Độc đáo lễ hội

TRUNG THU TUYÊN QUANG

Đến hẹn lại lên, từ hơn chục năm nay, cứ vào mỗi dịp Tết Trung thu, người dân Thành phố Tuyên Quang lại dành cho trẻ em nơi đây những đêm hội rước đèn vô cùng đặc biệt. Những mô hình đèn khổng lồ với đủ loại hình các nhân vật gắn liền tuổi thơ và văn hóa dân gian, lịch sử… được chế tác công phu, lộng lẫy. Những cỗ xe chở các em nhỏ hò reo náo nhiệt khắp phố phường… tạo nên nét văn hóa hết sức độc đáo và ý nghĩa.


Rước đèn “tự phát” từ tình yêu thương dành cho các em nhỏ

Người dân Thành Tuyên (thành phố Tuyên Quang) không thực sự để ý về thời điểm những chiếc đèn khổng lồ đầu tiên xuất hiện, có người nói từ 2004, có người nói từ 2006. Lúc đầu chỉ có 1 vài tổ dân phố làm mô hình to và kéo quanh khu phố, trẻ em đi theo chung quanh. Sau đó, thấy bà con phấn khởi, các cháu thiếu nhi thích thú, năm sau một số tổ lại tiếp tục làm các mô hình như thế.

Bên cạnh những chiếc đèn trung thu khổng lồ hình ông sao, chú Cuội, ông Tiến sĩ.., quen thuộc, có thêm nhiều mô hình mới độc đáo, gắn liền tuổi thơ như Doraemon, chuột Mickey… Lúc đầu là rước đi bộ. Tuy nhiên, quan sát thấy các cháu cứ chạy theo đám rước đi nhiều sẽ rất mệt, nên người dân thiết kế thêm chỗ ngồi, gắn động cơ để chở các em đi chơi Trung thu. Cứ thế, người dân mỗi tổ dân phố sáng tạo không ngừng nghỉ, từ những ý tưởng bay bổng trong thiết kế mô hình vừa hoành tráng lộng lẫy vừa tiện nghi hiện đại. Mỗi mô hình đều thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ dành cho các em nhỏ hết sức tinh tế.

Người dân ở thành phố Tuyên Quang cho hay, mỗi năm cứ tầm từ cuối tháng 3 là mỗi tổ dân phố đã rục rịch làm đèn. Ban đầu là lên ý tưởng thiết kế mô hình, rồi tính toán nguyên vật liệu, chi phí, thời gian chế tác. Từ đó vận động người dân đóng góp kinh phí, công sức. Tầm tháng 6 âm lịch, các tổ dân phố bắt tay thực hiện. Thấy con em ngày ngày háo hức, các bậc phụ huynh hô hào nhau làm mô hình thật sớm. Đó là thời gian “vui như hội” của các bậc phụ huynh.

Sau giờ làm việc, cơm nước, họ lại tập trung tại một địa điểm, cùng nhau mỗi người một việc. Các em nhỏ thì háo hức từng ngày đợi chiếc đèn khổng lồ của mình thành hình. Và khi mô hình bắt đầu có dáng dấp gần hoàn thiện, cứ tầm 7-8 giờ tối các bạn nhỏ lại háo hức được dong dong ra phố để “cho bằng bạn bằng bè”. Thế là, tối tối, dù chưa đến Trung thu, bà con trong tổ dân phố lại phân công nhau lần lượt đẩy xe đưa các cháu đi chơi, từ đó tạo nên một không khí vô cùng đặc biệt.

Hình ảnh "Đám cưới chuột" trên những bức tranh dân gian Đông Hồ đã được nghệ nhân lồng đèn xứ Tuyên đưa vào tác phẩm của tổ mình lung linh và hoành tráng.

Hình ảnh "Đám cưới chuột" trên những bức tranh dân gian Đông Hồ đã được nghệ nhân lồng đèn xứ Tuyên đưa vào tác phẩm của tổ mình lung linh và hoành tráng.

Theo trí nhớ của nhiều người, chiếc đèn trung thu khổng lồ đầu tiên là hình đám cưới chuột và xuất phát từ phường Tân Quang. Chị Quỳnh cán bộ phường Tân Quang nhớ lại: Tự dưng hôm đó nhà tôi hai ông cháu đi từ chập tối đến muộn không về ăn cơm, tôi chạy đi tìm thì mới thấy đang đi theo một đám rước có hình đèn rất lộng lẫy, hình đám cưới chuột. Không khí náo nhiệt cả phố phường. Từ đó về sau, năm nào cũng xuất hiện những đám rước đèn khổng lồ như vậy, cho đến khi đại dịch Covid-19 ập đến thì bị đứt quãng mất 2 năm.

Đến phường Tân Quang những ngày cuối tháng 7 âm lịch, chúng tôi được trải nghiệm không khí rộn ràng hơn bao giờ hết. Chủ tịch phường Tân Quang Vũ Xuân Quỳnh cho biết: Năm nay, 17/17 tổ dân phố trên địa bàn phường đều có mô hình tham gia. Khởi nguồn của các mô hình lớn là từ phường Tân Quang, cho đến nay phường vẫn là đơn vị đi đầu cả về số lượng lẫn tính mỹ thuật, công phu của mô hình. Mỗi năm 1 mô hình ra đời, không năm nào giống năm nào. Người dân tham gia làm đèn mỗi người mỗi nghề, từ anh thợ làm khung nhôm cửa kính, anh tài xế taxi, cho đến anh thợ mộc, thợ hàn… Cứ mỗi dịp Trung thu đến, gác lại công việc riêng, các anh bỗng chốc trở thành “nghệ nhân” thực thụ thổi hồn, thổi đam mê, nhiệt huyết vào các tác phẩm nghệ thuật.

Ông Nguyễn Hữu Tân, tổ trưởng tổ dân phố 1 chia sẻ : “Sự thành công của các mô hình, nói rộng ra là Lễ hội Thành Tuyên là do sự đồng thuận của nhân dân, chứ 1 vài người, 1 vài ông tổ trưởng dân phố không thể làm được. Chúng tôi chia ra, ai biết nghề mộc làm công tác mộc, ai thạo hàn thì hàn các chi tiết, ai khéo tay, óc thẩm mỹ tốt thì uốn nắn, tạo hình…, phụ nữ tham gia vệ sinh, dọn dẹp, phục vụ nước nôi, các hộ gia đình trong tổ người nấu chè, người đưa bánh, đưa xôi đến ủng hộ, thế rồi cả tổ lại cùng nhau ăn uống nói cười vui vẻ, bàn tán về chiếc đèn của tổ mình cũng như công tác làm đèn của các tổ khác... Ông Tân bật mí: Chi phí làm đèn khá tốn kém, mỗi chiếc từ 70-150 triệu đồng và hoàn toàn do người dân đóng góp, nhưng mọi người đều tình nguyện, vui vẻ ủng hộ.

Phong trào làm đèn trung thu đã trở thành nét văn hóa riêng, được nhân dân trên địa bàn đồng thuận hưởng ứng, sáng tạo và nuôi dưỡng. Toàn thể bà con người góp công, người góp của, cùng chung sức để tổ dân phố nào cũng có một tác phẩm hoàn hảo nhất có thể phục vụ các em nhỏ, ông Vũ Xuân Quỳnh tự hào chia sẻ.

Tối tối, các em nhỏ lại cùng nhau tập trung tại khu vực làm đèn của mỗi tổ dân phố, ngồi sẵn trên xe chờ các bậc phụ huynh đẩy đi chơi Trung thu.

Tối tối, các em nhỏ lại cùng nhau tập trung tại khu vực làm đèn của mỗi tổ dân phố, ngồi sẵn trên xe chờ các bậc phụ huynh đẩy đi chơi Trung thu.

Cậu bé ung dung trên vai bố, tròn mắt thích thú ngắm nhìn những chiếc đèn khổng lồ sáng rực.

Cậu bé ung dung trên vai bố, tròn mắt thích thú ngắm nhìn những chiếc đèn khổng lồ sáng rực.

Lễ hội Trung thu đặc biệt ở Tuyên Quang thể hiện tình yêu thương và sự chăm lo của các bậc cha mẹ, ông bà dành cho các cháu thiếu nhi.

Lễ hội Trung thu đặc biệt ở Tuyên Quang thể hiện tình yêu thương và sự chăm lo của các bậc cha mẹ, ông bà dành cho các cháu thiếu nhi.


Câu chuyện của nghệ nhân
làm đèn khổng lồ

Anh Hoàng Ngọc Tùng ở tổ dân cư số 1 phường Tân Quang được bà con nơi đây gọi là “nghệ nhân của phố”. Vốn làm việc trong ngành thiết kế, nên hồi đầu “nghịch nghịch chơi chơi”, anh mày mò thiết kế mô hình đèn Trung thu lớn để cho trẻ con rước chơi. Về sau, anh được người dân tổ dân phố tin tưởng giao nhiệm vụ thiết kế mô hình hằng năm cho tổ. Từ những mô hình đầu tiên với nội dung thiếu nhi đơn giản như “Cuộc dạo chơi của vịt Donald” và “Đoàn tàu”, anh chuyển sang lấy cảm hứng sáng tạo từ lịch sử, văn hóa và cả những chuyện dân gian với “Đêm hội Trống Đồng”, “Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu”, “Âm vang Điện Biên”… Bởi cũng như rất nhiều người khác, anh muốn truyền tải nét đặc sắc của văn hóa dân gian, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ tương lai thông qua những mô hình mình sáng tạo.

Theo anh Tùng, việc lấy ý tưởng thiết kế hằng năm được thực hiện rất nhanh chóng, nhưng làm sao để thể hiện nó trên mô hình đèn rước khổng lồ thường mất khoảng 1 tháng. Nếu ở một số tổ các thiết kế được xây dựng trên máy tính, thì người “nghệ nhân làm đèn Trung thu” của tổ 1 lại ưa thích phác thảo mô hình trong đầu và trên giấy hơn.

Anh Tùng, nghệ nhân làm đèn tổ 1, phường Tân Quang cùng bà con trong tổ dân phố ngày ngày miệt mài hoàn thiện tác phẩm cho mùa Trung thu 2022.

Anh Tùng, nghệ nhân làm đèn tổ 1, phường Tân Quang cùng bà con trong tổ dân phố ngày ngày miệt mài hoàn thiện tác phẩm cho mùa Trung thu 2022.

Năm nay, anh lấy cảm hứng thiết kế từ tích con Rồng, cháu Tiên. Có thể cảm nhận rõ ràng đam mê của anh qua lời diễn giải từng chi tiết nhỏ, từng họa tiết trên sản phẩm của mình. Câu chuyện Âu Cơ-Lạc Long Quân được tái hiện dưới một góc nhìn khác lạ, với lời giải thích cặn kẽ hơn về nguồn gốc của Tiên Hạc, về tình thương của Âu Cơ và Lạc Long Quân dành cho các con. Cách thể hiện mới lạ này cho thấy việc thiết kế cũng đòi hỏi một sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng để làm sao cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Sau khi thiết kế được hoàn thành, tất cả mọi người trong tổ dân phố sẽ cùng bắt tay vào dựng mô hình tổng thể và tiến hành điều chỉnh các chi tiết, vật liệu sao cho phù hợp, vừa để tăng tính mỹ thuật, vừa để bảo đảm an toàn khi vận hành trên đường phố. Anh Tùng cho biết thêm, dù mô hình mang tên “Chuyện tình Âu Cơ”, nhưng hình ảnh Âu Cơ buộc phải di chuyển đến toa xe thứ 3. Điều chỉnh này để bảo đảm an toàn khi vận hành trên đường phố và thuận tiện hơn cho người điều khiển.

Anh cũng cho biết, thời gian hoàn thành mô hình thường tiêu tốn thêm 1 tháng nữa, khi đó, rất nhiều người phải tạm gác lại công việc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

“Tuy ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng vợ tôi luôn ủng hộ hết mình. Cả hai vợ chồng đều mong hoàn thiện mô hình sớm để thỏa mãn sự mong đợi của con, sự háo hức của con khi chứng kiến mô hình ngày càng hoàn thiện hơn là nguồn động lực to lớn cho cả hai”, anh Tùng chia sẻ.

Anh Hoàng Ngọc Tùng

Lễ rước đèn ở Tuyên Quang sẽ ngày càng hoành tráng hơn và lộng lẫy hơn theo thời gian, vì lịch sử và văn hóa của đất nước là kho tàng ý tưởng bất tận, và niềm hạnh phúc khi chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của các con là vô bờ bến.

Câu chuyện của anh Tùng cũng là câu chuyện của nhiều người dân Tuyên Quang. Với lễ hội Trung thu độc đáo của mình, nhiều người dân bình thường tại các tổ dân phố đều trở thành những “nghệ nhân đèn lồng” vì khao khát dành cho những thế hệ tương lai một tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc, tận hưởng và vui chơi trong không khí náo nhiệt của đêm Rằm Trung thu.

Nhiều người bảo nhau, không chỉ các em nhỏ, mà mỗi người dân nơi đây dường như cũng mang trong mình một tâm hồn thơ trẻ với trí tưởng tượng vô cùng bay bổng. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp gần Trung thu là mỗi người dân Tuyên Quang lại hào hứng sáng tạo, thiết kế, tạo ra những sản phẩm tinh thần hết sức độc đáo và lành mạnh, ý nghĩa cho thế hệ con em. Có thể thấy được điều đó trên gương mặt háo hức tự hào của các em nhỏ khi ngồi trên các cỗ xe lộng lẫy như bước ra từ thế giới cổ tích, tự hào vì tài năng sáng tạo của ông bà, bố mẹ được phô diễn, hân hoan đem khoe so tài giữa các tổ dân phố những chiếc đèn đặc biệt của khu phố mình.

“Lễ rước đèn ở Tuyên Quang sẽ ngày càng hoành tráng hơn và lộng lẫy hơn theo thời gian, vì lịch sử và văn hóa của đất nước là kho tàng ý tưởng bất tận, và niềm hạnh phúc khi chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của các con là vô bờ bến”, anh Tùng khẳng định. Anh tin rằng, những khó khăn, vất vả khi đối phó với mưa, bão để gìn giữ mô hình, những trục trặc khi vận hành đều trở thành những kỷ niệm khó phai trong mỗi người. Tất cả đều cảm thấy tự hào khi được góp công, góp sức cho lễ hội dành cho thiếu nhi này, và những đam mê đó sẽ tiếp tục được kế thừa và tiếp tục phát huy từ các thế hệ trẻ. 

NHỮNG ĐÊM RƯỚC ĐÈN LỘNG LẪY

Khác hẳn vẻ tĩnh lặng, yên bình trên đường phố vào ban ngày, khi màn đêm buông xuống, Thành Tuyên rực sáng trong ánh đèn và âm nhạc. Từ khắp các con phố, các đám rước đèn khổng lồ chở đầy trẻ nhỏ đang hối hả dồn về, tập trung tại các tuyến đường chính quanh Quảng trường Nguyễn Tất Thành, nhộn nhịp và lung linh nhất trong khoảng từ 20-22 giờ... sau đó lại trở về các tổ dân phố, tiếp tục hoàn thiện các chi tiết trên mô hình và hôm sau lại diễu hành.

Sau 2 năm phải tạm ngưng vì đại dịch Covid-19, năm nay lễ hội rước đèn Trung thu của Tuyên Quang dường như cũng nóng lòng trở lại từ rất sớm. Theo bà con ở đây, những đám rước rộn ràng đã xuất hiện từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch.  Chúng tôi cũng thực sự rất bất ngờ khi có mặt tại Tuyên Quang vào một đêm cuối tháng 7 âm lịch, chứng kiến không khí nên thơ và náo nhiệt khi các mô hình đèn rước diễu hành khắp các phố. Có vẻ những cảm xúc kìm nén sau 2 năm trầm lắng do Covid-19 đã khiến không khí Trung thu năm nay càng thêm rộn ràng, bùng cháy.

Vừa đi theo các cháu nhỏ, ông Nguyễn Hữu Tân, tổ trưởng tổ dân phố 1 hào hứng: “Thường lệ, khoảng giữa tháng 7, các mô hình có thể chưa hoàn thiện, nhưng nếu thời tiết đẹp, cứ tầm 6-7 giờ tối, chúng tôi thay phiên nhau đẩy xe đưa các em đi chơi. Trung thu của thiếu nhi Tuyên Quang kéo dài từ rằm tháng Bảy đến Rằm tháng Tám. Năm nay thì chúng tôi đi như thế này từ đầu tháng 7 âm lịch, đêm nào cũng vui như hội”.

Ông Tân vui mừng chia sẻ: Những ngày này, người Tuyên Quang ai cũng hồ hởi, rạo rực, mọi người dù không quen biết vẫn vẫy tay chào nhau, trao nhau những nụ cười yêu thương, gắn kết. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, thời tiết có thể nóng bức, nhưng mỗi ngày khi phố lên đèn, bao nhiêu mệt nhọc, vất vả của cuộc sống thường ngày tiêu tan, không gian chỉ còn lại tiếng cười, tiếng hò reo, trên những chiếc xe chở mô hình, trẻ con người lớn ai cũng tự hào với sản phẩm tâm huyết của mình.

Chung vui cùng lễ hội của quê hương, vợ chồng anh Chính (phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang) chia sẻ: Từ nhiều năm nay, lễ hội đã trở thành nếp quen thuộc trong đời sống người dân Tuyên Quang, ai ai cũng vui mừng, phấn khởi và tự hào mỗi dịp Trung thu đến. Mặc dù con trai chưa đầy 1 tuổi nhưng cứ hôm nào tan làm sớm, anh lại đưa bé xuống phố vui hội để tuổi thơ con có thêm những ký ức rực rỡ.

Các em nhỏ luôn được cha mẹ hỗ trợ hết mình để tận hưởng không khí lễ hội.

Các em nhỏ luôn được cha mẹ hỗ trợ hết mình để tận hưởng không khí lễ hội.

Tiến sát đến chiếc xe chở mô hình đèn của tổ 1, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bác Khương Kim Thành, tổ phó tổ dân phố số 1 phường Tân Quang đang say sưa với nhiệm vụ “chèo lái con thuyền đầy ắp nụ cười trẻ thơ”. Chúng tôi quan sát thấy khu vực bác ngồi được trang bị cả 1 chiếc quạt điện trước mặt. Khi được phóng viên hỏi về cảm xúc trên khoang lái, bác thoáng nhăn mặt nhưng miệng thì tươi rói: “Nóng, nói chung là rất nóng, nhưng vui và phấn khởi cực kỳ cháu ạ!”

Đưa tay lau mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, giọng bác vang vang sảng khoái: “Năm nào bác cũng lái, nhưng vẫn rất lo vì xe dài, nhiều toa, lái khó hơn ô-tô nhiều. Bác phải bảo đảm tốc độ chầm chậm như người đi bộ, những lúc vào cua phải nhờ đội ngũ anh em dưới đất dẹp đường, hỗ trợ đánh lái vì mô hình dài, khuất tầm nhìn. Khá mệt nhưng thấy các cháu vui mình cũng phấn khởi. Mô hình năm nay của phường gồm 4 toa, 1 toa trang bị thêm nếu hôm nào các cháu đông quá thì nối thêm vào, cơ bản chạy 4 toa. Những ngày này quê bác rộn ràng lắm, nhiều hôm bác không kịp tắm, cơm nước cũng chưa kịp ăn nhưng cứ thấy các cháu đến ngồi kín xe là đi thôi, hào hứng lắm cháu ạ!”.

Không chỉ là ngày hội của người dân địa phương mà du khách từ nhiều nơi cũng đã tranh thủ về Tuyên Quang những ngày này để chiêm ngưỡng những mô hình đèn lồng khổng lồ đặc biệt và cảm nhận không khí lễ hội Trung thu độc đáo từ rất sớm.

Em Minh Vũ (Hà Nội) cho biết: “Năm nay là lần đầu tiên em được mẹ cho đến Tuyên Quang trải nghiệm không khí trung thu nơi đây. Thực sự em thấy choáng ngợp trước một Tuyên Quang đẹp lung linh đến vậy. Nhiều mô hình đèn khổng lồ do người dân sáng tạo rất đẹp và ngộ nghĩnh, chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, lại được thắp sáng rực nhiều màu lộng lẫy nối đuôi nhau diễu hành, các em nhỏ thì nói cười hạnh phúc, thỏa sức nhún nhảy theo điệu nhạc rộn ràng trên các toa. Em sẽ nhớ mãi những thước phim tuyệt vời này, và có chút ghen tị với trẻ em nơi đây. Các em ấy thật là sung sướng”.

HƯỚNG TỚI FESTIVAL TRUNG THU

Lý giải vì sao lễ hội rước đèn Trung thu Tuyên Quang ngày càng trở nên hấp dẫn, đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang bày tỏ: Đây là một lễ hội hoàn toàn do dân tự phát tổ chức, qua thời gian càng được người dân gìn giữ, sáng tạo, do vậy nó trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của nhân dân mỗi dịp Trung thu. Chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức như là bố trí bảo đảm an ninh trật tự trong những ngày lễ hội, quản lý các dịch vụ để du khách yên tâm khi đến đây mùa Trung thu.

Để giúp người dân chuẩn bị bài bản cho những đêm rước đèn, thì ngay từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, các tổ dân phố đã mở đăng ký ý tưởng thiết kế các mô hình. Từ đó, các phường sẽ tập hợp và thông báo lại để người dân biết mô hình của tổ dân phố mình có bị trùng lặp hay không và tự họ sẽ thay đổi. Điều đặc biệt dễ dàng nhận thấy, đó là tính chất văn hóa dân gian đậm đặc trong các ý tưởng thiết kế mô hình. Bởi đây hoàn toàn là trí tuệ tinh thần của nhân dân, không hề có sự can thiệp hay tham gia của cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên nghiệp nào. Sự hấp dẫn ở đây vì thế lại đến từ những sản phẩm hoàn toàn thủ công, vô cùng phong phú đa dạng và không có cái nào giống cái nào. Kể cả có những mô hình con cá hay con hổ, thì mỗi tổ dân phố lại tạo hình rất khác nhau với những chi tiết độc đáo, ngộ nghĩnh.

Có những người băn khoăn hỏi: Cứ tối tối lại đi diễu hành, các đám rước kéo dài cả tháng, vậy các cháu có chán không? Nụ cười sáng khoái, ánh mắt hân hoan thường trực của các cháu trên cỗ xe đầy ánh sáng chính là câu trả lời thỏa đáng nhất cho thắc mắc trên.

Có những người băn khoăn hỏi: Cứ tối tối lại đi diễu hành, các đám rước kéo dài cả tháng, vậy các cháu có chán không? Nụ cười sáng khoái, ánh mắt hân hoan thường trực của các cháu trên cỗ xe đầy ánh sáng chính là câu trả lời thỏa đáng nhất cho thắc mắc trên.

“Những mô hình của Tuyên Quang như chiếc thuyền đầy ắp trẻ thơ, chở bao ước ao, niềm vui và hy vọng của các cháu thiếu nhi. Đây cũng chính là ý nghĩa nhân văn của lễ hội, tất cả những gì tốt đẹp nhất là để dành tặng cho trẻ em. Đó là những sáng tạo dân gian và vì thế, chúng tôi hết sức tôn trọng và giữ gìn, không có can thiệp. Và đó cũng là điều cốt lõi phải giữ được để lễ hội có sức sống lâu bền theo thời gian”- đồng chí Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Lễ hội Thành Tuyên hiện được coi là Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận như: Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam; “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”.

Xác định đây là một phong trào quần chúng tốt đẹp, có nhiều ý nghĩa, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất cho phong trào này phát triển bền vững, gắn kết với nhiều hoạt động khác để tạo sự hứng khởi cho người dân và thu hút khách du lịch. Mặt khác, đồng chí Nguyễn Văn Hòa cũng cho biết, các ngành chức năng Tuyên Quang cũng đang có kế hoạch bảo tồn và phát huy lễ hội này để mong muốn trở thành một hoạt động văn hóa đặc sắc của cả nước đồng thời thu hút bạn bè quốc tế.

“Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi mời thiếu nhi một số tỉnh thành khác và đặc biệt là thiếu nhi một số nước như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… cùng tham gia để tăng cường giao lưu văn hóa giữa các nước và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cho lễ hội. Các cháu sẽ đến đây và được đón mời lên những chiếc xe chở mô hình đi rước đèn cùng các cháu nhỏ Tuyên Quang, tạo nên tinh thần giao lưu, gắn kết bạn bè quốc tế”- ông Hòa cho biết.

Đoàn đại biểu Ấn Độ ấn tượng với đêm hội Thành Tuyên 2022.

Đoàn đại biểu Ấn Độ ấn tượng với đêm hội Thành Tuyên 2022.

Đồng chí Hòa chia sẻ, tỉnh cũng gắn kết một chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, giúp cho người dân và du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến Tuyên Quang vào dịp này.

Gia đình gà bước ra từ tranh dân gian sống động đầy màu sắc.

Gia đình gà bước ra từ tranh dân gian sống động đầy màu sắc.

"Chúa tể sơn lâm" dũng mãnh.

"Chúa tể sơn lâm" dũng mãnh.

Ngoài những mô hình con vật trong tranh dân gian, truyện cổ tích, các nghệ nhân cũng lồng ghép các câu chuyện lịch sử vào chiếc đèn khồng lồ, giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước cho thế hệ con cháu Bà Trưng Bà Triệu.

Ngoài những mô hình con vật trong tranh dân gian, truyện cổ tích, các nghệ nhân cũng lồng ghép các câu chuyện lịch sử vào chiếc đèn khồng lồ, giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước cho thế hệ con cháu Bà Trưng Bà Triệu.

Mô hình rồng phun nước khiến các em nhỏ vô cùng thích thú.

Mô hình rồng phun nước khiến các em nhỏ vô cùng thích thú.

Item 1 of 4

Gia đình gà bước ra từ tranh dân gian sống động đầy màu sắc.

Gia đình gà bước ra từ tranh dân gian sống động đầy màu sắc.

"Chúa tể sơn lâm" dũng mãnh.

"Chúa tể sơn lâm" dũng mãnh.

Ngoài những mô hình con vật trong tranh dân gian, truyện cổ tích, các nghệ nhân cũng lồng ghép các câu chuyện lịch sử vào chiếc đèn khồng lồ, giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước cho thế hệ con cháu Bà Trưng Bà Triệu.

Ngoài những mô hình con vật trong tranh dân gian, truyện cổ tích, các nghệ nhân cũng lồng ghép các câu chuyện lịch sử vào chiếc đèn khồng lồ, giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước cho thế hệ con cháu Bà Trưng Bà Triệu.

Mô hình rồng phun nước khiến các em nhỏ vô cùng thích thú.

Mô hình rồng phun nước khiến các em nhỏ vô cùng thích thú.

Với quy mô ngày càng hoành tráng, mang đậm tính văn hóa dân gian và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hiện, tỉnh Tuyên Quang giao Sở Văn hóa phối hợp Sở Khoa học công nghệ làm đăng ký nhãn hiệu và hướng lễ hội Thành Tuyên thành “Festival Trung thu Tuyên Quang” để thương hiệu Trung thu xứ Tuyên có thể vượt qua biên giới, trở thành một nét văn hóa đặc sắc không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được biết đến và hưởng ứng rộng rãi bởi bạn bè quốc tế.

Mang ý nghĩa nhân văn cao cả: “Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em” cùng sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền và tất cả người dân, chắc chắn rằng lễ hội Trung thu xứ Tuyên sẽ ngày càng quy mô và có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.   

Ngày xuất bản: 8/9/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung và trình bày: HẢI CHUNG, NGỌC BÍCH, PHƯƠNG NAM, ĐỨC THẮNG
Ảnh: THÀNH ĐẠT