Sống xa quê hương, cộng đồng người gốc Việt Nam ở Vương quốc Campuchia luôn đoàn kết, nỗ lực học tập, lao động, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước Chùa Tháp. Bên cạnh đó, những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng luôn được bà con gìn giữ và phát huy.

Battambang là một tỉnh thuộc khu vực tây bắc Campuchia. Vùng đất được mệnh danh là vựa lúa của Campuchia này có khá nhiều gia đình người gốc Việt sinh sống. Những ngày giáp Tết, bà con hối hả thu xếp công việc để có thời gian dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Xuân.

Tiếp phóng viên thường trú Báo Nhân Dân trong căn nhà khá rộng tại phường Chomkar Samraong, thành phố Battambang, ông Trần Văn Bảo, 65 tuổi, cùng vợ người Campuchia bà Heng Dy cho biết, Tết năm nay thấy không khí vui vẻ hẳn vì đại dịch Covid-19 đã được khống chế.

Bà Heng Dy cảm nhận và trân trọng văn hóa của quê hương chồng - miền trung đất Việt.

Bà Heng Dy cảm nhận và trân trọng văn hóa của quê hương chồng - miền trung đất Việt.

Vừa nói chuyện với khách, ông bà Bảo vừa tỉ mỉ lau lại bàn thờ, xếp lên cặp bánh chưng và hai cây giò lụa mới đượcTổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang tặng hồi sáng sớm. Hoa tươi cùng mấy thẻ hương, nến và mâm ngũ quả cũng được kính cẩn đặt lên nơi thờ cúng ông bà tổ tiên.

“Gia đình tôi vẫn theo phong tục tập quán của người Việt thôi. Ngày Tết thì có bánh trái, mâm ngũ quả để cúng ông bà và đón giao thừa, chuẩn bị bao lì xì để mừng tuổi cho các cháu nhân dịp Tết đến Xuân về, các cháu có thêm động lực để mà cố gắng học tập, gìn giữ phong tục của Việt Nam cũng như của người Campuchia”, ông Bảo tâm sự.

Tết Nguyên đán của Việt Nam là một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Tôi đã được sang Việt Nam ăn Tết, không khí đón năm mới thật vui vẻ. Tôi cũng thờ cúng ông bà vào dịp này. Tôi thấy yêu quý những nét văn hóa tốt đẹp đó
Bà Heng Dy

Sống bên ông Bảo đã hơn 40 năm, được về thăm quê chồng ở miền Trung Việt Nam mấy lần, bà Heng Dy hiểu và cảm nhận được sự thiêng liêng cũng như những nét đẹp nhân văn trong văn hóa truyền thống của người Việt, nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về.
“Tết Nguyên đán của Việt Nam là một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Tôi đã được sang Việt Nam ăn Tết, không khí đón năm mới thật vui vẻ. Tôi cũng thờ cúng ông bà vào dịp này. Tôi thấy yêu quý những nét văn hóa tốt đẹp đó”.

Ông Trần Văn Bảo luôn nhớ về quê hương cội nguồn.

Ông Trần Văn Bảo luôn nhớ về quê hương cội nguồn.

Là giáo viên dạy tiếng Việt cho cộng đồng gốc Việt và cả những người Campuchia có nhu cầu, ông Bảo thường đưa những nét văn hóa Việt vào bài giảng. Ở nhà, ông cũng luôn giáo dục, uốn nắn con cháu giữ gìn nề nếp gia phong, nhất là ngôn ngữ và phong tục tập quán của dân tộc.

“Tôi hay mở các chương trình đài của Việt Nam mình cho các cháu xem, nhất là vào những dịp Tết hoặc lễ hội của Việt Nam. Cùng với đó, có điều kiện thì chúng tôi cho các cháu về thăm quê theo khả năng kinh tế của gia đình, có thể một năm hoặc hai năm một lần”, ông Bảo cho biết.

Hoạt động chuẩn bị đón Tết cổ truyền của bà con gốc Việt tại vùng tây bắc Campuchia cho thấy, không chỉ lớp người có tuổi như ông Trần Văn Bảo, mà cả thế hệ thanh thiếu niên vẫn luôn yêu quý, gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ và bản sắc văn hóa của mình.

Học sinh con em người gốc Việt biểu diễn văn nghệ mừng Xuân Quý Mão.

Học sinh con em người gốc Việt biểu diễn văn nghệ mừng Xuân Quý Mão.

Đưa các em học sinh đến dự liên hoan và biểu diễn văn nghệ trong chương trình Xuân Quê hương 2023 do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang tổ chức, cô Lê Thị Thùy Linh, giáo viên Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Viêt Nam tỉnh Siem Reap cho biết:

“Song song với việc dạy tiếng Việt thì chúng tôi cũng đưa vào chương trình những kiến thức về văn hóa để các em không quên được tiếng mẹ đẻ và rành được phong tục tập quán của đất nước, dân tộc mình. Trong ngày Tết thì tôi kể cho các em nghe những câu chuyện, trong đó có sự tích bánh chưng bánh dày để các em hiểu hơn. Hôm nay, học sinh của trường sẽ đóng góp tiết mục múa Xin chào Việt Nam”.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào ở xa tổ quốc. Đối với bà con kiều bào ở Campuchia, nơi đời sống còn khó khăn, thì việc hỗ trợ cộng đồng vươn lên, đặc biệt là việc học hành của thế hệ trẻ để có tương lai tươi sáng càng mang ý nghĩa thiết thực.

Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn tham gia tặng quà Tết cho bà con gốc Việt ở tỉnh Battambang.

Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn tham gia tặng quà Tết cho bà con gốc Việt ở tỉnh Battambang.

Theo ông Nguyễn Thành Văn, Tổng Lãnh sự tại tỉnh Battambang, hiện nay, 7 tỉnh thuộc khu vực lãnh sự tây bắc Campuchia (gồm Battambang, Siem Reap, Pursat, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Pailin và Preah Vihear) thì có 3 tỉnh có điểm trường, là Siem Reap, Battambang và Pursat, với tổng cộng khoảng 500 học sinh. Các cháu được học cả tiếng Việt và tiếng Khmer.

Các cháu sinh sống ở Campuchia thì phải biết tiếng Khmer, phải biết phong tục tập quán để hòa nhập với xã hội sở tại. Tuy nhiên, các cháu cũng cần được dạy và học tiếng Việt để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước của cội nguồn, để làm sao hòa nhập mà không hòa tan
Nguyễn Thành Văn, Tổng Lãnh sự tại tỉnh Battambang

“Các cháu sinh sống ở Campuchia thì phải biết tiếng Khmer, phải biết phong tục tập quán để hòa nhập với xã hội sở tại. Tuy nhiên, các cháu cũng cần được dạy và học tiếng Việt để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước của cội nguồn, để làm sao hòa nhập mà không hòa tan”, ông Nguyễn Thành Văn nhấn mạnh.

Nội dung: NGUYỄN HIỆP - SƠN XINH (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Campuchia)
Trình bày: PHƯƠNG NAM