Doanh nhân tuổi Dần tiên phong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam

Cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào năng lượng sạch, không phát thải ra môi trường. Không phải đợi đến lúc Chính phủ “bật đèn xanh”, người đàn ông tuổi Dần, doanh nhân Đỗ Quang Hiển, sinh năm 1962 đã “đau đáu” với vấn đề môi trường, chuẩn bị kỹ các nguồn lực từ 10 năm trước để tiên phong mở “cánh cửa mới” nhằm phát triển bền vững, góp sức cùng Chính phủ thực hiện thành công cam kết tại COP26.

Nhân dịp đầu năm Nhâm Dần, ông Đỗ Quang Hiển, còn được gọi là “Bầu Hiển”, đã chia sẻ nhiều dự định tâm huyết của ông liên quan đến phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.

Mang về 9 tỷ USD đầu tư năng lượng sạch từ Hội nghị COP26

Tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Đoàn Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh thông qua sự tham gia chủ động, tích cực với những thông điệp sâu sắc thể hiện trong các phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị, đặc biệt là cam kết liên quan đến việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu và Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Cộng đồng quốc tế đã thấy rõ hơn chủ trương, quyết tâm, nỗ lực và cam kết chính trị của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia tháp tùng Thủ tướng ký kết được hợp đồng với những đối tác quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26. (Ảnh: TTXVN)

Kết quả là với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thỏa thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng, chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.

Và trong số những hợp đồng ấy, Tập đoàn T&T Group đã mang về 9 tỷ USD để phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam. Cụ thể, ngày 1/11/2021, Tập đoàn T&T Group và Standard Chartered - định chế tài chính quốc tế hàng đầu có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, đã trao biên bản ghi nhớ về việc Standard Chartered tài trợ vốn cho các dự án môi trường và xử lý chất thải, điện khí LNG, năng lượng tái tạo.

Ngân hàng Standard Chartered cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh mà Tập đoàn T&T Group triển khai tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến một số dự án như Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế tại tỉnh Thái Nguyên, dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tại Hưng Yên, dự án Nhà máy xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn tại Hà Nội, dự án Trung tâm điện khí Hải Lăng công suất 1.500 MW tại tỉnh Quảng Trị, các dự án năng lượng tái tạo hiện nay của T&T Group…

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group và ông Patrick Lee, Chủ tịch Standard Chartered Việt Nam, Giám đốc Standard Chartered Singapore và thị trường ASEAN trao biên bản ghi nhớ tài trợ vốn 6 tỷ USD cho các dự án xanh của T&T Group.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group và ông Patrick Lee, Chủ tịch Standard Chartered Việt Nam, Giám đốc Standard Chartered Singapore và thị trường ASEAN trao biên bản ghi nhớ tài trợ vốn 6 tỷ USD cho các dự án xanh của T&T Group.

Tại lễ ký kết, ông Jose Vinals, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, Đông Nam Á tiếp tục là khu vực đối mặt với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo. Do đó, nguồn vốn cần thiết để giúp Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải carbon bằng “0” là rất lớn. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam và rất mong được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon bằng 0”, ông Jose Vinals chia sẻ.

Cũng theo ông, lĩnh vực tư nhân đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực phòng chống biến đổi khí hậu, thông qua việc cung cấp những nguồn vốn cần thiết để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và các lĩnh vực trọng yếu khác.

Ngoài hợp đồng trên, trong chuyến đi này, vào ngày 4/11, T&T Group còn ký hợp đồng với Tập đoàn Total của Pháp, dự định cùng nhau hợp tác đầu tư 3 tỷ USD để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Cụ thể, T&T Group và Tập đoàn Total Eren đã trao đổi biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, hai tập đoàn sẽ cùng nhau xem xét các dự án điện mặt trời và điện gió trên đất liền của T&T Group đã vận hành thương mại và đang đầu tư xây dựng nhằm mục đích cho phép Total Eren tham gia sở hữu một phần các dự án được lựa chọn trên cơ sở hợp lý và công bằng, phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.

Hai tập đoàn cũng thống nhất cùng nhau xác định các dự án mới, xem xét tính khả thi về kỹ thuật, tài chính và quy định của các dự án mới với mục đích cùng đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, và đại diện Tập đoàn Total Eren (Cộng hòa Pháp) trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, và đại diện Tập đoàn Total Eren (Cộng hòa Pháp) trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Total Eren thuộc top 3 tập đoàn lớn nhất của Pháp và top 5 các tập đoàn lớn nhất thế giới. Hiện Total Eren tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên toàn thế giới từ giai đoạn phát triển đến xây dựng và vận hành với tư cách là nhà sản xuất điện độc lập với các dự án điện gió và mặt trời trên bờ có tổng công suất hơn 3,5 GW đang được xây dựng hoặc hoạt động trên 20 quốc gia.

Total Eren đã chọn T&T Group là đối tác đầu tiên và chiến lược tại Việt Nam để cùng thực hiện mục tiêu chinh phục các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo ông Đỗ Quang Hiển, sau khi ký kết với T&T, Total Eren cũng bắt đầu nhắm vào một số dự án mà họ biết, dự kiến hai bên sẽ cho ra đời một công ty liên doanh để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Cũng ngay lập tức sau chuyến đi ấy, ông Đỗ Quang Hiển đã cùng các đối tác bắt tay ngay vào việc triển khai các dự án. Ngày 15/1 vừa qua, Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư chính thức khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 1 - 1.500MW, với tổng vốn đầu tư gần 54 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD). Dù đã có các đối tác Hàn Quốc thực hiện dự án này, Ngân hàng Standard Chartered vẫn sẵn sàng cung cấp vốn đầu tư.

Lễ khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng ngày 15/1/2022.

Lễ khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng ngày 15/1/2022.

Việc hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered sẽ giúp T&T Group tiếp cận nguồn tài chính quốc tế trung và dài hạn cùng những kinh nghiệm quý báu để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xanh tại Việt Nam, đóng góp chung vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo mục tiêu của Chính phủ.

Hiện dự án các công ty thành viên của Tập đoàn T&T đã đầu tư đã hòa lưới điện và đang cùng hợp tác với 20 công ty với công suất trên 1.000 MW điện xanh. “Bầu Hiển” tiết lộ, ông sẽ thuê Standard Chartered tư vấn tái cấu trúc thành Công ty cổ phần năng lượng Tập đoàn T&T.

Hợp tác đầu tư 30 tỷ USD để phát triển điện gió ngoài khơi nhằm thay thế năng lượng hóa thạch

Tại COP26, đánh giá cao cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc giảm phát thải bằng “0” vào năm 2050, các tập đoàn quốc tế cũng đồng thời đề xuất với Thủ tướng các chiến lược phát triển, trong đó nhấn mạnh chiến lược phát triển năng lượng xanh, mà đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Họ đánh giá điện gió là một trong lĩnh vực có thể bảo đảm môi trường xanh, không để lại rác thải; đồng thời lại là thế mạnh của Việt Nam bởi nước ta có bờ biển dài.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, các tập đoàn này cũng đã khảo sát rất kỹ và bài bản, thu thập thông tin từ trên vệ tinh. “Họ đã đi trước mình, họ đã đạt đến đẳng cấp công nghệ cho nên từ nghiên cứu khảo sát cho đến đánh giá về các thông số đầu tư hay không đầu tư, khả thi hay không khả thì họ đi trước chúng ta 20-30 năm. Họ sẵn sàng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về chiến lược điện gió ngoài khơi”, ông Hiển nói.

Với lợi thế của Việt Nam có chiều dài biển hơn 3.200 km và với khảo sát cẩn trọng cũng như kỹ thuật hiện đại, các tập đoàn quốc tế muốn Việt Nam trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của khu vực châu Á. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là khoảng gần 500 GW.

Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi.

Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi.

“Bầu Hiển” cho rằng, một điểm đáng lưu ý nữa hiện nay càng ngày công nghệ càng phát triển; với quy mô, sản lượng dự án về năng lượng điện gió và điện gió ngoài khơi phát triển thì giá thành điện gió sẽ giảm dần, có thể giảm tới một nửa, thậm chí rẻ hơn điện than.

“Thủ tướng cam kết giảm khí thải carbon về 0 thì tôi nghĩ trong quy hoạch điện sửa đổi sẽ phải bỏ bớt điện than, đưa thêm phát triển điện gió vào”, ông Hiển đề xuất.

Hiện nay T&T đang cùng một số đối tác nước ngoài, một số địa phương đề xuất lên Bộ Công thương và Chính phủ, cho phép tham gia đầu tư một số dự án (chủ yếu là điện gió) bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.

Chính phủ cũng đã có điều chỉnh rất nhiều và đang tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các địa phương, các doanh nghiệp. Tại bản dự thảo cập nhật mới nhất của quy hoạch VIII, Bộ Công thương đưa ra kịch bản phát triển 5 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và sẽ tăng lên khoảng 40 GW vào năm 2045.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, phát triển điện gió là cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, phát triển điện gió là cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, hiện nay, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước hầu như đều chưa có kinh nghiệm. “Khi hợp tác với các đối tác lớn của nước ngoài, chúng tôi bất ngờ ngay từ năng lực khảo sát, đánh giá bước đầu trước khi đề xuất đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài họ làm bài bản, kỹ càng, khi họ đề xuất với các tỉnh và Chính phủ thì họ đề xuất luôn công suất bao nhiêu, tọa độ nào, phạm vi nào ở ngoài khơi. Họ đề xuất như vậy bởi họ đã khảo sát tất cả các thông số từ vệ tinh, sức gió, độ sâu của biển… tất cả thông số mà cần đánh giá để xác định dự án đầu tư vào có khả thi hay không. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, chia sẻ thật là có tình trạng “xếp gạch” khi đăng ký đầu tư điện gió ngoài khơi, không dựa trên cơ sở khoa học nào”, ông nói.

Nói đến điện gió, doanh nhân Đỗ Quang Hiển tiết lộ, hiện nay Tập đoàn T&T Group đang hợp tác một số tập đoàn công nghệ của châu Âu lấy cột điện gió, lấy gió để khử nước mặn. Vừa qua đang thí điểm công nghệ dùng cột điện điện gió để khử nước mặn, chống xâm ngập mặn ở ở Ninh Thuận. Đó là một trong những thí dụ về phát triển công nghệ để bảo đảm môi trường.

Ngày 9/9/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tập đoàn T&T Group và tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới Ørsted đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T và ông Martin Neubert, Tổng giám đốc phụ trách Thương mại, Phó chủ tịch Tập đoàn Ørsted ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T và ông Martin Neubert, Tổng giám đốc phụ trách Thương mại, Phó chủ tịch Tập đoàn Ørsted ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).

Trả lời về việc T&T Group đã hợp tác được với nhiều tập đoàn lớn để phát triển năng lượng xanh cho Việt Nam, ông Đỗ Quang Hiển phân tích lý do chính để các đối tác này chọn doanh nghiệp của mình như sau:

“Thứ nhất, so với các doanh nghiệp trên thế giới thì tuổi đời của Tập đoàn T&T chưa nhiều, nhưng so với các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam thì T&T cũng nằm trong nhóm những công ty được thành lập sớm nhất (năm 1993) – nghĩa là kinh nghiệm ở thị trường nội địa là có bề dày rất lớn.

Thứ hai, khi nước ngoài họ tìm đối tác trong nước, thì đầu tiên họ quan tâm quá trình phát triển, trong đó đặc biệt chú ý đến tính cộng đồng, xã hội của doanh nghiệp. Cái này tôi nghĩ cũng là một thế mạnh của T&T Group. Khi chính thức hợp tác, mình với họ thống nhất một mục tiêu tập trung chiến lược, mà đầu tiên là phải bám vào mục tiêu - tầm nhìn chiến lược quốc gia, cùng đóng góp vào đấy, đồng thời 2 bên luôn luôn giữ nguyên tắc Win – Win, đôi bên cùng có lợi”.

Theo ông, lúc đầu các đối tác cũng khó chịu, bởi T&T luôn đề nghị điều kiện phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho phía Việt Nam, để trong thời gian nhất định chúng ta tự chủ được về công nghệ, quản trị.

“Nhiều đối tác gửi thư bày tỏ đánh giá cao T&T Group về tính cộng đồng, luôn luôn muốn con người Việt Nam được tiếp cận, tiếp thu công nghệ, đất nước Việt Nam phát triển bền vững. Nói đến mốc năm 2045, Việt Nam sẽ là nước kinh tế phát triển thì cần cái gì? Cần “Con Người”. Muốn có con người thì phải đào tạo, mà muốn đào tạo con người nhanh nhất là học các đối tác nước ngoài, vừa làm vừa học, không gì bằng thực tế, chuyển giao công nghệ đào tạo tại chỗ”, "Bầu Hiển" nói.

Theo ông, tất cả hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư với các tập đoàn nước ngoài trong các lĩnh vực chứ không phải riêng năng lượng thì Tập đoàn T&T và cá nhân ông luôn yêu cầu đối tác là bên cạnh tài chính thì họ có năng lực về quản trị, công nghệ. Mình giao cho họ quản trị công nghệ để phát triển nhanh, tiếp cận với công nghệ cao 4.0. Đấy là cách tiếp cận vừa hiệu quả trong ngắn hạn, vừa bền vững trong dài hạn.

Nhiều năm ấp ủ biến Việt Nam thành nơi cung cấp công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo

Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, từ khi thành lập doanh nghiệp năm 1993 đến nay, ông được tiếp cận, tiếp xúc, tham gia nhiều cái diễn đàn, hội nghị có các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp quốc tế, các nhà quản lý nước ngoài tham gia.

“Họ đánh giá ở Việt Nam nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, môi trường cũng xuất phát điểm như ở châu Âu cách đây 30-50 năm. Thấy họ phát triển như vậy, điều đầu tiên tôi suy nghĩ là họ cũng xuất phát như mình nhưng tại sao họ đạt được sự phát triển cao như thế trong các lĩnh vực. Mình cũng tìm hiểu về cái chiến lược, cách đi của họ và nghiệm ra rằng điều quan trọng nhất là công tác đào tạo con người. Thứ hai họ có văn hóa môi trường, là họ đào tạo những học sinh trong trường từ nhỏ, có ý thức môi trường”.

“Tôi luôn đau đáu và cũng tìm hiểu, nghiên cứu và đặt vấn đề hợp tác với một số đối tác để phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, cũng có ý kiến với cơ quan quản lý của nhà nước dần dần đưa năng lượng tái tạo vào trong quy hoạch phát triển ngành điện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc này cần có lộ trình, bởi nếu làm sớm quá thì giá điện mặt trời, điện gió rất cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam”, ông cho biết.

Ông Hiển chia sẻ: “Cũng rất may trong 10 năm qua bản thân tôi, cũng như Tập đoàn T&T đã có nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác với một số đối tác, đồng thời hoạch định chiến lược phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ, của Nhà nước khi mở rộng quy hoạch năng lượng tái tạo, kịp thời đăng ký tham gia và đầu tư”.

Sau gần một thập kỷ đặt chân vào năng lượng tái tạo, T&T Group đưa ra ý tưởng xây dựng khu công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo để phục vụ công nghiệp xanh.

Cụ thể, T&T Group đề xuất hợp tác cùng Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) xây dựng Khu công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng các trang thiết bị phục vụ công nghiệp xanh, năng lượng xanh tại khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận với công suất 13,5 triệu tấn/năm. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn sản phẩm, và giai đoạn 2 khoảng 12,0 triệu tấn sản phẩm.

Hiện nay, dự án này đang được nghiên cứu, khảo sát ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Phía Orsted cũng đã đồng ý chủ trương liên doanh đầu tư, tuy nhiên họ cũng bày tỏ băn khoăn quy hoạch trong 10 năm tới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ như thế nào, để họ thấy hiệu quả khi cùng T&T đầu tư khu công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo, ông Hiển cho hay.

T&T Group đã cũng gửi bản đề xuất với Chính phủ cùng các đối tác phải lập liên danh đầu tư khu công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo công nghệ cao tại Việt Nam.

Đây cũng chính là mô hình mà các cường quốc năng lượng tái tạo trên thế giới như Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ… đang vận hành.

Đề xuất xây dựng Khu công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo của T&T Group cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đạt khoảng 30% vào năm 2020; nâng lên đến 60% vào năm 2030; đến năm 2050, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên thế giới đã làm đứt gãy và tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến việc vận chuyển thiết bị, máy móc, vật tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo từ nước ngoài về Việt Nam gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng xây dựng, lắp đặt do thiếu trang thiết bị.

Bên cạnh đó, theo General Electric, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 20% chi phí của một chiếc turbine, trong khi đó chi phí của turbine thường chiếm 33% chi phí của một dự án điện gió. Vì vậy, các turbine sản xuất nội địa sẽ giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả tài chính của các dự án điện gió. Tại Việt Nam, trong bối cảnh giá điện gió đang khó tăng, việc giảm được giá thành càng có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành điện gió.

Doanh nhân tuổi Dần cho biết: “Vừa rồi khi Ngân hàng SHB làm lịch Tết, tôi bảo với bộ phận chuyên môn phải tìm những câu dân gian nói về hổ. Các bạn ấy tìm được rất nhiều câu dân gian nói về hổ, sau đó nhờ các nhà sử học Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan góp ý thêm cho chuẩn”.

Ông kể, ở An Giang, T&T được tỉnh giao cho một dự án lớn, và khi tìm hiểu lịch sử thì ở đấy có ngôi miếu rất linh thiêng, là miếu thờ ông Hổ. Theo các cụ kể lại, ngày xưa có đôi vợ chồng đi vào rừng thấy một ông hổ nằm bị thương, đôi vợ chồng mới đưa về chữa. Sau đó vợ chồng này bệnh tật, khó khăn thì được ông hổ trả nghĩa. Người ta nói ông hổ là biểu tượng của sự khí phách, có tâm, bảo vệ người yếu, giúp người, cứu người.

“Thế là tôi có ý định thu thập các câu nói về hổ lại. Đấy là cái khí chất của người tuổi Hổ. Khí chất mạnh mẽ, thẳng thắn, quyết liệt, hiên ngang, bảo vệ lẽ phải, quyết tâm, và khát vọng dân tộc”, "Bầu Hiển" dốc bầu tâm sự.


Ngày xuất bản: 2/2/2022
Tổ chức thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH
Thực hiện: THẢO LÊ
Trình bày: VĂN TOẢN
Ảnh: TTXVN, T&T Group, Nangluongvietnam.vn, Reuters