DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

TRƯỚC NGƯỠNG CỬA

NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG

Trải qua 27 năm hình thành và phát triển (28/11/1996 – 28/11/2023), thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới nâng cao chất lượng quản trị của doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững dần trở thành xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới những năm tới.

Tính tới cuối tháng 10/2023, theo số liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), thị trường đã có hơn 7,4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, cao hơn hàng nghìn lần thời điểm ban đầu. Thanh khoản toàn thị trường cũng liên tục tăng trưởng qua từng năm với nhiều phiên ghi nhận khối lượng giao dịch trên 1 triệu USD.  Số lượng sản phẩm, hệ thống hạ tầng cơ sở thị trường cũng từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ vận hành của quốc tế.

Tất cả những yếu tố trên giúp thị trường Việt Nam được hai tổ chức xếp hạng có uy tín của quốc tế (MSCI, PTSE Russells) đưa vào danh sách xem xét, đánh giá để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong tương lai gần. Điều này đặt ra yêu cầu đổi mới, từ hoạt động quản trị tới mô hình sản xuất-kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết để đón đầu dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, được dự báo lên đến hàng tỷ USD khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.

Chìa khóa khơi nguồn tài chính xanh

Số liệu của Deloitte cho thấy xu hướng chuyển đổi số, quản trị xanh, áp dụng khung quản trị tích hợp ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu khi 5 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu Đông Nam Á trong 10,5 tháng đầu năm 2023 đều hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, tài nguyên và công nghiệp.

Theo đó, trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu về khí hậu và thiết lập nền kinh tế trung hòa carbon, thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo với nhiều giải pháp năng lượng sạch như gió, mặt trời và địa nhiệt, cùng với những công ty cung cấp giải pháp môi trường khác, đang được đón nhận như một cách làm giảm lượng khí thải carbon.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, nhấn mạnh quản trị doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời là một loại “đơn vị tiền tệ quốc tế” để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư có trách nhiệm.

Quản trị doanh nghiệp cũng sẽ được chú trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường yêu cầu nhiều hơn về trách nhiệm của nhà đầu tư, tức không chỉ tập trung đánh giá dựa trên chỉ số tài chính, mà cần xem xét tổng quát cả khung quản trị tích hợp ESG, chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Quản trị doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời là một loại “đơn vị tiền tệ quốc tế” để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư có trách nhiệm.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam

Theo bà Thanh, trong số 200 doanh nghiệp thuộc danh sách “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN” trong giải thưởng Thẻ điểm quản trị công ty khối ASEAN (ACGS) thì Việt Nam chỉ có một đại diện là Vinamilk, vì đơn vị này công bố báo cáo tài chính đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực của Việt Nam và quốc tế, báo cáo phát triển bền vững đã được chuẩn mực hóa theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Hằng năm, báo cáo này được kiểm toán bởi công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam nhằm bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và đầy đủ.

Ông Lê Thành Liêm – Thành viên HĐQT và Giám đốc điều hành Tài chính tại Vinamilk nhận giải thưởng Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN

Ông Lê Thành Liêm – Thành viên HĐQT và Giám đốc điều hành Tài chính tại Vinamilk nhận giải thưởng Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN

Ngoài ra, từ thời điểm tiến hành cổ phần hóa vào năm 2003, Vinamilk đã thay đổi cách vận hành, quản trị từ doanh nghiệp Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần và sau đó là công ty niêm yết.

Doanh nghiệp cũng bổ sung những nguyên tắc và chương trình hoạt động như ban hành bộ quy tắc ứng xử trong công ty, một số quy trình, quy định... trong đó có các chính sách về phát triển bền vững.

“Vinamilk có mặt trong danh sách này không phải vì quy mô vốn hóa lớn, mà là nhờ thẻ điểm quản trị. Hiểu đơn giản là một ‘đơn vị tiền tệ quốc tế’, nơi giá trị doanh nghiệp được đánh giá bởi các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế”, bà Thanh nói.

Điểm Quản trị công ty tại Vinamilk lên đến 96%

Điểm Quản trị công ty tại Vinamilk lên đến 96%

Bổ sung, ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), cho biết Vinamilk là một trong những doanh nghiệp niêm yết tiên phong trong thực hành các thông lệ tiên tiến về quản trị công ty. Cụ thể, đơn vị này doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn đầu tiên chuyển đổi sang mô hình quản trị một hội đồng sau khi có quy định trong Luật Doanh nghiệp (năm 2014), tức không thành lập ban kiểm soát, mà có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị - một mô hình được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt, kết hợp hài hòa với môi trường và văn hóa, cũng như các nhân sự cấp cao Việt Nam, cùng với tính đa dạng và quốc tế trong sở hữu vốn đã giúp Vinamilk lọt vào danh sách “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN”.

Quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào một doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, tiêu chí về hoạt động công bố thông tin như các nghị quyết, chính sách, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị; tiêu chuẩn vận hành Hội đồng quản trị theo thông lệ tiên tiến.
Ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc VIOD

Nhưng bên cạnh những điển hình tốt, chuyên gia này cho biết một trong những vấn đề các doanh nghiệp phải cải thiện là công khai, minh bạch, cam kết rõ ràng về chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, phải đưa những yếu tố về môi trường và xã hội, tích hợp trong chiến lược tổng thể của doanh nghiệp.

“Chất lượng quản trị công ty đang được cải thiện, tập trung tại các doanh nghiệp đại chúng, niêm yết có quy mô lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ chưa cho thấy nhiều nỗ lực và phân bổ nguồn lực cho việc nâng cấp quản trị công ty”, ông Long đánh giá.

Theo ông Long, quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào một doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, tiêu chí về hoạt động công bố thông tin như các nghị quyết, chính sách, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị; tiêu chuẩn vận hành Hội đồng quản trị theo thông lệ tiên tiến.

Ngoài ra, việc tích hợp ESG trong chiến lược và vận hành của Hội đồng quản trị cũng sẽ được đưa ra để đánh giá. Với yếu tố môi trường, các yếu tố như: báo cáo thông tin về môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin thậm chí sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi, đánh giá lượng khí phát hành, hay các hoạt động tái chế… sẽ được đưa vào để đánh giá yếu tố về môi trường.

Với yếu tố xã hội, các tiêu chí liên quan đến các bên có lợi ích liên quan gồm cổ đông, nhà cung ứng, khách hàng với đội ngũ cán bộ, nhân viên và các cơ quan quản lý sẽ được quan tâm.

Ngoài ra, năng lực công bố thông tin bằng tiếng Anh - một trong những tiêu chí quan trọng để MSCI và FTSE xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam - cũng sẽ được đưa vào đánh giá.

Quản trị công ty theo hướng phát triển bền vững là một chìa khóa quan trọng để khơi nguồn tài chính xanh và tháo gỡ phần nào những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận các nguồn vốn mới.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh

Với bối cảnh trên, bà Hà Thu Thanh đánh giá ESG và tăng trưởng xanh không còn là trách nhiệm, mà là một yếu tố để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và phát triển trong bối cảnh mới. Do đó, đây không chỉ là câu chuyện của riêng công ty đại chúng, công ty niêm yết, mà là của chung tất cả các doanh nghiệp.

“Quản trị công ty theo hướng phát triển bền vững là một chìa khóa quan trọng để khơi nguồn tài chính xanh và tháo gỡ phần nào những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận các nguồn vốn mới”, bà Thanh nói.

Yếu tố cốt lõi phát triển bền vững

Thị trường chứng khoán là một thị trường bậc cao, phức tạp và bao gồm nhiều mắt xích quan trọng. Do đó, tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực các cơ quan quản lý, mà còn cần sự thay đổi từ thành viên tham gia như tổ chức phát hành và tổ chức trung gian.

Để mở rộng quy mô hàng hóa cho thị trường chứng khoán, việc tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết, theo các chuyên gia.

Ông Bùi Đình Như, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư và tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng nên ưu tiên truyền thông rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, để những người chủ doanh nghiệp nhận thức rõ ràng về cơ hội và thách thức khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp, giúp họ hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững trong quá trình phát triển.

Còn ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), mong muốn cơ quan quản lý xây dựng môi trường niêm yết thuận lợi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, bảo đảm các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường chứng khoán.

Trong quá trình triển khai dịch vụ, các công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần tư vấn về thủ tục, hồ sơ niêm yết, mà cần cung cấp cho khách hàng giải pháp tái cấu trúc toàn diện, tổng thể và chuyên sâu.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc SHS

Tổng Giám đốc SHS cũng kiến nghị các đơn vị trung gian như công ty chứng khoán cần tích cực tư vấn, hỗ trợ, thậm chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức doanh nghiệp, mô hình quản trị, để đáp ứng các yêu cầu về niêm yết chứng khoán theo quy định pháp luật.

“Trong quá trình triển khai dịch vụ, các công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần tư vấn về thủ tục, hồ sơ niêm yết, mà cần cung cấp cho khách hàng giải pháp tái cấu trúc toàn diện, tổng thể và chuyên sâu”, ông Tiến nói.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, IFC và các tổ chức liên quan nhận tài liệu tại lễ công bố Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ Tốt nhất dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, IFC và các tổ chức liên quan nhận tài liệu tại lễ công bố Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ Tốt nhất dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam.

Cũng liên quan tới vấn đề quản trị doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ tốt nhất dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam, với những nhóm nguyên tắc theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cơ quan này cùng các Sở Giao dịch Chứng khoán cũng có nhiều hoạt động phổ biến, khuyến khích hoạt động ESG trong hoạt động doanh nghiệp.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), cho biết Hội đồng quản trị và các ủy ban thành viên hoạt động hiệu quả sẽ là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp có bệ phóng vượt qua khó khăn. Đồng thời, việc duy trì thực hành quản trị công ty tốt thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng chứng tỏ sức sống bền bỉ và giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.

Hội đồng quản trị và các ủy ban thành viên hoạt động hiệu quả sẽ là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp có bệ phóng vượt qua khó khăn.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành HOSE Trần Anh Đào

"Một nghiên cứu trên 500 doanh nghiệp niêm yết thực hiện trong năm 2023 cho thấy, nhóm công ty thực hành nguyên tắc quản trị công ty tốt hơn thì sẽ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng như tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản sẽ tốt hơn. Đặc biệt, việc thực hiện các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt cũng giúp doanh nghiệp giảm rủi ro biến động giá và khả năng tăng giá trị cổ phiếu cũng tốt hơn nhóm doanh nghiệp còn lại", bà Đào nói tại Hội nghị Cấp cao Thành viên Hội đồng quản trị năm 2023.

Còn ông Phan Lê Thành Long cho rằng vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý là nâng cao nhận thức của cấp lãnh đạo cao nhất về vai trò và các thông lệ thực hành quản trị công ty tiên tiến.

Vấn đề tiếp theo là xây dựng văn hóa Hội đồng quản trị và văn hóa quản trị công ty, xuyên suốt từ cấp quản trị cao nhất đến các cấp bậc quản lý điều hành, một văn hóa hướng tới sự minh bạch, tuân thủ và kiến tạo giá trị vượt trên sự tuân thủ.

Cuối cùng là nỗ lực và phân bổ nguồn lực dành cho việc tiếp cận, xây dựng, cập nhật thực hành những thông lệ tiên tiến về quản trị công ty nhằm mục tiêu tạo nền tảng để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.

“Doanh nghiệp nhận biết được kỳ vọng từ tất cả các bên có lợi ích liên quan, từ đó, các vấn đề về môi trường và xã hội được đưa vào là một phần trọng yếu trong cấu trúc quản trị công ty cũng như chiến lược phát triển bền vững”, ông Long lưu ý.

Ngày xuất bản: 28/10/2023
Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Thực hiện: Hoàng Thắng - Khánh Bách - Hoài Đàm
Trình bày: Minh Đức