Ảnh: Trần Hải

Ảnh: Trần Hải

Giấc mơ World Cup: Kỳ vọng thái quá và bài học từ Thái Lan

Cách đây 5 năm, đội tuyển Thái Lan từng đặt tham vọng giành vé tham dự World Cup nhưng sớm vỡ mộng và có những bước đi sai lầm. Giờ đây, Việt Nam đang ở vị thế tương tự Thái Lan khi lần đầu góp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup. Tuy nhiên, mục tiêu của thầy trò HLV Park Hang-seo vừa sức hơn, chủ yếu học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho tương lai.

Bước lùi của đội tuyển Thái Lan

Không thể phủ nhận, bóng đá Thái Lan từng đứng trên đỉnh Đông Nam Á khi sở hữu dàn cầu thủ nổi trội để vô địch AFF Cup 2014, sau đó là giành vé tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2018. Đội tuyển Thái Lan đã rất lâu chưa tham dự đấu trường đầy khắc nghiệt và cạnh tranh như vậy. Sự háo hức, mong chờ của cổ động viên nơi đây lên đến cực điểm, đặc biệt là sau khi tuyển Thái Lan vượt qua hàng loạt đội bóng Đông Nam Á, giành vị trí nhất bảng tại vòng loại thứ hai. 

Tại vòng loại cuối cùng, “Voi chiến” đặt mục tiêu rất cao và tự tin chạm trán những “ông lớn” của châu Á, thế nhưng qua từng trận, thứ người Thái nhận được chỉ là sự thất vọng sau những kỳ vọng quá lớn.

Trước các nước Tây Á và Đông Á, đội tuyển Thái Lan chỉ có thể cầm về “trái đắng” khi không giành được trận thắng nào, ngậm ngùi xếp cuối bảng với chỉ 2 điểm sau 10 trận, để lọt lưới tới 24 bàn thua. Một thành tích đáng buồn với đại diện mạnh nhất Đông Nam Á khi đó, nhưng cũng giúp người hâm mộ tỉnh ngộ và nhìn nhận lại khả năng thực sự của đội tuyển Thái Lan.

Trên sân khách Saitama, đội tuyển Thái Lan nhận thất bại 0-4 trước chủ nhà Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á. (Ảnh: FA)

Trên sân khách Saitama, đội tuyển Thái Lan nhận thất bại 0-4 trước chủ nhà Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á. (Ảnh: FA)

Những năm qua, các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Thái Lan luôn tích cực hỗ trợ các cầu thủ sang nước ngoài chơi bóng, trải nghiệm môi trường đẳng cấp hơn, nhưng đáng tiếc chỉ số ít để lại dấu ấn đậm nét. Thể lực và sự am hiểu về kỹ, chiến thuật của những cầu thủ “xuất ngoại” khá đuối và tỷ lệ thành công còn thấp. Trong khi đó, tại các giải quốc nội trong khu vực, những ngoại binh đến từ Brazil hay châu Phi vẫn luôn được ưu tiên trong đội hình xuất phát. 

Công bằng mà nói bóng đá Đông Nam Á chỉ thực sự bước lên sân chơi chuyên nghiệp vào cuối thập niên 90 và quỹ thời gian để bứt phá còn hạn chế so với các nước Đông Á hay Tây Á. Những quốc gia này có tiềm lực tài chính tốt, họ quyết tâm đăng cai những giải đấu tầm cỡ nhằm quảng bá và được học hỏi kinh nghiệm từ các cường quốc tại châu Âu hay Nam Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc từng đồng đăng cai World Cup 2002. Vào mùa đông năm tới, Qatar cũng sẽ có vinh dự tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.

Tại vòng loại thứ ba World Cup 2018, bóng đá Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á, nhưng so với các đội hàng đầu châu Á thì còn khá chênh lệch, chứ còn chưa bàn tới các khu vực khác.

Câu chuyện tuyển Thái Lan chia tay HLV Kiatisak. (Ảnh: FAT)

Câu chuyện tuyển Thái Lan chia tay HLV Kiatisak. (Ảnh: FAT)

Sau những trận thua, lượng khán giả đến sân Rajamagala cổ vũ ngày một vơi dần. Ba trận đấu đầu tiên tại vòng loại thứ ba, trung bình có tới 40 nghìn cổ động viên tới sân, nhưng vào hai trận cuối trên sân nhà, con số này giảm gần một nửa. Niềm tin dành cho các cầu thủ sụp đổ quá nhanh và điểm tựa cổ động viên không còn bền chắc trên chính xứ sở chùa Vàng.

Ngoài ra, những gì đội tuyển Thái Lan nhận được là phản ứng chỉ trích thái quá từ người hâm mộ, thậm chí đỉnh điểm là mâu thuẫn giữa Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) với HLV trưởng Kiatisak Senamuang. Sau thất bại 0-4 trước Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á, vào tháng 3/2017, ông từ chức và chấm dứt những lùm xùm xoay quanh vấn đề này.

Đã 4 năm kể từ khi HLV Kiatisak rời đội tuyển, FAT đã bổ nhiệm bốn nhà cầm quân khác nhau, đặc biệt là hai “bậc thầy” có tiếng tăm như Milovan Rajevac và Akira Nishino nhưng rốt cuộc vẫn chưa cho thấy tiến triển. Ngoài ra, việc thay đổi nhiều huấn luyện viên trong thời gian ngắn còn dẫn đến sự thiếu đồng nhất trên phương diện chiến thuật và phương pháp huấn luyện, các tuyển thủ thì càng chật vật trong công cuộc thích nghi.

Bóng đá Thái Lan giờ đây cần nhìn lại chính mình, từ những “ước mơ” quá xa vời, họ phải bắt đầu lại hành trình khẳng định vị thế tại Đông Nam Á, có lẽ khởi điểm sẽ là từ giải đấu AFF Cup diễn ra cuối năm 2021 dưới sự dẫn dắt của cựu huấn luyện viên CLB TP Hồ Chí Minh, ông Alexandre Polking.

Quang Hải giành bóng từ cầu thủ Trung Quốc. (Ảnh: AFC)

Quang Hải giành bóng từ cầu thủ Trung Quốc. (Ảnh: AFC)

Khởi đầu cho những hành trình xa hơn

Nhìn lại quãng thời gian 4 năm HLV Park cầm quân, đội tuyển Việt Nam đã đối đầu 30 lần với các đội bóng ở khu vực Đông Nam Á từ các giải đấu chính thức đến giao hữu. Trong đó, đội tuyển Việt Nam thắng 24, hòa 6, các cầu thủ ghi được 75 bàn và để thủng lưới 15 lần. Tại AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch với thành tích bất bại.

Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện đẳng cấp rõ rệt, xứng đáng là “anh cả” của bóng đá Đông Nam Á. Trước các đối thủ trong khu vực, đội tuyển Việt Nam hòa Thái Lan, thắng Malaysia và Indonesia trong cả hai lượt trận đi và về, qua đó giành tấm vé đi tiếp với tư cách nhì bảng G, là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt.

Để tạo nên hành trình lịch sử, HLV Park không chỉ đến với đội tuyển trên tư cách một nhà cầm quân, mà còn là một người thầy đặc biệt, được tất cả các học trò yêu mến và tôn trọng.

Trong chuyến tập huấn chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á năm 2020 tại Hàn Quốc, Quang Hải từng trả lời truyền thông nước này: "Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, trình độ của cá nhân tôi và đội tuyển đã được nâng cao rất nhiều. Thầy Park hiểu rõ điểm mạnh của các cầu thủ và giúp chúng tôi chơi gắn kết cùng nhau".

HLV Park Hang-seo luôn theo sát học trò trên sân trong mỗi buổi tập của đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: VFF)

HLV Park Hang-seo luôn theo sát học trò trên sân trong mỗi buổi tập của đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: VFF)

Triết lý bóng đá của thầy Park đã đi cùng đội tuyển Việt Nam từ những ngày đầu. Dù ở U23 hay cấp độ đội tuyển quốc gia, trong một đội bóng có nhiều cá nhân đặc biệt, ông tin rằng, một tập thể gắn kết và đầy tinh thần chiến đấu mới có thể vượt qua mọi hoàn cảnh.

Tất cả thành viên đội tuyển đã sát cánh với nhau và lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, đây là mục tiêu và thử thách chúng ta đã cùng nhau vượt qua, tôi cảm thấy rất vui mừng vì điều này.

Ở vòng loại cuối cùng, đội tuyển sẽ gặp những đội mạnh đẳng cấp hàng đầu châu Á. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tập trung hơn nữa, từ thể lực, ý chí, chiến thuật, tiếp tục một lòng, đoàn kết và nỗ lực hết mình.
HLV Park Hang Seo viết tâm gửi học trò

Là một nhà cầm quân chú trọng tinh thần của cả đội, HLV Park luôn ghi nhận những đóng góp và sự vất vả của tất cả thành viên trong đội tuyển, từ các cầu thủ cho tới đội ngũ y tế, ban huấn luyện. Ở đội tuyển Việt Nam, tính tập thể và sự đồng lòng luôn được đặt lên hàng đầu. Qua những dặn dò của thầy Park, mọi thành viên đều hiểu rõ cần phải cố gắng ở vị trí của mình, tất cả vì thành công chung của đội tuyển.

Ngày 3/9/2021 trên sân Mrsool Park đánh dấu cột mốc đáng nhớ của đội tuyển Việt Nam khi lần đầu “hít thở” bầu không khí vòng loại cuối cùng của World Cup. Thế nhưng, nó thật không hề dễ chịu khi đội tuyển phải ra về tay trắng trước đội chủ nhà Saudi Arabia. Sau bốn lượt trận, chúng ta vẫn chưa thể giành về điểm số đầu tiên.

Cần nhìn nhận rằng, đây là sân chơi hội tụ các “anh tài” đẳng cấp nhất của bóng đá châu Á. So với các nền bóng đá phát triển, bóng đá Đông Nam Á, Thái Lan hay Việt Nam còn bộc lộ nhiều thiếu sót cả về kinh nghiệm và tâm lý. Hầu hết các cầu thủ của chúng ta đều thi đấu trong nước và sự chênh lệch đẳng cấp khó có thể san lấp.

Có lẽ đã từ rất lâu rồi, đội tuyển Việt Nam mới phải gặp những đối thủ mạnh hơn rất nhiều và rơi vào tình thế chật vật như hiện nay. Cơ hội của tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại cuối cùng về thực tế là rất khó. Qua các buổi tập, Ban huấn luyện luôn xác định rõ ràng mục tiêu dựa trên thực lực của toàn đội và không đặt nặng vấn đề thành tích.

Sau trận thua 1-3 trước đội tuyển Oman trên sân khách, HLV Park Hang-seo phát biểu: "Đây là lần đầu đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup, bản thân tôi và người hâm mộ đều mong mỏi kết quả tốt nhất. Nhưng thành thật mà nói đội tuyển cần thêm thời gian để cải thiện".

Ở trận đấu gặp đội tuyển Nhật Bản tới đây, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ được thi đấu trên sân Mỹ Đình cùng khoảng 12 nghìn người hâm mộ vào sân cổ vũ. "Đó là động lực lớn nhất để đội tuyển Việt Nam đối đầu Nhật Bản và Saudi Arabia. Toàn đội sẽ cố gắng để giành những điểm đầu tiên, hy vọng sẽ đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Điều quan trọng nhất với đội tuyển lúc này là rút kinh nghiệm qua từng trận và duy trì quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ đề ra”, Quang Hải trả lời FIFA.

Sẽ còn nhiều kỳ World Cup để hướng tới

Đối với đội tuyển Việt Nam, cánh cửa đến World Cup 2022 còn rất nhiều trắc trở và đầy chông gai, thế nhưng thầy trò HLV Park Hang-seo phải tiếp tục tiến về phía trước. Dẫu cho kết quả ra sao, vẫn còn một kế hoạch dài hơi và khả thi hơn, đó chính là tấm vé đến Bắc Mỹ, nơi đăng cai World Cup 2026.

Theo Điều lệ mới nhất, FIFA đã tăng số đội được tham dự vòng loại World Cup từ 32 lên 48 đội. Đó là một quyết định quan trọng khi mở ra thêm nhiều cơ hội cho các quốc gia có khát khao và tham vọng. Đặc biệt, số lượng các đội tuyển châu Á được tham dự cũng tăng lên đáng kể khi FIFA phân bổ tới tám suất tham dự.

Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “World Cup có số lượng đội bóng tham dự tăng là cơ hội để những nền bóng đá đang tiến bộ như Việt Nam góp mặt. Bóng đá Việt Nam không chỉ tập trung với thành công ở đội tuyển quốc gia mà quên đi sự đầu tư bài bản cho bóng đá trẻ. Nếu chúng ta không hành động quyết liệt ngay từ bây giờ để hướng đến World Cup 2026 thì coi như đã muộn”.

Tiền đạo trẻ Hồ Thanh Minh (ngoài cùng bên phải) vừa được đôn lên từ U23 Việt Nam sau màn thể hiện ấn tượng trước U23 Myanmar tại Vòng loại U23 châu Á 2022. (Ảnh: VFF)

Tiền đạo trẻ Hồ Thanh Minh (ngoài cùng bên phải) vừa được đôn lên từ U23 Việt Nam sau màn thể hiện ấn tượng trước U23 Myanmar tại Vòng loại U23 châu Á 2022. (Ảnh: VFF)

Bình luận viên Quang Tùng nhận định những năm qua, thể hình cầu thủ Việt Nam đã ấn tượng hơn rất nhiều. Thể lực của các cầu thủ giờ đã đáp ứng được những lối chơi tốc độ cao mà Ban huấn luyện đề ra. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nền tảng, cơ sở tối thiểu để phát triển đội bóng.

“Để nâng cao chất lượng cầu thủ thì còn cần rèn giũa, tích lũy nhiều hơn nữa. Vấn đề là các cầu thủ lứa trẻ chưa được chơi và thể hiện mình, các em cần được thi đấu thường xuyên tại V-League và các giải đấu khu vực. Như vậy nền bóng đá nước nhà mới có chiều hướng phát triển tích cực hơn”, BLV Quang Tùng nhấn mạnh.

Mới đây, bóng đá Việt Nam nhận được dấu hiệu tích cực khi đội tuyển U23 Việt Nam giành vé vào Vòng chung kết U23 châu Á 2022. Giải đấu diễn ra vào tháng 6/2022 tại Singapore sẽ là một cuộc “thử lửa" thực sự đối với kết quả đào tạo trẻ bóng đá Việt Nam, hướng tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai.

Ở cuộc đối đầu giữa đội tuyển Nhật Bản và Việt Nam trên sân Mỹ Đình tối nay, đồng hành cùng đội tuyển Nhật Bản còn có ông Kozo Takashima - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA). Ông đánh giá việc lọt vào vòng đấu loại cuối cùng của World Cup là bước tiến lớn đối với bóng đá Việt Nam.

Trong bóng đá, không có bất kỳ phép màu hay điều kỳ diệu nào cả. Không có nền bóng đá nào có thể nhanh chóng phát triển và tạo ra sự đột biến nếu không có nền tảng tốt. Chúng ta luôn phải tập trung vào ba yếu tố chính: Đào tạo cầu thủ trẻ, xây dựng Ban huấn luyện chất lượng và phát triển cơ sở vật chất.

Bóng đá Việt Nam đang có nền tảng tốt, đó là lý do vì sao đội tuyển quốc gia của các bạn mạnh hơn, có nhiều thành tích tốt hơn thời gian qua. Đội tuyển Việt Nam là đội duy nhất ở Đông Nam Á giành quyền vào vòng loại cuối cùng World Cup. Đó là bước tiến lớn, mở ra nhiều cơ hội hơn đối với bóng đá Việt Nam.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, ông Kozo Takashima nói

Trước trận gặp Nhật Bản, chúng ta cũng đón nhận tin vui khi HLV Park Hang-seo và VFF đã gia hạn hợp đồng thành công thêm 1 năm, từ ngày 1/2/2022 đến 31/1/2023. Bản hợp đồng được tiếp tục với sự thống nhất cao về ý chí, quan điểm và mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam bền vững, được đánh giá sẽ mở ra điều kiện thuận lợi để đội tuyển quốc gia tiếp tục với định hướng trong tương lai.

Trước mắt, thầy trò HLV Park Hang-seo còn sáu trận đấu đầy thử thách tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Đối thủ là Nhật Bản và Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình, với lợi thế sân nhà và sự cổ vũ của 12 nghìn khán giả, đội tuyển Việt Nam liệu có thể mang về những điểm số đầu tiên?


Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: THẠCH PHAN, ANH MINH
Trình bày: ĐĂNG PHI, THẠCH PHAN, PHAN ANH