Thành công từ những ý tưởng "điên rồ"

Elon Musk

“Giá trị của nguồn cảm hứng bị đánh giá thấp rất nhiều. Nhưng tôi không muốn làm người hùng của ai cả. Tôi chỉ muốn nghĩ về tương lai và không buồn bã mà thôi”.

– Elon Musk –

Tỷ phú công nghệ Elon Musk - người có khối tài sản lớn nhất thế giới mang trong mình khát vọng kiến tạo tương lai của nhân loại.

Để phát triển xe điện tự hành và giải pháp năng lượng tái tạo, Elon có Tesla.

Mang lại cơ hội để nhân loại chinh phục vũ trụ và tìm đến hành tinh mới, Elon có SpaceX.

Phát triển hạ tầng giao thông bằng những đường hầm đột phá, Elon có The Boring Company.

Góp phần đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo (AI), Elon có Open AI và X.AI.

Và để nâng cao khả năng bộ não con người, Elon khởi tạo Neuralink.

“CÚ HÍCH” TESLA

“Mục đích lớn nhất của Tesla Motors là giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế khai thác hydrocarbon sang nền kinh tế điện mặt trời.”

– Elon Musk –

Từ lâu ở Mỹ, thị trường ô-tô đã bão hòa với các nhà sản xuất lâu đời như Ford, Honda hay Chevrolet. Thế nhưng, có một công ty đã trở nên nổi bật hơn cả, đó chính là nhà sản xuất ô-tô điện Tesla Motors. Giám đốc điều hành Elon Musk cùng đội ngũ Tesla đã tạo nên “cú hích” lịch sử vào năm 2012 khi công bố chiếc xe điện Model S. Mà sau 11 năm, giới chuyên môn vẫn nhận định là một trong những mẫu xe điện (EV) tốt nhất thị trường.

Tesla trở thành một trong số ít những nhà sản xuất ô-tô độc lập thành công, cũng như tiên phong trong thị trường ô-tô điện. Mẫu Model S gây ấn tượng mạnh mẽ với người lái khi là một chiếc sedan mang kiểu dáng sang trọng kèm mức giá khởi điểm gần 54.000 USD vào tháng 3/2009. Model S được đánh giá là mẫu xe tốt nhất trong mọi hạng mục dành cho xe ô-tô sedan chạy điện. 

Mẫu Model S vào năm 2023. Nguồn: Motortrends

Mẫu Model S vào năm 2023. Nguồn: Motortrends

Với mẫu Model S mới vào năm 2013, Tesla tiếp tục gây chú ý khi đạt những giải thưởng chất lượng từ báo chí, Model S đạt điểm số gần như hoàn hảo là 99/100 từ Consumer Reports, tổ chức này cũng cho biết Model S là “mẫu xe tốt nhất từng được thử nghiệm”.

Đến tháng 9 năm 2014, chiếc xe này đã đạt kỷ lục doanh thu lớn nhất mọi thời đại tại Mỹ với 2.500 chiếc được bán ra trong vòng 1 tháng; trong quý I năm 2015, doanh số bán hàng đã đạt mức kỷ lục mới là 10.030 chiếc được bán ra. Model S được ví như mẫu xe “quốc dân” trong làng ô-tô điện tại thị trường Mỹ. 

Quả thực, thị trường Mỹ chiếm phần lớn doanh số bán hàng của Tesla trên toàn cầu. Doanh số bán hàng tại Mỹ đã tăng 280% từ 48.000 xe trong năm 2017 lên 197.517 xe trong năm 2018. Trong khi đó, doanh số bán hàng toàn cầu của hãng tăng 138% từ năm 2017 đến năm 2018. Cho đến nay, Tesla là nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất ở Mỹ, là nhà sản xuất xe điện đầu tiên có doanh số hơn 190.000 xe trong 1 năm. 

Trong những tháng đầu năm 2023, doanh số của Tesla vẫn giao động từ 55.000 - 60.000 xe mỗi tháng. Tính đến ngày 12/9/2023, tổng vốn hóa thị trường của Tesla là 857,2 tỷ USD. Tổng số lượng xe Tesla bán được cho đến ngày hôm nay (từ 2008 đến Quý II/2023) là 4,527,916 xe.

Năm

Số xe bán được

Mẫu xe

2008

~100

Roadster

2009

~900

Roadster

2010

~400

Roadster

2011

774

Roadster

2012

3,000

Roadster, Model S

2013

22,477

Model S

2014

31,655

Model S

2015

50,658

Model S, Model X

2016

76,285

Model S, Model X

2017

103,181

Model X/S, Model 3

2018

245,240

Model 3/Y, Model X/S

2019

367,500

Model 3/Y, Model X/S

2020

499,550

Model 3/Y, Model X/S

2021

936,950

Model 3/Y, Model X/S

2022

1,313,581

Model 3/Y, Model X/S

Qúy 1 2023

422,875

Model 3/Y, Model X/S

Qúy 2 2023

466,140

Model 3/Y, Model X/S

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Tesla không đạt được sự thành công nhanh chóng và cũng không phải do Elon Musk sáng lập. Công ty được thành lập vào năm 2003 bởi hai kỹ sư Martin Eberhard và Marc Tarpenning ở Thung lũng Silicon. Họ muốn chứng minh rằng, “xe điện tốt hơn, nhanh hơn và trải nghiệm lái thú vị hơn xe chạy xăng dầu”.

Ảnh thời trẻ của Marc Tarpenning và Martin Eberhard.

Ảnh thời trẻ của Marc Tarpenning và Martin Eberhard.

Hạt nảy mầm của công ty bắt nguồn vào năm 1990 khi Tarpenning gặp Eberhard, khi đó, cả hai là kỹ sư tại Wyse Technology, họ trở thành bạn tốt của nhau. Cả hai có nhiều điểm chung, bao gồm niềm đam mê kinh doanh, để rồi cùng nhau khởi nghiệp với các công ty như NuvoMedia - công ty đã phát hành Sách điện tử Rocket vào năm 1998. 

Có những khởi sắc trong kinh doanh nhưng Eberhard gặp biến cố ly hôn, ông quyết định mua cho mình một chiếc ô-tô thể thao để giải tỏa tâm lý, bất ngờ thay, niềm đam mê ô-tô cũng bắt đầu với Eberhard từ đây. Ông cân nhắc việc tham gia vào ngành ô-tô điện sau khi đầu tư vào một nhà sản xuất chưa có tiếng tăm mang tên AC Propulsion.

Năm 2001, Eberhard và Tarpenning gặp Elon Musk tại buổi gặp mặt của Hiệp hội Sao Hỏa (Mars Society) tại Đại học Stanford. Vào thời điểm này, Musk đã có tiếng trong giới kinh doanh với hàng danh mục các công ty khởi nghiệp thành công.

Tesla được chính thức thành lập vào năm 2003 với mục tiêu phát minh ra một chiếc ô-tô điện mạnh mẽ, thẩm mỹ và thân thiện với môi trường. Ngoài Elon Musk và hai kỹ sư Martin Eberhard và Marc Tarpenning, những người đồng sáng lập khác là JB Straubel - Giám đốc công nghệ cho đến năm 2019, và Ian Wright - người đã rời Tesla vào năm 2004.

Bên trong Đại nhà máy Shanghai. Nguồn: Space X

Bên trong Đại nhà máy Shanghai. Nguồn: Space X

Nhưng chỉ sau 1 năm hoạt động, vì gặp khó khăn tài chính, những người đồng sáng lập Tesla đã trải qua những vòng kêu gọi đầu tư. Với tiềm lực kinh tế, Elon Musk dẫn đầu vòng tài trợ và nhanh chóng tham gia với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ đó, Elon Musk nắm giữ quyền Giám đốc điều hành, trở thành gương mặt đại diện của Tesla và thường bị nhầm là người sáng lập công ty.

Tesla dưới thời Elon giữ vững triết lý, tiếp tục tập trung vào việc tạo ra ô-tô điện và chế tạo các bộ phận và hệ thống truyền động cho xe điện. Trải qua trầm lắng của những năm đầu, tính đến năm 2023, công ty có mạng lưới gần 450 cửa hàng và phòng trưng bày, 100 trung tâm dịch vụ và hơn 50.000 đầu sạc tại 5.500 trạm sạc Supercharger rải khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Châm ngôn của Tesla là tập trung vào 1 sản phẩm trong 1 thời điểm. Vào năm 2012, Tesla bắt đầu sản xuất mẫu xe sedan điện đại chúng đầu tiên, Model S. Sự ra mắt thành công của Model S đã đưa Tesla trở thành một đột phá trong ngành công nghiệp ô-tô.

Tesla nhanh chóng nối tiếp Model S bằng một mẫu SUV khác là Model X ra mắt vào năm 2015. Model 3 được giới thiệu vào năm 2017 với giá thành hấp dẫn cho một chiếc sedan, nhanh chóng trở thành mẫu xe điện thành công nhất cho đến nay. Và mới nhất là mẫu crossover Model Y. Có thể thấy, các sản phẩm mới hướng tới đối tượng người tiêu dùng đa dạng hơn với những mức giá trung bình.

Elon Musk từng nhận định, các công nghệ mới ban đầu đều có chi phí sản xuất rất cao trước khi có thể tối ưu hóa, điều này cũng không kém phần đúng đối với ô-tô điện.

Hệ thống lắp ráp tự động hóa với những cánh tay cơ khí. Nguồn: SpaceX

Hệ thống lắp ráp tự động hóa với những cánh tay cơ khí. Nguồn: SpaceX

Chiến lược của Tesla là đầu tiên, thâm nhập vào phân khúc cao cấp của thị trường, nơi khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền, sau đó đẩy thị trường xuống nhanh nhất có thể, qua đó đạt được số lượng doanh số cao hơn và giá thành thấp hơn với mỗi mẫu xe tiếp theo được công bố. Để duy trì tính cạnh tranh trong thị trường ngách, Tesla Motors đã mở rộng hoạt động trên toàn cầu với các địa điểm ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Ngoài ra, để giảm chi phí cho các bộ pin lithium-ion sử dụng cho xe điện, Tesla và các đối tác chiến lược quan trọng, bao gồm Panasonic, đã đầu tư xây dựng Đại nhà máy Gigafactory Nevada (Mỹ) và Đại nhà máy Gigafactory Thượng Hải (Trung Quốc) để sản xuất mẫu Model 3, bộ pin và các sản phẩm lưu trữ năng lượng, tối ưu hóa nhân lực trong nước.

Đến thời điểm 2023, thị trường ô-tô điện đang ngày càng phát triển, với sự tham gia của các nhà sản xuất ô-tô từ bình dân như Honda, Toyota, Huyndai tới hạng cao cấp như Mercedes Benz, BMW hay hạng sang Porsche. Các nhà phân tích dự báo, tổng doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ chiếm khoảng 29,5% tổng doanh số bán ô-tô mới vào năm 2030.

Không có gì có thể bảo đảm tương lai, thế nhưng, thực tế cho thấy, Elon Musk và Tesla Motors đã chuyển đổi từ một công ty khởi nghiệp thành một công ty có uy tín trong ngành công nghiệp ô-tô. Đây là điều không thể chối cãi và là câu chuyện phi thường về vị trí tiên phong của Tesla trong lĩnh vực ô-tô điện.

LIỆU SPACEX SẼ MỞ RA KỶ NGUYÊN THUỘC ĐỊA VŨ TRỤ?

“Tôi nghĩ nhân loại đang ở bình minh của kỷ nguyên mới về thương mại hóa lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ”

– Elon Musk –

Từ năm 1969-1972, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã phóng những tên lửa lớn nhất trong lịch sử để đưa các phi hành gia NASA lên mặt trăng. Neil Amstrong trở thành người đầu tiên bước đi trên mặt trăng, đánh dấu một bước tiến lớn của nhân loại. Nhưng cũng kể từ đó, người Mỹ chưa từng trở lại mặt trăng và các sứ mệnh không gian có người lái cũng dừng triển khai. 

Và không phải là công ty chính phủ nào, mà chính công ty tư nhân của Elon Musk đã quyết tâm khơi lại niềm đam mê đó. SpaceX từ đó gia nhập ngành hàng không vũ trụ với một sứ mệnh còn táo bạo gấp nhiều lần: Đưa con người lên sao Hỏa và sinh sống ở đó.

Năm 2001, Elon Musk đã trả tiền để có ghế trong hội đồng quản trị của Hiệp hội Sao Hỏa, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc thám hiểm Sao Hỏa, mong muốn con người thuộc địa hóa Hành tinh Đỏ.

Cùng với cố vấn hàng không vũ trụ Michael Griffin, họ bắt tay tới Nga để mua tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (Intercontinental ballistic missile - ICBM). Tuy nhiên, người Nga không đồng ý thỏa thuận của Elon Musk. Trở về từ chuyến đi mà trắng tay, Elon Musk quyết định chế tạo một chiếc tên lửa của riêng mình.

Sử dụng kiến ​​thức sâu rộng về công nghệ phần mềm, vật lý, Musk bắt đầu chế tạo một loại tên lửa tiết kiệm chi phí hơn bất kỳ tên lửa nào từng được tạo ra trong ngành vũ trụ. Ông đã bán các công ty PayPal và Zip2 của mình với giá gần 2 tỷ USD để thành lập công ty vũ trụ của riêng mình, SpaceX vào năm 2002.

Trụ sở Starbase của SpaceX tại Boca Chica - Texas - Mỹ

Trụ sở Starbase của SpaceX tại Boca Chica - Texas - Mỹ

Mục tiêu “tối thượng” của SpaceX là chinh phục Sao Hỏa. Tuy nhiên, họ cần bắt đầu lại từ những nền móng ban đầu như xây dựng cơ sở tệp khách hàng yêu thích vũ trụ và muốn sử dụng dịch vụ của SpaceX, từ đó mang về doanh thu để tài trợ cho sứ mệnh cao cả - tương tự như cách làm đã thành công ở Tesla. 

Với sự giúp đỡ từ người bạn cũ Michael Griffin - người sau này trở thành Quản trị viên của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), SpaceX đã được tài trợ cho tên lửa đầu tiên - Falcon 1. Mặc dù khởi đầu không mấy suôn sẻ, tên lửa này đã đạt được độ cao quỹ đạo tầm thấp (2000km) vào năm 2008, mang lại cho công ty tàu vũ trụ những bản hợp đồng tài trợ giá trị.

Đến nay, trải qua 20 năm kinh nghiệm trong ngành, Elon Musk cùng công ty sản xuất và chế tạo tên lửa Mỹ đã tuyển dụng hơn 13.000 nhân lực, mang về doanh thu hằng năm trên 2 tỷ USD. 

SpaceX đang tiếp tục tập trung chế tạo tên lửa có khả năng chở trọng tải và hành khách đến quỹ đạo tầm thấp, đặc biệt chú trọng hợp tác với nhiều tổ chức hàng không vũ trụ tư nhân và chính phủ, đặc biệt là NASA. 

SpaceX cùng với Tesla - 2 công ty lớn nhất của Elon Musk đều đang ở đỉnh cao thế giới công nghệ. Cùng nhau, hai “gã khổng lồ” này đồng thời dẫn đầu thị trường tàu vũ trụ và xe ô-tô điện.

Ảnh: The WIRED

Ảnh: The WIRED

Để thống trị ngành công nghiệp vũ trụ, SpaceX kiến tạo đặc điểm nổi bật của công nghệ tên lửa: Tái sử dụng các bộ phận của tên lửa, bao gồm cả tàu ​​vũ trụ và tên lửa đẩy chính. Từ đó, Elon Musk có thể cắt giảm một khoản đáng kể chi phí lớn để có thể có nhiều thử nghiệm, đạt được thành công nhanh chóng.

Ý tưởng về tên lửa tái sử dụng đã từng bị các nhà khoa học, kỹ sư bác bỏ và thậm chí chẳng bao giờ được nhắc tới. Các công ty hàng không mãi “đi theo lối mòn”, phóng tên lửa nhưng phải xây dựng lại hoàn toàn cho những lần phóng tiếp theo, khiến chi phí vô cùng tốn kém và mất thời gian.

Để rồi vào năm 2011, SpaceX công bố phát triển hệ thống phóng tên lửa có thể tái sử dụng, mở ra bước đột phá trong ngành hàng không vũ trụ.

Elon Musk ra mắt tên lửa Falcon Heavy - tên lửa mạnh nhất thế giới vào thời điểm 2011. Musk quyết định chế tạo tên lửa để đưa các vệ tinh lớn hơn vào quỹ đạo. Ảnh: AFP

Elon Musk ra mắt tên lửa Falcon Heavy - tên lửa mạnh nhất thế giới vào thời điểm 2011. Musk quyết định chế tạo tên lửa để đưa các vệ tinh lớn hơn vào quỹ đạo. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, để đạt được công nghệ tân tiến này không đơn giản, Elon Musk cùng các kỹ sư SpaceX đã tốn 4 năm công sức và tiền bạc để phát triển hệ thống hạ cánh thẳng đứng. Mà theo lý thuyết, trước khi tên lửa vượt ra ngoài bầu khí quyển, thiết bị sẽ kích hoạt cơ chế đẩy tên lửa đẩy chính, định hướng và bắt đầu hạ cánh theo phương thẳng đứng như lúc cất cánh.

SpaceX đánh dấu cột mốc khi lần đầu tiên hạ cánh và phục hồi thành công tên lửa vào tháng 12/2015 với Chuyến bay Falcon 9 số 20. Vào tháng 4/2016, công ty tiếp tục hạ cánh thành công lần đầu tiên trên Tàu không người lái tự hành của sân bay vũ trụ (ASDS) trên Đại Tây Dương. Vào tháng 5 năm 2019, SpaceX đã phóng lô lớn đầu tiên gồm 60 vệ tinh Starlink, bắt đầu triển khai chùm vệ tinh thương mại lớn nhất thế giới vào năm sau.

Công ty đã huy động được 1,33 tỷ USD qua 3 vòng cấp vốn trong năm 2019. Đến tháng 5 năm 2019, định giá của SpaceX đã tăng lên 33,3 USD tỷ và đạt 36 tỷ USD vào tháng 3 năm 2020.

Cột mốc quan trọng nữa mà SpaceX đạt được vào tháng 5/2020. Công ty đã đưa thành công 2 phi hành gia NASA - Doug Hurley và Bob Behnken vào quỹ đạo trên tàu vũ trụ Crew Dragon, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia lên Trạm Vũ Trụ Quốc tế (ISS).

Trong những khoảng thời gian này, một trong những ưu tiên của Elon Musk là hoàn thành Starship.

Tàu Starship.

Tàu Starship.

Tàu vũ trụ Starship và tên lửa Super Heavy của SpaceX – được gọi chung là Starship – tên lửa hạng siêu nặng cao 120m, đặc biệt có thể tái sử dụng (thay vì chỉ 1 lần như tên lửa truyền thống), được đặt mục tiêu chở phi hành đoàn và hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất tầm cao (HEO), Mặt trăng, Sao Hỏa và xa hơn thế nữa. Starship được Elon Musk kỳ vọng là phương tiện mạnh nhất thế giới từng phát triển.

Lý thuyết hoạt động Starship: Để toàn hệ thống Starship cất cánh, đầu tiên, Super Heavy được kích hoạt với 33 động cơ Raptor,  tạo ra khoảng 16,5 triệu tấn lực đẩy. Khi đạt được độ cao nhất định, Super Heavy sẽ tách tàu vũ trụ Starship, tên lửa phóng này sẽ đáp trở lại điểm phóng vừa rồi. Trong khi đó, Starship khai hỏa 3 động cơ Raptor Vacuum (RVAC) để tiến qua các tầng khí quyển dưới sự bảo vệ của các tấm chắn nhiệt. Khi muốn hạ cánh, Starship sẽ khởi động 3 động cơ Raptor để dần hạ thấp độ cao theo chiều thẳng đứng giống như lúc cất cánh.

Động cơ Raptor.

Động cơ Raptor.

Thế nhưng vào ngày 20/4 vừa qua, chuyến bay thử nghiệm quỹ đạo đầu tiên của Starship đã kết thúc trong một vụ nổ giữa không trung trên Vịnh Mexico trước khi tách tên lửa đẩy.

Sau khi phóng, nhiều động cơ trong bộ tăng áp dần dần bị hỏng khiến phương tiện đạt tốc độ tối đa muộn hơn dự định. Cuối cùng, tên lửa mất kiểm soát và quay vòng cho đến khi hệ thống chấm dứt chuyến bay tự động được kích hoạt, phá hủy tên lửa theo chủ đích. Elon Musk và SpaceX đã công khai coi chuyến bay thử nghiệm này là một thành công.

"Chúc mừng nhóm SpaceX về một lần phóng thử Starship thú vị! Chúng ta đã học được rất nhiều điều cho lần phóng thử tiếp theo sau vài tháng nữa", tỷ phú Musk viết trên Twitter ngay sau khi phóng tàu Starship.

Hiện nay, dự án của Elon Musk đang chờ chính quyền duyệt cấp phép lần phóng tiếp theo. Song người giàu nhất thế giới vẫn đầy niềm tin con người có thể bước vào kỷ nguyên thuộc địa vũ trụ.

Video lần phóng đầu tiên của Starship.

Video lần phóng đầu tiên của Starship.

ĐẨY MẠNH LĨNH VỰC Y KHOA CÙNG NEURALINK

“Tôi luôn lạc quan nhưng cũng rất thực tế. Sự thành công của Tesla và SpaceX không nằm trong dự tính của tôi... Chỉ là tôi nghĩ chúng là những điều quan trọng dù thế nào cũng cần phải làm”.

– Elon Musk –

Mục tiêu của Tesla và SpaceX là tái định nghĩa hoạt động của con người trong tương lai. Còn tầm nhìn của Neuralink là tái định nghĩa thể trạng con người trong tương lai.

Khát vọng tiếp theo của tỷ phú Elon Musk chính là cấy ghép chip vào não con người, mà qua đó, nhân loại chúng ta như được “nâng cấp”. Trong tương lai gần, Musk muốn công nghệ của mình giúp con người cải thiện các tình trạng bệnh não, nâng cao năng lực não bộ như ghi nhớ, xử lý thông tin, hay thậm chí, điều khiển máy móc chỉ bằng suy nghĩ, vượt xa hơn nữa là phá bỏ khả năng hạn chế của con người.

Thiết bị chip của Neuralink.

Thiết bị chip của Neuralink.

Neuralink được thành lập vào năm 2016 bởi Elon Musk cùng 8 cộng sự. Kể từ khi thành lập, công ty đã tuyển dụng nhiều nhà thần kinh học danh tiếng đến từ nhiều trường đại học Mỹ. Đến tháng 7/2019, Neuralink nhận được 158 triệu USD tài trợ (trong đó 100 triệu USD là từ Musk) để duy trì hoạt động của đội ngũ gồm hơn 90 nhân sự.

Kể từ năm 2018, Neuralink có trụ sở tại quận Mission, San Francisco, chia sẻ một tòa nhà văn phòng với OpenAI, một công ty khác do Musk đồng sáng lập. Musk là chủ sở hữu đa số cổ phần của Neuralink kể từ tháng 9 năm 2018, nhưng không giữ vị trí điều hành. Vai trò Giám đốc điều hành (CEO) thuộc về Jared Birchall, người cũng đóng vai trò Giám đốc tài chính (CFO) và Chủ tịch Neuralink. Tuy thế, với sự mật thiết giữa Musk và Birchall, cùng với tiềm lực tài chính của Musk, có thể nói Musk mới là người đứng sau những quyết định của Neuralink.

Neuralink tuyên bố, công ty đang nỗ lực phát triển một thiết bị chip giống như “máy may" có khả năng cấy các sợi thần kinh rất mỏng vào não. Cristin Welle, nhà nghiên cứu thần kinh học tại Đại học Colorado (Mỹ), mô tả “máy may” sẽ sử dụng “các điện cực nhỏ, siêu linh hoạt được cấy trực tiếp vào mô não để 'lắng nghe' sự giao tiếp giữa các tế bào thần kinh".

Chi tiết thiết bị chip của Neuralink.

Chi tiết thiết bị chip của Neuralink.

Tuy nhiên, cấy ghép não không còn là câu chuyện xa vời với giới y khoa các nước phát triển. Neuralink không phải là hình mẫu tiên phong của Elon Musk ở ngành y khoa não bộ, không phải sự đột phá công nghệ như Tesla ở ngành ô-tô điện và SpaceX ở ngành hàng không vũ trụ. 

Từ lâu, các công ty như Blackrock Neurotech và Synchron đã bắt đầu thử nghiệm cấy chip vào não người, đạt được sự thành công khi điều trị hiệu quả các bệnh về não như Parkinson. Song, Neuralink nhận được sự quan tâm đầu tư và chú ý của truyền thông khi có mối liên hệ với cái tên Elon Musk.

Bằng cách cho phép bộ não con người giao tiếp trực tiếp với máy tính và các thiết bị khác, các công ty công nghệ hy vọng có thể giúp con người lấy lại những khả năng đã mất do chấn thương hoặc bệnh tật. Ví dụ như, chíp máy ảnh có thể sử dụng để kích thích các vùng não liên quan đến thị giác, qua đó phục hồi thị lực, hoặc tay chân robot có thể được kết nối tới vùng não điều khiển chuyển động.

Thế nhưng, Elon Musk và Neuralink cũng nhận phải những chỉ trích…

Công ty Neuralink thí nghiệm bằng cách phẫu thuật cấy ghép vào não của động vật sống như khỉ, lợn và một số động vật có vú khác. Dĩ nhiên, các phương pháp của Neuralink đã bị chỉ trích nặng nề bởi các tổ chức phi lợi nhuận như Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA).

Biếm họa Elon Musk và Neuralink.

Biếm họa Elon Musk và Neuralink.

Vào năm 2021, Neuralink đã cấy thiết bị sai kích cỡ cho 25/60 con lợn. Tất cả những con lợn sau đó đều bị giết - một sai sót mà các nhân viên cho rằng có thể dễ dàng tránh được nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Vào tháng 12/2022, Neuralink bị Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều tra liên bang về các vi phạm đối xử với động vật. Ngoài ra, một báo cáo của Reuters trích lời kể của các nhân viên Neuralink, cho rằng quá trình thử nghiệm gấp rút theo yêu cầu của Elon Musk dẫn tới sự đau đớn và cái chết không cần thiết cho những động vật thí nghiệm. 

Cùng năm, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã từ chối đơn đăng ký tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người của Neuralink với lý do lo ngại về an toàn của pin lithium được sử dụng trong chip, khả năng các sợi thần kinh di chuyển đến vùng khác của não, các câu hỏi về các sử dụng thiết bị và quy trình tháo gỡ mà không làm tổn thương mô não”.

Thế nhưng vào tháng 5, FDA đã cấp cho Neuralink quyền miễn trừ thiết bị nghiên cứu (IDE), cho phép công ty bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thiết bị cấy ghép não ở người. 

Hôm 19/9, Neuralink cũng cho biết đã nhận được sự chấp thuận từ hội đồng đánh giá độc lập để bắt đầu tuyển dụng cho cuộc thử nghiệm đầu tiên trên người về phương pháp cấy ghép não cho bệnh nhân bị liệt. Những người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu có các bệnh như liệt do chấn thương hoặc xơ cứng teo cơ.

Elon Musk và khát vọng phát triển công nghệ lĩnh vực y khoa.

Elon Musk và khát vọng phát triển công nghệ lĩnh vực y khoa.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian để Neuralink có thể chứng minh thiết bị an toàn đối với con người thì cần phải mất vài năm, để công ty khởi nghiệp này bảo đảm được giấy phép sử dụng thương mại thì có thể hơn một thập kỷ. Neuralink cũng đang phải cạnh tranh với các công ty công nghệ thần kinh khác đã cấy ghép thành công thiết bị vào não người. 

Mặc dù vấp phải những ý kiến trái chiều, giá trị của Neuralink đang không ngừng tăng vọt. Theo nguồn tin của Reuters, công ty khởi nghiệp này được định giá gần 2 tỷ USD trong vòng gây quỹ tư nhân 2 năm trước, và hiện giá trị khoảng 5 tỷ USD dựa trên các giao dịch chứng khoán được thực hiện riêng tư. 

Mặc dù những người cầm đầu của Neuralink chịu sự giám sát liên bang vì những xung đột tài chính tiềm ẩn hay vi phạm quyền động vật, Elon Musk cùng các cộng sự vẫn đang hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ y khoa này. Theo đó, cổ phiếu Neuralink mà một số thành viên nắm giữ đã tăng giá trị khoảng 150% chỉ sau 2 năm, dựa trên các giao dịch thứ cấp.

Với dòng tiền đổ về, Elon Musk tiếp tục có thể thực hiện những ý tưởng táo bạo, mang đến những công nghệ đột phá, thay đổi cuộc sống của con người, thậm chí mở ra cuộc cách mạng vũ trụ dường như không còn quá xa vời thực tế.

Elon Musk (trái) cùng em trai Kimbal thời thơ ấu. Ảnh: Maye Musk

Elon Musk cùng em gái Tusco và em trai Kimbal vào năm 1976. Ảnh: Maye Musk

Trong cuốn cách của mẹ mình - Maye Musk, Elon Musk được mô tả “Từ những ngày còn bé, Elon đọc tất cả mọi thứ và có niềm đam mê với trò chơi điện tử. Ảnh: Maye Musk

Elon Musk ăn mừng sinh nhật tuổi 18. Ảnh: Maye Musk

Giám đốc điều hành PayPal - Peter Thiel (trái) và Musk chụp ảnh tại trụ sở công ty ở Palo Alto, California, vào năm 2000. Ảnh: Paul Sakuma/AP

Elon Musk bên cạnh tàu vũ trụ Dragon của SpaceX vào năm 2008. Ảnh: Getty

Elon Musk cùng đội ngũ kỹ sư SpaceX theo dõi tên lửa Falcon 1 cất cánh vào năm 2008. Đây là tên lửa nhiên liệu lỏng đầu tiên do công ty tư nhân phát triển bay vào quỹ đạo. Ảnh: Getty

Musk tạo dáng bên chiếc Tesla trong chuyến thăm Amsterdam, Hà Lan vào năm 2014. Ảnh: AFP

- Chỉ đạo sản xuất: Ngô Việt Anh

- Nội dung: Phan Thạch

- Trình bày: Thi Uyên

- Đồ họa: Tạ Lư