Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của chế độ mới. Chính quyền nhân dân vừa thành lập đã đứng trước những thử thách nghiêm trọng.

Núp dưới danh nghĩa Đồng minh có nhiệm vụ tước vũ khí của quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương, đế quốc Anh và bọn phản động Tưởng Giới Thạch kéo vào Việt Nam hòng bóp chết chế độ dân chủ nhân dân ngay từ khi còn trứng nước. Các tập đoàn đế quốc xâm lược đều muốn nắm lấy Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng Việt Nam để thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.

Cuộc đấu tranh giữa ta và địch ở Hà Nội có ảnh hưởng quyết định đến sự mất còn của chính quyền nhân dân, của chế độ mới.

60 ngày đêm chiến đấu (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) trong lòng Hà Nội là bản hùng ca mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quả cảm đã lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội thân yêu với lực lượng, vũ khí và trang bị rất chênh lệch so với kẻ thù.

Thực dân Pháp ngoan cố đeo đuổi âm mưu xâm lược nước ta

Từ cuối tháng 8-1945, 20 vạn quân Tưởng gồm 4 quân đoàn dưới quyền chỉ huy của Lư Hán, chia làm 5 mũi tràn vào miền bắc, chiếm đóng hầu hết các thành phố, thị xã.

Đầu tháng 9/1945, quân Anh đổ bộ vào Sài Gòn đã tích cực giúp đỡ thực dân Pháp đưa quân vào miền nam.

Ngày 23/9/1945, được quân Anh che chở, quân Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn rồi sau đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Ngày 28/2/1946, Tưởng Giới Thạch ký với thực dân Pháp một hiệp ước cho quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng, tạo điều kiện cho thực dân Pháp đưa quân ra miền bắc. Bọn đế quốc đã tỏ rõ dã tâm sắp xếp cho thực dân Pháp chiếm lại nước ta.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I họp lần thứ nhất đã chính thức bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ký hiệp định sơ bộ với đại diện Chính phủ Pháp, đặt cơ sở cho việc đàm phán chính thức giữa ta và Pháp.

Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

Hiệp định Sơ bộ cho Pháp được đóng 15.000 quân ở nhiều thành phố và thị xã trên miền bắc nước ta. Ngày 18/3/1946, 1.200 quân Pháp được phép vào Hà Nội và đóng ở những vị trí đã quy định.

Tháng 6/1946, quân Tưởng rút khỏi Hà Nội

Từ cuối tháng 7/1946, thực dân Pháp tăng cường các hoạt động khiêu khích trắng trợn

Ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước. Nhưng bản Tạm ước ký chưa ráo mực đã bị thực dân Pháp vi phạm.

Tạm ước Việt-Pháp (14/9/1946). (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

Tạm ước Việt-Pháp (14/9/1946). (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

Từ lúc thực dân Pháp trở lại đặt chân lên Thủ đô, với nhiều hình thức phong phú, phong trào đấu tranh chính trị ngày càng lên cao đã xiết chặt hàng ngũ nhân dân Thủ đô trong Mặt trận đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược; tăng cường mối quan hệ đấu tranh giữa Thủ đô với các địa phương khác.

Ngày 19/10/1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng nhận định: “….Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Hội nghị đã vạch ra nhiệm vụ, kế hoạch cho cả nước chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến.

Tháng 11/1946, Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, tăng thêm quân đổ bộ lên Đà Nẵng, Đồ Sơn. Nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn quốc đến gần.

Ngày 5/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết văn kiện “Công việc khẩn cấp bây giờ” nêu ra những phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “…phải hiểu, phải làm cho dân hiểu rằng cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ” nhưng “…cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân”. Để đánh thắng phải “kháng chiến và kiến quốc. Một mặt phá hoại, một mặt kiến thiết. Phá hoại để ngăn địch, kiến thiết để đánh địch”. Phải là một cuộc chiến tranh toàn dân: “Tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi. Dù phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần. Ta sẽ giữ tất cả thôn quê”. Ta có quân đội, có nhân dân, có địa thế tốt, nhất định kháng chiến sẽ thắng lợi.

