“Đầu kéo”

cho nông nghiệp Việt Nam

Công nghệ nhân giống cấy mô thực vật (invitro) tại Lâm Đồng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Bảo Văn

Công nghệ nhân giống cấy mô thực vật (invitro) tại Lâm Đồng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Bảo Văn

Công nghệ sinh học được nhiều quốc gia trên thế giới coi là ngành “mũi nhọn” để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống đang thiếu an toàn do dịch bệnh, thực phẩm chứa hóa chất, tình trạng kháng thuốc kháng sinh… Dù vẫn còn đi sau các nước tiên tiến, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, từng bước đưa ngành này trở thành động lực, “đầu kéo” cho sự phát triển nông nghiệp, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới.

Con đường duy nhất để tiến lên phía trước

Thái An

Biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số và diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp trong những năm gần đây.

Do đó, ngành nông nghiệp đã tìm kiếm các giải pháp tối ưu để kịp thời xử lý những vấn đề trên nhằm phát triển một nền nông nghiệp xanh bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần ổn định an ninh lương thực thế giới. Trong đó, công nghệ sinh học được xem là một chiến lược quan trọng.

Nhiều trang trại sản xuất rau tại Lâm Đồng ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Bảo Văn

Công nhân Công ty Rừng hoa Đà Lạt nuôi cấy mô các giống hoa xuất khẩu. Ảnh: Trần Giang

Nhiều trang trại sản xuất rau tại Lâm Đồng ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Bảo Văn

Công nhân Công ty Rừng hoa Đà Lạt nuôi cấy mô các giống hoa xuất khẩu. Ảnh: Trần Giang

Bệ đỡ để phát triển bền vững

Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học có nhiều đóng góp trong việc cải thiện và lai tạo giống cây trồng, góp phần giúp xây dựng nên nhiều kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn, như: ứng dụng kỹ thuật chọn dòng tế bào biến dị soma, nhân giống trong ống nghiệm, lai vô tính, sản xuất cây đơn bội; ứng dụng trong các phương pháp canh tác mới như phương pháp màng dinh dưỡng và hệ thống thủy canh; ứng dụng công nghệ trong kỹ thuật chăn nuôi như cấy chuyển phôi, tạo ra chế phẩm phòng bệnh cho vật nuôi,...

Hệ thống tưới tiêu tại nhà kính của nông trường VinEco được điều khiển và giám sát trực tiếp trên máy tính tại nhà điều hành. Ảnh: Trần Thanh Giang

Hệ thống tưới tiêu tại nhà kính của nông trường VinEco được điều khiển và giám sát trực tiếp trên máy tính tại nhà điều hành. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, con người có thể chọn được những chủng vi sinh vật có khả năng lên men tốt, hỗ trợ đắc lực trong công nghệ sản xuất nước lên men, sữa, thực phẩm chức năng protein, chất làm tăng hương vị, chế biến rau củ quả...

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, thời gian qua chúng ta đã sản xuất quy mô công nghiệp giống cây ăn quả có múi sạch bệnh và giống dứa Cayen chất lượng cao, năng lực sản xuất cây giống cây ăn quả có múi sạch bệnh trong cả nước tăng lên 600.000 cây/năm và với dứa nhân được 10 triệu chồi/năm.

Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030;… nên rõ phương hướng: cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp sinh học, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học...

Khu vực trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của nông trường VinEco Tam Đảo. Ảnh: Trần Thanh Giang

Đánh giá tính chịu mặn của tập đoàn lúa bản địa Việt Nam tại Viện Di truyền nông nghiệp. Nguồn: Viện Di truyền nông nghiệp

Việc nghiên cứu công nghệ sinh học để phát triển các loài cây ăn quả đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thành Đạt

Khu vực trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của nông trường VinEco Tam Đảo. Ảnh: Trần Thanh Giang

Đánh giá tính chịu mặn của tập đoàn lúa bản địa Việt Nam tại Viện Di truyền nông nghiệp. Nguồn: Viện Di truyền nông nghiệp

Việc nghiên cứu công nghệ sinh học để phát triển các loài cây ăn quả đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thành Đạt

Trong những năm gần đây, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong nước như Viện Khoa học nông nghiệp miền nam, Viện Cây ăn quả miền nam, Viện Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã có những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ở phía nam- khu vực phát triển nông nghiệp quan trọng của đất nước.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất của đất nước, vì vậy việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa gạo được coi là yếu tố quyết định, giúp cải thiện các giống lúa, tăng sản lượng cũng như chất lượng gạo để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu, cũng như đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.

Viện Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đã phát hiện ra một giống lúa có năng suất cao và chất lượng tốt. Viện cũng đã tìm thấy 30 giống lúa có chất lượng đầy hứa hẹn cho phép Viện phát triển với quy mô lớn sau khi kiểm tra thử nghiệm năng suất. Bên cạnh đó, Viện cũng đã nghiên cứu thành công công nghệ biến đổi gen để tạo ra một giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao và có khả năng chịu đựng hạn hán.

Viện Cây ăn quả miền nam thì tập trung vào việc nghiên cứu công nghệ sinh học để phát triển các loài cây ăn quả đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Công nghệ nổi bật nhất của Viện là nhân giống cây có múi không bệnh với kỹ thuật ghép "shoot-tip". Sử dụng kỹ thuật này, các nhà khoa học đã tạo ra những giống cây có múi có khả năng chống chọi với một số bệnh do virus gây ra. Cho đến nay, Viện đã chuyển giao nhiều giống cây trồng không bệnh có năng suất cao cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, giúp họ chủ động trong việc canh tác và thu hoạch.

Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất tinh, phôi tươi và đông lạnh ở quy mô xí nghiệp nhỏ tự động hóa đã góp phần tăng nhanh số lượng đàn bò sữa cả nước từ 29.500 con năm 1999 lên tổng đàn bò sữa gần 375.000 con năm 2022. Nhờ ứng dụng công nghệ vi sinh mà các vaccine như: vaccine tụ huyết trùng trâu bò, vaccine dịch tả vịt và Parovirus lợn; các loại phân bón vi sinh và phân hữu cơ sinh học cũng được phát triển.

Lời gợi ý từ quả cà chua Israel

Việt Dũng

Năm 1995, Công ty đa quốc gia Lycored được thành lập tại Beersheva (Israel) nhằm sản xuất loại dầu lycopene (chất chống oxy hóa mạnh có lợi cho tim mạch, huyết áp, tuyến tiền liệt, xương và da). Thay vì thu mua cà chua có sẵn, Lycored đã hợp tác cùng nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Hebrew (Israel) để tạo nên loại cà chua không biến đổi gen chứa hàm lượng lycopene cao hơn. Chiến lược độc đáo này giúp công ty phát triển nhanh chóng.

Cách Beersheva 200km về phía nam, Frutarom Industries là công ty đa quốc gia khác của Israel cũng tận dụng tốt những thành tựu công nghệ sinh học của việc nghiên cứu trái cà chua. Năm 2018, “gã khổng lồ” về hương liệu và nước hoa này đã giới thiệu hoạt chất phytofloral, được chiết xuất từ ​​bột cà chua nguyên chất và bán dưới dạng viên nang, đồ uống hoặc gói trộn sẵn nhằm cải thiện sức khỏe và làm trắng da. Các dòng sản phẩm làm đẹp từ thành phần thiên nhiên này nhanh chóng chinh phục thị trường mỹ phẩm châu Á-Thái Bình Dương.

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, các giống cà chua Israel được thế giới đánh giá rất cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, các giống cà chua Israel được thế giới đánh giá rất cao.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Công ty Brightseed (Mỹ) đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để khám phá các hoạt chất sinh học thực vật có ích với sức khỏe. Hãng này hiện đã phân loại các hợp chất hoạt tính sinh học trong khoảng 60.000 loài thực vật ăn được. Cho đến nay, thư viện dữ liệu của hãng tìm thấy khoảng hai triệu hợp chất và có thể tìm ra 10 triệu hợp chất vào năm 2025. Tạp chí Forbes ước tính Brightseed đạt giá trị khoảng 300 triệu USD.

EVFTA - cú huých cho công nghệ sinh học

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Sau hơn hai năm thực thi, EVFTA đã chứng tỏ là cú huých lớn cho xuất khẩu, giúp đa dạng thị trường và chủng loại mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng- Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, nhờ EVFTA, công nghiệp sinh học Việt Nam có một số cơ hội lớn: giúp cho các loại hàng hóa được sản xuất bằng chính các công nghệ sinh học từ nguồn nguyên liệu nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Để nắm bắt được các cơ hội này không phải là dễ dàng. Hàng hóa được tạo ra từ các công nghệ “Made in Vietnam” còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như: hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ…
TS Nguyễn Mạnh Dũng

Công ty TNHH Hasfarm Đà Lạt. Ảnh: Trần Giang

Công ty TNHH Hasfarm Đà Lạt. Ảnh: Trần Giang

Các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực chế biến nông sản cần chủ động nâng cao, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và áp dụng mô hình, công cụ quản trị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Chính thách thức “tồn tại hay lụi tàn” là động lực để các doanh nghiệp và cả nền công nghệ sinh học Việt Nam nỗ lực vượt bậc trên con đường tiến lên phía trước.

Cần mạnh mẽ gỡ bỏ các rào cản

Thạc sĩ Trần Mạnh Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) - nêu quan điểm: Cần nhận biết hiện trạng và các cản trở với công nghệ sinh học để ứng dụng tạo sản phẩm hữu ích.

So với tiềm năng, công nghệ sinh học vẫn chưa phát huy hết sức mạnh của nó trong ngành nông nghiệp nước ta là do nhiều khó khăn từ cả khách quan và chủ quan.

Rào cản đầu tiên là quy mô sản xuất nhỏ lẻ manh mún với 60% dân số vẫn còn làm nông nghiệp so với chỉ dưới 5% ở các nước phát triển. Điểm yếu này đã được nhận diện, cho nên nước ta đang có chính sách dồn điền đổi thửa tích tụ lại ruộng đất, nhưng rất tiếc là hiệu quả chưa cao.

Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel là mô hình hiệu quả đang đựoc áp dụng ở rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giá thể trồng hoa công nghệ cao. Ảnh: Bảo Văn

Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel là mô hình hiệu quả đang đựoc áp dụng ở rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giá thể trồng hoa công nghệ cao. Ảnh: Bảo Văn

Khó khăn tiếp đến liên quan đến bảo vệ bản quyền, đây cũng là vấn đề chung. Đặc biệt với công nghệ sinh học đòi hỏi đầu tư lớn cả về người và của trong thời gian dài nên càng hạn chế khối tư nhân tham gia khi bản quyền ít được bảo vệ. Do vậy mà nguồn nhân lực cũng không được hấp dẫn. Thị trường sẽ chọn công nghệ ngoại nhập thay vì tự phát triển.

Yếu tố thứ tư là xu hướng tiêu dùng công nghiệp. Đây là yếu tố khách quan tất yếu với đặc điểm chính là thực phẩm chế biến sẵn rẻ tiền và tiện lợi. Một mặt yếu tố này là động lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất và giảm giá thành. Song, đây cũng lại là cản trở ứng dụng chế phẩm sinh học để tăng chất lượng sản phẩm do tăng giá thành sản phẩm. Trong khi, sản phẩm ra thị trường chưa bán được giá cao hơn tương xứng.

Là nước đi sau trong ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, nhưng lại hưởng lợi với văn hóa ẩm thực lành mạnh từ lâu đời, nước ta cần mạnh mẽ gỡ bỏ các rào cản đối với các công nghệ sinh học phù hợp sức khỏe của người dân, hạn chế ứng dụng các công nghệ sinh học tạo sản phẩm tiềm ẩn rủi ro và gây tranh cãi như công nghệ biến đổi gen. Mặt khác, cần chính sách khuyến khích công nghệ sinh học hiện đại kết hợp với truyền thống để vừa nâng cao sức khỏe, vừa làm mới và tôn vinh văn hóa ẩm thực truyền thống lành mạnh.

Cần chế tài mạnh từ siết chặt đến cấm đối với các hóa chất độc hại hoặc nghi ngờ rủi ro cao với sức khỏe.
Thạc sĩ Trần Mạnh Chiến

Rau sạch được phân phối tại hệ thống siêu thị trong nước. Ảnh: Trần Giang

Rau sạch được phân phối tại hệ thống siêu thị trong nước. Ảnh: Trần Giang

Thí dụ các loại thuốc diệt cỏ độc hại cần thực thi việc cấm nghiêm ngặt; một số thuốc bảo vệ thực vật hóa học được phép trên thế giới thì hạn chế tiêu dùng bằng chính sách thuế hoặc quy định với đầu ra; yêu cầu thông tin sản phẩm chi tiết quy trình sản xuất và thành phần để giúp người tiêu dùng tự đưa ra lựa chọn. Riêng với các thông tin nhạy cảm thì cần ghi lên bao bì như: sản phẩm biến đổi gen (GMO), sản phẩm trên ruộng có dùng thuốc bảo vệ thực vật…

Mũi nhọn thúc đẩy phát triển sản xuất

Mai Văn Bảo

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương tốp đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với tổng diện tích trên địa bàn ước đạt hơn 63,1 nghìn ha, chiếm 21% tổng diện tích canh tác. Trong đó, hơn 376ha ứng dụng công nghệ thông minh. Toàn tỉnh có bảy vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp được công nhận, với giá trị sản xuất bình quân đạt 400 triệu đồng/ha, chiếm tỷ trọng khoảng 35 đến 40% giá trị sản xuất toàn ngành. Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt doanh thu hơn ba tỷ đồng/ha/năm.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng Phạm Thị Nhâm cho biết, hằng năm địa phương dành 0,7% chi thường xuyên từ ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ.

Công ty TNHH Hasfarm Đà Lạt. Ảnh: Trần Giang

Công ty TNHH Hasfarm Đà Lạt. Ảnh: Trần Giang

Trong 5 năm qua, Lâm Đồng đã có gần 200 nhiệm vụ cấp nhà nước, cấp tỉnh và dự án ứng dụng khoa học-công nghệ được ngành nghiên cứu, ứng dụng trên các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng vào nông nghiệp, với việc tập trung cho nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống, xử lý dịch hại trên các giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh; sản xuất đông trùng hạ thảo, nuôi trồng và phát triển tảo xoắn, cây dược liệu; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ tưới, bón phân tự động và chế biến, bảo quản, phân loại sản phẩm sau thu hoạch. 

Chìa khóa bảo vệ thương hiệu

Anh Thư

Nhiều năm trở lại đây, chuyện thương hiệu nông sản Việt bị đăng ký và "cướp tên" trắng trợn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà-phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre hay gần nhất là loại gạo được xếp hạng ngon nhất thế giới- ST25... được xem như những thí dụ điển hình của việc thiếu sự quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến tháng 8/2022, cả nước đã có 116 sản phẩm hoàn tất thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông lâm thủy sản (trên tổng số hơn 140 đơn đăng ký) và 1.682 chứng nhận tập thể. Nếu xét riêng trong số hơn 100 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước, chỉ có số ít được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Đây là con số vô cùng khiêm tốn nếu nhìn vào số lượng lớn mặt hàng nông sản tiềm năng của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp, các giống nông sản đặc trưng của Việt Nam hoàn toàn có thể được giải mã bộ gen và xem đó như mã định danh nông sản. Điển hình như khi hoàn tất giải mã vải Thanh Hà sẽ thu được mã DNA và mã gen bản quyền để lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (big data). Việc các địa phương hay quốc gia khác muốn chiếm đoạt sẽ rất khó khi có cơ sở dữ liệu đối chiếu và so sánh.

Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi tiềm lực đầu tư tương xứng cho công tác nghiên cứu và giải mã gen. Việt Nam sở hữu vô vàn giống nông sản quý đặc trưng tương ứng mỗi địa phương nên việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vô cùng tốn kém, phải mất nhiều thời gian, công sức. Hiện tại, Viện Di truyền nông nghiệp mới chỉ hoàn thành duy nhất đề án giải mã toàn bộ hệ gen của hơn 600 giống lúa. Với phần còn lại, dựa trên đơn đặt hàng của từng địa phương, chúng ta chỉ có thể xây dựng mã DNA cho một vài nông sản đặc trưng để sau này có mã truy xuất nhằm bảo vệ giống cây trồng.

Việc thu thập số lượng lớn giống cây để phân tích và giải mã cần đội ngũ rất nhiều chuyên gia cùng thực hiện. Ảnh: Bảo Văn

Việc thu thập số lượng lớn giống cây để phân tích và giải mã cần đội ngũ rất nhiều chuyên gia cùng thực hiện. Ảnh: Bảo Văn

Không chỉ khó khăn về kinh phí, kỹ thuật, việc thu thập số lượng lớn giống cây để phân tích và giải mã cần đội ngũ rất nhiều chuyên gia cùng thực hiện. Đó là những điểm hạn chế, trái ngược xu thế chung của thế giới khi các nước phát triển đã đầu tư rất mạnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn. 

Mức lương tại các viện nghiên cứu rất thấp. Để có thể bảo đảm cuộc sống, nhiều người buộc phải kiếm tiền bằng những nghề khác. Tuy nhiên, khoa học là ngành đòi hỏi mức độ tập trung và toàn tâm toàn ý với công việc.
GS, TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Như nhận định của các chuyên gia, sự phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp hiện đại cũng tạo nên những yêu cầu cấp bách trong việc đăng ký bằng sáng chế hay bản quyền về sở hữu trí tuệ.

Theo Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, đối với những sản phẩm đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cần nỗ lực duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm, bảo đảm áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Công ty TNHH Hasfarm Đà Lạt. Ảnh: Trần Giang

Ứng dụng công nghệ sinh học mang lại hiệu quả cao trong canh tác rau thủy canh tại Lâm Đồng. Ảnh: Bảo Văn

Dalat Hasfarm ứng dụng tốt công nghệ sinh học trong ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp. Ảnh: Bảo Văn

Công ty TNHH Hasfarm Đà Lạt. Ảnh: Trần Giang

Ứng dụng công nghệ sinh học mang lại hiệu quả cao trong canh tác rau thủy canh tại Lâm Đồng. Ảnh: Bảo Văn

Dalat Hasfarm ứng dụng tốt công nghệ sinh học trong ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp. Ảnh: Bảo Văn

Rõ ràng, câu chuyện xây dựng và bảo vệ bản quyền thương hiệu không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội trong việc quản lý, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Mới đây, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đã chính thức được bấm nút triển khai trên toàn quốc. Đây là kết quả từ việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch-trách nhiệm-bền vững” và có ý nghĩa quan trọng trong việc “Định danh nông sản Việt”.

Ngày xuất bản: 7/11/2022
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, MINH PHÚ, HOÀNG NGHĨA NAM, NGUYỄN HÀ
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG