ một số đoàn khách quốc tế nhưng đang sinh sống dài hạn tại Việt Nam. 

“Trong tuần tới, chúng tôi sẽ phục vụ một đoàn khách chuyên gia Hàn Quốc của tập đoàn Samsung. Sau ngày 15/3 cũng đã có 1 số đoàn chuyên gia nước ngoài đặt tour nhưng tất cả vẫn chỉ là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam”, ông Biên cho hay. 

Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các đơn vị lữ hành cả nước. Lý giải nguyên nhân, đại diện Saigon Tourist nhận định, việc xác định thời điểm mở cửa du lịch quốc tế có ý nghĩa rất lớn khi giúp doanh nghiệp có thể thông báo chính thức với các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết đơn vị mới đang ở trong giai đoạn làm mới sản phẩm, xây dựng mức giá cũng như cập nhật các quy định của Việt Nam cho đối tác nước ngoài. 

“Bên cạnh đó, khách quốc tế từ trước tới nay đều đi theo mùa. Thời điểm để đón nhóm khách này sẽ là từ tháng 9 năm nay cho tới tháng 3 năm sau”, vị đại diện này nói.

Tìm đà bứt phá


Dù đã xác định thời điểm mở cửa hoàn toàn, vẫn còn đó nhiều trở ngại để Du lịch Việt lấy lại đà tăng tốc trong cuộc cạnh tranh với các “đối thủ” trong khu vực và thế giới. 

Hiện, tình hình dịch Covid-19 trong tầm kiểm soát với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao, tỷ lệ tử vong thấp, nhưng số ca mắc vẫn cao khiến khách quốc tế dễ có tâm lý e ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch. Do đó, bên cạnh việc mở cửa, tăng cường công tác phòng chống dịch, ngành Du lịch cần đẩy mạnh quảng bá để du khách thấy rằng Việt Nam là một đất nước an toàn về dịch bệnh, có kiểm soát tốt và có nguy cơ lây nhiễm thấp. 

Ngay cả khi du khách vượt qua được tâm lý e ngại về dịch bệnh, vẫn còn lực cản khách quan là nhiều thị trường khách nước ngoài vẫn chưa cởi mở với du lịch quốc tế.

Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, dù Việt Nam mở cửa cho du khách quốc tế vào nhưng các thị trường lớn hiện nay vẫn chưa cho khách đi nhiều do các chính sách phòng chống dịch của họ. Các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan ..vẫn yêu cầu phải cách ly khi từ nước ngoài trở về nên khó để khai thác dòng khách từ các thị trường này. Hiện mới có khách khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… đang sẵn sàng du lịch Việt Nam. 

“Tuy nhiên, dù khó khăn, chúng ta vẫn phải mở cửa để không mất lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Dũng nói. 

Du lịch Golf được du khách quốc tế yêu thích khi đến Việt Nam.

Du lịch Golf được du khách quốc tế yêu thích khi đến Việt Nam.

Để gia tăng lợi thế cạnh tranh, các chuyên gia nghiên cứu và những người làm du lịch đều có quan điểm rằng, cần phải khôi phục chính sách miễn thị thực như trước năm 2020. 

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ, trước khi đại dịch bùng phát, du lịch Việt Nam đã đạt được đỉnh cao nhờ các chính sách thông thoáng với du khách quốc tế. Nếu chúng ta ban hành một chính sách mới mà lại mâu thuẫn với những hoạt động trước đó, thì sẽ không thể trở lại như trước được. 

“Chúng tôi không đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho ngành du lịch, mà chỉ mong muốn được khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020 và đó cũng là kiến nghị của tất cả các doanh nghiệp du lịch hiện nay. Còn những đề xuất thêm thì lúc này chưa cần thiết, mà chúng ta hãy làm tốt những gì đã có”, ông Vũ Thế Bình nói về đề xuất khôi phục chính sách miễn thị thực đã được thực hiện trước khi đại dịch bùng phát. 

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch phân tích, so với các nước trong khu vực, thời điểm mở cửa của Việt Nam hiện nay là không hề sớm, chúng ta đã thực hiện thí điểm với điều kiện khắt khe, với điều kiện kiểm soát y tế chặt chẽ, cộng với việc chưa thực hiện chính sách mở cửa lại visa, thì việc thực hiện thí điểm vừa qua mới đón được lượng khách rất khiêm tốn là khoảng 9.000 khách trong mấy tháng, so với gần 500.000 khách của Singapore, như vậy là chưa thành công so với đối thủ cạnh tranh. 

“Qua đó chúng ta thấy rằng, với chủ trương của Chính phủ đã cho mở cửa hoàn toàn, thì từ bài học thí điểm phải rút ra kinh nghiệm và những gì là nút thắt, rào cản, thì các bộ ngành cần chung tay với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tháo gỡ, kiến nghị để có phương án mở cửa an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai”, ông Tuấn đề xuất tại diễn đàn về "luồng xanh" cho du lịch hôm 11/3 tại Hà Nội.

Ngắm Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ là một sản phẩm ấn tượng của du lịch Quảng Ninh.

Ngắm Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ là một sản phẩm ấn tượng của du lịch Quảng Ninh.

Muốn khơi thông lực cản, tạo đà bứt phá trong cuộc đua hút khách với các đối thủ quốc tế, Du lịch Việt Nam cần “làm mới chính mình”, xây dựng các sản phẩm thực sự hấp dẫn. 

Đây là yếu tố mang tính sống còn bởi theo Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, “nếu chỉ trông chờ vào yếu tố giảm giá thì thời điểm này các công ty du lịch đã… không còn dư địa để giảm nữa”. Đồng tình với cách nhìn nhận trên, ông Ngô Văn Thỏa cho rằng: Du lịch Việt Nam buộc phải tự đổi mới khi sau 2 năm đóng băng mọi thứ đều đã… cũ. 

“Từ cơ sở hạ tầng, cơ sở giao thông, chính sách lẫn thói quen của khách hàng đều đã rất khác. Nếu như trước đây, khách quốc tế thường có thói quen đặt tour từ rất xa thì hiện nay, khoảng cách giữa thời điểm đặt và đi đã ngắn lại. Thời gian dành cho kỳ nghỉ cũng bớt đi để phù hợp với túi tiền và tránh rủi ro”, ông Thỏa phân tích. 

Tàu lượn siêu tốc bằng gỗ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tăng thêm trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến Phú Quốc.

Tàu lượn siêu tốc bằng gỗ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tăng thêm trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến Phú Quốc.

Thay đổi là giải pháp hàng đầu – Đó cũng là lựa chọn của nhiều “ông lớn” trong ngành “công nghiệp không khói”. Bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun World (Sun Group) cho hay: Ngay từ những ngày “đóng cửa”, Sun Group đã sớm có sự chuẩn bị cho việc đón khách trong nước và quốc tế quay trở lại. 

“Hơn 2 năm qua, dù ngưng hoạt động, song hầu hết các khách sạn, resort, khu du lịch, vui chơi giải trí của Sun Group trên cả nước vẫn tất bật với các chiến dịch “thay áo mới”, làm đẹp cảnh quan, bảo trì bảo dưỡng, kiến tạo thêm hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới… để đem lại nhiều bất ngờ đến với du khách khi họ quay trở lại”, bà Nguyện nói. 

“Hiện nay nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn cầu đã thực sự quay trở lại và Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong những điểm đến có sức hút lớn đối với du khách quốc tế. Điển hình như khảo sát “Nhu cầu khách du lịch Singapore đến Việt Nam”, do Tổng công ty Cảng Hàng không quốc gia Changi (CAG) triển khai gần đây cho thấy, du khách Singapore có nhu cầu đi du lịch Việt Nam ngay khi hạn chế đi lại tại cửa khẩu quốc tế được nới lỏng, với 90% du khách được hỏi. 95% người trả lời cho biết, họ mong muốn đi du lịch Việt Nam với mục đích nghỉ dưỡng từ 7 ngày trở lên. Đây là những tín hiệu đầy lạc quan để Việt Nam sẵn sàng mở cửa hoàn toàn, đón khách quốc tế từ ngày 15/3 như lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt”, bà Nguyện lạc quan. 

Trải qua hơn 2 năm điêu đứng vì Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đã thấy ánh sáng phục hồi với quyết định mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 của Chính phủ. Song 15/3 chỉ là dấu mốc, quan trọng là sau thời điểm này, Du lịch Việt Nam có nắm bắt được cơ hội mở cửa, tăng lợi thế cạnh tranh và lấy lại đà bứt phá hay không rất cần có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống.  

Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ, Ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh.

Ngày xuất bản: 14/3/2022
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh - Việt Anh
Nội dung: Nguyễn Trang - Sơn Bách
Trình bày: Nguyễn Trang