Mây tre đan Phú Vinh:

Chuyện ở ngôi làng "trời phú cho bàn tay lụa"

NỐI DÀI DÒNG CHẢY VĂN HÓA LÀNG NGHỀ

Với hơn 400 năm hình thành và phát triển, Phú Vinh là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời nhất ở đất trăm nghề Hà Nội. Giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống không chỉ là câu chuyện phát triển kinh tế mà còn là cách bảo lưu nét văn hóa và bản sắc riêng. Đó cũng là trăn trở của cả chính quyền lẫn những người trong cuộc.

Bằng tài hoa và tâm huyết, các nghệ nhân làng Phú Vinh đã sáng tạo ra những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt và tinh xảo. Bên cạnh việc làm nghề, mỗi nghệ nhân trong làng bằng những cách khác nhau luôn cố gắng lưu giữ và truyền đi niềm đam mê đan lát với tâm niệm: để Phú Vinh sống mãi sức sống của làng nghề.

Truyền nghề bắt đầu từ việc truyền đam mê. Với suy nghĩ như vậy, ngay cả khi đôi bàn tay vẫn miệt mài đan mây, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cũng không quên kể về những hồi ức đẹp của làng nghề một thuở, về những vinh quang cha ông đã gặt hái được và cả những “kỹ nghệ” chỉ Phú Vinh mới có để người làng chung quanh hiểu và yêu hơn công việc mình đang làm.

Không chỉ trong công việc hằng ngày, mà ngay ở các lớp học về nghệ thuật đan lát ông Tĩnh mở cho các bạn nhỏ, đan cài trong những kiến thức chuyên môn cơ bản, ông lại kể chuyện làng chuyện nghề như một cách trao gửi tình yêu tới các “nghệ nhân nhí”.

Theo ông, đó là câu chuyện về cái hương hăng hắc của mây tre phảng phất từ đầu làng xưa kia, về hình ảnh những cái thúng cái mẹt, cái nơm cái vó mộc mạc mà thân thuộc phơi dọc đường làng hay những tiếng í ới của dăm ba gia đình gọi nhau dậy mua mây kẻo lỡ phiên chợ sớm,… Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, những câu chuyện ấy sẽ như lời hát ru, mang theo tình yêu cây tre sợi mây, thẩm thấu vào trái tim, vào tiềm thức của mọi người.

Ở chiều ngược lại, chính sự tò mò của người làng, sự háo hức và thích thú của trẻ thơ trong từng câu chuyện ông kể, là động lực để người nghệ nhân lão làng tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với nghề.

Nhớ lại một trong số những kỷ niệm khó quên ấy, ông Tĩnh khẽ mỉm cười kể rằng: Tết trung thu năm ngoái, ông tham gia một triển lãm ở Vân Hồ và có mang theo nguyên liệu mây tre đan tới để hướng dẫn kỹ thuật đan lát cho 500 học sinh mọi lứa tuổi quận Hai Bà Trưng theo đề nghị của ban tổ chức. Có rất nhiều bạn trong số đó, lần đầu tiên được tiếp xúc với vật liệu mây tre, được tự tay đan mây móc mối thì đều cảm thấy thích thú. “Ánh mắt tò mò, nụ cười hứng khởi. Nhìn đám trẻ, tôi thấy hạnh phúc lắm và chắc mẩm, trong số ấy sẽ lại có những nghệ nhân đan lát, tiếp nối nghề truyền thống của Phú Vinh, của Việt Nam”.

Cùng một nỗi trăn trở truyền nghề và nỗi lo nghề bị mai một, năm 2007, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã thành lập Trung tâm dạy nghề Mây tre đan Phú Vinh, với mong muốn biến trung tâm thành nơi truyền lửa tình yêu đan lát và truyền dạy kỹ nghệ đặc biệt của làng nghề. Từ khi thành lập đến nay trung tâm đã đào tạo miễn phí cho gần 5.000 lao động ở Hà Nội và các địa phương khác, trong đó có hơn 1.000 người khuyết tật… Ông Trung mong muốn: “Đây chính là thế hệ con cháu kế tục và đưa làng nghề Phú Vinh ngày một phát triển”.

Bên cạnh đó, chính quyền và người dân nơi đây cũng đã thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển nhằm góp phần giữ lửa nghề cho làng Phú Vinh.

Tôi mong muốn nghĩ tới làng nghề, là người ta nghĩ ngay tới một điểm hẹn, một nơi du lịch trải nghiệm và ngược lại.

-- Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân--

Theo đó, thôn Phú Vinh đã xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm mây tre đan, mở cửa đón tiếp khi có đoàn tham quan và sơ đồ hóa các điểm tham quan du lịch trên địa bàn như: vị trí nhà các nghệ nhân, cổng cổ, chùa, cây cổ thụ… để phục vụ du khách tham quan.

Bản thân các gia đình nghệ nhân trong làng cũng sáng tạo ra đa dạng các sản phẩm quà tặng lưu niệm bằng mây để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, đồng thời tạo ấn tượng về một làng quê với những con người tài hoa, khéo léo.

"Tôi mong muốn nghĩ tới làng nghề, là người ta nghĩ ngay tới một điểm hẹn, một nơi du lịch trải nghiệm và ngược lại", nghệ nhân Nguyễn Thị Hân chia sẻ.

Sản phẩm du lịch của vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân. (Ảnh: HÀ NAM)

Sản phẩm du lịch của vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân. (Ảnh: HÀ NAM)

Vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân giới thiệu chiếc túi thời trang đan bằng mây. (Ảnh: HÀ NAM)

Vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân giới thiệu chiếc túi thời trang đan bằng mây. (Ảnh: HÀ NAM)

Item 1 of 2

Sản phẩm du lịch của vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân. (Ảnh: HÀ NAM)

Sản phẩm du lịch của vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân. (Ảnh: HÀ NAM)

Vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân giới thiệu chiếc túi thời trang đan bằng mây. (Ảnh: HÀ NAM)

Vợ chồng nghệ nhân Hạnh - Hân giới thiệu chiếc túi thời trang đan bằng mây. (Ảnh: HÀ NAM)

Ngoài việc sản xuất các sản phẩm quà tặng lưu niệm xinh xắn, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh và nhiều gia đình khác trong làng đều sẵn sàng mở cửa đón du khách đến tận tay trải nghiệm kỹ thuật đan mây độc đáo của Phú Vinh.  

Mặc dù cho đến nay, du lịch làng nghề tại Phú Vinh chưa phát triển như kỳ vọng, nhưng người dân trong làng vẫn mong và vẫn tin đó là một cách để lan tỏa văn hoá làng nghề ra bên ngoài, để cái tên Phú Vinh được nhắc đến ở nhiều nơi, với nhiều người hơn.

Trong muôn vàn nỗ lực giữ và truyền lửa nghề ấy, có những người đi tìm giải pháp ở chiều sâu văn hóa với ước muốn nâng cao hàm lượng văn hoá trong mỗi sản phẩm của Phú Vinh. Đó là hướng đi mà nghệ nhân Nguyễn Phương Quang lựa chọn. Theo anh Quang, giữ lửa nghề không chỉ là truyền dạy kỹ năng nghề hay phát triển kinh tế để người dân yên tâm theo nghề, mà còn cần nâng tầm giá trị các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh.

Anh Quang cho rằng: “Để người ta yêu thích thì sản phẩm phải đẹp. Để người ta nhớ đến thì trong mỗi sản phẩm phải có câu chuyện văn hóa. Tôi muốn đưa nhiều hàm lượng văn hóa hơn trong mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh”.

Tác phẩm “chiếc Bình sen mây” do chính nghệ nhân Nguyễn Phương Quang thực hiện trong suốt 2 năm, trên bề mặt mô tả 4 điểm nhấn đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội là: Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa và Rồng thời Lý đang bay lên là một sản phẩm như thế. Ở đó không chỉ ghi dấu ấn làng nghề Phú Vinh qua từng đường đan mối móc tinh xảo, mà còn kể câu chuyện về lịch sử, về văn hoá đất Việt. Sản phẩm đã được vinh danh trong Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2009 và chắc chắn cũng đã in dấu trong lòng nhiều khách tham quan.

