Logistics

Chặng nước rút đến 2030

Năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 733 triệu tấn, tăng 4% so năm 2021. Ảnh: VIMC

Năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 733 triệu tấn, tăng 4% so năm 2021. Ảnh: VIMC

Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện để thúc đẩy logistics, một ngành được ví như mạch máu của nền kinh tế. Từ một thị trường mới nổi đầy tiềm năng, muốn vươn lên vị trí của một trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, Việt Nam cần sớm đưa ra được Chiến lược phát triển ngành logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sự chuyển động của hệ thống chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo bầu trời rộng mở hơn cho khát vọng vươn xa của đội ngũ doanh nghiệp, bắt đầu từ những “cánh chim” đầu đàn.

Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4-5%. Bên cạnh đó, e-Logistics (logistics điện tử) đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Kiến tạo ngành mũi nhọn, bắt nhịp xu thế tăng trưởng

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục tăng. Ảnh: CTV

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục tăng. Ảnh: CTV

Nằm ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế; đặc biệt có tuyến bờ biển dài, nhiều địa điểm có thể xây cảng nước sâu, cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết,… Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ logistics.

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022, hoạt động logistics đã dần trở lại bình thường, từng bước bảo đảm sự kết nối trong hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa. Không chỉ ở các trung tâm kinh tế và các địa phương vệ tinh, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã chú trọng hơn tới việc đổi mới các hoạt động logistics, phát triển dịch vụ, hạ tầng và kết nối về logistics giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng; coi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần giúp giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục khi nước ta chuyển sang giai đoạn “bình thường mới” và tận dụng cơ hội từ việc ký kết các FTA mang lại.

Với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14-16% trong một năm, ngành logistics đã có những đóng góp không nhỏ, đưa hoạt động xuất, nhập khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 723 tỷ USD, tăng 10% so năm 2021. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP Việt Nam hằng năm ở mức 4-5%. Ảnh: VIMC

Đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP Việt Nam hằng năm ở mức 4-5%. Ảnh: VIMC

Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường logistics mới nổi đầy tiềm năng. Thế nhưng, để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, nhiều “nút thắt” nội tại cần sớm được tháo gỡ.

Tính đến tháng 6/2022, cả nước có 286 bến cảng thuộc năm nhóm cảng biển, với chiều dài khoảng 95km cầu cảng (gấp hơn 4,5 lần năm 2000). Nhờ hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, Việt Nam tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 tấn tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 tấn tại khu bến cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Việt Nam thiết lập được 32 tuyến vận tải, trong đó 25 tuyến quốc tế và bảy tuyến nội địa. Ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía bắc đã khai thác hai tuyến đi Bắc Mỹ; phía nam hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore).

Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam

Một trong những hạn chế đầu tiên kìm hãm sự phát triển của logistics Việt Nam xuất phát từ cơ sở hạ tầng phục vụ cho logistics thiếu đồng bộ. Thí dụ, Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) là cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển vùng Đông Nam Bộ nhưng suốt nhiều năm bị bủa vây bởi ùn tắc đã làm suy giảm hoạt động kinh tế toàn khu vực.

Từng xảy ra tình trạng quá tải ở cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp năm 2021. Ảnh: QUỲNH DANH

Tàu container cập Cảng quốc tế Lạch Huyện. Ảnh: ANH KHOA

Từng xảy ra tình trạng quá tải ở cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp năm 2021. Ảnh: QUỲNH DANH

Tàu container cập Cảng quốc tế Lạch Huyện. Ảnh: ANH KHOA

Trung bình mỗi ngày có khoảng 19.000 đến 20.000 lượt xe ô-tô ra vào cảng, do kết cấu giao thông chưa hợp lý, vào giờ cao điểm các xe container thường bị ùn tắc ở đây vài giờ đồng hồ trước khi vào được cảng, lượng tiêu tốn nhiên liệu sẽ nhiều hơn, thời gian vận chuyển hàng hóa bị chậm lại. Một dẫn chứng khác, như: hiện nay, 90% lượng hàng hóa được xếp dỡ, tiếp chuyển bằng đường thủy, trong khi đó hạ tầng bến thủy nội địa còn thiếu.

Điều này tạo nên tình trạng: Hàng hóa sản xuất tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) phải chuyển đến Bình Dương để đóng container, sau đó lại phải vận chuyển từ Bình Dương - nơi doanh nghiệp tốn thêm chi phí nâng-hạ đến cảng Cát Lái để xuất khẩu. Chi phí logistics cao, tương đương khoảng 20% GDP; trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ tương ứng chỉ khoảng 7-9% GDP.

Trường hợp của Hải Phòng, địa phương sở hữu nhiều lợi thế vượt trội để phát triển ngành dịch vụ logistics khi hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không, được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam, nhưng tại sao đến nay ngành dịch vụ logistics chưa thể bứt phá?

Câu trả lời, bởi có quá nhiều hạn chế chưa được giải quyết thấu đáo. Hạn chế đầu tiên được nhắc tới chính là sự thiếu kết nối đồng bộ trong các phương thức vận tải. Hơn 50 bến cảng ở Hải Phòng đều có thể tiếp nhận được phương tiện thủy vào xếp, dỡ hàng hóa, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện thủy rất thấp (ba năm trở lại đây chỉ ở quanh mức 14-16% - PV).

Nguyên nhân do tuyến luồng từ Hải Phòng đi các tỉnh phía bắc độ sâu hạn chế, nhiều cầu bắc qua sông tĩnh không thấp, không phù hợp cho các phương tiện thủy chở container đi qua. Còn hệ thống vận tải hàng hóa container bằng đường sắt cũng đã rất lạc hậu, chưa kết nối tới hệ thống cảng mới Đình Vũ-Lạch Huyện, mới chỉ giải quyết được khoảng 3% sản lượng hàng hóa các cảng tại đây.

Hải Phòng có đủ năm phương thức vận chuyển, thế nhưng có tới hơn 80% sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đều tiếp tục được lưu chuyển bằng đường bộ. Trong khi đó, vận tải thủy nội địa với nhiều ưu điểm, đặc biệt giúp giảm chi phí 20-25%, còn rất nhiều tiềm năng so vận tải đường bộ, lại chưa được phát huy
Lê Mạnh Cương - Giám đốc Công ty cổ phần Logistics và Khai thác cảng LOKAPORT

Bên cạnh các hạn chế về kết nối hạ tầng giao thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa chia sẻ: Hiện nay, Hải Phòng chủ yếu sở hữu các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ; năng lực cạnh tranh trên thị trường dịch vụ quốc tế và trong nước còn yếu; thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, chồng chéo; thời gian thông quan cho các lô hàng xuất, nhập khẩu bị kéo dài.

Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong hơn 500 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong hơn 500 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Thêm nữa, chi phí logistics của Hải Phòng còn ở mức cao so mức trung bình của thế giới. Nếu không sớm hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng, Hải Phòng đứng trước nguy cơ trở thành nơi đơn thuần thực hiện các hoạt động đơn giản trong xuất, nhập khẩu như vận tải và bốc dỡ hàng hóa.

Về nhân lực, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là hơn 200.000 người; trong khi đó, khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng, mà còn yếu về chất lượng.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 cho biết, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động đang làm trong lĩnh vực này. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, có đến 53,3% số doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% số doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên, chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Viettel Post là một trong những doanh nghiệp logistics tích cực chuyển đổi số, xanh hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: CTV

Viettel Post là một trong những doanh nghiệp logistics tích cực chuyển đổi số, xanh hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: CTV

Không chỉ hạn chế về hạ tầng giao thông, nhân lực, logistics Việt Nam còn được đánh giá là “đông nhưng không mạnh”. Minh chứng là, Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL. Trong đó, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh, và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, Kuehne+Nagel, DSV, DB Schenker,…

Cho dù các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài vì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và chiều bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”…

Vận chuyển thiết bị điện gió ở cảng Cát Lái. Ảnh: CTV

Vận chuyển thiết bị điện gió ở cảng Cát Lái. Ảnh: CTV

Có thể nói, nếu nền kinh tế là bộ máy, thì logistics được ví như dầu bôi trơn cho bộ máy đó vận hành được thông suốt, đạt được công suất lớn nhất với chi phí nhiên liệu ít nhất và độ bền cao nhất. Chính vì vậy, đưa ra những giải pháp cấp bách cần triển khai để khắc phục các bất cập và điểm yếu được nhắc đến ở trên, hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển trên cơ sở hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp sản xuất và thương mại đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

Đề nghị Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022.

Giảm gánh nặng cho xuất, nhập khẩu

Lô xe điện VF8 tập kết tại cảng MPC Port, quận Hải An, TP Hải Phòng để xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 11 năm 2022. Ảnh: VinFast

Lô xe điện VF8 tập kết tại cảng MPC Port, quận Hải An, TP Hải Phòng để xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 11 năm 2022. Ảnh: VinFast

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, việc nhận diện đúng cơ hội, cũng như những thách thức là hết sức cần thiết. Chung quanh vấn đề này, Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại thương, xuất nhập khẩu và logistics.

- Thưa ông, chi phí logistics ở Việt Nam luôn duy trì ở mức cao so các nước trên thế giới và ngay cả trong khu vực. Xin ông cho biết, đâu là những nguyên nhân?

- Các yếu tố làm tăng chi phí logistics ở Việt Nam hiện nay được chỉ ra cụ thể như sau: hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ. Thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hóa. Kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn tiếp tục là vấn đề hạn chế, là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải còn cao. Vận tải hàng đường bộ chiếm thị phần lớn trong vận tải hàng hóa, trong khi hiện nay chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao.

Mặc dù đã có nhiều cải tiến, nhưng thời gian thông quan hàng hóa trong một số trường hợp vẫn bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với hàng hóa phải có các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thời gian chậm thông quan hàng hóa cũng là một yếu tố làm gia tăng gánh nặng chi phí logistics.

Chi phí logistics càng cao càng làm giá thành của hàng hóa, hay dịch vụ cao. Điều này sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh với hàng hóa, hay dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác, quốc gia khác. Chi phí logistics cao đang là “gánh nặng” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Dòng xe container nối đuôi nhau trên cầu Phú Mỹ hướng về cảng Cát Lái. Ảnh: NHẬT THỊNH

Dòng xe container nối đuôi nhau trên cầu Phú Mỹ hướng về cảng Cát Lái. Ảnh: NHẬT THỊNH

- Việc xây dựng trung tâm logistics đang được các địa phương thực hiện như thế nào?

- Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, cả nước có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng (TP Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng).

Giai đoạn cuối năm 2021 đến giữa năm 2022, một số trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến và được tiêu chuẩn hóa đã đi vào hoạt động, như: Trung tâm logistics Hateco (TP Hà Nội), Trung tâm logistics HTM (Hải Phòng), Trung tâm logistics kho lạnh AJ Total (Long An). Ngoài ra, có nhiều trung tâm cũng đang trong quá trình xây dựng như Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc do Liên danh Tập đoàn T&T (Việt Nam) và Tập đoàn YCH (Singapore) làm chủ đầu tư có tổng số vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, quy mô hơn 83ha, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm.

Ở cả chiều mua và chiều bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”. Ảnh: CTV

Ở cả chiều mua và chiều bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”. Ảnh: CTV

Trung tâm logistics ECPVN Bình Dương 2 của Công ty Emergent Việt Nam với vốn đầu tư khoảng 34,4 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, tỉnh Bình Dương, dự án Trung tâm tiếp vận ITL logistics Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, dự án Trung tâm logistics Bắc Trung Bộ tại Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Hiện nay, các tỉnh xây dựng và tích hợp quy hoạch trung tâm logistics vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Điển hình như Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, trong đó phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành hai trung tâm logistics, hai cảng cạn ICD, một cảng container quốc tế, một trung tâm bưu chính, chuyển phát.

Đà Nẵng quy hoạch năm công trình hạ tầng logistics chính, gồm cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics Hòa Nhơn, trung tâm logistics đường sắt, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, trung tâm logistics Khu công nghệ cao. Long An đã quy hoạch sáu trung tâm logistics. Đồng Nai triển khai hệ thống trung tâm logistics tại Khu công nghiệp dịch vụ-hậu cần cảng Phước An, kết nối sân bay Long Thành và cảng nước sâu Phước An.

Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khả năng đón các tàu container trọng tải lớn đạt 160.000 DWT. Ảnh: ĐÌNH NAM

Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khả năng đón các tàu container trọng tải lớn đạt 160.000 DWT. Ảnh: ĐÌNH NAM

Theo Đề án phát triển logistics đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh cần có thêm bảy trung tâm logistics đạt chuẩn. Đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm thúc đẩy hình thành Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và hệ thống cảng cạn, kho bãi, cảng cạn ICD phụ trợ cho khu cảng Cái Mép-Thị Vải, nghiên cứu xây dựng khu thương mại tự do... Đến nay, một số địa phương đang tiếp tục triển khai đưa quy hoạch trung tâm logistics và cảng cạn vào tích hợp trong quy hoạch.

- Vậy theo ông, đâu là những thách thức mà ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới?

Có thể nói, thuận lợi có, nhưng khó khăn, thách thức cũng không hề nhỏ. Những thách thức có thể kể đến, như: Thứ nhất, bối cảnh thế giới với những rủi ro tiềm tàng do căng thẳng thương mại và xung đột chính trị đã tác động tiêu cực đến cả thương mại, sản xuất, đầu tư, trong đó có ngành dịch vụ logistics.

Thay vì tự do hóa thương mại, xu hướng bảo hộ gia tăng trên toàn cầu, các quốc gia tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, đặc biệt chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Trao đổi thương mại giữa hai quốc gia bị hạn chế không chỉ tác động tiêu cực tới luồng vận chuyển giữa hai nước mà còn gây ra hiệu ứng “domino” ảnh hưởng đến khối lượng thương mại toàn cầu cũng như mất cân đối trong chuỗi logistics và cơ sở hạ tầng giao thông.

Thứ hai, bài toán thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Nguồn nhân lực logistics tại các doanh nghiệp logistics và sản xuất của Việt Nam luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Cụ thể, các vị trí đang thiếu hụt nhiều nhất là nhân viên kinh doanh logistics, nhân viên công nghệ thông tin logistics và điều phối khai thác vận tải, kho hàng.

Thứ ba, tiêu chuẩn ngày càng cao về môi trường, yêu cầu hoạt động logistics giảm phát thải, giảm tác động sinh thái đặt ra áp lực đổi mới, cải tiến công nghệ, và điều này đương nhiên phát sinh thêm chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp logistics.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: CTV

Quy hoạch mạng lưới đường sắt tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: CTV

Được xem là phương thức vận tải thân thiện với môi trường, nhưng phương thức vận tải đường sắt tại Việt Nam chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng khai thác; trong khi đó, tỷ lệ xe tải trống chiều về khá cao đang là vấn đề đối với vận tải bằng đường bộ. Theo một kết quả khảo sát gần đây của Bộ Công thương, có 40,3% số doanh nghiệp khảo sát cho biết có tỷ trọng phương tiện vận tải trống chiều về ở mức 10-30%. Cá biệt, có tới 13% số doanh nghiệp có tỷ trọng phương tiện vận tải trống chiều về ở mức hơn 50%.

Cùng đó, thách thức đến từ chính tiến trình hội nhập. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới.

Các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng số hóa và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại. Trong khi đó, hầu như các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính, công nghệ khiêm tốn, thiếu kinh nghiệm, hạn chế về năng lực cạnh tranh nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn...

Theo tôi, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp sau: đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ vốn và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp số hóa; đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính; đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại; tăng cường đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác liên quan tới mô hình hải quan thông minh.

Việc sử dụng xe điện trong hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Việc sử dụng xe điện trong hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp đặc điểm kinh tế-xã hội của từng địa phương. Cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp logistics để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước giúp nâng cao quy mô, năng lực của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam. Với hơn 80% khối lượng hàng hóa thương mại trên toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, phương thức vận tải này chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics,... Đặc biệt, cần chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm bảo đảm một hành lang pháp lý đầy đủ, thông suốt, trực tiếp điều chỉnh các hoạt động dịch vụ logistics.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Nam có ưu thế của hệ thống cảng biển nước sâu kéo dài từ Bắc - Trung - Nam. Ảnh: CTV

Việt Nam có ưu thế của hệ thống cảng biển nước sâu kéo dài từ Bắc - Trung - Nam. Ảnh: CTV

Ngày xuất bản: 27/2/2023
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU LAN HƯƠNG, TRẦN TRUNG HIẾU, PHẠM TĂNG, LÊ CHÍ THÀNH
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG