Dấu ấn trong quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu (từ bên trái sang).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu (từ bên trái sang).

Hội nghị WEF Davos năm nay là hội nghị có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 với hơn 2.600 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của gần 70 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế, đánh dấu mức tham dự còn cao hơn cả trước thời kỳ đại dịch Covid-19. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị WEF Davos 2024 là dịp quan trọng để giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những thành tựu phát triển năng động, tích cực thời gian qua của Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức Hungary lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước trong 7 năm qua, có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary.

Với Romania, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước trong 5 năm qua, giúp tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thế mạnh của Romania và phù hợp nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Cơ hội thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước

Thúc đẩy hợp tác trong một thế giới phân mảnh

Là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công-tư, WEF được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. WEF cũng là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể liên quan vấn đề này.

Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực như Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu-học thuật hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Công tác chuẩn bị cho WEF Davos 2024. (Ảnh: REUTERS)

Công tác chuẩn bị cho WEF Davos 2024. (Ảnh: REUTERS)

Hội nghị thường niên WEF Davos lần thứ 54 với chủ đề “Tái thiết lòng tin” được tổ chức từ ngày 15 đến 19/1/2024 tại Davos, Thụy Sĩ. Hội nghị sẽ tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp đối với 4 nhóm vấn đề, gồm: (i) Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; (ii) Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; (iii) Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; (iv) Trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.

>>> Đọc thêm: [Infographic] Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos năm 2024

Quan hệ giữa Việt Nam và WEF trên đà phát triển tốt đẹp

Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ; 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN cấp Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023).

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Indonesia, chiều 5/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Indonesia, chiều 5/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng. Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (diễn ra tháng 10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”. Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức. Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ 2 (diễn ra tháng 6/2023) với chủ đề “Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”.

Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, Việt Nam và WEF đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới.

Việc Việt Nam tích cực hợp tác, tham dự các hội nghị và phối hợp tổ chức thành công một số sự kiện của WEF góp phần giúp nước ta đẩy mạnh thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, cũng như tăng cường quan hệ với các tập đoàn toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab chứng kiến ký kết biên Bản ghi nhớ Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026. (Ảnh: TTXVN )

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab chứng kiến ký kết biên Bản ghi nhớ Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026. (Ảnh: TTXVN )

Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một diễn đàn quan trọng. Thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và chúng ta cần xây dựng lại niềm tin lẫn nhau. [...] Diễn đàn năm nay sẽ mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cam kết với các giải pháp cụ thể và giành được sự ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư cho những nỗ lực của mình.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass

Vun đắp tình hữu nghị bền vững với Hungary

Là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, Hungary có chính sách đối ngoại ưu tiên cao cho hội nhập và gắn kết toàn diện với EU; đồng thời triển khai mạnh mẽ chính sách hướng Đông, thúc đẩy quan hệ với châu Á, nhất là với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Việt Nam và Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/2/1950. Hungary đã dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018 thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.

Về hợp tác kinh tế-thương mại, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Hungary đã phát huy tốt vai trò thúc đẩy hợp tác song phương, Khóa họp đầu tiên của Ủy ban diễn ra tại Budapest (tháng 12/2005). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất xuất khẩu sang Hungary với sản lượng lớn, đạt mức gần 1 tỷ USD trong năm 2020. Điều này cho thấy thị trường Hungary rất tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ta là hàng dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Ngày 1/12/2023, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hungary Katalin Novak. (Ảnh: VGP)

Ngày 1/12/2023, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hungary Katalin Novak. (Ảnh: VGP)

Tính đến nay, Hungary có 15 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 50,66 triệu USD, đứng thứ 55 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Về lĩnh vực đầu tư, trong số 15 dự án của Hungary có 3 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư 41,82 triệu USD. Đứng thứ 2 là lĩnh vực truyền thông với 3 dự án với tổng vốn đầu tư 5,87 triệu USD. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 1 dự án, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Về hợp tác phát triển, từ năm 2003, Hungary đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ phát triển (ODA). Hungary là nước cấp nguồn ODA lớn nhất cho Việt Nam trong khu vực Trung Đông Âu. Năm 2009, Hungary cam kết 60 triệu euro tín dụng ưu đãi cho dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ có quy mô 500 giường. Đến tháng 1/2016, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác tài chính trị giá 60 triệu euro để xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ. Tháng 1/2017, hai bên ký Hiệp định khung về Hợp tác tín dụng trị giá 440 triệu euro giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hungary.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, Hungary là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam hơn 200 nghìn liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, nhượng lại hơn 400 nghìn liều vaccine, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh.

Chiều 15/11/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tư pháp Hungary Tuzson Bence thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Nhân Dân)

Chiều 15/11/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tư pháp Hungary Tuzson Bence thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Nhân Dân)

Giáo dục-đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Hungary. Thời gian trước đây Hungary đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư. Hiện nay, Hungary là nước cấp học bổng nhiều nhất cho Việt Nam trong số các nước EU.

Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện có khoảng 6.000 người, sống tập trung chủ yếu tại Budapest, có cuộc sống tương đối ổn định, hình ảnh người Việt ở sở tại khá tốt. Bà con luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary, nhất là về kinh tế, giáo dục-đào tạo, công nghệ dược phẩm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Hungary đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong 6 tháng cuối năm 2024, chuyến thăm là cơ hội để Việt Nam tăng cường phối hợp với EU trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Khai phá tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Romania

Trong chính sách đối ngoại của mình, Romania đặt ưu tiên nâng cao vị trí và vai trò trong EU và NATO, củng cố liên minh chiến lược với Mỹ, đồng thời chủ trương đẩy mạnh quan hệ với châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam và Romania có quan hệ truyền thống và hợp tác tốt đẹp với bề dày lịch sử hơn 70 năm. Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Romania ngày 3/2/1950.

Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, gồm cả cấp cao. Lãnh đạo Romania luôn khẳng định Việt Nam là đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 6 tháng đầu năm 2019, Romania đã tích cực hỗ trợ, thúc đẩy việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và là một trong 3 quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn EVFTA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, tháng 9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, tháng 9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Romania phát triển tốt đẹp. Từ sau năm 1990, hai bên đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho hợp tác trong giai đoạn mới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là cà phê, hải sản, hồ tiêu, dệt may, giày da, linh kiện máy tính… Từ năm 2010, Romania đã được xếp vào nhóm các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam (khoảng 12.000 tấn/năm).

Về đầu tư, tính đến hết năm 2022, Romania có 5 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1,56 triệu USD, đứng thứ 42 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Về giáo dục-đào tạo, từ năm 1992, Romania đã khởi động lại việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Năm 1995, hai nước ký Hiệp định về hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục và thể thao, theo đó hằng năm, Romania cấp cho Việt Nam 20 học bổng đại học và trên đại học. Hiện hai bên đã ký Chương trình giáo dục giai đoạn mới 2023-2027.

Trong lĩnh vực lao động, hiện nay có khoảng 4.000 lao động Việt Nam tại Romania làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, đóng tàu, may mặc, chế biến thực phẩm… Số lượng lao động Việt Nam sang Romania dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do Romania cần nguồn lao động. Tháng 12/2018, Việt Nam và Romania đã ký MOU về hợp tác lao động.

Chiều 15/11/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tư pháp Hungary Bence Tuzon thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 15/11/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tư pháp Hungary Bence Tuzon thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Cộng đồng người Việt Nam tại Romania chủ yếu kinh doanh hàng may mặc tại Trung tâm thương mại Dragon ở thủ đô Bucharest. Cộng đồng đã tổ chức được Hội người Việt Nam và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Romania. Bà con luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.

Trên cơ sở những thành quả hợp tác tốt đẹp mà hai nước đã gặt hái được trong thời gian qua, chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Romania, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương; đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thụy Sĩ; thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là sự kiện quan trọng trong năm 2024 đối với Việt Nam và các đối tác châu Âu. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tranh thủ đánh giá tích cực của bạn bè quốc tế về tiềm năng, cơ hội hợp tác và vị thế quốc tế của Việt Nam; đồng thời phát triển quan hệ tốt đẹp với WEF, Thụy Sĩ, Hungary và Romania.

Ngày xuất bản: 16/1/2024
Chỉ đạo thực hiện: BÍCH HẠNH - TRƯỜNG SƠN
Nội dung: MINH HẰNG - NGUYỄN HÀ
Trình bày: HOÀNG HÀ
Tài liệu: Bộ Ngoại giao Việt Nam