Từ năm 2017, mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố theo phương thức “Dân tin - Đảng cử” đã được Quảng Ninh triển khai thực hiện tại 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mô hình đã khẳng định hiệu quả rõ nét, qua thực tiễn ở địa phương cho thấy các chi bộ mạnh, thôn mạnh, nhân dân đoàn kết, đều có sự khởi nguồn từ những bí thư chi bộ, trưởng thôn. Họ chính là trung tâm đoàn kết, sáng tạo, hạt nhân quy tụ sức mạnh lòng dân ở địa bàn khu dân cư.

Những người “gánh hai vai” ở cơ sở

Dẫn chúng tôi đi dạo quanh thôn trên con đường bê-tông dài thẳng tắp, kiên cố, ông Đỗ Văn Lân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6, xã Hải Xuân (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) cười cho biết, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy xã về việc xây dựng thôn 6 làm thôn điểm trong 13 thôn của xã Hải Xuân, tuyến đường thôn dài gần 1km, rộng 5,5m đã được đầu tư xây dựng với hệ thống rãnh thoát nước, chiếu sáng đồng bộ.

Kinh phí xây đường ước tính khoảng 150 triệu đồng, một phần trích từ ngân sách xây dựng nông thôn mới của xã, phần còn lại do các hộ dân trong thôn đóng góp. Điều đáng nói, trong số đó có 1 hộ dân tự nguyện tài trợ 117 triệu đồng để làm tuyến đường sau khi thôn bộ, đứng đầu là Bí thư Lân đứng ra kêu gọi, vận động.

Chỉ sau một vài tuần thi công, con đường bê-tông kiên cố, rộng rãi, sạch đẹp đã hoàn thành trong niềm hân hoan, vui sướng của bà con nơi đây. Có đường thông thoáng nên ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, sửa chữa nhà cửa, làm hàng rào tạo cảnh quan.

Ông Hoàng Tiến Minh trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân

Ông Hoàng Tiến Minh trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân

Chỉ tay về con đường chạy qua trước nhà, ông Hoàng Tiến Minh, người dân địa phương bộc bạch, hệ thống hạ tầng đường xá, mương tưới, cống thoát nước hiện giờ tốt hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

“Như con đường này, trước đây chỉ là con đường nhỏ hẹp, nắng bụi mưa bùn, đi lại vô cùng bất tiện. Cho nên, khi cán bộ thôn họp thông báo về chủ trương nâng cấp tuyến đường, tất cả các hộ trong thôn đều đồng tình, nhất trí rất cao, tình nguyện góp công, góp của để xây dựng con đường mới”, ông Minh phấn khởi cho biết.

Ông chia sẻ, không chỉ trong làm tuyến đường này, mà trong tất cả các công việc chung khác của xã, thôn, đồng chí Bí thư, Trưởng thôn luôn làm hết trách nhiệm, ngoài cuộc họp toàn thôn, còn đến tận từng nhà để trao đổi, nắm bắt ý kiến, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, nhờ đó đạt được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân, nhất là trong vấn đề huy động đóng góp kinh phí.

Những tâm sự của ông Minh cũng là tiếng lòng chung của bà con nhân dân thôn 6, xã Hải Xuân khi nói về Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đỗ Văn Lân, người đã có 36 năm tuổi đảng và được biết đến là một trong những trưởng thôn thâm niên nhất trên địa bàn thành phố Móng Cái (đảm nhiệm vị trí này từ năm 1994).

Quảng Ninh triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn theo quy trình “Dân tin - Đảng cử”.

Quảng Ninh triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn theo quy trình “Dân tin - Đảng cử”.

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn theo quy trình “Dân tin - Đảng cử”, tức là thôn tổ chức cuộc bầu cử trưởng thôn, sau đó giới thiệu đồng chí trưởng thôn để bầu bí thư chi bộ tại đại hội chi bộ.

Là người đã công tác thôn lâu năm, nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo xã cũng như nhân dân, ông Lân được 100% người dân và đảng viên trong chi bộ nhất trí bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 6.

Ông cho biết, kể từ khi triển khai mô hình nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, vai trò này thực sự đã đi vào lòng dân. Việc gánh vác đồng thời hai chức danh đã tạo thuận lợi cho ông trong xử lý các công việc của thôn khi vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, vừa trực tiếp lãnh đạo nhân dân thực hiện, nên triển khai công việc nhanh hơn, tạo sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng nhân dân.

“Mình là cán bộ lâu năm, cũng đã đạt được tín nhiệm của nhân dân nên rất thuận lợi trong công tác. Làm lãnh đạo phải gần dân, phải bớt chút thời gian đến ngồi với người dân để nắm bắt tâm tư tình cảm, phân tích, giải đáp thắc mắc để dân hiểu và tự tuyên truyền cho nhau, do đó đạt đồng thuận cao trong mọi việc”, Bí thư Lân nói.

Mình là cán bộ lâu năm, cũng đã đạt được tín nhiệm của nhân dân nên rất thuận lợi trong công tác. Làm lãnh đạo phải gần dân, phải bớt chút thời gian đến ngồi với người dân để nắm bắt tâm tư tình cảm, phân tích, giải đáp thắc mắc để dân hiểu và tự tuyên truyền cho nhau, do đó đạt đồng thuận cao trong mọi việc.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6 (xã Hải Xuân) Đỗ Văn Lân

Để kịp thời thông tin tới nhân dân về những công việc chung, ông Lân còn có cách làm riêng, bên cạnh truyền đạt các nội dung tại cuộc họp chi bộ, họp thôn thì đã thành lập nhóm Zalo riêng của thôn, mới đầu chỉ kết nối được 50 hộ dân, nhưng hiện con số đó đã lên tới 160 hộ.

“Có công việc gì tôi đều nhắn lên Zalo để bà con nắm được, kể cả xin ý kiến tham mưu hay vận động đóng góp cũng qua Zalo. Tất cả mọi việc đều công khai, minh bạch nên người dân hết sức tin tưởng. Điều quan trọng là, mình phải thực sự là người có trách nhiệm thì việc gì cũng hoàn thành”, ông Lân chia sẻ.

Được bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 10B (xã Hải Xuân) từ tháng 1/2020, đến nay đã được 3 năm, ông Cao Vĩnh Hà có chung nhận định cho rằng, mô hình nhất thể hóa hai chức danh ở cơ sở mang lại nhiều thuận lợi, giúp các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Với phương châm “đảng viên đi trước”, trong bất kỳ công việc gì, ông Hà cũng luôn tâm niệm phải nghĩ trước, làm trước, khi mình thành công, bà con sẽ mạnh dạn làm theo.

“Làm gì thì làm, mình là người đứng đầu phải gương mẫu, phải làm trước. Không phải nói rồi để đấy, có như vậy người dân mới noi theo”, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 10B nhấn mạnh.

Làm gì thì làm, mình là người đứng đầu phải gương mẫu, phải làm trước. Không phải nói rồi để đấy, có như vậy người dân mới noi theo.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 10B (xã Hải Xuân) Cao Vĩnh Hà

Ông Đỗ Văn Lân và ông Cao Vĩnh Hà là hai tấm gương tiêu biểu minh chứng cho sự hiệu quả của mô hình nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn theo quy trình “Dân tin - Đảng cử” ở xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái. Với quy trình này, từ những đảng viên có năng lực, uy tín tại địa bàn dân cư, ban công tác mặt trận thôn sẽ lấy ý kiến nhân dân để chọn lựa, giới thiệu bầu làm trưởng thôn. Khi trúng cử, trưởng thôn mới được cấp ủy giới thiệu để bầu Bí thư chi bộ.

Từ những đảng viên có năng lực, uy tín tại địa bàn dân cư, ban công tác mặt trận thôn sẽ lấy ý kiến nhân dân để chọn lựa, giới thiệu bầu làm Trưởng thôn. Khi trúng cử, Trưởng thôn mới được cấp ủy giới thiệu để bầu Bí thư chi bộ.

Đồng chí Cung Văn Tân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Xuân, cho biết: “Đây là việc gắn liền với quyền lợi của người dân, dân tin trước rồi mới tổ chức bầu cử. Hải Xuân đã thực hiện một cách bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị bầu cử, hiệp thương, giới thiệu nhân sự bầu trưởng thôn, rồi sau đó bầu Bí thư tại Đại hội chi bộ. Do đó, nhiệm kỳ 2022-2025, kết quả bầu 2 chức danh đều đạt đồng thuận trung bình trên 98%”.

Các Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn sau khi được bầu đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với công việc, hết lòng vì lợi ích của nhân dân, qua đó đã tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong cộng đồng khu dân cư.

Đồng chí Cung Văn Tân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Xuân trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân

Đồng chí Cung Văn Tân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Xuân trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân

“Đặc biệt, trong năm 2020-2022, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính những cán bộ cơ sở này là “cánh tay nối dài” tham mưu giúp đảng bộ, chính quyền địa phương trong vượt qua đại dịch, minh chứng được tính hiệu quả, quan trọng của mô hình bí thư kiêm trưởng thôn”, đồng chí Tân cho biết.

Trong xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Xuân cho biết, các Bí thư chi bộ, Trưởng thôn cũng vào cuộc rất quyết liệt, huy động xã hội hóa xây dựng các công trình đường làng ngõ xóm, phân công tất cả hệ thống chính trị trong thôn đảm nhiệm từng bộ phận. Chẳng hạn, Hội cựu chiến binh phụ trách mô hình “Thắp sáng đường quê”, Hội phụ nữ đảm nhận mô hình “5 không 3 sạch”, “Biến rác thành tiền”, Đoàn thanh niên thì có mô hình “lập nghiệp”… Nhờ đó, đến năm 2022, Đảng bộ và chính quyền xã Hải Xuân đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (giai đoạn 1), phấn đấu đến tháng 11 năm nay cố gắng đạt tất cả 19/19 tiêu chí.

Trong xây dựng nông thôn mới, các Bí thư chi bộ, Trưởng thôn cũng vào cuộc rất quyết liệt, huy động xã hội hóa xây dựng các công trình đường làng ngõ xóm, phân công tất cả hệ thống chính trị trong thôn đảm nhiệm từng bộ phận.
Đồng chí Cung Văn Tân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Xuân, Móng Cái, Quảng Ninh
Item 1 of 2

“Dân có tin thì Đảng mới cử”

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo thực hiện tốt các quy định của Đảng về tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, và mô hình “Dân tin - Đảng cử” là sự thể hiện sinh động mối quan hệ mật thiết giữa “ý Đảng” với “lòng dân”.

Thời điểm trước năm 2016, nhiệm kỳ bầu trưởng thôn không đồng bộ, thống nhất trong tỉnh cũng như trong cùng địa bàn cấp huyện, không đồng bộ với nhiệm kỳ đại hội chi bộ (đều là 2,5 năm), khó khăn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị và chuẩn bị công tác nhân sự bầu trưởng thôn và nhân sự chi ủy; tỷ lệ Trưởng thôn chưa là đảng viên và tỷ lệ Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn đạt thấp.

Theo thống kê, tại thời điểm đó, với 177 xã, phường, thị trấn; 1.542 thôn, bản, khu phố, toàn tỉnh chỉ có 32,8% số trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên; tỷ lệ chưa qua đào tạo chiếm trên 80%. Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố chỉ có 336 đồng chí, chiếm 21,8%.

Chính vì vậy, vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cấp thôn, bản, khu phố nhiều nơi còn hạn chế. Trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn của một số Bí thư chi bộ, Chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với những nơi Trưởng thôn, bản, khu phố chưa là đảng viên thì đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ chưa thực sự rõ nét, thiếu hiệu quả.

Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã sớm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; đồng thời, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015, của Tỉnh ủy, chỉ rõ những yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ cơ sở và đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục.

Ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020”.

Ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020”. Trong đó, đặt ra mục tiêu thực hiện 100% số Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố, với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin thì Đảng mới cử”. Cụ thể là chọn những đảng viên vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ.

Với cách làm “Dân bầu, Đảng cử” đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân, nên việc thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố đã đạt cả 2 yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Thời gian qua, mô hình nhất thể hóa Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, khu theo phương châm “Dân tin - Đảng cử” đã góp phần rất lớn trong thực hiện tinh gọn bộ máy tại Quảng Ninh. Nếu như năm 2015, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn trong toàn tỉnh có 12.549, thì đến hết năm 2017, số người giảm chỉ còn 11.688; đến tháng 3/2022, con số này chỉ còn 3.086 người hoạt động không chuyên trách ở thôn bản.

TỶ LỆ ĐẢNG VIÊN LÀ TRƯỞNG THÔN TẠI QUẢNG NINH QUA CÁC NĂM

Đặc biệt, mô hình đã khắc phục tính khô cứng, khiên cưỡng trong sinh hoạt chi bộ của mô hình phân tách Bí thư và Trưởng thôn; làm cho sinh hoạt chi bộ mang hơi thở cuộc sống hơn, tính cộng đồng hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, việc nhất thể hóa hai chức danh này cũng góp phần đưa Nghị quyết của chi bộ sát thực hơn, hiệu quả hơn và đi vào đời sống xã hội ở cộng đồng dân cư; phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên, nhất là người đứng đầu (Bí thư chi bộ - Trưởng thôn, khu) đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư.

Việc nhất thể hóa hai chức danh Bí thư và Trưởng thôn cũng góp phần đưa Nghị quyết của chi bộ sát thực hơn, hiệu quả hơn và đi vào đời sống xã hội ở cộng đồng dân cư; phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh

Chi ủy, chi bộ và nhất là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, khu phố sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân hơn... Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao.

NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN ĐỐI VỚI ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN
TẠI QUẢNG NINH QUA CÁC NĂM

Đặc biệt, bằng sự hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố của tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, góp phần củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018, trên 96% năm 2019, và đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021 vẫn đạt tỷ lệ 95% với số phiếu đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức chỉ chiếm 30% thay vì 70% như năm 2020.

Qua mô hình này, đời sống văn hóa tinh thần ở mỗi thôn, bản dân cư đều được củng cố hơn bởi tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất cộng đồng dân cư được nâng lên. Công tác vận động nhân dân có chuyển biến rõ nét, nhân dân đồng thuận, ủng hộ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Ngày xuất bản: 30/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND