Giữ "sao" cho OCOP

Sản phẩm OCOP làng nghề đan Phú Túc, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Thanh Trúc

Sản phẩm OCOP làng nghề đan Phú Túc, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Thanh Trúc

Nhanh chóng được hưởng ứng và “phủ sóng” ở cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ sau bốn năm triển hai, nhờ tính ưu việt và hiệu quả của cách làm, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Vậy nhưng, sự phát triển nhanh chóng đó cũng đã bắt đầu bộc lộ những mặt trái, đòi hỏi cần điều chỉnh kịp thời, mau chóng.

Vẫn loay hoay lựa chọn sản phẩm

Làng nghề làm bánh đa Đô Lương (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng

Làng nghề làm bánh đa Đô Lương (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng

Từ mô hình thành công tại Quảng Ninh, sau bốn năm, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai Chương trình OCOP. Ngoài những địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển chiều sâu như Quảng Ninh, Hà Nội, không ít địa phương tích cực triển khai và nhanh chóng đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở những khu vực còn khó khăn. Tính đến nay, cả nước có hơn 5.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng ba sao trở lên.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, các chủ thể của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho hơn 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động...

Tuy nhiên, là một chương trình mới, liên quan nhiều lĩnh vực, đặc biệt yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, do đó, giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Nhiều nơi mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Một số nơi có hiện tượng “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.

Tuyên Quang có 209 sản phẩm tham gia nhóm sản phẩm OCOP (giai đoạn 2021-2025), nhưng nhiều xã chọn lựa mang tính đại trà, có sản phẩm đang đứng trước nguy cơ “biến mất” trong cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương, như trường hợp sản phẩm chuối Kiến Thiết ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn. Bà Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Tỉnh lựa chọn các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đầu tư theo giai đoạn. Hiện chúng tôi tiếp tục rà soát lại các sản phẩm đã đăng ký, đối với những sản phẩm không còn là chủ lực có thể thay thế”.

Huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế

Làng sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội phấn đấu xuất khẩu vào các thị trường quốc tế. Ảnh: Văn Học

Làng sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội phấn đấu xuất khẩu vào các thị trường quốc tế. Ảnh: Văn Học

Trong quá trình thực hiện, một số địa phương lại có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa chú trọng đúng mức lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Điều này phần nào mâu thuẫn với chính mục tiêu của chương trình. Bởi thế theo ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội, các địa phương phải tiến hành cẩn trọng công tác lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương; từ đó, cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ thực chất hơn đối với chủ thể, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm.

Còn ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, cho biết, Hà Nội là một thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm, đặc sản vùng miền tới quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ. Do đó, cần có sự đồng bộ trong xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP Việt Nam.

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ tích cực tập trung xây dựng sản phẩm phù hợp tiềm năng và lợi thế của các địa phương, huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP gắn với các chương trình hội chợ thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương; các trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm gắn với chương trình khởi nghiệp, thu hút sự tham gia của các chủ thể.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam

Các địa phương cần phải đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tiếp tục hoàn thiện và mở rộng mạng lưới sản phẩm khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ để thực hiện các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá, xây dựng và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Việc khai thác các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) giúp các sản phẩm phát huy được các giá trị của cộng đồng, đặc biệt về chất lượng, đồng thời góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với thương hiệu của địa phương.

Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa lớn trong chiến lược chung thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo “sức bật” cho kinh tế nông thôn. Bởi vậy, cùng với các giải pháp khắc phục những khó khăn, phát huy những cách làm tốt, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và thương mại sản phẩm OCOP để xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định niềm tin đối với người tiêu dùng.

Mối dây lỏng lẻo

Làng gốm sứ Bát Tràng sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Nguyễn Đăng

Làng gốm sứ Bát Tràng sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Nguyễn Đăng

Chúng tôi đến Tổ hợp tác nuôi ong núi đá ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) khi các thành viên đang lấy mật. Những chiếc máy ly tâm quay tít, vắt ra dòng mật ngọt sánh đặc, vàng màu hổ phách, tỏa mùi thơm đặc trưng của muôn loài hoa lạ ở vùng núi cao. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã hỗ trợ 10 hộ dân ở xã Xuân Quang liên kết để lập “Tổ hợp tác nuôi ong núi đá” tại địa phương. “Nhờ có chương trình OCOP, chúng tôi mạnh dạn nuôi ong, khai thác thế mạnh hoa bản địa cho ra loại mật ong chất lượng và sạch”- anh Cao Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong núi đá xã Xuân Quang chia sẻ.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã hỗ trợ hai xã Xuân Quang và Phong Niên, huyện Bảo Thắng xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao. Kết quả, các đàn ong thuộc mô hình cho năng suất hơn 18kg/đàn/năm, cho thu nhập 2,7 triệu đồng/đàn/năm. Từ mô hình này, một lao động có thể nuôi 100 đàn ong, thu nhập đạt 200-250 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế tăng 20,6%.

Sản phẩm mật ong Hà Giang chinh phục thị trường nhờ chất lượng tốt. Ảnh: Thu Phương

Sản phẩm mật ong Hà Giang chinh phục thị trường nhờ chất lượng tốt. Ảnh: Thu Phương

Tuy vậy, không phải sản phẩm nào của Lào Cai cũng tìm được thị trường tiêu thụ. Từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, huyện Bắc Hà có tám sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. Năm 2022 có bảy sản phẩm của huyện Bắc Hà đăng ký tham gia chương trình, gồm gạo rang, dâu tây Lùng Phình, mận Tam hoa, lạc đỏ và nụ hoa tam thất Nậm Mòn, trà túi lọc Na Hối... Song, những sản phẩm này đang gặp khó trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: “Việc thực hiện Chương trình tại huyện Bắc Hà vẫn còn gặp một số khó khăn như chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng sản phẩm đồng đều. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến còn hạn chế...”.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm khăn tơ sen do bà dày công sáng tạo. Ảnh: Phương Ly

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm khăn tơ sen do bà dày công sáng tạo. Ảnh: Phương Ly

Tại tỉnh Vĩnh Phúc đến nay có hơn 60 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận. Song từ năm 2020 dịch Covid-19 hoành hành, các sản phẩm đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Được thành lập từ năm 2009, đến nay Hợp tác xã (HTX) nấm Tam Đảo có ba héc-ta chủ yếu trồng nấm tiêu chuẩn VietGAP. Với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nấm của HTX được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tiêu thụ thu hẹp, có thời điểm đóng băng khiến công suất hoạt động và doanh thu của HTX giảm sút, có thời điểm giảm 50%.

HTX phải chuyển sang sấy khô sản phẩm, sản xuất cầm chừng. Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên có chín sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Với những nỗ lực không ngừng đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phát triển thị trường, công ty tăng trưởng doanh thu đều qua các năm.

Từ năm 2020, khi dịch mới bùng phát, doanh thu của công ty đã giảm gần 40%. Bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Trước kia chúng tôi quan tâm bán hàng trực tiếp. Nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi phải xoay chuyển tình thế, khai thác kênh bán hàng online, tập trung vào website và fanpage, đầu tư quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Dè dặt với thương mại điện tử

HTX sản xuất và kinh doanh Đức Nhuận ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trồng và phát triển các sản phẩm nấm linh chi Giang Phong. Tham gia chương trình OCOP từ nhiều năm qua, tại đây hiện đã có sáu sản phẩm đạt chuẩn. Mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường năm tấn nấm linh chi khô và các sản phẩm nấm tươi, chế biến từ nấm. Dù sản lượng và giá trị được nâng cao nhưng phương thức tiêu thụ vẫn là siêu thị, chợ truyền thống. Anh Lê Giang Phong, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh Đức Nhuận cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng hiệu quả chưa cao, tổng sản lượng bán chưa tới 10%”.

Sau bốn năm tham gia, chị Phạm Thị Thúy Vân, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Đức Hải ở xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức đã xây dựng được thương hiệu nước mắm Đức Hải. Mỗi tháng, cơ sở của chị chế biến 400 lít nước mắm nguyên chất, cung ứng cho cửa hàng, siêu thị. Đến nay thị trường này cũng giảm và không ổn định như trước. “Sản phẩm truyền thống nên cũng chỉ cung ứng cho chợ, cửa hàng thôi chứ chưa thể mở rộng. Tôi cũng không biết bán hàng online”, chị Vân chia sẻ tâm tư.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 61 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương. Tỉnh có nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào nhưng chưa có nhiều sản phẩm nông sản được nâng tầm giá trị, thương hiệu để vươn ra thị trường lớn. Nhiều sản phẩm đặc trưng nhưng diện tích, sản lượng nhỏ lẻ, cung ứng theo mùa vụ nên chưa đủ điều kiện để tiếp cận thị trường hiện đại. Ông Nguyễn Thanh Hiên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Chúng tôi đang tính toán số lượng, sản lượng sản phẩm sau đó mới đẩy mạnh phát triển sàn điện tử”.

Sản xuất OCOP của làng nghề. Ảnh: Bá Dũng

Sản xuất OCOP của làng nghề. Ảnh: Bá Dũng

Một khó khăn khác là, năng lực tham gia sàn giao dịch điện tử của nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi còn yếu, không chăm sóc, tương tác khách hàng kịp thời. Đó là chưa kể đội ngũ vận hành sàn giao dịch điện tử chưa được đào tạo, chi phí nhân lực cao là gánh nặng cho các HTX, chủ thể. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Quảng Ngãi vẫn lựa chọn giải pháp tiêu thụ hàng hóa theo phương thức truyền thống.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX có những kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, đơn vị đã phối hợp với một số ban, ngành tổ chức chương trình "Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội-cơ hội mua sắm online an toàn trong mùa dịch" nhằm kết nối các chủ thể tới người tiêu dùng dựa trên nền tảng xã hội nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm. Rất nhiều đơn vị ở các tỉnh cũng đã kết nối, thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Hà Nội để bán sản phẩm của họ.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội

Cả nước hiện có 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt tiêu chuẩn 5 sao thì năm sản phẩm là của các hợp tác xã và hai sản phẩm liên kết sản xuất với các xã viên của hợp tác xã địa phương. Tầm quan trọng của các hợp tác xã nông nghiệp đang được khẳng định trong nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP theo hướng phát triển bền vững.

Sản xuất theo mô hình an toàn

Sản phẩm gạo an toàn mở rộng thị trường. Ảnh: An Bình Phát

Sản phẩm gạo an toàn mở rộng thị trường. Ảnh: An Bình Phát

Trước xu hướng tiêu dùng ngày càng cao các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, các xã viên ở các HTX trên địa bàn tỉnh An Giang đã chuyển sang mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Việc sản xuất theo mô hình này đã tạo được nguồn nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu lúa gạo trên thị trường. Từ năm 2020, UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Đề án Xây dựng thương hiệu gạo An Giang.

Chương trình phát triển HTX kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, lúa nếp, rau màu và cây ăn quả… Theo đó sẽ phát triển mới 200 HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025. Đáng chú ý, Thiên Vương là sản phẩm gạo đóng túi cao cấp từ các giống lúa do Tập đoàn Lộc Trời độc quyền lai tạo, đạt tiêu chuẩn 5 sao, được liên kết sản xuất bởi các hộ nông dân tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Thương hiệu gạo "Cơm Việt Nam Rice" của tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Ảnh: loctroi.vn

Thương hiệu gạo "Cơm Việt Nam Rice" của tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Ảnh: loctroi.vn

Ông Trịnh Công Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn) cho biết: HTX nông nghiệp An Bình là một trong những cơ sở đầu tiên trong tỉnh được thành lập với sự góp vốn, kỹ sư của Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn chất lượng cao, sản phẩm đạt yêu cầu được bao tiêu nên bà con nông dân rất yên tâm. Riêng vụ lúa đông-xuân 2021-2022 HTX có tổng diện tích 800 ha được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu sản phẩm.

Tại Sóc Trăng, Trà Vinh nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nhân rộng. Người nông dân áp dụng quy trình canh tác sạch, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật liên tục trong nhiều năm liền để cải tạo đất.

Đặc biệt sản phẩm lúa ST24 (gạo ST24 là sản phẩm từ giống lúa ST24 đã trở thành một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn 5 sao). Năm 2017, gạo ST24 từng lọt vào top 3 "Gạo ngon nhất thế giới" trong cuộc thi World's Best Rice được tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Tháng 4/2021, gạo ST24 cũng được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu. Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao sẽ tạo động lực để phát triển đặc sản địa phương, thu hút thêm đầu tư và tạo cơ hội đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, quảng bá đến người dân cả nước.

Tư duy thay đổi

Chè được trồng bảo đảm nguyên tắc an toàn. Ảnh: HTX Chè Hảo Đạt

Chè được trồng bảo đảm nguyên tắc an toàn. Ảnh: HTX Chè Hảo Đạt

Sản xuất sản phẩm chè, HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên từ khi thành lập đã xác định hướng phát triển bền vững. Nhờ các công đoạn sản xuất đều bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm của HTX không chỉ cung cấp cho thị trường các loại chè được xếp hạng OCOP 4 sao, 5 sao, xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Từ mô hình sản xuất sạch, HTX đã phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã tạo dựng thương hiệu bằng chất lượng, phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho xã viên. Từ năm 2021 chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất và đưa chương trình du lịch sinh thái vào hoạt động, mang tới cho du khách nhiều lựa chọn thú vị, như trải nghiệm không gian thanh bình của vùng chè đặc sản Tân Cương, tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè, tham quan quy trình trồng và chăm sóc chè, tham quan đồi chè và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…”

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025. Chính sách nhằm huy động nguồn lực hiện có của nhà nước và xã hội để tạo sự đột phá cho các HTX về tổ chức và hiệu quả hoạt động.

Bằng các giải pháp nâng cao chất lượng quảng bá sản phẩm nông nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các phương thức truyền thông để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ, nhiều bà con xã viên, các HTX không còn tư duy sản xuất chạy theo sản lượng mà tập trung vào chất lượng và nâng cao thương hiệu cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Ông Phương Đình Anh. Ảnh: Ngọc Sơn

Ông Phương Đình Anh. Ảnh: Ngọc Sơn

Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết:

Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm, trong thời gian tới, cần tiếp tục có những giải pháp nhằm thu hút, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể, cụ thể là: Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ thể, đặc biệt là thông qua các câu chuyện thành công, điển hình từ thực tiễn. Bên cạnh đó là sự thay đổi tư duy của các cán bộ, cơ quan quản lý Chương trình OCOP trong quá trình triển khai. Cần truyền tải, tạo động lực, nhiệt huyết, niềm tự hào của mỗi chủ thể về sản phẩm OCOP, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tiếp theo là hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng. Tập trung nâng cao giá trị về văn hóa, từng bước hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, đặc biệt là xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, để hình ảnh sản phẩm, nâng cao hàm lượng về giá trị văn hóa đối với mỗi sản phẩm.

Từ đó, tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn.

Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Văn Học

Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Văn Học

Làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đăng

Làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đăng

Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ảnh Quang Vinh

Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ảnh Quang Vinh

Item 1 of 3

Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Văn Học

Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Văn Học

Làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đăng

Làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đăng

Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ảnh Quang Vinh

Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ảnh Quang Vinh

Ngày xuất bản: 18/7/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, VĂN HỌC, NGỌC SƠN, ĐÔNG HUYỀN, QUỐC HỒNG, BÁ DŨNG, HỮU NGHĨA, MINH KHỞI
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG