Ký ức

Hà Nội

Trải qua thời gian, những ký ức về Hà Nội có thể phôi pha, nhưng vẫn còn đó những mảnh ký ức được ghi lại từ sử liệu, sách báo, và những câu chuyện kể từ các thế hệ trước qua thế hệ sau. Sự thanh lịch, hào hoa của Hà Nội cũng vậy, nó mai một những giá trị không còn phù hợp và biến đổi theo thời đại.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến

Ký ức ngày 10/10 qua tư liệu
và những lời kể


Tôi được biết về ngày 10/10/1954 qua lời kể của nhiều nhân chứng trực tiếp, nay họ đều đã qua đời. Ngoài ra, tôi còn đọc sách báo của Pháp, hồi ký của những người Pháp từng ở Việt Nam trước năm 1954.

Ngay trước ngày tiếp quản Thủ đô, ngày 9/10 lại có nhiều sự kiện nhất. Từ sáng 9/10, người dân Thủ đô đã tiếp quản một số khu vực như Quảng Bá, Cầu Giấy, Hà Đông, Bưởi, Văn Điển… Cùng trong thời gian đó, vào lúc 9 giờ sáng, đã diễn ra một lễ hạ cờ thảm hại trong mưa của người Pháp. Một viên Tư lệnh Pháp ở Đông Dương đứng chào lá cờ lần cuối, sau đó hai viên sĩ quan mang lá cờ ra sân vận động Magin, sau này là sân Cột Cờ trao cho một ông đại tá. Viên Tư lệnh Pháp ở chiến trường Đông Dương có nói một câu rất buồn bã: “Tôi trao lại lá cờ cho anh, và đây là một cuộc chia tay rất buồn thảm”.

Trong hồi ký của những người lính khi dự lễ hạ cờ và thu cờ đó cũng ghi lại những cảm xúc rất buồn. Ngoài trời mưa, trong lòng họ cũng mưa sụt sùi. Buồn vì thất bại, không biết tương lai thế nào. Hôm đó họ cũng đến các nghĩa trang, nơi chôn cất người lính Pháp chết trận để chia tay. Và sau đó vào 4 giờ chiều, họ rút về Hải Phòng qua cầu Long Biên. Khi đó, Hải Phòng được chọn là vùng đệm để Pháp rút quân về nước.

Cũng trong ngày 9/10, đã diễn ra một sự kiện quan trọng là thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Cùng ngày 9/10, Bác Hồ viết Lời kêu gọi đăng trên Báo Nhân Dân, nhắc đến 10 điều kỷ luật đối với những người tiếp quản Thủ đô, trong đó Bác răn từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng. Khi Lời kêu gọi này đăng trên Báo Nhân Dân, ngay buổi sáng hôm ấy, tờ báo đã được phân phát bí mật cho những đơn vị đang chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, cho các cán bộ nằm vùng, cán bộ Cách mạng. Mọi người rất hưởng ứng và thấy đó là điều rất cần thiết cho lực lượng tiếp quản Thủ đô ngày hôm sau.

Nhà hát Lớn Hà Nội trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Thủ đô (10/1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhà hát Lớn Hà Nội trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Thủ đô (10/1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

15 giờ chiều ngày 10/10 đã diễn ra lễ chào cờ trên sân vận động Mangin. Khi đó lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên được treo trên kỳ đài. Tôi có gặp một số người chứng kiến thời khắc chuyển giao này, như Trung tướng Nguyễn Hồng Cư, đại đoàn 308.

Những ngày đó, không ai có tâm trạng riêng mà tất cả hòa vào tâm trạng chung của ngày 10/10. Chỉ có một điều đáng tiếc là tôi chưa tìm được gia đình hay người nào đã may lá cờ treo trên kỳ đài vào lễ chào cờ vào 3 giờ chiều ngày 10/10. Những ngày đó, những lá cờ nhỏ trên trên các phố, các cột điện đều do các gia đình có máy khâu tự may. Còn lá cờ treo trên kỳ đài rất lớn, không rõ được may như thế nào. Tâm trạng người dân khi đó rất hồ hởi, đón chờ cái mới.

