Kinh doanh bao trùm

Lưới đỡ an sinh cho người yếm thế

Phần lớn nông dân có mức thu nhập thấp đang trông mong có được cơ hội cải thiện mức sống. Ảnh: QUỐC TUẤN

Phần lớn nông dân có mức thu nhập thấp đang trông mong có được cơ hội cải thiện mức sống. Ảnh: QUỐC TUẤN

Kể từ khi bắt đầu Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể trong xóa đói, giảm nghèo và cải thiện mức sống người dân. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhân rộng mô hình kinh doanh bao trùm là lựa chọn tất yếu.

Tính đến nay, đã có một số chương trình hỗ trợ, nghiên cứu thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm được triển khai tại Việt Nam, điều này vừa giúp gia tăng chất lượng tăng trưởng, vừa mở ra cơ hội gia tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho đối tượng người dân có thu nhập thấp… Song, điều đáng nói, phần lớn doanh nghiệp vẫn đứng ngoài xu thế kinh doanh tất yếu này.

Mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam

Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững; thu hút các nguồn lực hợp pháp, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp để triển khai các sáng kiến hướng tới kinh doanh bền vững. Ảnh: CTV

Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững; thu hút các nguồn lực hợp pháp, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp để triển khai các sáng kiến hướng tới kinh doanh bền vững. Ảnh: CTV

“Kinh doanh bao trùm” (Inclusive business – IB) là mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho người thu nhập thấp trên cơ sở khả thi về thương mại và tạo ra các giá trị chia sẻ.

Có thể nhận diện mô hình IB thông qua các đặc điểm chính như: Góp phần cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người nghèo và người có thu nhập thấp; yêu cầu mức độ đổi mới sáng tạo cao; có thể được tạo ra bởi doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp xã hội và chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp quy mô vừa. Hiện nay, Việt Nam đã có các chính sách, chương trình thúc đẩy mỗi đặc điểm nêu trên, tạo tiền đề cho các mô hình IB phát triển trong thời gian tới.

Khi các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm tăng cường đầu tư vào các cộng đồng thu nhập thấp, các doanh nghiệp cũng sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng với giá cả phải chăng, nâng cao năng suất cũng như tạo ra các cơ hội sinh kế và thu nhập tốt hơn cho người dân.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nâng cao thu nhập cho người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nâng cao thu nhập cho người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Nhắm mục tiêu vào các phân khúc thị trường có thu nhập thấp, các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, củng cố chuỗi giá trị, xây dựng các hoạt động hiệu quả hơn, khám phá các nguồn lợi nhuận mới và nâng cao khả năng cạnh tranh trong dài hạn.

Tại Việt Nam, cũng đã có một số chương trình hỗ trợ, nghiên cứu thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm do các tổ chức quốc tế phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện, có thể kể tới như: Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), các dự án hỗ trợ của Oxfam.

Điển hình là hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (UN-ESCAP), Mạng lưới hành động hướng tới doanh nghiệp thu nhập thấp (iBAN) thực hiện nghiên cứu toàn diện và tìm ra các khuyến nghị chiến lược để thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: LÊ THẮNG

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: LÊ THẮNG

Khác với các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các doanh nghiệp xã hội hay các mô hình trách nhiệm xã hội hoặc từ thiện, IB không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và tăng trưởng kinh doanh, mà dùng lợi nhuận để tạo ra tác động đến xã hội và ngược lại. Rõ ràng, hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm, chúng ta có thể tạo ra các cơ hội tăng thu nhập, mức sống cho đối tượng người dân có thu nhập thấp, đồng thời cung cấp hàng hóa và dịch vụ phù hợp mức sống người dân hơn, đặc biệt là nhà ở và giáo dục.

Hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách hay quy định cụ thể nào về “kinh doanh bao trùm”. Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh bao trùm đã được hỗ trợ phát triển ở từng đặc điểm của mô hình.

Thứ nhất, Việt Nam đã triển khai các chương trình và chính sách giảm nghèo, đạt được những thành tựu nhất định, điển hình như Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, chương trình 135. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 còn 2,75% và năm 2021 là 2,23%.

Chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bao trùm.

Chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bao trùm.

Thứ hai, sự quan tâm phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân ngày càng cao, Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân, hài hòa hóa hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm xã hội cũng như bảo vệ môi trường (Quyết định số 1362/QĐ-TTg năm 2019).

Thứ ba, doanh nghiệp xã hội được quan tâm phát triển. Từ năm 2014, các quy định của pháp luật về doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã được nêu cụ thể trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, Nghị định 96/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Thông tư 04/2016/TT-BKHĐT Quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký DNXH theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP... Điều đó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với sự phát triển, sự nhân rộng cũng như quyền, nghĩa vụ của các DNXH.

Thứ tư, đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên trong chính sách phát triển thời gian gần đây, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, là điều kiện bảo đảm thực hiện mô hình kinh doanh bao trùm bền vững. Mục tiêu đổi mới sáng tạo được thể hiện trong Chiến lược phát triển quốc gia, trong các đề án Chính phủ, của các bộ, sở, ban, ngành, địa phương, trong hoạt động phát triển quốc tế, kết nối và thu hút đầu tư, trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định ba phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2030, đó là: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 cũng xác định phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo của nước ta đạt 40%.

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào năm 2022 chỉ ra, các sáng kiến về đa dạng và hòa nhập cũng mang lại thành công cho cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính mã gen “đa dạng và hòa nhập” vừa góp phần cải thiện hiệu suất kinh doanh, vừa giúp các doanh nghiệp trở thành nơi làm việc tốt hơn, thông qua việc thu hút và giữ chân nhân tài; trao quyền và tạo động lực cho người lao động.
Bà Anjanette Saguisag - Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị, UNICEF Việt Nam.

Lấy người nông dân làm trung tâm

Niềm vui được mùa của người nông dân khi tham gia chương trình NESCAFÉ Plan. Ảnh: CTV

Niềm vui được mùa của người nông dân khi tham gia chương trình NESCAFÉ Plan. Ảnh: CTV

Việt Nam là quốc gia có những thành tựu nhất định trong phát triển kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính việc hợp tác với nông dân và các bên liên quan là chìa khóa cho một quá trình chuyển đổi công bằng.

Nông nghiệp tái sinh, là một bước đệm quan trọng tiến tới nông nghiệp sinh thái, nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của nó, đồng thời mang lại lợi ích đa chiều cho nông dân, môi trường, xã hội nói chung.

Là một doanh nghiệp tiên phong trong các hoạt động phát triển bền vững, từ nhiều năm qua, việc áp dụng mô hình NESCAFÉ Plan đã tạo nên những tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của ngành cà-phê trong nước cũng như góp phần nâng cao giá trị hạt cà-phê Việt trên thương trường thế giới.

Tính đến nay, ở các tỉnh Tây Nguyên, chương trình NESCAFÉ Plan đã có hơn 21.000 nông hộ tuân thủ theo tiêu chuẩn 4C và có hơn 15.000 nông dân tích cực tham gia thông qua hoạt động phân phát cây giống (2011-2022).

Chương trình Giới thiệu mô hình canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP/NBFP) đã tập huấn cho hơn 260.000 lượt nông dân và giúp họ áp dụng các kiến thức đã học ngay trên vườn của mình với tỷ lệ áp dụng hơn 80%, Nhờ đó, giảm 40% - 60% lượng nước tưới, cũng như giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón bằng cách đưa vào sản xuất phân compost làm từ vỏ, bã cà-phê...

Chương trình NESCAFÉ Plan đã giúp nông dân tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cải tạo đất, từ đó tiết kiệm được từ 20-25% chi phí đầu tư so với trước. Đặc biệt, chương trình xen canh không chỉ tăng thu nhập cho người nông dân mà còn giúp cải tạo đất rất tốt, từ đó tăng thu nhập lên cao so lối canh tác cũ
Ông Ma Khoa, trưởng nhóm gồm 70 hộ, ngụ tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

Điểm đáng nói, NESCAFÉ Plan đã cụ thể hóa những mục tiêu của sáng kiến bằng nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong giai đoạn 2011-2022, đã có 63 triệu cây giống kháng rỉ sắt và năng suất cao được sản xuất và phân phát thông qua WASI.

Từ năm 2021, chương trình đã thúc đẩy giới thiệu mô hình trồng xen canh hợp lý, giúp bà con nông dân tăng thu nhập từ 30% - 100% trên cùng đơn vị diện tích. Năng suất trang trại tăng cao hơn đáng kể so với mức trung bình (Trung bình 3,2 tấn/ha so với 2,8 tấn/ha bình quân). Trong thời gian tới, NESCAFÉ Plan sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để hỗ trợ, mở rộng ra thêm 300.000ha cà-phê đạt chuẩn 4C trên địa bàn Tây Nguyên.

Lợi nhuận của người nông dân được xem là giá trị cốt lõi của NESCAFÉ Plan. Ngay từ khi triển khai, chương trình đã xác định phải nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng cây trái thì mới có thu nhập cao.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Chương trình NESCAFÉ Plan khu vực Tây Nguyên

Các hộ nông dân tham gia dự án được tập huấn và thực hành phương pháp canh tác bền vững. Ảnh: THU NGUYỆT

Các hộ nông dân tham gia dự án được tập huấn và thực hành phương pháp canh tác bền vững. Ảnh: THU NGUYỆT

Hiện nay, nhiều mô hình doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ kết hợp giữa việc tạo lợi nhuận song hành với đóng góp vào giảm đói nghèo và phát triển bền vững. Người dân bản địa cảm nhận được giá trị của mình trong chuỗi liên kết mang đến giá trị cho các bên.

Trong nhiều năm qua, Traphaco Sapa, một trong những doanh nghiệp xây dựng được mô hình kinh doanh bao trùm thành công, đã sáng tạo, nhân rộng mô hình liên kết bốn nhà bao gồm: nhà nước (chính quyền)-nhà nông-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp nhằm tận dụng nguồn lực, khả năng, tri thức cho phát triển những vùng dược liệu sạch chuẩn quốc tế GACP-WHO cũng như góp phần tạo sinh kế cho người dân tộc thiểu số tại Lào Cai.

Thông qua việc hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số nghèo ở tỉnh Lào Cai trồng cây Atiso, Traphaco Sapa có được nguồn nguyên liệu từ hơn 100ha tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và Bát Xát. Doanh nghiệp chủ trương ký kết, đào tạo với người dân bản địa nhận trồng và chăm sóc cây dược liệu theo đúng quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nhân viên kỹ thuật Traphaco hướng dẫn bà con dân tộc ở thị xã Sa Pa, Lào Cai trồng Atiso theo tiêu chuẩn GMP. Nguồn: OXFAM

Nhân viên kỹ thuật Traphaco hướng dẫn bà con dân tộc ở thị xã Sa Pa, Lào Cai trồng Atiso theo tiêu chuẩn GMP. Nguồn: OXFAM

Kết quả, tháng 10/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận một số sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP từ ba đến bốn sao như: Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà giảo cổ lam Sa Pa; Trà dây leo Sa Pa; Cao mềm Atiso Sa Pa; Cao phun sương Atiso Sa Pa; Chocolate detox. Đây không chỉ là những sản phẩm bổ trợ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn là minh chứng cho chủ trương chế biến sâu dược liệu đã góp phần quan trọng để nâng cao giá trị nông sản.

Về mô hình sản xuất xanh sạch, có không ít doanh nghiệp cũng đang triển khai rất tốt việc đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếm thế. Đáng chú ý, Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam (SCBV) đã quy tụ 63 doanh nghiệp tham gia cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng tạo ra 4.000 việc làm mới.

Nông dân trồng, khai thác tre đã tăng thu nhập nhờ tham gia chuỗi giá trị tre. Nguồn: OXFAM

Nông dân trồng, khai thác tre đã tăng thu nhập nhờ tham gia chuỗi giá trị tre. Nguồn: OXFAM

Dự án SCBV trị giá 4,3 triệu EURO, do Liên minh châu Âu hỗ trợ triển khai ở năm tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre từ năm 2018–2023. Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế của họ; hỗ trợ các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre áp dụng cách thực hành sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tiếp cận thị trường; thúc đẩy hợp tác công tư trong quản trị chuỗi công bằng và trách nhiệm.
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam

Theo đánh giá của Dự án vào năm 2018, khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam có nguồn thu nhập từ sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, họ phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức.

Thu hoạch nghêu tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Thu hoạch nghêu tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Vùng nguyên liệu tre bị nghèo kiệt do thoái hóa, khai thác quá mức và thiếu chăm sóc. Các bãi nghêu tại ba tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre đang bị thu hẹp và có xu hướng phân bố xa bờ hơn. Các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quy mô, công nghệ, khả năng thu mua nguyên liệu và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Chính vì vậy, dự án đã tiếp cận cộng đồng nông dân và doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững và đầu tư có trách nhiệm. Kết quả dự án đến hết năm 2022, đã có 34.278 người có thu nhập nâng cao từ sản xuất tre và nghêu.

Sau khi tham gia dự án, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang kinh doanh bao trùm, đồng hành cùng bà con nông dân trồng tre. Thông qua Dự án, công ty đã ký kết hợp đồng thu mua tre nguyên liệu dài hạn với giá cao hơn, giúp bảo đảm vùng nguyên liệu ổn định, với chất lượng cao và đồng nhất, đồng thời tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Đức Phong

Sản phẩm OCOP làng nghề đan cỏ tế Phú Túc, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: THANH TRÚC

Sản phẩm OCOP làng nghề đan cỏ tế Phú Túc, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: THANH TRÚC

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy kinh doanh bền vững, cần có những giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính, huy động vốn đầu tư, xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, kế hoạch kinh doanh bền vững, truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Bên cạnh thúc đẩy các giải pháp phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, cần hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách hỗ trợ, ban hành quy chế mẫu về văn hóa doanh nghiệp, bộ quy tắc mẫu giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh.

Giải quyết thách thức theo cách sáng tạo, hiệu quả

Sản phẩm của Kym Việt được giới thiệu tại Nhật Bản. Ảnh: SƠN MINH

Sản phẩm của Kym Việt được giới thiệu tại Nhật Bản. Ảnh: SƠN MINH

Kinh doanh tạo tác động xã hội, mang đến những lợi ích, đóng góp nhân văn cho chiến lược phát triển bền vững chung của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung là xu hướng tất yếu trong bối cảnh sau đại dịch và thời đại số.

Khi gắn kết yếu tố đa dạng, hòa nhập, bao trùm vào hoạt động lập chiến lược, vận hành doanh nghiệp, cụ thể như việc các doanh nghiệp đặt con người vào trọng tâm của mọi chiến lược và hoạt động sản xuất, kinh doanh, với môi trường và thành phần lao động đa dạng sẽ mang lại khả năng sáng tạo tốt hơn, bắt kịp xu hướng nhu cầu và thói quen tiêu dùng mới trên thị trường nhanh chóng hơn.

Đẩy mạnh việc lồng ghép yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm vào trong văn hóa doanh nghiệp, thông qua đó giảm ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm yếm thế như phụ nữ, người đồng bào thiểu số, hoặc người khuyết tật, gia tăng lợi ích hài hòa cho người lao động là lựa chọn được khuyến nghị đến cộng đồng doanh nghiệp.

Thương hiệu TokyoLife đã tạo nên được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng khi mở ra cửa hàng tiêu dùng và thời trang với bộ máy nhân viên hầu hết là người khuyết tật.

Đại diện IntelLife tặng quà cho những người lao động khuyết tật và gia đình đến tham dự chương trình. Ảnh: TokyoLife

Đại diện IntelLife tặng quà cho những người lao động khuyết tật và gia đình đến tham dự chương trình. Ảnh: TokyoLife

Cửa hàng trên một khu phố nhộn nhịp của Hà Nội được gọi tên là Ngôi nhà thiên thần được vận hành bởi 16 trong tổng số 18 nhân viên là người khiếm thính. Trải nghiệm trong cửa hàng được thiết kế lại, với sự hỗ trợ từ các công cụ giao tiếp công nghệ số đến các trang thiết bị, ấn phẩm hướng dẫn, để tạo điều kiện tối ưu cho khách hàng và nhân viên.

Là một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực truyền thông và marketing, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn LeBros đánh giá cao mô hình “không chỉ tặng cần câu mà còn tạo ra hồ câu vui vẻ để người khuyết tật có thể tự mình câu cá” và hiệu ứng mà doanh nghiệp mang đến cho xã hội, cho cộng đồng.

Gia tăng lợi ích hài hòa cho người lao động, đặc biệt là người khuyết tật, người yếm thế là lựa chọn được khuyến nghị đến cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: TokyoLife

Gia tăng lợi ích hài hòa cho người lao động, đặc biệt là người khuyết tật, người yếm thế là lựa chọn được khuyến nghị đến cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: TokyoLife

Từ một cửa hàng nhỏ, TokyoLife hoàn thiện quy trình như tùy chỉnh các công đoạn để phù hợp hơn cho mỗi thể trạng người khuyết tật và xây dựng bộ phận “Chăm sóc thiên thần” với nhiệm vụ thiết kế những trải nghiệm tốt nhất cho người khuyết tật và làm cầu nối giữa người khuyết tật và các cán bộ, nhân viên khác trong toàn hệ thống.

