Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Có thể thấy, mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới…

Những lợi ích, tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại là không thể phủ nhận. Song, đi cùng với những giá trị tốt đẹp, những mặt trái, vấn nạn đến từ mạng xã hội cũng xuất hiện không ít. Trong đó, đáng báo động chính là tình trạng xuống cấp về đạo đức, những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử trên mạng và thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục “dậy sóng” với những vụ “bóc phốt”, “đấu tố”, hiện tượng mạng xã hội được sử dụng như một kênh để giải quyết mâu thuẫn, xúc phạm, tấn công nhau gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Có thể kể đến một số vụ việc như: Nữ doanh nhân liên tục livestream “bóc phốt” các nghệ sĩ nổi tiếng, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân; một nhóm cổ động viên Việt Nam quá khích “tấn công” Facebook của trọng tài trận đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa; mới đây nhất là sự kiện một bộ phận người hâm mộ Việt tràn vào Fanpage của cuộc thi hoa hậu Miss Grand International để công kích khi đại diện từ nước ta không lọt vào Tốp 10…

Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ văn minh thấp trên không gian mạng. Cũng theo khảo sát này, những chủ đề người Việt Nam thường có những hành vi ứng xử không đúng mực bao gồm: các mối quan hệ tình cảm, giới tính, ngoại hình, chủng tộc và chính trị.

Việc có những hành vi ứng xử không đúng mực trên mạng với người khác cũng có thể coi là một hình thức của bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying). Bắt nạt hay đe dọa trực tuyến là những hành động làm tổn hại, quấy rầy người khác bằng công nghệ thông tin (mạng internet, trang mạng xã hội…) được biểu hiện ở dưới nhiều hình thức khác nhau như phát tán những thông tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt hoặc đăng tải bình luận bôi nhọ, xúc phạm người khác…

Nhiều hội, nhóm xuất hiện trên mạng xã hội với thông tin tiêu cực thu hút đông người tham gia. (Ảnh Đăng Duy/Báo Nhân Dân)

Nhiều hội, nhóm xuất hiện trên mạng xã hội với thông tin tiêu cực thu hút đông người tham gia. (Ảnh Đăng Duy/Báo Nhân Dân)

Các nạn nhân của việc bắt nạt trực tuyến thường phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực về mặt tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, tự làm đau bản thân (self-harm) và thậm chí tự tử. Hiện tượng này đang có xu hướng tăng, đặc biệt đối với lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.

Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội để tấn công, xúc phạm người khác, những nội dung nhảm nhí, độc hại, hình ảnh phản cảm cũng ngày càng phổ biến trên các trang mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, những “trào lưu” xấu trên mạng xã hội dễ dàng thu hút sự chú ý của người dùng hơn so với những nội dung “sạch”, có giá trị.

Có thể kể đến một số nội dung vô bổ trên mạng xã hội từng trở thành xu hướng như: xin vía học giỏi từ búp bê ma; chê người miền trung keo kiệt; trào lưu “khoe tâm hồn” (trào lưu kéo áo khoe cơ thể, lắc hông phản cảm); kéo tấm chắn che cửa sổ trên máy bay để ghi hình khi đi máy bay… Với mô-típ là ăn mặc hở hang, sử dụng từ ngữ ‘độc, lạ”, cư xử thiếu văn minh, hàng loạt các “thần tượng mạng” được ra đời như: Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh, Khánh Sky, Anna Bắc Giang… Những “thần tượng mạng” nổi lên từ các trào lưu phản cảm, nhảm nhí dần trở thành hình mẫu cho giới trẻ noi theo, có thể dẫn tới những hệ lụy đáng báo động.

Từ thực trạng trên cho thấy, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đã và đang bị chính người sử dụng coi nhẹ. Chính vì vậy, việc phát triển văn hóa, hành vi ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết và đòi hỏi sự tham gia từ cả phía các cơ quan quản lý lẫn người dân.

Để tìm ra giải pháp nhằm phát triển văn hóa, hành vi ứng xử trên mạng xã hội, trước hết cần xác định được những nguyên nhân dẫn tới sự lệch lạc trong văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.




Thứ nhất, về nhận thức và hiểu biết: Một trong những nguyên nhân chủ yếu chính là do sự đắm chìm trong thế giới ảo của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những người trẻ, khiến họ sẵn sàng bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong cuộc sống thực để được nổi tiếng hay nhận được sự chú ý, điều này thể hiện qua số lượt xem (view), chia sẻ (share), tương tác, bày tỏ thái độ (like, love), bình luận (comment) trên mạng xã hội. Đồng thời, việc chưa nhận thức được hết các hậu quả khôn lường của việc tương tác với nội dung xấu, thiếu trách nhiệm trong sử dụng mạng xã hội cũng là yếu tố ảnh hưởng tới hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Dưới góc nhìn của nhiều người sử dụng, mạng xã hội là môi trường “ảo”, là “vô danh” nên không phải chịu trách nhiệm với các hành động của mình, có thể tự do phát ngôn, chia sẻ thông tin, không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.

Thứ hai, về phát hiện và xử lý: Do sự đa dạng, tính đặc thù về ngôn ngữ nên việc sử dụng công cụ kỹ thuật để nhận diện và phát hiện các nội dung vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngôn ngữ sử dụng trên mạng xã hội hiện nay được dùng theo cách riêng với sự kết hợp “lạ hóa” và khó hiểu, có thể kết hợp với ngôn ngữ khác (phổ biến là tiếng Anh) hoặc dùng tiếng lóng, thêm, bớt, thay thế chữ cái, viết chữ hoa... Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về các hành vi “vi phạm thuần phong mỹ tục”, “hình ảnh hở hang, phản cảm”… còn chung chung, mang định tính nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ.

Thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý những nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của nhà nước. Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách văn minh.

Có thể đưa ra một số đề xuất, giải pháp để phát triển văn hóa, hành vi ứng xử như sau:

Để phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội, cùng với quá trình "chống", chúng ta phải tích cực "xây". Cần định hướng, khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật trên mạng, những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ hiện nay sản xuất, sáng tạo lan tỏa những nội dung có giá trị, phù hợp với văn hóa Việt, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, biến những nội dung sạch thành dòng chủ lưu trên không gian mạng.

Đối với những hành xử vô văn hóa, những biểu hiện "lệch chuẩn", rất cần có sự phản biện tích cực của dư luận xã hội, đề cao vai trò của người đứng đầu, quản trị viên các diễn đàn, website, fanclub… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là trẻ em. Đây là giải pháp có ý nghĩa then chốt và lâu dài nhằm nâng cao dân trí một cách toàn diện về hành vi ứng xử trên mạng xã hội và mỗi người dân phải xây bộ lọc của cá nhân mình.

Ngoài ra, cần tập trung vào phổ biến kỹ năng số để mọi người dân tự nâng cao nhận thức và đưa ra một số chuẩn mực, giá trị cốt lõi khi tham gia mạng xã hội, không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép và các hành vi vi phạm khác gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Giáo dục kỹ năng số cần hướng đến mọi đối tượng trong xã hội. Đặc biệt chú trọng vào nhóm đối tượng công chúng trẻ tuổi, lứa tuổi vị thành niên.

Giáo dục ý thức cho người dùng mạng xã hội có thể kết hợp các giải pháp tuyên truyền để mọi người dân hiểu được mạng xã hội không phải là vùng “vô luật” mà người dùng có thể tự do đăng tải các hành vi vi phạm pháp luật và mạng xã hội bây giờ không phải là ảo mà là thật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Các đại biểu trao đổi, thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội, phòng chống và xử lý hành vi lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả các văn bản hiện có về quản lý mạng xã hội, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, xu hướng hành vi của người dùng trên mạng xã hội và theo sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là các mạng xã hội có số lượng người sử dụng ngày càng tăng, tính chất thông tin ngày càng đa dạng, phức tạp.

Tăng cường các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm khắc hơn, có tính răn đe cao hơn đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội có chủ đích, có tác động lớn đến xã hội, làm xói mòn giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như dẫn đến tự tử… hoặc đe dọa an ninh quốc gia.

Nghiên cứu bổ sung quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có giải pháp định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam và các quy định liên quan đến trách nhiệm pháp lý đối với nội dung người dùng đăng tải trên nền tảng mạng xã hội.

Tăng cường năng lực cho các lực lượng tham gia quản lý nội dung trên mạng xã hội, phòng, chống vi phạm pháp luật trên mạng xã hội từ Trung ương xuống địa phương đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; lựa chọn người có chuyên môn, kỹ thuật cao để theo dõi hoạt động phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia quản lý nội dung trên mạng xã hội, phòng, chống vi phạm pháp luật trên mạng xã hội chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng tính chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nắm chắc tình hình để phát hiện và xử lý kịp thời đúng quy định pháp luật.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Nâng cấp hệ thống kiểm duyệt và triển khai phần mềm chặn lọc, phát hiện, thu thập, xử lý hành vi vi phạm phạm trên môi trường mạng để có thể rà quét được các hình ảnh, video; triển khai hệ thống cảnh báo, chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng. Tuy nhiên, trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay và thậm chí vài năm tới, công cụ kỹ thuật khó có thể phát hiện các hành vi ứng xử vi phạm pháp luật. Cần có cơ quan/tổ chức phát hiện và xác minh hành vi vi phạm, sau đó công cụ kỹ thuật sẽ rà quét phát hiện và đưa ra các giải pháp cảnh báo và ngăn chặn kịp thời.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần có biện pháp định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam (đặc biệt tập trung trước với các tài khoản, fanpage có đông lượng người theo dõi). Chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được livestream.

Triển khai cấp nhanh xác thực (bluetick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước. Chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.

Yêu cầu có giải pháp tiền kiểm các quảng cáo, gỡ ngay quảng cáo chính trị, cung cấp thông tin về tổ chức/đơn vị mua quảng cáo.

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Hội thảo có sự tham gia của 800 đại biểu từ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nghệ sĩ, đại diện tiểu biểu của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. (Ảnh: Duy Linh)

Hội thảo có sự tham gia của 800 đại biểu từ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nghệ sĩ, đại diện tiểu biểu của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. (Ảnh: Duy Linh)

Các đồng chí chủ tọa tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Các đồng chí chủ tọa tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Item 1 of 3

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, sáng 17/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)

Hội thảo có sự tham gia của 800 đại biểu từ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nghệ sĩ, đại diện tiểu biểu của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. (Ảnh: Duy Linh)

Hội thảo có sự tham gia của 800 đại biểu từ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nghệ sĩ, đại diện tiểu biểu của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. (Ảnh: Duy Linh)

Các đồng chí chủ tọa tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Các đồng chí chủ tọa tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, đối với lĩnh vực Thông tin Truyền thông, Quốc hội yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam".

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trước yêu cầu về hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của mạng xã hội, nâng cao văn hóa, chuẩn mực đạo đức của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam và nhằm tạo ra môi trường internet an toàn, lành mạnh, cũng như kiến tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội, ngoài việc thực hiện các giải pháp đã nêu, cần có sự chung tay không chỉ của Chính phủ, các cấp, các ngành mà của toàn cộng đồng.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ảnh: Duy Linh, KK
Trình bày: Phùng Trang
Ngày xuất bản: 17/12/2022