Nguyên Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng

Ký ức Hà Nội là tuổi thơ tôi


Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đi học, trừ những tháng năm theo gia đình đi sơ tán, cả ba cấp 1, 2, 3 đều học ở Hà Nội. Hết lớp 10, được Nhà nước cử đi học nước ngoài, tốt nghiệp về cũng được bố trí làm việc ở ngay Hà Nội. Tôi cũng đã có thời gian sống rất lâu tại phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Mãi đến khi đã vào tuổi ngũ tuần, tôi mới chuyển về sống ở một căn hộ trên đường phố mang tên cha mình - đường Nguyễn Huy Tưởng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi mua nhà, người khác lo chọn hướng cho hợp tuổi, tôi chỉ đưa ra yêu cầu căn hộ ở đầu hồi, có hai ban công. Một nhìn xuống đường phố mang tên cha mình, một hướng về trung tâm thành phố.

Điều tôi thích nhất ở Hà Nội những năm tháng xưa cũ là mỗi lần đi sơ tán được trở về Hà Nội, thường vào dịp Tết, khi bom đạn tạm ngưng. Từ nơi sơ tán, chúng tôi đi xe ngựa, đi bộ, ra đến Hà Đông thì lên tàu điện chạy thẳng về Hà Nội. Tới Cửa Nam, xuống tàu, đi bộ về nhà - một căn gác ở ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt. Càng gần đến nhà, tôi càng sốt ruột. Ban đầu chỉ là rảo bước. Nhưng khi chỉ còn ba, hai, rồi một ngã tư nữa, tôi gần như chạy. Cứ thế thẳng một mạch đến trước ngõ nhà mình, rồi leo cầu thang hai, ba bậc một lên nhà. Rồi vội vàng, luống cuống mở khóa cửa, vào nhà, mở hết các cửa sổ. Rồi bật đèn, dù đang ban ngày, để thấy cái bóng sáng lên, đỏ quạch. Rồi ra mở vòi nước, nhìn những tia nước chảy ra khỏi chiếc vòi đồng lâu không dùng đã xỉn đi... Cảm xúc này dường như lại đến với tôi khi chuyển về chỗ ở mới.

Giờ khác ngày xưa, không phải đi bộ mà đi ô tô, xe máy. Mỗi khi đi đâu về, qua đường Vũ Trọng Phụng hay đường Nguyễn Tuân rẽ sang đường Nguyễn Huy Tưởng, tôi đều có cảm giác xốn xang như vậy. Gần đến chung cư nhà mình, theo thói quen, tôi lại ngước nhìn lên cao, nơi có căn hộ của mình ở tầng mười, nơi mẹ tôi đã sống với vợ chồng chúng tôi cho đến khi qua đời để về với cha tôi ở cõi vĩnh hằng. Với tôi, ký ức về Hà Nội là những gì thân quen, gắn bó mật thiết như thế.

Những tài hoa thanh lịch của Hà Nội xưa, theo tôi giờ đã phôi pha đi nhiều. Không phải vô cớ mà người ta vẫn hay báo động về sự xuống cấp trong đời sống của người Hà Nội, nhất là về văn hóa - tinh thần. Rõ ràng, những bát nháo, lộn xộn, tùy tiện trong lối sống thị dân ở không ít người Hà Nội, cần phải được chấn chỉnh.

Nhưng công bằng mà nói, nhiều cái cần và thực tế, cũng đang thay đổi. Vẻ hào hoa, thanh lịch quả là đang mất đi theo cùng một bộ phận người Hà Nội xưa cũ, đây thực sự là điều đáng tiếc nhưng thiết nghĩ, khó có thể khác được. Vẻ đài các, từ tốn quá cũng không thể - và không nên tồn tại ở phần lớn những người Hà Nội đang bị cuốn đi theo dòng chảy khẩn trương của cuộc sống hiện đại. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh ấy, người Hà Nội về đại thể sống có kỷ cương không và, cao hơn, có lịch sự không? Câu trả lời, với tôi, nói chung là có. Thậm chí, có thể nói người Hà Nội khá có tính cách - một tính cách đủ biết mình để không phô phang, đủ tinh tế để không quá thể hiện. Bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, đi đâu tôi vẫn thường nhận được ra người Hà Nội.

Những cuốn sách viết về Hà Nội gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Huy Tưởng. (Ảnh: Lê Thủy)

Những cuốn sách viết về Hà Nội gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Huy Tưởng. (Ảnh: Lê Thủy)

Còn “tinh hoa” của người Hà Nội, tôi khẳng định vẫn đang được duy trì, thậm chí tốt. Để kiểm nghiệm, xin mời lên Phố Cổ - “vùng lõi” của Hà Nội. Mặc dù không phải người sành sỏi, tôi vẫn nghĩ ăn gì ở Phố Cổ cũng ngon hơn các nơi khác ở ngay Hà Nội. Cũng cùng bát phở nhưng thanh hơn. Cũng cùng món bún chả nhưng đậm vị hơn, miếng chả tươi ngon hơn... Phải chăng đây chính là sự tinh khéo riêng có của người Hà Nội “băm sáu phố phường” từ thời Thạch Lam vẫn luôn hiện hữu đến nay?

Tác giả Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng).

Tác giả Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng).

NSND Lan Hương

"Em Bé Hà Nội"
là định mệnh của cuộc đời tôi


Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sống với ông bà ngoại và 2 bác ở khu tập thể Điện ảnh 72 Hoàng Hoa Thám. Tuổi thơ của tôi gần gũi, lớn lên trong môi trường nghệ thuật, nên có lẽ nó đã thấm sâu vào tâm trí tôi lúc nào cũng không hay.

Ký ức của tuổi thơ gắn bó với Hà Nội của tôi là những lần được mẹ cho đi chơi Hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân, Hồ Tây…, là những kỷ niệm sâu sắc về một Hà Nội thanh bình, giản dị với tiếng leng keng tàu điện, tiếng còi pi po bán kem dạo, tiếng chổi quét rác đêm... Rồi những lần được đến Nhà hát Lớn, rạp chiếu phim Công Nhân là lần đầu tiên tôi được tiếp cận với nghệ thuật sân khấu - điện ảnh, và nó như hơi thở, đã thấm sâu vào tâm tưởng tôi đến mãi sau này.

Bác Hải Ninh (Đạo diễn NSND Hải Ninh) có kể, bác đã ấn tượng với khuôn mặt và đôi mắt của tôi từ khi tôi còn bé. Sau này, khi đoàn làm phim “Em bé Hà Nội” tìm diễn viên nhí cho phim, bác Hải Ninh gặp tôi ở trường phổ thông Kim Liên, đó là năm 1973, tôi đang học lớp 5. Ấn tượng xưa cùng với việc chấm điểm diễn viên thử vai của bác đã tạo thành định mệnh cho tôi gắn bó với bộ phim.

Tôi may mắn được công chúng biết tới khi mới 10 tuổi, từ vai diễn đầu tiên ấy. Sau này, có nhiều lời mời đến với điện ảnh, nhưng tôi từ chối vì muốn tập trung cho sân khấu. Vì vậy, số phim tôi tham gia chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Trích cảnh phim "Em bé Hà Nội", nhân vật do diễn viên Lan Hương thủ vai.

Trích cảnh phim "Em bé Hà Nội", nhân vật do diễn viên Lan Hương thủ vai.

Nhớ lại hồi đó, khi đạo diễn Hải Ninh tới nhà mời đi đóng phim, mẹ tôi đã phản đối quyết liệt, vì bà muốn tôi phải đi theo con đường khoa học của bà. Thành công ngoài sức tưởng tượng của “Em bé Hà Nội” khiến tôi càng tin rằng, nghệ thuật chính là con đường của mình. Từ đó tôi nung nấu và quyết tâm đi theo nghệ thuật, tìm mọi cách để theo đuổi ước mơ dù mẹ tôi phản đối và ngăn cản rất quyết liệt.

Tôi nộp đơn vào trường Múa, mẹ ngăn cản. Tôi nộp đơn vào trường Sân khấu - Điện ảnh, khoa Điện ảnh không tuyển sinh. May mắn đúng lúc ấy, Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên, thế là tôi nộp đơn và trúng tuyển. Và tôi bước vào con đường nghệ thuật từ đó.

Điều tôi tự hào về Hà Nội vì đó chính là Hà Nội, nơi mình sinh ra và lớn lên, mọi thứ của Hà Nội đã nuôi nấng, dạy dỗ và nâng đỡ để có một Lan Hương như ngày hôm nay.

Với tôi, Hà Nội là sự hội tụ, kết tinh của văn hóa và tri thức. Những gì tốt đẹp nhất Hà Nội đều có và Hà Nội như bệ phóng cho sự phát triển. Trong xã hội phát triển, Hà Nội có thêm sự cộng hưởng của văn hóa vùng miền. Theo tôi, văn hóa vùng miền nào cũng có hay cái đẹp riêng, khi thành phố ngày càng phát triển, văn minh thì mỗi khi có thời gian để “lắng đọng”, ai cũng tự hào khi nhắc đến đến gốc cội của mình. Hà Nội với tôi như hơi thở. Xã hội Hà Nội đang phát triển nhanh, gắn liền với nó là sự luân chuyển, giao thoa, tuy nhiên theo tôi, con người ở đâu cũng cần giữ sự nhân ái, văn minh và trí thức.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Hà Nội hiện đại đang ánh xạ lại những hào hoa thanh lịch trong bối cảnh mới


Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Gia đình tôi trước đây sống ở phố Vọng. Tình cảm về Hà Nội thấm vào tôi từ bé, từ những ca khúc lãng mạn về Hà Nội, văn Tự Lực văn đoàn, hay những bức tranh của hội họa Đông Dương. Nhà tôi hồi bé có nhiều sách, tôi đọc nhiều và những điều về Hà Nội thấm dần vào tôi một cách tự nhiên.

Về sự hào hoa thanh lịch của Hà Nội, tôi cho rằng, mọi lối sống và hình thái luôn luôn có sự biến đổi, huống hồ một đặc tính còn nhiều tranh cãi và chưa rõ ràng. Tôi nghĩ rằng nó xuất phát từ một nhu cầu đơn giản là một cộng đồng văn minh, một xã hội đô thị luôn có tôn chỉ cho con người được phát triển hài hòa và phát triển hết những năng lực thẩm mỹ của họ, đồng thời cũng có khả năng tạo ra một đời sống văn hóa riêng biệt, có thẩm mỹ. Như một cuốn sách của tôi “Mỗi góc phố một người đang sống”, thành phố là một không gian sống chỉ thực sự có ý nghĩa và nói lên được sự đặc sắc của nó bởi những con người đang sống ở đó.

Người Hà Nội xưa nổi tiếng thanh lịch, cởi mở, chân tình. (Ảnh tư liệu An ninh Thủ đô phát)

Người Hà Nội xưa nổi tiếng thanh lịch, cởi mở, chân tình. (Ảnh tư liệu An ninh Thủ đô phát)

Sự hào hoa từ xưa đến giờ, ngày nay một mặt đã bị phôi pha. Ít ra khi chúng ta đem ra bàn, hỏi nhau xem có còn không, nghĩa là đang dự báo một sự tan biến trên thực địa và trên hành vi sống. Đó là một nguy cơ thực sự đã xảy ra. Tuy nhiên, người Hà Nội hiện đại cũng đã cố gắng xây dựng một nếp sống ánh xạ lại những nét thanh lịch hào hoa ấy trong một bối cảnh mới. Người ta cũng có nhu cầu hít thở không khí trong lành, tuân thủ luật lệ giao thông, hay có những chương trình xã hội ủng hộ con người được phát triển hài hòa trong đô thị, trẻ con đi học không bị áp lực bởi thành tích, người lớn đi làm có thu nhập tốt và có nơi ở giúp cho gia đình hồi phục sức khỏe và tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng. Mỗi người đều có nhu cầu được sống bình yên và hưởng thụ những phúc lợi xã hội.

Sự thanh lịch của Hà Nội trước đây là tổng hòa của hai hệ đạo đức gồm truyền thống Khổng giáo “tam cương ngũ thường”, con người sống có tôn ti trật tự và ảnh hưởng bởi nếp sống lấy gia đình làm hạt nhân. Người đàn ông phải có đóng góp cho xã hội, còn người phụ nữ tề gia nội trợ. Phụ nữ Hà Nội trước đây luôn nổi tiếng vì tài nữ công gia chánh, các công việc bếp núc và rất chỉn chu với con cái. Họ có tiếng thanh lịch bởi họ phải thực hiện những bổn phận như thế. Đó cũng là nghịch lý của sự thanh lịch.

Thứ hai là ảnh hưởng bởi hệ thống tư duy thẩm mỹ của Pháp, như phóng khoáng, cởi mở huê tình, lãng mạn. Đó là hai yếu tố hòa trộn tạo nên sự thanh lịch. Nhưng thanh lịch cũng là cái nhìn về tầng lớp trung lưu, tầng lớp trên, thí dụ như một ông mặc comple lịch sự, bà mặc áo dài, chải tóc bồng, đó là hình ảnh của tầng lớp tư sản hoặc tiểu tư sản. Nghĩa là có sự phân biệt giữa Hà Nội với các vùng quê, đó cũng là một mặt trái. Không phải lúc nào diễn ngôn về giá trị lớn đó cũng hoàn hảo.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng:

Mạch chảy lịch thiệp của Hà Nội vẫn còn bền bỉ, dù có bị xô đẩy, biến chuyển


Điều tôi thích nhất ở thành phố này là sự cởi mở, hài hòa, chừng mực. Nó đòi hỏi phải biết quan sát, lắng nghe, nhìn nhận và tham gia vào đời sống một cách trách nhiệm, có tôn trọng, có đóng góp. Đó là nét văn hóa, cư xử, lối sống tinh tế và có tư thế mà Hà Nội đã có được và mỗi người đến với Hà Nội nên có. Nếu nhận ra mình là một phần của đời sống tự nhiên, xã hội, một phần của cộng đồng người cũng như của cả không gian thiên nhiên, cây cỏ, con người sẽ giữ sạch đẹp cho mọi thứ chung quanh hơn, như là sạch cho mình vậy.

Ở Hà Nội, cái mạch chảy thanh thoát, lịch thiệp trong ăn mặc, trong lời ăn tiếng nói, trong đi lại, trong sự chăm chút đời sống sinh hoạt... vẫn còn bền bỉ, dù có chịu những va đập, xô đẩy và cả biến chuyển. Nhưng điều cần là ta nên giữ, học để giữ và lan tỏa, tiếp biến, tiếp nối, không thì nó cũng sẽ bị lấn lướt, trở nên mờ nhạt.

Hà Nội đã dạy ta cách đón nhận những dòng chảy văn hóa từ bốn bề tụ họp về và cô đúc, chắt lọc nên những điều tinh tế, tươi sáng. Thì hôm nay, cũng với những bài học, kinh nghiệm quý ấy của lịch sử hình thành đô thị xưa, ta cũng nên ứng dụng sáng tạo vào đời sống của Hà Nội mở rộng, bao chứa rộng rãi. Có những điều thực tế cũng đã phải mai một, vì đời sống hiện đại đặt ra rất nhiều đòi hỏi cho mỗi người.

Đầu ô bến bãi hoa niên
Mọc vào gió động những triền phù sa
Phố trầm sâu dưới bao la
Những trăm năm vẫn hiện ra rất gần
(Trích thơ "Lên cao nhìn xuống sông Hồng", Nguyễn Quang Hưng)

Và cũng không phải đáng băn khoăn khi bây giờ có thể trong gia đình, nếp sống chừng mực, hài hòa, tôn ti trật tự vẫn được bảo vệ. Nhưng ngoài xã hội, trong ứng xử giữa các bạn, các em trẻ, cũng đã có những điều khác đi, có sự bỗ bã, bụi bặm hơn, và cả những tiêu cực nữa.

Nhưng có lẽ, cách để người trẻ, để những người mới đến với Hà Nội, quan tâm đến truyền thống và những nét đẹp Hà Nội trong văn hóa, lối sống, và giữ gìn chúng chính là việc tiếp tục lan tỏa chúng, truyền tải cái đẹp đó đến với mọi người. Nhưng cũng nên học hỏi chính những nét lịch thiệp, nhẹ nhàng, tinh tế của Hà Nội để đưa vào phương pháp thực hiện, chứ không nên ồn ào, khoa trương, hình thức và diêm dúa. Nói về vẻ đẹp Hà Nội mà cứ sầm sập thì không nên.

Nét hào hoa, thanh lịch của Hà Nội như một miền hoài niệm lớn và lâu bền của đời sống gia đình, dòng họ, đồng thời cũng là một thực tế sôi động, phong phú của cuộc đời thực tại hiện nay mà chính tôi cũng tham gia vào đó. Xưa và nay, cũ và mới, truyền thống và hiện đại, hòa vào một mạch viết.

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Hà Nội trong tôi
là nguồn cảm hứng thơ vô tận


Tôi là người chất chứa trong tâm can tình cảm gia đình sâu sắc, tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng và cảm xúc lứa đôi dạt dào. Xin cảm ơn cuộc sống đã cho tôi sự nhạy bén với từng cảnh sắc, từng xúc cảm vô cùng quen thuộc và gần gũi chung quanh. Tôi không có thói quen sử dụng những mỹ từ cao siêu, xảo ngữ học thuật, có lẽ vì thế mà độc giả dành cho thơ Vũ Quần Phương một tình cảm không đổi.

Quê cha ở cửa biển Hải Hậu (Nam Định), nhưng tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê mẹ thuộc “Tứ danh hương” - thị xã Xuân Phương, nay là quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tới năm 11 tuổi, do trường làng không mở lớp nhì, lớp nhất (tương đương với lớp 4, lớp 5 ngày nay), tôi được mẹ gửi tới nhà người thân trong nội thành để đi học.

Thủ đô trong miền ký ức tuổi thơ của tôi là những tháng ngày đi học xa nhà, cô đơn không có người cùng chia sẻ và hơn hết là niềm vui đoàn tụ trong những chuyến đi Hà Nội lấy hàng của mẹ. Có lẽ vì vậy mà tình cảm gia đình trong lòng tôi có nhiều điều ngậm ngùi, trăn trở. Những dòng suy tư, chiêm nghiệm miên man về cuộc sống đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác nơi tôi.

Bước ngang từ một chàng sinh viên y khoa qua nghiệp viết, phải chăng vì thế mà những tác phẩm thơ văn của tôi cũng có sự khác biệt. Giai đoạn Hà Nội đang phải gồng mình trong bom đạn, phong trào thơ mới chống Mỹ nức lòng quân dân, tôi lại chọn cho mình một “góc” riêng bình yên. Ở giai đoạn mà người Hà Nội chỉ quen thuộc với áo xanh, áo nâu thì hình ảnh cô gái “áo đỏ” đi giữa phố đông như một dấu hiệu nhem nhóm lên tia hy vọng của hòa bình. Chi tiết nhỏ ấy cũng đủ làm tôi thấy xúc động.

Áo đỏ em đi giữa phố đông,
Cây xanh như cũng ánh theo hồng.
Em đi lửa cháy trong bao mắt,
Anh đứng thành tro em biết không
(Thơ "Áo đỏ", Vũ Quần Phương)

Cũng giống các bạn thơ cùng thế hệ như Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu..., độc giả cả nước cũng dành một tình cảm đẹp cho thơ của Vũ Quần Phương. Đề tài Hà Nội chiếm một số lượng đáng kể trong những tác phẩm thơ, sách và báo viết của tôi. Hà Nội trong thơ tôi là bức họa về một thời đã xa với những miền ký ức xưa cũ.

Với tôi, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, thăng hoa và lan tỏa của những điều tinh tế. Tôi muốn kể về một Hà Nội yên bình với những câu chuyện dung dị đời thường.

Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa
Mái rêu âm dương nắng chiều ngả bóng
Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng
Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ.
(Trích thơ “Đi trong phố cổ Hà Nội”, Vũ Quần Phương)

Trong nhịp sống hối hả hiện đại, những vần thơ tôi gieo, những câu chuyện tôi kể, những ý kiến tôi nêu vẫn đều được đón nhận. Nay đã bước qua tuổi bát tuần, nhiều lúc ngồi ngẫm lại, tôi thấy từng con người, cảnh trí, phố xá, nếp sống, thói quen... của người Hà Nội như một phần của tôi.

Mỗi bước chân đi trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội là âm vang thời cuộc của một nghìn năm lịch sử ùa về. Người Hà Nội mừng cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của Thủ đô, nhưng cũng không quên đi ký ức. Những giá trị văn hóa truyền thống và những ký ức xa xưa được níu giữ trong từng di tích, địa danh lịch sử, trong cánh hoa đào hồng thắm mỗi độ xuân về và cả bát phở nghi ngút khói trong cái lạnh của mùa đông. Qua những chi tiết nhỏ mang tâm trạng lớn, tôi muốn gửi gắm tới độc giả trong từng áng thơ thông điệp về một nỗi niềm trăn trở gìn giữ những giá trị hồn cốt của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Bút nghển mực lên trời để viết
Rồng cũng thăng về phía mây bay
Người đi cúi mặt trên đường bụi
Quả trong vườn chín quá tầm tay.
(Trích thơ “Bất chợt với Thăng Long”, Vũ Quần Phương)

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH
Thực hiện: TUYẾT LOAN, GIAI THANH, MINH DUY, PHAN ANH
Ảnh: MINH DUY, TƯ LIỆU, LÊ THỦY, NGUYỄN NHƯ MAI, NVCC