Nghệ thuật làm gốm Chăm của 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Sự kiện này không chỉ giúp cho thế giới biết đến thêm một di sản văn hóa nữa của Việt Nam, mà còn mang lại những cơ hội để gìn giữ, bảo vệ và phát triển nghệ thuật làm gốm độc đáo này.

MỘT TRONG NHỮNG NGHỀ LÀM GỐM LÂU ĐỜI NHẤT VIỆT NAM

Theo Hồ sơ Di sản nghề gốm Chăm của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quá trình phát triển nghề gốm của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận đến nay chưa có một tài liệu nào đề cập một cách đầy đủ, rõ ràng và cụ thể. Ngay cả các nghệ nhân làm gốm cao tuổi, chức sắc người Chăm cũng không ai biết rõ nguồn gốc nghề gốm của tộc người mình. Các tài liệu bằng chữ Chăm cổ cũng không thấy đề cập vấn đề này. Cũng không có bia ký hay truyền thuyết dân gian nào liên quan đến nghề gốm được lưu truyền lại trong cộng đồng người Chăm.

Nghề làm gốm truyền thống có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Chăm. Gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, nay là Bình Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận),

Nói đến gốm Chăm là nói đến làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Làng gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 10km về phía nam, được cho là một trong những làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay vẫn duy trì phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công thô sơ từ ngàn xưa.  

Còn tại tỉnh Bình Thuận hiện nay chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình còn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống của cha ông. Theo các nghệ nhân cho biết, nghề gốm ở thôn Bình Đức có từ rất lâu, được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời.

Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Điểm độc đáo nhất của làng gốm Chăm là những người tham gia tạo tác gốm đều là phụ nữ, và họ dịch chuyển theo vòng tròn chung quanh bàn gốm chứ không xoay bàn gốm như những nơi khác.

NGHỆ THUẬT LÀM GỐM ĐỘC ĐÁO

Bàu Trúc là làng nghề gốm Chăm nổi tiếng nhất trong cả nước. Nhắc đến gốm Chăm là nhắc đến Bàu Trúc. Người Chăm ở Bàu Trúc có nghệ thuật làm gốm độc đáo, từ khâu lựa chọn đất sét, trộn đất, nặn hình gốm, nung gốm, cho đến khâu trang trí…

Nguyên liệu làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc gồm đất sét, cát, nước ngọt; trong đó đất sét ở làng Bàu Trúc với độ kết dính đặc biệt góp phần quan trọng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm gốm Bàu Trúc. Đây là khâu rất quan trọng trong quá trình tạo nên sản phẩm gốm Bàu Trúc.

Đất sét đem về ngâm ngập nước trong khoảng 12 tiếng, sau đó đưa đất lên khỏi hố ngâm để trộn và nhồi cùng cát và nước ngọt. Cát ở đây là loại cát mịn hạt, ở vùng gần bờ sông, cát chính là độ ánh li ti của áo gốm, đặc điểm quan trọng của gốm Chăm Bàu Trúc. Không được trộn quá nhiều cát hay nhiều đất sét mà cần có sự đong đếm khéo léo, đó cũng là kinh nghiệm lâu năm của người thợ gốm thạo nghề.

Đất được trộn xong sẽ đem nhồi qua hai giai đoạn: nhồi bằng chân và nhồi bằng tay. Khâu nhồi đất này nhằm loại bỏ tạp chất tránh tình trạng gẫy, đổ sản phẩm khi tạo dáng; đồng thời là cách để các nguyên liệu (đất sét, cát, nước ngọt) hòa quyện vào nhau nhằm đạt độ dẻo lý tưởng.

Tiếp đó là công đoạn tạo dáng, nặn hình gốm. Những người thợ gốm Bàu Trúc đều là phụ nữ, tạo hình gốm bằng tay, không phải bàn xoay. Họ đi giật lùi xoay quanh khối đất và nặn hình thay vì đặt nó lên bàn xoay. Những công cụ để tạo hình cho gốm rất đơn giản, như hòn kê, vải cuộn, vòng quơ, vòng cạo… dùng để chà láng thân gốm, chải láng, cạo mỏng...

Người thợ gốm tạo hình hoa văn trên thân gốm cũng từ những vật dụng hết sức giản đơn, như vỏ sò để dập lên thân gốm, que sắt, cây cọ, có khi là ruột cây bút mực để vẽ những đường tròn quanh thân áo gốm, hay vẽ những hình tam giác, hình hoa lá, cỏ cây. Thậm chí có lúc lại là cái răng lược đã hỏng để trang trí những vạch sóng nước, những hình khối đẹp mắt và lạ lẫm…

Item 1 of 4

Gốm Chăm Bàu Trúc kiêng kỵ các loại hoa văn hình động vật, hình người. Họ quan niệm rằng vẽ hình người, hình động vật lên gốm và khi đem gốm nung thì cũng như đem hình người, hình động vật lên giàn thiêu trong đám tang người Chăm Bàlamôn (vì người Chăm làng Bàu Trúc là cộng đồng người Chăm Ahier theo tục hỏa táng).

Cuối cùng là nung gốm. Gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên nên trước khi xếp gốm, người thợ phải xếp các nguyên liệu nung (củi, rơm, trấu) thành những lớp nền nhất định. Tiếp là xếp gốm và phủ lên bề mặt một lớp rơm dày, rồi đổ thêm một lớp trấu mỏng lên mặt rơm và dùng cây đòn dài đập nhẹ đều làm cho lớp rơm trên lò gốm có độ xốp, kết chặt lại với nhau.

Lò nung được đốt lúc về chiều khi trời êm gió hoặc gió nhẹ, để lò nung có nhiệt độ đều đặn, ổn định, thường chọn hướng đốt lò nung theo chiều ngược gió nhằm tránh hướng gió thổi mạnh làm cho nguyên liệu rơm, củi cháy quá nhanh không kịp nung chín gốm, tránh được sức gió thổi mạnh bay lớp tro rơm trên bề mặt lò, lớp tro sẽ giữ và hấp thụ được nhiệt độ để nung chín gốm.

Nếu có nhu cầu trang trí, nhuộm màu thực vật cho áo gốm, ngay khi gốm đã chín, lò còn nóng, người thợ gốm dùng cây dài móc, đưa từng cái gốm ra ngoài lò để trang trí. Nếu không có nhu cầu trang trí thì lò gốm khi đã nung chín phải để đến khi lò cháy hết nguyên liệu, nguội hẳn thì mới đưa gốm ra khỏi lò nung.

Giá trị nghệ thuật được tạo ra ở công đoạn nung gốm chính là cách rắc màu lên áo gốm, phun màu tự nhiên với cách thức tự do và ngẫu nhiên. Màu áo gốm được tạo ra sẽ khác nhau ở từng sản phẩm, với sắc màu loang lổ, sống động.

So với gốm Chăm Bàu Trúc, gốm của Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình ít được biết đến hơn, nhưng không vì thế mà thua kém độ độc đáo.

Quy trình làm gốm Chăm Bình Đức bao gồm nhiều khâu công việc, nhiều công đoạn kết nối với nhau.

Đầu tiên là việc chọn đất và lấy đất. Theo kinh nghiệm dân gian của các nghệ nhân cao tuổi, loại đất sét được sử dụng làm gốm phải có màu vàng nhạt, có độ dẻo và độ mịn vừa phải, không bị lẫn nhiều hạt sạn, sỏi nhỏ. Trước năm 1954, người Chăm Bình Đức khai thác đất làm gốm tại làng Ninh Hà (nay là xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình), cách thôn Bình Đức khoảng 4km về hướng đông bắc. Từ năm 1958 đến nay, người ta chuyển sang khai thác mỏ đất tại làng Xuân Quang, cách làng gốm Bình Đức khoảng 3 km về hướng Tây Bắc. Thời điểm lấy đất thường diễn ra vào mùa nông nhàn, trong mùa khô, khoảng tháng 1 đến tháng 2 âm lịch hằng năm.

Có đất, người làm gốm phải đập, ủ, pha trộn và nhồi bóp đất. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung. Để có đất thành phẩm nhào nặn các sản phẩm gốm vào sáng ngày hôm sau, ngày hôm trước đất được đập và pha trộn, tùy theo nhu cầu sử dụng nhiều hay ít mà người thợ lấy một lượng đất vừa đủ, ít khi để dư lại qua ngày hôm sau.

Thợ làm gốm ở Bình Đức cũng là những phụ nữ Chăm, cũng tạo hình sản phẩm gốm không dùng bàn xoay, chỉ sử dụng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống.

Dụng cụ tạo hình sản phẩm gốm khá đơn giản: một chiếc bàn kê (kathun hay lithung giơ yơng) và một miếng vải thô nhỏ. Đối với sản phẩm gốm có kích thước lớn và cồng kềnh, phải thao tác trên mặt sân bằng phẳng và phải do những nghệ nhân lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được. Người thợ lấy một ít cát trắng rải đều lên mặt bàn kê rồi đặt đất sét lên để chống dính. Bằng thao tác hơi khum người xuống, hai chân dịch chuyển quanh bàn kê, người thợ dùng đôi bàn tay tạo dáng và thân sản phẩm.

Tùy từng loại hình và kích cỡ sản phẩm mà người thợ lấy thêm những lọn đất để nối vuốt cho phần thân sản phẩm cao dần lên, tay trái áp bên trong, tay phải vuốt mặt bên ngoài sản phẩm, người thợ dịch chuyển quanh bàn kê ngược chiều kim đồng hồ khoảng 5 vòng, sau đó dịch chuyển theo chiều ngược lại, là có thể tạo ra một dáng gốm cơ bản. Số vòng dịch chuyển tùy thuộc vào loại hình sản phẩm.

Tiếp theo, người thợ dùng một chiếc vòng tre vót mỏng vuốt lên mặt ngoài sản phẩm ướt để tạo độ đều và láng mịn, rồi dùng một miếng vải thô nhúng nước và dịch chuyển một vòng làm thao tác bẻ, vuốt miệng gốm cho đều, mịn. Mặt trong và ngoài miệng sản phẩm được vuốt nước thổ hoàng bằng miếng vải. Khi xương gốm ráo, người thợ tiếp tục nông thân và đáy (sửa cho đáy sản phẩm tròn, có độ dày đều), chà, nạo và làm bóng mặt trong và ngoài sản phẩm.

Sản phẩm gốm ướt được để khô tự nhiên ở nơi có bóng mát, ngoại trừ sản phẩm là các loại hỏa lò có thể phơi hoặc để ở nơi có nắng và gió to. Độ ráo của sản phẩm có ảnh hưởng quan trọng đến khâu chỉnh hình sau. Công cụ chỉnh hình và làm bóng sản phẩm rất đơn giản, như: vòng sắt, vòng tre, vòng làm bằng cây dúi, bàn vỗ làm bằng gỗ, vòng sắt dày, vỏ nghêu, và viên đá mài.

Mỗi công cụ đều có công năng riêng và sử dụng tùy vào kích cỡ, độ dày, mỏng của xương gốm. Với sản phẩm cỡ lớn và dày, người thợ dùng chiếc vòng sắt rộng vừa đủ cầm trong lòng bàn tay để nạo mặt trong thân và đáy sản phẩm, đồng thời nông sản phẩm từ đáy bằng thành đáy tròn. Sản phẩm cỡ nhỏ và mỏng, người thợ dùng vòng tre có kích cỡ như vòng sắt để nông đáy và nạo bớt những chỗ dày mặt trong thân và đáy sản phẩm.

Tiếp đó, người thợ dùng chiếc vòng làm bằng cây dúi để chà láng mặt trong thân và đáy, đồng thời, dùng bàn vỗ vỗ đều tay vào mặt trong thân và đáy để tạo sự tròn đều, cân đối.

Sau đó, người thợ chà bóng và làm mịn mặt ngoài của sản phẩm bằng chiếc vòng sắt. Để kiểm tra độ đều và cân đối của sản phẩm, người thợ dùng vỏ nghêu để nạo mặt trong thân và đáy một lần nữa và xoa nước thổ hoàng lên toàn bộ mặt ngoài và mặt trong thân gốm tạo màu đỏ hồng và tươi tắn sau khi nung. Sản phẩm để trong bóng mát, dùng tấm nilon phủ kín để sản phẩm không bị khô.

Trước khi nung, người thợ dùng viên đá mài chà lên thân sản phẩm để làm nhẵn lớp nước thổ hoàng bên trên thân gốm.

Gốm của người Chăm được nung lộ thiên. Thông thường, một lần nung tối thiểu phải có từ vài trăm sản phẩm trở lên và tối đa là từ 1.500 đến 2.000 sản phẩm. Việc nung gốm diễn ra quanh năm và nhiều nhà cùng nung chung một lần. Thời gian để nung chín toàn bộ sản phẩm gốm nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lượng gốm nhiều hay ít. Nếu số lượng gốm từ 1.500-2.000 sản phẩm thì thời gian nung chín khoảng 2 giờ, số lượng gốm càng ít thì thời gian nung càng nhanh.

Người thợ phải xác định hướng gió để có cách sắp xếp gốm, củi và một cách hợp lý. Hướng đốt luôn theo nguyên tắc ngược chính diện với chiều gió. Gốm và củi sắp xếp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi để gốm chín đều và tỷ lệ nổ, vỡ thấp. Gốm được xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, từ dày đến mỏng. Nhiên liệu chính sử dụng để nung gốm từ trước tới nay là củi và rơm, củi làm chất đốt chính, rơm thấm nước để phủ kín lớp gốm trên cùng nhằm giữ nhiệt không cho hơi nóng thoát ra ngoài để gốm chín đều và nhanh hơn.

Địa điểm nung gốm phải gần nguồn nước để tưới ướt rơm phủ trên sản phẩm gốm nhằm giữ nhiệt khi nung; làm giảm nhiệt cơ thể những người tham gia nung gốm, đặc biệt là những người trực tiếp đứng đốt và đưa sản phẩm gốm đã nung chín ra ngoài; làm nguội cây móc sản phẩm, dập tắt than củi đề phòng lửa cháy lây lan. Khi gốm chín được đưa ra ngoài, dùng loại nước làm từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ rảy lên mặt thân gốm để tạo hoa văn. Vì vậy, gốm Chăm Bình Đức có màu đỏ hồng tươi tắn, được điểm xuyết thêm những vệt nâu đen trông như da báo trên thân gốm.

Sản phẩm gốm của người Chăm Bình Đức giá thành rẻ, gồm nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau, tiện lợi trong sử dụng, được cộng đồng người Chăm, người Việt, người Hoa, người Raglai, người Cờ ho… trên địa bàn ưa chuộng. Sản phẩm còn được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh…

Đánh giá của UNESCO tại kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Rabat, Maroc ngày 29/11:

Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm.

Một trong những đặc điểm nổi bật của nghề làm gốm truyền thống của người Chăm là kỹ thuật chế tác gốm không dùng bàn xoay, nung lộ thiên (bằng rơm, củi), sản phẩm độc đáo mang nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa tộc người.

Đồng bào dân tộc Chăm dùng đôi tay khéo léo để tạo nên các dòng sản phẩm với mẫu mã đa dạng, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng, tôn giáo vừa thể hiện sự sáng tạo mang tính đại điện, bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm: thạp đựng nước, khoang đựng gạo, bình phong thủy, phù điêu, đèn trang trí, tượng thần Apsara, tượng thần Siva…

Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.

GIỮ NGHỀ

Theo thống kê của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến năm 2019 Bàu Trúc có 1 hợp tác xã, 4 công ty trách nhiệm hữu hạn, 9 cơ sở sản xuất, với 150 hộ. Trong làng có 1 hợp tác xã, 2 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm. Còn tại thôn Bình Đức, đến năm 2021, chỉ còn 40 hộ với 44 nghệ nhân thường xuyên duy trì nghề gốm.

Dịch Covid-19 xảy ra trong 2 năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ làm gốm Chăm. Hiện nay, gốm Chăm sản xuất ở 2 mảng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và trang trí nội thất. Những năm gần đây, việc mở rộng các tour du lịch cộng đồng đến với các làng nghề gốm Chăm, tiêu biểu là Bàu Trúc, đã giúp gốm Chăm có thêm sức sống mới.

Hiện nay, dự án phát triển du lịch cộng đồng đã giúp người dân có thêm sinh kế, tạo thu nhập từ phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Người dân được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng phục vụ du khách như đón khách, làm món ăn truyền thống, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Khai thác gốm Chăm trong dịch vụ du lịch cũng là một cách khuyến khích người trẻ ở các làng gốm yêu nghề và tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Một số nghệ nhân tiêu biểu vẫn giữ tâm huyết với nghề gốm Chăm có thể kể đến như Đàng Thị Phan, Đàng Thị Vệ, Đàng Thị Gia…

Hồ sơ Di sản nghề gốm Chăm của Cục Di sản văn hóa cho biết hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau như sự đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của các làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí cho nguyên liệu tăng cao, nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Để gìn giữ di sản không bị mai một do những ảnh hưởng từ nhu cầu tiêu dùng hiện đại phổ biến hiện nay, Hồ sơ cũng đã trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản, dự kiến sẽ được thực hiện trong bốn năm (2023-2026). Các mục tiêu của mỗi năm, các hoạt động cụ thể và kết quả dự kiến được trình bày rõ ràng trong hồ sơ. Các hoạt động bảo vệ được đề xuất nhằm giải quyết những thách và bao gồm việc đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề. Hồ sơ đã trình bày một thời gian biểu và ngân sách chi tiết.

Cộng đồng, các nhóm và cá nhân có liên quan đã tham gia vào quá trình đề cử bằng cách cung cấp thông tin và đóng góp vào quá trình kiểm kê. Nhiều thành viên trong cộng đồng đã tham gia vào quá trình đề cử bằng cách cung cấp thông tin, đóng góp vào quá trình kiểm kê, cũng như quay phim và chụp ảnh quá trình làm gốm và thờ cúng tổ nghề. Hơn nữa, 354 nghệ nhân đã đồng thuận về việc đề cử di sản này vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ cho biết, du khách muốn tham gia nghi lễ thờ tổ nghề cần phải tuân thủ một số quy tắc phong tục nhất định.

Item 1 of 2

MỞ RA CƠ HỘI BẢO TỒN VÀ TRAO TRUYỀN

Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm của Người Chăm là một trong những hồ sơ được UNESCO đánh giá rất cao về chất lượng, hội tụ đủ 5 tiêu chí. Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các Tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.

Việc ghi danh nghệ thuật làm gốm Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam.

Thành tựu này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với nghệ thuật làm gốm Chăm, đối với những giá trị văn hóa Việt Nam; góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung.

Việc nghệ thuật gốm Chăm được ghi danh còn góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc.

Gốm Chăm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp cũng tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy, nhất là trên cương vị thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 giai đoạn 2022-2026.

Ngoài ra, đây là danh hiệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO ghi danh trong năm nay (cùng với hồ sơ vừa được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) và Bia ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Thành phố học tập Cao Lãnh) không chỉ thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc của Việt Nam mà còn thiết thực đóng góp vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, các giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm. 

Việc được vinh danh cũng đặt ra trách nhiệm đối với Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy, kết thừa và phát triển giá trị của nghệ thuật làm gốm Chăm.

Tổ chức sản xuất: Nguyễn Hồng Minh
Nội dung: Trần Tuyết Loan
Ảnh: Vương Anh, Khiếu Minh
Nguồn tư liệu: Cục Di sản văn hóa Việt Nam, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trình bày: Phương Nam, Phùng Trang, Ngọc Bích
Đồ họa: Phương Nam, Phùng Trang, Ngọc Bích
Kỹ thuật: Đăng Phi
Ngày xuất bản: 7/12/2022