Ký ức 50 năm Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom B-52:

"Hàng trăm người bệnh cần cứu chữa,
chúng tôi không thể sơ tán"

28 người tử nạn sau trận ném bom rạng sáng 22/12/1972 nhưng tôi quyết định không sơ tán bệnh viện về Ứng Hòa, Hà Tây. Tập thể nhân viên tiếp tục bám trụ vì còn hàng trăm bệnh nhân cần phải cứu chữa. Anh em hỏi: “Nếu Mỹ tiếp tục ném bom thì sao, anh không thực hiện Chỉ thị, không sợ bị kỷ luật à?”. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Doãn Đại đáp: “Nếu bị ném bom lần nữa thì có lẽ mình cũng chết trong đống đổ nát này, còn sống đâu mà sợ kỷ luật”.

Tháng 12/1972, Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá nặng nề, đổ nát, tang thương bao trùm bệnh viện khiến cho những người may mắn sống sót thời điểm đó không bao giờ quên. Giáo sư Đỗ Doãn Đại – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1969-1983) – năm nay đã 97 tuổi kể về giai đoạn khốc liệt đó vẫn vẹn nguyên từng chi tiết, nhớ tên từng con người.

“Rạng sáng 22/12, Bệnh viện Bạch Mai gần như bị hủy diệt”, Giáo sư Đỗ Doãn Đại mở đầu câu chuyện về ký ức của 50 năm trước trên căn gác nhỏ tại 34 Yết Kiêu. Suốt hơn 4 ngày máy bay quần nát bầu trời Hà Nội, những quả bom đã thả trúng cổng trước bệnh viện, cây cối chết rạp, nhà cửa đổ nát, điện tắt ngóm. Thời tiết miền bắc rét đậm, mưa phùn.

Nhà giáo sư Đại lúc đó ở ngay bên cạnh bệnh viện. Ông tất tả chạy sang, lao vào khu hậu cần. Nhà bếp ngổn ngang, nồi niêu xoong chảo đồ dùng bị phá hủy. Người phụ trách bếp ăn lúc đó là bác Xương hỏi Giáo sư Đại: “Bây giờ chúng ta phải làm gì?”. Giáo sư bình tĩnh nói: “Nhà bếp vẫn phải đỏ lửa, phải dọn dẹp hết cho tôi những chỗ đổ nát để có khoảng trống nấu 3-4 chảo cháo. Tôi sẽ ký giấy xuất đường để có cháo ăn với đường. Mấy chảo cháo sẽ giúp mọi người ấm lòng”.

Khoa Dược cũng ngập chìm trong đống bụi bặm, đổ nát, nhưng đây là nơi sản xuất huyết thanh để cứu bệnh nhân. Giáo sư chỉ đạo gấp: “Anh em dọn dẹp lại và tiếp tục sản xuất để có huyết thanh dùng. Nếu giặc còn ném bom thì ta vẫn phải cần có huyết thanh để cứu chữa nạn nhân”.  

Giáo sư Đỗ Doãn Đại chậm rãi kể về những tháng ngày tan hoang, đau thương tại Bệnh viện Bạch Mai.

Giáo sư Đỗ Doãn Đại chậm rãi kể về những tháng ngày tan hoang, đau thương tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hoang tàn nhất là khu phía trung tâm bệnh viện. Hơn một nửa bị bom đánh sập. Bom dội qua tầng 2 xuống tầng 1 và khoét sâu vào tầng hầm, lấp kín mọi lối ra vào. Các khu khoa Ngoại, khoa Sản, khoa Tai Mũi Họng đều bị bắn phá, mọi dụng cụ đều hư hỏng, vùi lấp. Nơi tổn thất và đau thương nhất là 2 khoa Nội tổng hợp và khoa Da liễu.

Sau ít phút bàng hoàng, Đội phó Đội tự vệ Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1947) công tác tại khoa Da liễu may mắn sống sót gào khóc chạy sang khu bị bom đánh sập tìm kiếm đồng đội. Mặc máy bay gầm rít trên bầu trời, họ lao vào tìm kiếm bệnh nhân trong đống đổ nát.