Trong tháng 11/1946, thi hành Quyết định của Trung ương chiến khu XI (tức Hà Nội) được thành lập. Khu ủy, Ủy ban bảo vệ và Bộ Chỉ huy Mặt trận khu XI được đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Trung ương, xúc tiến mọi mặt công việc chuẩn bị kháng chiến ở Thủ đô.

Ngày 5/12/1946, Khu ủy khu XI nhân danh Thành bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân Thủ đô tích cực chuẩn bị kháng chiến, sẵn sàng đợi lệnh.

Ngày 10/12/1946, Pháp đặt mìn phá công sự của tự vệ ở nhiều nơi.

Ngày 15/12/1946, Khu ủy và Ban chỉ huy Mặt trận khu XI họp kiểm điểm và bổ khuyết kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Đảng bộ và quân dân Thủ đô. “Thà chết không chịu làm nô lệ”, quân và dân Thủ đô sôi sục căm thù, thề chiến đấu đến cùng bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 16/12/1946, Vệ quốc quân làm lễ tuyên thệ “Quyết tử để bảo vệ Thủ đô".

Cùng ngày, Pháp xả súng vào công an ta đang làm nhiệm vụ giữ trật tự.

Ngày 17/12/1946, Pháp tấn công tự vệ, tàn sát nhân dân ở phố Hàng Bún, Yên Ninh.

Ngày 18/12/1946, Pháp hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ, chiếm Sở Công an Hà Nội, nắm quyền kiểm soát trật tự trong thành phố, hẹn trong 24 giờ nếu ta không chấp nhận thì chúng sẽ hành động. Chúng đã công khai đòi tước bỏ chủ quyền của ta, bắt ta phải đầu hàng ở Thủ đô và quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Cùng ngày, Tự vệ thành Hà Nội họp quyết nghị: “Sẵn sàng đợi lệnh, thề sống chết với Thủ đô”.

60 ngày đêm khói lửa, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

20 giờ 3 phút đêm 19/12/1946, công nhân nhà máy điện phá máy. Đèn điện trong thành phố phụt tắt. Đó là hiệu lệnh chiến đấu. Giờ cứu nước đã đến. Toàn thành cùng nổ súng!

Từ pháo đài Láng, Xuân Thảo, pháo binh ta bắn vào các vị trí ở trong thành và một số nơi khác. Các lực lượng Vệ quốc quân, Công an, Tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí giặc theo kế hoạch đã phân công.

Trong đêm 19 rạng ngày 20/12/1946, qua phút choáng váng ban đầu, địch phản kích ồ ạt, tung quân từ trong Thành ra mở đường ứng cứu các vị trí của chúng đang bị quân ta tiến công và chiếm giữ những đầu mối giao thông huyết mạch: cầu Long Biên, ga Hà Nội,… Đồng thời, chúng đánh các cơ quan quan trọng của ta: Bắc Bộ Phủ, Sở Bưu điện và trụ sở Ủy ban hành chính Hà Nội ở Bờ Hồ, trụ sở Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy và trại Vệ quốc đoàn Trung ương ở Hàng Bài, Sở chỉ huy tự vệ Hà Nội ở Đấu Xảo, trại Ngọc Hà,… Ở đâu cũng vấp phải sức kháng chiến quyết liệt của quân dân ta.

Hết ngày 20 và 21/12/1946, thực dân Pháp không mở được trận phản kích nào lớn.

Từ sau ngày 21/12/1946, các lực lượng vũ trang của ta chiến đấu ở Liên khu phố 1 (giữa thành phố) tuy bị địch vây kín bốn mặt nhưng không rút ra ngoài và trụ lại chiến đấu theo kế hoạch đã định.

Kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” của địch bước đầu bị phá sản, địch chủ trương tập trung sức tiêu diệt lực lượng ta ở nội thành, sau đó mới đánh tỏa ra ngoại thành.

Ngày 6/1/1947, chính thức thành lập Trung đoàn Liên khu phố 1, lấy Tiểu đoàn 101 Vệ quốc quân làm nòng cốt.

Ngày 12/1/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất đặt tên Trung đoàn Liên khu phố 1 là Trung đoàn Thủ đô.

Ngày 14/1/1947, Đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô được tổ chức và làm lễ tuyên thệ “Quyết tử” tại rạp Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng) trước khi bước vào đợt chiến đấu mới.

Giữa tháng 1/1947, sau khi đánh thông được đường số 5, có thêm quân từ Hải Phòng, địch quyết định tiêu diệt lực lượng của ta ở Thủ đô.

Thấu suốt phương châm chiến lược của Trung ương Đảng là: “Bảo toàn thực lực kháng chiến lâu dài”, Đảng ủy và Ban chỉ huy Mặt trận khu XI chủ trương: “không đánh trận địa với địch, không thủ hiểm ở chỗ nào lâu…”, sau khi chặn đánh địch quyết liệt, chủ động rút lui, không để cho địch thực hiện được ý đồ của chúng.

Trong ngày 15/1/1947, hai bên thoả thuận ngừng bắn để giải quyết vấn đề thương binh, cho ngoại kiều vav thường dân tản cư ra ngoài.

Nhân cơ hội đó, Đảng ủy Liên khu phố 1 đã tổ chức đưa hơn 10.000 người ra khỏi thành phố, trong đó một đoàn cán bộ cùng 3.500 tự vệ cải trang làm thường dân ra theo. Để củng cố tổ chức, chuẩn bị chiến đấu trong hoàn cảnh gay go, ác liệt hơn, ta dự định chỉ để khoảng 500 người ở lại Liên khu phố 1 trên thực tế vẫn còn hơn 1.000 người vì có nhiều người tự nguyện ở lại.

Từ 15/1/1947, địch liên tiếp mở những trận tiến công mới trên con đường vòng cung Vĩnh Tuy, Ngã tư Trung Hiển, Ngã tư Vọng, Bạch Mai, Ngã tư Sở, ô Cầu Giấy,…

Từ 6/2/1947, với một lực lượng lớn bộ binh có thiết giáp, trọng pháo, máy bay yểm hộ, giặc Pháp mở một đợt tổng công kích vào Liên khu phố 1.

Cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và đân Liên khu phố 1 được sự chi viện hết lòng của quân và dân nội, ngoại thành là đỉnh cao của cuộc chiến tranh toàn dân trong những ngày đầu kháng chiến ở Thủ đô.

Đêm 14/2/1947, Quân ủy Trung ương hội ý cấp tốc, báo cáo, đền nghị lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương cho phép rút Trung đoàn Thủ đô ra ngoài sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây và kìm chân địch.

Sáng 15/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh đồng ý để Trung đoàn rút ra ngoài nhưng phải tổ chức chu đáo, an toàn, bí mật. Hồ Chủ tịch chuyển tới cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lời khen ngợi: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay, giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.

Ngày 15/2/1947, các lực lượng trong Liên khu phố 1 được lệnh rút khỏi Hà Nội, trở về hậu phương, xây dựng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài.

Ngày 17/2/1947, Đảng ủy Liên khu phố 1 rút ra ngoài theo con đường vượt sông Hồng giữa mùa nước cạn.

Đêm 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô chia làm nhiều bộ phận rút quân, để lại một bộ phận hoạt động quấy rối nghi binh rút sau cùng.

Cuộc chiến đấu anh dũng suốt 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô có ý nghĩa to lớn. Các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn rút ra khỏi thành phố lên chiến khu tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Ta giữ chân địch 60 ngày trong thành phố, vượt mức thời gian dự kiến ban đầu, bảo đảm để các địa phương có thời gian huy động lực lượng đối phó với địch khi chúng đánh rộng ra.

Thắng lợi trong 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Thủ đô chính là thắng lợi mở đầu của đường lối chiến tranh nhân dân, vừa nổ ra đã kết hợp được đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, vận động binh lính địch và đấu tranh ngoại giao, kết hợp được cách đánh du kích với chiến đấu phòng ngự có công sự và công tác phá hoại, phát huy sức mạnh của toàn dân đánh giặc.

Cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, trích đoạn trong Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình

Cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

Cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. (Nguồn: Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình)

Ngày xuất bản: 10/10/2022
Thực hiện: BÔNG MAI
Nguồn tư liệu: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội 1930-2000, NXB Hà Nội; Phim tài liệu "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình"
Ảnh: TTXVN, Phim tài liệu "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình"