Clip cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Clip cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Phạm Ngọc Trương
Cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô

Bài viết đăng tại

Sách "Trung đoàn Thủ đô anh hùng - Ngày về vinh quang", Nhà xuất bản Hà Nội, 2014.

Ngày ra đi 17/2/1947
...

Ba ngày sau trận Đồng Xuân ác liệt, mặt trận Cầu Gỗ - Hàng Đào do Đại đội 14 - tiểu đoàn 103 - tiểu khu Đông Kinh Nghĩa Thục trấn giữ có vẻ yên tĩnh. Chỉ thỉnh thoảng một tràng 12 ly 7 của Pháp từ cửa sổ trên gác hiệu kem Hồng Vân bắn dọc phố Cầu Gỗ khi có những tiếng động trong đoạn hào giao thông chạy ngang đường phố.

Trung đội nhận lệnh của cấp trên: Tuyệt đối không được chủ quan! Phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể bất kỳ lúc nào đánh lui một trận tiến công của cơ giới Pháp từ chợ Đồng Xuân tiến dọc các phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào hòng cắt đôi Liên khu I - Hà Nội, cách ly tiểu khu Đông Thành ra khỏi hai tiểu khu Đồng Xuân và Đông Kinh để chúng tiến tới tiêu diệt toàn bộ Trung đoàn Thủ Đô.

Phù hiệu và băng đeo tay các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Phù hiệu và băng đeo tay các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Tranh thủ tình hình còn yên tĩnh, Trung đội cử hai người lên quân y viện Hàng Buồm thăm anh Hoàng Xuyến Hồng bị trúng mảnh đạn trong trận chặn đánh xe tăng Pháp từ Bờ Hồ định tiến vào Cầu Gỗ và trung đội phó Nguyễn Xuân Thái bị thương trong trận chiếm lại nhà Xôva hôm mùng 2 Tết năm Đinh Hợi. Tất cả những người còn lại tập trung đi củng cố công sự, chiến lũy, chuẩn bị cho trận đánh sắp tới.

Công việc tiến hành khẩn trương hầu như không nghỉ nhưng đến xế chiều bỗng có lệnh tạm ngừng. Lệnh trên ban xuống các chiến sĩ phải chuẩn bị sẵn sàng có thể hành quân chiến đấu bất kỳ lúc nào. Mỗi người được phát một băng tay vàng có 4 chữ TĐTĐ đỏ và một tấm lắc bằng đồng to khoảng nửa bàn tay, dập hình Tháp Rùa trong ngọn lửa đính vào một đoạn băng đỏ cài lên vai áo để làm ám hiệu nhận nhau khi hành quân đêm. Ngoài ra, còn phải ghi nhớ khẩu hiệu khi gặp nhau: Hỏi: Trung, trả lời: Thủ. Đoàn biết sắp có cuộc chuyển quân lớn, tôi chỉ kịp xin phép 15 phút lao qua các lỗ đục tường, chạy về nhà mình, leo lên gác mở ngăn kéo lấy vội tấm ảnh mẹ thân yêu mới từ trần, cất vào túi rồi trở lại đơn vị.

Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

8 giờ tối, cả trung đội được lệnh tập hợp, tuyệt đối bí mật im lặng rút qua các lỗ thông tường, các hào giao thông, đến ngõ Phất Lộc rồi từng người một, băng qua đường bên cột Đồng Hồ, vượt qua đê, men theo các ruộng ngô, qua gầm cầu Long Biên, bãi Nghĩa Dũng, lên Nhật Tân.

Mỗi khi trên cầu xe bọc thép Pháp chạy tuần tra những người đến gần ánh đèn lại phải cúi người bất động cho đến khi xe giặc chạy qua mới tiếp tục đi. Lần đầu tiên trong đời phải đeo ba lô nặng, đi bộ liên tục nên tôi thấy khá mệt, lên đến Tứ Tổng, ngồi trên bãi cát chờ đò của nhân dân chở qua sông, tôi mới tạm hồi lại sức, nhìn lại quang cảnh thành phố. Trong đêm mưa phùn gió bấc, sương mù dày đặc, quầng sáng đèn Hà Nội hiện ra mờ mờ, lung linh, thỉnh thoảng lại bùng lên một cột lửa của các tổ nghi binh được cài lại, đánh lạc hướng của địch khỏi cuộc “rút lui thần kỳ” của Trung đoàn.

Bước lên đò vượt sông Hồng cùng đồng đội, tôi bất giác nhắc lại lời đã hứa với nhau trước khi rời ngõ Phất Lộc: “Chúng ta nhất định sẽ trở về!”.

Tôi chưa bao giờ quên cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến của chàng học sinh ngày đó chưa đầy 18 tuổi, lần đầu tiên xa rời nơi chôn nhau cắt rốn, ra đi với niềm tự hào của người thanh niên Hà Nội được đeo trên vai biểu tượng Tháp Rùa trong khói lửa, đứng trong đội ngũ các chiến sĩ Quyết Tử Quân Thủ Đô. Với những cảm xúc đó, bước lên đò vượt sông Hồng cùng đồng đội, tôi bất giác nhắc lại lời đã hứa với nhau trước khi rời ngõ Phất Lộc: “Chúng ta nhất định sẽ trở về!”. Một lần nữa, lời hứa đó được chúng tôi truyền miệng nhau, khắc sâu trong tim.

...

và ngày về 10/10/1954

Một đêm không ngủ sau khi bỏ lại nơi đóng quân ở Bình Đà từ tấm bạt, vải dù, thắt lưng đến chiếc ba lô, áo blouson của Mỹ trang bị cho quân Pháp mà ta thu được ở Điện Biên Phủ, mỗi người chúng tôi rạng rỡ trong bộ trang phục mới nghiêm chỉnh với quân hiệu bằng kim loại cài trên chiếc mũ bọc vải có quàng lưới bên ngoài. Chiếc mũ này đã theo tôi suốt nhiều năm dài qua các chiến dịch lớn, từ Thu đông 1947, Sông Thao, Phố Lu, Biên giới, Ninh Bình, Tây Bắc và sau cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Vào thời điểm này, tôi được điều động lên đoàn văn công của Đại đoàn 308 và vinh dự thật bất ngờ: có mặt trong đội hình hành quân vào tiếp quản Thủ đô.

Rời Bình Đà, đoàn văn công chúng tôi tiến về Mọc Chính Kinh để sáng mùng 10 cùng đoàn quân thực hiện lời hứa trở về trong “đêm ra đi đất trời bốc lửa" (thơ Chính Hữu).

Tập hợp từ sáng sớm, chúng tôi hành quân bộ qua Ngã Tư Sở, rẽ sang đường Tàu bay vào sân bay Bạch Mai - nơi Bộ Chỉ huy Đại đoàn vừa di chuyển tới. Tại đây, đội ca múa nhạc do tôi phụ trách được bố trí lên hai xe Môlôtôva, đàn hát vang lừng, tiến chầm chậm giữa hai hàng bộ binh trong rừng cờ, hoa và tiếng hoan hô của người Hà Nội ăn mặc đẹp tràn ngập hai bên đường phố, từ chợ Mơ, dọc theo đường Bạch Mai, đến gần chợ Hôm, tôi bắt đầu định thần nhận ra một số khuôn mặt quen thuộc. Bên đường là nhạc sĩ Tu Mi kéo đàn accordion ca hát cùng các em học sinh, rồi nhạc sĩ Nguyễn Quỳ với cây đàn ghi ta - người từng học trên tôi mấy lớp hồi ở trường Bưởi.

Trước khung cảnh đường phố Huế thật gần gũi, tôi bắt đầu hồi hộp sắp tới Hồ Gươm! Không biết nước Hồ Gươm có còn xanh như xưa! Và khi trước mặt tôi Tháp Rùa hiện ra trên mặt nước hồ vẫn một màu xanh biếc, tôi lại thấy tim đập mạnh. Đã đến gần rạp chiếu bóng Philharmonique (sau này là rạp Hòa Bình) mà từ đây, qua đoạn phố Hoàn Kiếm ngắn chưa đầy 50m, có thể nhìn thấy ngôi nhà nơi tôi đã ra đời, lớn lên và cũng là nơi anh bạn cùng tiểu đội Hoàng Xuyên Hồng đã đổ máu trong trận đánh xe tăng giặc.

Rồi giây phút nóng lòng mong đợi cũng đến rất nhanh. Tay vẫn kéo accordion, miệng vẫn cùng anh chị em hát Tiến về Hà Nội, nhưng lại luôn hướng nhìn vào ngôi nhà thân thương số 30 Cầu Gỗ và thấy rõ bố tôi đầu tóc bạc phơ đang đứng vẫy tay chào đón quân về trong khung cửa sổ bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên ban công nhà. Trong tiếng hoan hô từ đường phố vang lên, tôi chợt cảm thấy như có tiếng gọi tên mình vang vang và theo mãi đến tận đầu Hàng Đào.

Ảnh cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh cắt từ phim tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Mãi sau khi được nghỉ phép về thăm nhà, tôi mới biết, khi đó, hai cô em gái ngày tôi ra đi còn là đội viên nhi đồng, nay đã là học sinh Trưng Vương cùng các bạn đi đón chiến sĩ Thủ đô đã nhận ra anh mình mà không biết tôi đang phải tập trung chấp hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ được cấp trên giao, trong bất kỳ tình huống nào, dù là dân ùa ra chào đón hay là địch phá hoại cũng phải giữ vững hàng ngũ, không được chậm bước tiến, không được để đứt quãng lời ca tiếng hát.

Qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân đến Cửa Bắc, vào thành Hà Nội rồi tập trung tại sân vận động Cột Cờ. Vừa tới nơi, tôi nhận được lệnh đưa hai xe ca múa nhạc ra đón tiếp và nhận hoa của đồng bào kéo đến ngày càng đồng chào đón quân về. Trong tiếng đàn hát rộn ràng, nhân dân tay bắt mặt mừng trao tặng những bó hoa tươi thắm, rực rỡ đủ màu sắc...

Bỗng sau lưng có tiếng gọi, tôi giật mình quay lại, một chàng thanh niên tươi cười hớn hở leo lên thành xe dồn dập hỏi: “Tôi là Ma Lem đây. Anh còn nhớ tôi không? Nhà anh vẫn ở đó. Anh có nhắn gì không?” Thì ra là anh bạn gần nhà, chơi với nhau từ nhỏ, vì hay nghịch đất nên có tên là “Ma Lem”. Tôi chỉ kịp đáp: “Nhờ anh nói giúp, tôi đã về, vẫn mạnh khỏe”, thì có lệnh vào tập trung chuẩn bị chào cờ.

Đúng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn vang lên một hồi dài, Quân nhạc cử Quốc ca. Tiếng Tư lệnh Vương Thừa Vũ đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô vang vọng.

Là một người Hà Nội được chiến đấu trong hàng ngũ Trung đoàn Thủ Đô, thực hiện cuộc rút lui thần kỳ vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi 8 năm sau lại được có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô, với tôi đó là những thời khắc hào hùng nhất trong đời mình.

Đêm hôm đó, về đóng quân tại trại Bảo An Binh cũ trước rạp chiếu bóng Majestic (nay là rạp Tháng Tám) những lời ân cần, tha thiết trong lá thư của Bác vẫn vang lên trong mỗi người chúng tôi.

Nhớ lại lời Bác trong ngày trở về Thủ đô cũng không thể quên lời biểu dương Trung đoàn Thủ Đô của Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp tại cuộc mít-tinh mừng chiến thắng ở làng Thượng Hội ngày 25 tháng 2 năm 1947 với lời thề “Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù”.

Là một người Hà Nội được chiến đấu trong hàng ngũ Trung đoàn Thủ Đô, thực hiện cuộc rút lui thần kỳ vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi 8 năm sau lại được có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô, với tôi đó là những thời khắc hào hùng nhất trong đời mình.

Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh và video: TTXVN, Bảo tàng lịch sử quốc gia