Hãy thử tưởng tượng thêm, nếu như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có ngày càng nhiều hơn những doanh nghiệp lựa chọn xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm như cách mà TokyoLife và nhiều doanh nghiệp xã hội khác đã lựa chọn thì sẽ tạo ra hiệu ứng tốt như thế nào trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Tôi tin, nhờ đó doanh nghiệp có thể thu hút nhiều nguồn lực đầu tư và có thể tự tin hơn trong việc thâm nhập và hoạt động tại thị trường nước ngoài.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn LeBros

Rõ ràng, kinh tế bao trùm luôn đòi hỏi nỗ lực, tầm nhìn kinh doanh dài hạn và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một câu chuyện sống động khác được ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Greenfeed Việt Nam chia sẻ.

Tại Greenfeed, phát triển bền vững được xác định là nhiệm vụ chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thông qua việc không ngừng hoàn thiện chuỗi thực phẩm 3F Plus (FEED - FARM - FOOD), doanh nghiệp này mang đến giá trị từ mô hình này đến với khách hàng, đối tác và cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Chương trình “Tiếp sức nhà nông” cho 40 hộ nông dân tỉnh Đắk Lắk năm 2021. Ảnh: CTV

Chương trình “Tiếp sức nhà nông” cho 40 hộ nông dân tỉnh Đắk Lắk năm 2021. Ảnh: CTV

Từ thành công của các chương trình như “Tiếp sức nhà nông”, “Bữa ăn trọn vẹn”, Greenfeed cam kết sẽ triển khai nhiều sáng kiến hơn nữa để xây dựng một hệ sinh thái thịnh vượng, đa dạng, bền vững, nơi mỗi thành quả của doanh nghiệp sẽ tạo tác động tích cực và chia sẻ giá trị đến cộng đồng và xã hội.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Greenfeed Việt Nam

Chính sách Phát triển bền vững được ban hành để minh bạch hóa các cam kết về trường và xã hội tại Greenfeed. Ảnh: CTV

Chính sách Phát triển bền vững được ban hành để minh bạch hóa các cam kết về trường và xã hội tại Greenfeed. Ảnh: CTV

Thúc đẩy yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa không chỉ là một xu thế mới, rất cần được quan tâm, mà đó còn là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp và lập chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững.

Doanh nghiệp cộng sinh với cộng đồng

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VCCI

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VCCI

Kinh doanh bao trùm, kinh doanh tạo tác động xã hội không còn chỉ gói gọn trong phạm vi những gì doanh nghiệp “nên làm”, mà đó là định hướng được Chính phủ quan tâm, khuyến khích phát triển. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích về lý do mà kinh doanh bao trùm mới chỉ được thực hiện ở lĩnh vực nông nghiệp và cũng chỉ thu hút được số ít doanh nghiệp chuyển đổi.

- Thưa ông, vì sao kinh doanh bao trùm được nhìn nhận là xu thế tất yếu?

- Khái niệm kinh doanh bao trùm lần đầu được phát triển vào năm 2011 bởi Nhóm Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Từ đó đến nay, mô hình kinh doanh này ngày càng được nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc thúc đẩy kinh doanh bao trùm cũng đang đạt được sự đồng thuận trên toàn cầu, góp phần hướng tới chuyển đổi thị trường sinh thái xã hội toàn cầu.

Tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”, mô hình kinh doanh bao trùm cũng được xác định là một trong những mô hình kinh doanh bền vững, cụ thể là “mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia với vai trò là nhà cung ứng, là khách hàng, là nhà phân phối, hay có thể là người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra các giá trị chia sẻ”.

Mô hình liên kết trồng chè nguyên liệu ở Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: ANH SƠN

Mô hình liên kết trồng chè nguyên liệu ở Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: ANH SƠN

Ở Việt Nam, mô hình kinh doanh bao trùm đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm nghèo trên quy mô lớn một cách có hệ thống, với tác động định tính nhờ có thể tiếp cận nhiều phụ nữ và thanh niên, những nhóm ở thế yếu hơn, và góp phần tăng cường việc làm để phát triển kinh tế trên cơ sở tuần hoàn, đổi mới. Qua đó, doanh nghiệp cũng đạt được sự tăng trưởng bền vững khi gắn kết chặt chẽ sự phát triển của doanh nghiệp với cộng đồng. Và chính những động lực này đã đưa kinh doanh bao trùm trở thành một xu thế tất yếu.

- Có vẻ như kinh doanh bao trùm mới đang dừng lại là lựa chọn của những doanh nghiệp lớn. Phải chăng, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi?

- Trên thực tế, mô hình kinh doanh bao trùm không phải là một vấn đề mới ở Việt Nam và xu hướng này đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian qua. Các doanh nghiệp tiêu biểu như: Vinamilk, Greenfeed, Traphaco, PAN Group… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm…

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN ESCAP), mô hình kinh doanh bao trùm ở Việt Nam chủ yếu mới ở lĩnh vực nông nghiệp, giúp tạo ra nguồn thu nhập, sinh kế cho những người nông dân thu nhập thấp.

Các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bao trùm đều tạo ra tác động xã hội một cách tích cực. Theo đánh giá của tổ chức này, dự kiến doanh thu từ kinh doanh bao trùm sẽ tăng 65% trong giai đoạn từ năm 2018-2023. Con số này tăng hơn đáng kể so với mức dự kiến của các doanh nghiệp không áp dụng mô hình kinh doanh bao trùm, vốn chỉ có thể tăng doanh thu ở mức khoảng 38%.

Để giải bài toán việc làm, thu nhập cho lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề được xem là giải pháp then chốt. Ảnh: CTV

Hiện còn thiếu hệ sinh thái khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia phát triển kinh doanh bao trùm. Ảnh: CTV

Để giải bài toán việc làm, thu nhập cho lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề được xem là giải pháp then chốt. Ảnh: CTV

Hiện còn thiếu hệ sinh thái khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia phát triển kinh doanh bao trùm. Ảnh: CTV

Mặc dù vậy, mô hình kinh doanh bao trùm hiện chủ yếu được triển khai bởi những doanh nghiệp có nguồn lực mạnh, chưa thật sự lan tỏa rộng rãi trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Vậy đâu là những rào cản mà doanh nghiệp phải đương đầu khi triển khai kinh doanh bao trùm, thưa ông?

- Còn tồn tại khá nhiều thách thức, rào cản cho phát triển kinh doanh bao trùm. Có thể kể đến trở ngại đầu tiên là thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin kết nối, công cụ đo lường và hệ sinh thái kinh doanh bền vững. Việc đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh khiến cho tại Việt Nam, mô hình kinh doanh bao trùm mới chỉ đang được các doanh nghiệp lớn tiếp cận. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu hệ sinh thái bền vững trong đó hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và khoa học, công nghệ số phục vụ công tác kiểm định, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ, truy xuất nguồn gốc vẫn còn sơ khai, chưa đảm nhiệm được vai trò xương sống liên kết các thành phần tham gia kinh doanh bao trùm nói riêng và kinh doanh bền vững nói chung.

-  Theo góc nhìn của ông, chúng ta cần gói chính sách như thế nào để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt nhịp xu thế tất yếu này?

- Để phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, các doanh nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ về mặt chính sách từ các cơ quan trung ương, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, các tổ chức, hiệp hội.

Tại Quyết định số 167 nêu trên, Chính phủ cũng đã nêu rõ đối với các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững, sẽ nhận được những hỗ trợ về đào tạo, tư vấn xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình kinh doanh bền vững, quản trị nội bộ; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ triển khai chuyển đổi số; tiếp cận tài chính, vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...

Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất. Đây là những định hướng rất đúng, rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, cần cụ thể, chi tiết và đặc biệt cần xác định đúng tiêu chí để công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Ước tính cứ 13 doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh bao trùm sẽ mang lại việc làm cho 1,8 triệu nam giới và phụ nữ, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 2,5 triệu người vào năm 2023.

Xét về khía cạnh này, từ năm 2016, VCCI đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ. Hằng năm, Chương trình đánh giá mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa trên Bộ chỉ số CSI và biểu dương 100 doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực sản xuất và thương mại-dịch vụ. Chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho việc công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

-  Xin cảm ơn ông!

Các cánh đồng cỏ, bắp xanh tươi bạt ngàn được chăm sóc. Nguồn: Vinamilk

Các cánh đồng cỏ, bắp xanh tươi bạt ngàn được chăm sóc. Nguồn: Vinamilk

Ngày xuất bản: 4/4/2023
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU LAN HƯƠNG, NGUYỄN HOA CƯƠNG, TRƯỜNG SƠN, NGHĨA NAM, QUANG THIỀU, NGUYỄN HÀ, TRUNG HIẾU
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG