KHÁT VỌNG ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM BÁO

Báo chí Việt Nam đang đứng trước thách thức của quá trình chuyển đổi số, tiếp cận phương thức truyền thông hiện đại để sáng tạo những sản phẩm báo chí đa phương tiện, thu hút độc giả. Tất cả đều kỳ vọng Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ sát cánh với các nhà báo, tạo ra những bước chuyển thật sự có dấu ấn trong 5 năm tới.

Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức thành công tốt đẹp sau 2,5 ngày làm việc. Ban chấp hành nhiệm kỳ mới là những gương mặt trẻ, nhiều tâm huyết đổi mới, sáng tạo. Nhiều đại biểu tham dự đại hội bày tỏ sự vui mừng với những kết quả thành công của Đại hội mang lại. Nhiều tham luận bám sát đời sống thực tiễn đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên số của báo chí. Tất cả đều chung khẳng định quyết tâm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, phát triển”, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

BÁO CHÍ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đang thay đổi thói quen, hành vi của công chúng. Đó là thực tế đòi hỏi mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần phải có được chiến lược, hướng đi rõ ràng để khẳng định vị trí cơ quan báo chí chính thống và phải đổi mới, sáng tạo để thu hút độc giả.

Bên lề Đại hội, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Liên hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ, báo chí đang đứng trước thách thức của quá trình bùng nổ mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác. Báo chí chính thống không chỉ cạnh tranh với mạng xã hội, cơ quan báo chí nước ngoài được Việt hóa mà còn phải đối mặt với thách thức của quá trình chuyển đổi số. Báo chí hiện đại phải chinh phục không gian số, phải chuyển tải nội dung trên nền tảng số phù hợp nhu cầu phát triển thời đại hôm nay. Điều này không chỉ một mình cơ quan báo chí làm được mà rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, các bộ, ngành xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách thuế, thu hút quảng cáo, tài trợ, cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi cơ quan báo chí tiếp cận công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số.

Theo ông Hùng, trách nhiệm của hội viên giai đoạn này chính là trách nhiệm thể hiện vai trò trong tác phẩm báo chí, thể hiện vai trò trong phát ngôn hành động trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội. Nhà báo đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đưa thông tin chính xác, khách quan trung thực với công chúng trong bối cảnh bùng nổ thông tin. Chúng ta phải khẳng định sự thật, đưa thông tin khách quan, xây dựng, đẩy lùi thông tin giả, không chính xác, thông tin tiêu cực làm ảnh hưởng lợi ích phát triển xã hội và của từng công dân giai đoạn hiện nay.

Cùng quan điểm này, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập của VOV khẳng định, với vai trò đưa tin nhanh, chính xác và có định hướng, báo chí cần phải khẳng định vị trí của mình mới chiến thắng thông tin trên mạng xã hội.

Do đó, ông Hùng cho rằng, trong môi trường cạnh tranh với mạng xã hội gay gắt hiện nay, chính bản thân các phóng viên cũng phải tuân thủ đạo đức người làm báo. Hiện nay, nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội để truyền thông cho bài báo của mình, thể hiện vai trò, chính kiến của mình trong xã hội. Tuy nhiên, hiện có không ít nhà báo không hiểu đúng vai trò của mạng xã hội. “Tôi cho rằng, nếu bạn là nhà báo của một cơ quan báo chí, các bạn hãy viết đúng lương tâm trách nhiệm của mình. Chúng ta không nên là phóng viên hai mặt khi lên báo thì truyền thông mội nội dung nhưng trên mạng xã hội lại chuyển tải thông điệp khác”, nhà báo Mạnh Hùng nói.

Nhà báo Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Nhân Dân, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng cũng bày tỏ quan điểm, xu thế toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, với sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và mạng xã hội vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi đội ngũ người làm báo về trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp, đạo đức nghề báo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng lớn, nhu cầu thông tin của bạn đọc, người xem ngày càng cao, đa dạng, phong phú.

Hai năm qua, Việt Nam chịu tác động lớn của đại dịch dẫn tới hoạt động báo chí cũng gặp nhiều khó khăn về công tác phát hành, quảng cáo, hoat động kinh tế báo. Đội ngũ làm báo phải đối mặt nhiều thử thách để tồn tại và phát triển, đặc biệt là thử thách trước việc làm sao giữ được ngọn lửa nghề, tiếp tục say mê, tâm huyết sáng tạo. Cũng đã có những nhà báo bị sai lệch trong đạo đức nghề nghiệp, bị dễ dãi trong tác nghiệp chuyên môn dẫn đến có trường hợp đã bị xử lý hình sự, có những bản tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của cơ quan báo chí và làm giảm sút niềm tin của công chúng với báo chí.

Một điểm tôi muốn nhấn mạnh là trước mặt trái của cơ chế thị trường, mạng xã hội cùng những thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0, Hội Nhà báo Việt Nam cần định hướng, chỉ đạo kịp thời, sát sao hơn để các Liên chi hội, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, giữ vững định hướng tuyên truyền, không có tác phẩm báo chí trái với quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; hội viên nhà báo không bị mạng xã hội “dẫn dắt”, “định hướng”

Nhà báo Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Nhân Dân

Bên cạnh hoạt động xuất bản, Hội cũng cần có những giải pháp để các Liên chi hội, chi hội có những hoạt động tổ chức các sự kiện, không chỉ quảng bá hình ảnh cho các cơ quan báo chí mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống văn hóa-nghệ thuật nước nhà”, nhà báo Thanh Phong nói.

Chịu tác động mạnh mẽ nhất của đại dịch Covid-19 ở làn sóng thứ tư với gần 4 tháng phải giãn cách xã hội, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cho biết, báo chí thành phố năm 2021 chịu tác động rất lớn trước sự thay đổi thói quen đọc báo của người dân. Sau đại dịch, độc giả phần lớn chuyển sang đọc thông tin trên nền tảng mạng xã hội vì thông tin trên mạng xã hội rất nhanh, không chịu sự kiểm chứng, sàng lọc. Bởi vậy, số phát hành báo in giảm sút khá nghiêm trọng.

Một thách thức không nhỏ, đó chính là một bộ phận người làm báo ngại sự thay đổi, vẫn còn mong muốn làm báo chí theo cách kinh nghiệm, ngại thay đổi áp dụng phương thức cách làm việc mới. Số phóng viên có kỹ năng làm việc đa phương tiện làm bản tin nhanh, audio còn rất hạn chế. Các báo điện tử hiện nay cũng gặp thách thức về an ninh mạng khi bị tấn công mạng xã hội, bị vi phạm bản quyền.

Theo nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, mạng xã hội cũng là một kênh thông tin quan trọng để báo chí tham khảo. Tuy nhiên, báo chí phải có thông tin chính xác, xác định mục đích viết cho ai để chuyển tải thông điệp quan trọng. Sự cạnh tranh giữa báo chí với mạng xã hội khốc liệt nhưng có điều chúng ta phải làm được, làm hơn đó là phải thông tin khoa học, chính xác, sự thật, nhanh nhạy vì chân thiện mĩ, vì mục tiêu xây dựng xã hội phát triển.

Rõ ràng, có rất nhiều thách thức đặt ra với báo chí hiện nay, nhưng thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ tới của đại hội, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chính là việc thu hút sự quan tâm của độc giả. Bởi nếu không thu hút được độc giả, những nội dung mà các cơ quan báo chí muốn tuyên truyền từ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hay từ địa phương sẽ không đến được người đọc.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí không thể và không nên chạy đua theo mạng xã hội vì mỗi cơ quan báo chí chỉ có nhân lực giới hạn, trong khi người dùng mạng xã hội vô hạn.

Để thu hút độc giả, khán thính giả, báo chí cần phải thay đổi không thể tác nghiệp theo kiểu truyền thống kinh điển áp dụng hàng trăm năm qua. Tự thân các cơ quan báo chí phải chuyển đổi số, phải đổi mới về nội dung, phương thức chuyển tải để thu hút độc giả. Về mặt nội dung, báo chí có thế mạnh chính là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều và khả năng tạo ra nội dung mang tính chuyên nghiệp

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Do vậy, trong tương lai tới đây, thay vì chạy đua với mạng xã hội tạo ra những sản phẩm báo chí mang thông tin hời hợt, không kiểm chứng những nội dung không có ích cho xã hội, báo chí nên đầu tư vào nội dung chuyên sâu. Báo chí cũng cần phát huy năng lực sở trường của nhà báo chuyên nghiệp thay vì chạy đua với số lượng người sử dụng mạng xã hội.

“Báo chí trong tương lai không chỉ phán ánh sự việc mà thậm chí phải gợi ý những giải pháp cho xã hội. Vì thế, tương lai, xu hướng báo chí giải pháp sẽ phải được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Báo chí dù phản ánh, phản biện các vấn đề nhưng nếu chúng ta đi theo hướng xây dựng xã hội thì người dân sẽ cần đến chúng ta”, ông Minh cho hay.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Hội Nhà báo Việt Nam tới đây sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí triển khai những lớp đào tạo giữa hội nhà báo các địa phương với hội nhà báo Trung ương và các cơ quan báo chí quốc tế để học hỏi về xu hướng làm báo mới.

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO ĐỂ THU HÚT VÀ GIỮ CHÂN ĐỘC GIẢ

Báo chí năm 2022 chắc chắn sẽ có những bước đổi mới, sáng tạo và bứt phá bởi nhân sự Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ XI (2020-2025) là một thế hệ lãnh đạo mới trẻ trung, năng động, trí tuệ, sáng tạo và khát khao đổi mới.

Những năm qua, Thông tấn xã Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số. Theo nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam, nhận thức về việc cần phải chuyển đổi số, triển khai báo chí đa phương tiện nên thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã có được những trung tâm thông tin dữ liệu, lưu trữ ảnh quốc gia được phân loại sắp xếp một cách khoa học. Vì thế, trước sự đổi mới của đất nước thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã mạnh dạn xây dựng những sản phẩm thông tin phù hợp xu thế.

“Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng tôi đã xây dựng trang web đặc biệt có tư liệu về 12 kỳ Đại hội trước. Trên đà đó, Thông tấn xã Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu nhân dịp bầu cử Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026). Hiện nay khi sử dụng công cụ tìm kiếm, chúng tôi vui mừng đã làm chủ được không gian mạng. Khi tìm thông tin về chính khách Việt Nam, câu trả lời ngay cả trên công cụ của nước ngoài chính là hệ thống cơ quan báo chí Việt Nam. Đây là điều khích lệ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam để chúng tôi tiếp tục có được đổi mới, sáng tạo, làm chủ không gian mạng theo đúng tinh thần Nghị quyết 13. Chúng tôi cũng đã bắt đầu thu phí các sản phẩm chất lượng. Việc độc giả đọc và sử dụng sản phẩm thông tin có thu phí và tiếp tục quay lại đã khích lệ chúng tôi tiếp tục đổi mới theo con đường này”, bà Trang nói.

Bà Trang cũng cho rằng, báo chí Việt Nam đã có những bước chuyển đổi bằng việc tin học hóa quá trình làm việc, đổi mới mô hình tác nghiệp từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, trong thời kỳ kỷ nguyên số, việc chuyển đổi số đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học để khối dữ liệu có thể phát triển nhiều sản phẩm khác nhau. Dần dần, tiến tới làm chatbox để máy lọc tự động trả lời độc giả.

Hiện nay chúng ta mới đang ở pha chuyển đổi đầu tiên. Việc đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo không dễ thực hiện. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi cơ quan báo chí phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng, có kho dữ liệu riêng sắp xếp, đòi hỏi nguồn nhân lực chuyển đổi số, hạ tầng chuyển đổi số. Nếu đòi hỏi đầu tư cả ba sẽ là khó khăn cho từng cơ quan báo chí

Nhà báo Vũ Việt Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Do đó, tùy vào năng lực về tài chính, con người và cơ sở hạ tầng, cơ quan báo chí cần mạnh dạn chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn.

Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, cách mạng công nghệ lần thứ tư đòi hỏi sự đổi mới toàn diện về nội dung, hình thức một cách mạnh mẽ. Nếu không biết sử dụng chuyển đổi số và công nghệ 4.0 sẽ tụt hậu, sẽ không thể tiếp cận với nền báo chí hiện đại. “Với VOV, chuyển đổi số là một mục tiêu quan trọng. Chúng tôi đã bắt đầu chuyển đổi số từ những vấn đề nhỏ nhất đưa tin lên mạng xã hội, podcast, chuyển đổi số ngay từ cách tác nghiệp của từng phóng viên. Khi đó, chúng tôi đã đo đếm được sự theo dõi của công chúng. Những sản phẩm sử dụng công nghệ tốt khi được sự quan tâm nhiều nhất của công chúng, chứng tỏ việc chuyển đổi công nghệ số là tất yếu của cơ quan báo chí”, ông Hùng nói.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, một số chi hội của Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân đã chủ động tìm nguồn, kêu gọi tài trợ tổ chức sự kiện, với cách làm bài bản, sáng tạo góp phần quảng bá rộng rãi vị thế hình ảnh của Báo Nhân Dân tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước như tổ chức các cuộc triển lãm tranh, hội thảo, tọa đàm, các chương trình nghệ thuật tri ân thương binh, người có công, gia đình chính sách... Đơn cử như hoạt động triển lãm Tranh trong mùa giãn cách về đại dịch Covid-19 tổ chức tại khuôn viên Báo Nhân Dân và xuất bản sách in tập tranh của các họa sĩ phòng, chống dịch được nhận giải ý tưởng Giải báo chí Đối ngoại cũng là một cách tuyên truyền hiệu quả, cổ vũ tinh thần phòng chống dịch, gây ấn tượng mạnh với công chúng.

Nhà báo Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Nhân Dân, Trưởng Ban Nhân Dân hàng tháng cho rằng, sự đổi mới, sáng tạo trước hết phải nằm trong chính tự thân mỗi nhà báo. Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục tạo nhiều chuyển biến rõ nét hơn, đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động theo hướng thiết thực, cụ thể, gắn với các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo hội viên. Cần thường xuyên mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện để các hội viên, các chi hội cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tác nghiệp, đưa ra những kiến nghị, giải pháp để Hội có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Học tập kinh nghiệm báo chí các nước cũng là vấn đề cần được chú trọng. Tạo điều kiện hơn nữa cho các hội viên tham gia các hội thảo, tọa đàm quốc tế để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các cơ quan báo chí các nước.

Khao khát đổi mới là có, nhiều cơ quan báo chí đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ thời gian qua, nhưng tại nhiều địa phương, để chuyển đổi số là một thách thức vì ngoài tư duy, ý tưởng, số hóa đòi hỏi phải có kinh phí triển khai. Làm thể nào để các tòa soạn cùng đổi mới chuyển đổi số được là câu hỏi mà nhiều cơ quan báo chí đặt ra. Có nhiều hội nhà báo các tỉnh, thành phố đã có những suy nghĩ mạnh dạn và tìm ra hướng đi chung. Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đang đề xuất thành phố có quỹ đầu tư công nghệ xây hạ tầng dùng chung cho các báo điện tử. Khi đó, nguồn lực các báo không phải đổ vào đầu tư cho hạ tầng dùng chung đường truyền, thuê máy chủ mà dành kinh phí cho sản xuất nội dung, đào tạo, chi trả nhuận bút để nâng cao chất lượng nội dung. Hội cũng khuyến khích các tòa soạn báo tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao vị trí như tổ chức thiện nguyện, hoạt động vì cộng đồng, giải thể thao theo hình thức xã hội hóa...

Đổi mới là nhu cầu, thúc bách mà báo chí phải thay đổi vì báo chí đang bị cạnh tranh khốc liệt. Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên chi Hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân Dân bày tỏ quan điểm: “Chúng ta có sẵn điều kiện cho báo chí đổi mới. Báo chí đã có được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước về mặt thể chế, phương tiện, hành lang pháp lý, chính trị cho đổi mới. Mỗi tòa soạn trải qua một quá trình tự đào tạo, tự đầu tư cho chính mình, phát triển đội ngũ, phát triển phương tiện đổi mới. Vì vậy, trong nhiệm kỳ mới chắc chắn là nhiệm kỳ đổi mới vươn lên không ngừng”.

Chia sẻ về chiến lược đổi mới các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân, nhà báo Hồng Hải cho biết, hướng đi mà báo đặt ra là báo in và báo điện tử phải kết hợp với nhau. Báo điện tử là trung tâm tin tức, báo in phải đi sâu vào các bài. “Chúng tôi sẽ phải tính tới xây dựng các tuyến bài sâu có cùng chủ đề để giải mã, trả lời các vấn đề bạn đọc có nhu cầu tìm đọc. Điều đó, đòi hỏi phản ứng của người làm báo in khó hơn, phải hình thành đội ngũ, chuyên gia cùng với phóng viên tác chiến trong điều kiện gấp gáp cho chuyên đề sâu rộng. Đó là phương thức tồn tại của báo in mà bạn đọc trông chờ”, ông Hải nói.

Theo nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng biên tập Báo Đại Đoàn kết, báo chí đang ở một tình thế bắt buộc không thể không đổi mới sáng tạo. Trong năm 2022, các tòa soạn phải thay đổi rất mạnh mẽ với nhận thức rõ ràng “chuyển đổi số hay là chết”. Ông Đạt bày tỏ hy vọng Hội Nhà báo Việt Nam tới đây sẽ có nhiều chương trình chia sẻ, giúp đỡ sáng tạo nghiệp vụ cho các nhà báo để tinh thông nghiệp vụ và chuyên sâu về báo chí cách mạng. “Dựa trên nền tảng báo chí Cách mạng Việt Nam cùng tính thời đại là sự sáng tạo trong cách làm nội dung phục vụ bạn đọc với công nghệ sẽ làm thay đổi căn bản báo chí chúng ta. Chúng tôi kỳ vọng Ban chấp hành Đại hội nhiệm kỳ mới thực sự là những người làm thực tiễn, nhanh nhạy về thời cuộc và sáng tạo, đổi mới về công nghệ”, ông Đạt nói.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để phát triển. Và muốn phát triển được, đoàn kết là yếu tố rất quan trọng. Hoạt động báo chí phải thực hiện kỷ cương, phải phụng sự độc giả trên hết, phụng sự Đảng, tổ quốc, nhân dân.

Nhà báo Lê Quốc Minh cũng nhấn mạnh, hiện nay, trong sự đổi mới, sáng tạo của báo chí, chuyển đổi số là một chiến lược chung trên toàn quốc đòi hỏi các cơ quan báo chí phải hướng tới. Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp để có hướng dẫn, định hướng cơ quan báo chí hiểu về chuyển đổi số và thực hiện chuyển đổi số bài bản.

Hiện nhiều cơ quan báo chí đang có sự nhầm lẫn giữa số hóa và chuyển đổi số, nhiều đơn vị mới việc dừng ở đưa nội dung lên môi trường số. Muốn chuyển đổi số phải thay đổi toàn bộ hoạt động sản xuất thông tin, vận hành bộ máy, hoạt động kinh doanh trên môi trường số, xây dựng phần mềm hiện đại. Điều quan trọng chuyển đổi số phải chuyển đổi về tư duy từ người lãnh đạo đến cán bộ phòng, ban, nhân viên một cách thông suốt

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Khẳng định đổi mới sáng tạo báo chí là vấn đề cấp bách, với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ mới, ông Minh cho biết, Hội sẽ có kế hoạch hỗ trợ cơ quan báo chí thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo nâng cao nghiệp vụ báo Đảng tại các địa phương. Hội sẽ hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực chuyển đổi số tòa soạn ở cả báo điện tử, báo in, phát thanh, truyền hình. “Phải chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, kéo người đọc người xem trở lại với mình mới có thể thực hiện đúng sứ mệnh tiếng nói của Đảng, Nhân dân”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng sẽ có nhiệm vụ đưa ra cơ chế pháp lý hỗ trợ cơ quan báo chí về thuế, công nghệ, chính sách, định mức thông tin. Tuy nhiên, năng lực tự thân và sự sáng tạo của từng cơ quan báo chí cũng cần phải chú ý. Nếu người cán bộ không muốn đổi mới, không muốn dùng năng lực tìm tòi sáng tạo để kéo độc giả mà chạy theo nội dung hết sức tầm thường, câu view hay lấy thông tin trên mạng xã hội không kiểm chứng đăng lên sẽ khó cho cơ quan báo chí phát triển.

KỲ VỌNG VÀO SỰ BỨT PHÁ CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Báo chí Cách mạng Việt Nam phải thực hiện sứ mệnh lịch sử là đội ngũ tiên phong trên mặt trận tư tưởng đặc biệt khẳng định vai trò báo chí chính thống bằng sức mạnh trung thực, khách quan, nhân văn, định hướng. Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, với yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ báo chí, chắc chắn báo chí thời gian tới nắm bắt tiếp tục đổi mới, xu thế phát triển, góp phần định hướng tư tưởng dư luận xã hội. Ông Tuấn cũng bày tỏ hy vọng nhiệm kỳ mới, tiếp tục với tinh thần truyền thống của báo chí cách mạng, Ban chấp hành hội trong nhiệm kỳ tới sẽ là chỗ dựa vững chắc của cơ quan báo chí thực hiện quyền nghĩa vụ của mình trong hoạt động tác nghiệp báo chí, có nhiều đổi mới sáng tạo đồng hành với sự phát triển của báo chí thời gian tới.

Bày tỏ sự kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới, ông Đồng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, thế hệ lãnh đạo của Hội Nhà báo nhiệm kỳ mới là thế hệ trẻ, hiểu về công nghệ số và xu hướng phát triển báo chí và có sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Chúng tôi kỳ vọng Đại hội sẽ tiếp tục khẳng định vai trò báo chí trong hệ thống báo chí chính thống và mạng xã hội để báo chí chính thống chiến thắng tin xấu, độc, khẳng định vai trò, vị trí của báo chí Việt Nam trên thế giới

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam

Nhà báo Phan Thanh Phong kỳ vọng Ban chấp hành mới gồm những lãnh đạo trẻ, tài năng, năng động, nhiệt tình với tư duy mới, tiếp tục có những phương hướng chỉ đạo sát với tình hình mới để mỗi hội viên có cơ hội cống hiến, đóng góp cho công tác hội. Và dù trong bối cảnh nào, mỗi nhà báo vẫn phải hội tụ đủ tâm và tầm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt. Để có tâm trong sáng, việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên phải được duy trì thường xuyên, gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) và gần đây nhất là Nghị quyết TƯ 4 (khóa XIII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Và để nâng tầm mỗi hội viên, ngoài việc không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, nỗ lực phấn đấu vươn lên không thể thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của chi hội, Liên chi hội và sự định hướng, chỉ đạo sát sao của Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Vũ Việt Trang tin tưởng, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và kỳ vọng” được thực hiện trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ xây dựng, hỗ trợ cho tổ chức, các hội nhà báo về việc đào tạo nhân sự, chia sẻ kiến thức làm báo hiện đại. Quan trọng nhất là phải bồi dưỡng nâng cao ý thức xã hội, vai trò xã hội của người làm báo. Từ đó, các nhà báo sẽ tiếp nhận kiến thức mới, cách làm mới, nâng cao hơn ý thức chính trị của người làm báo. “Chúng ta phải làm chủ công nghệ để tạo ra sản phẩm thời kỳ chuyển đổi số”, bà Trang nói.

Quan tâm tới 3 mục tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh việc giáo dục, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ người làm báo về tư tưởng, chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng làm báo hiện đại. Trong kỷ nguyên số tới đây và trên cơ sở kế hoạch chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ chỉ đạo và hỗ trợ cơ quan báo chí địa phương đẩy nhanh tiến trình và hiệu quả quá trình chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả, đặc biệt độc giả thanh thiếu niên đang chủ yếu tiếp cận thông tin từ nền tảng mạng xã hội và báo điện tử.

Về kinh tế báo, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đánh giá lại thực trạng khó khăn của cơ quan báo chí, tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước tháo gỡ cơ chế chính sách hiện nay đang cản trở sự phát triển của báo chí để cơ quan báo chí có điều kiện có nguồn thu bảo đảm tái sản xuất lao động và triển khai đầu tư cho ấn phẩm của mình

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ mới, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương nâng cao chất lượng cán bộ nhà báo cả về chính trị, đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ hiện đại, nhân văn, có tính chiến đấu, tính phản biện. Hội chú trọng bảo vệ quyền lợi hội viên, quan tâm đời sống hội viên và nâng cao sự hợp tác hội nhà báo Việt Nam với hội nhà báo trong nước, quốc tế, khu vực, thế giới cũng như giữa hội nhà báo với nhau tăng cường chặt chẽ hơn.

“Câu chuyện bảo vệ bản quyền cũng là trọng tâm mà chúng tôi quan tâm tới đây vì nếu cơ quan báo chí không bảo vệ bản quyền khó tồn tại cạnh tranh với cá nhân trên mạng xã hội. Để làm việc đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến hội địa phương, cơ quan báo chí đến từng nhà báo, nêu cao tinh thần chủ động phối hợp và cũng phải mạnh dạn đổi mới sáng tạo”, nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, báo chí thế giới đang có nhiều thay đổi do các yếu tố khách quan, chủ quan, do sự cạnh tranh công nghệ, do cách thức tiếp nhận thông tin nên báo chí Việt Nam không thể đứng yên, không thụt lùi mà phải nhanh chóng tiếp cận báo chí hiện đại, nhanh chóng tạo sản phẩm phù hợp nhiều nền tảng nơi độc giả, khán thính giả hiện diện trên đó.

“Có những nền tảng hiện nay chưa xuất hiện nhưng dự đoán trong thời gian ngắn khoảng 3-5 năm nữa xuất hiện thì chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ. Nếu thụ động, tin tức không đến với khán thính giả, người dân thì nhà báo chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Không chủ động thông tin, khán thính giả không nắm được thông tin, không đưa ra được những định hướng cho họ trong cuộc sống, công việc. Vì vậy, báo chí phải sẵn sàng đổi mới, nghiên cứu và đổi mới cho tương lai”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Từ sau Đại hội X đến nay, số hội viên trong cả nước tăng nhanh, tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 27.000 hội viên thuộc đội ngũ người làm báo đang công tác tại các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương, đang sinh hoạt tại 288 đơn vị cấp hội gồm 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố (13.000 hội viên), 20 Liên Chi hội (6.500 hội viên), 205 Chi hội trực thuộc Trung ương (6.000 hội viên). Trong nhiệm kỳ kết nạp hơn 8.200 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 1.300 hội viên."

Kỳ vọng vào bước chuyển thực sự có dấu ấn

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI có thể nói là kỳ đại hội chuyển giao thế hệ. Thế hệ chúng tôi đặt kỳ vọng đội ngũ lãnh đạo trẻ của Hội trong nhiệm kỳ mới sẽ đem đến những bước phát triển mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ, kể cả về nội dung, hình thức và công nghệ, tạo ra bước chuyển thực sự có dấu ấn.
Để làm được điều này, cần chăm lo đào tạo đội ngũ những người làm báo. Đây vẫn là vấn đề chủ chốt trong đổi mới sáng tạo. Làm sao chăm lo, bồi dưỡng từ những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cho đến những lãnh đạo các cơ quan báo chí. Không chỉ đào tạo về nhận thức, bản lính chính trị, về chuyên môn, mà còn về những kỹ năng trong thời đại công nghệ 4.0, thích ứng với hoạt động tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông số và môi trường quốc tế.
Trong đó, đạo đức của người làm báo đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm vừa qua, có chỗ này chỗ kia, đây đó vẫn có những nhà báo hay cơ quan báo chí vi phạm. Vấn đề này cũng đặt ra yêu cầu trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để làm sao công chúng có niềm tin đối với những người làm báo.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đầu tư hơn nữa vào công nghệ hiện đại, đồng thời nâng cao vai trò của những cơ quan báo chí chủ lực để các cơ quan này tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như sự phát triển toàn diện của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ

Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Lê Quốc Minh

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Nguyễn Đức Lợi
Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Trần Trọng Dũng
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh

12 Ủy viên Ban Thường vụ


Đoàn Xuân Bộ
Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo báo Quân đội nhân dân

Trương Văn Chuyển
Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ

Trần Trọng Dũng
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh

Phạm Mạnh Hùng
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam

Phạm Quang Khải
Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội nhà báo Bộ Công an

Nguyễn Đức Lợi
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Lê Quốc Minh
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguyễn Đức Nam
Tổng Biên tập báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội nhà báo thành phố Đà Nẵng

Tô Quang Phán
Chủ tịch Hội nhà báo thành phố Hà Nội

Nguyễn Tấn Phong
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh

Lê Ngọc Quang
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam

Vũ Việt Trang
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam


52 Ủy viên Ban chấp hành


1. Nguyễn Ngọc Ánh
2. Trịnh Văn Ánh
3. Đoàn Xuân Bộ
4. Trương Văn Chuyển
5. Vũ Xuân Chường
6. Nguyễn Thanh Dũng
7. Trần Trọng Dũng
8. Trần Nam Đông
9. Nguyễn Thị Trường Giang
10. Nguyễn Xuân Hải
11. Nguyễn Thị Hồng Hạnh
12. Nguyễn Thị Thục Hạnh
13. Phạm Ngọc Hân
14. Nguyễn Ngọc Hiển
15. Đoàn Minh Huấn
16. Tăng Chí Huấn
17. Phạm Mạnh Hùng
18. Đặng Thị Thu Hương
19. Phạm Quang Khải
20. Nguyễn Bảo Lâm
21. Tạ Thị Bích Loan
22. Đoàn Minh Long
23. Nguyễn Đức Lợi
24. Nguyễn Thành Lợi
25. Lê Quang Minh
26. Lê Quốc Minh
27. Nguyễn Đức Nam
28. Tạ Đình Nghĩa
29. Tô Quang Phán
30. Nguyễn Tấn Phong
31. Lê Hồng Phước
32. Lê Ngọc Quang
33. Đào Phạm Hoàng Quyên
34. Mai Ngọc Quỳnh
35. Nguyễn Hồng Sâm
36. Lê Xuân Sơn
37. Trần Thái Sơn
38. Phạm Đức Thái
39. Nguyễn Ngọc Thạch
40. Phan Toàn Thắng
41. Nguyễn Ngọc Toàn
42. Đinh Xuân Toản
43. Nguyễn Kim Tôn
44. Vũ Việt Trang
45. Vũ Xuân Trường
46. Lã Minh Tuấn
47. Lê Thanh Tuấn
48. Mai Vũ Tuấn
49. Nguyễn Mạnh Tuấn
50. Phạm Anh Tuấn
51. Trương Đức Minh Tứ
52. Hà Ngọc Văn


Chỉ đạo thực hiện: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: HỒNG VÂN - THIÊN LAM - QUỐC DŨNG
Trình bày: PHAN ANH - ĐỨC DUY
Ảnh: THÀNH ĐẠT