“Tiếng kêu gọi "Cha mẹ, anh em ơi! cứu con!" với đến xé lòng. Có khe hở nào là chúng tôi dùng búa xà beng đục bê tông, lấy chỗ cho nạn nhân thở. Một lỗ nhỏ phải thay nhau đục gần một ngày mới thông. Đau lòng nhất khi nghe thấy tiếng em Thúy sinh viên năm 3 thực tập kêu cứu: “Các anh chị ơi cứu chúng em với. Bác sĩ Kết chết rồi, chúng em đang mắc kẹt” - Chúng tôi không ai cầm được nước mắt, thay nhau đục đào cuốc đất, mệt uống nước, đói ăn mẩu bánh mì. 2 bàn tay phổng rộp lên. Được người nào chúng tôi đưa lên. Bệnh nhân cần phẫu thuật được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Y học cổ truyền ở Nguyễn Bỉnh Khiêm”, bà Cúc nghẹn ngào nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Đội phó Đội tự vệ, Bệnh viện Bạch Mai.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Đội phó Đội tự vệ, Bệnh viện Bạch Mai.

Vóc dáng nhỏ bé chưa tới 40 ký, nhưng bà Cúc xăm xăm cõng nạn nhân nặng gấp rưỡi trọng lượng cơ thể mình đưa vào cấp cứu ở tầng hầm chưa bị đánh sập. Là Bí thư chi đoàn khoa Da liễu, Ban Chấp hành đoàn của bệnh viện, rất thân thiết với các đồng nghiệp, bà Cúc nhiều lúc khóc đến ngất xỉu vì quá đau đớn. Những người bạn vừa mới tối qua còn nói chuyện, gửi gắm bao nhiêu ước vọng nay đã nằm dưới đống đổ nát.

 

Kỷ yếu của Bệnh viện Bạch Mai ghi lại:

"Sau nhiều cơ sở y tế ở các địa phương, Bệnh viện Bạch Mai, một trung tâm y tế và y học lớn nhất miền bắc trở thành mục tiêu tấn công của giặc Mỹ.

Trong ngày 19/12, đúng 12 giờ 5 phút, máy bay Mỹ đã ném 4 quả bom phá vào Bệnh viện Bạch Mai. Tiếp theo, đến ngày 21/12/1972, rồi từ 3 giờ 30 phút sáng đến 3 giờ 45 phút sáng ngày 22/12/1972 tại khu vực bệnh viện, giặc đã ném hơn 100 quả bom đủ các cỡ, có quả tới 2.000 bảng Anh, phá hủy phần lớn Trung tâm y tế lớn nhất này của Thủ đô, gây ra một tội ác hết sức man rợ".

Những tiếng la hét cầu khẩn được cứu lan khắp khu bị đánh phá ác liệt nhất là ở tầng hầm khu B, nơi nằm ngay dưới khoa Nội tổng hợp và khoa Da liễu. Giáo sư Đại lách người bò được vào đường hầm, gặp được nạn nhân đầu tiên là bác sĩ Nguyễn Thị Ninh bị khối bê tông chèn lên chân. Bác sĩ Ninh đau đớn dữ dội, Giáo sư Đại trấn an “Chúng tôi đang tìm cách để chuyển những khối bê tông đi, thế nào cũng cứu được chị”. Phía trong tầng hầm, có vài chục người bị mắc kẹt, thương tích nặng nề.

Theo ký ức của vị Giáo sư 97 tuổi, phía trong không ngừng la hét, gào khóc, phía ngoài cũng nước mắt lưng tròng. Có những chỗ không thể dùng máy móc để đào bới, các anh em bệnh viện dùng tay không để đào, bới, bê từng cục gạch, khối bê tông ra ngoài để nhanh chóng tiếp cận được vào trong.

Trong 5 ngày 4 đêm ấy, những đau thương cứ thế ập tới dồn dập khiến những người cứng rắn nhất cũng đau xé tâm can. Nữ bác sĩ trẻ mới ra trường Đinh Thị Thúy lúc cứu ra người còn thoi thóp gọi “Thầy Đại ơi” nhưng rồi lịm đi trong hôn mê và ra đi.

“Hình ảnh 3 cô y tá Đặng Thị Hồng Liên, Trần Thị Tuyết và Đỗ Thị Ngọc Thạch (khoa Da liễu) lúc tìm thấy trong tình trạng 3 thi thể ôm chặt lấy nhau khiến chúng tôi nghẹn ngào. Muốn tách họ ra, chúng tôi phải dùng dây thừng buộc vào từng người kéo dần rời nhau ra, không còn cách nào khác”, Giáo sư nấc nghẹn.

