Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam thường được làm theo lối truyền thống, nhiều khi kiểu dáng đơn giản, còn khá sơ sài. Chính vì thế, ở nhiều nơi, người làm hàng thủ công mỹ nghệ mong muốn kết hợp với các họa sĩ thiết kế, để tạo ra được những sản phẩm bắt mắt, hấp dẫn người tiêu dùng hơn.

Từ những sản phẩm tốt nhưng thô sơ

Các mặt hàng mây tre đan được thiết kế tinh tế và giá bán cũng rất cao tại Phú Vinh.

Các mặt hàng mây tre đan được thiết kế tinh tế và giá bán cũng rất cao tại Phú Vinh.

Xóm Sưng, thuộc xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, Hòa Bình là nơi sinh sống của 75 hộ dân tộc Dao. Được hỗ trợ đào tạo, tập huấn làm du lịch cộng đồng, xóm đã đón được cả khách du lịch trong nước và quốc tế khá thành thạo. Có du khách đồng nghĩa với việc một số dịch vụ của người dân trong xóm được mở ra thêm, như nấu ăn, cung cấp thực phẩm, xe ôm, hướng dẫn… Nhưng điều quan trọng hơn cả, là nghề dệt thổ cẩm thủ công của người Dao ở đây được khôi phục, lập thành đội, tổ, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.

Các sản phẩm thổ cẩm dệt tay của người Dao Tiền ở xóm Sưng rất đẹp về hoa văn, chi tiết nhưng thiếu khâu thiết kế.

Các sản phẩm thổ cẩm dệt tay của người Dao Tiền ở xóm Sưng rất đẹp về hoa văn, chi tiết nhưng thiếu khâu thiết kế.

Sản phẩm thủ công ở đây được tạo ra hoàn toàn từ nguyên vật liệu tự nhiên. Bà con sử dụng sáp ong để vẽ, thêu, nhuộm, màu từ chàm, cùng các loại lá hoặc nguyên liệu tự nhiên. Các họa tiết, hoa văn trên các sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Dao Tiền, từ lịch sử cho đến những câu chuyện gắn bó với các tập tục văn hóa, nguồn cội, đời sống tâm linh.

Các chị, các bà trong tổ sản xuất thổ cẩm xóm Sưng đang hoàn thiện những khâu cuối cùng của sản phẩm.

Các chị, các bà trong tổ sản xuất thổ cẩm xóm Sưng đang hoàn thiện những khâu cuối cùng của sản phẩm.

Tuy nhiên, vì là sản phẩm do người dân tự làm, cho nên ngoài các chi tiết trang trí, hoa văn được thêu, nhuộm cầu kỳ tinh xảo, thì kiểu dáng sản phẩm còn khá đơn giản. Các sản phẩm túi, ví, khăn được làm dựa trên kinh nghiệm thực tế của người dân, chưa hề có bàn tay của thiết kế. Chính vì thế, độ bắt mắt và tiện dụng của sản phẩm không cao, mặc dù mang đầy đủ các yếu tố chất lượng và đặc trưng văn hóa bản địa.

Cũng là dệt thổ cẩm, làng dệt thổ cẩm Zara (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) lại có sự tham gia của họa sĩ thiết kế từ rất sớm, cho nên sản phẩm hiện đại, có tính ứng dụng cao, giá bán cũng cao hơn nhiều và đã được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản.

Ở làng dệt Zara, thổ cẩm được sản xuất tập trung. Thợ dệt trong làng đều tập trung tại một nhà, làm theo từng công đoạn, từ dệt vài, tra cườm, may sản phẩm…

Cũng như ở xóm Sưng, thổ cẩm ở đây được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ khâu trồng cây nguyên liệu như bông, gai, đay, se sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến may thành sản phẩm.

Thổ cẩm Zara độc đáo ở chỗ hạt cườm được đính vào sợi vải ngay từ khâu dệt vải. Và khung dệt của người Cơ Tu ở Zara cực kỳ đơn giản, chỉ là hai thanh tre ghép lại, không ghế ngồi, không bàn đạp.

Các sản phẩm của làng dệt Zara đều do họa sĩ thiết kế, đặt hàng từ kiểu dáng, màu sắc đến chủng loại. Có bàn tay thiết kế họa sĩ, sản phẩm thổ cẩm Zara bên cạnh hoa văn, họa tiết tinh xảo, độc đáo, còn mang kiểu dáng hiện đại, tiện dụng, phù hợp với phong cách của giới trẻ, khá gần gũi với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, những chiếc túi thổ cẩm với nhiều tiện ích được người tiêu dùng quan tâm.

Nghề dệt thổ cẩm ở Tà Bhing được khôi phục lại từ năm 2003 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. HTX Dệt thổ cẩm Zara được thành lập năm 2011 với 20 thành viên là phụ nữ địa phương. Làng dệt thổ cẩm Zara được quy hoạch xây dựng khá bài bản do sự tài trợ kinh phí của Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Quốc tế của Nhật Bản (FIDR).

Hiện nay, sản phẩm Túi A DHir (vải, túi xách, thổ cẩm) do HTX Dệt thổ cẩm Zara sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Khi có bàn tay thiết kế chuyên nghiệp

Ở làng nghề sừng Thụy Ứng, huyện Thường Tín, Hà Nội, ai cũng biết doanh nghiệp Hahanco của Giám đốc Vũ Thanh Liêm là một trong những cơ sở hiếm hoi ký hợp đồng chế tác đồ trang sức với thương hiệu nổi tiếng Hermes. Với nguyên liệu sừng trâu nhập khẩu từ châu Phi, thiết kế của Hermes, những sản phẩm sừng quen thuộc như được lột xác, mang một dáng vẻ hoàn toàn khác, sang trọng, đẳng cấp.

Sản phẩm sừng Thụy Ứng được bán với giá rất cao trên trang ebay.

Sản phẩm sừng Thụy Ứng được bán với giá rất cao trên trang ebay.

Những sản phẩm trang sức từ sừng của Việt Nam do Hermes đặt hàng chế tác theo thiết kế của Hãng hiện đang được bán khá nhiều trên trang ebay, với giá tiền tính ra khoảng trên dưới 10 triệu đồng Việt Nam.

Cũng là hàng chế tác theo đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản, những chiếc lược sừng được tạo dáng thanh mảnh, mềm mại. Lược có dáng ngắn, dài, tròn, răng thưa, răng to, răng mau…

Lược sừng xuất khẩu sang Nhật Bản, làm theo thiết kế của đối tác.

Lược sừng xuất khẩu sang Nhật Bản, làm theo thiết kế của đối tác.

Mỗi loại lược lại phục vụ cho những nhu cầu sử dụng khác nhau, như lược chải tóc dày, tóc mỏng, tóc uốn xoăn, lược massage da đầu, lược gỡ rối, lược gội đầu…

Mỗi chiếc lược như vậy có giá vài trăm nghìn cho đến cả triệu đồng. Trong khi lược bán cho thị trường trong nước chỉ một kiểu, và giá chỉ khoảng vài chục nghìn đồng.

Các sản phẩm theo thiêt kế của làng mây tre đan Phú Vinh.

Các sản phẩm theo thiêt kế của làng mây tre đan Phú Vinh.

Ở làng mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), một làng nghề thủ công mỹ nghệ khác của Hà Nội, nhiều cơ sở sản xuất cũng đang chế tác sản phẩm theo đơn đặt hàng và thiết kế của nước ngoài. Doanh nghiệp mây tre đan Việt Quang của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh hiện đang làm nhiều loại giỏ, hộp, chao đèn, chụp đèn, bình, lọ… bằng mây tre đan theo thiết kế của khách hàng Nhật Bản, trị giá hàng nghìn USD.

Cả làng sừng Thụy Ứng và làng mây tre đan Phú Vinh hiện nay đều có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP của Hà Nội.

Điều đó cho thấy, khả năng chế tác những món đồ tinh xảo của người thợ thủ công Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thương hiệu lớn trên thế giới. Cái thiếu ở đây là những họa sĩ thiết kế có thể đem đến một diện mạo mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Mặc dù có nhiều cơ sở đào tạo về chuyên ngành thiết kế sản phẩm, nhưng thực tế cho thấy, sinh viên hiện nay mới chỉ quan tâm đến mảng thiết kế các sản phẩm công nghiệp, hiện đại. Chưa có nhiều sinh viên để tâm nghiên cứu và theo đuổi mảng thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Một sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua bàn tay thiết kế của họa sĩ thiết kế chuyên nghiệp đã cho thấy sự lột xác rất nhiều. Sản phẩm muốn đi xa, muốn thâm nhập các thị trường quốc tế khó tính, ngoài chất lượng và đáp ứng được những yêu cầu của thị trường đó, cũng phải có vẻ ngoài bắt mắt, tinh tế.

Các thợ thủ công làm các loại giỏ mây, chao đèn theo thiết kế ở Phú Vinh.

Các thợ thủ công làm các loại giỏ mây, chao đèn theo thiết kế ở Phú Vinh.

Thợ thủ công của của các làng nghề, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không thiếu người giỏi, có thể xử lý những mẫu mã khó nhất, tinh xảo nhất, nhưng lại chưa thể cho ra những sản phẩm đỉnh cao khi phải tự mò mẫm thiết kế. Thiết kế đẹp mang lại sức cạnh tranh ổn định cho sản phẩm.

Đây là điều mà các doanh nghiệp, địa phương có sản phẩm OCOP về thủ công mỹ nghệ phải lưu ý tới, và có lẽ cũng cần những chính sách khuyến khích đào tạo và thu hút nhân lực chuyên ngành thiết kế cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Ngày xuất bản: 22/12/2023
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Tuyết Loan
Ảnh: Tuyết Loan, Hà Nam
Trình bày: Dương Dương