DẶM ĐƯỜNG TÔI ĐI

Hành trình từ BMW, BOSCH đến VINFAST

Thuở thiếu thời

Võ Quang Huệ sinh năm 1952 tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong giai đoạn chống Pháp, ba của ông là một Đảng viên Đảng Cộng Sản làm việc trong bộ phận tuyên truyền dân vận. Năm 1954 không như những người anh em khác tập kết ra bắc, ông ở lại quê hương. Năm 1960, ông đưa tất cả vợ con vào Sài Gòn. Là người có tài kinh doanh, ông nhanh chóng đưa gia đình từ chỗ khó khăn trở nên khá giả.

Ngay từ những ngày đó, Võ Quang Huệ đã thấy cậu và ba của mình cùng với bạn bè đều là những người làm ăn buôn bán trong lòng miền nam nhưng ngầm ủng hộ quân giải phóng. Tận mắt chứng kiến những trận đánh của quân giải phóng trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và nghe thời sự về phong trào phản chiến của sinh viên ở nước ngoài nên từ năm học đệ tam, ông Huệ đã tham gia biểu tình phản chiến như một bản năng.

Gia đình có nhiều xe hơi và xe máy nên ông có điều kiện tiếp xúc, khám phá từ khi còn bé. Cũng từ đó ông ước mơ học ngành ô-tô để sau này mở hãng ô-tô. Ông được ba mình định hướng học tiếng Pháp để sang Pháp học về ô-tô. Năm 1970 chính quyền Việt Nam Cộng Hoà không cho du học đến Pháp do có nhiều du học sinh tham gia các phong trào đấu tranh vì hoà bình và đối nghịch với chế độ.

Du học và tham gia phong trào phản chiến tại Tây Đức

Không được đi Pháp du học nên đầu năm 1971, ông nhanh chóng chọn Đức là nơi thay thế. Hơn nữa Đức là cái nôi của nền công nghiệp ô-tô với những hãng xe nổi tiếng như Porsche, BMW, Mercedes Benz, Audi, Volkswagen, Open. Không biết tiếng Đức do đó ông phải đến Viện Goethe ở bang Nordrhein Westfalen học tiếng một thời gian trước khi vào học dự bị đại học.

Sau khoá dự bị, ông chọn vào học tại Trường cao đẳng (Fachhochschule), là hệ đại học ở Đức gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, sinh viên tốt nghiệp có văn bằng kỹ sư.

Tại đây ông đã gặp anh Quỳnh Quế, thành viên kỳ cựu trong phong trào sinh viên vì hoà bình ở Đức, nhiều thành viên của phong trào này bị chính quyền miền nam tuyên án không cho về nước. Ông tích cực tham gia phong trào với mong ước chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình để xây dựng lại đất nước.

Mùa hè năm 1974, lần đầu tiên về lại thăm nhà sau mấy năm du học. Chuyến thăm nhà lần này ông còn được giao nhiệm vụ tìm mua và mang sang Đức tất cả ấn bản Tạp chí Đối diện – tạp chí hàng đầu trong phong trào đấu tranh đòi hoà bình và tự do dân tộc ở trong nước lúc bấy giờ.

Sứ mệnh học xong trở về nước sau ngày hoà bình lập lại để tham gia tái thiết đất nước và phát triển kinh tế trở nên hết sức mạnh mẽ.

Ông đã mang 49 cuốn Tạp chí Đối diện ra khỏi Việt Nam tới Đức an toàn. Những tài liệu đó đã trở thành nội dung vô cùng quý báo để họ biên soạn bài cho Tạp chí Hòn Kẽm và nhiều tờ báo khác ở châu Âu. Với những thành tích đó, ông Huệ lần lượt được kết nạp vào vòng hai, Hội Đoàn kết sinh viên Việt kiều yêu nước tại Tây Đức, sau đó ông trở thành Ủy viên Trung ương của Hội hoạt động bí mật tại đó. Một thời gian sau đó, ông được kết nạp vào vòng ba, Nhóm nòng cốt.

Sứ mệnh học xong trở về nước sau ngày hoà bình lập lại để tham gia tái thiết đất nước và phát triển kinh tế trở nên hết sức mạnh mẽ. Tuy vậy, trong giai đoạn sôi nổi đó, ông và bạn bè của mình dành quá nhiều thời gian hoạt động phong trào dẫn tới sao nhãng việc học. Việc học chỉ được tập trung thật sự sau khi đất nước thống nhất với mục tiêu rèn luyện kỹ năng chuyên môn khoa học kỹ thuật giỏi để chuẩn bị hồi hương phục vụ công cuộc tái thiết đất nước.

Tôi, khi lựa chọn theo phong trào đã rất mãnh liệt, nhưng khi chấm dứt thì cũng dứt khoát, dành toàn bộ năng lượng tập trung vào học tập và làm nghề một cách đến nơi đến chốn.

Võ Quang Huệ

Đầu tháng 1/1979, khi Võ Quang Huệ trở lại trường đại học và tiếp tục việc học bị dở dang trước đó, ông trở về Việt nam trong vai trò Phó trưởng Đoàn Việt kiều về thăm quê hương. Chỉ một chi tiết nhỏ chúng ta có thể thấy rõ tình cảnh của đất nước sau chiến tranh. Từ một gia đình giàu có, đóng góp nhiều cho xã hội và cộng đồng nhưng khi thấy ông mang về nhà mười mấy kg gạo trắng được tặng, Ba của ông phải thốt lên: “Con làm gì mà được thưởng gạo, con làm lớn vậy sao?”

Ba của ông và các chú bác của ông là những người tập kết ra bắc trở về miền nam đều khuyên ông tiếp tục học tập và làm ở Đức chưa trở về nước vội. Từ năm 1981 ông tập trung chuyên sâu cho nghề nghiệp, phát triển sự nghiệp cá nhân. Như ông Huệ đã viết: “Tôi, khi lựa chọn theo phong trào đã rất mãnh liệt, nhưng khi chấm dứt thì cũng dứt khoát, dành toàn bộ năng lượng tập trung vào học tập và làm nghề một cách đến nơi đến chốn.”

"Trên đường đời vạn nẻo, không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa."

-- Võ Quang Huệ --

Nghề nghiệp

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp kỹ sư với hai nền tảng về sản xuất ô-tô và động cơ ô-tô, ông đầu quân làm việc cho BMW. Ông có hơn hai mươi năm làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của BMW. Khi chuyển sang bộ phân kinh doanh quốc tế của BMW, có một câu chuyện thú vị đó là do về Việt Nam làm việc mà ông phải đi học tiếng Anh. Năm 1994, ông được cử phụ trách đề án lắp ráp xe BMW – một đề án thoả thuận giữa BMW và Công ty ô-tô Hoà Bình (VMC). Công ty ô-tô Hoà Bình là một liên doanh giữa một công ty Việt Nam và một công ty Philippines, do đó mọi giao dịch trong công ty đều bằng tiếng Anh.

Đó là lý do ông phải sang Anh học một lớp tiếng Anh cấp tốc trong 6 tuần. Về đến Hà Nội ông bắt đầu những tháng dài ngày đi làm tối cắp sách đi học tiếng Anh như những sinh viên Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam để thực hiện đề án này, ông và các cộng sự đã cầm tay chỉ việc cho những người thợ Việt Nam lắp ráp những chiếc xe theo tiêu chuẩn của BMW.

Sau khi rời Việt Nam, ông được điều về bộ phận sản xuất nước ngoài của Tập đoàn BMW, điều hành khu vực Đông Nam Á. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Đông Nam Á, ông lại được giao nhiệm vụ tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và nhiều quốc gia khác.

Trong thời gian ở Việt Nam thực hiện đề án này, ông và các cộng sự đã cầm tay chỉ việc cho những người thợ Việt Nam lắp ráp những chiếc xe theo tiêu chuẩn của BMW.

Kết thúc công việc 6 năm ở Ai Cập, ông muốn đưa cả gia đình trở về sống trên quê hương thì vận may đã đến với ông: Tập đoàn Bosch mời ông về điều hành công ty thành lập tại Việt Nam. Khi biết tập đoàn có ý định đầu tư nhà máy linh kiện ô-tô công nghệ cao, sản xuất dây đai truyền lực cho hộp số tự động, ông tìm mọi cách thuyết phục tập đoàn đầu tư dự án này tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, đây là dự án lớn nhất của châu Âu đầu tư tại Việt Nam và là dự án sản xuất linh kiện ô-tô đầu tiên của Tập đoàn Bosch tại Đông Nam Á.

Là người có hơn hai mươi năm làm việc trong môi trường nghiên cứu và phát triển, hơn ai hết ông hiểu được tầm quan trọng của nó trong công cuộc phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy ông thuyết phục Tập đoàn Bosch đầu tư Trung tâm Công nghệ và phần mềm, đây cũng là trung tâm đầu tiên ở Đông Nam Á của Bosch. Tiếp theo đó là đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển như là một cam kết hợp tác lâu dài với chính phủ Việt Nam.

Không chỉ tạo điều kiện phát triển công nghệ cao, bên cạnh đó ông đưa mô hình đào tạo kép (Dualblindung) của Đức - mô hình học đi đôi với hành về Việt Nam. Đó là chương trình bao gồm 25% học lý thuyết và 75% học thực hành theo chương trình của Đức. Học viên được nhận phụ cấp hằng tháng từ nhà máy Bosch, ngoài ra họ còn được cung cấp cơ hội thực tập và thực hành các kỹ năng tại các phân xưởng của nhà máy Bosch. Ông muốn tạo điều kiện cho con em cư dân khu vực Long Thành, Đồng Nai - nơi nhà máy được xây dựng nhằm biểu thị quan hệ tốt đẹp giữa nhà máy Bosch với người dân địa phương.

Ra đi để trở về, những dặm đường ông đã đi chính là gợi ý, là bài học cho thế hệ trẻ Việt Nam đang du học.

Cơ duyên với Vinfast

Đúng như ông Huệ viết: “Trên đường đời vạn nẻo, không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa.” Có thể nói tất cả sự chuẩn bị của cuộc đời ông, từ quyết định ra nước ngoài học về ngành ô-tô, làm việc tại BMW hay quay trở về Việt Nam làm việc cho Bosch đều phục vụ cho ngày ông tham gia dự án Vinfast của Vingroup.

Ông Võ Quang Huệ giống như mảnh ghép còn thiếu trong dự án Vinfast của Vingroup. Chỉ sau một cuộc gặp ngắn ngủi vào chiều thứ sáu cùng với ông Phạm Nhật Vượng, ông Huệ đã bị thuyết phục để nhận vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn phụ trách sản xuất và kinh doanh ô-tô, xe máy. Phần viết về thời gian làm việc ở Vingroup trong cuốn sách này có quá nhiều chi tiết đã trả lời những thắc mắc của bản thân tôi trước đây về dự án Vinfast. Vì vậy mà tôi cũng muốn người đọc tự khám bằng cách trực tiếp đọc cuốn sách này.

Ông Võ Quang Huệ giống như mảnh ghép còn thiếu trong dự án Vinfast của Vingroup.

Ra đi để trở về, những dặm đường ông đã đi chính là gợi ý, là bài học cho thế hệ trẻ Việt Nam đang du học. Một thế hệ với nhiều khát khao, năng động, đang thu lượm kiến thức từ nhiều nền khoa học công nghệ trên thế giới. Tôi tin rằng họ cũng chuẩn bị đầy đủ để trở về cùng gánh vác và đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc!

Ngày xuất bản: 18/3/2024
Nội dung: NGUYỄN ANH VŨ
Trình bày: NGỌC DIỆP