KHÁT VỌNG XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, VÌ MỘT VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Chinhphu.vn

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Chinhphu.vn

Việt Nam đã có gần 40 năm trên chặng đường đổi mới, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại và thách thức to lớn. Từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh, nhiều năm bị cấm vận, đến năm 2022, nước ta đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; hàng hóa, sản phẩm Việt Nam đã đến với người tiêu dùng ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Để có được thành tựu xuất sắc nêu trên, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tâm huyết với sự phát triển thương hiệu quốc gia

Trên cương vị công tác của mình và trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua nhiều thế hệ luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

Từ tháng 3/2023 đến nay, sau hơn bảy tháng nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chủ trì, tham dự nhiều cuộc hội đàm quan trọng với các nguyên thủ của các quốc gia hàng đầu trên thế giới cũng như gặp mặt rất nhiều Đại sứ các nước tại Việt Nam. Một trong những nội dung trọng tâm được Chủ tịch nước thường xuyên nhắc đến trong các cuộc hội đàm, gặp mặt là đề nghị các quốc gia tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư, phát triển kinh doanh ở trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những nội dung được các nguyên thủ quốc gia, Đại sứ các nước rất ủng hộ, quan tâm trong các buổi hội đàm, gặp mặt Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Kinh tế, Tài chính Hàn Quốc về hợp tác kinh tế thông qua Quỹ EDCF và Quỹ EDPF. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Kinh tế, Tài chính Hàn Quốc về hợp tác kinh tế thông qua Quỹ EDCF và Quỹ EDPF. Ảnh: TTXVN

Không chỉ là sự quan tâm đơn thuần về chủ trương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng luôn nhấn mạnh, đất nước Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới trong phát triển kinh tế, nhất là đối với những ngành nghề, lĩnh vực là thế mạnh của các quốc gia và đặc biệt quan tâm những nội dung Việt Nam đang có nhu cầu, có tiềm lực để khai phá, phát triển.

Gần đây nhất, trong chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Áo và thăm cấp nhà nước Cộng hòa Italy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dành thời gian để trao đổi với Tổng thống hai quốc gia về những chủ trương, quyết sách để hợp tác phát triển kinh tế, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italy, Áo cùng phát triển, quảng bá thương hiệu.

Tổng thống Italy Sergio Mattarella đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Italy Sergio Mattarella đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN

Tại Italy, Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về việc hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại và đóng góp cho phục hồi kinh tế. Đặc biệt, Tổng thống Italy vui mừng thông báo Nghị viện Italy phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đúng vào ngày Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm cấp Nhà nước tới Italy, tạo cơ sở để Italy tăng đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý là sự phát triển trong quan hệ giữa các chính quyền địa phương và doanh nghiệp hai nước thời gian qua, đặc biệt là Bản ghi nhớ mới ký kết giữa tỉnh Vĩnh Phúc và vùng Tuscany. Hai nhà lãnh đạo đặc biệt hoan nghênh những kết nối hợp tác và tăng cường giao lưu giữa thành phố Hà Nội với thành phố Rome, tỉnh Bình Dương với vùng Emilia Romagna, tỉnh Quảng Trị với tập đoàn ENI, cũng như giữa các địa phương và doanh nghiệp khác của hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen. Ảnh: TTXVN 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen. Ảnh: TTXVN 

Tại Cộng hòa Áo, trong Hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tận dụng hiệu quả các lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); Áo có chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Áo đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô-tô, đường sắt, thiết bị y tế, dược phẩm.

Chủ tịch nước đề nghị Cộng hòa Áo sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa hai bên; đề nghị Áo ủng hộ và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này vào EU.

Xây dựng thương hiệu trên nền tảng văn hóa

Trong những năm qua, nhất là trong và sau đại dịch toàn cầu Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam gặp không ít khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và sự tác động tiêu cực chung của suy giảm kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, có những doanh nghiệp vẫn kiên trì, bền bỉ, âm thầm vượt qua để từng ngày, từng giờ giữ gìn thương hiệu, uy tín và chất lượng. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp lợi dụng thực trạng khó khăn của đất nước, của người dân để trục lợi, kiếm tiền bất chính. Và cũng có những doanh nghiệp được lập nên không phải để sản xuất, kinh doanh, không phải để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia mà chỉ để phục vụ các nhóm lợi ích, là “sân sau” cho tệ nạn tham nhũng, hối lộ.

Nói về thực trạng này, tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (27/4/1963-27/4/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thẳng thắn nhấn mạnh: Việc xử lý sai phạm đối với một số doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho các doanh nghiệp, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó và xã hội, để loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất trong cơ quan nhà nước.

Chủ tịch nước nêu rõ: Tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng, là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, biết điều gì đúng, nên làm để phát huy và điều gì sai không nên làm.

Dự kiến, xuất khẩu phần mềm của FPT đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh: TRẦN KHÁNH

Dự kiến, xuất khẩu phần mềm của FPT đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh: TRẦN KHÁNH

Những ý kiến chỉ đạo tâm huyết của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đặt ra cho các doanh nhân chú trọng hơn nữa trong việc hun đúc lòng yêu nước, tinh thần thượng tôn pháp luật và trách nhiệm xã hội với cộng đồng, trong đó cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp của mình, như là yếu tố căn cốt làm nên một thương hiệu mạnh. Thương hiệu là kết quả hội tụ của toàn bộ quy trình tạo ra sản phẩm, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phong cách ứng xử với đối tác, khách hàng.

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố mang tính quyết định đến việc lưu dấu thương hiệu doanh nghiệp trong tâm trí công chúng và cũng là yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Chính việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng văn hóa là cơ sở cho sự phát triển lâu bền. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào, mới tập trung vào các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao và truyền thông, chưa hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi.

Khi mà mỗi người dân đều có ý chí và khát vọng trong sáng, khi mà mỗi người dân luôn mang trong mình tâm thế vì danh dự cá nhân, vì sự vững mạnh của đơn vị, doanh nghiệp, vì sự phồn vinh của đất nước thì sự vươn lên, sự thành công sẽ sớm trở thành hiện thực dù còn nhiều khó khăn và trăn trở.

Đồng lòng, quyết tâm xây dựng thương hiệu quốc gia

Sau gần 40 năm đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có sự lớn mạnh vượt bậc, với gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn hợp tác xã. Các doanh nghiệp nhà nước đã và đang tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đông đảo, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đáng chú ý, chúng ta đã có những doanh nhân vươn ra biển lớn, có những tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí của mình, từng bước nâng tầm để cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. Cùng với đó, gần 30 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và đất nước, trong chặng đường hồi phục và phát triển kinh tế toàn cầu, cùng với sự quyết tâm, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang có những cơ hội mới mở ra cánh cửa để thực hiện mục tiêu phát triển mạnh mẽ thương hiệu của mình cũng như góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng hoa chúc mừng Hiệp hội Doanh nhân Nữ Việt Nam, ngày 5/10/2023. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng hoa chúc mừng Hiệp hội Doanh nhân Nữ Việt Nam, ngày 5/10/2023. Ảnh: TTXVN

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, cần sự vào cuộc quyết liệt, sự đổi mới không ngừng nghỉ để có thể tạo nên những bứt phá thực chất. Thương hiệu quốc gia có thể được coi là nguồn lực của từng doanh nghiệp, nhưng cũng là của quốc gia, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Xác định đội ngũ doanh nhân là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có kiến thức và trình độ, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao.

Nói về chủ trương này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Lô xe ô-tô điện của VinFastxuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Lô xe ô-tô điện của VinFastxuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Để đáp ứng và nắm bắt thành công được những cơ hội mới, để có thể trở thành những thương hiệu quốc gia bền vững và phát triển,  trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều thời cơ, khó khăn, thách thức đan xen như hiện nay, mỗi doanh nghiệp phải vững chí lớn, có tầm nhìn chiến lược, coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, lấy đó làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; chú trọng bồi dưỡng, phát huy sức mạnh mềm của cộng đồng doanh nghiệp, phải coi đạo đức, văn hóa kinh doanh là yếu tố cốt lõi trong phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Trong  các chương trình làm việc, hội đàm, gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Các chủ trương, chính sách, nội dung hợp tác, cam kết… đã có. Quan trọng nhất là hành động để thực hiện các nội dung đó. Chúng ta phải hành động để đưa những khát vọng trở thành sự thật trong thực tế.

"Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bao hàm và nâng đỡ cho khát vọng làm giàu chân chính của mỗi người. Mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, nhận thức rõ cơ hội và thách thức để phát triển doanh nghiệp…".

- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Ngày xuất bản: 12/10/2023
Nội dung:  ĐINH SONG LINH
Trình bày: HOÀNG HÀ