Từ căn phòng ký túc xá đến kỷ nguyên truyền thông xã hội

Mark Zuckerberg

“Chúng ta có thể không có đủ khả năng để tạo ra thế giới mà chúng ta mong muốn ngay lập tức, nhưng tất cả chúng ta đều có thể bắt đầu nỗ lực lâu dài ngay hôm nay”.

– Mark Zuckerberg –

Kể từ khi Facebook ra mắt vào năm 2004, Mark Zuckerberg vẫn được nhắc đến là một trong những cái tên đi đầu trong kỷ nguyên truyền thông xã hội và Internet, và là người có nhiều tác động đến thế giới hơn bất kỳ cá nhân nào khác trong thời kỳ cách mạng công nghệ và số hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong căn phòng nhỏ ở ký túc xá Đại học Harvard, Zuckerberg cùng các bạn học đã cho ra đời nền tảng để tạo nên một trong những “gã khổng lồ” truyền thông xã hội lớn nhất thế giới - Facebook. Và chỉ trong vòng gần 2 thập kỷ, Zuckerberg đã biến Facebook từ một dự án trong ký túc xá đại học thành mạng xã hội có quy mô toàn cầu với gần 3 tỷ người dùng, đồng thời tạo nên một cuộc cách mạng kết nối làm thay đổi thế giới.

NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ ĐỊNH HÌNH KỶ NGUYÊN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Có thể nói, hành trình lớn mạnh của Facebook gắn liền với anh sinh viên đại học Harvard, Zuckerberg. Sinh ngày 14/5/1984 tại White Plains, New York, Zuckerberg lớn lên với niềm yêu thích đặc biệt với máy tính và lập trình. Anh học ngôn ngữ lập trình BASIC tại một trường học gần nhà và ngay ở tuổi 12, Zuckerberg đã phát triển thành công một chương trình nhắn tin có tên “Zucknet”, đóng vai trò như một hệ thống liên lạc giữa các văn phòng mà chính bố của anh cũng đã sử dụng tại văn phòng của mình. Ngoài ra, Zuckerberg cũng lập trình các trò chơi máy tính cho bạn bè khi còn trẻ.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Phillips Exeter, Zuckerberg đăng ký nhập học Đại học Harvard vào năm 2002. Đến năm thứ 2 đại học, anh đã phát triển được 2 chương trình: CourseMatch và FaceMash. Và chính từ nền tảng Facemash này, ngày 4/2/2004, Zuckerberg cùng với các bạn cùng phòng ký túc đã thành lập trang mạng xã hội thefacebook.com (sau đó đổi tên thành Facebook vào năm 2005) - một trang dạng thư mục cho phép các sinh viên Harvard nhập thông tin và hình ảnh của mình. Trong vòng 2 tuần, một nửa số sinh viên trong trường đã đăng ký thông tin trên hệ thống này. Các bạn cùng phòng của Zuckerberg đã giúp phát triển thêm các tính năng và phổ biến trang web này đến các trường học khác trên cả nước.

Mark Zuckerberg và bạn học khi còn là sinh viên Đại học Harvard - Nguồn: Getty Images

Mark Zuckerberg và bạn học khi còn là sinh viên Đại học Harvard - Nguồn: Getty Images

Facebook nhanh chóng trở nên phổ biến khi cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, tải ảnh và sử dụng các tính năng khác cũng như giữ liên lạc với bạn bè. Điều làm Facebook trở nên khác biệt với các trang mạng xã hội khác ở chỗ nhấn mạnh vào “các kết nối đáng tin cậy”. Facebook đặc biệt chú trọng đến mạng lưới người dùng, với thông tin được phổ biến không chỉ tới mạng lưới bạn bè của mỗi cá nhân mà còn đến những người bạn khác của họ - đây chính là cái mà Zuckerberg gọi là “đồ thị xã hội”.

Vào năm 2005, Zuckerberg quyết định bỏ học Harvard để chuyển đến Thung lũng Silicon và tập trung toàn thời gian vào mạng xã hội và công ty non trẻ của mình, khi anh nắm quyền CEO và chủ tịch công ty. Đến giữa năm 2005, Facebook đã huy động được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm lớn đầu tiên trị giá 12,7 triệu USD và mở rộng tiếp cận tới hàng trăm trường đại học và trung học. Chỉ 1 năm sau đó, mạng xã hội này mở cửa cho công chúng trên toàn thế giới. Cũng trong khoảng thời gian này, Yahoo! đã đề nghị mua lại công ty với giá 1 tỷ USD - một mức giá đã nhanh chóng bị Zuckerberg từ chối.

