Năm 2021 là thời điểm khó khăn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kinh phí hỗ trợ cho lĩnh vực này trong các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phê duyệt. Các địa phương đa phần khó khăn về ngân sách, đồng thời phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với TS Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về chủ đề này.

Nhiều tác động từ đại dịch Covid-19

  • Phóng viên:  Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, lĩnh vực đào tạo cho lao động nông thôn gặp khó khăn gì? Ông có thể cho biết kết quả đạt được của đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm nay?

TS Đỗ Năng Khánh:

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực đào tạo nghề nói riêng. Doanh nghiệp phải dừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến nhu cầu tuyển dụng giảm, tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng, mất việc làm tăng cao.

Cũng trong năm 2021, kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong các chương trình mục tiêu quốc gia cũng chưa được phê duyệt. Các địa phương đa phần khó khăn về ngân sách và phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, việc bố trí kinh phí cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn.


Để tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Kết quả cho thấy, trong năm 2021, riêng đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động đạt 1.540.440 người, đạt 91,6% kế hoạch. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đạt khoảng gần 1 triệu người. Tuy nhiên, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo đạt thấp, khoảng 55 nghìn người.

Trong 11 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 (Đề án 1956) giai đoạn 2010-2020: Hơn 10 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 91,4% mục tiêu. Trong đó, trên 5,03 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách Đề án 1956.

(Nguồn: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội)

  • Phóng viên:  Để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập trung vào các giải pháp nào để đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động chịu những tác động tiêu cực về việc làm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19?

TS Đỗ Năng Khánh:

Để thực hiện Nghị quyết 68, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tập trung vào các giải pháp trọng tâm. Đó là:

  • Ban hành cẩm nang hướng dẫn cụ thể các địa phương, cơ sở, người sử dụng lao động để dễ dàng tiếp cận chính sách. Xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện chính sách.
  • Tổ chức tuyên truyền việc thực hiện chính sách trên các phương tiện thông tin; xây dựng chuyên trang trên website và có đường dây nóng để hỗ trợ các địa phương.
  • Tổ chức gần 20 cuộc họp, hội nghị với các địa phương, cơ sở để triển khai chính sách. Phối hợp các hội, hiệp hội trong việc triển khai. Đồng thời, hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để triển khai đến các thành viên.
  • Chủ động phối hợp, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty lớn sử dụng nhiều lao động để hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện.
  • Huy động sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án đào tạo.
Giờ thực hành của học viên khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình đồ kỹ năng nghề tại Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp theo Nghị quyết 60. (Ảnh: Duy Nhi)

Linh hoạt các giải pháp để ứng phó với Covid-19

  • Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần có các giải pháp linh hoạt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn như thế nào để hoàn thành các mục tiêu đã được đặt ra?

TS Đỗ Năng Khánh:

Dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, chúng ta cần triển khai một số giải pháp sát với thực tế. Cụ thể như:

Tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, mọi người lao động hiểu tham gia thực hiện chính sách

Tăng cường nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong việc hỗ trợ đào tạo và thực hiện các hoạt động của đề án, trong đó tập trung nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ đào tạo cho người lao động, đặc biệt là lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lao động chuyển đổi nghề nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Cần tăng cường nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong việc hỗ trợ đào tạo và thực hiện các hoạt động của đề án, trong đó tập trung nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ đào tạo cho người lao động, đặc biệt là lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lao động chuyển đổi nghề nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ
TS Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Tăng cường đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp linh hoạt trong việc tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo thường xuyên, đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng lao động.


  • Phóng viên: Thưa ông, các địa phương có giải pháp phối hợp nào trong hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện vận chuyển phục vụ cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn? Ông có thể nói rõ những khó khăn, bất cập trong triển khai việc đào tạo cho lao động nông thôn ở các địa phương? Sự phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã nhịp nhàng chưa, hiệu quả hay chưa trong bối cảnh đại dịch tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế-xã hội nước ta?

TS Đỗ Năng Khánh:

Hiện nay, các địa phương đa phần khó khăn về ngân sách, nên việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đa phần cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ đầu tư từ những năm đầu triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 nên đã lạc hậu, xuống cấp nên khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Trong giai đoạn 2016-2020, kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các địa phương không được bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị.

Hiện nay, tại các địa phương, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề quan trọng, quyết định đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn.

Hơn nữa, tác động của sự phát triển khoa học công nghệ, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và yêu cầu dịch chuyển lao động sang khu vực công nghiệp, dịch vụ rất lớn, yêu cầu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp đòi hỏi công tác đào tạo nghề phải tiếp cận những công nghệ, thiết bị hiện đại thích ứng với sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia và cơ quan chủ trì triển khai các nội dung chưa thực sự chặt chẽ, nguồn lực bố trí cho công tác đào tạo nghề tại các địa phương thấp. Mặc dù ở Trung ương, các cơ quan phối hợp chặt chẽ trong việc xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch và dự kiến kinh phí hỗ trợ các địa phương. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, các cơ quan đang phối hợp hết sức chặt chẽ trong việc hướng dẫn địa phương cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ.

  • Phóng viên: Có ý kiến đánh giá hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương không đồng đều, kết quả đạt được chưa bền vững? Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

TS Đỗ Năng Khánh:

Tôi cho rằng, các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau, do đó kết quả, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cũng khác nhau.

Ở các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng bị hạn chế bởi nhu cầu tuyển dụng lao động ít, nhiều lao động không muốn đi làm xa; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm. Việc áp dụng máy móc, công nghệ tại những vùng này cũng gặp nhiều khó khăn do sản xuất manh mún, lạc hậu.

Trong điều kiện dịch bệnh, số lao động bị mất việc làm về các địa phương tăng, nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ thấp do đó cũng ảnh hưởng lớn đến công tác đào tạo nghề. Ở một số nơi, người dân vẫn quen với phong tục, tập quán, cách thức sản xuất cũ nên việc thay đổi cách thức sản xuất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sau khi được đào tạo còn khó khăn.

Sau khi được đào tạo nghề chế biến hải sản, nhiều phụ nữ ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, đã được tuyển dụng vào các cơ sở chế biến cá cơm hấp, thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày. (Ảnh: Nguyễn Trung)

Xây dựng các mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm

  • Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần có các giải pháp linh hoạt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn như thế nào để hoàn thành các mục tiêu đã được đặt ra?Theo ông, cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút thanh niên và lao động ở nông thôn như thế nào để họ tích cực, chủ động tham gia đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp để chủ động tham gia, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động sau đại dịch?

TS Đỗ Năng Khánh:

Tôi rằng, trước hết, cần khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đào tạo, sử dụng lao động. Đào tạo gắn với giải quyết việc làm cụ thể.

Bên cạnh đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư, đặt hàng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt, có kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn cao.

Cùng với đó, tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.Tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động có đủ điều kiện.

Cuối cùng, xây dựng các mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm đối với các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể để tổ chức nhân rộng.

Item 1 of 3
  • Phóng viên: Việc thực hiện Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030" trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ như thế nào và sẽ hướng tới ưu tiên cho nhóm đối tượng nào? Nguồn kinh phí sẽ được lấy từ đâu?

TS Đỗ Năng Khánh:

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong bối cảnh tác động tiêu cực từ dịch bệnh đối với lĩnh vực lao động, việc làm.

Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tập trung ưu tiên cho các nhóm đối tượng như: Lao động nông thôn có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp; lao động nông thôn bị ảnh hưởng mất việc làm do dịch bệnh và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; lao động nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hiện đại, lao động nông thôn phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ đầu tư vào nông thôn. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho lao động thuộc các nhóm yếu thế như: lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nữ….

Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề được bố trí từ ngân sách nhà nước qua các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương, cũng như huy động từ doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Hiện nay, trong các chương trình mục tiêu quốc gia đều có nội dung hoặc các dự án thành phần hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các nhóm đối tượng chính sách.

Dự thảo Đề ánChương trình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”:
Đối tượng: Tập trung vào đào tạo, nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, trong đó có ưu tiên cho các đối tượng yếu thế, những khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhà giáo, người tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ làm công tác đào tạo tại doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nội dung hỗ trợ: Lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, khởi nghiệp theo các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định. Nhà giáo, người dạy nghề cho lao động nông thôn và cán bộ quản lý về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác đào tạo nghề và được hưởng các chính sách ưu đãi khi tham gia đào tạo ở những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, được trả công khi tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, phương tiện vận chuyển lưu động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trường nội trú và trường chất lượng cao.
(Nguồn: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội)

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Ngày xuất bản: 30/12/2021
Chỉ đạo sản xuất: Ngọc Thanh
Tổ chức sản xuất: Lê Ngân
Thực hiện: Lan Vũ, Lê Ngân
Trình bày: Phương Nam
Ảnh: Báo Nhân Dân, Duy Nhi