ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

QUẢNG NINH

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Quảng Ninh là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có vị trí địa chính trị, kinh tế, đối ngoại và đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Quảng Ninh nằm ở toạ độ địa lý từ 20­­­o 40’ đến 21o 39'49,8'' độ vĩ bắc và từ 106o 26’ đến 108o 31’ độ kinh đông. Phía bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Phía nam giáp thành phố Hải Phòng; Phía đông giáp biển; Phía tây và tây bắc giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; Phía tây và tây nam giáp tỉnh Hải Dương.

Bản đồ vệ tinh tỉnh Quảng Ninh

Bản đồ vệ tinh tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh có diện tích trên 12.000km2 , bao gồm 6.206,9km2 đất liền và diện tích mặt biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 6 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố. 80% diện tích đất của tỉnh là đất đồi núi với bề rộng 195km từ Đông sang Tây và trải dài 102km từ Bắc xuống Nam.

Tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 4 thành phố (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái), 2 thị xã (Quảng Yên và Đông Triều) và 7 huyện (trong đó có 2 huyện đảo), với tổng số 177 xã, phường, thị trấn. Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, nơi có Di sản thế giới Vịnh Hạ Long.

Với vị trí địa lý đặc thù, Quảng Ninh được xem là một cửa ngõ kết nối các liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.

Quảng Ninh được xem là một cửa ngõ kết nối các liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.

Cửa ngõ thứ nhất: Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc, thị trường đông dân nhất trên thế giới. Do đó, khi hai quốc gia tiến hành hợp tác phát triển dựa theo tuyến hành lang kinh tế, Quảng Ninh là một địa phương của Việt Nam nằm trong khu vực hợp tác hành lang-con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm 2 hành lang kinh tế: Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Nam Ninh-Bằng Tường-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Cửa ngõ thứ hai: Quảng Ninh là một cửa ngõ kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng với vùng Trung du miền núi phía bắc. Trên thực tế, mặc dù theo phân vùng kinh tế hiện nay, Quảng Ninh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (đồng bằng sông Hồng) nhưng về mặt địa chất và địa lý, phần nhiều diện tích của Quảng Ninh thuộc vùng núi Đông Bắc.

Cửa ngõ thứ ba: cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh là cửa ngõ ra biển cho toàn miền Bắc, đặc biệt đi qua Quảng Ninh là đường ra biển nhanh nhất của 2 tỉnh năng động nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay là Bắc Giang và Lạng Sơn.

Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xác định là một cực trong tam giác phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; trong đó Quảng Ninh tiếp giáp với Hải Phòng, tạo ra một cặp địa phương bổ trợ phát triển lẫn cho nhau, hình thành một trung tâm biển mạnh của Việt Nam.

Những yếu tố quan trọng này tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển các ngành công nghiệp, chế biến sản phẩm theo hướng xuất khẩu, trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế cả vùng.

Quảng Ninh là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi cho việc hợp tác phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại và du lịch trong nước và quốc tế qua đường bộ, đường thủy và đường hàng không, đặc biệt với Trung Quốc cũng như các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuy nhiên, với vị trí biên giới cùng đường biên rộng cả ở trên biển lẫn trên bộ, Quảng Ninh phải đối diện với các vấn đề phát sinh về quốc phòng an ninh như vấn đề buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, tranh chấp đường biên.

Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xác định là một cực trong tam giác phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Item 1 of 5

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

ĐỊA HÌNH

Quảng Ninh có địa hình đa dạng từ miền núi đến trung du và đồng bằng duyên hải, vùng ven biển và các hải đảo, tạo nên một hệ khí hậu, hệ sinh thái, địa chất đa dạng.

Địa hình vùng đồi núi phức tạp chia tỉnh thành 2 miền: miền đông (từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái) và miền tây (từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, phía bắc thành phố Hạ Long, Uông Bí và thấp dần xuống phía bắc thị xã Đông Triều. Địa hình vùng đồng bằng duyên hải gồm các phần vùng Đông Triều, Uông Bí, bắc Quảng Yên, nam Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và một phần thành phố Móng Cái, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và giao thông.

Địa hình miền núi chia cắt cũng tạo nên sự phân bố dân cư và phát triển, chênh lệch vùng miền giữa miền đông và miền tây, vùng núi trung du và dải duyên hải. Địa hình nhiều đồi núi cũng gây khó khăn trong phát triển kinh tế (hạn chế về quỹ đất, thiếu mặt bằng cho phát triển kinh tế) cũng như giữ gìn, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội của tỉnh.

Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh có địa hình quần đảo ven biển là một vùng địa hình độc đáo gồm các đảo lớn nhỏ khác nhau. Trong đó Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long là những báu vật thiên nhiên, với giá trị ngoại hạng, kỳ vĩ độc đáo, có hàng ngàn đảo đá vôi, bãi cát trắng phục vụ du lịch và nguyên liệu cho công nghệ thuỷ tinh.

Địa hình đáy biển có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rặng san hô đa dạng, là yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Đặc biệt, địa hình đáy biển có lạch sâu tạo thành luồng lạch và hải cảng trên dải bờ biển kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn tạo thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thuỷ nội địa đáp ứng cho việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng.

Với chiều dài đường bờ biển hơn 250km và 2.077 hòn đảo (chiếm phần lớn số đảo của cả nước), trong đó có những đảo đất diện tích lớn và trung bình như Cái Bầu: 190km2, Trà Bản: 76,4km2, Vĩnh Thực: 32,6km2, Ba Mùn: 23,4km2, Thanh Lân: 16,8km2, Cô Tô: 15,6km2 phù hợp cho dân cư sinh sống, phát triển kinh tế, là bàn đạp tiến ra biển và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Điểm đặc biệt nữa, Vịnh Hạ Long có nhiều đảo đá, trong khi Vịnh Bái Tử Long lại có nhiều đảo đất, có thể có dân cư sinh sống, có các bãi biển đẹp, trong đó nổi bật là bãi Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam với 17km.

Tài nguyên biển có giá trị lớn nhất của Quảng Ninh chính là Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

ĐỊA CHẤT

Theo nghiên cứu, Quảng Ninh có 21 phân vị địa chất và 2 phức hệ magma. Một số phân vị đã phát hiện khoáng sản liên quan phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng.

Hạ Long là mẫu hình tuyệt vời về karst đá vôi trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm, có một quá trình tiến hoá karst hoàn thiện nhất trải qua 20 triệu năm từ thời kỳ Miocen.

Vịnh Hạ Long - cảnh quan karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm bị biển xâm lấn

Vịnh Hạ Long - cảnh quan karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm bị biển xâm lấn

Về mặt địa chất-địa mạo karst thì Hạ Long-Cát Bà chỉ là một vùng duy nhất. Vịnh Lan Hạ (Cát Bà-Hải Phòng) có 139 bãi cát vôi sạch, nhiều bãi cát nối liền hai khối núi đá, là điều kiện cho liên kết, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau về phát triển du lịch giữa Quảng Ninh-Hải Phòng.

KHÍ HẬU

Do tác động của biển, khí hậu của Quảng Ninh nhìn chung mát mẻ, ấm áp quanh năm, thuận lợi đối với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nhiều hoạt động kinh tế khác. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB 2021), khu vực biển Quảng Ninh-Hải Phòng là một trong hai khu vực của cả nước có tiềm năng về điện gió.

ĐA DẠNG SINH HỌC

Quảng Ninh cũng là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học quan trọng đối với Việt Nam với số lượng loài động, thực vật phong phú tập trung chủ yếu ở hệ thống các khu bảo tồn và vườn quốc gia như Vườn quốc gia Bái Tử Long, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng, rừng quốc gia Yên Tử…, có giá trị rất to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội (du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý…); bảo vệ môi trường sinh thái; cung cấp nguồn gene quý phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học.

Quảng Ninh cần cân bằng giữa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên với bảo tồn tự nhiên và cảnh quan du lịch, bảo vệ môi trường.

TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

TÀI NGUYÊN ĐẤT

Diện tích của Quảng Ninh lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm 1,84% tổng diện tích đất liền của Việt Nam, tuy nhiên khoảng 80% diện tích đất là đồi núi. Đất nông nghiệp chiếm 75,4% tổng diện tích đất nhưng phần lớn là đất rừng, có 50.886 ha, tương đương tỷ trọng 8,3%, là đất canh tác trồng trọt. Ngoài ra, tỉnh còn có diện tích lớn đất chưa sử dụng có thể khai thác phục vụ mục đích phát triển công nghiệp xây dựng.

TÀI NGUYÊN NƯỚC

Nguồn nước các hồ chứa có vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn nước phục vụ cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và tưới. Tiềm năng nguồn nước dưới đất tương đối giàu nhưng khả năng khai thác, sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa hình chia cắt, sự phân bố các tầng chứa nước chủ yếu trong khe nứt, đới dập vỡ kiến tạo.

TÀI NGUYÊN RỪNG

Quảng Ninh có 435.932ha thuộc quy hoạch ba loại rừng, với độ che phủ đạt 55%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân 40% của cả nước. Rừng Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết và bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao cho công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

TÀI NGUYÊN BIỂN

Quảng Ninh có thế mạnh và tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển. Với chiều dài đường bờ biển hơn 250km2.077 hòn đảo (chiếm phần lớn số đảo của cả nước), trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế thực phẩm giá trị cao.

Ven biển Quảng Ninh cũng có nhiều khu vực nước sâu và kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thuỷ nội địa đáp ứng cho việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng. Tài nguyên biển có giá trị lớn nhất của Quảng Ninh chính là Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và được vinh danh là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Các bãi biển như Trà Cổ, Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn có lợi thế trở thành những điểm thu hút khách du lịch. Hệ thống tuyến đảo trên biển với các cánh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái và động vật phong phú, quý hiếm có giá trị phát triển các loại hình du lịch biển đảo khám phá, mạo hiểm.

TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với 209 mỏ và điểm quặng của 36 loại hình khoáng sản được điều tra, thăm dò, đánh giá. Nguồn tài nguyên than của Quảng Ninh có trữ lượng ước tính đạt 8,8 tỷ tấn, trải dài từ Đông Triều đến Cẩm Phả, có khoảng 3,6 tỷ tấn nằm ở độ sâu dưới 300m, là nơi có trữ lượng than và chất lượng lớn nhất vùng Đông Nam Á, cung cấp chủ yếu là than antraxit có độ bền và hàm lượng cacbon cao.

Quảng Ninh là trung tâm số một của Việt Nam về tài nguyên than đá, chiếm hơn 90% trữ lượng than của cả nước. Quảng Ninh có mỏ đá dầu duy nhất ở Việt Nam tại Đồng Ho, trữ lượng khoảng 4,21 triệu tấn. Với nguồn tài nguyên than to lớn, Quảng Ninh có điều kiện và đã trở thành trung tâm khai khoáng và sản xuất điện than lớn nhất cả nước.

Khai trường khai thác Công ty Cổ phần than Cọc Sáu.

Khai trường khai thác Công ty Cổ phần than Cọc Sáu.

Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng phải đối mặt với việc giải quyết các mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế (dựa vào công nghiệp khai khoáng và điện than) với bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch, giữa việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản to lớn để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và mục tiêu cắt giảm lượng khi thải CO2 đến năm 2050 về mức 0.

TÀI NGUYÊN NƯỚC KHOÁNG

Nguồn tài nguyên nước khoáng tại 5 mỏ và điểm nước khoáng gồm: Quang Hanh, Tam Hợp (Cẩm Phả), Khe Lạc (Tiên Yên), Đồng Long (Bình Liêu) và Cái Chiên (Hải Hà) có thể được đưa vào khai thác phục vụ các ngành du lịch, khám chữa bệnh, sản xuất đồ uống đóng chai.

Quảng Ninh là tỉnh có lợi thế tài nguyên phong phú, là cơ sở thuận lợi cho phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tuy nhiên, có một số lợi thế của tỉnh lại tập trung vào cùng một địa điểm, dẫn tới xung đột trong phát triển, nhất là vùng Hạ Long.

Do vậy, Quảng Ninh cần cân bằng giữa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên với bảo tồn tự nhiên và cảnh quan du lịch, bảo vệ môi trường.

Diện tích của Quảng Ninh lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm 1,84% tổng diện tích đất liền của Việt Nam, tuy nhiên khoảng 80% diện tích đất là đồi núi.

Quảng Ninh là trung tâm số một của Việt Nam về tài nguyên than đá, chiếm hơn 90% trữ lượng than của cả nước.

Quảng Ninh có thế mạnh và tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển.

Quảng Ninh có diện tích trên 12.000km2, bao gồm 6.206,9km2 đất liền và diện tích mặt biển.

Quảng Ninh có địa hình đa dạng từ miền núi đến trung du và đồng bằng duyên hải, vùng ven biển và các hải đảo, tạo nên một hệ khí hậu, hệ sinh thái, địa chất đa dạng.

Ngày xuất bản: 19/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND