Chuyên đề “Những người phụ nữ truyền cảm hứng” là những câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam ở mọi lĩnh vực, lứa tuổi, có khát vọng, lòng đam mê và nghị lực mạnh mẽ, tạo ra những tác động tích cực, đóng góp to lớn cho xã hội.


Họ là những người phụ nữ dùng trí tuệ và năng lực của mình để chinh phục đỉnh cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường vốn được xem là “khô, khó, khổ”. Con đường đi đến thành công của họ không trải hoa hồng nhưng những sáng chế, phát minh và mô hình mà họ gây dựng được đã mang về những trái ngọt, bởi họ là những người biết dấn thân theo đuổi đam mê.


Nhắc đến Giáo sư, Tiến Sĩ Nguyễn Thục Quyên, người ta nhắc đến một nữ khoa học gia từng 5 năm liền được Thompson Reuters bình chọn là một trong những Trí tuệ khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới (2015-2019). Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang ấy là cả một chặng đường đầy khó khăn, thử thách và một nghị lực phi thường vượt lên trên nghịch cảnh để theo đuổi đam mê.

Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân, vị giáo sư gốc Việt đã chia sẻ nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về cuộc đời của bà, trong đó hành trình 10 năm từ thời điểm bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ với vốn tiếng Anh gần như không có cho đến khi chinh phục thành công tấm bằng tiến sĩ khiến nhiều người vô cùng nể phục.

Nỗ lực vượt lên trên nghịch cảnh


Trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới, song ký ức về thời thơ ấu cơ cực, về những tháng ngày vất vả đã qua vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí GS Nguyễn Thục Quyên.

Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em tại một ngôi làng nhỏ ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), GS Quyên lớn lên trong khổ cực, thiếu cơm ăn áo mặc. Sau năm 1975, cha đi cải tạo, anh chị em bà theo mẹ (khi đó là một giáo viên dạy toán cấp 2) đi vùng kinh tế mới.

Năm 21 tuổi (1991), bà cùng bố mẹ và các anh chị em đến Mỹ định cư (theo diện HO), bắt đầu cuộc sống mưu sinh vất vả nơi đất khách. Thời gian đầu, bà từng nhiều lần khóc đòi về Việt Nam vì không nói được tiếng Anh cũng như không quen thuộc phong tục tập quán khác lạ. “Khó khăn nhất là ngôn ngữ, khi ấy đi đâu cũng phải nhờ người thông dịch. Nhiều lúc tôi bị coi thường vì không biết tiếng Anh và có những người chế nhạo tôi vì tôi phát âm tiếng Anh sai”, GS Quyên bồi hồi nhớ lại.

Tuy nhiên, chính những khó khăn trong cuộc đời là động lực lớn nhất thúc đẩy bà không ngừng cố gắng. Để khắc phục vấn đề giao tiếp, bà quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đi học tại ba trường ở ba thành phố mỗi ngày, cứ sáng, chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường. Mỗi ngày, bà xem tin tức trên đài truyền hình Mỹ để tập nghe.

GS Nguyễn Thục Quyên (thứ 2 từ trái sang) tham gia chương trình học tiếng Anh ESL tại Santa Monica College năm 1993. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

GS Nguyễn Thục Quyên (thứ 2 từ trái sang) tham gia chương trình học tiếng Anh ESL tại Santa Monica College năm 1993. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tháng 9/1993, bà xin vào học trường Santa Monica College nhưng không được nhận vì trình độ tiếng Anh kém. Về sau, bà thuyết phục được nhà trường cho học thử một kỳ. Bà đăng ký 4 lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài, rồi tới những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm. Sau một năm bà được vào học chính thức như những sinh viên khác...

Thấy bố mẹ làm việc vất vả trong nhà hàng và ở hãng may, bà không cho phép bản thân thất bại. Để có tiền đi học, bà cũng làm thêm trong nhà hàng, thư viện của trường và tiệm nail.

GS Quyên kể, dù bận rộn nhưng bà vẫn thu xếp làm việc thiện nguyện cho một trung tâm giúp đỡ nghững người tị nạn. Bà tới nhà những người Mỹ nhận đồ đạc, quần áo và những thứ khác mà người ta cho đi và mang đến những căn hộ của những người tị nạn.

Phấn đấu hết mình vì đam mê


Không chỉ khiến mọi người nể phục bởi nghị lực phi thường vượt lên khó khăn để hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách, GS Nguyễn Thục Quyên còn là điển hình của người trẻ Việt Nam có hoài bão, đam mê, và quyết tâm theo đuổi đam mê ấy.

Con đường theo đuổi đam mê nghiên cứu của bà chứa đầy mồ hôi và nước mắt khi phải đối diện với nhiều chông gai, cũng như sự coi thường từ các đồng nghiệp. Tuy nhiên, ý chí bền bỉ và tình yêu mãnh liệt với khoa học đã giúp nữ GS gốc Việt vượt qua tất cả để khẳng định năng lực của mình, từ một người rửa dụng cụ thí nghiệm trở thành nhà khoa học nhiều năm liền được Clarivate Analytics bình chọn vào Top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên hiện có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên hiện có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu.

GS Quyên kể, hành trình đến với khoa học của bà có sự khác biệt lớn so với những nhà khoa học khác. Bà vốn yêu thích lịch sử thế giới, văn học, địa lý nhưng khi sang Mỹ để theo các môn đó phải đọc sách rất nhiều và mất rất nhiều thời gian tra từ điển. Vậy là bà chuyển sang lớp Toán, rồi Hóa học, rồi Sinh học và nhận ra bản thân học khoa học cũng khá. Sau đó, bà trở nên hứng thú với hóa học và bắt đầu theo đuổi con đường này.

Tháng 9/1995, GS Quyên xin chuyển lên Đại học California, Los Angeles (UCLA) và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Bà vừa đứng rửa dụng cụ nhưng mắt theo dõi những người làm thí nghiệm. Với niềm đam mê khoa học, mùa hè năm 1996, bà xin người quản lý phòng thí nghiệm cho làm nghiên cứu nhưng không được nhận vì không giỏi tiếng Anh. “Họ bảo với tôi rằng nghiên cứu không phải chuyện ai cũng làm được, rồi khuyên tôi nên tập trung vào việc học tiếng Anh trước. Rất buồn vì bị coi thường nhưng tôi không nản chí, thậm chí nhờ vậy mà tôi cố gắng nhiều hơn. Sau đó là quá trình tôi chuyên tâm học tiếng Anh”.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1997, GS Quyên nộp đơn học cao học và chỉ một năm sau đã có bằng thạc sĩ ngành Lý-Hóa. Bà quyết định học tiếp lên tiến sĩ và trong năm cuối của chương trình, bà trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học California, Los Angeles (UCLA) được trao học bổng cho Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất. Nữ GS cho biết, bà đã thay đổi 3 dự án khác nhau và 2 phòng nghiên cứu để tìm một dự án mà bà thật sự thích.

GS Nguyễn Thục Quyên có niềm đam mê lớn với nghiên cứu khoa học. (Ảnh: UCSB)

GS Nguyễn Thục Quyên có niềm đam mê lớn với nghiên cứu khoa học. (Ảnh: UCSB)

“Tôi làm nghiên cứu 6 ngày một tuần và mỗi ngày tôi làm việc đến 2 giờ sáng. Trường không bắt buộc sinh viên phải làm việc nhiều như vậy. Tôi làm là vì niềm đam mê khoa học. Nó giống như một cơn nghiện. Nếu tôi ở lại để hoàn thành thí nghiệm, tôi có thể biết câu trả lời ngay tối hôm đó thay vì chờ đến ngày hôm sau”, GS Quyên nhớ lại.

Tháng 6/2001, bà nhận bằng tiến sĩ, trước 5 năm so với những sinh viên trong phòng thí nghiệm nơi bà từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Đây là thành quả ngọt ngào sau những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng vô vàn khó khăn mà bà đã trải qua. “Họ cần 8 năm để lấy bằng tiến sĩ, trong khi tôi chỉ mất 3 năm. Trong 8 năm họ viết được 1 hoặc 2 bài báo, còn tôi có được 12 bài báo khoa học và thuyết trình 19 lần ở đại học trong nước và hội nghị quốc tế”, GS Quyên nói.

Tấm pin mặt trời hữu cơ do GS Nguyễn Thục Quyên và cộng sự nghiên cứu. (Nguồn: Nhiếp ảnh gia Lê Văn Ân)

Tấm pin mặt trời hữu cơ do GS Nguyễn Thục Quyên và cộng sự nghiên cứu. (Nguồn: Nhiếp ảnh gia Lê Văn Ân)

Khó khăn tiếp tục hiện hữu ngay cả khi bà trở thành giáo sư ở Mỹ. Việc gây quỹ để làm nghiên cứu, thành lập đội ngũ, hay điều hành phòng thí nghiệm của riêng mình là thách thức không hề nhỏ với một giáo sư trẻ. Đó không phải là con đường dễ dàng. Tuy nhiên, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Một lần nữa, những khó khăn, cản trở không thể quật ngã được một Nguyễn Thục Quyên tràn đầy nghị lực và ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt với nghiên cứu khoa học.

Bà kể nhiều lần bị đồng nghiệp cấp cao “bắt nạt” và đã từng nghĩ đến việc bỏ cuộc và tập trung vào dạy học, song sau đó lại tự nhủ “mình đã cố gắng rất nhiều, mình sẽ không bỏ cuộc chỉ vì một đàn anh hoặc cấp trên nào đó”. Bên cạnh giảng dạy và nghiên cứu, bà còn giúp đỡ nhiều nữ sinh viên trẻ, các nữ khoa học và các nữ giáo sư trên khắp thế giới trong sự nghiệp của họ.

GS Nguyễn Thục Quyên tại Lễ tốt nghiệp và trao bằng Tiến sĩ, Đại học California, Los Angeles năm 2001. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên giao lưu với báo chí trên cương vị đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture hồi tháng 1/2022. (Ảnh: VinFuture)

GS Nguyễn Thục Quyên tại Lễ tốt nghiệp và trao bằng Tiến sĩ, Đại học California, Los Angeles năm 2001. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên giao lưu với báo chí trên cương vị đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture hồi tháng 1/2022. (Ảnh: VinFuture)

Hãy theo đuổi ước mơ, dù chưa chắc, nhưng cứ thử


Chia sẻ về những rào cản đối với nữ giới làm khoa học, GS Quyên cho biết bà có hai công việc: giáo sư/nhà khoa học và nội trợ. Điều khó khăn nhất khi làm hai công việc này là luôn thiếu ngủ, thường xuyên vội vã và không có nhiều thời gian cho bạn bè, bố mẹ và anh chị em.

“Nữ giới làm khoa học lại càng khó hơn - tôi cảm nhận điều này rất đúng trong sự nghiệp của tôi và cả những đồng nghiệp nữ trên thế giới. Là phụ nữ làm khoa học, bạn phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất nhiều để có được sự công nhận giống như các đồng nghiệp nam”, bà tâm sự.

Mỗi lần đối diện với những câu hỏi tương tự, bà thường nói với mọi người rằng: “Tôi yêu thích những gì tôi làm và tôi tập trung vào công việc, cố gắng làm hết khả năng. Tôi để công việc và kết quả nghiên cứu của mình tự nói lên”.

GS Nguyễn Thục Quyên và Chủ tịch Quỹ Alexander von Humboldt. (Nguồn: Alexander von Humboldt Foundation)

GS Nguyễn Thục Quyên và Chủ tịch Quỹ Alexander von Humboldt. (Nguồn: Alexander von Humboldt Foundation)

GS Quyên cho rằng, suy nghĩ về nữ giới làm khoa học đã thay đổi khá nhiều trong 20 năm qua. Khi còn là nghiên cứu sinh, bà đã từng tham dự các hội nghị quốc tế, hầu hết diễn giả được mời là nam, chỉ có một vài người là nữ hoặc có các hội nghị hoàn toàn không có diễn giả nữ. Ngày nay, các hội nghị có nhiều diễn giả là nữ được mời hơn nhưng vẫn chỉ khoảng 25%.

“Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa và xã hội sẽ công nhận rằng, phụ nữ có thể làm tốt công việc nghiên cứu khoa học như các đồng nghiệp nam của họ và đồng thời cũng có thể chăm lo cho gia đình nếu như có một người chồng hiểu biết, sẻ chia và hỗ trợ họ”, nữ GS chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên trao đổi với báo chí bên lề Tuần lễ khoa học VinFuture hồi tháng 1/2022. (Ảnh: Thảo Lê)

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên trao đổi với báo chí bên lề Tuần lễ khoa học VinFuture hồi tháng 1/2022. (Ảnh: Thảo Lê)

Theo bà, những phụ nữ đam mê khoa học nên nói chuyện nhiều với các nhà khoa học khác để có cơ hội được trao đổi ý kiến, làm việc chung và học hỏi lẫn nhau. Bà cũng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ các nhà khoa học nữ ở Việt Nam, đặc biệt là đưa ra những lời khuyên để dẫn dắt và giúp họ thành công hơn. GS Quyên nhấn mạnh, điều quan trọng là “chúng ta cần yêu thích sự nghiệp mà chúng ta chọn, cần có sự tò mò, ham học hỏi; hãy theo đuổi ước mơ của mình, dù chưa chắc nhưng hãy chọn và thử”.

Gửi gắm thông điệp tới giới trẻ Việt Nam, GS Quyên cho rằng các bạn trẻ cần phải có niềm tin vào bản thân. Khi có ước mơ, hãy nỗ lực để biến nó thành sự thật, đừng để bị tác động làm thay đổi ý kiến và từ bỏ ước mơ của mình. Khi bạn vấp ngã trong cuộc đời, có thể khóc một vài ngày nhưng sau đó hãy suy nghĩ nguyên do mình vấp ngã để biến nó thành một kinh nghiệm sống. Khi gặp khó khăn, hãy tự nhủ lòng sẽ có ngày mai, và có thể ngày mai sẽ là một ngày tốt hơn.

“Điều quan trọng là phải rèn luyện trí óc của bạn để trở nên mạnh mẽ hơn. Đừng ngại nhờ mọi người giúp đỡ khi bạn cần sự giúp đỡ. Không có quy tắc nào viết rằng bạn phải hành động một mình. Không phải tất cả những người bạn hỏi sẽ giúp bạn nhưng luôn có một số người sẽ giúp bạn”, GS Quyên nói.



Trên thương trường Việt Nam, không thiếu bóng dáng những người phụ nữ tài năng, tháo vát. Một mặt, họ vừa “đánh Đông dẹp Bắc” không thua kém các đấng mày râu, mặt khác vẫn lo chu toàn việc gia đình, con cái. Chủ tịch Hội đồng quản trị Học viện Teky Đào Lan Hương là một người phụ nữ như vậy.

Tôi làm chương trình giảng dạy công nghệ vì các con tôi


Khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đào Lan Hương là một trong những thành viên đã gây dựng lên Nexttech – Tập đoàn công nghệ có giá trị hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, sau 15 năm gắn bó, chị đã rời bỏ vị trí Phó Chủ tịch tập đoàn để tự đi một con đường mới đầy khó khăn nhưng chứa đựng rất nhiều đam mê, tâm huyết với thế hệ tương lai của Việt Nam.

Nhiều năm làm công nghệ thông tin, hơn ai hết chị hiểu lĩnh vực này tác động sâu sắc như thế nào tới thế hệ tương lai, trong đó có các con của mình. Chị đã cất công đi tìm các chương trình giảng dạy công nghệ cho trẻ em tại Việt Nam nhưng không thấy. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi lập trình là một bộ môn bắt buộc từ cấp tiểu học, là nền tảng cơ bản thứ 5: Nghe-Nói-Đọc-Viết-Lập Trình. Điều này chắc chắn tạo ra khoảng cách năng lực lớn giữa thế hệ tương lai Việt Nam với các bạn đồng trang lứa tại các nước phát triển.

Lớp học lập trình tại Học viện Teky.

Lớp học lập trình tại Học viện Teky.

Năm 2016, chị quyết định một mình đi khắp Đông Nam Á, tới từng cơ sở giảng dạy công nghệ cho trẻ em để tham khảo. Chị cũng sang Trung Quốc, Mỹ, Australia… để tham quan triển lãm đổi mới giáo dục, học hỏi các chuyên gia. Năm 2017 chị đã cho ra mắt Teky-Tek (Tech) for young cơ sở đầu tiên hiện thực ước mong có một cơ sở để các con của mình và các bạn có chỗ học lập trình.

Dự án Teky giống như một nhân duyên để tôi thực hiện sứ mệnh giúp đỡ thế hệ tương lai, giúp các con trang bị năng lực số, nắm bắt cơ hội, tránh nguy cơ mất việc làm từ robot và trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Từ đó, chúng tôi nhìn dự án này không dừng lại ở mô hình kinh doanh mà còn đầu tư tới cùng với rất nhiều tâm huyết, đem lại giá trị tốt nhất cho trẻ em Việt Nam, để các em không lạc hậu so với thế giới. Đấy cũng là mục tiêu lớn nhất của Teky”, chị Hương tâm sự.

Một cơ sở của Teky tại Hà Nội.

Một cơ sở của Teky tại Hà Nội.

Sau 5 năm phát triển, hiện nay Học viện Teky đã mở rộng hoạt động được 16 trung tâm trên cả nước, giảng dạy công nghệ và lập trình cho gần 30 nghìn học sinh, đưa chương trình học tới 300 trường trên toàn quốc để góp phần thay đổi nhận thức cho nhà trường, phụ huynh, học sinh.

Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng đưa bộ môn Công nghệ thành bộ môn cơ bản mà mọi học sinh đều phải học như tiếng Anh vì lợi ích của các em trong tương lai, không phải để các em trở thành lập trình viên, kỹ sư kỹ thuật mà để các em có thể tránh được nguy cơ lạc hậu, thất nghiệp và thậm chí nắm bắt được cơ hội của bản thân mình trong thời đại số”, chị Hương chia sẻ.

Lái con thuyền Teky trong đại dịch Covid-19


Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực ảnh hưởng, ngành công nghệ không hề ngoại lệ. “Con thuyền” Teky một lần nữa chông chênh giữa sóng lớn. Theo chia sẻ của chị, tới năm 2019, Teky đã phát triển nhanh chóng hết sức thuận lợi, thế nhưng hóa ra toàn bộ các khó khăn của 20 năm khởi nghiệp đều không thể so sánh được với khó khăn mà Teky đương đầu với Covid-19 lần này. Như nhiều doanh nghiệp khác, đã có lúc chị gần như “ngồi trên đống lửa” vì thiệt hại nặng nề do dịch bệnh kéo dài.

“Còn nhớ giai đoạn giãn cách toàn xã hội tháng 4 năm 2020, doanh số của chúng tôi giảm mạnh còn 15%. Từ tháng 5/2021 tới nay, toàn bộ ngành giáo dục đã phải dừng hoạt động offline, rất nhiều tổ chức giáo dục đã đóng cửa. Chúng tôi cũng mất ăn mất ngủ với các nỗi lo về sức khỏe, an toàn, ổn định, thu nhập, thậm chí mất mát người thân”, chị Hương chia sẻ.

Chị Đào Lan Hương đã đưa "con thuyền" Teky vượt bão tố trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Chị Đào Lan Hương đã đưa "con thuyền" Teky vượt bão tố trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Với bản lĩnh của nữ thuyền trưởng, chị đã khéo léo đưa con tàu vượt bão tố. Chị bảo: “Khi sáng lập Teky, tôi đã tham gia sáng lập nhiều công ty công nghệ và có cả những thành công và thất bại trong hoạt động kinh doanh của mình. Có lẽ điều đó giúp tôi thấu hiểu công nghệ quan trọng như thế nào với tất cả các ngành nghề và thế hệ tương lai; cũng như giúp mình lèo lái Teky “có nghề" hơn.”.

Để đối diện với đại dịch, ngay từ thời điểm tháng 2 năm 2020, chị xác định con đường duy nhất để vượt qua và nắm bắt được cơ hội là startup lại từ đầu với công nghệ. Ngay lập tức, tập thể Teky chuyển hướng mô hình từ offline sang online, trở thành tổ chức công nghệ giáo dục.

Toàn bộ đội ngũ quyết tâm nhanh chóng xây dựng nền tảng edtech và chương trình giảng dạy trực tuyến, làm việc hết công suất liên tục nhiều tháng tăng ca, thậm chí chia nhóm ở lại các văn phòng suốt thời gian giãn cách. Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp, Teky đến nay vẫn duy trì được quy mô 16 học viện và nâng cao năng lực cạnh tranh, quy mô thị trường của chính mình.

Các học sinh tham gia cuộc thi LEGO Mindstorm tại Học viện Teky.
Một lớp học của Học viện Teky.

Đừng nghĩ phụ nữ làm lĩnh vực công nghệ là khô cứng 


Nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ làm về công nghệ là khô cứng, nhưng với CEO Đào Lan Hương lại khác. Chị có đời sống tinh thần khá phong phú. Chị cho rằng, khô cứng là do con người chứ công nghệ thậm chí giúp cho cuộc sống chúng ta thêm màu sắc hơn rất nhiều.

“Tôi cũng không cho rằng có người phụ nữ thành công nào lại tẻ nhạt cả, bận rộn thì đúng chứ khô cứng thì không. Bởi những người đó đều hết sức tự tin, bản lĩnh, nhiều năng lượng, sống tích cực, có thể làm những việc mình muốn và năng lực sắp xếp mọi việc rất linh hoạt, lại đóng góp được nhiều cho xã hội và biết mình muốn gì”, chị Hương nói.

Có lẽ những triết lý trong cuộc sống đó có ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi dạy con cái của chị. Là một người mạnh mẽ và cũng “bầm dập” trước nhiều khó khăn nên chị luôn hướng con suy nghĩ tích cực, lạc quan, sẵn sàng hơn với các thử thách, để cho dù sau này con làm gì nhưng nhất định sẽ là người dám vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để chọn và đi con đường mình đã chọn.

Chia sẻ thông điệp với những bạn trẻ đang khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các bạn nữ, chị bảo: “Khởi nghiệp không phải là hoạt động phong trào. Nó đánh đổi bằng tiền bạc, thời gian, với các bạn nữ khởi nghiệp càng cần suy nghĩ kỹ xem đây có phải là điều mình mong muốn và có thể đối diện hay không? Nếu đã có quyết tâm, bạn cần lựa chọn lĩnh vực và đánh giá đúng về nhu cầu thị trường. Đừng bán cái mình có, hãy bán cái thực sự cần và chọn cho mình những người đồng hành để cùng nhau chia sẻ. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cần có đội nhóm và đội nhóm đó phải chọn được người giỏi, cùng chí hướng, có thái độ chia sẻ, cộng tác, lắng nghe”.

Mặc dù là người bận rộn nhưng chị luôn cố gắng sắp xếp mọi việc khoa học: “Tôi không phải là người ôm đồm quá quá nhiều việc. Dù bận đến đâu tôi vẫn nhất định dành thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình. Bởi dù thế nào gia đình, con cái vẫn là điều mà những người phụ nữ luôn hướng đến. Hơn nữa, những lúc mệt mỏi được nghỉ ngơi bên gia đình sẽ là khoảng thời gian tái tạo để bản thân có thêm động lực thực hiện tốt công việc. May mắn với tôi là các thành viên gia đình và mọi người chung quanh luôn hỗ trợ tôi rất nhiều”.



Những tháng ngày Hà Nội giãn cách xã hội nghiêm ngặt, người dân ở tại nhà, quán nhỏ của chị Phạm Minh Hậu cũng như của nhiều chủ kinh doanh khác bị ngưng trệ hoạt động. Nhưng chính trong những tháng ngày khó khăn ấy, chị Hậu đã có sáng kiến độc đáo và hiện thực hóa sáng kiến đó thành một chương trình thu hút nhiều người tham gia. Đó là chương trình “biến dầu ăn thừa thành xà phòng”.

Từ ý tưởng trong giãn cách xã hội


Từ một phóng viên báo chí, bén duyên với các sản phẩm an lành cho sức khỏe, thân thiện với môi trường chị Hậu nghỉ hẳn việc làm báo để chuyên tâm cho công việc kinh doanh.

Bắt đầu với thức uống khá lạ với nhiều người là chè đâm (Quỳ Hợp, Nghệ An) chị Hậu muốn giới thiệu nét văn hoá chè đâm Quỳ Hợp đến nhiều người hơn. Những năm sau đó, chị tiếp tục mở rộng giới thiệu những sản phẩm cua Việt Nam, là đồ thủ công và tự nhiên theo tiêu chí an lành và không hóa chất. Cứ mỗi năm chị lại phát triển nghiên cứu thêm các sản phẩm như vậy để giới thiệu đến khách hàng.

Sau mấy năm dần thuận lợi thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến công việc kinh doanh của chị Hậu bị ảnh hưởng không nhỏ tuy nhiên cũng chính vào khoảng thời gian ấy chị lại nảy ra một ý tưởng độc đáo.

Chị Hậu trong một lần tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa.

Chị Hậu trong một lần tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa.

“Tháng 7 năm ngoái, Hà Nội thắt chặt giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh ngưng trệ. Rảnh rỗi hơn nên tôi đăng ký học lớp làm xà phòng. Rồi cũng do giãn cách, ở nhà nhiều, nấu nướng cũng nhiều, dầu ăn thừa bỏ đi nhiều vừa lãng phí lại gây hại cho môi trường, tự nhiên tôi nảy ra ý tưởng làm xà phòng từ dầu ăn thừa”, chị Hậu chia sẻ.

Nghĩ là làm, chị Hậu vận dụng những kiến thức đã được học, chuẩn bị nguyên liệu cơ bản như xút (NaOH), nước cất, tinh dầu,… cùng dầu ăn thừa có sẵn trong bếp nhà mình để thử nghiệm làm xà phòng. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành không hề đơn giản, chị phải thử nghiệm rất nhiều lần mới có thể cho ra mẻ xà phòng có thể dùng được.

Khi mới làm, chị Hậu chưa tìm được công thức thích hợp để cho ra sản phẩm vừa có thể dùng được vừa an toàn cho da. Rồi khi mới làm là vào thời điểm Hà Nội hanh khô nên việc sản xuất dễ thành công hơn. Tuy nhiên, lúc ấy chị Hậu cũng chưa tính toán được khi thời tiết Hà Nội nồm ẩm quá thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xà phòng, thành ra sau những mẻ xà phòng thành công đầu tiên những mẻ sau này lại bị hỏng.

Từ lúc thử nghiệm để ra mẻ xà phòng đầu tiên thành công tôi cũng mất khá nhiều thời gian. Sản xuất mỗi mẻ xà phòng phải mất hàng tháng do phải phơi để hạ nồng độ xút, xà phòng hoá hết. Những mẻ đầu tiên cũng không thành công lắm nhưng sau mỗi mẻ tôi rút kinh nghiệm dần để ra được công thức hoàn thiện nhất.
- Chị Hậu chia sẻ -

Video chị Hậu tự dựng để chia sẻ cách làm xà phòng từ dầu tái chế.

Video chị Hậu tự dựng để chia sẻ cách làm xà phòng từ dầu tái chế.

Nếu xà phòng được làm đúng theo tỷ lệ và quy trình, sau 2 tiếng sẽ hoàn thành một mẻ. Những ngày đầu, chị Hậu mới chỉ thử nghiệm làm xà phòng để giặt khăn lau, cọ nhà vệ sinh,… Mới đây, chị đã nghiên cứu thêm các công thức làm xà phòng để giặt quần áo, xà phòng rửa mặt, gội đầu và chia sẻ công thức cho cộng đồng.

Sẩn phẩm xà phòng được làm từ dầu ăn tái chế và nguyên chất.

Sẩn phẩm xà phòng được làm từ dầu ăn tái chế và nguyên chất.

Đến chương trình hàng trăm người tham gia


Sau nhiều lần thử nghiệm và làm được những mẻ xà phòng thành công đầu tiên, chị Hậu vui mừng chia sẻ lên tài khoản facebook cá nhân của mình để bạn bè cùng tham khảo. Nhưng thực tế kết quả chị nhận được là… mọi người không quan tâm hay để ý lắm…

Vốn theo quan điểm “sống xanh”, với suy nghĩ một mình gia đình mình giảm thải dầu ăn thừa ra môi trường thì hiệu quả có thể chưa đáng kể nhưng nếu nhiều thật nhiều gia đình cùng thực hiện sẽ khác. Ý nghĩ ấy thôi thúc chị Hậu quyết tâm tìm cách thu hút mọi người tham gia cùng làm với mình và rồi chương trình tái chế “biến dầu dầu ăn thừa thành xà phòng” được hình thành.

Lúc đó tôi cũng đang rảnh, vì giãn cách mà, thế là tôi lại nảy ra ý tưởng hỗ trợ làm xà phòng giúp mọi người. Tức là mọi người có thể tích dầu ăn thừa gửi cho tôi sau đó tôi sẽ tự bỏ tiền mua nguyên liệu bổ sung, tái chế và gửi lại xà phòng thành phẩm cho mọi người. Khi tôi chia sẻ làm giúp như thế thì mọi người mới quan tâm nhiều hơn.
- Chị Hậu chia sẻ -

Rồi khi nhiều người quan tâm hơn nữa, chị Hậu liền lập fanpage và nhóm zalo “Cộng đồng tái chế” để tập hợp những người có cùng mối quan tâm. Fanpage “Cộng đồng tái chế” hiện nay có tới 2.000 thành viên tham gia trong khi nhóm zalo có gần 500 thành viên tham gia. Trên các nhóm này, các thành viên không chỉ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về tái chế dầu ăn thừa mà còn nhiều ý tưởng tái chế khác.

“Tập hợp nhau lại từ cùng chung ý tưởng tái chế dầu ăn thừa nhưng rồi chúng tôi cùng chia sẻ thêm những kinh nghiệm tái chế khác. Rất nhiều thứ có thể tái chế được. Rồi lại thêm những người chuyên kết nối, phân phối các sản phẩm tái chế. Chúng tôi đang dần hình thành từng bước đi để cùng nhau thực hiện”, chị Hậu chia sẻ.

Fanpage "Cộng đồng tái chế" do chị Hậu lập hiện có 2.000 thành viên, các thành viên không chỉ chia sẻ với nhau về cách tái chế xà phòng mà còn chia sẻ nhiều ý tưởng tái chế khác.

Fanpage "Cộng đồng tái chế" do chị Hậu lập hiện có 2.000 thành viên, các thành viên không chỉ chia sẻ với nhau về cách tái chế xà phòng mà còn chia sẻ nhiều ý tưởng tái chế khác.

Cũng qua những hội, nhóm này, chị Hậu đã cùng phối hợp lập các “trạm vệ tinh tái chế” để lan tỏa hơn nữa chương trình “biến dầu ăn thừa thành xà phòng” của mình. Các “trạm vệ tinh tái chế” ở nhiều địa phương trên cả nước lần lượt hình thành. Những trạm vệ tinh này sẽ hoạt động với vai trò đồng hành cùng cộng đồng tại địa phương, vừa hướng dẫn mọi người tự tái chế dầu ăn thừa của mình và tham gia hỗ trợ tái chế cho những ai không có điều kiện tự tái chế. Trong các trạm vệ tinh tái chế, theo chị Hậu, có hai trạm hoạt động tích cực nhất là một trạm ở thành phố Đà Nẵng và một trạm ở TP Hồ Chí Minh.

Chị Hậu chia sẻ, tại thành phố Đà Nẵng, khi biết đến chương trình của chị, một phường đã liên hệ với nhóm của chị nhờ hướng dẫn cho bà con ở địa phương cách tái chế dầu ăn thừa và cũng nhờ tái chế dầu ăn thừa cho địa phương. Nhờ có “trạm vệ tinh tái chế” tại Đà Nẵng nên người dân địa phương tham gia chương trình thuận lợi hơn rất nhiều.

Mục đích của chị là muốn hạn chế dầu thừa, muốn mọi người ý thức được rằng không nên đổ thẳng dầu ăn thừa xuống cống, bởi tác hại rõ ràng nhất mà mọi người nhận thấy ngay được là làm tắc chính cống nước nhà mình, xa hơn là ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Khi biết tác hại của dầu ăn thừa thì mọi người có thể tìm các biện pháp xử lý. Ví dụ như dầu ăn cháy khét quá có thể tập hợp bán lại cho người tái chế thành xăng xe, nếu không thì tái chế thành xà phòng.

Chúng tôi không khuyến khích mọi người cứ mang thật nhiều dầu ăn thừa đến để chúng tôi tái chế, chỉ cần tập hợp lại đưa cho các nhóm tái chế là xong mà chúng tôi muốn mọi người tự làm để biết được rằng việc tái chế khó khăn, tốn kém như nào thì mọi người sẽ hạn chế dầu thừa ở gia đình mình trước.

Nếu có thừa ra thì tôi hướng dẫn mọi người tự tái chế và quan trọng là hướng dẫn cho mọi người công thức xà phòng không phải tái chế tức là có thể tắm gội, rửa mặt luôn để mọi người khỏi phải mua xà phòng ở bên ngoài.
- Chị Hậu chia sẻ -

“Tôi muốn mọi người cũng có tinh thần, có sự quan tâm hơn vào những sản phẩm không hóa chất, không chỉ đơn thuần là làm xà phòng tái chế. Tôi muốn thông qua việc đó có thể hướng mọi người quan tâm tới những sản phẩm an lành với sức khỏe và thân thiện với môi trường. Ở Hà Nội, tôi thấy tinh thần đó ngày càng cao, đặc biệt các bạn trẻ bây giờ cũng quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều lắm”, chị Hậu chia sẻ thêm.

Nói về dự định sắp tới, chị Hậu có ý tưởng khi tập hợp những người cùng làm về tái chế khác hay quan tâm đến môi trường để sản xuất ra những sản phẩm tái chế chất lượng để bán cho những đối tượng phù hợp và những nguồn thu từ hoạt động này sẽ trở lại phục vụ cho việc tái chế, trồng cây hay các hoạt động bảo vệ môi trường,…

“Tôi thực sự tự hào về những sản phẩm của người Việt Nam do người Việt Nam sản xuất và muốn những sản phẩm thực sự có chất lượng như vậy được nhiều người Việt Nam biết đến hơn. Sức tôi nhỏ, tôi cũng chưa làm được gì nhiều. Tôi cũng không phải là người duy nhất chế biến dầu ăn thành xà phòng. Có thể hiện tại các sản phẩm, chương trình của tôi thực hiện chưa được hoàn hảo nhưng tôi sẽ cố gắng bằng sức lực của mình để hoàn thiện hơn nữa", chị Hậu chia sẻ.

Chị Phạm Minh Hậu

Chị Phạm Minh Hậu

Sống ở đâu cũng vậy khi mình tự làm cho môi trường của mình đáng sống hơn những sản phẩm của mình có chất lượng hơn thì mình sẽ tự hào hơn.

Ngày xuất bản: 8/3/2022
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Tổ chức thực hiện: THẢO LÊ
Nội dung: VĂN TOẢN, THANH TRÀ, BÔNG MAI, NGỌC ANH
Trình bày: VĂN TOẢN, BÔNG MAI
Ảnh: Nhân vật cung cấp, VinFuture, UCSB, VinUniversity