Người ta nói “Đời người là những chuyến đi”. Tôi đã có một chuyến đi để đời, một chuyến đi không bao giờ quên cùng với hơn 150 con người khác, là các bạn của tôi. Một chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời của hơn 150 con người.

Hà Nội, 11 giờ đêm ngày 24/10/1967, chúng tôi, phần lớn ở lứa tuổi 18-19, vừa tốt nghiệp cấp 3, mặt còn búng ra sữa, leo lên thùng các xe tải, bắt đầu chuyến đi. Không có những bó hoa tạm biệt, không có những cái ôm, những cái vẫy tay như người ta thường thấy trong các buổi chia ly. Hà Nội chìm dần vào giấc ngủ thời chiến tranh. Đoàn xe im lặng lên đường. Tôi mở hé tấm bạt, ngắm lại Hà Nội trong đêm, một Hà Nội thân thương, lặng lẽ tiễn chúng tôi.

Đoàn xe lắc lư đi suốt đêm, lắc và xóc, có những chỗ xóc nẩy người, con đường Quốc lộ 1 đầy ổ gà, ổ voi, thời chiến tranh ác liệt. Trên đường đi, có lúc, thấy tiếng ầm ì của máy bay Mỹ và những quả pháo sáng lơ lửng trên trời. Lên gần phía Bắc, trời se lạnh, mảnh trăng cuối tháng không đủ chiếu sáng cảnh núi rừng âm u mờ ảo.

Tôi đã có một chuyến đi để đời, một chuyến đi không bao giờ quên. Một chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời của hơn 150 con người.

Rạng sáng, đến Đồng Đăng, mảnh đất địa đầu Tổ quốc vẫn chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi xuống xe, sắp xếp đội ngũ, tranh thủ làm thủ tục qua biên giới. Những giây phút đầu tiên trên đất khách quê người đã đến.

Bữa ăn đầu tiên nơi đất khách quê người của chúng tôi là trên tàu tốc hành Trung Quốc. Bữa ăn kéo dài, chia thành hai ca. Ca hai ăn sau ca một đến hơn hai tiếng đồng hồ vì ca một đã làm hết tiêu chuẩn cơm của ca hai. Thức ăn ngon, cơm ngon, nhưng thức ăn chỉ giới hạn, bày sẵn trên bàn, không thêm; còn cơm thì tự do, hết là nhà tàu cấp thêm. Ca hai phải chờ nấu thêm cơm.

Ông Lê Tuấn Hùng thời trẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Lê Tuấn Hùng thời trẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tuấn Hùng (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) và các bạn học tại Cuba. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tuấn Hùng (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) và các bạn học tại Cuba. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi ăn vào ca hai. Trong lúc chờ đợi, tôi thiếp đi. Lúc một nhân viên phục vụ nhà tàu phát hiện ra, đánh thức đi ăn thì còn có một mình tôi, một mình một bàn. Nhân viên nhà tàu cũng ăn trong cùng toa ăn, và họ rất ngạc nhiên vì một chú bé 17 tuổi, nhỏ con, xơi gọn cả một bàn ăn bốn người. Một nhân viên nhà bếp còn đến mời tôi rượu. Một kỷ niệm khó quên.

Tàu chúng tôi chạy tốc hành, cả ngày cả đêm, xuyên Trung Quốc, ngược lên phía bắc. Đoàn tàu có đôi lúc dừng lại ở các ga lẻ, tiếp thêm nguyên, nhiên liệu gì đó. Chúng tôi được phát ít tiền Nhân dân tệ, tranh thủ xuống ga mua vài ba đồ tạp hóa, cái bút, cái kéo, cái cắt móng tay. Thái độ của nhân viên nhà tàu Trung Quốc rất tận tụy và niềm nở.

Tàu chúng tôi chạy dọc theo hồ Baikal gần trọn một ngày. Hồ rộng mênh mông, tuyết đã phủ đầy bờ, và những cành cây ven hồ đóng băng như những cây san hô trên cạn, thật đẹp và lãng mạn. Tàu chúng tôi xuyên qua Siberia, xuyên qua những cánh rừng taiga nổi tiếng phủ đầy tuyết của nước Nga. Chiều muộn ngày 2/11, đoàn đến Moskva, rời tàu, lên xe khách, chạy một vòng quanh thành phố. Chúng tôi được lên đồi Lênin, ngắm trường Đại học Lomonosov trong buổi hoàng hôn, ngắm vườn táo ven đồi.

Sau đó, chúng tôi lại lên tàu. Tàu chạy suốt đêm và đến Leningrad vào tờ mờ sáng hôm sau. Thành phố này, trong ký ức của tôi, là một thành phố của những tượng đài. Những bức tượng uy nghi, đẹp tuyệt, ẩn hiện trong sương mù. Chúng tôi ngắm thành phố trong sương mù lạnh lẽo, rồi chúng tôi xuống tàu. Một con tàu biển bé nhỏ đã đợi sẵn. Ngay buổi sáng hôm đó, trời vẫn mù sương. Mấy tràng còi tàu vang lên. Chào đất liền, tàu nhổ neo, ra khơi.

Con tàu biển chúng tôi đi ngày ấy là một con tàu nhỏ, lần đầu tiên vượt đại dương. Trên tàu chỉ có vỏn vẹn hơn 150 lưu học sinh Việt Nam là khách. Tàu nhỏ, boong tàu chỉ vừa vài ba sân bóng chuyền, không có bể bơi.

Chúng tôi đã sống trên tàu 17 ngày. Hàng ngày, ngoài ba bữa ăn, chúng tôi hết nằm dài trong buồng, lại lên boong, ngắm trời ngắm biển. Một số lên boong chơi bóng chuyền, một số vào thư viện, xem tạp chí, chơi bi-a. Bóng chuyền phải buộc dây; còn bi-a không giống bi-a thông thường, bàn là cái hộp vuông khoảng một mét vuông, bốn góc đục bốn lỗ, những viên bi-a không tròn mà là những quân cờ, như cờ tướng của ta.

Đến chiều ngày thứ 16 của cuộc hành trình trên biển, tức ngày 19/11, chúng tôi được thông báo sáng ngày hôm sau tàu sẽ cập cảng La Habana.






“Dải đất đó đang dang rộng cánh tay đón lấy chúng tôi, như đón những đứa con trở về đất mẹ. Còn chúng tôi đã cập cảng La Habana, cập bến tương lai, đến với chân trời rộng mở”.

Cảng La Habana, Cuba. (Ảnh: Báo Granma)

Cảng La Habana, Cuba. (Ảnh: Báo Granma)

Ai cũng vui mừng, háo hức, có người không ngủ được, loay hoay cả đêm. Và rồi ngày mới cũng đến, bình minh cũng đến, một bình minh cực đẹp. Bầu trời xanh trong, sóng biển lững lờ, gió mát từng cơn và ánh nắng dịu êm.

Chúng tôi lên boong háo hức nhìn dải đất phía xa, mặc cho chiếc máy bay Mỹ đang nghiêng ngó, lượn lờ trên đầu. Dải đất đó là Cuba, là mảnh đất tự do đầu tiên của Mỹ Latin.

Dải đất đó đang dang rộng cánh tay đón lấy chúng tôi, như đón những đứa con trở về đất mẹ. Còn chúng tôi đã cập cảng La Habana, cập bến tương lai, đến với chân trời rộng mở.

Hà Nội, 29/10/2019

Ngày xuất bản: Tháng 3/2025
Tổ chức thực hiện: Quang Thiều, Trường Sơn
Nội dung: Trích hồi ký của Lê Tuấn Hùng
Trình bày: Mỹ Phương
Ảnh: Nhân vật cung cấp, Prensa Latina, Granma, tư liệu