Đến năm 2007, Facebook đạt được thỏa thuận với Microsoft, trong đó gã khổng lồ công nghệ đã phải trả 240 triệu USD cho 1,6% cổ phần của Facebook. Hai năm sau, Digital Sky Technologies mua 1,96% cổ phần Facebook với giá 200 triệu USD. Năm 2008, giá trị của khối tài sản mới mà Zuckerberg thu về từ Facebook đã ước đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Đến năm 2010, Facebook đạt cột mốc 500 triệu người dùng.

Ngày 17/5/2012, Facebook phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nhanh chóng trở thành thương vụ IPO công nghệ lớn nhất trong lịch sử vào thời điểm đó, khi huy động được 16 tỷ USD.

Facebook tổ chức đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 5/2012. Đây là đợt IPO lớn nhất về công nghệ và là một trong những đợt IPO lớn nhất trong lịch sử Internet.

Facebook tổ chức đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 5/2012. Đây là đợt IPO lớn nhất về công nghệ và là một trong những đợt IPO lớn nhất trong lịch sử Internet.

Cùng năm đó, Facebook mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram với giá 1 tỷ USD. Sau đợt IPO này, giá trị tài sản ròng của Zuckerberg ước tính đạt hơn 19 tỷ USD.

Cũng ngay sau IPO, Zuckerberg kết hôn với bạn gái Priscilla Chan. Cặp đôi đã đón con gái đầu lòng vào tháng 12/2015. Cùng năm, Zuckerberg công bố kế hoạch quyên tặng 99% cổ phần của mình trong mạng xã hội Facebook để thúc đẩy các hoạt động từ thiện. Zuckerberg bắt đầu bán cổ phiếu vào tháng 8/2016 để gây quỹ cho các hoạt động từ thiện của mình. Zuckerberg và Chan hạ sinh người con gái thứ 2 vào tháng 8/2017.

Một ngày sau khi Facebook lên sàn Nasdaq, Mark Zuckerberg kết hôn với bạn gái Priscilla Chan, ngày 19/5/2012. Nguồn: Getty Images

Một ngày sau khi Facebook lên sàn Nasdaq, Mark Zuckerberg kết hôn với bạn gái Priscilla Chan, ngày 19/5/2012. Nguồn: Getty Images

Vào tháng 10/2021, Facebook thông báo đổi tên công ty mẹ thành Meta Platforms, phản ánh sự chuyển hướng của công ty khi tập trung vào “metaverse” (vũ trụ ảo), trong đó người dùng sẽ tương tác trong môi trường thực tế ảo. Meta đã mua lại hàng chục công ty trong nhiều năm qua, bao gồm Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012, WhatsApp với giá 22 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu vào năm 2014, Oculus VR với giá 2 tỷ USD vào năm 2014, cùng một số công ty trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng nhận dạng khác.

Theo thông tin do Meta Platforms công bố, phần lớn tài sản của Zuckerberg đến từ cổ phần chiếm khoảng 13% của Meta Platforms. Tính đến tháng 1/2023, Meta Platforms có khoảng 3,7 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng, trong đó khoảng 3 tỷ người trên Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới. Đóng tại Menlo Park, California, Meta Platforms có doanh thu 117 tỷ USD vào năm 2022.

Về mặt kỹ thuật, Zuckerberg chỉ có mức lương 1 USD/năm tại Facebook. Tuy nhiên, tài sản của vị tỷ phú 39 tuổi gắn liền với số cổ phiếu tại Meta, với tư cách là người sáng lập và cổ đông lớn nhất của công ty, qua đó đưa Zuckerberg vào nhóm những người giàu nhất thế giới. Theo Bloomberg, tính đến ngày 3/10/2023, giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã lên tới 109 tỷ USD.

MARK ZUCKERBERG SỞ HỮU NHỮNG CÔNG TY NÀO?

Meta (trước đây là Công ty Facebook) không thuộc sở hữu của bất kỳ một cá nhân hay công ty nào, nhưng người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg với phần lớn cổ phần Meta vẫn chủ yếu sở hữu và nắm quyền kiểm soát công ty này.

Dù nổi tiếng với vai trò người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg cũng đã tham gia vào nhiều dự án đình đám khác trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, Zuckerberg đã cho ra mắt Threads, một nền tảng mạng xã hội mới có liên kết chặt chẽ với Instagram.

Zuckerberg từng nói: “Bằng cách trao cho mọi người quyền chia sẻ, chúng tôi đang làm cho thế giới trở nên minh bạch hơn”. Triết lý này được Zuckerberg tiếp tục theo đuổi khi các công ty của tỷ phú công nghệ này đang góp phần kết nối mọi người trên toàn thế giới.

Là biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp, Zuckerberg hiện sở hữu khoảng hơn 90 công ty, và nhiều trong số đó đã được Facebook/Meta mua lại. Từ khởi điểm chỉ dành cho sinh viên đại học khi ra đời năm 2004, Facebook đã nhanh chóng đạt 1 triệu người dùng chỉ sau 10 tháng ngắn ngủi kể từ khi ra mắt. Đến nay, Facebook đã có gần 3 tỷ người dùng hàng tháng, con số này thậm chí còn chưa bao gồm số lượng người dùng của các thương vụ mua lại gồm WhatsApp và Instagram.

Meta là công ty quản lý nhiều dự án kinh doanh hiện tại của Zuckerberg. Facebook chính thức đổi tên thành Meta vào năm 2021 để thể hiện rõ hơn hoạt động đầu tư của công ty vào “vũ trụ ảo” - metaverse.

Toàn cảnh trụ sở của Meta ở Menlo Park, California, Mỹ.

Toàn cảnh trụ sở của Meta ở Menlo Park, California, Mỹ.

Nhiều người cho rằng Zuckerberg là "cha đẻ của metaverse", vì Meta là một trong những bước chuyển đổi quy mô lớn đầu tiên sang một phiên bản mới của Internet. Theo Zuckerberg, metaverse không phải là thứ mà một công ty có thể xây dựng, mà đó là "chương tiếp theo của Internet nói chung”.

Là nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, Meta hiện có giá trị 800 tỷ USD và Zuckerberg sở hữu 13% cổ phần của công ty. Trong đó, Facebook là công ty có lợi nhuận cao nhất thuộc sở hữu của Meta và có gần 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Trong làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ của Facebook/Meta, cho đến nay, Mark Zuckerberg đã mua lại khoảng hơn 90 công ty. Trong đó, thương vụ mua lại lớn nhất của Facebook có thể kể đến WhatsApp Messenger, với giá 16 tỷ USD vào tháng 2/2014. Các thương vụ mua lại đáng chú ý khác bao gồm Instagram (được mua với giá 1 tỷ USD vào tháng 4/2012) và công ty thực tế ảo Oculus VR (được mua với giá 2 tỷ USD vào tháng 3/2014).

Dù Zuckerberg không phải là người sáng lập Instagram nhưng Facebook đã mua lại Instagram chỉ 2 năm sau khi thành lập vào năm 2012, biến Meta trở thành chủ sở hữu hiện tại của Instagram. Đây là một bước đi thông minh khi công ty chỉ trả 1 tỷ USD cho nền tảng chia sẻ ảnh và video mà hiện nay đã có hơn 2,3 tỷ người dùng hoạt động, với trị giá khoảng 102 tỷ USD.

Trong khi đó, WhatsApp được hàng tỷ người trên toàn thế giới sử dụng như một dịch vụ nhắn tin đáng tin cậy. Thành lập vào năm 2009 và được Facebook mua lại vào năm 2014, đây là một trong những thương vụ mua bán công nghệ lớn nhất trong lịch sử. Cho đến năm 2023, WhatsApp vẫn là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất với 2,2 tỷ người dùng.

Năm 2014, sau một thập kỷ theo đuổi vũ trụ thực tế ảo, Facebook mua lại Oculus VR, một công ty thực tế ảo (VR) chuyên sản xuất tai nghe VR với giá 2 tỷ USD. Trước đó, vào năm 2011, Facebook ra mắt nền tảng nhắn tin Facebook Messenger, nhờ việc mua lại Beluga, một ứng dụng nhắn tin được thành lập năm 2010 và được mua lại vào năm 2011. Facebook đã sử dụng công nghệ của Beluga để tạo ra Messenger như một công cụ giúp giao tiếp nhóm dễ dàng, riêng tư và tức thời. Facebook đã mua lại cả dịch vụ và nhân sự của Beluga - tất cả đều là nhân viên cũ của Google - với giá từ 10-15 tỷ USD.

