LỢI NHUẬN NGÂN HÀNG

các tháng cuối năm

SẼ RA SAO?

ĐÁNH GIÁ, DỰ BÁO KINH TẾ CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2023

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, Báo Nhân Dân thực hiện chuyên đề "Đánh giá, dự báo kinh tế các tháng cuối năm 2023" nhằm nhận diện thánh thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam vượt khó, bứt phá.

Lợi nhuận ngân hàng

dần phân hóa

Trái với quá nhiều lo ngại tại thời điểm cuối năm ngoái, thị trường tiền tệ diễn biến khá tích cực nửa đầu năm khi Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng xoay chiều chính sách từ trạng thái “chắc chắn và thực hiện được đa mục tiêu” sang “nới lỏng nhưng linh hoạt”, tức vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô, nhờ lạm phát được kiểm soát tốt, thanh khoản hệ thống dồi dào hơn. Ngoài ra, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng vẫn ổn định, lãi suất giảm nhanh giúp các ngân hàng dần kéo giảm chi phí vốn đầu vào trở lại.

Đầu tháng 7, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng dự báo đạt 7.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng 7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 được các ngân hàng công bố gần đây cho thấy sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Techcombank công bố lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 với 5.649 tỷ đồng, tương đương quý 1. Lũy kế 6 tháng đầu năm ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ở mức 11.300 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng giai đoạn năm trước.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm là chi phí huy động tăng nhanh dẫn đến thu hẹp quy mô thu nhập lãi thuần.

Thực tế này cũng từng được lãnh đạo ngân hàng nêu tại tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết nhiều khách hàng có xu hướng tìm các kênh đầu tư khác, chẳng hạn tiền gửi có kỳ hạn trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm sút.

“Techcombank là ngân hàng có thị phần với phân khúc khách hàng giàu có cao hơn các ngân hàng nội địa. Do đó, khi thị trường bất động sản, trái phiếu biến động thì khách hàng giàu có, vốn dĩ có nhiều kênh đầu tư, đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn vì có cảm giác an toàn hơn. Bên cạnh đó, khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho nguồn CASA không còn dồi dào như trước. Bởi vậy, dòng tiền ở Techcombank thực ra là dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn”, ông Jens Lottner phân tích.

Khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho nguồn CASA không còn dồi dào như trước.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank

Với lý do thị trường bất động sản khó khăn, thị trường trái phiếu tồn tại yếu tố bất ổn và dòng tiền chảy vào tiền gửi kỳ hạn nhiều hơn, khiến tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp, nợ xấu tăng lên và ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn, một số ngân hàng cũng công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng trưởng âm.

TPBank công bố lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 ở mức 1.618 tỷ đồng và 3.383 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 11% so với cùng kỳ và cùng giai đoạn năm trước. Nguyên nhân chủ yếu tới từ sự suy giảm của hoạt động kinh doanh cốt lõi khi thu nhập lãi thuần 6 tháng chỉ đạt 5.466 tỷ đồng, giảm 6,8%.

Thực trạng này, theo đại diện ngân hàng, diễn ra khi nền kinh tế có nhiều biến động và khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023. Điều này khiến thu nhập lãi thuần quý 2/2023 của TPBank giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh thu nhập lãi thuần là khoản thu đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Lãi suất cho vay có xu hướng giảm, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023.
Đại diện TP Bank

ABBank là ngân hàng báo lợi nhuận suy giảm mạnh nhất trong quý 2/2023 với mức giảm 94% so với cùng kỳ, chỉ đạt 67 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng giai đoạn năm trước.

Chi phí dự phòng rủi ro tăng nhanh là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ABBank giảm mạnh. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2/2023 là 698 tỷ đồng, cao hơn 4 lần cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 814 tỷ đồng, cao hơn 3,7 lần.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng là do thu nhập lãi thuần sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm khi chỉ đạt 1.566 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng giai đoạn năm trước. Nguyên nhân tới từ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức thấp với chỉ 2,5%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng cao hơn với 4%, qua đó làm tăng chi phí trả lãi trong nửa đầu năm 2023.

Trái ngược với 3 ngân hàng trên, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng giai đoạn năm 2022.

Một phần lợi nhuận của ngân hàng đến từ việc giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống mức 87 tỷ đồng, thấp hơn 39% so với cùng giai đoạn năm trước. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng tăng khá nhanh trong giai đoạn 6 tháng đầu năm với tỷ lệ nợ xấu là 2,77% tính trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính tới 30/6/2023.

Với Sacombank, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 4.755 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng 63,5% so với cùng giai đoạn năm trước.

MSB cũng công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.548 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng giai đoạn năm trước.

Những rủi ro

hiện hữu

Nói về rủi ro với ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm tại một hội thảo, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), nhận định hai rủi ro lớn nhất vẫn là trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Hai rủi ro lớn nhất vẫn là trái phiếu doanh nghiệpbất động sản.

Với bất động sản, bà Hà đánh giá đây là là ngành có tính chu kỳ, ngoài yếu tố về cung cầu và còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như mặt bằng lãi suất, pháp lý, cung tiền, vốn qua kênh tín dụng hay trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, sau 4 năm tăng trưởng nhanh, trái phiếu trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp. Nhưng khi tín dụng ngân hàng và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều bị kiểm soát chặt chẽ, thì nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, gặp khó khăn.

“Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng của nền kinh tế và gia tăng rủi ro cho ngành ngân hàng”, bà Hà đánh giá.

Cũng theo bà Phạm Liên Hà, tín dụng qua cho vay và đầu tư trái phiếu các dự án bất động sản hiện chiếm khoảng 6% tổng tín dụng, cho vay mua nhà chiếm 15% tổng tín dụng ngân hàng. Còn tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng hiện ở mức 2,4%.

Đáng lưu ý, có khoảng 97.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản bị quá hạn trả nợ, gồm quá hạn trả nợ gốc, quá hạn trả nợ lãi và cả trái phiếu đã được cơ cấu lại kỳ hạn tính từ đầu năm 2023 tới cuối tháng 6/2023 - chiếm 74% trong tổng số trái phiếu bị quá hạn. Tổng trái phiếu bị quá hạn hiện chiếm 12% tổng số dư trái phiếu. Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp nói chung chiếm khoảng 12% và tỷ lệ nợ xấu của trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 24,4%.

Đáng lưu ý, có khoảng 97.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản bị quá hạn trả nợ, gồm quá hạn trả nợ gốc, quá hạn trả nợ lãi và cả trái phiếu đã được cơ cấu lại kỳ hạn tính từ đầu năm 2023 tới cuối tháng 6/2023 - chiếm 74% trong tổng số trái phiếu bị quá hạn. Tổng trái phiếu bị quá hạn hiện chiếm 12% tổng số dư trái phiếu. Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp nói chung chiếm khoảng 12% và tỷ lệ nợ xấu của trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 24,4%.

“Số liệu tính đến giữa tháng 5/2023 cho thấy các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường có cơ cấu vốn bao gồm cả trái phiếu và vay ngân hàng với tỷ lệ chiếm phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 73%, còn lại vay ngân hàng và các khoản vay khác chiếm 27%”, bà Hà nói và cho rằng ngay cả khi ngân hàng không nắm giữ trái phiếu vẫn có thể chịu rủi ro khi doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu, vì khi đó những doanh nghiệp này cũng không có khả năng trả được nợ ngân hàng.

Ngay cả khi ngân hàng không nắm giữ trái phiếu vẫn có thể chịu rủi ro khi doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu, vì khi đó những doanh nghiệp này cũng không có khả năng trả được nợ ngân hàng.
Bà Phạm Liên Hà, Giám đốc nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính HSC

Cơ hội tăng trưởng nào

cho các ngân hàng
nửa cuối năm?

Bà Phạm Liên Hà nhận định cơ hội lớn đối với ngành ngân hàng trong nửa cuối năm là lãi suất. Cụ thể, lãi suất đã giảm tương đối nhanh trong 6 tháng đầu năm 2023, nhất là trong quý 2. Điều này giúp lãi suất điều hành giảm về mức trước đại dịch, lãi suất liên ngân hàng cũng trở về mức tương đương trước dịch. Mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng giảm nhanh trong nửa đầu năm.

Theo bà Hà, mức lãi suất ảnh hưởng nhiều nhất tới chi phí vốn ngân hàng là lãi suất huy động, đã giảm từ 110-240 điểm cơ bản so với đỉnh trong giai đoạn cuối tháng 12/2022 - đầu tháng 1/2023.

“Việc giảm lãi suất đã diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây và sẽ giúp mặt bằng chi phí vốn giảm, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2023”, bà Hà đánh giá.

Việc giảm lãi suất đã diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây và sẽ giúp mặt bằng chi phí vốn giảm, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2023.
Bà Phạm Liên Hà, Giám đốc nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính HSC

Còn Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng dự kiến chỉ đạt khoảng 10% do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng lên. Theo đó, VCBS hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 do lãi suất cho vay ở mức cao và sức khỏe tài chính của khách hàng suy giảm.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 do lãi suất cho vay ở mức cao và sức khỏe tài chính của khách hàng suy giảm.

Trước đó, trong quý 1/2023, NIM toàn ngành cũng thu hẹp, giảm xuống 3,68% từ mức 3,81% cuối năm 2022. Chỉ tiêu này dự kiến tiếp tục thu hẹp trong quý 2/2023 khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết, đồng thời với việc nguồn vốn giả rẻ CASA (tiền gửi thanh toán) giảm mạnh.

Với nửa nửa cuối năm nay, VCBS cho rằng áp lực thu hẹp NIM sẽ hạ thấp, tuy nhiên mức độ cải thiện phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

"Việc tăng lãi suất huy động đã bắt đầu được phản ánh vào NIM, trong khi tín dụng tăng chậm lại, các khoản nợ chậm trả có xu hướng gia tăng", báo cáo của VCBS viết.

Đơn vị này cũng dự báo sẽ xuất hiện sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.

Dự báo sẽ xuất hiện sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Ngày xuất bản: 3/8/2023
Chỉ đạo thực hiện: Ngọc Thanh
Tổ chức thực hiện: Hồng Vân
Nội dung: Hoàng Thắng - Khánh Giang
Trình bày: Bảo Minh