Ảnh cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Lại về với
Ba Đình - Hà Nội

trong nắng thu vàng rực rỡ

Đại tá Trần Văn Đông

Bài viết đăng trong sách "Trung đoàn Thủ đô anh hùng - Ngày về vinh quang",
Nhà xuất bản Hà Nội, 2014.

Sau khi Hiệp định Gieneva được ký kết, cuối tháng 7 năm 1954, Trung đoàn Thủ Đô được lệnh chuẩn bị vào tiếp quản Hà Nội. Hơn hai nghìn cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn rất phấn khởi vì suốt 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng tôi luôn nhớ đến lời thề “Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù” và ước hẹn một ngày về chiếm lại thành phố quê hương. Nay “Ngày về” sắp trở thành hiện thực, ai mà chẳng vui mừng!

Tháng 9/1954 toàn Trung đoàn đã về tập kết ở huyện Đan Phượng, ráo riết hoàn thành việc chuẩn bị vào tiếp quản Hà Nội. Trưa ngày 18 tháng 9, bỗng có lệnh mới: mỗi đại đội cử một cán bộ chỉ huy đi lên Đền Hùng (Phú Thọ) để nhận nhiệm vụ.

Sáng sớm ngày 19 các cán bộ chỉ huy từ cấp đại đội trở lên của Trung đoàn Thủ Đô và của cả Đại đoàn 308 đã có mặt ở Đền Hùng. Anh em rất đỗi sung sướng vì không ngờ được gặp Bác Hồ tại nơi linh thiêng đất Tổ; cùng nhau ngồi quây quần trước mặt Người tại sân đền Giếng. Bác Hồ kính yêu mặc bộ quần áo vải phin nâu giản dị, ngồi ở bậc cửa đền nói chuyện với bộ đội. Chúng tôi hết sức xúc động khi Bác chỉ tay lên núi phía đền Thượng và hỏi:

- Các cháu có biết đây là nơi nào không?

- Thưa Bác đây là Đền Hùng ạ!

Bác nói: Đúng, đền thờ vua Hùng, tổ tiên chúng ta... Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước! Lời nói của Bác thấm sâu trong trí óc chúng tôi như một sứ mệnh nhắn gửi của non sông đất nước. Tiếp theo, Bác giao cho Đại đoàn 308 nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, kèm với những dặn dò ân cần về phòng, chống những âm mưu mà kẻ thù của hòa bình có thể dùng để phá hoại, phân hóa hàng ngũ chúng ta.

Từ Đền Hùng về, chúng tôi thực hiện kế hoạch tiến vào Hà Nội theo thỏa thuận giữa ta và Pháp tại Hội nghị Trung Giã (Phúc Yên).

Các vua Hùng đã công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!

Ngày 8/10/1954, Tiểu đoàn Bình Ca (số hiệu là Tiểu đoàn 18) của Trung đoàn Thủ Đô với 214 chiến sĩ trang bị toàn súng tiểu liên Sten (chiến lợi phẩm ở Điện Biên Phủ), dưới sự chỉ huy của chính trị viên Vũ Huy Hậu là đơn vị đầu tiên tiến vào Thành qua cầu Đuống, Gia Lâm, cầu Long Biên... để cùng canh gác với quân Pháp ở 35 vị trí quan trọng của Hà Nội, bảo đảm cho việc tiếp quản chính thức được thuận lợi.

Ngày 9/10/1954, tôi với cương vị Tiểu đoàn trưởng được giao chỉ huy tiểu đoàn 79 vào tiếp quản phần phía Bắc thành phố bao gồm khu vực Ba Đình, khu phố cổ, phố cũ thuộc Liên khu I (nay là quận Hoàn Kiếm).

Sáng sớm hôm ấy, đơn vị chúng tôi ngồi trên xe ô-tô Môlôtôva đi qua ô Cầu Giấy, rẽ sang đường đê La Thành (nay là đường Hoàng Hoa Thám) rồi tạm dừng ở vườn hoa cạnh hồ Tây, đầu đường Cổ Ngư (nay là vườn hoa Lý Tự Trọng). Dọc đường chúng tôi hành quân, trời chưa sáng hẳn phố xá còn trong tay quân Pháp nên vắng tanh vắng ngắt. Nhưng kỳ lạ thay, khi xe chúng tôi tới đâu thì ở đó cờ đỏ sao vàng bung ra phấp phới trước cửa các ngôi nhà, các ngõ xóm, cổng làng và nhân dân cũng đổ ra đường hò reo vẫy tay chào mừng.

Ảnh tư liệu cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn video: TTXVN)

Ảnh tư liệu cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn video: TTXVN)

Khi xe chúng tôi tới đâu thì ở đó cờ đỏ sao vàng bung ra phấp phới trước cửa các ngôi nhà, các ngõ xóm, cổng làng và nhân dân cũng đổ ra đường hò reo vẫy tay chào mừng.

Tại nơi tạm dừng ở vườn hoa, có một “bốt” lưu động gồm 3 xe bọc thép chở quân Pháp chờ đón bộ đội ta vào Thành. Đồng chí Duy Đức là phái viên Ban Chính trị Trung đoàn Thủ Đô (biết tiếng Pháp) ngồi trên xe đi đầu liền xuống xe đến hỏi và được viên sĩ quan chỉ huy Pháp cho biết họ là “poste de commandement numéro 1” (vị trí chỉ huy số 1) có nhiệm vụ dẫn bộ đội Việt Nam đến tiếp nhận Nhà máy Điện, Nhà máy Nước Yên Phụ.

Theo kế hoạch định trước, tôi giao cho hai đại đội 279, 281 của tiểu đoàn 79 tách ra đi theo xe bọc thép của Pháp về hướng Yên Phụ để làm nhiệm vụ. Còn bản thân tôi thì dẫn xe chở chiến sĩ đại đội 277, do chính trị viên Lâm Sinh Cẩm phụ trách, rẽ ngang sang phía vườn hoa Ba Đình, là một trọng điểm tiếp quản.

Tới Quảng trường Ba Đình, tôi xuống xe quan sát tình hình địa bàn trước khi thực hiện việc tiếp quản các công sở trong khu vực. Ánh nắng vàng cuối thu chan hòa không gian như hòa đồng với hồi ức trong tôi về sự kiện khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa diễn ra ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại nơi đây. Tôi bồi hồi xúc động đưa mắt tìm chỗ năm xưa đã từng dựng kỳ đài và cắm cột cờ để lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay phấp phới trên quảng trường này.

Trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh Bác Hồ đứng trên kỳ đài cất giọng ấm áp hỏi “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”, cả rừng người hoan hỉ đồng thanh đáp “Rõ ạ!”, Rồi Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam trước mấy chục vạn đồng bào Hà Nội dự cuộc mít tinh ngay sau thành công của Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8, ngập tràn tinh thần yêu nước. Lòng tôi trào dâng niềm tự hào vì đã được cùng đồng đội trong Trung đoàn Thủ Đô chiến thắng trở về địa danh Ba Đình lịch sử đúng vào mùa nắng thu vàng rực rỡ.

Lòng tôi trào dâng niềm tự hào vì đã được cùng đồng đội trong Trung đoàn Thủ Đô chiến thắng trở về địa danh Ba Đình lịch sử đúng vào mùa nắng thu vàng rực rỡ.

Nhìn về phía Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao) tôi thấy một chiếc xe bọc thép cùng một số lính Pháp đứng lố nhố chờ bộ đội ta đến để bàn giao. Chúng tôi liền tiếp cận đối phương. Tôi vừa bước xuống xe thì một cán bộ Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp đình chiến ghé đến sát, rỉ tai tôi: “… đã giới thiệu trước với viên sĩ quan Pháp rằng anh là chỉ huy tiểu đoàn có cấp bậc cao hơn. Vậy anh hãy bắt tay ông ta để tạo không khí hòa dịu cho việc chuyển giao”.

Trong đầu tôi chợt xuất hiện một câu hỏi: Sao lại bắt tay một đối tượng từng là “kẻ thù” của mình?. “Đó là một cử chỉ lịch sự và cao thượng vì ta là người chiến thắng!”. Nghĩ vậy, tôi bước lên thêm vài bước... viên sĩ quan Pháp dập chân đứng nghiêm, giơ tay lên vành mũ chào trịnh trọng, tôi chào đáp trả rồi chìa bàn tay ra trước. Với vẻ mặt tươi lên thực sự, ông ta vội vàng nắm lấy tay tôi mà lắc nhẹ rồi vui vẻ dẫn đơn vị tôi đến bàn giao từng vị trí.

Thực tế ở các vị trí bàn giao lúc ấy đã có sẵn một số chiến sĩ bộ đội ta (thuộc tiểu đoàn Bình Ca) vào từ hôm trước để cùng canh gác với lính Pháp, đơn vị do tôi chỉ huy chỉ cử chiến sĩ vào thay cho lính Pháp rút đi rồi cùng đồng đội của tiểu đoàn Bình Ca bảo vệ vị trí đã chính thức tiếp quản. Sau khi tiếp nhận Sở Tài chính, chúng tôi chuyển đến vị trí rất quan trọng: Phủ Toàn quyền, một tòa công thự nguy nga đồ sộ nằm cạnh vườn Bách thảo um tùm cây cảnh rất đẹp.

Tòa công thự này trước đây từng do viên Toàn quyền Đông Dương của thực dân Pháp ngự tọa, rồi đến tướng chỉ huy quân đội phát xít Nhật, tướng của quân Tàu Tưởng, chiếm dụng biến thành biểu tượng uy quyền to lớn của họ. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 nhân dân Hà Nội chưa có điều kiện giành lại tòa công thự đầy uy quyền này. Bây giờ phía Pháp đang để cho Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneva gồm đại diện ba nước Canada, Ấn Độ, Ba Lan tạm ở và làm việc.

Đúng 10 giờ sáng, tôi dẫn đầu các chiến sĩ “bộ đội Cụ Hồ” đĩnh đạc tiến vào “Phủ Toàn quyền”, mở đầu việc làm chủ hoàn toàn tòa công thự đầy uy quyền này của Nhà nước Việt Nam sau hơn 80 năm bị nước ngoài chiếm giữ.

Xem đồng hồ chỉ đúng 10 giờ sáng, tôi dẫn đầu các chiến sĩ “bộ đội Cụ Hồ” đĩnh đạc tiến vào “Phủ Toàn quyền”, mở đầu việc làm chủ hoàn toàn tòa công thự đầy uy quyền này của Nhà nước Việt Nam sau hơn 80 năm bị nước ngoài chiếm giữ.

Các đại diện của Ủy ban Quốc tế đã ra chứng kiến việc tiếp quản của chúng tôi và họ tỏ vẻ trân trọng “bộ đội Cụ Hồ”. Tôi hơi ngỡ ngàng khi gặp một anh “bộ đội Cụ Hồ” khoác tiểu liên Sten đứng gác nghiêm chỉnh ở cổng Phủ và kịp nhận ra đó là trung đội trưởng Xuân của tiểu đoàn Bình Ca. Đồng chí Xuân phụ trách toán “cảnh vệ” của ta vào cùng canh gác với lính Pháp từ hôm trước, bị phía Pháp “quên” không tiếp tế bữa ăn nên phải nhịn đói, mãi đến sáng nay mới được chính trị viên tiểu đoàn Vũ Huy Hậu đôn đốc hậu cần và trực tiếp đi cùng hậu cần mang đồ ăn đến.

Trong thời gian bị bỏ đói, Xuân và anh em đồng đội vẫn hiên ngang cầm súng đứng gác bên cạnh lính Pháp. Niềm tự hào to lớn được trực tiếp thu hồi Phủ Toàn quyền đã khiến cho đồng chí Xuân vượt qua thử thách, kiên định vững vàng để hoàn thành công việc được giao phó. Tôi thấy rõ niềm tự hào đó biểu hiện cả ở nét mặt từng chiến sĩ Đại đội 277 của ta khi đứng vào các vị trí canh gác Phủ Toàn quyền thay cho lính Pháp lầm lũi rút đi.

Tôi thấy rõ niềm tự hào đó biểu hiện cả ở nét mặt từng chiến sĩ Đại đội 277 của ta khi đứng vào các vị trí canh gác Phủ Toàn quyền thay cho lính Pháp lầm lũi rút đi.

Tiếp theo, chúng tôi tiến sang trường Anbe Xarô. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trường này nổi tiếng vì học trò đều là con công chức, viên chức cao cấp của chính quyền thực dân Pháp; chỉ có một số rất ít học sinh là con quan lại, nhà giàu người Việt Nam. Ban giám hiệu và các thầy giáo cũng phần đông là người Pháp. Trường này thường đố kỵ với các trường của người Việt, nhất là với Trường Bưởi nằm ở ven hồ Tây. Học sinh trường Bưởi nổi tiếng học giỏi, nhưng rất “ghét” Tây và hay va chạm, xô xát với học sinh trường Anbe Xarô. Hồi đó tôi là học sinh Trường Bưởi, mỗi khi đi lẻ một mình qua đây, tôi phải vọt nhanh để khỏi bị bắt nạt.

Nay thời thế đã thay đổi, tôi và các đồng đội đường hoàng vào tiếp quản dãy nhà rộng lớn của Trường Anbe Xarô, trước Ban giám hiệu khoảng ba chục thầy giáo, nhân viên dàn hàng đứng trình diện ở cổng trường. Trong khi các chiến sĩ ta lần lượt vào các vị trí canh gác thay binh lính Pháp rút đi, tôi cố kìm nén xúc động nói chuyện với Ban giám hiệu, giải thích cho họ hiểu chính sách của Chính phủ ta là tôn trọng các cơ sở văn hóa, giáo dục; lúc này bộ đội Việt Nam chỉ đến làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh.

Việc tiếp quản các vị trí khác chung quanh Quảng trường Ba Đình tiếp diễn suôn sẻ, trật tự, an toàn, kết thúc vào khoảng 15 giờ. Ánh nắng cuối thu vẫn rực rỡ chan hòa, nhưng không khí đã dịu mát hơn. Buổi tối ánh điện lung linh chiếu sáng trên quảng trường lịch sử. Tôi và các đồng đội đứng trên thềm cao nhất của “Phủ Toàn quyền” say sưa ngắm nhìn cảnh hào hùng của địa danh đã từng ghi dấu ấn khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khuya lắm mà vẫn chưa ai muốn đi ngủ. Đêm đó tối lại được cấp trên điều động trở lại phụ trách tiểu đoàn 54 để ngày 10/10 cùng các đơn vị của toàn Đại đoàn 308 chính thức tiến quân vào giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Ảnh cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

...

Ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ Đô thực hiện “Ngày về” ước hẹn với thành phố quê hương của mình. Dẫn đầu là Trung đoàn trưởng, anh hùng Nguyễn Quốc Trị, và Tiểu đoàn 54 - đơn vị chủ công của trung đoàn gồm nhiều chiến sĩ “quyết tử” của Liên khu I kiên cường năm xưa - tiến vào thành phố từ Ô Cầu Giấy rồi đi qua các đường phố Kim Mã, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân..., những đường phố mà trong mùa đông năm 1946 Trung đoàn Thủ Đô đã đánh những trận sống mái, quyết liệt, suốt 60 ngày đêm trong vòng vây của quân thù.

Trở lại các phố cũ, chúng tôi bồi hồi nhớ đến những đồng đội “quyết tử” năm xưa và không khỏi ngậm ngùi thương nhớ nhiều anh em đã hy sinh trên khắp chiến trường, ngàn năm vắng bóng, nên hôm nay không có mặt trong “Ngày về” vinh quang của Trung đoàn.

Chúng tôi cũng cảm thấy sự hy sinh của các liệt sĩ đã được đền đáp khi chứng kiến thành quả của 9 năm toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là miền bắc đã hoàn toàn được giải phóng, trong đó có Thủ đô Hà Nội muôn vàn mến yêu. Niềm vui to lớn của chúng tôi là ngày về khải hoàn của Trung đoàn Thủ Đô đã được nhân dân Hà Nội hoan hỉ chào đón với một rừng cờ, rừng hoa tươi thắm và đã ghi một mốc son lịch sử bằng sự kiện lá cờ Tổ quốc nền đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh Cột Cờ thành Hoàng Diệu sau hơn 80 năm đất nước bị đế quốc xâm lăng.

Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN