Đất Thiêng Côn Đảo

Gió thật lớn và mưa tầm tã. Côn Đảo những ngày tôi đến như chìm trong màn nước ướt sũng của những cơn mưa biển cùng với những trận gió hoang dại có ngọn nguồn đâu đó từ phía trùng khơi. Những trận gió phóng túng, cứ thế thổi bùng lên và luồn qua mọi ngóc ngách suốt một vùng đảo nhỏ. Gió quất ràn rạt lên mái những ngôi nhà nép sát bên nhau, gió làm cho những tán bàng cổ thụ trước mặt tiền khách sạn The Mystery nghiêng ngả. Gió trườn lên đỉnh núi bồng bềnh màu sương trắng, miệt mài góp lực bào mòn những phiến cổ thạch. Cảnh sắc mang gam màu trầm. Ở miền đất thiêng này, không gian ấy như càng nhuốm thêm vẻ u hoài, làm tĩnh sâu hơn dòng cảm thức và suy tưởng.

Trang sử bi hùng viết giữa biển khơi

Trước chuyến đi, tôi tìm kiếm các tài liệu và ghi nhận: Côn Đảo xưa gọi là Côn Lôn (các nhà du hành gọi là Poulo Condore xuất phát từ tiếng Mã Lai “Pulao Kunlao” có nghĩa là đảo trái bí). Những di tích khảo cổ học ở Côn Đảo xuất hiện những hiện vật thuộc giai đoạn hậu kỳ thời đá mới và khẳng định cách đây khoảng 4-5 nghìn năm đã có lớp cư dân đầu tiên cư ngụ tại đảo. Các hiện vật khảo cổ học cũng thể hiện, người tiền sử ở đây biết làm nông nghiệp bằng cuốc kết hợp với thu lượm hải sản, săn bắt...

Trong tiến trình mở mang bờ cõi ở đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc thực hiện chủ quyền đất nước đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Lôn, Phú Quốc...

Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi giữa Biển Đông, trên đường giao lưu Đông-Tây nên được người phương Tây biết đến từ rất sớm. Theo nhiều tài liệu, năm 1294, đoàn thuyền 14 chiếc của nhà du hành nổi tiếng người Italia tên là Marco Polo dạt trú tại đây sau khi bị bão đánh chìm tám thuyền. Trung tuần tháng 9/1516, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Pernão Perès de Andrade cũng đã cập bến Côn Đảo.

Theo ghi chép của Marco Polo, các nhà đi biển rất hay ghé nơi này để kiếm nước ngọt và mua gà, rùa biển và quả nho của cư dân đảo.

Ngày nay, cầu tàu 914 vừa là chỗ du khách tham quan du lịch, câu cá, ngắm cảnh, chụp hình lúc mặt trời mọc, vừa là chỗ tàu bè cập bến buổi sớm cung cấp các loại hải sản cho Côn Đảo.

Ngày nay, cầu tàu 914 vừa là chỗ du khách tham quan du lịch, câu cá, ngắm cảnh, chụp hình lúc mặt trời mọc, vừa là chỗ tàu bè cập bến buổi sớm cung cấp các loại hải sản cho Côn Đảo.

Khoảng giữa những năm 60 thế kỷ 16, thi hào Bồ Đào Nha Luís Vaz de Camões, tác giả làm rạng danh nền văn học Bồ thời kỳ Phục Hưng đã đến Côn Đảo, đem theo tập bản thảo cuốn sử thi bất hủ Os Lusiadas. Đây là tác phẩm văn học phương Tây đầu tiên có viết về Việt Nam, trong đó nhiều đoạn miêu tả vẻ đẹp của xứ Đàng Trong.

Trong tiến trình mở mang bờ cõi ở đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc thực hiện chủ quyền đất nước đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Lôn, Phú Quốc...

Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), việc tuần tiễu và khai thác hải sản ở các quần đảo được tiến hành thường xuyên. Côn Đảo thời đó do đội Hoàng Sa quản lý. Đội thành lập ngay từ giữa thế kỷ 16 và hoạt động mạnh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Chúng tôi đã tìm kiếm trong kho tàng mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (Đà Lạt) những tư liệu khẳng định chủ quyền Côn Đảo.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 10 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát) có chép: “…Buổi quốc sơ khai đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 7) ghi rõ: Năm Nhâm Ngọ, đời chúa Nguyễn Phúc Chu năm thứ 11 (1702), chúa sai người đi tìm diệt giặc biển tại Côn Lôn: “Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn… Trấn thủ Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy”. Càng đến thời sau thì càng rõ ràng sâu sắc hơn về chiến lược biển của vương triều Nguyễn.

Năm Canh Tý, đời vua Minh Mạng thứ 21 (1840), vua ra chính sách phòng thủ tại những nơi xung yếu Côn Lôn, Phú Quốc. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi: “Kể ra, biết tự trị thì mạnh, có phòng bị thì không lo. Nay cửa biển Đà Nẵng ở Quảng Nam, đã đặt thêm pháo đài phòng Hải; cửa biển Thị Nại ở Bình Định, lại mới xây pháo đài Hổ Cơ, để giữ chỗ hiểm yếu; còn đảo Côn Lôn ở Vĩnh Long; đảo Phú Quốc ở Hà Tiên, đều có đặt đồn bảo chia phái lính thú tuần phòng, để răn ngừa sự lo bất ngờ. Như thế ta ngăn giữ bờ biển đã có cái thế đáng sợ mà không thể xâm phạm được. Việc võ bị mà chỉnh đốn, thì người ngoài trông thấy cũng tiêu tan lòng tà. Không chỉ người Tây dương cách trở xa xôi, không dám trông thẳng vào nước ta, mà nước mạnh láng giềng tiếp giáp cõi đất, cũng không dám manh tâm dòm ngó nữa”…

Du khách tham quan Côn Đảo.

Du khách tham quan Côn Đảo.

Du khách tham quan Côn Đảo.

Du khách tham quan Côn Đảo.

Một góc Côn Đảo hôm nay.

Một góc Côn Đảo hôm nay.

Item 1 of 3

Du khách tham quan Côn Đảo.

