Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, năm qua, đại dịch Covid-19, đặc biệt làn sóng dịch lần thứ tư, đã tác động sâu sắc đến lĩnh vực lao động-việc làm và an sinh xã hội của người dân. Với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế”, song hành với thực hiện những chính sách hỗ trợ người dân, người lao động cùng doanh nghiệp trong đại dịch, các giải pháp để hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội
trong giai đoạn “đặc biệt”
của đất nước

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhìn lại năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 68/NQ-CPNghị quyết số 116 /NQ-CP hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Vậy, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả các chính sách an sinh đã ban hành năm vừa qua?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Đại dịch Covid-19, đặc biệt đợt dịch lần thứ tư bùng phát, đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; khoảng 80% người bị giảm thu nhập.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, một mặt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã sớm đề xuất Đảng, Nhà nước triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt hơn cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, bảo đảm chăm lo tốt hơn cho người có công cả về vật chất và tinh thần; Mở rộng diện bao phủ và nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, thông qua việc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngày 1/7/2021 lên 360 nghìn đồng/tháng, mở rộng một số nhóm đối tượng…, từng bước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước về chính sách trợ giúp xã hội.

Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng kịp thời trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, với quyết tâm đổi mới, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995 trong bối cảnh ngân sách hết sức khó khăn.

Để mở rộng hợp tác quốc tế về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, Chính phủ đã ký Hiệp định song phương Việt Nam-Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội với Chính phủ Hàn Quốc. Đây là hiệp định đầu tiên cấp Chính phủ về bảo hiểm xã hội mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động của hai quốc gia.

Mặt khác, Bộ đã chủ động, quyết liệt và linh hoạt tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách “chưa có tiền lệ”. Cụ thể như: Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTgNghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/QĐ-TTg thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.

Kết quả triển khai rất khả quan. Chỉ trong thời gian vài tháng, với điều kiện rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 68Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, người sử dụng lao động đồng tình cao.

Ảnh: Trần Hải.

Ảnh: Trần Hải.

Đến 31/12/2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỷ đồng); hơn 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với (kinh phí 58.449 tỷ đồng).

Trong đó: Triển khai Nghị quyết 68, toàn quốc có 378.300 lượt người sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ với tổng kinh phí là 33.564 tỷ đồng; Triển khai Nghị quyết số 116, có 363.600 lượt người sử dụng lao động và 12,6 triệu lượt người lao động được hỗ trợ với tổng kinh 37.918 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tôi cho rằng, nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đồng thời, toàn ngành lao động-thương binh và xã hội đã dồn lực tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cục bộ, ổn định thị trường lao động, tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi các chính sách an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", rất mừng là nguy cơ đứt gãy lao động đã không xảy ra.

Người lao động trong những tháng cuối năm 2021 đã trở lại làm việc tại TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam đạt 85-90%, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp cuối năm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường lao động sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý I và đầu quý II/2022.

Hỗ trợ phục hồi và phát triển
thị trường lao động
là một trong những nhiệm vụ
ưu tiên hàng đầu

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, đâu là giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh thích ứng với trạng thái bình thường mới?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Dự báo, dịch bệnh Covid-19 có thể còn tiếp diễn với những diễn biến khó lường. Việt Nam thuộc 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine cao trên thế giới. Và chúng ta đã đang chuyển sang trạng thái bình thường mới với phương châm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế”.

Để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và người dân gặp thiên tai, rủi ro.
Thứ hai, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động; hỗ trợ người lao động được vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế về phát triển thị trường lao động-việc làm. Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung-cầu trên thị trường, hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc tìm người và người tìm việc; Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện, tham mưu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW khoá XII.
Thứ tư, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và tăng cường chuẩn hóa chất lượng lao động trình độ kỹ năng nghề giúp người lao động có cơ sở và cơ hội thuận lợi học tập nâng cao trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng cho thị trường lao động và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ năm, tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh đáp ứng với các cú sốc diện rộng: Xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân, hộ nghèo, người yếu thế trên địa bàn phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.

Item 1 of 4

Phát triển nguồn nhân lực
có chất lượng, có kỹ năng
-trụ cột quan trọng nhất
trong bối cảnh đại dịch

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, đâu là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển hướng đào tạo để thị trường lao động nội địa thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn nước ta, để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, cùng với việc triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn có tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thì trụ cột tiên quyết, quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và hiệu quả cao.

Kỹ năng lao động sẽ giúp các doanh nghiệp, các ngành, nghề có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển hướng thị trường lao động nội địa thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần thực hiện đồng bộ tổng thể các giải pháp, trong đó ưu tiên triển khai các giải pháp trọng tâm.

Đó là:

  • Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực lao động qua đào tạo nghề nghiệp, tạo động lực để cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, người lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo nghề;
  • Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề chịu tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
  • Ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động;
  • Đẩy mạnh mô hình liên kết đào tạo trong đó doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực chịu tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tham gia xây dựng tiêu chuẩn đào tạo, chương trình đào tạo và tham gia đào tạo, ưu tiên đào tạo tại doanh nghiệp để người học tiếp cận nhanh với công nghệ mới và đào tạo ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới;
  • Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động.

Hiện nay, 65% lực lượng lao động nước ta đã qua đào tạo, nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp. Con số này so với mặt bằng chung của các nước ASEAN còn thấp. Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi bản chất của công việc. Do vậy, hệ thống đào tạo nghề cần tiếp tục theo hướng mở liên thông, linh hoạt và bao trùm gắn với học tập và nâng cao tay nghề suốt đời, tập trung nguồn lực, ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực và đi tắt đón đầu các xu hướng mới, hội nhập trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo và đào tạo lại, nâng cao tay nghề đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới, thông qua các cơ sở đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp là chính.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Ngày xuất bản: 15/1/2022
Chỉ đạo sản xuất:
NGỌC THANH
Tổ chức sản xuất:
XUÂN BÁCH, LÊ NGÂN
Thực hiện:
VŨ LAN, LÊ NGÂN
Trình bày:
PHƯƠNG NAM
Ảnh:
TRẦN HẢI, DUY LINH, BÁO NHÂN DÂN