Khát vọng, cảm hứng từ "những cô gái kim cương"

Chuyên đề “Những người phụ nữ truyền cảm hứng” là câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam ở mọi lĩnh vực, lứa tuổi, có khát vọng, đam mê và nghị lực mạnh mẽ, tạo ra những tác động tích cực, đóng góp to lớn cho xã hội.


Tháng 2/2022, nhiều nữ cầu thủ Việt Nam đã òa khóc ngay trên đất bạn Ấn Độ khi lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự World Cup. Đằng sau kỳ tích ấy là những câu chuyện đầy cảm hứng về nghị lực phi thường, ý chí chinh phục đỉnh cao trong môn thể thao vốn tưởng không dành cho phái yếu.

Giây phút các nữ cầu thủ vỡ òa khi giành vé dự World Cup 2023. Nguồn: VFF

Giây phút các nữ cầu thủ vỡ òa khi giành vé dự World Cup 2023. Nguồn: VFF

Từ ý định giải nghệ đến quyết tâm chiến thắng chấn thương

“Đã có lúc em nghĩ tới việc mình phải giải nghệ, rồi đi tìm một công việc khác ngoài bóng đá. Một con bé khi ấy mới 19 tuổi đầu đã bị rách dây chằng, chân yếu đi. Nhiều chị cũng đã phải thôi đam mê vì chấn thương tương tự nữa”, Trần Thị Duyên, nữ tuyển thủ quốc gia đã mở đầu câu chuyện giữa chúng tôi theo cách… buồn như vậy.

Nhìn lại quãng thời gian khó khăn ấy, Duyên bảo: Đó dường như là thử thách sự kiên trì và tình yêu bóng đá trong cô.

Giấc mơ… bóng tròn từ vùng chiêm trũng

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã An Ninh (Lý Nhân, Hà Nam), Trần Thị Duyên vốn chưa từng chơi bóng trước khi “lọt vào mắt xanh” của các tuyển trạch viên CLB Phong Phú Hà Nam.

Năm 2012, để chuẩn bị cho Festival U14 toàn quốc, các thầy cô từ Câu lạc bộ đã về trường tuyển chọn vận động viên. Khi ấy mặc dù chưa từng đá bóng ngày nào, nhưng do đam mê nên Duyên vẫn quyết định giấu gia đình để tham gia. Với thể chất vượt trội lứa tuổi, cộng với sức bền và tốc độ tốt, cô đã nhanh chóng được lựa chọn.

Khi ấy, Duyên vừa mừng, vừa lo. Làm thế nào để xin gia đình cho đi theo bóng đá? Mình có thể trụ lại được hay không khi chưa hề biết bất cứ một kỹ thuật nào? Thời gian tới sống xa nhà sẽ ra sao? Một loạt câu hỏi khiến cô bé mới 12 tuổi vô cùng bối rối.

Nhớ lại khoảng thời gian này, cô Lê Thị Lừu, mẹ Duyên kể: “Bắt đầu khi Duyên lên lớp 6, em có về nói: Mẹ ơi, cho con đi đá bóng nhé. Nghe thấy vậy, tôi nghĩ: Em nó còn bé quá, chưa biết gì nên bảo: Con gái thì ai đi bóng đá, chỉ có con trai thôi và không đồng ý”.

“Tôi chỉ muốn cháu ở đây học còn gần mẹ, gần bố. Khi ấy, điều kiện gia đình tôi lại không có gì mà tôi cũng không biết đi xe, làm sao lên thăm con được”, cô Lừu kể tiếp.

Suốt một tuần sau đó, câu chuyện của gia đình nhỏ xã An Ninh chỉ xoay quanh việc Duyên đi hay ở lại nhà. Trước quyết tâm sắt đá đến khó tin của con gái, cuối cùng, cô cũng đành đồng ý để Duyên thử sức với đam mê của mình. Và hành trình đuổi theo giấc mơ cùng trái bóng tròn đây gian nan của Trần Thị Duyên cũng chính thức bắt đầu…

“Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất khi vừa phải xa gia đình, vừa phải học bóng đá. Nhiều khi em có những nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai. Mỗi lúc nhớ nhà thì lại chỉ biết ngồi một mình mà khóc. Nhưng em lại nghĩ: Mình phải nén nỗi buồn lại để trở thành cầu thủ, không thể yếu đuối mãi được”, Duyên tâm sự.

Nhưng do chưa từng tiếp xúc với trái bóng trước kia, nên khi mới lên tập, Duyên vô cùng bỡ ngỡ. Những cú ngã dài trên sân cỏ, cái nắng như thiêu đốt giữa mùa hè, khối lượng bài tập ngày một nhiều hơn… tất cả khiến cô bé “cảm thấy bất lực”. Nhiều khi Duyên nghĩ không biết mình có thể đáp ứng được không.

Những người ở lứa trẻ CLB Phong Phú Hà Nam thời điểm ấy cũng quen thuộc với hình ảnh cô gái mảnh khảnh một mình ở lại sân sau mỗi buổi tập để đuổi theo trái bóng tròn. Dần dần, với nỗ lực không ngừng, Duyên bắt đầu chơi tốt hơn. Chỉ một năm sau, cô được gọi lên tuyển U14 Việt Nam tham gia Festival bóng đá nữ Đông Nam Á tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, Duyên bắt đầu đá chính cho CLB Phong Phú Hà Nam khi mới 17 tuổi. Và cũng chỉ mất 2 năm tiếp theo, nữ hậu vệ trái này góp mặt trong đội tuyển quốc gia.

Chính khi giấc mơ tưởng chừng như sắp thành hiện thực thì biến cố lớn lại ập đến với cô gái bé nhỏ quê Hà Nam khi Duyên bị đứt dây chằng ngay giai đoạn đầu mùa giải 2019-2020.

Tháng 1/2022, ngay trước thềm vòng chung kết bóng đá nữ Asian Cup, đội tuyển nữ Việt Nam nhận một gáo nước lạnh bất ngờ. Trong quá trình tập huấn tiền giải đấu tại Tây Ban Nha, 20 cầu thủ và thành viên ban huấn luyện được xác định mắc Covid-19.

Là người đầu tiên trong đội trở thành F0, hậu vệ Trần Thị Duyên (CLB Phong Phú Hà Nam) đã từng nghĩ tới viễn cảnh xấu nhất khi không thể đủ người đá. Thế nhưng, sau cùng, kỳ tích vẫn đến với cô và đồng đội… như một giấc mơ.

Một số thông tin về Trần Thị Duyên
- Ngày sinh: 28/12/2000
- Vị trí: Hậu vệ cánh
- Câu lạc bộ: Phong Phú Hà Nam
- Thành tích: Vô địch giải VĐQG nữ Việt Nam 2018; Cùng đồng đội tham dự vòng loại Bóng đá nữ Châu Á 2022; Giành vé đưa Đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự World Cup bóng đá nữ 2023.

Vượt qua ám ảnh chấn thương

Tháng 12/2019. Mùa giải vô địch quốc gia bóng đá nữ 2019…

Hậu vệ Trần Thị Duyên của CLB Phong Phú Hà Nam như thường lệ bắt đầu phòng thủ bên hành lang trái đội nhà. Tiếng hò hét của đồng đội xung quanh khiến cô cảm thấy phấn khích. Bất ngờ, trong một tình huống va chạm, cô ngã vật ra sân. Nằm trên cáng rời sân, Duyên không nghĩ tới việc dây chằng chéo của cô đã bị đứt – một dạng chấn thương nghiêm trọng bậc nhất có thể khiến sự nghiệp của các cầu thủ sớm lụi tàn.

“Lúc đó, em chỉ nghĩ mình bị nhẹ thôi, nhưng càng lúc lại càng đau”, Duyên kể.

Tự gọi khoảng thời gian này là khó khăn nhất trong sự nghiệp, Duyên thừa nhận đã rất sợ hãi.

“Em cứ nghĩ mãi về nó. Liệu mình còn có thể trở lại chơi bóng được không? Ca phẫu thuật sẽ diễn ra như thế nào. Thậm chí, ngay lúc đó, em đã tính tới việc sẽ bỏ lại đam mê để về với gia đình rồi tìm một công việc khác để làm. Một cô bé khi ấy mới 19 tuổi đầu đã bị rách dây chằng, chân yếu đi; rồi các chị cũng đã phải thôi đam mê vì chấn thương tương tự nữa”.

Hai tuần sau, hậu vệ trái CLB Phong Phú Hà Nam lên bàn mổ tại bệnh viện 108. Cô Lê Thị Lừu đã phải bật khóc khi nhìn thấy con xanh xao nằm trên giường bệnh với chiếc chân băng bó lên tới tận đùi.

Đáng sợ nhất, sau một thời gian dài hạn chế vận động sau phẫu thuật, cơ chân của Duyên bắt đầu có dấu hiệu mất đi. Ám ảnh chấn thương cùng cơn đau thể chất khiến nữ tuyển thủ trẻ cảm thấy bất lực. Nhưng tình yêu và đam mê với trái bóng tròn khiến cho Duyên không bỏ cuộc. Ngày ngày, cô gái bé nhỏ ngoài giáo án hồi phục lại lủi thủi cầm dây chun ra tập thêm một mình.

“Buồn và đau đến phát khóc anh ạ”, cô tâm sự.

Rất may trong suốt khoảng thời gian “khủng hoảng” đó, Duyên vẫn nhận được sự động viên của thầy cô và đồng đội. Tới năm 2020, cô tiếp tục được đưa lên điều trị cùng “thần y” Choi Ju-young tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Phương pháp tiên tiến của vị bác sỹ tới từ Hàn Quốc khiến cho quá trình hồi phục của hậu vệ trẻ Hà Nam nhanh chóng đạt được kết quả khả quan. Một năm sau, cô chính thức quay lại với bóng đá đỉnh cao và trở thành bức tường vững chắc ở hành lang cánh trái của CLB Phong Phú Hà Nam.

Tin vui nối tiếp tin vui, tháng 7/2021, cô được triệu tập lên đội tuyển nữ Việt Nam tham gia vòng loại bóng đá nữ Châu Á – tiền đề mở ra kỳ tích World Cup về sau này.

Ngừng lại một chút, Duyên tiếp tục câu chuyện… ngoài bóng đá của mình. Duyên bảo: Điều khiến cô cũng như những chị em khác suy nghĩ nhiều nhất là đã không thể dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Chỉ tính trong 10 năm theo nghiệp quần đùi, áo số, đã ít nhất 2 lần gia đình cô gặp biến cố.

“Lần đầu là khi em đang đá vòng loại thứ hai U19 Châu Á thì bố em bị tai nạn lao động. Ngay trước trận, em đã có linh cảm không tốt. Đá xong thì biết bố đang bị mất trí nhớ tạm thời và được cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Em cũng chỉ ở với bố mẹ một đêm khi bố phẫu thuật”, Duyên kể lại.

Lần thứ hai là khi mẹ cô phải mổ u tủy sống. Hai lần bà điều trị tại Hà Nội, nữ hậu vệ không thể tới thăm do bận thi đấu. Đến lần mổ ở thành phố Phủ Lý, cô cũng chỉ kịp về rồi lại đi luôn.

“Nghĩ lại, suốt 10 năm qua em đã không giúp được gì nhiều cho bố mẹ. Ngay lúc bố mẹ em mệt và đau nhất cũng giấu không cho các con biết vì sợ chúng em buồn. Nhiều đêm em cứ ngồi khóc một mình vì thương lắm”, bóng hồng của đội tuyển Việt Nam rơm rớm.

Thế nhưng, sau tất cả, cô bảo cô vẫn thấy mình thật hạnh phúc, bởi vẫn còn được theo đuổi đam mê, được đón nhận tình cảm trân quý từ gia đình, đồng nghiệp. Đó chắc chắn sẽ là hành trang quan trọng nhất để cô tiếp tục đeo đuổi con đường mình đã chọn…

“Em theo bóng đá vì đam mê nhiều hơn là vì kinh tế. Nên cứ đá vì đam mê đã. Kinh tế cũng quan trọng nhưng đam mê theo em còn quan trọng hơn”.

Cô gái vàng có duyên cùng… siêu phẩm

Năm 2015, cái tên Nguyễn Thị Tuyết Dung bất ngờ được truyền thông thế giới săn lùng ráo riết. Trước đó không lâu, cô là nữ cầu thủ đầu tiên ghi được 2 bàn thắng từ 2 chấm phạt góc bằng 2 chân khác nhau trong một trận đấu.

 Đúng 7 năm sau, cô gái vàng của Thể thao Việt Nam đã tái hiện siêu phẩm tương tự khi ghi bàn vào lưới đội tuyển Myanmar, mở ra cơ hội giành vé dự World Cup 2023 lịch sử.

 Có duyên cùng những siêu phẩm để đời, Dung bảo: Sau hơn một thập niên đuổi theo trái bóng tròn, cô hạnh phúc vì những gì mình đã đạt được.

Từ “sân vận động” ruộng đồng… 

12 giờ trưa. Khoảng ruộng vừa gặt xong trên cánh đồng xứ chiêm trũng Bình Lục (Hà Nam) đã lố nhố bóng người. Lũ trẻ tóc ngắn cũn, mặt nhễ nhại mồ hôi đang hò hét đuổi theo trái bóng nhựa. Xen lẫn trong đám con trai, cô bé Tuyết Dung nhỏ thó, gày gò nhưng vẫn đá rất xung và nhiệt. 

Đó là hình ảnh quen thuộc đối với người dân xã Đồn Xá cách đây hơn 15 năm về trước. Thời điểm ấy, chẳng ai nghĩ rằng: Con bé nghịch ngợm đó sau này sẽ là một trong những người hùng của bóng đá Việt Nam.

“Em thích bóng đá từ bé. Cứ được nghỉ là sẽ lấy quả bóng nhựa ra tập đá ở sân. Buổi trưa khi đi học về, em cũng cùng lũ bạn con trai ra ruộng đá tiếp”, Quả bóng vàng Việt Nam 2018 nhớ lại.

Tuổi thơ của Dung lớn lên với những trận đấu bụi mịt mù trên khoảnh sân đất sau nhà, hay trên đồng cỏ xanh mướt ven đê nơi cô dắt trâu đi thả mỗi chiều. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, Dung đều không rời được trái bóng. Cứ thế, tình yêu với môn thể thao vua ngấm vào cô bé từ lúc nào không hay.

Thấy con “mê” quá, mẹ Tuyết Dung lại đâm lo. Bởi, làm gì có đứa con gái nào cứ rảnh ra là… tót ra đồng để đá bóng, nhỡ có va chạm gì thì chỉ có mình là thiệt thòi nhất. Cả gia đình ngày ấy ai cũng phản đối.

Duy chỉ có ông Nguyễn Đức Tiếp, bố của Tuyết Dung đồng tình. Vốn tham gia đội bóng của đơn vị từ thời quân ngũ, ông chính là người bạn đồng hành, cũng là “người thầy”đầu tiên  trong những ngày đầu cô gái vàng chập chững làm quen với trái bóng.

Đến năm 2006, khi biết thông tin CLB bóng đá nữ Hà Nam tuyển sinh, Dung về xin phép bố mẹ làm hồ sơ. Lúc đầu, mẹ Dung vì thương con nên không muốn, nhưng ông Tiếp lại ủng hộ và trực tiếp đưa cô con gái bướng bỉnh của mình đi.

“Sau một loạt bài thi, em được nhận luôn. Khi ấy, các thầy trên đội có nói với tôi: Làm huấn luyện viên suốt bao năm mới gặp một cô bé có cái chân ‘ngoan’ và dẻo đến thế. Thầy cũng dự đoán con bé sớm muộn cũng sẽ làm rạng danh bóng đá tỉnh nhà”, ông Tiếp nhớ lại.

Ngày ấy không có điện thoại như bây giờ, nên những lúc rảnh, niềm vui của cô bé 13 tuổi quê Bình Lục là… viết thư về cho bố. Trong thư, cô bé kể cho ông Tiếp biết hôm nay mình đã tập thêm được gì, đã học được kỹ thuật mới ra sao. Dung cũng không quên hỏi bố về những điều mình còn thắc mắc. Bóng đá, theo cách tự nhiên ấy, trở thành sợi dây gắn kết Dung và gia đình nhỏ trong những ngày cách xa…

“Cũng giống như các đồng nghiệp nữ, em cũng gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi bóng đá. Nhưng em nghĩ, một khi mình có đam mê thì mình sẽ vượt qua được”.

Vận động viên duy nhất lọt vào danh sách Top 100 phụ nữ truyền cảm hứng toàn cầu

Năm 2017, trong chương trình “100 phụ nữ” của kênh truyền hình BBC nhằm vinh danh các phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới, Tuyết Dung đã lọt vào danh sách cuối cùng.

Cô được đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Theo đánh giá của Ban tổ chức, Tuyết Dung đã vượt qua nhiều rào cản trong thể thao, đồng thời là nguồn cảm hứng cho nhiều người muốn tham gia vào bóng đá nữ chuyên nghiệp nói riêng và thể thao nói chung.

Kỷ lục và những siêu phẩm

Tuyết Dung là cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới từng ghi 2 bàn thắng từ hai chấm phạt góc bằng 2 chân khác nhau trong cùng một trận đấu. Các bàn thắng trên được cô ghi trong trận Việt nam đốii đầu với Malaysia năm 2015.

Hiện tại, Dung cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Cô công tác tại Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nam trong 2 tư cách: Vận động viên và huấn luyện viên.

… đến tiền vệ vàng của bóng đá nữ Việt Nam

Lời tiên đoán của những huấn luyện viên tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nam ngày nào đã nhanh chóng trở thành hiện thực. Dưới sự chỉ bảo của đàn chị Văn Thị Thanh – một trong những tiền vệ trái tài hoa bậc nhất của bóng đá nữ Việt Nam, Tuyết Dung đã có phát triển không ngừng.

Giới chuyên gia đánh giá cầu thủ sinh năm 1993 này có nhãn quan chiến thuật cũng như nền tảng thể lực tốt. Cộng với việc sở hữu khả năng chơi bóng bằng cả hai chân với kỹ thuật cực tốt, Tuyết Dung nhanh chóng trở thành linh hồn tuyến giữa của CLB Bóng đá nữ Hà Nam và đội tuyển Việt Nam sau này.

Ngay ở tuổi 18, Dung đã ẵm trọn chức vô địch giải U19 nữ Quốc gia lẫn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất và được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Tới năm 2011, Tuyết Dung xuất sắc đạt danh hiệu Vua phá lưới Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia. 1 năm sau, cô lên tuyển. Và mất thêm đúng 2 năm, cô bé bướng bỉnh ngày nào giành Quả bóng vàng đầu tiên của mình, trước khi bổ sung thêm danh hiệu tương tự vào năm 2018.

Nhìn lại siêu phẩm phạt góc của Tuyết Dung. Nguồn: FPT Play

Nhìn lại siêu phẩm phạt góc của Tuyết Dung. Nguồn: FPT Play

Ở cấp độ Câu lạc bộ, cô cùng đồng đội đã hoàn thành giấc mơ dang dở của người chị, người thầy Văn Thị Thanh khi đưa CLB nữ Hà Nam đạt ngôi vô địch vào cùng năm 2018.

Ở cấp độ đội tuyển, nhờ tài năng của mình, Tuyết Dung giúp tuyển nữ giành lần đầu dành HCV SEA Games 2017 kể từ năm 2009. Trong năm này, cô còn vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu thế giới của một tổ chức lâu đời.

Đến giải Vô địch Đông Nam Á 2019, Tuyết Dung tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng và cùng tuyển nữ Việt Nam lên ngôi vô địch khi đánh bại Thái Lan ở trận chung kết. Chiến thắng này cũng đánh dấu giai đoạn bùng nổ của tuyển nữ Việt Nam ở đấu trường châu lục.

Thế nhưng, với nữ tiền vệ mang áo số 7, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp phải kể đến hành trình lịch sử giành vé đến World Cup 2023.

“Khi toàn đội tham gia tập huấn tiền giải đấu tại Tây Ban Nha, rất nhiều thành viên bị nhiễm Covid-19. Lúc này, tất cả đều rất sốt ruột vì giải vô địch Asian Cup đã đến rất gần. Nhóm 6 người chúng em sang Ấn Độ trước đã phải ‘nín thở’ chờ tin mọi người xem có đủ quân đá không”, Tuyết Dung nhớ lại.

“Khó khăn ban đầu tưởng chừng như chúng em đã phải bỏ giải.”

Sức ép khi đó với những cô gái tuyển Việt Nam là cực lớn. Nhìn các đội khác đã hội quân với số lượng thành viên hùng hậu càng khiến tất cả lo lắng hơn. Thông tin xấu liên tiếp báo về khi 3/6 cầu thủ tiếp tục gặp vấn đề về sức khỏe. 

“Mọi người chỉ biết động viên nhau cố gắng điều trị và tự tập trong phòng cách ly để giữ cơ. Thực sự, lúc ấy, chúng em không nghĩ tới việc mình sẽ vào sâu hay không mà chỉ muốn được đá. Đừng bỏ giải là được”, Dung kể.

Phải đến sát ngày ra quân, tuyển nữ Việt Nam vẫn có đủ 16 cầu thủ để đăng ký thi đấu. Có những người chưa hoàn toàn hồi phục thể lực, ra sân tập luyện là không thở nổi, không chạy được.

Thế nhưng, những khó khăn trong giai đoạn khởi đầu mùa giải không thắng nổi tinh thần và ý chí kiên cường của những cô gái vàng. Trong hai trận mở màn, Việt Nam chỉ để thua 2 đối thủ rất mạnh là Hàn Quốc và Nhật Bản với cùng tỷ số 0-3.

 Hai trận đầu tiên lại gặp 2 đối thủ rất mạnh. Vào trận, các cầu thủ bị ngợp, 7 phút thua 2 bàn. Sau đó, chúng tôi hô nhau cố gắng thi đấu và đến phút 80 mới thua tiếp. Đó là sự cố gắng rất lớn. Trận gặp Myanmar là khó khăn nhất vì thể lực của các cầu thủ chưa đủ 100%, lại là lần đầu tiên phải đá khung giờ 13 giờ 30. Myanmar chơi tốt hơn mình. Họ có thể lực tốt hơn, làm chủ thế trận. Đó là trận hòa mang tính bước ngoặt".

Tại vòng tứ kết, đối mặt với đội tuyển Trung Quốc mạnh hơn hẳn, bàn thắng của Tuyết Dung không đủ để Việt Nam chiến thắng. Kết quả chung cuộc Việt Nam thất bại với tỉ số 1-3.

Trong 2 trận play-off, Việt Nam lần lượt vượt qua Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) với các tỉ số 2-0 và 2-1 qua đó chính thức giành tấm vé lịch sử dự kỳ World Cup 2023.

“Khi trận đấu kết thúc, cả đội vỡ òa trong niềm vui. Đây là mục tiêu lớn của cả đời cầu thủ. Sau bao nhiêu lần bỏ lỡ thì sau cùng chúng em cũng làm được. Tấm vé đi World Cup càng có ý nghĩa hơn khi toàn đội có được đúng vào dịp Tết Nguyên Đán và sau vô vàn khó khăn”, Dung không giấu nổi cảm xúc.

Nhìn lại suốt 16 năm “dành cả thanh xuân cho trái bóng tròn”, Dung bảo cô không còn điều gì tiếc nuối nữa.

“Những thành công của em dù đã phải đánh đổi bằng thanh xuân, bằng việc phải xa gia đình triền miên nhưng em nghĩ những gì em làm được là niềm tự hào, niềm hạnh phúc cho gia đình, bố mẹ và cả quê hương em”.

“Vắt kiệt những giọt mồ hôi cuối cùng” đem vàng về Tổ quốc

Nếu như những Tuyết Dung, Trần Thị Duyên, Phạm Hải Yến… là lớp thế hệ vàng mới nhất mở ra cánh cửa lớn World Cup cho bóng đá Việt Nam thì cựu cầu thủ Nguyễn Thị Xuyến, thường được gọi là Xuyến Xê Ko lại đại diện cho những người đi trước, tạo nền móng vững chắc cho thành công hôm nay.

Dẫu đã rút lui về hậu trường, nhưng rất nhiều người hâm mộ vẫn không thể quên hình ảnh một nữ chiến binh quả cảm bên hành lang cánh trái của đội tuyển năm nào.

Nữ chiến binh mang biệt danh Xê Ko

Thuộc thế hệ vàng đã mang về 2 tấm HCV Sea Games 29 và 30 cho bóng đá nữ Việt Nam, Xuyến Xê Ko đã từng là cái tên không thể thiếu trong mỗi lần tập trung của đội tuyển. Trong suốt hơn chục năm “đuổi theo trái bóng tròn”, giới chuyên gia đánh giá: Cô dường như không có đối thủ ở vị trí hậu về cánh trái của mình. Cô từng khiến Thongsombut, tiền vệ được đánh giá hay nhất của tuyển nữ Thái Lan giai đoạn 2017-2019 phải “lắc đầu lè lưỡi” vì khả năng đeo bám dẻo dai cùng tinh thần thi đấu không khoan nhượng.

Xuyến Xê Ko đến với bóng đá khá muộn. Quê ở Kim Nỗ, Đông Anh (Hà Nội), từ bé cô đã yêu thích bóng đá nhưng phải tới tận năm 17 tuổi, cơ hội mới chính thức mở ra cho Xê Ko. Năm đó, cô bạn hàng xóm tham gia tập bóng ở đội Hoa học trò – một trong những đội bóng nổi tiếng lúc bấy giờ. Biết chuyện, Xuyến đã nhờ bạn xin được vào tập luyện với hy vọng lúc đầu chỉ là để thỏa mãn đam mê.

Thế nhưng, quyết định ấy đã thay đổi cuộc đời của cô mãi mãi. Xuyến nhanh chóng chứng tỏ được khả năng của mình khi được vào đội hình chính của bóng đá nữ Hà Nội, sau đó nhanh chóng trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia.

Điều may mắn nhất là trong suốt những năm tháng sự nghiệp, cô được học hỏi từ nhiều huấn luyện viên giỏi.Đó  là huấn luyện viên Vũ Bá Đông ở đội bóng đá nữ Hà Nội 2, người đã mang lại nhiều bài học, nâng đẳng cấp cho cô. Hay như vị chuyên gia người Triều Tiên đã hướng cô vào vị trí hậu vệ trái từ năm 2007 để cô thành danh đến ngày nay. Từ năm 2011 dưới thời huấn luyện viên Trần Vân Phát, Nguyễn Thị Xuyến lên tuyển quốc gia và đã cân bằng khả năng tấn công ở cả 2 cánh của đội tuyển Việt Nam.

Ít ai biết rằng, đôi chân của Xuyến là “cần câu cơm” chính trong một gia đình thuần nông. Thế nên, Xuyến luôn là người chăm chỉ, cần mẫn nhất vì đơn giản, chừng nào còn được ra sân thì chừng ấy cô còn dành dụm được những đồng lương tiết kiệm gửi về quê nhà cho bố mẹ.

Tính đến khi giải nghệ… lần 1, nữ chiến binh Xê Ko đã từng dành HCV Sea Games 2017, HCB Seagames 2013; Vô địch Đông Nam Á các năm 2012, 2019; Á quân Đông Nam Á 2016; Hạng Ba Đông Nam Á 2011, 2013. Trong màu áo CLB nữ Hà Nội, cô cũng có 5 chức vô địch quốc gia.

“Nếu như ngoài đời, chị Xuyến là một người rất rụt rè, nhút nhát thì trên sân lại hoàn toàn khác. Dù nhỏ con, nhưng chị thi đấu rất máu lửa, đặc biệt khi chạm trán với những đối thủ cao to, điển hình như Thái Lan. Nhiều trận, đội bạn đã phải khuất phục vì không thể khoét được vào cánh do chị trấn thủ”, người đàn em, tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung nhớ lại.

Lần quay trở lại rạng ngời của cựu binh

Khi biết chúng tôi đang có dự định viết về Những bóng hồng truyền cảm hứng của bóng đá nữ Việt, anh Nguyễn Hoài Nam, người sáng lập và điều hành Trung tâm Bóng đá trẻ em VietGoal ngay lập tức giới thiệu Xuyến Xê Ko.

“Thực ra chơi bóng đá nữ thì ai cũng nghị lực, nhưng Xuyến là người duy nhất không thuộc Câu lạc bộ nào mà vẫn ở trong tuyển quốc gia và đá hay nhất trong kỳ Sea Games năm ngoái”, anh Nam cho hay.

Sự thật là từ năm 2017, Xê Ko đã chính thức chia tay sân cỏ, trở về với cuộc sống ngày thường với công việc kinh doanh đồ thể thao trên mạng và tham gia huấn luyện các lớp bóng đá cộng đồng. Những tưởng “duyên nợ” với trái bóng tròn đã dứt, nhưng 2 năm sau, cô bất ngờ được huấn luyện viên Mai Đức Chung thuyết phục quay trở lại phục vụ đội tuyển trong bối cảnh các nhân sự trẻ đang trong quá trình trưởng thành.

Với trách nhiệm của người đi trước, Xuyến quay về, thêm một lần mặc trên mình chiếc áo đỏ đầy tự hào – thứ đã gắn bó với cô suốt hơn chục năm ăn cơm tuyển.

Nữ tiền vệ Tuyết Dung thời điểm đó cũng đang khoác áo tuyển Việt Nam hồi tưởng: “Khi quay trở lại tuyển, chị Xuyến đã 32 tuổi. Đối với bóng đá nữ, rất ít người còn có thể thi đấu đỉnh cao vào ở độ tuổi đó, đặc biệt là sau 2 năm giải nghệ. Tinh thần và tình yêu dành cho tuyển quốc gia của chị khiến lứa cầu thủ trẻ chúng tôi được truyền động lực rất nhiều”.

Chính từ nguồn động lực từ người chiến binh không tuổi ấy, đội tuyển nữ Việt Nam đã xuất sắc đánh bại Thái Lan trong trận chung kết, chính thức đưa Việt Nam vượt mặt đối thủ nhiều duyên nợ này với tổng số 6 HCV trong các kỳ Đại hội.

Sau trận đấu cuối cùng của mình, Xuyến đã post lên facebook cá nhân bức hình cô với tấm huy chương Vàng, phía sau là sân vận động đã vắng bóng người cùng một dòng giản dị: “Em cảm ơn tất cả mọi người đã cổ vũ bóng đá nữ”.

Sau giải đấu lịch sử ấy, Xuyến Xê Ko quyết định rời xa sân cỏ chuyên nghiệp thực sự. Cô lui về với mái ấm nhỏ của mình, chăm sóc chồng con, bán đồ thể thao và đi dạy thêm cho một trung tâm bóng đá dành cho trẻ em. Nữ chiến binh từng vắt những giọt mồ hôi cuối cùng đem vàng và sự tự hào về cho dân tộc lại chọn cách sống hiền lành và nhút nhát như cách mà các đồng đội vẫn thường gọi chị.

Nhưng, người hâm một sẽ mãi nhớ tới hình ảnh một lão tướng không biết mệt mỏi bên hành lang cánh trái một thời. Trong niềm vui hôm nay, bóng đá nữ Việt Nam xin được gửi một lời cám ơn tới Xuyến và các đồng đội cùng trang lứa với chị - những viên gạch tạo nền móng vững chắc cho tương lai.

Nói về Xuyến Xê Ko, chuyên gia bóng đá Nguyễn Hoài Nam cho rằng cô là một người vô cùng nghị lực. Nhưng anh cũng băn khoăn khi cho rằng: Sau mỗi thành công, những thông tin về bóng đá nữ sẽ bị… nguội dần.

“Dọc đời bóng đá, thỉnh thoảng chúng tôi nghe những câu chuyện bóng đá nữ khổ thế nào. Từng nghe có em chấn thương mà đội không có tiền nên phải cuốn lá tự chữa, hoặc môi trường khắc nghiệt khiến các em phải trở nên mạnh mẽ hơn đàn ông mới trụ lại được… Ngay cả khi đem vinh quang về cho Tổ quốc, mọi thứ cũng nhanh chóng chìm xuống”.

Anh kêu gọi: Mỗi người hâm mộ hãy tặng cho các tuyển thủ một follow, một nút nhấn like trên facebook. “Bởi biết đâu, sau khi giải nghệ, chính những follow và like ấy của các bạn sẽ giúp họ - những người phụ nữ đã truyền cảm hứng cho hôm nay có được một cơ hội để có một công việc tốt hơn, ổn định hơn trong một tương lai không còn được thi đấu phía trước?”, anh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Đánh giá của các chuyên gia về kỳ tích World Cup Việt Nam

Đón những cô gái “kim cương” về nước sau chiến tích lịch sử. Nguồn: VFF

Đón những cô gái “kim cương” về nước sau chiến tích lịch sử. Nguồn: VFF

  • Ngay sau khi đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên giành vé dự World Cup, trang chủ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã dành những lời khen cho các cô gái kim cương của chúng ta.“Việt Nam giành quyền tham dự FIFA World Cup nữ đầu tiên trong lịch sử và là đội thứ 5 đến Australia và New Zealand năm 2023…. Các bàn thắng của Chương Thị Kiều và Nguyễn Thị Bích Thùy giúp tuyển nữ Việt Nam mang về chiến thắng xứng đáng và lịch sử trước Đài Loan (Trung Quốc)”, FIFA đánh giá.Trong khi đó, trang chủ Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) cũng gửi lời chúc mừng đến với các cô gái Việt Nam sau chiến tích lịch sử trên đất Ấn Độ. 
  • Truyền thông khu vực châu Á đã chúc mừng kỳ tích của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên giành tấm vé tham dự vòng chung kết World Cup nữ, đồng thời ca ngợi sự nỗ lực vượt bậc của các cầu thủ.Bài viết đăng tải trên trang outlookindia.com nhấn mạnh đội tuyển Việt Nam đã viết nên lịch sử khi giành suất tham dự vòng chung kết World Cup nữ 2023 tại Australia và New Zealand. Trong khi đó, bài viết đăng tải trên sportstar.thehindu.com cho rằng chiến thắng trên là sự kiện đáng nhớ trong hành trình khó khăn của đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam khi một số thành viên trong đội mắc Covid-19 sau chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha. 
  • Ông Jernẹ Kamensek, chuyên gia bóng đá – Cựu Giám đốc kỹ thuật CLB bóng đá Bình Định đánh giá: “"Các nữ tuyển thủ Việt Nam đã làm được điều tất cả kỳ vọng và giờ là lúc họ có cơ hội thể hiện mình ở sân chơi thế giới. Tất cả nên tận hưởng nó và tôi tin đội tuyển nữ Việt Nam chắc chắn sẽ cống hiến tất cả những gì tốt nhất, nỗ lực chiến đấu từng phút từng giây ở World Cup sắp tới.” 
  • HLV Mai Đức Chung: “Tôi cũng như mọi người đều vỡ oà với niềm vui này khi đã vất vả trong bao lâu nay, không thể kìm nổi cảm xúc khi tôi đã chạy ra sân để ăn mừng với các cầu thủ. Đây là thành quả chung khi chúng tôi được Nhà nước cùng các tổ chức quan tâm sâu sát để đội nữ tập luyện, tập trung vào giải đấu. Có điều tiếc là gần cuối giải mới thể hiện được, giá như không bị Covid-19 đội sẽ đá tốt hơn."

"Chúng tôi chơi 6 trận/16 ngày. Phải nói là một kỳ tích, không phải chỉ vì thành tích dự World Cup mà vì không đội bóng nào bị ảnh hưởng sau Covid-19 nhưng lại đạt thành tích như vậy.”

Ngày xuất bản: 7/3/2022

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH, HỒNG VÂN
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: Nhân vật cung cấp và CTV
Video clip: VFF
Trình bày: ĐỨC DUY