Nhưng đau đớn tâm can nhất là hình ảnh bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hương bị nằm kẹt dưới tảng bê tông rất to chắn lối ra vào. Không thể nào vòng sâu hơn nữa để mở đường vào cứu người khác, Giáo sư Đại quyết định cho anh em tháo rời khớp thi hài ra mang ra ngoài. “Một quyết định đau lòng nhưng phải gạt nước mắt thực hiện. Chỉ có mỗi cách đó mới kéo được tảng bê tông và có lối vào sâu bên trong”, Giáo sư đau xót nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc nhớ như in khoảnh khắc đó. Từng phần thi thể của bà Kim Hương được quấn bọc cẩn thận, đưa về hành lang khoa Thận để sinh viên Y6 khâu cho nguyên vẹn hình hài.

Bà Cúc nghẹn ngào khi kể lại hành trình tìm các đồng nghiệp.

Bà Cúc nghẹn ngào khi kể lại hành trình tìm các đồng nghiệp.

Những nữ y, bác sĩ trẻ tuổi đời phơi phới, người còn đang chờ tới ngày hôn lễ, người vừa kết hôn được vài tháng cũng đã chôn vùi thanh xuân sau trận bom ác liệt.

Đau thương nhất là có 3 cô y tá Nguyễn Thị Khuyến, Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Thị Thạch vừa gửi thiếp mời đám cưới sau ngày Noel. Trên tay các cô vẫn còn cầm những ống nghe và đo nhiệt độ chăm sóc cho bệnh nhân. Chúng tôi òa lên khóc khi thấy chị Trần Thị Duyên đang mang thai con 3 tháng tuổi không còn nữa.

Chị Mai Thị Tuyết là thợ điện, chồng đi B để lại 3 đứa con, mẹ già ở nhà nhưng đã bị điện giật không qua khỏi khi làm nhiệm vụ khẩn cấp kéo lại đường dây điện ngay trong đêm. Bác sĩ Nguyễn Thị Giỏi – giáo viên Trường Đại học Y vừa tổ chức đám cưới đã mãi mãi không gặp lại chồng khi anh chỉ còn 1 tuần nữa vào nam chiến đấu”, bà Cúc gạt nước mắt.

(Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Ông Đỗ Xuân Nhị (sinh năm 1942, xã Hoàng Xuyên, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm bảo vệ ở cổng trước may mắn chạy kịp xuống hầm trú ẩn không nguôi ngoai được khi chứng kiến nỗi đau chia lìa của bố con y tá ông Nguyễn Loan.

Khi đó, con gái ông là y tá Nguyễn Liên bị kẹt dưới tầng hầm, không ngừng kêu than “Bố ơi, bố cứu con với!”. Tiếng gọi cứ thưa dần xong lịm đi. Trên đống đổ nát, ông bố bất lực than khóc. Lúc tiếp cận được y tá Nguyễn Liên, cơ thể vẫn còn ấm. “Mọi người chủ yếu bị chết ngạt”, ông Nhị nghẹn lời.

Ông Đỗ Xuân Nhi, nguyên là bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Đỗ Xuân Nhi, nguyên là bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai.

Lãnh đạo Quận ủy Đống Đa dẫn đầu đoàn cứu trợ hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai trong suốt 5 ngày tìm kiếm cho tới khi Khâm Thiên bị tàn phá nặng nề họ mới rời đi. Gần 5 ngày sau (27/12), người cuối cùng mới được đưa lên khỏi hầm là nhân viên đánh máy ở khoa Da liễu Vũ Thị Thảo và bảo vệ Đào Văn Trạc. Ở hầm C3, hai em sinh viên thực tập và bác sĩ Tuyết được đưa ra sau cùng, thi thể nhiều ngày bị ngập nước. 3-4 năm sau, khi xây dựng lại bệnh viện không tìm thấy di hài của người nào, bấy giờ anh em mới thực sự nguôi ngoai vì mình đã cứu không để sót ai.

Trận bom hủy diệt kinh hoàng ấy, giặc Mỹ đã cướp đi sinh mạng 28 người, trong đó có 1 bệnh nhân và 27 nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai. Cuộc giải cứu ấy, cũng có hơn 30 người được cứu sống, trong đó có những người đầu ngành như Giáo sư Lê Kinh Duệ, bác sĩ Ngô Thị Ninh…

Ngay sau đêm Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom, sáng sớm ngày 23/12/1972, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Duy Hương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Văn Hưởng, nhiều phái đoàn quốc tế, Đại sức các nước, các nhà báo đã đến thăm bệnh viện và chia sẻ nỗi đau thương lớn lao mà bệnh viện đã chịu đựng.

Ông Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đoàn Chính phủ Algieria sang thăm bệnh viện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đoàn Chính phủ Angieri sang thăm bệnh viện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phó Thủ tướng thường trực Tố Hữu chỉ đạo: “Các anh phải ra đi, không ở lại được. Nó còn ném bom nữa”. Trước chỉ thị như vậy, Giáo sư Đỗ Doãn Đại có họp Đảng ủy bệnh viện và thống nhất: “Bệnh viện tuy bị tàn phá nặng nề, tổn thất lớn, nhưng vẫn có nạn nhân cần đến cấp cứu. Bởi vậy, các anh em vẫn cứ tiếp tục chữa bệnh, cứu chữa và chuyển nạn nhân vào trong khu sơ tán”.

Đau thương bao trùm bệnh viện, nhưng mọi người đều khẩn trương khôi phục lại từ đống đổ nát. Bệnh viện đã không ngừng hoạt động một ngày nào...

Giáo sư Đỗ Doãn Đại hứa quyết tâm cùng đội ngũ nhân viên bám trụ tại bệnh viện để cứu chữa người bệnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giáo sư Đỗ Doãn Đại hứa quyết tâm cùng đội ngũ nhân viên bám trụ tại bệnh viện để cứu chữa người bệnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Quyết định ở lại của Giáo sư Đỗ Doãn Đại rất chóng vánh. Khi ấy, bệnh viện tan hoang, các trang thiết bị bị tàn phá, đồ đạc văng khắp nơi, hơn 300 bệnh nhân vẫn cần phải chữa bệnh. Những bác sĩ thân cận ủng hộ Giám đốc bệnh viện: “Anh Đại là giám đốc, là một người tử tế, hết sức, toàn tâm, toàn ý phục vụ bệnh nhân. Anh ấy là thần tượng của chúng tôi. Nếu là một giám đốc bình thường, có lẽ chúng tôi cũng ừ ào rồi chuồn chứ không ở lại. Nhưng có lệnh của anh Đại, chúng tôi làm đến nơi đến chốn và đã làm thì việc giải phóng được hầm và cứu được thêm rất nhiều người”.

Giáo sư Đại xúc động nhớ lại cảm giác trái ngược khi đó. Mỗi khi cán bộ rời bệnh viện về nhà, ông mừng vì nếu Mỹ có tiếp tục ném bom thì họ sẽ được giải thoát. Người ở lại cũng khiến ông mừng vui vì có thêm một người chung vai sát cánh với ông, càng khiến ông yên lòng, vững vàng hơn.

Sự kiện Mỹ ném bom xuống Bệnh viện Bạch Mai làm rung chuyển cả thế giới lúc đó. Phong trào biểu tình phản đối Mỹ, ủng hộ Việt Nam diễn ra khắp nơi. Năm 1972, Thủ tướng Thụy Điển Olop Palmer đã tình nguyện xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, đồng thời vận động nhân dân Thụy Điển hãy cùng với chính phủ Thụy Điển quyên góp tiền của để giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng lại Bệnh viện Bạch Mai.

Toàn hệ thống bệnh viện phía nam như Bệnh viện Chợ Rẫy đã điện động viên và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai.

Giáo sư Đại kể về những ngày tháng đau thương tại Bệnh viện Bạch Mai.

Giáo sư Đại kể về những ngày tháng đau thương tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thi thoảng ông lấy tay lau nước mắt vì nhớ lại những ngày tháng khốc liệt.

Thi thoảng ông lấy tay lau nước mắt vì nhớ lại những ngày tháng khốc liệt.

Ông giở lại những kỷ niệm được lưu trữ trong album.

Ông giở lại những kỷ niệm được lưu trữ trong album.

Giáo sư Đỗ Doãn Đại cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quốc vương Campuchia Norodom Shianouk thăm bệnh viện sau trận bom tàn phá.

Giáo sư Đỗ Doãn Đại cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quốc vương Campuchia Norodom Shianouk thăm bệnh viện sau trận bom tàn phá.

Vụ ném bom tại Bệnh viện Bạch Mai nhận được sự quan tâm của nhiều phóng viên thế giới.

