PGS, TS Nguyễn Bá Minh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính dự báo lạm phát năm 2024 chỉ khoảng 3,2-3,5%, với áp lực không lớn song vẫn cần cẩn trọng. Đặc biệt, cần linh hoạt điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát tốt lạm phát trong năm nay.

Phóng viên: Một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là kiểm soát tốt lạm phát. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Bá Minh: Như chúng ta đã biết, lạm phát năm 2023 chỉ tăng 3,25%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 4-4,5%. Nguyên nhân cơ bản là do tổng cầu thấp.

Cùng với đó, bối cảnh quốc tế đặc biệt các nước lớn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, khiến lãi suất tăng cao, như lãi suất ở Mỹ tăng từ 5-5,25% chỉ trong một thời gian ngắn, hay Anh tăng 5,25%, khu vực đồng euro tăng 4%... Tình trạng này khiến nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, theo đó nền kinh tế Mỹ dự báo năm 2023 tăng trưởng 2,1%; Anh tăng trưởng 0,5%; khu vực đồng  euro cũng chỉ tăng trưởng 0,7%.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thương mại quốc tế, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 4,6% so với năm trước, nên một số ngành hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm so với năm trước, như thủy sản (17,8%), dệt may (11,4%), giày da (15,3%)... Trong nước, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 tăng thấp, chỉ tăng 9,6% so năm 2022, trong khi đó năm 2022 tăng 20%. Tình hình tăng trưởng kinh tế cũng chưa khả quan, khi tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt mức tăng 5,05%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%.

Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân năm 2023 so với năm trước (%). (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong bối cảnh như vậy, ngay từ đầu năm 2023, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt phải kể đến sự kết hợp giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ.

Đơn cử như về chính sách tiền tệ, chúng ta đã thực hiện nới lỏng, giảm lãi suất liên tục. Có thể nói, lãi suất đã giảm thấp nhất trong vòng 20 năm qua, nhưng tăng trưởng tín dụng cũng rất thấp. Tính đến ngày 27/10/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 7,1% so với cùng kỳ và năm 2023 đạt 13,5%. Trong khi đó, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là 15%. Điều này cho thấy do nền kinh tế tăng trưởng thấp nên không “hấp thụ” được nguồn cung tiền.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã điều hành chính sách tài khoá linh hoạt như thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, hay giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí lên đến 50% trong 6 tháng cuối năm… nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng. Theo tôi, đây chính là những yếu tố chủ yếu giúp kiểm soát tốt lạm phát năm 2023, bảo đảm mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Phóng viên: Trong bối cảnh như vậy, xin ông đánh giá về áp lực lạm phát trong năm 2024, cũng như dự báo tình hình lạm phát và kiểm soát lạm phát năm nay?

PGS, TS Nguyễn Bá Minh: Trên nền tảng của năm 2023, áp lực lạm phát trong năm 2024 như thế nào thì cần phải nhìn nhận từ bối cảnh quốc tế, vì nước ta hiện đã hội nhập sâu rộng với thế giới.

Như chúng ta thấy rằng, các tổ chức kinh tế dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023, chỉ tăng 0,5-1,5%; Anh chỉ tăng trưởng 0,5% và có khả năng suy thoái; khu vực đồng euro cũng chỉ tăng trưởng khoảng 0,8-1,2 %... Như vậy là tổng cầu thế giới cũng thấp. Thêm vào đó, hiện nay, do nền kinh tế của các nước lớn tăng chậm nên giá dầu cũng được các chuyên gia dự báo chỉ khoảng từ 60-65 USD/thùng.

Với bối cảnh quốc tế như vậy, tôi cho rằng áp lực lạm phát năm 2024 của Việt Nam là không quá lớn, dự báo chỉ khoảng 3,2-3,5%. Tuy nhiên, phải nói rằng, lạm phát quá thấp thì cũng không tốt, bởi lạm phát thấp sẽ không tăng trưởng kinh tế được mà lạm phát phải ở một mức nào đó hợp lý để bảo đảm cho tăng trưởng. Chính vì thế, Quốc hội đã đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát trong phạm vi từ 4-4,5%.

Trong năm 2024, chúng ta cần tiếp tục phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, và cũng nên tránh tư duy rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ gây ra lạm phát tiền tệ, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Chính sách tiền tệ phải luôn giúp ổn định tỷ giá - điều này rất quan trọng để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, cần bảo đảm cung tiền vừa đủ để nền kinh tế phát triển. Chúng ta thấy ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho tất cả các ngân hàng để khuyến khích phát triển, bên cạnh duy trì lãi suất vừa phải để hài hòa lợi ích của ngân hàng và doanh nghiệp nhằm kích thích tăng trưởng.

Đối với chính sách tài khóa, chúng ta cũng phải hết sức lưu ý đến các chính sách về thuế, phí, lệ phí để làm sao kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, một số hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý tăng giá theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục… dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước, nhưng theo tôi áp lực này cũng không phải quá lớn.

Áp lực lạm phát năm 2024 của Việt Nam là không quá lớn, dự báo chỉ khoảng 3,2-3,5%. Tuy nhiên, lạm phát thấp sẽ không tăng trưởng kinh tế được mà lạm phát phải ở một mức nào đó hợp lý để bảo đảm cho tăng trưởng. Chính vì thế, Quốc hội đã đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát trong phạm vi từ 4-4,5%.

PGS, TS NGUYỄN BÁ MINH

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công tác điều hành giá cả hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán? Trong năm 2024 sẽ thực hiện điều chỉnh các chính sách về lương, việc quản lý giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ phải chú ý đến vấn đề gì liên quan việc tăng lương sắp tới?

PGS, TS Nguyễn Bá Minh: Như chúng ta đã biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, theo truyền thống, năm nào giá cả cũng tăng vào dịp cận Tết. Nhưng tôi cho rằng năm nay ngược lại giá cả không tăng, thậm chí còn giảm vì từ đầu năm đến nay cung hàng hóa nhiều.

Đặc biệt, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như lương thực, thực phẩm, giá thịt lợn… nguồn cung khá dồi dào, mặc dù trong năm, một số mặt hàng có tăng theo giá xuất khẩu như giá gạo, nhưng giá gạo trong nước cũng tăng không nhiều. Cho nên áp lực giá cả một số mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết âm lịch tôi nghĩ là không tăng, người dân có thể yên tâm, phấn khởi đón Tết.

Liên quan vấn đề cải cách tiền lương vào tháng 7/2024, đây cũng là một trong những yếu tố cần phải lưu ý trong kiểm soát lạm phát. Kinh nghiệm thực tế nhiều năm cho thấy, hễ cứ tăng lương là giá cả một số mặt hàng cũng có thể tăng theo.

Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành phải có những giải pháp để thực hiện chính sách tăng lương nhằm bảo đảm đời sống nhưng không tăng giá, và nếu có tăng thì cũng không đáng kể, đặc biệt là những mặt hàng mà chúng ta đã thống nhất quản lý giá.

Phóng viên: Với mặt bằng giá cả và áp lực chi phí như vậy sẽ có ảnh hưởng thế nào đến triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024?

PGS, TS Nguyễn Bá Minh: Tôi cho rằng điều này có liên quan đến tổng cầu. Chúng ta thấy rằng, hiện nay áp lực chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Trong năm 2023, đã chứng kiến  nhiều doanh nghiệp bất động sản sáp nhập, giải thể, phá sản bởi tổng cầu trong lĩnh vực này yếu.

Nhưng các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng, bán lẻ... lại khác. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, doanh thu tiêu dùng đã có điểm sáng, mặc dù không bằng năm 2022 nhưng cuối năm 2023 cũng đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể, tháng sau tăng cao hơn tháng trước.

Một số nhóm mặt hàng chủ lực của chúng ta trong lĩnh vực xuất khẩu như giày da, may mặc, thủy sản, cà-phê… cũng đã tăng trở lại, do nhu cầu hàng hóa của Việt Nam trên thế giới cũng đã tăng. Đó là những điểm đáng chú ý từ những mặt hàng chủ lực, qua đó góp phần bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2024.

Như tôi vừa phân tích, nhu cầu hàng hóa trên thế giới đã tăng trở lại, các doanh nghiệp đầu năm 2023 sa thải công nhân nhưng cuối năm cũng đã tuyển dụng lại. Vì thế tôi cho rằng, với chính sách điều hành vĩ mô của Nhà nước, kết hợp linh hoạt chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và nỗ lực của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ vượt qua khó khăn và tăng trưởng trong năm 2024.

Với chính sách điều hành vĩ mô của Nhà nước, kết hợp linh hoạt chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và nỗ lực của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ vượt qua khó khăn và tăng trưởng trong năm 2024.
PGS, TS Nguyễn Bá Minh
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế-tài chính

Phóng viên: Trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn và tăng trưởng năm 2023 chưa đạt mục tiêu, liệu tăng trưởng kinh tế năm nay đặt ra từ 6-6,5% có khả thi không, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Bá Minh: Tôi cho rằng, với mục tiêu mà Quốc hội đã ấn định tăng trưởng trong năm 2024 là từ 6-6,5%, Chính phủ cũng đã tính toán rất kỹ lưỡng những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này.

Đặc biệt, như chúng ta thấy, Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo rất quyết liệt để tăng trưởng đầu tư công, và lĩnh vực này đã tăng trưởng nhiều so với năm trước, trở thành một trong những yếu tố kích thích tăng trưởng.

Ngoài ra, về xuất khẩu hàng hóa, chúng ta thấy nhóm mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng vừa rồi đã đạt giá trị xuất khẩu trên 14 tỷ USD. Một số mặt hàng chủ lực như gạo, cà-phê, nông sản, da giày, may mặc… cũng đều tăng trưởng... Do đó, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng năm nay Quốc hội đề ra từ 6-6,5% là khả thi.

Cuối cùng, cả hệ thống chính trị của chúng ta luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát như đã đề ra.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!