Mark Zuckerberg đặt cược vào metaverse - nền tảng lớn của tương lai. Nguồn: Getty Images

Mark Zuckerberg đặt cược vào metaverse - nền tảng lớn của tương lai. Nguồn: Getty Images

Bên cạnh đó, tân binh mới nhất thuộc hệ sinh thái Meta là Threads, một ứng dụng ra mắt vào ngày 5/7/2023 và được tích hợp với Instagram với mục đích chia sẻ văn bản. Theo thông cáo báo chí của Meta, công ty muốn Threads mở rộng những gì Instagram làm tốt nhất nhưng trên định dạng văn bản để tạo một không gian tích cực, nhằm mục đích để người dùng bày tỏ ý tưởng của mình.

Được xem là đối thủ chính của Twitter, ứng dụng Threads đã thu hút 10 triệu người dùng chỉ trong vòng 7 giờ sau khi ra mắt. Zuckerberg bày tỏ lạc quan rằng Threads có khả năng phát triển lớn mạnh hơn Twitter. Hiện có khoảng 23 triệu người dùng đang hoạt động trên nền tảng này.

VÌ SAO MARK ZUCKERBERG THÀNH CÔNG?

Từ phòng ký túc xá, Zuckerberg đã biến Facebook thành một trong những công ty lớn nhất thế giới. Thông qua Facebook và nhiều thương vụ mua lại như Instagram và WhatsApp, Zuckerberg đã định hình cách người tiêu dùng “tiêu thụ” nội dung và tương tác với nhau trên mạng xã hội do chính mình lập ra.

Trong gần 2 thập kỷ, mạng xã hội này đã làm thay đổi các mối quan hệ, quyền riêng tư, hoạt động kinh doanh và kể cả các phương tiện truyền thông, hay thậm chí thay đổi ý nghĩa của các từ ngữ dùng hàng ngày.

Zuckerberg từng viết: "Một thế giới cởi mở và kết nối hơn là một thế giới tốt đẹp hơn. Nó mang lại những mối quan hệ bền chặt hơn với những người bạn yêu thương, một nền kinh tế mạnh mẽ hơn với nhiều cơ hội hơn và một xã hội mạnh mẽ hơn phản ánh tất cả các giá trị của chúng ta". Và đó chính là một trong những khía cạnh mà Facebook đã góp phần làm thay đổi thế giới.

Năm 2007, ở tuổi 23, Zuckerberg trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Tính đến tháng 10/2023, giá trị tài sản ròng của Zuckerberg đã lên tới 109 tỷ USD. Trong nhiều năm, anh luôn là người giàu nhất thế giới, với thành công cùng Facebook. Được thành lập từ năm 2004, đến nay, Facebook hiện có khoảng 3 tỷ người dùng. Làm thế nào một người có thể xây dựng cả doanh nghiệp thành công lớn nhất nhì thế giới ở độ tuổi rất trẻ và bí quyết thành công của Zuckerberg là gì?

CEO Facebook Mark Zuckerberg vào năm 2007. Nguồn: Paul Sakuma/AP

CEO Facebook Mark Zuckerberg vào năm 2007. Nguồn: Paul Sakuma/AP

Trong cuốn sách "Think Like Zuck: The Five Business Secrets of Facebook's Improbably Brilliant CEO Mark Zuckerberg (tạm dịch: “Suy nghĩ như Zuck: Năm bí mật kinh doanh khó tin của CEO Facebook Mark Zuckerberg”), tác giả Ekaterina Walter đã chỉ ra những bí quyết thành công của vị tỷ phú này.

Theo tác giả, những doanh nhân như Zuckerberg sử dụng 5 yếu tố chính để tạo nên công ty của họ: Mục đích, Niềm đam mê, Sản phẩm, Con người và Mối quan hệ với đối tác. Walter đã phỏng vấn rất nhiều nhân viên cũng như quản lý của Facebook để tìm hiểu những suy nghĩ dẫn đến thành công của Mark Zuckerberg.

Vị tỷ phú luôn nhận được sự ủng hộ, yêu mến của nhân viên bởi ngoài kiến thức và năng lực, Zuckerberg còn có phong cách và những bí quyết lãnh đạo đặc biệt. CEO Meta tiết lộ, anh đã không ngừng học cách lãnh đạo từ ​​khi bắt đầu khởi nghiệp trong căn phòng ký túc xá của trường Đại học Harvard cho tới khi trở thành ông chủ của hàng chục nghìn nhân viên như hôm nay.

Điểm chung của tất cả những CEO thành công nổi tiếng trên thế giới đều có niềm đam mê to lớn, và Mark Zuckerberg cũng không ngoại lệ. Từ khi còn là một cậu bé, anh có niềm đam mê cháy bỏng là giúp mọi người có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn. Chính điều này đã giúp anh có niềm tin xây dựng Facebook trong thời điểm rất nhiều nhà đầu tư quay lưng lại. Sự mạo hiểm này đưa anh vào danh sách những tỷ phú bỏ học giàu nhất thế giới. Quyết tâm cao độ chính là chìa khóa để tạo dựng nên sự nghiệp lớn từ con số 0.

Từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, Mark Zuckerberg cho biết: "Facebook ban đầu không được tạo ra để trở thành một công ty. Nó được xây dựng để hoàn thành một sứ mệnh xã hội - làm cho thế giới cởi mở và kết nối hơn". Zuckerberg đặt cược vào trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và đưa Internet đến 60% những người trên toàn thế giới để kết nối với nhau. Ngày nay, Facebook là mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn nhất trên Internet. Một người dùng trung bình dành 50 phút mỗi ngày để sử dụng các nền tảng Facebook, Messenger và Instagram.

Zuckerberg và những người đồng sáng lập đã ra mắt Facebook dành cho sinh viên Harvard vào năm 2004. Nguồn: Getty Images

Zuckerberg và những người đồng sáng lập đã ra mắt Facebook dành cho sinh viên Harvard vào năm 2004. Nguồn: Getty Images

Chất lượng của sản phẩm chính là tiêu chí đánh giá chính xác chất lượng của một doanh nghiệp. Ngay từ khi mới ra mắt, không phải ai cũng thích Facebook, nhưng Zuckerberg đã không từ bỏ một cách dễ dàng như vậy. Theo Zuckerberg, Facebook luôn phấn đấu để xây dựng “sản phẩm tốt nhất và đơn giản nhất để mọi người chia sẻ thông tin dễ dàng nhất”.

Đối với Mark Zuckerberg, anh luôn coi trọng chất lượng sản phẩm trước khi nghĩ đến xây dựng mô hình kinh doanh. Anh đã từ chối lời chào bán Facebook với giá 1 tỷ USD cho Yahoo vào năm 2006 vì quyết tâm đem sản phẩm tốt nhất của mình tới mọi người trên thế giới. Facebook liên tục tinh gọn quy trình và chia sẻ thông tin đó, điều này thúc đẩy những bước tiến lớn của công ty trong những năm qua.

Để xây dựng Facebook trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như ngày nay, một trong những bí quyết lãnh đạo đem lại thành công cho Mark Zuckerberg là cho phép nhân viên thực hiện những ý tưởng mà các lãnh đạo có thể không chấp thuận.

Coi con người là trung tâm chính là kim chỉ nam của vị tỷ phú 8X trong quá trình phát triển công ty. “Tự do sẽ thúc đẩy nhân viên làm việc sáng tạo hơn và mọi người sẽ có cơ hội để thử nhiều thứ khác nhau trong tương lai. Vì vậy, tốt hơn là bạn nên để họ thoải mái làm những gì họ nghĩ thay vì bắt ép, gò bó nhân viên trong những khuôn khổ”, Zuckerberg nói.

Các mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới tính đến tháng 1/2023

Đơn vị: triệu người; Nguồn dữ liệu: Statista

TỪ CĂN PHÒNG KÝ TÚC XÁ ĐẾN “VŨ TRỤ ẢO” METAVERSE

"Mục tiêu của tôi không bao giờ chỉ là thành lập một công ty mà là xây dựng được thứ gì đó thực sự tạo ra sự thay đổi lớn trên thế giới".

– Mark Zuckerberg –

Từ một chàng trai trẻ đã góp phần làm thay đổi thế kỷ 21, Mark Zuckerberg chuẩn bị bước vào độ tuổi 40 với vai trò là một trong những nhân tố chính trong việc định hình những thập kỷ tương lai của truyền thông xã hội và thậm chí cả thế hệ tiếp theo của thời đại Internet, Web3 và “vũ trụ ảo” metaverse.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2004, Facebook đã chứng kiến ​​nhiều thay đổi, gần đây nhất là việc đổi tên thương hiệu vào năm 2021. Công ty mẹ của nền tảng này là Facebook Inc. đã được đổi tên thành Meta Platforms và mạng xã hội cùng tên hiện là một phần của Meta, cùng với WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger.

Việc thay đổi tên này phản ánh chiến lược của công ty nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của mình, đặc biệt là nhấn mạnh vào “metaverse” - vũ trụ ảo, trong đó người dùng sẽ tương tác trong môi trường thực tế ảo, một thế giới thực tế ảo mà theo công ty Meta sẽ mang lại cho người dùng “có cảm giác giống như sự kết hợp giữa những trải nghiệm xã hội trực tuyến ngày nay được mở rộng trong không gian 3 chiều hoặc được soi chiếu vào thế giới thực". Metaverse là sự kết hợp giữa thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Zuckerberg coi đây là sự phát triển tiếp theo của Internet, nơi người dùng có thể kết nối, tương tác và có những trải nghiệm ảo phong phú.

Mark Zuckerberg trải nghiệm phiên bản mới nhất của tai nghe thực tế ảo Meta Quest. Nguồn: Meta

Mark Zuckerberg trải nghiệm phiên bản mới nhất của tai nghe thực tế ảo Meta Quest. Nguồn: Meta

Meta/Facebook đã tăng cường sự hiện diện của mình trong lĩnh vực thực tế ảo sau khi mua lại nhà sản xuất tai nghe Oculus vào năm 2014. Chiến lược mua lại ban đầu của Meta liên quan đến việc mua lại các đối thủ tiềm năng, chẳng hạn như Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014. Nhưng trong những năm gần đây, công ty đã sử dụng các hoạt động mua lại để định vị vị trí như là “người dẫn đầu” trong lĩnh vực metaverse.

Meta đã và đang xây dựng các tài nguyên VR và AR kể từ khi mua lại Oculus VR vào năm 2014. Các giao dịch mua lại gần đây bao gồm các nhà sản xuất trò chơi VR Downpour Interactive và BigBox VR, công ty VR/AR ImagineOptix và CTRL-Labs, nhà sản xuất thiết bị đeo tay tích hợp công nghệ thực tế ảo. Riêng trong năm 2022, Meta đã mua lại 3 nhà phát triển trò chơi VR: Camouflaj, Twisted Pixel và Armature Studio, và cả 3 đều được đưa vào bộ phận Oculus Studio của Meta.

Bước vào thế giới metaverse, Meta đặt mục tiêu kết hợp truyền thông xã hội với thực tế ảo và thực tế tăng cường - một bước nhảy vọt để phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ nền tảng truyền thông xã hội như bản chất của Facebook trước đây. Tuy nhiên, cho đến khi metaverse trở thành hiện thực, trọng tâm của Meta sẽ vẫn là các nền tảng truyền thông xã hội đa dạng. Song bước tiến vào “vũ trụ ảo” này cho thấy Mark Zuckerberg đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai của Facebook/Meta, vừa thể hiện rằng công ty có nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn là chỉ riêng Facebook như trước đây, cũng như đưa ra tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của Meta trong tương lai. Thay vì nghỉ ngơi trên đỉnh vinh quang với hàng tỷ USD giá trị cổ phiếu, Zuckerberg và cộng sự không ngồi yên chờ đợi mà cố gắng tìm cách để Meta tham gia vào và thậm chí đi đầu trong xu hướng công nghệ mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Internet.

Vào năm 2022, Meta thử nghiệm các tính năng cho phép mua bán tài sản ảo trên "vũ trụ ảo" metaverse. Nguồn: Meta

Vào năm 2022, Meta thử nghiệm các tính năng cho phép mua bán tài sản ảo trên "vũ trụ ảo" metaverse. Nguồn: Meta

Quay trở lại thời điểm tháng 9/2021, khi cổ phiếu Facebook đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, với giá trị gần 1,1 nghìn tỷ USD và bản thân Zuckerberg cũng có khối tài sản trị giá khoảng 136 tỷ USD, song sự thúc đẩy tiến vào metaverse đang diễn ra nhanh chóng đã hối thúc Zuckerberg phải hành động. Ngay tháng sau, CEO Facebook công bố quyết định đổi tên Facebook thành Meta, đặt cược cả “đế chế” mà mình dày công gây dựng vào dự báo rằng metaverse sẽ trở thành tương lai của điện toán.

Gần như ngay lập tức, bước đi chiến lược của Zuckerberg đã có tác động trực tiếp đến Meta. Trong vòng 14 tháng tiếp theo, cổ phiếu của Meta đã giảm 75% khi doanh thu hàng năm lần đầu tiên giảm, khiến thu nhập ròng năm 2022 giảm 41%. Tài sản của Zuckerberg cũng giảm mạnh xuống còn 33 tỷ USD. Nguyên nhân dẫn đến việc này được cho là xuất phát từ bản cập nhật quyền riêng tư của Apple cho hệ điều hành di động iOS vào năm 2021, khiến các công ty công nghệ khó theo vết người dùng trên các ứng dụng hơn, cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các đối thủ như TikTok.

Lối vào khu phức hợp của Meta ở Menlo Park, California, Mỹ.

Lối vào khu phức hợp của Meta ở Menlo Park, California, Mỹ.

Và đến năm ngoái, Zuckerberg đã quyết định làm một điều khác biệt. Không hăng hái tiến về phía trước mà thay vào đó, CEO Meta đã chuyển hướng. Sau khi tăng cường tuyển dụng lao động từ 33.600 nhân sự lên 87 nghìn người chỉ trong vòng 4 năm, Zuckerberg tuyên bố sa thải hơn 11 nghìn nhân viên hồi tháng 11 năm ngoái - tức chiếm 13% tổng số nhân sự của công ty (sau đó Meta đã tuyển bổ sung thêm 10 nghìn người vào tháng 3/2023). "Chúng tôi đã phải đưa ra một số quyết định thực sự khó khăn vào năm ngoái. Rõ ràng đó không phải là điều chúng tôi muốn làm”, Zuckerberg chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Forbes hồi giữa tháng 9/2023.

Số lượng nhân viên toàn thời gian của Meta Platforms từ năm 2004 đến 2022

Nguồn: Statista

Vị tỷ phú 39 tuổi tiếp tục: "Chúng tôi cố gắng thiết lập khuôn khổ hoạt động cho công ty vì hai mục tiêu. Một là giúp chúng tôi hoạt động hiệu quả hơn và có các sản phẩm tốt hơn một cách nhanh hơn. Mục tiêu còn lại là bảo đảm rằng công ty có đủ không gian tài chính để bù đắp cho bất kỳ trở ngại nào gặp phải trong quá trình thực hiện, qua đó giúp chúng tôi có thể tiếp tục đầu tư vào các dự án dài hơi với tầm nhìn dài hạn, phần lớn là hai khoản đầu tư lớn mà chúng tôi đang thực hiện là trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu vũ trụ ảo”.

Tầm nhìn của Meta không thay đổi, ngay cả khi metaverse đã bị một số người coi là thất bại và Zuckerberg cũng tuyên bố công khai rằng sẽ phải mất 1 thập kỷ trước khi lĩnh vực này kiếm được tiền. Meta đã tích lũy khoản lỗ khoảng 40 tỷ USD từ việc đặt cược vào ý tưởng về một vũ trụ ảo thay thế do công ty con Reality Labs của Meta dẫn dắt, nhưng Zuckerberg vẫn toàn tâm toàn ý vào dự án này.

Nền tảng VR của Meta - Horizon Worlds gặp khó khăn trong việc giữ chân người dùng. Nguồn: Meta

Nền tảng VR của Meta - Horizon Worlds gặp khó khăn trong việc giữ chân người dùng. Nguồn: Meta

Đó là một chặng đường khó khăn, cụ thể hãy nhìn vào Horizon Worlds - một ứng dụng thực tế ảo miễn phí dành cho tai nghe Quest VR được cho là sẽ báo trước một kỷ nguyên của trải nghiệm phong phú và các cuộc gọi hội nghị ảo, nhưng mảng này đã không đạt được mục tiêu là 500 nghìn người dùng hoạt động hàng tháng vào năm 2022, chỉ đạt ít hơn 200 nghìn. Ngay cả Zuckerberg cũng thừa nhận Horizon Worlds không có tính lưu giữ như cần thiết.

Tuy nhiên, Zuckerberg là người luôn khuyến khích những cuộc tranh luận và vui vẻ tiếp thu những lời chỉ trích và điều chỉnh theo hướng phù hợp. Kết quả là thị trường đã phản ứng tích cực với những điều chỉnh này. Cổ phiếu của Meta đã tăng gấp 3 lần giá trị kể từ khi chạm đáy vào cuối năm 2022, nhờ hoạt động mua lại cổ phiếu trị giá khoảng 38 tỷ USD kể từ đầu năm ngoái.

Nhiều nhà phân tích dự đoán doanh thu năm nay của Meta sẽ tăng 14% lên gần 133 tỷ USD và thu nhập ròng tăng vọt 50% lên 34 tỷ USD, đưa cổ phiếu công ty đến gần hơn với mức cao nhất 2 năm trước, cũng như đưa Zuckerberg vào nhóm 10 người giàu nhất hành tinh.

Doanh thu hàng năm của Meta Platforms từ năm 2009 đến 2022

Đơn vị: triệu USD; nguồn dữ liệu: Statista

“AI SẼ GIẢI QUYẾT MỌI THỨ”

Đối với Zuckerberg, metaverse là một phần của tầm nhìn dài hạn, không chỉ bao gồm VR và AR mà còn cả AI. Giống như Bill Gates đã từng mô tả những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực AI “đều quan trọng như máy tính hay Internet", Zuckerberg cũng coi việc phổ biến AI là một sự kiện mang tính thay đổi.

Và cũng giống như nhiều gã khổng lồ công nghệ khác, Meta cũng đã xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn để đào tạo AI nhằm hướng tới tương lai. Được biết đến với cái tên Llama 2, mô hình này là mã nguồn mở và sẽ được tích hợp vào nhiều sản phẩm của Meta.

“AI sẽ giải quyết mọi thứ”, CEO Meta nói, đồng thời đưa ra phác thảo một thế giới mới mà quen thuộc, với sự xuất hiện của các trợ lý ảo cùng hình ảnh 3 chiều của các đồng nghiệp trong các cuộc họp. Zuckerberg cũng mô tả về các "nhân vật" được hỗ trợ bởi AI sẽ “sống” trên các nền tảng khác nhau của Meta. "Họ cũng sẽ có trang cá nhân trên Instagram và Facebook. Và bạn sẽ có thể nói chuyện với họ trong WhatsApp, Messenger và Instagram, đồng thời họ sẽ được thể hiện dưới dạng hình đại diện trong thực tế ảo", Zuckerberg giải thích.

Vào tháng 9/2023, Zuckerberg đã tiết lộ trợ lý AI mới của Meta tại trụ sở chính ở Menlo Park, California. Nguồn: Meta

Vào tháng 9/2023, Zuckerberg đã tiết lộ trợ lý AI mới của Meta tại trụ sở chính ở Menlo Park, California. Nguồn: Meta

Tuy nhiên, vị tỷ phú 39 tuổi cũng thừa nhận AI là một trong những canh bạc tốn kém hướng tới tương lai. Dẫu vậy, Zuckerberg là cổ đông quan trọng nhất của Meta và vị CEO của công ty này cũng có thừa sự kiên nhẫn. “Sẽ mất thêm một thời gian nữa để có được sản phẩm kính thực tế tăng cường hoàn chỉnh. Và đó chính là mục tiêu mà phần lớn ngân sách của Reality Labs đang hướng tới. Vì vậy, khi mọi người hỏi tôi: Bạn đang tiêu số tiền này vào việc gì? thì câu trả lời có thể là: Chà, chúng tôi đang cố gắng lắp một siêu máy tính vào một cặp kính bình thường”, CEO Meta cho biết.

Nếu Meta thành công trong thương vụ này, công ty có thể chiếm lĩnh một thị trường mới. Nếu không, đó sẽ lại là một thất bại nhanh chóng và tốn kém giống như nhiều thất bại trước đó: Điện thoại Facebook, thiết bị trò chuyện video Portals, hay đồng tiền số Libra.

Song ông Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ của Meta cho biết: “Trải nghiệm của chúng tôi ở đây là những thất bại, những thất bại liên tục, và liên tục làm những việc mà chúng tôi nghĩ mọi người sẽ yêu thích. Và khi người dùng không yêu thích những sản phẩm của Meta, chúng tôi phải đặt câu hỏi: Tại sao bạn không thích sản phẩm này? Chúng tôi đặt câu hỏi đó một cách nghiêm túc, và sau đó chúng tôi lặp đi lặp lại cho đến khi tìm thấy sản phẩm phù hợp với thị trường. Đó là sở trường của chúng tôi”.

Đây chính là triết lý mà Zuckerberg vẫn luôn theo đuổi kể từ ngày khởi nghiệp cùng Facebook, như vị tỷ phú trẻ tuổi đã từng phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Harvard ngày 25/5/2017, đồng thời nhận bằng danh dự sau 13 năm bỏ học để phát triển mạng xã hội lớn nhất thế giới: "Những thành công lớn nhất đến từ việc chấp nhận thất bại".

- Ngày xuất bản: 15/10/2023

- Chỉ đạo sản xuất: Việt Anh

- Nội dung: Trung Hưng

- Trình bày: Thi Uyên

- Đồ họa: Tạ Lư

- Nguồn tin và dữ liệu: The Guardian, Forbes, Reuters, CNN, Statista, Insider, Investopedia, Britannica, Techwyse, Timepath