Du khách tham quan Côn Đảo.

Du khách tham quan Côn Đảo.

Du khách tham quan Côn Đảo.

Một góc Côn Đảo hôm nay.

Một góc Côn Đảo hôm nay.

Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, các công ty Đông Ấn của Anh, Pháp nhiều lần cho người tới Côn Đảo dò xét với âm mưu xâm chiếm.

Tháng 11/1686, Công ty Đông Ấn của Pháp phái một nhân viên tên là Verret tới điều tra và lập thương quán ở Côn Đảo. Năm 1702, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông Ấn của Anh tiếp tục ngang nhiên đổ quân lên Côn Đảo. Họ đưa lính người Makassar (thuộc quần đảo Indonesia) tới xây dựng một pháo đài lớn và ký hợp đồng làm việc trong ba năm.

“Nhưng cũng chính những người lính hung hãn, da ngăm màu đồng hun đã vùng lên tiêu diệt các ông chủ người Anh” (Poulo Condore: T.F.E.O. Sài Gòn 1947).

Nhưng theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cuộc nổi dậy này là do triều đình nhà Nguyễn chủ trương, tổ chức và chỉ huy nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn khôn khéo cài người vào nội bộ địch, lợi dụng lính đánh thuê bất mãn với bọn chủ người Anh để gây nên cuộc binh biến.

Sự việc được giải quyết nhanh gọn, không gây rắc rối trong quan hệ bang giao vì đã có tù binh trong tay, địch khó lòng chối cãi. Bởi lẽ đó, trong một thời gian dài tránh được sự nhòm ngó của một cường quốc hải quân hùng mạnh vào bậc nhất thời đó… 

Sử ghi: Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổi lên như vũ bão. Từ 1776 trở đi nghĩa quân Tây Sơn nhiều lần tấn công căn cứ chúa Nguyễn ở Gia Định.

Tháng 3/1782, thủy quân của chúa Nguyễn Ánh bị đại bại ở cửa biển Cần Giờ. Tháng 6/1783, Tây Sơn đánh Phú Quốc, Nguyễn Ánh lên thuyền trốn ra Côn Đảo. Ông đã đem theo hơn 100 gia đình thuộc hạ; xây dựng căn cứ, tính kế phục thù. Chiến thuyền Tây Sơn đuổi theo gặp bão, Nguyễn Ánh chạy thoát. Sau thất bại này, theo lời khuyên của giám mục Pigneau de Behaine tức Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh đã chọn con đường cầu viện nước Pháp để giành lại ngôi vị. Từ sai lầm này dẫn tới hành động “cõng rắn cắn gà nhà” đưa dân tộc Việt phải trải qua gần một thế kỷ đen tối dưới ách cai trị của thực dân Pháp.

Ngày 28/11/1787, thay mặt Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc ký hiệp ước Versailles với đại diện vua Pháp là De Montmorin. Theo đó, Pháp hứa giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1.200 lính, 200 pháo thủ, 250 tên lính người Phi. Đổi lại, nhà Nguyễn phải nhượng cho Pháp chủ quyền cửa Hàn (Đà Nẵng), được độc quyền thương mại ở Nam Kỳ. Theo điều 3 và 5 của hiệp ước này, quần đảo Côn Lôn cũng rơi vào tay Pháp.

Ngày 28/11/1861, theo lệnh của Đô đốc Bonard-Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Pháp, Thông tấn hạm Norzagaray do trung úy hải quân Lespès Nicolas Joachim chỉ huy có mặt tại Côn Đảo. Một biên bản đã được lập vội, với mục đích khẳng định chủ quyền của người Pháp tại Côn Lôn: “Hôm nay, ngày 28/11/1861 vào lúc 10 giờ sáng. Tôi, Lespès Nicolas Joachim, Trung úy hải quân, Hạm trưởng Thông tấn hạm Norzagaray, tuân hành lệnh của Chính phủ và nhân danh Hoàng đế Pháp Napoleon III, tuyên bố quyền chiếm hữu quần đảo Poulo Condore. Biên bản ghi nhận quyền này được lập với sự hiện diện của các sĩ quan thuộc Thông tấn hạm Norzagay”…

Đâu cần phải đến những thiên đường biển nào xa xôi trên thế giới, ở Côn Đảo, bất cứ góc nào cũng cho những khoảnh khắc thiên nhiên đẹp nao lòng.

Côn Đảo hay còn có tên gọi khác là Côn Lôn, Côn Sơn, là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1 giờ bay, Côn Đảo có diện tích khoảng 76km2 gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với dân số chỉ có khoảng 6.000 người.

Miên man cùng dòng chảy của thời gian miên viễn, chúng tôi đến thắp hương ở An Sơn Miếu hiện thờ thứ phi Phi Yến, tục danh Lê Thị Răm, một trong những người vợ của Nguyễn Ánh. Tại đây, du khách không tránh khỏi bùi ngùi, kính cảm trước tiết hạnh của bà thứ phi. Giai thoại cư dân đảo kể rằng, khi theo chồng dạt ra Côn Đảo, biết Nguyễn Ánh định cầu cứu Tây phương, thứ phi đã hết sức can ngăn nên bị ông ta nổi trận lôi đình vì nghi ngờ bà thông đồng với Tây Sơn.

Nguyễn Ánh đã biệt giam Phi Yến trong một động đá trên hòn đảo hoang vắng phía tây nam đảo lớn. Nghe tin quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, Nguyễn Ánh xuống thuyền chạy ra Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Hội An (tức Cải), con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh mới vừa 5 tuổi, biết mẹ đang bị giam cầm nên kêu khóc phải để cho bà cùng đi hoặc xin được ở lại với mẹ. Trong cơn nóng giận, Nguyễn Ánh đã chém và ném xác con trai xuống biển. Xác hoàng tử trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ.

Bà Phi Yến được dân đảo giải cứu. Khi biết tin con trai đã chết, thứ phi vô cùng đau xót, thường ra mộ con khóc cho đến ngày tự kết liễu đời mình, nhắm mắt xuôi tay trong cơn bi phẫn. Trước tình cảnh thương tâm mẫu tử chia lìa, dân đảo vô cùng cám cảnh. Dân gian cho rằng, câu ca: Gió đưa cây Cải về trời/Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay đã ra đời từ đó…

Vẫn biết rằng, trong Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện không ghi chép ai là thứ phi của Hoàng đế Gia Long tên là Lê Thị Răm, thụy là Phi Yến. Cư dân đảo cũng biết rất rõ rằng, tiền thân ngôi miếu này thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu, vốn là vị thần biển trong tín ngưỡng dân gian.

Miếu do ông Nguyễn Kim Sáu-nguyên Trưởng ty Ngân khố Côn Đảo khởi dựng năm 1958 với đôi câu đối bằng chữ Hán treo trên hai trụ bệ thờ: “Thánh đức phối Thiên an Hải quốc/Mẫu nghi xứng Hậu ấm Côn bang”.

Miếu Bà Phi Yến đang được trùng tu.

Miếu Bà Phi Yến đang được trùng tu.

Còn bức hoành phi “Đức Bà Phi Yến” đắp nổi sơn màu đỏ ở giữa ban thờ thì mới được viết lên sau này bằng chữ quốc ngữ. Nhưng chiều nay trước An Sơn Miếu và Miếu Cậu giữa lòng Côn Đảo, lòng tôi vẫn rưng rưng khi liên tưởng đến câu chuyện đau lòng. Tôi cũng nghĩ về hàng trăm năm qua những miếu bà, miếu cậu không có ngày nào không khỏa khuây hương khói vì người dân đã hòa hợp những thần linh, nhân linh trong tâm tưởng ngưỡng vọng của họ làm điểm tựa tinh thần, làm sức mạnh bảo hộ và che chở. Lịch sử có con đường riêng. Văn hóa và tín ngưỡng cũng có những lối đi khác.

Học thuật cần phân định rõ ràng, nhưng cũng cần tôn trọng tâm thức dân gian về tinh thần hướng thượng và khát vọng bình yên. Có thể là khập khiễng, nhưng tôi đã liên tưởng đến tục thờ thánh mẫu Thiên Y Ana của cư dân biển ở xứ miền Trung với An Sơn Miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu (hay thứ phi Lê Thị Răm) trên đất Côn Đảo…

Những người bất khuất

Suốt 114 năm, cả Côn Đảo là một ngục tù. Có biết bao câu chuyện đau thương dồn nén suốt những tháng năm đằng đẵng giữa trùng dương thăm thẳm. Lớp lớp thịt xương của hàng chục nghìn người Việt Nam yêu nước đã hòa trong đất đai, cây cỏ và nước biển mặn.

Chỉ trong một vài ngày trải nghiệm Côn Đảo, tôi đã được lưu vào trong tim mình cả nỗi đau lẫn niềm tự hào về những bậc tiền nhân, về chí khí ngút trời của những con người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ở nơi này, họ đã chiến đấu và hy sinh cho những người còn sống, cho một ngày đất nước đón ánh hào quang của độc lập, tự do, của non sông thống nhất.

Nhà văn gốc Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech) Milan Kundera từng nói: “Tinh thần nặng hơn ngàn lần thể xác”; nếu từng có mặt ở địa ngục trần gian Côn Đảo, ông sẽ cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa từ câu nói của mình. Trong cơn thức ngủ chập chờn, tôi hình dung giọng nói ấm trầm của Nguyễn Văn Hải, hướng dẫn viên của Bảo tàng Côn Đảo:

Một bài báo Tết do tù nhân chính trị viết trong ngục tù.

Một bài báo Tết do tù nhân chính trị viết trong ngục tù.

Ngày 28/11/1861, Pháp đánh chiếm Côn Đảo và xây dựng cơ sở tạm thời giam giữ tù nhân người Việt. Ngày 1/2/1862, Thủy sư đô đốc Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù. Dưới mắt bọn thực dân, Côn Đảo là nơi cách xa đất liền, lý tưởng cho khả năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù. Chẳng bao lâu sau, nó đã trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng về tù đày và tra tấn.

Ngay từ những ngày đầu tiên trở thành chốn ngục tù, Côn Đảo đã phải đau lòng chứng kiến một tội ác man rợ: Ngày 28/6/1862, 50 tù nhân kết hợp với hơn một trăm quan lính triều Nguyễn làm cuộc nổi dậy đốt phá trại giam, đánh đuổi khoảng một chục tên cai ngục người Pháp.

Sau cuộc nổi dậy, số nghĩa binh này không tìm được phương tiện để về đất liền nên hai tuần lễ sau, thực dân Pháp đã phái tuần dương hạm bao vây đảo, chúng giết hơn 100 người và bắt sống 20 người. Chúng buộc 20 tù nhân này mang hơn 100 xác người chôn chung và chôn sống luôn những tù nhân đó…

Suốt hơn một thế kỷ, với chế độ vô cùng hà khắc từ thực dân Pháp qua đế quốc Mỹ, nhà tù này đã giam cầm đày đọa hơn 200.000 tù nhân chính trị; 20.000 người đã bị vùi thây trên đảo.

Khu đập đá - nơi chí sĩ Phan Châu Trinh viết bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" nổi tiếng.

Khu đập đá - nơi chí sĩ Phan Châu Trinh viết bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" nổi tiếng.

Đến tháng 4/1975, Côn Đảo còn giam cầm 7.448 tù nhân, trong đó 4.234 tù chính trị; 3.214 tù thường phạm và quân phạm. Trong số tù chính trị có 2.488 người đang chịu chế độ cấm cố; 1.746 người bị bắt lao động khổ sai.

Thăm di tích nhà tù, chúng tôi được hiểu sâu sắc thêm về những năm tháng kẻ thù đày đọa các nhà yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… cùng hàng chục thân sĩ bị kết án chính trị. Đặc biệt năm 1908, sau vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ, chí sĩ Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân bắt giam và đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thân.

Gần thế kỷ qua, bao thế hệ người Việt đều thuộc bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của nhà hoạt động chính trị Phan Tây Hồ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất không lụy tù đày. Ngày hôm nay, trước phòng đập đá của trại Phú Hưng, chúng tôi lại được đọc lại bài thơ ngập tràn tinh thần gang thép ấy.

Một bài báo do các chiến sĩ viết trong ngục tù Côn Đảo.

Một bài báo do các chiến sĩ viết trong ngục tù Côn Đảo.

Nhà tù Côn Đảo cũng là nơi địch đọa đày các chiến sĩ cách mạng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh… và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng.

Hình ảnh tù nhân bị đày đọa trong xà lim.

Hình ảnh tù nhân bị đày đọa trong xà lim.

Hình ảnh tù nhân bị giam cầm trong chuồng cọp.

Hình ảnh tù nhân bị giam cầm trong chuồng cọp.

Qua hai thời kỳ Pháp-Mỹ, kẻ thù đã cho xây dựng ở Côn Đảo 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa, khu đập đá, phòng phơi nắng và phòng tra tấn. Với sự dẫn dắt của hướng dẫn viên, chúng tôi đã thăm tất cả những di tích từng là nơi giam cầm đày đọa tù nhân, từ các trại Phú Thọ, Phú Hải, Phú Sơn, Phú An, Phú Bình, Phú Hưng, Lò Vôi, cầu Ma Thiên Lãnh. Nhưng có lẽ, ám ảnh nhất trong cuộc trải nghiệm là di tích Chuồng Cọp và Chuồng Bò mà những câu chuyện người tù bị đọa đày ở những nơi này đã thể hiện sâu sắc nhất cái ác mà kẻ thù đã dành cho những người yêu nước.

Chuồng Cọp do Pháp xây dựng năm 1940 và Chuồng Cọp do Việt Nam Cộng hòa xây dựng năm 1971. Địa điểm này là nơi giặc giam giữ những tù nhân chính trị cao cấp. Hai thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng độ tàn độc của bọn lang sói thì đều không có giới hạn giống nhau.

Chuồng Cọp là nơi biệt giam khắc nghiệt nhất. Tù nhân bị giam trong những căn phòng chỉ rộng khoảng 5m2. Người tù bị cùm chân và nằm dưới nền xi-măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh, ăn uống vô cùng khổ sở mà liên tục bị tra tấn, hỏi cung. Để tránh bị dư luận phản đối, khu Chuồng Cọp được Mỹ và Việt Nam Cộng hòa xây dựng biệt lập và giữ bí mật. Bởi vậy, trong một thời gian rất dài không ai biết đến sự tồn tại của phương thức giam cầm đặc biệt này.

Tháng 5/1970, sự thật kẻ thù che giấu đã bị phanh phui, gây một làn sóng căm phẫn trong nước và quốc tế. Người đầu tiên công bố sự thật đó trước công chúng Mỹ là nhà báo Don Luce khi ông cùng Tom Harkin-Trợ lý của đoàn Quốc hội Mỹ đã thuyết phục hai nghị sĩ trong đoàn điều tra hoạt động tra tấn tù nhân tại Côn Đảo. Sử dụng bản đồ được Cao Nguyên Lợi-một cựu tù nhân bị giam trong Chuồng Cọp vẽ, Don Luce và Tom Harkin đã bí mật chuyển hướng khỏi các lộ trình được lên kế hoạch từ trước, vội vã đi xuống một con hẻm giữa hai dãy phòng giam; họ tìm thấy cánh cửa nhỏ dẫn đến các lồng sắt giữa các bức tường nhà tù.

Sau này Don Luce kể lại: “Tại đây hình ảnh các tù nhân trong lồng đã khắc sâu trong tâm trí tôi, không thể tẩy xóa nổi. Người đàn ông với ba ngón tay bị cắt rời; một người khác đã chết có hộp sọ đã vỡ toác... Tôi nhớ rõ mùi hôi thối khủng khiếp do tiêu chảy và các vết thương lở loét ở mắt cá chân các tù nhân do xiềng xích cắt vào”.

Các bức ảnh do hai ông Luce và Harkin chụp ở Nhà tù Côn Đảo được đăng trên tạp chí Life ngày 17/7/1970 đã tố cáo tội ác vô cùng man rợ, cảnh giam giữ tồi tệ và sự tra tấn tù nhân thảm khốc. Dưới áp lực của dư luận, 180 tù nhân đàn ông và 300 tù nhân phụ nữ đã được chuyển khỏi các Chuồng Cọp. Nhiều người được đưa đến bệnh viện tâm thần do sang chấn tâm lý quá nặng.

Khu biệt lập Chuồng Bò cũng là một lát cắt đau thương không thể nào quên của đất trời Côn Đảo. Chuồng Bò được hình thành vào năm 1876 nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm cho bọn cai ngục. Năm 1930, thực dân Pháp cho xây dựng thêm 9 phòng giam, sử dụng chuồng bò làm trại giam tù nhân. Ngoài ra, chúng còn sử dụng các hầm phân bò để ngâm người tù như một hình thức tra tấn.

Thời Việt Nam Cộng hòa, chuồng bò vẫn giữ công năng cũ và mở rộng thêm 33 phòng biệt giam. Hướng dẫn viên Hải, kể: “Ngày giải phóng Côn Đảo, các tù nhân phá trại giam để giải cứu đồng đội. Họ tìm khắp mọi ngóc ngách đảo, hai người cuối cùng được tìm thấy đang bị giặc ngâm ngập thân trong hầm phân bò. Khi các bác bế được họ lên, hai người đã bị hoại tử hết phần dưới cơ thể!…”

Suốt hành trình viếng thăm các di tích nhà tù Côn Đảo, tôi nhớ lại tập hồi ký “Bất khuất” của đồng chí Nguyễn Đức Thuận, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV và V, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông bị đày đi Côn Đảo lần thứ nhất năm 1943 và lần thứ hai năm 1956.

Tập tự truyện của Nguyễn Đức Thuận mô tả sức chịu đựng kỳ diệu của một chiến sĩ suốt tám năm bị địch giam cầm, tra tấn nhưng vẫn không chịu khuất phục, từ bỏ lý tưởng cách mạng đã gây tiếng vang lớn. “Bất khuất” dẫn người đọc đi trên con đường đầy đau thương trong ba ngàn ngày trải qua những lò giết người cực kỳ man rợ, man rợ hơn cả bọn đao phủ ở thời trung cổ, hơn cả phát-xít.

Côn Đảo trong hơn 400 trang “Bất khuất” hiện lên như là địa ngục trần gian, đầy rẫy ác ôn quỷ dữ mổ bụng, ăn gan, uống máu người không tanh. Trong lao tù, Nguyễn Đức Thuận cùng bao chiến sĩ cộng sản đối mặt đấu tranh với quân thù từng phút, từng giây. Từng trang sách thấm đẫm máu và nước mắt nhưng cũng tràn đầy sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống và một bài ca chiến thắng không bao giờ tắt… 

Ở Bảo tàng Côn Đảo, tôi được xem bức ảnh miêu tả niềm vui vô bờ của các tù nhân được trở về với bầu trời tự do trong ngày non sông thống nhất. Trước đoàn diễu hành của những người tù chính trị là bức khẩu hiệu: Đời đời nhớ ơn Đảng và Nhân dân cả nước đã cứu sống chúng tôi!. Tôi cay mắt và muốn được nghĩ ngược lại: Họ mới chính là những người mà nhân dân cả nước cảm phục và biết ơn, những người không tiếc máu xương “cứu sống” Tổ quốc và nhân dân, hy sinh bản thân mình vì lý tưởng cao quý mà họ đã chọn!...

Âm nhạc và ngục tù

“Hoàng hậu Fredegonde” là một vở nhạc kịch bất hủ của nhà soạn nhạc thiên tài người Pháp Charles Camille Saint Seans (1835-1921). Ông là một nhạc sĩ thuộc trường phái lãng mạn. Tên tuổi của ông được xếp vào những nghệ sĩ hàng đầu châu Âu theo người đương thời đánh giá và ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp quốc. Vở nhạc kịch và nhà soạn nhạc của quốc gia xa xôi ấy thì có liên quan gì đến Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” giữa trùng khơi Việt Nam?

Buổi sáng gió mưa này, chúng tôi ngồi cà-phê trước hiên Nhà công quán Côn Đảo, Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt. Người bạn của tôi đọc nhanh thông tin trên tấm bảng bằng đồng đề trước cửa ngôi nhà: “Đây là nơi dừng chân của nhạc sĩ Charles Camille Saint Saens”.

Từ gợi ý của bạn, tôi lục tìm tài liệu và được tiếp nhận thêm nhiều điều thú vị về câu chuyện này. Nhà công quán được thực dân Pháp xây từ những năm 70 của thế kỷ 19, nơi dành cho quan khách của các "Chúa đảo" nghỉ chân trong những dịp ghé thăm. Như một cơ duyên, năm 1895, nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp Charles Camille Saint Saens đã sang Đông Dương theo lời mời của Toàn quyền Paul Armand Rosseau và ông đã có chuyến du hành đến Côn Đảo.

Trong quãng thời gian lưu trú ở hòn đảo giữa biển khơi này, từ ngày 20/3 đến ngày 19/4/1895, nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành ba chương cuối của vở nhạc kịch lừng danh “Hoàng hậu Fredegonde”. Nội dung vở nhạc kịch là một giai đoạn lịch sử với câu chuyện có thật của nước Pháp thời tiền Trung cổ với những cuộc giao tranh quyền lực. Nàng Fredegonde xuất thân người hầu, bằng những mưu kế riêng đã trở thành hoàng hậu giàu có và quyền lực. Từ đó, cuộc chiến tranh giành quyền lực bắt đầu với những xung đột, giao tranh khốc liệt…   

Người đương thời đánh giá, ba chương cuối là ba chương đỉnh cao của vở nhạc kịch vì âm nhạc ở đó mang một mầu sắc khác lạ, khác lạ ngay cả với phong cách thanh nhã và cân bằng thông thường của nhà soạn nhạc thuộc trường phái lãng mạn. Ba chương viết ở Côn Đảo là ba chương kết thúc vở opera được cất lên khi Charles đã thấu cảm phần nào nỗi đau nhân loại mà ông đã được chứng kiến nơi hòn đảo ngục tù mà những kẻ thực dân đến từ đất nước ông đã lập nên để giam giữ và áp bức những người yêu nước thuộc địa. Âm nhạc của ông cũng phần nào diễn tả cuộc đấu tranh phản kháng với tinh thần bất khuất của những người dân Việt Nam khi đối diện với sự hung tàn của kẻ thù xâm lược đến từ phương xa.

Về phương thức thể hiện, do chịu ảnh hưởng bởi sự huyền bí và văn hóa Á Đông đặc trưng tại Côn Đảo, Charles đã để lại dấu ấn trong tác phẩm này bằng cách sử dụng chiêng lớn, tam-tam (nhạc cụ dây gẩy) hoặc âm điệu từ kèn gỗ…

Mô phỏng hình ảnh kẻ thù tra tấn tù nhân trong hầm xay lúa.

Mô phỏng hình ảnh kẻ thù tra tấn tù nhân trong hầm xay lúa.

Mô hình một góc nhà giam.

Mô hình một góc nhà giam.

Du khách tham quan hầm xay lúa.

Du khách tham quan hầm xay lúa.

Item 1 of 3

Mô phỏng hình ảnh kẻ thù tra tấn tù nhân trong hầm xay lúa.

Mô phỏng hình ảnh kẻ thù tra tấn tù nhân trong hầm xay lúa.

Mô hình một góc nhà giam.

Mô hình một góc nhà giam.

Du khách tham quan hầm xay lúa.

Du khách tham quan hầm xay lúa.

Di tích Bãi Sọ Người.

Di tích Bãi Sọ Người.

Di tích Hầm phân bò-nơi kẻ thù tra tấn đày đọa tù nhân.

Di tích Hầm phân bò-nơi kẻ thù tra tấn đày đọa tù nhân.

Tôi đã tìm kiếm những thông tin liên quan đến vở nhạc kịch từng được diễn nhiều suất tại Paris (Pháp) và một số nước châu Âu; ở Việt Nam, đến năm 2017 được đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Trần Vương Thạch và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng, công diễn. Qua nền tảng Youtube, tôi đã cảm nhận phần nào những dòng âm thanh, những giai điệu và tiết tấu mà từ 128 năm trước nhà soạn nhạc đã cách điệu từ những thanh âm hiện thực bi tráng mà ông có cơ hội chứng thính tại Côn Lôn.

Trong mô thức của opera, những chương cuối của vở nhạc kịch với bối cảnh châu Âu, công chúng cảm nhận được những giai điệu u uất, buồn đau, những thanh âm của uất hận, rên xiết và ý chí bất khuất từ vùng đất ngục tù Côn Đảo. Trong mỗi khuông nhạc có tiếng sóng biển thét gào, tiếng kêu thảm thiết của tù nhân bị tra tấn, tiếng xiềng xích khua rền trong đêm tối và âm ba đại dương mỗi ngày nuốt chửng những thân xác mục rữa của người tù bị kẻ thù tra tấn đến tàn hơi, kiệt sức…

Du khách tham quan dinh thự Chúa đảo.

Du khách tham quan dinh thự Chúa đảo.

Với tấm lòng đầy trắc ẩn của một nghệ sĩ, rời Côn Đảo, Charles đã gửi lại một bức thư đầy tâm huyết cho Chúa đảo Louis Jacquet. Trong thư ông viết: “Phong cảnh đảo Côn Đảo thật tuyệt vời. Những nơi đã đi qua, tôi chưa thấy ở đâu đẹp thế dù ở Tây Ban Nha, Canaria, Ai Cập hay Algeria. Tôi hài lòng vì ở đây, tôi đã hoàn tất vở opera Hoàng hậu Fredegonde. Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa và nhất là về âm nhạc nơi này. Nhưng những gì tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu, trong sáng và phong phú của họ. Họ đang đau khổ biết chừng nào! Con người chúng ta đã thay đổi nhiều quá. Hay đã làm đảo lộn hết rồi chăng. Cái gì khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này, hòn đảo này? Đương nhiên không phải vì cuộc sống của mỗi chúng ta, càng không phải nền văn minh của ta. Còn cách nào cứu vãn được không? Làm chúa ngục là ngược lại với tính cách, tâm hồn ông. Nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể ta phải chọn. Tôi tin con người nghệ sĩ trong ông. Là một người yêu âm nhạc tôi tin chắc chắn rằng: Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp!...”.

Tiếc rằng, những lời cảm khái hồn nhiên xuất phát từ trái tim nhân hậu của người nghệ sĩ cũng chỉ đủ kích thích cho những kẻ thực dân độc ác kia vài cái chau mày, nhếch mép cơ học. Với bản chất đế quốc, loài thú đội lốt những kẻ khai hóa không thể nào tiếp nhận được thông điệp lương tri mà nhà soạn nhạc tài ba rút tâm can gửi gắm…  

Câu trả lời cho những dòng tâm huyết của nhà soạn nhạc là một thực tế đối lập phũ phàng. Ngay trước mặt Nhà công quán, cách nơi Charles viết ba chương cuối của vở nhạc kịch nổi tiếng kia và cũng là nơi ông gửi lại bức thư tâm huyết cho Chúa đảo chừng vài chục mét lại chính là Cầu Tàu 914. Cầu Tàu mang tên một dãy số khô khốc nhưng là lời tố cáo đanh thép sự độc ác tận cùng của thực dân, đế quốc. Trong mưa gió chiều tà, trước những đợt sóng biển khơi dào dạt, chúng tôi run run thắp nén tâm nhang cúi đầu kính vọng lớp lớp cha ông đã ngã xuống bởi đòn roi tra tấn, bởi sức tàn lực kiệt khi vác đá xây dựng Cầu Tàu. Bia tưởng niệm ghi rõ: Cầu Tàu được khởi công năm 1873 và kéo dài trong hàng chục năm. Đây là chứng tích về nỗi cực nhục của những người bị đưa ra đảo tù đày. Nhiều người đã vĩnh viễn yên nghỉ tại nơi này.

Chỉ với chiều dài 130m, chiều rộng 4,8m, con số 914 được đặt tên cho cầu là số tù nhân đã ngã xuống vì lao dịch, vì bị tra tấn, vì tai nạn trong quá trình lao động khổ sai xây cầu. Đẫm máu và nước mắt, xương cốt chất chồng, nhưng Cầu Tàu 914 cũng là nơi chứng kiến giây phút hạnh phúc dâng trào khi đảo được giải phóng vào mùa xuân năm 1975. Hẳn rằng, trong những giai điệu vở opera “Hoàng hậu Fredegonde” của Charles Camille Saint Saens có những vọng âm đau đớn của 914 linh hồn người tù nơi Cầu Tàu trước mặt Nhà công quán mà nhà soạn nhạc chắt lọc từ tiếng gió, tiếng mưa, từ những thanh âm ghê rợn mà con người đã gây ra cho nhau để soạn những chương cuối cùng của vở nhạc kịch…

Viết tiếp về Côn Đảo, tôi đã chọn một câu chuyện âm nhạc cho tâm hồn đỡ nặng nề khi phải mô tả quá nhiều những đau đớn dù nó đã diễn ra trong quá khứ xa xôi. Như một nguyên lý mỹ học, cái đẹp được khởi lên từ cái thật. Vở nhạc kịch từ 128 năm trước, đã vang lên từ dư ba hận thù giữa đại dương nước Việt. Thế nhưng, những kẻ đao phủ không ghi nhận giá trị của cái đẹp, chúng vùi dập thân xác của người tù bất chấp sự hủy hoại lương tri và giá trị của những nền văn minh. Tôi muốn nói nhiều hơn về điều đó từ những suy tư từ sâu thẳm trái tim ở nơi được ghi danh là “địa ngục trần gian” này như thêm một lời nhắc nhở về khát vọng hòa bình thiêng liêng và cao quý.     

Trở lại với câu chuyện nhà soạn nhạc Charles Camille Saint Saens và vở opera “Hoàng hậu Fredegonde” nổi tiếng của ông. Có thể quên câu chuyện của nhạc kịch, quên đi cả tiếng vọng của những thanh âm bi thương, ai oán của những ngày đầu hè 128 năm về trước. Nhưng xin hãy lưu nhớ, khắc sâu vào tâm hồn chúng ta nghịch lý giữa cái đẹp, cái cao cả và tội ác.

Du khách tham quan nhà giam và phòng phơi nắng tù nhân.

Du khách tham quan nhà giam và phòng phơi nắng tù nhân.

Viết những dòng này, tôi mong cầu những nghệ sĩ chân chính và trách nhiệm hãy đến với Côn Đảo nhiều hơn và mô tả trung thực những câu chuyện, những biểu tượng bi tráng nơi đây. Nơi một thời con người đối diện với nỗi đau thân xác, với cái chết từng phút từng giây để bảo vệ lý tưởng và lẽ sống cao đẹp. Cát trắng và biển xanh không thể nào xóa đi hận thù, bởi điều đó ở địa ngục trần gian này là một hiện thực trần trụi không dễ mờ phai. Nhưng nghệ thuật đích thực vừa tố cáo tội ác, vừa tri ân quá khứ và từ đó thắp sáng lên nơi này những giai điệu và âm sắc mới. Những giai điệu cất lên từ sâu thẳm tâm hồn giữa một vùng linh khí, chuyển đi muôn phương thông điệp mang khát vọng hòa bình và hạnh phúc. Tôi cũng luôn mong cầu, mỗi ngày mới Côn Đảo hôm nay sẽ bắt đầu bằng bình minh tươi đẹp sáng dần lên từ phía đại dương mênh mang…

Ngút trời linh khí

Nơi này là vùng đất thiêng. Mỗi hòn đá cành cây, mỗi đợt sóng dâng trào biển khơi hay sẫm mầu núi biếc Côn Đảo đều có thể kể một câu chuyện về những thời, những người đã qua. Từng tấc đất trên đảo nhỏ giữa trùng khơi đều lưu những dấu tích của lòng uất hận và ý chí ngoan cường của những người Việt vì đại nghĩa Tổ quốc mà có thể hiến dâng cả thân xác vô cùng quý giá của mình.

Cầu tàu 914 - Một địa điểm lịch sử nổi bật ở Côn Đảo. Tên gọi 914 của cầu tàu không phải là dấu mốc của cây số, không phải là số thứ tự của bến tàu mà đó là con số đại diện cho 914 sinh mạng của những người tù Côn Đảo đã chết trong quá trình xây dựng cầu tàu.

Cầu tàu 914 - Một địa điểm lịch sử nổi bật ở Côn Đảo. Tên gọi 914 của cầu tàu không phải là dấu mốc của cây số, không phải là số thứ tự của bến tàu mà đó là con số đại diện cho 914 sinh mạng của những người tù Côn Đảo đã chết trong quá trình xây dựng cầu tàu.

Trên đường từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm huyện đảo, anh Sấm lái xe taxi đã tự nguyện làm một hướng dẫn viên. “Trong khoảng thời gian từ năm 1861 đến 1975, đã có 53 đời chúa đảo. Đảo có diện tích 74 km, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ và hiện có hơn 10.000 dân. Đời sống trên đảo yên lành, người dân chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ du lịch, đánh bắt hải sản và sản xuất nông nghiệp.” Giọng Sấm chùng xuống: “Số liệt sĩ nằm lại Côn Đảo còn đông gấp nhiều lần dân số hiện có ở huyện đảo đó các anh!”.                             

Ở Côn Đảo, dù thả hồn ngắm núi mờ mây hay thong dong trước biển, dù bước đi trong tiếng sóng du dương hay rát mặt trước gió mưa tầm tã thì trong tâm hồn tôi đều bảng lảng tiếng vọng đau thương từ hơn thế kỷ trước. Đó là những dư âm của lịch sử, của một thời tranh đấu. Dạo gót trên những lối đảo, tôi luôn thả những bước chân nhẹ nhàng, sợ làm động đến hương linh của các bậc tiền nhân mà thịt xương của họ đã hòa trong đất đai nơi này.

Mỗi góc phố yên bình của Côn Đảo đều lưu giữ những giá trị lịch sử bi hùng của dân tộc.

Mỗi góc phố yên bình của Côn Đảo đều lưu giữ những giá trị lịch sử bi hùng của dân tộc.

Côn Đảo ngập tràn linh khí. Núi rừng hùng vĩ, hoa lá tốt tươi, nước biển nơi này cũng như trong xanh hơn và con người thì thiện lương chân chất mà sao cứ thấy không gian gieo vào lòng lữ khách một tâm trạng chông chênh. Người đàn ông phục vụ quán ăn khuya cung kính rót ly rượu đầu tiên xuống đất khi chúng tôi mời anh. “Kính dâng hương hồn các bác, các anh, chị trước!” anh nói. Hành vi của người cư dân đảo làm chúng tôi cay mắt…

Chúng tôi cũng đã mang theo trạng thái cảm xúc biết ơn đó khi viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Đêm về khuya, không gian của nghĩa trang thêm sắc mầu u tịch. Những cây bàng cổ thụ tán lá sũng nước, những hàng dương xanh rễ cắm sâu vào đất tỏa lên một thứ ánh sáng hư huyền. Những bóng cây che chở mộ phần và ru hồn liệt sĩ trong giấc ngủ vĩnh hằng. Tôi như nghe trong vi vu tiếng gió có bầu khí thiêng hòa trong sương khói nơi này.

Trong cơn mưa rả rích về khuya, chúng tôi đặt những bước chân nhẹ nhàng trên những lối đi dẫn vào các khu mộ. Ai đó dặn: Trong từng nắm đất, gốc cây của Côn Đảo còn lẩn khuất xương cốt của nhiều liệt sĩ. Xin hãy nhẹ bước chân! Với khuôn viên rộng gần 20 ha, Nghĩa trang Hàng Dương được chia thành năm khu mộ liệt sĩ với 1.921 ngôi mộ; trong đó có 713 ngôi mộ có tên và 1.208 mộ chưa tìm được danh tính; trên bia mộ những người tù vô danh chỉ duy nhất gắn một ngôi sao đỏ. So với tổng số 20 nghìn người đã mãi mãi ngã xuống mảnh đất Côn Đảo suốt trong 114 năm nơi này là địa ngục trần gian thì số mộ phần được quy tập về nghĩa trang chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Trong ánh sáng ảo mờ, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; các Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Hoa… và thắp những nén nhang tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ trong nhiều khu mộ rải rác trên suốt các triền đồi cao thấp. Cảm xúc ngập tràn nhưng thật khó diễn tả bằng lời.

Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng. Nơi đây ghi dấu chứng tích tội ác của thực dân đế quốc và là một phần của trang sử hào hùng của dân tộc.

Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng. Nơi đây ghi dấu chứng tích tội ác của thực dân đế quốc và là một phần của trang sử hào hùng của dân tộc.

Như một thói quen khi viếng các nghĩa trang, tôi thường đọc tên, tuổi và quê hương của từng liệt sĩ trên những bảng mộ chí. Đọc, cảm và liên tưởng đến những cuộc đấu tranh kiên cường và sự hy sinh cao đẹp của các bác, các cô, các anh, các chị khi tuổi đời của họ hãy còn quá trẻ. Cuộc đời của nhiều người trong họ đã mãi mãi dừng lại với lứa thanh xuân. Họ là những người con ưu tú của Đất Mẹ Việt Nam. Nếu không ngã xuống vì lý tưởng trong những ngày tranh đấu thì những người con can trường ấy sẽ trở thành những tinh hoa, những nhân tài của đất nước thời kiến thiết hòa bình. Nghĩ đến những điều đó, trong tâm hồn tôi vừa xen lẫn niềm cảm phục, lòng biết ơn vô bờ mà cũng không giấu nổi cảm giác xót xa…

Cũng chiều nay, tôi đứng trước tấm bia tưởng niệm tại Di tích lịch sử Cuộc võ trang vượt ngục của 198 tù lao động khổ sai. Bia đá khắc ghi: “Nơi đây ghi dấu cuộc võ trang vượt ngục ngày 12/12/1952 của 198 người tù lao động khổ sai làm đường đi Bến Đầm. Lực lượng này đã hoàn toàn làm chủ tình thế nhưng vì thời tiết không thuận lợi, cuộc vượt biển không thành, 117 người bị địch bắt lại, 81 người hy sinh trên biển”.

Thắp nén nhang và đọc những dòng bia, tôi bất chợt nhớ tới tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán. “Vượt Côn Đảo” xuất bản lần đầu năm 1954, nhận giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam giai đoạn 1954-1955. Phùng Quán kể: Sau Hiệp định Geneva 1954, ông có mặt trong cuộc trao đổi tù binh ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), gặp gỡ những người tù cách mạng trở về từ Côn Đảo. Câu chuyện của các tù nhân chính trị về những người con bất khuất và ý chí quật cường với hai lần vượt ngục không thành là nguồn cảm hứng để nhà văn viết nên bản anh hùng ca. “Vượt Côn Đảo” tái hiện sinh động cuộc sống tù nhân tuy bị đọa đày dã man dưới ách cai trị của thực dân Pháp nhưng luôn khát khao vượt ngục về với cuộc sống tự do. Họ vượt ngục để tiếp tục chiến đấu. Tất cả những người vượt ngục đều nghĩ rằng trong quá trình tiếp tục hoạt động có thể bị hy sinh, có thể bị địch bắt trở lại ngục tù Côn Đảo…  

Bảo tàng Côn Đảo.

Bảo tàng Côn Đảo.

Tại Bảo tàng Côn Đảo tôi đọc được tư liệu: Theo báo cáo của Thanh tra thuộc địa, từ năm 1930 đến năm 1935 có 3.664 lượt tù Côn Đảo vượt ngục. Hơn 3.000 người bị bắt lại và chịu hình phạt khắc nghiệt nhất, 444 người thoát ra biển song nhiều người đã chết chìm xuống đáy đại dương. Nhiều cảnh thương tâm đã xảy ra trên biển nhưng gian khổ, chết chóc và sự tra tấn trừng phạt dã man của bọn cai ngục khi bị bắt trở lại vẫn không ngăn nổi ý chí tự do của người tù. Các cựu tù nhân nói rằng, Nhà tù Côn Đảo đã là hình phạt tận cùng rồi, chẳng có gì đáng sợ hơn nữa. Chính vì vậy, chi bộ Đảng trong nhà tù lập Quỹ giải phóng quyên góp tiền ủng hộ các cuộc vượt ngục và lựa chọn những đồng chí có năng lực lãnh đạo đưa về tăng cường cán bộ cho Đảng.

Năm 1932, các đồng chí Nguyễn Hới, Tống Phúc Chiếu... được chỉ định vượt ngục. Thuyền bí mật đóng trên một sườn núi phía Lò Vôi. Đồng chí Nguyễn Hới trốn lên núi, phát cây mở đường để khiêng thuyền xuống. Thuyền hạ ở mũi Tàu Bể, vừa ra khơi hơn trăm thước thì bị sóng lớn đánh chìm. Nguyễn Hới đuối sức, bị sóng cuốn đi. Không nản chí, từ tháng 4/1934 đến tháng 4/1935, chi bộ tổ chức được hai chuyến vượt đảo thành công, cập vào Bến Tre và vùng biển Tây Nam Bộ…

 Tội ác tày trời của kẻ thù suốt 114 năm ở nơi chốn đảo nhỏ giữa trùng khơi này đã được khắc sâu, đã được ghi nhớ trong trang sử đấu tranh vì đại nghĩa Tổ quốc.

(Bài đã đăng Nhân Dân cuối tuần từ số 43-45, xuất bản ngày 23, 30/10 và 6/11/2023)

Bài và ảnh: Uông Thái Biểu
Trình bày: Dương Dương

(Bài viết được sử dụng thêm ảnh tư liệu từ đồng nghiệp)