Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã vẽ lại bản đồ dầu mỏ thế giới như thế nào?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã vẽ lại bản đồ dầu mỏ toàn cầu, định tuyến lại một đội tàu cỡ lớn chở dầu thô trên những chuyến hành trình dài hơn.

Tờ The Wall Street Journal đã phân tích dữ liệu của công ty theo dõi tàu Spire Global về đường đi của 3.000 tàu chở dầu thô cỡ lớn, để tìm ra những con tàu rời các cảng biển của Nga trong các giai đoạn trước và sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.

The Wall Street Journal nhận định, trong tháng 2, sự thay đổi sẽ tiếp tục diễn ra với việc áp mức giá trần do Mỹ dẫn đầu và lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu diesel và các loại nhiên liệu tinh chế khác của Nga.

Phân tích của The Wall Street Journal về hoạt động vận chuyển dầu thô đưa ra một góc nhìn dự báo lý giải cho những thay đổi vào thời gian tới, mà các nhà phân tích cho rằng sẽ đặt ra những thách thức về logistic phức tạp hơn, gây ra sự bất ổn mới cho thị trường năng lượng.

Bắc Âu
Vào năm 2021, các tàu chở dầu rời các cảng Baltic của Nga hướng tới các khách hàng ở Scandinavia, Vương quốc Anh và Hà Lan, thường dỡ hàng tại Rotterdam, một trong những trung tâm dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Những chuyến đi nhanh chóng đó phần lớn đã dừng lại trước lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với việc nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga vào tháng 12/2022. Các nhà máy lọc dầu châu Âu đã chuyển sang Trung Đông, Tây Phi và châu Mỹ để mua dầu thô.

Đại Tây Dương
Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng 3/2022, hạn chế các chuyến tàu chở dầu qua Đại Tây Dương đến các nhà sản xuất nhiên liệu vùng duyên hải vịnh Mexico của Mỹ (Gulf Coast).

Kênh đào Suez
Nga đã chuyển hướng nhiều chuyến hàng qua biển Địa Trung Hải và kênh đào Suez khi chúng hướng tới châu Á. Việc này đã khiến chi phí vận chuyển tăng vọt vào năm ngoái, giá dầu của Nga cũng giảm xuống.

Biển A-Rập
Sự khác biệt về giá được cho là một lợi thế tiềm năng cho các nhà máy lọc dầu sẵn sàng mua dầu thô của Nga.
Theo công ty theo dõi tàu Kpler, Ấn Độ, quốc gia hầu như không nhập khẩu dầu của Nga trước cuộc xung đột, có thể nhập khẩu trung bình gần 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2023. Theo nhà phân tích Matt Smith của Kpler, sự tăng mạnh trong các chuyến đi kéo dài hàng tuần của tàu chở dầu đang gây căng thẳng cho thị trường vận chuyển.

Trung Quốc
Các chuyến hàng từ các cảng phía đông của Nga đến Trung Quốc ngày càng phổ biến hơn khi Bắc Kinh mở rộng hạn ngạch xuất khẩu cho các nhà máy lọc dầu, thúc đẩy họ sản xuất dầu diesel và các loại nhiên liệu khác.

Ngày xuất bản: 24/02/2023
Đồ họa, thông tin: The Wall Street Journal, Bloomberg, Trading Economics
Biên tập: BÔNG MAI