Vụ ném bom tại Bệnh viện Bạch Mai nhận được sự quan tâm của nhiều phóng viên thế giới.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe Giáo sư Đỗ Doãn Đại báo cáo kế hoạch xây dựng bệnh viện.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe Giáo sư Đỗ Doãn Đại báo cáo kế hoạch xây dựng bệnh viện.

Item 1 of 3

Giáo sư Đỗ Doãn Đại cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quốc vương Campuchia Norodom Shianouk thăm bệnh viện sau trận bom tàn phá.

Giáo sư Đỗ Doãn Đại cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quốc vương Campuchia Norodom Shianouk thăm bệnh viện sau trận bom tàn phá.

Vụ ném bom tại Bệnh viện Bạch Mai nhận được sự quan tâm của nhiều phóng viên thế giới.

Vụ ném bom tại Bệnh viện Bạch Mai nhận được sự quan tâm của nhiều phóng viên thế giới.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe Giáo sư Đỗ Doãn Đại báo cáo kế hoạch xây dựng bệnh viện.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe Giáo sư Đỗ Doãn Đại báo cáo kế hoạch xây dựng bệnh viện.

Tuy rất đau thương, vất vả nhưng thấy những chiến công của quân và dân ta bắn rơi máy bay B-52 của địch làm anh em bệnh viện hết sức phấn khởi. Chúng tôi có thêm động lực ra sức dọn dẹp, sớm bình ổn lại cơ sở vật chất để có thể tiếp tục cứu chữa các nạn nhân. Sau này hòa bình lập lại, việc sửa chữa được tiến hành khẩn trương. Những tòa nhà bị bom tàn phá được xây dựng lại. Năm 1975-1976, bệnh viện được sửa chữa về cơ bản.
Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Hằng năm, cứ ngày 22/12, các cán bộ công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đều tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh. 50 năm trôi qua, Giáo sư Đỗ Doãn Đại đã không còn đủ sức để vào bệnh viện thắp nén nhang cho các đồng nghiệp của mình, nhưng trong tâm khảm của ông, nỗi đau thương và tưởng nhớ chưa bao giờ nguôi ngoai. 

Giáo sư Đỗ Doãn Đại tự hào khi nhìn thấy Bệnh viện Bạch Mai ngày nay trưởng thành và phát triển về mọi mặt, được thấy những em học trò lít nhít xưa kia theo bố mẹ trực chiến trong bệnh viện cũng đã chọn theo nghề y, nối tiếp truyền thống của cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai.

Các khoa bị tàn phá nặng nề nhất là khoa Phụ sản và Da liễu, Nội tổng hợp nay đã phát triển thành rất nhiều khoa chuyên môn như Hô hấp, Thận, Cấp cứu. Hoạt động của bệnh viện cũng luôn xây dựng được uy tín và được sự tín nhiệm của nhân dân.

Khoa Da liễu ngày xưa – nơi bị bom khoét sâu nhất chính là nơi đặt Tượng đài bây giờ tại cổng trước Bệnh viện Bạch Mai, sát bên hông Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Trước đây khi còn sức khỏe, cứ đến ngày này, những nhân chứng lịch sử khi ấy lại viết thư cho nhau, hẹn nhau tập trung về Bệnh viện Bạch Mai thắp nén hương cho các đồng đội đã hy sinh.

Năm nay, chỉ còn vài người khỏe mạnh ở Hà Nội như bà Cúc, ông Nhị… còn liên lạc, gặp gỡ và hẹn nhau trở về…

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thắp hương tưởng nhớ các cán bộ nhân viên y tế bệnh viện đã hy sinh trong trận bom năm 1972.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thắp hương tưởng nhớ các cán bộ nhân viên y tế bệnh viện đã hy sinh trong trận bom năm 1972.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Item 1 of 3

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thắp hương tưởng nhớ các cán bộ nhân viên y tế bệnh viện đã hy sinh trong trận bom năm 1972.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thắp hương tưởng nhớ các cán bộ nhân viên y tế bệnh viện đã hy sinh trong trận bom năm 1972.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tụ hội về trước Tượng đài thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh.

Ngày xuất bản: 18/12/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - HỒNG VÂN
Nội dung: THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM, NHÂN VẬT CUNG CẤP, BỆNH VIỆN BẠCH MAI
Video: THIÊN LAM
Trình bày: THIÊN LAM