Nơi đây, trên hành trình giữ lửa làng nghề, mỗi người một cách, mỗi gia đình một con đường riêng, nhưng đều chung một mục đích là giữ mãi sức sống cho làng nghề Phú Vinh, để lịch sử của Phú Vinh không chỉ là 400 năm mà còn dài hơn nữa. Con đường mà họ đi là con đường tất yếu của những người yêu nghề, say nghề và luôn trăn trở với làng nghề mà mình đã chọn, nhưng đó sẽ không phải con đường “trải bước trên hoa hồng”.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, mây tre đan Phú Vinh không tránh khỏi những bước thăng trầm. Từ một làng nghề mà nhà nhà, người người làm nghề, giờ đây nhiều người dân Phú Vinh cũng đã chuyển sang kế sinh nhai khác bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Các nghệ nhân trong làng thì vẫn vậy, canh cánh một nỗi trăn trở truyền nghề và giữ lửa nghề. Mỗi bước họ đi, mỗi cách họ làm đều có những khó khăn riêng cần được hỗ trợ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ: “Tôi thường mở các lớp dạy nghề, tuy nhiên sản phẩm mây, tre đan vốn đòi hỏi kỹ thuật đan phải tinh xảo và thời gian thực hiện khá dài khiến nhiều học viên không kiên trì mà bỏ cuộc giữa đường.” Do đó, ông luôn đau đáu với nghề, luôn trăn trở làm sao để truyền được nghề cho thế hệ sau và khiến mọi người yêu nghề nhiều hơn.

Thực tế hiện nay, lớp thanh niên mới có khá nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Các công ty trong nước mọc lên, công ty nước ngoài tràn về mang theo nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lao động phổ thông với mức lương tốt hơn so với làm nghề truyền thống. Bởi vậy nhiều thanh niên đã từ bỏ nghề gia truyền nếu không đủ đam mê, đặc biệt nếu nghề không đủ giúp họ giải quyết vấn đề kinh tế.

Không chỉ vấn đề về nhân lực, vấn đề về nguồn nguyên liệu cũng là một khó khăn không nhỏ trên chặng đường giữ nghề của người dân xứ mây. “Huyện Chương Mỹ hiện có 142 đơn vị, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng mây tre giang đan. Ước tính, mỗi năm, làng nghề cần 600 tấn mây, 700 tấn song, 500 nghìn cây tre, nứa, giang, 100 nghìn cây trúc, 500 tấn cỏ tế… Trước đây, chúng tôi mua nguyên liệu tại các tỉnh miền núi phía bắc nhưng hiện nay nguồn cung bị thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, dẫn đến thu nhập của người sản xuất giảm…”, ông Nguyễn Văn Trung phân tích.

Để phần nào giải quyết khó khăn này, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung cho biết, cơ sở sản xuất của ông đang hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để chế biến, xử lý nguyên liệu thay thế mây tre đan từ xơ của thân cây đu đủ, quả mướp, thân cây chuối… Từ các nguyên liệu này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giải "bài toán" thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu hiện nay. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thay thế chưa thể đáp ứng hết nhu cầu nguyên liệu của làng nghề, mà thiếu nguyên liệu thì dù có bao nhiêu thợ giỏi cũng khó có thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng năng suất.

Thiếu nguyên liệu thì dù có bao nhiêu thợ giỏi cũng KHÓ có thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng năng suất.

Ở một góc nhìn khác, Phú Vinh sở dĩ trụ vững được như hiện nay là bởi sản phẩm của làng đã xuất khẩu được sang nước ngoài. Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, riêng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu đã chiếm đến 60% tổng sản phẩm của làng, còn trong nước chiếm 40%. Tuy nhiên, để xuất khẩu ra nước ngoài, các sản phẩm phải trải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành bị đội lên, khả năng cạnh tranh theo đó giảm xuống, chưa kể nhiều khâu trung gian đồng nghĩa với khó khăn, trục trặc càng nhiều.

Là một trong những cơ sở có nhiều sản phẩm xuất được ra nước ngoài, nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh – Giám đốc công ty mây tre đan Mây Việt trăn trở: “Mây tre đan của làng Phú Vinh đang là mặt hàng được thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, để sản phẩm đến được tay khách hàng phải qua rất nhiều khâu trung gian. Nếu như chúng ta trực tiếp hợp tác được với các nước thì chắc chắn sản phẩm mây tre đan Phú Vinh nói riêng và của Việt Nam nói chung sẽ được biết đến nhiều hơn”.

Đó là ở thị trường quốc tế, còn ngay trên sân nhà, dù là sản phẩm của một làng nghề với hơn 400 năm tuổi, mây tre đan Phú Vinh vẫn chưa thể chiếm lĩnh thị trường. Ngay khi chương trình OCOP được thực hiện ở Việt Nam, rất nhiều nghệ nhân đã chủ động tham gia với mong muốn đưa sản phẩm làng mây đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước. Sau nhiều năm nỗ lực cải tiến để đáp ứng các tiêu chí của chương trình, đến nay làng Phú Vinh đã  có hơn 60 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có sản phẩm được đề cử công nhận OCOP 5 sao năm 2023 như sản phẩm túi xách mây của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung,…

Tôi mong Chương trình OCOP phát huy hiệu quả hơn nữa, để người dân biết và hiểu sâu sắc hơn về chương trình và sản phẩm đạt OCOP, qua đó biết đếntin dùng hơn sản phẩm mây tre đan Phú Vinh.

-- Nghệ nhân HOÀNG VĂN HẠNH --

Tuy nhiên, theo anh Hạnh, mặc dù hiện nay người dân đã biết đến chương trình song vẫn chưa hiểu hết thực chất giá trị của sản phẩm OCOP, vì thế họ chưa thực sự tin mua các sản phẩm của chương trình, trong đó có sản phẩm mây tre đan Phú Vinh. Là một trong những người đầu tiên trong làng chủ động tham gia OCOP ngay từ những ngày đầu, anh Hạnh mong muốn: “Chương trình OCOP phát huy hiệu quả hơn nữa, để người dân biết và hiểu sâu sắc hơn về chương trình và sản phẩm đạt OCOP, qua đó biết đến và tin dùng hơn sản phẩm mây tre đan Phú Vinh.”

Cùng quan điểm, nghệ nhân Nguyễn Phương Quang cũng bộc bạch: “Ngay khi huyện có chủ trương triển khai chương trình OCOP, tôi đã tiên phong tham gia bởi chương trình là hướng đi tốt, không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mà còn giúp sản phẩm địa phương được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn tồn tại những khó khăn nhất định, vì thế hiệu quả không được như kỳ vọng ban đầu.”

Trở lại câu chuyện về việc phát triển du lịch làng nghề, như đã nói trên, kết quả không được như mong muốn. Mặc dù thôn Phú Vinh đã xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm mây tre đan tuy nhiên hiện nay nhà trưng bày đã xuống cấp và chưa được cải tạo. Các điểm tham quan trong làng không có gì đặc sắc, chưa thực sự mang đến cho du khách cảm xúc của một làng nghề truyền thống. Hạ tầng, môi trường chưa thuận lợi để phát triển du lịch. Chính vì thế các công ty du lịch không mặn mà với tour tham quan làng nghề Phú Vinh. Khách đến với làng hiện nay chủ yếu vẫn là đoàn nhỏ lẻ, tự phát. Đây cũng là điều bất lợi trong việc quảng bá sản phẩm và tinh hoa của làng nghề.

Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Hân bày tỏ: “Hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều sự chung tay vào cuộc giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để đưa làng nghề lên một tầm cao mới, nơi mà mỗi nghệ nhân, mỗi người dân đều sẽ là 1 hướng dẫn viên du lịch”.

Cùng nỗi trăn trở đó, cha con nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh và Nguyễn Phương Quang mong muốn: “Người đến với làng Phú Vinh là những người yêu mây tre, yêu du lịch làng nghề. Vì thế để níu chân du khách, cần tạo thêm các sản phẩm du lịch độc đáo như các tour 1 ngày trải nghiệm làng nghề với các hoạt động thăm quan làng nghề, chiêm ngưỡng các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật đan mây, du khách thử làm “nghệ nhân” , thưởng thức ẩm thực địa phương, dùng bữa trưa ngay tại gia đình các nghệ nhân..., hay hoàn thiện các dịch vụ công cộng như ăn uống, vệ sinh,... Hiện các xưởng chỉ có thể lo tổ chức sản xuất, chờ khách du lịch tự đến, mà lâu lâu mới có khách đến. Mong chính quyền hỗ trợ để chúng tôi thu hút khách du lịch, từ đó có cơ hội giới thiệu và phát triển làng nghề.”

Giữ gìn và phát triển làng nghề chưa bao giờ là việc dễ dàng với các địa phương nói chung và thôn Phú Vinh nói riêng. Bởi đó là cuộc song hành của phát triển kinh tế và bảo lưu nét văn hóa, bản sắc riêng, là hành trình cần sự quyết tâm của cả chính quyền và người dân. Đáng mừng là, dù khó khăn còn nhiều, nhưng hiện nay các nghệ nhân “xứ mây” với tâm huyết và bằng nhiều cách khác nhau vẫn đang âm thầm giữ gìn nghề truyền thống, để dòng chảy văn hóa làng nghề được nối dài và trường tồn với thời gian.

>> Mây tre đan Phú Vinh: Hồn xưa vóc mới

Ngày xuất bản: 10/11/2023
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Nội dung: SONG THU - NGỌC BÍCH
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: HÀ NAM