Họa sĩ Hiền Nguyễn:

Tôi luôn muốn chạm đến những nguồn cảm hứng mới

Sau triển lãm Ủ năm 2019, bên cạnh sơn mài trên vóc, họa sĩ Hiền Nguyễn bắt đầu thử nghiệm sơn mài trên toan. Trong quá trình thực hành nghệ thuật, chị thường di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh (nơi chị sống) và Hà Nội (nơi mẹ chị ở). Ngồi trên máy bay, nhìn ra cửa sổ, Hiền Nguyễn tò mò tự hỏi ngoài mây vờn vấn vít, ngoài kia có gì khác? Chính những suy nghĩ nghĩ vẩn vơ rất nghệ sĩ đó đã dẫn đến hàng loạt câu hỏi tiếp theo về sự sống.

“Liệu có khi nào, ở một nơi nào khác Trái đất, cũng tồn tại một sự sống như thế này không?”

Hiền Nguyễn bắt đầu quan tâm tới vũ trụ và trở thành một trong số ít nữ họa sĩ dành tâm huyết cho những cuộc thảo luận khắc kỷ - vô cực và vũ trụ, thay vì trút hết tâm huyết vào một chủ đề tĩnh vật, hoa lá, chân dung... thông thường.

Đi tìm lời giải, cũng là lúc họa sĩ giật mình vì có khi câu trả lời rất đơn giản. Mỗi con người chúng ta cũng giống như một vũ trụ. Và có lẽ, ngoài kia tồn tại nhiều hành tinh khác. Chị tự hỏi, tự tưởng tượng ra câu trả lời và thể hiện qua thực hành nghệ thuật của mình. Đó là khởi nguồn ý nghĩ cho loạt tác phẩm của chị về đề tài vũ trụ trong triển lãm Mở vào năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh.

“Mấy năm trôi qua, vũ trụ vẫn là một đề tài kích thích tôi kinh khủng”, Hiền Nguyễn nói. Có những điều, cứ nghĩ bản thân đã tỏ tường nhưng hóa ra không phải. Câu trả lời mà bản thân nghĩ là đúng, thì nói cho cùng, cũng hoàn toàn mang tính chủ quan nên mọi thứ rất ảo. 

Đó là lý do chị đặt tên cho triển lãm lần này một cái tên rất lạ: Toảo (ghép từ hai chữ “tỏ” và “ảo). Triển lãm gồm tác phẩm sơn mài trên vóc “Vô cực” có tổng diện tích 20m2 và series “Đường cong” sơn mài trên toan gồm 8 tác phẩm nhỏ có kích thước 120x150cm.

Toảo cũng đánh dấu bước chuyển sang nghệ thuật ý niệm của họa sĩ. Có tác phẩm Hiền Nguyễn đặt tên, có bức không. Chị muốn công chúng tự do thưởng thức và sống trải trong tác phẩm của mình.

Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trò chuyện với chị.

Vẽ vũ trụ chính là vẽ lòng mình

Chúng ta mỗi người là một vũ trụ thu nhỏ, vì thế hãy sống làm sao cho vũ trụ đó được tồn tại mãi mãi, bởi sự tồn tại đó chính là được sinh ra.
Họa sĩ Hiền Nguyễn

Phóng viên: Chị có thể chia sẻ về triển lãm mới mang cái tên khá lạ của mình tại Hà Nội, “Toảo”?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Tôi mang đến một series sáng tác về đề tài “Vũ trụ” mà tôi theo đuổi từ năm 2019. Bức lớn mang tên “Vô cực” tôi vẽ trong 2 năm, về khoảng không giao hòa giữa trời và đất, sự hòa hợp âm dương. Chúng ta mỗi người là một vũ trụ thu nhỏ, vì thế hãy sống làm sao cho vũ trụ đó được tồn tại mãi mãi, bởi sự tồn tại đó chính là được sinh ra.

8 bức sơn mài trên toan trong series Đường cong được  vẽ trong những lúc tôi bế tắc khi thực hiện Vô cực. Series này thể hiện cảm giác chơi vơi, chênh vênh của người đàn bà trong vũ trụ, trong cuộc đời. Phiêu bồng, gợi cảm và ở bức nào cũng có một thời khắc chạm vào hoặc sắp chạm vào nhau hư hư thực thực. Có tác phẩm tôi vẽ trong giai đoạn tôi tưởng mình bị ung thư nhưng không phải.

Triển lãm này ghép giữa hai cái tên. Tôi tìm câu trả lời thông qua tác phẩm. Đến giai đoạn này tôi tưởng tôi đã hiểu nhiều điều về vũ trụ nhưng những gì mình hiểu về nó mang tính chủ quan. Mình tò mò và thể hiện nó để tự hiểu để tìm câu trả lời nhưng lại có những câu hỏi muốn tìm câu trả lời tiếp. Lúc đầu định đặt là “Tỏ”, tưởng như mình đã tỏ tường rồi, nhưng cuối cùng tôi thấy rằng, cái tôi tìm thấy chỉ là ảo ảnh. Đó là lý do tôi ghép giữa hai từ là Tỏ và “Ảo” cho triển lãm này.

Họa sĩ
Hiền Nguyễn

Phóng viên: Vũ trụ là một đề tài vô tận, được nhiều ngành nghệ thuật, khoa học khai thác. Nhưng vẽ vũ trụ cũng chính là vẽ lòng mình, kể câu chuyện của mình. Vậy vũ trụ của Hiền Nguyễn là gì?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Vũ trụ là đề tài từ xa xưa ông cha đã tò mò, muốn tìm hiểu về nó rồi. Bây giờ, sự tò mò về vũ trụ vẫn chưa hết.

Tôi có những người bạn làm khoa học đam mê vũ trụ nên  càng kích thích sự tò mò trong tôi. Tôi thường đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời, sự mơ mộng khiến tôi liên tưởng đến những hiện tượng của vũ trụ. Nó quá mênh mông, vô tận và đầy bí ẩn. Cũng như tâm hồn mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, biến ảo với đầy đủ những hỉ, nộ, ái.ố.

Vũ trụ chúng ta thấy trên kia gồm nhiều hành tinh, dải ngân hà, mỗi hành tinh có cách vận hành nhất định, cũng như mỗi con người là một tiểu vũ trụ, khi mình mở lòng đón nhận thế giới, sẽ thấy rất nhiều điều thú vị. Đó là lý do tại sao, các tác phẩm của tôi sẽ không có điểm đầu và điểm cuối.

Phóng viên: Phải chăng đó cũng là lý do chị không đặt tên các tác phẩm của mình?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Tôi quan niệm, khi tôi hoàn thiện tác phẩm rồi, tác phẩm không thuộc về tôi nữa. Tôi dành cho người thưởng lãm tác phẩm một cách trọn vẹn nhất, không bị chi phối bởi cái tên vì tác phẩm đã có đời sống riêng. Tôi không muốn những cái tên giới hạn góc nhìn, suy ngẫm của người xem.

"Vũ trụ chúng ta thấy trên kia gồm nhiều hành tinh, dải ngân hà, mỗi hành tinh có cách vận hành nhất định, cũng như mỗi con người là một tiểu vũ trụ, khi mình mở lòng đón nhận thế giới, sẽ thấy rất nhiều điều thú vị. Đó là lý do tại sao, các tác phẩm của tôi sẽ không có điểm đầu và điểm cuối".

- Họa sĩ Hiền Nguyễn -

20 năm vẽ sơn mài vẫn... chưa chán

Tác phẩm sơn mài Cánh đồng vàng 

Tác phẩm sơn mài Cánh đồng vàng 

Họa sĩ Hiền Nguyễn

Họa sĩ Hiền Nguyễn

Phóng viên: Lần này, Hiền Nguyễn vẽ khá kiệm màu và kiệm hình, không gian tranh của chị tối giản và mang màu sắc đương đại. Phải chăng đang có một sự dịch chuyển trong sáng tác của chị?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Trong quá trình làm việc tôi áp dụng tất cả kỹ thuật được học và tự khám phá thêm những sáng tạo mới. Chẳng hạn, khi sử dụng chất liệu vàng, với tôi, vàng chỉ dùng để vẽ chứ không phải để khoe. Tôi dùng vàng đôi khi là màu lót cho màu khác để lên được cái sắc độ mình ưng ý.

Còn series trên toan, tôi thử nghiệm từ năm 2019 và đã có 2 triển lãm rồi.

Đến giai đoạn này, tôi cách tân mạnh hơn. Nếu trước đây vẽ sơn mài trên toan tôi áp dụng nhiều kỹ thuật, thì giai đoạn này tôi kết hợp giữa các mảng màu vẽ nhiều lớp chồng lớp để ra một bề mặt mình ưng ý và kết hợp mảng màu mang tính chất tối giản.

Thí dụ tôi dùng bạc thô và phơi ra ngoài thay vì bạc nhồi, để trên bề mặt không phủ sơn lên tương tác trực tiếp với người xem. Đó là một không gian đương đại, tối giản, mạnh mẽ và dứt khoát, thể hiện thế giới tinh thần của người phụ nữ. Đôi khi phụ nữ chông chênh, mong manh thật nhưng họ cũng rất mạnh mẽ, quyết liệt.

Tôi đi theo hình thức tối giản của nghệ thuật ý niệm, đưa ra một vài tín hiệu để bắt cảm xúc của người xem, thể hiện điều tôi mong muốn chia sẻ với mọi người.

"Tôi đi theo hình thức tối giản của nghệ thuật ý niệm, đưa ra một vài tín hiệu để bắt cảm xúc của người xem, thể hiện điều tôi mong muốn chia sẻ với mọi người".

- Họa sĩ Hiền Nguyễn -

Phóng viên: Vậy với chị, cảm xúc vẽ trên vóc khác trên toan thế nào?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Tôi vẽ trên vóc 20 năm nay rồi. Vẽ, với tôi là một phương pháp tu tập, như đức tin của mình, nó khiến tôi trầm tĩnh hơn. Cảm hứng vẽ trên vóc sẽ được nuôi dưỡng trong quá trình tôi thực hiện tác phẩm. Còn vẽ trên toan, thời gian cũng kéo dài như thế nhưng tôi có thể vẽ ngay lập tức những ý tưởng mình muốn thực hiện. Với sơn mài trên toan, sự tương tác cảm xúc nhanh hơn.

Phóng viên: Hơn 20 năm theo đuổi sơn mài và chỉ sơn mài mà thôi, điều gì ở chất liệu này hấp dẫn chị đến thế?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Sơn mài phù hợp với tâm hồn người Á Đông, một tâm hồn đầy nội tâm và sâu lắng. Tôi thích thú biểu màu, biểu cảm của chất liệu sơn mài, dù có dương đến mấy thì tính âm của nó vẫn mạnh. Sau 20 năm làm việc với sơn mài, tôi vẫn bị hấp dẫn và đầy cảm hứng sáng tạo trên chất liệu truyền thống ấy.

Phóng viên: Chị làm việc say mê và liên tục có triển lãm cá nhân,  có bao giờ chị tự chán mình?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Tôi bị “tăng động” quá chăng, nhưng thú thực, tôi chưa bao giờ thấy chán mình, tôi cũng không cho phép mình lặp lại chính mình.

Với tôi, trong hành trình sáng tạo tôi luôn mong muốn có cơ hội chạm đến những nguồn cảm hứng mới, thúc đẩy mình thực hiện những tác phẩm mới.

Cách đây 2 năm, tôi cũng triển lãm một series về đề tài vũ trụ, nhưng, nếu như trước đây tôi thiên về trừu tượng thì bây giờ, tôi ngày càng tối giản, kiệm về hình, màu, mảng. Ý niệm trong tác phẩm và bề mặt thẩm mỹ đã thay đổi, điều đó đến một cách tự nhiên.

Nếu bạn quan sát tôi trong một thời gian dài, đố bạn tìm được sự giống nhau. Tôi không vẽ trùng lặp bất cứ điều gì. Tôi quan niệm, những gì tôi thích, tôi thể hiện lên tác phẩm, nghĩa là tôi đang tò mò, tìm câu trả lời và khi trả lời rồi, hoàn thành tác phẩm rồi, nghĩa là nó không thuộc về tôi nữa, dù có thể nó vẫn đang ở nhà tôi.

Khi đứa con tinh thần của mình được sinh ra, nó không thuộc về mình nữa, nó phải ra ngoài đời, học hỏi và đối mặt với cuộc sống, cũng như một con người thôi.

Tự trọng của người nghệ sĩ không cho phép tôi lặp lại mình. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có một cách đi khác nhau, có những nghệ sĩ chỉ chọn một đối tượng sáng tác, nhưng họ có cách thể hiện khác nhau để trả lời cho câu hỏi của họ. Quan trọng là những gì họ thể hiện có thuyết phục không?

Tôi quan niệm, những gì tôi thích, tôi thể hiện lên tác phẩm, nghĩa là tôi đang tò mò, tìm câu trả lời và khi trả lời rồi, hoàn thành tác phẩm rồi, nghĩa là nó không thuộc về tôi nữa, dù có thể nó vẫn đang ở nhà tôi.
Họa sĩ Hiền Nguyễn

Phóng viên: Chị nói, trong đầu còn nhiều ý tưởng, vậy hành trình tiếp theo của chị sẽ thế nào?

Họa sĩ Hiền Nguyễn: Tôi sẽ tiếp tục làm việc khi trong đầu còn có những câu hỏi, sẽ đi tìm câu trả lời. Vũ trụ là đề tài rộng lớn, luôn kích thích sự tò mò, khám phá.

Trong quá trình giao lưu với bạn bè, chúng tôi nói chuyện nhiều về vũ trụ, về những điểm chạm giữa các loại hình nghệ thuật và khoa học. Sự thách thức của họ đem lại nhiều điều thú vị cho tác phẩm của mình.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, tại sao phải đưa ra kế hoạch cho hành trình tiếp theo, tôi không có thói quen đưa ra kế hoạch cho cuộc đời mình. Ngày hôm nay, hãy vui với thành quả của mình, ngày hôm qua đã qua rồi. Và ngày mai sẽ là một ngày mới.

Phóng viên: Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Ngày xuất bản: 14/01/2024
Tổ chức: HỒNG MINH
Thực hiện: BẢO LINH
Trình bày: BẢO MINH