DU LỊCH ĐIỆN BIÊN:
Cất Cánh từ mảnh đất lịch sử

Tháng 4/2023, cựu chiến binh Cầm Văn Trường tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ lại tất bật đón đoàn khách hơn 20 người đủ mọi quốc tịch tới homestay của mình. Cách đó chưa đầy 1 cây số, chủ cơ sở lưu trú Phương Đức cũng đang giới thiệu về lịch sử, cảnh quan Mường Phăng cho 4 cặp vợ chồng người Australia.

6 năm về trước, cả Trường, Đức và rất nhiều người dân khác tại các bản, làng của tỉnh Điện Biên không ai dám nghĩ tới việc sẽ làm, và thành công với mô hình du lịch cộng đồng. Thế nhưng, chiến lược phát triển với sự chung tay của người dân, chính quyền, các chuyên gia độc lập, dựa trên những lợi thế về lịch sử, tự nhiên; kết hợp với việc lập kế hoạch, quản lý khoa học đã mở ra một cơ hội mới cho họ.

Đây có lẽ cũng chính là hướng đi để ngành công nghiệp không khói tại Điện Biên có cơ hội chuyển mình...

LẤY DU LỊCH LÀM MŨI NHỌN PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và nổi tiếng với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, hội tụ tinh hoa văn hóa Tây Bắc, ngành du lịch Điện Biên đang đứng trước thời cơ lớn để phát triển bứt phá. Đặc biệt,  cuối năm 2023, Dự án đầu tư, xây dựng và mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đã hoàn thành, đi vào hoạt động, trực tiếp kết nối Điện Biên với hai trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo cho tỉnh một lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực.

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định rõ sẽ lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn để phát triển. Trong đó, tỉnh xác định “Phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch…”.

Cũng theo Quy hoạch, nhiệm vụ phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch. Tỉnh xác định phát triển du lịch một cách bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc, gắn phát triển với quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Với tầm nhìn chiến lược được xác địn rõ trong quy hoạch, tỉnh Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành du lịch tỉnh Điện Biên xác định là tập trung đi sâu khai thác sản phẩm du lịch lịch sử, gắn với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó, tập trung giới thiệu, quảng bá Bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, gắn với khai thác phòng trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

CƠ HỘI CẤT CÁNH TỪ
MẢNH ĐẤT LỊCH SỬ

Càng tới gần những ngày tháng 5 lịch sử, Điện Biên càng trở nên nhộn nhịp hơn. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến Điện Biên đã tăng vọt và đặc biệt trở nên đông hơn từ nửa cuối tháng 3. Trung bình, ước tính tỉnh đón tiếp 3.000-5.000 lượt khách tham quan, du lịch công tác.

Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm, đã có đến 845 nghìn lượt du khách “chạm ngõ” mảnh đất chiến trường xưa, tăng 1,86 lần so với cùng kỳ năm trước. Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ cũng căng mình khi đón trung bình 3.000 khách mỗi ngày.

Ông Phạm Văn Thăng, cho hay, thời gian tới đây, khi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra, lượng khách sẽ còn tiếp tục tăng cao, từ đó khiến vấn đề cơ sở lưu trú trở nên “nóng” hơn.

Toàn tỉnh Điện Biên có 205 cơ sở lưu trú du lịch với gần 2.800 phòng, công suất 5.100 giường nhưng đều trong tình trạng đầy khách. Chị Diệu Thúy, chủ một cơ sở lưu trú tại thành phố Điện Biên Phủ cho hay, chị đã tạm dừng việc nhận đoàn từ ngay đầu tháng 4 đến tận giữa tháng 5 do đã kín lịch từ trước.

Thừa nhận cơ sở lưu trú quá tải trước nhu cầu tăng cao của du khách, ông Thăng cho biết, hiện tỉnh Điện Biên đã và đang đẩy mạnh việc vận động tối đa các hộ gia đình có nhà đáp ứng các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cơ sở vật chất tối thiểu tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã chủ động hướng dòng khách tới các bản làng, nơi mô hình du lịch cộng đồng đang phát triển bài bản, khoa học. Anh Trần Hải Anh, cán bộ Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên (CCD) cho biết, hiện, CCD đã chủ động tư vấn, đưa khách tới lưu trú tại các homestay chung quanh thành phố Điện Biên Phủ, đặc biệt là tại Mường Phăng.

“Với khoảng cách chỉ trên dưới 20km từ trung tâm thành phố, lại là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Mường Phăng là điểm đến không thể bỏ qua khi tới với Điện Biên. Đặc biệt, các homestay ở đây đều bảo đảm chất lượng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách”, Hải Anh chia sẻ thêm.
Anh Trần Hải Anh, Cán bộ Quỹ Phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên

Ngoài Mường Phăng, hiện toàn tỉnh có tới 11 bản văn hóa du lịch; 6 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng đáp ứng cho 83.000 lượt khách du lịch cùng một thời điểm.

Nhìn xa hơn, mô hình du lịch cộng đồng khi được làm bài bản, khoa học, có hoạch định với sự chung tay của cả chính quyền, người dân và các chuyên gia sẽ mở ra cơ hội đổi đời thực sự và bền vững.

Những người nông dân vốn chỉ biết đến ruộng đồng sẽ biết cách làm giàu trên chính quê hương. Ở phía ngược lại, chính họ cũng sẽ trở thành lực lượng tìm cách giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống để vừa phục vụ du khách, vừa giữ nguồn sinh kế dài lâu. Những điệu xòe Thái, lễ xuống đồng, té nước hay buộc chỉ cổ tay… cũng có cơ hội để “sống” trong không gian của riêng mình.

Những ngày ở Điện Biên, như một thói quen cố hữu, chúng tôi hay ra ngắm cầu Mường Thanh mỗi buổi chiều về. Dòng Nậm Rốn mùa này nước cạn, lộ ra những bãi sỏi đá lổn nhổn xa xa. Khi đang cố nhẩm đếm số nhịp cầu bắc qua sông, chúng tôi chợt thấy chiếc máy bay cỡ lớn vụt cất cánh lên từ sân bay Điện Biên cách đó một quãng đường.

Ở phía cảng, dòng du khách cũng đang tấp nập đến làm thủ tục check-in. Mặc dù tăng đột biến, song không hề có hiện tượng ùn ứ cục bộ tại nhà ga hành khách, ngay cả trong các khung giờ cao điểm.

Đây là một trong những kết quả rõ nét nhất của Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2023 sau 22 tháng quyết liệt triển khai, sớm hơn so với tiến độ Bộ Giao thông vận tải đề ra một tháng. Công trình đi vào sử dụng đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và các du khách khi đến với mảnh đất giàu truyền thống lịch sử.

Trong nắng chiều, giữa nền trời biếc xanh, chuyến bay lướt qua cây cầu đã, đang và sẽ nối nhịp lịch sử, từ quá khứ qua hiện tại hướng tới tương lai; lướt qua cả hầm Đờ Cát và cánh đồng Mường Thanh đang vào dịp trổ đòng.

Phút chốc, chúng tôi lặng cả đi, ngước mắt mãi tới khi bóng “chim sắt trên trời” khuất nẻo. Hình ảnh ấy như một chỉ dấu, một niềm tin rằng: Du lịch nói riêng và cả tỉnh Điện Biên nói chung đang có cơ hội lớn để cất cánh, vươn cao trên mảnh đất anh hùng này.

- Chỉ đạo sản xuất: NGỌC THANH

- Nội dung: HỒNG MINH, LÊ LAN, THIÊN LAM, SƠN BÁCH

- Trình bày: BÌNH NAM