Sau một thời gian có nhiều biến động, Bamboo Airways đã tìm được phương hướng để “tái sinh” khi ông Lương Hoài Nam được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Bamboo Airways từ ngày 23/10/2023. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với ông sau hơn 2 tuần ngồi ghế nóng.

DỰ ÁN TÁI CẤU TRÚC QUYẾT LIỆT VÀ SÂU RỘNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ NGÀNH HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

Phóng viên: Tại phát biểu nhậm chức, ông đã nhận định, “tái cấu trúc Bamboo Airways là dự án tái cấu trúc toàn diện, chiến lược và sâu rộng nhất trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam”.  Ông có thể giải thích rõ hơn về phát biểu này?

Ông Lương Hoài Nam: Điều đầu tiên, tôi muốn khẳng định là chúng tôi không có ý định, kế hoạch cho phá sản Bamboo Airways như thông tin đồn đoán. Đã có sự hiểu nhầm đáng tiếc do lỗi của công ty khi báo cáo tình hình với Chính phủ, tôi muốn xóa đi sự hiểu nhầm này. Không một ai được lợi nếu Bamboo Airways bị phá sản.

Người dân, người tiêu dùng Việt Nam không được lợi khi mất đi một lựa chọn hãng hàng không, chuyến bay cho các chuyến đi của mình, dù đó là chuyến đi dành cho công việc hay dành cho việc du lịch cá nhân. Đặc biệt là khi Bamboo Airways trong những năm qua đã chiếm được nhiều thiện cảm của hành khách về bay đúng giờ, thái độ phục vụ chuẩn mực và chất lượng dịch vụ cao.

Người lao động của Bamboo Airways không được lợi khi mất công ăn việc làm ở một doanh nghiệp họ rất yêu quý và gắn bó. Cổ đông của Bamboo Airways không được lợi do bị thiệt hại về các khoản tiền đã đầu tư vào hãng hàng không này.

CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.

CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.

Nếu Bamboo Airways bị phá sản, các hãng hàng không Việt Nam khác sẽ khó khăn hơn trong các hoạt động thuê, mua máy bay, thu xếp tín dụng quốc tế do các quan ngại về rủi ro. Ngành hàng không Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu mất đi một hãng hàng không lớn thứ 3 ở Việt Nam, cũng là khách hàng lớn của nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tại các sân bay, như xăng dầu, suất ăn, phục vụ mặt đất…

Các nhà cung cấp dịch vụ đồng thời là chủ nợ của Bamboo Airways không muốn hãng phá sản, vì khi đó họ sẽ bị mất hết số tiền chúng tôi đang nợ họ.

Chính vì vậy, chúng tôi đã và đang nhận được những sự thông cảm, ủng hộ riêng rẽ, cam kết đồng hành cùng Bamboo Airways trong đề án tái cấu toàn diện hãng hàng không, hướng tới một sự đồng thuận và ủng hộ tập thể trong thời gian tới.

 

Tái cấu trúc Bamboo Airways được thực hiện ở quy mô đội máy bay và mạng đường bay lớn gấp hàng chục lần so với các lần tái cấu trúc hàng không trước đây ở Việt Nam
CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam

Quay trở lại việc tái cấu trúc, trước hết Bamboo Airways không phải là trường hợp tái cấu trúc đầu tiên với một hãng hàng không ở Việt Nam. Giai đoạn đầu những năm 2000, ngành hàng không Việt Nam đã có những cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ, nhưng quy mô đội máy bay khi tái cấu trúc chỉ dưới 10 chiếc.

Đề án tái cấu trúc của Bamboo Airways là đề án tái cấu trúc của một hãng hàng không với đội bay 30 tàu bay, hơn 60 đường bay nội địa và hơn 15 đường bay quốc tế. Đây là đợt tái cấu trúc ở quy mô lớn hơn hàng chục lần, với mạng đường bay lớn hơn nhiều so với các hãng hàng không trước đây.

Về độ sâu rộng, đây là cuộc "đại giải phẫu" thay đổi toàn diện hàng không từ mô hình kinh doanh đến thị trường mục tiêu, đội máy bay. Các mảng hoạt động của Bamboo Airways cũng được điều chỉnh cho phù hợp với mô hình kinh doanh mới, đối tượng khách hàng mới. Về quản trị điều hành Bamboo Airways sẽ thay đổi toàn diện theo hướng gọn nhẹ, nhanh nhạy hơn.

Chính vì vậy nên tôi đánh giá đây là cuộc tái cấu trúc toàn diện, chiến lược và sâu rộng nhất trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam.

Phóng viên: Như vậy việc tái cơ cấu đội máy bay, mạng bay đang chiếm vai trò chủ đạo trong phương án tái cấu trúc của Bamboo Airways hiện tại. Xin ông chia sẻ chi tiết hơn về việc tái cơ cấu đội máy bay, mạng bay?

Ông Lương Hoài Nam: Để tái cấu trúc Bamboo Airways, chúng tôi đã thực hiện giảm quy mô của hãng về đội máy bay và mạng đường bay với một tốc độ có thể làm cho không ít người cảm thấy sốc.

 Đầu tiên chúng tôi loại bỏ hết các máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner và các đường bay quốc tế sử dụng loại máy bay này. Chỉ một tuần sau, chúng tôi tiếp tục dừng khai thác các đường bay quốc tế thường lệ khu vực đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Đến nay, chúng tôi đã triển khai lịch bay chỉ còn mạng đường bay nội địa và một số chuyến bay quốc tế thuê chuyến.

Bamboo Airways không nhất thiết phải bay các đường bay quốc tế không mang lại lợi nhuận, lại còn gây lỗ lớn. Bamboo Airways sẽ tập trung khai thác hiệu quả các đường bay nội địa để từng bước giảm lỗ, tiến tới hòa vốn rồi có lãi, từ đó mở rộng mạng đường bay nội địa, rồi trở lại với các đường bay quốc tế, nhưng với mô hình kinh doanh mới và năng lực cạnh tranh quốc tế tốt hơn nhiều so với trước đây.

Bamboo Airways sẽ tập trung phát triển đội máy bay đơn dòng Airbus 320/321. Việc chỉ khai thác một dòng máy bay đó giúp chúng tôi giảm được rất nhiều chi phí hoạt động và giá thành khai thác so với khi khai thác tới 3 dòng máy bay lớn, nhỏ khác nhau trong đội máy bay trước đây. Chúng tôi cũng sẽ hướng tới giảm thiểu số loại động cơ, thiết bị, phụ tùng trong đội máy bay Airbus 320/321, khi đó sẽ giảm được thêm nhiều chi phí kỹ thuật nữa.

Đội máy bay thuần một dòng Airbus 320/321 cho phép Bamboo Airways khai thác, phục vụ hiệu quả thị trường nội địa và tất cả các thị trường quốc tế nằm trong tầm bay là 5-6 giờ từ Việt Nam. Thị trường này chiếm tới gần một nửa dân số thế giới. Trong tương lai, chúng tôi vẫn hoàn toàn có thể khai thác hiệu quả các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand thông qua các hình thức liên danh, liên minh với các hãng hàng không khác mà không cần phải bay trực tiếp đến các điểm xa xôi đó.

Về quan điểm kinh doanh, Bamboo Airways sẽ không bay bất kỳ đường bay nội địa, quốc tế nào không mang lại lợi nhuận, nếu chưa có lãi ngay thì ít nhất cũng phải có cơ hội có lãi sau một thời gian ngắn. Việc chúng tôi tạm ngừng khai thác các đường bay nội địa đi Phú Quốc vừa qua cũng nhất quán với quan điểm kinh doanh này.

Việc trả bớt máy bay, ngừng khai thác các đường bay quốc tế gây lỗ lớn, cơ cấu lại mạng đường bay nội địa đã giúp giảm áp lực tài chính đối với Bamboo Airways rất nhiều. Số tiền phải thanh toán hằng tháng cho máy bay thuê, bảo dưỡng máy bay, xăng dầu, phục vụ mặt đất, suất ăn… bây giờ đã ít hơn nhiều lần so với trước đây, giúp chúng tôi về cơ bản thực hiện được cam kết không phát sinh nợ mới với các chủ cho thuê máy bay và các nhà cung cấp dịch vụ hiện tại.

Với một Bamboo Airways nhỏ hơn về đội máy bay, mạng đường bay, việc tái cấu trúc hãng theo mô hình kinh doanh mới dễ dàng hơn và ít tốn tiền hơn. Chúng ta có thể hình dung như việc sửa một ngôi nhà nhỏ bao giờ cũng dễ dàng và ít tốn tiền hơn sửa một tòa nhà lớn; tái cấu trúc một hãng hàng không cũng y hệt như vậy. Đó là chưa tính đến việc chúng tôi đã được miễn, giảm gần 2.000 tỷ đồng nợ tiền thuê máy bay thông qua đàm phán trả sớm một số máy bay.

Trong tình hình tài chính hiện nay của Bamboo Airways, việc giảm được một số nợ lớn như vậy rất có ý nghĩa, làm cho số nợ phải trả trong tương lai giảm đi đáng kể, các đối tác là chủ nợ còn lại của Bamboo Airways sẽ được trả nợ sớm hơn so với khi chúng tôi vẫn còn khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng tiền thuê máy bay này.

 Chúng tôi đã được miễn, giảm gần 2.000 tỷ đồng nợ tiền thuê máy bay thông qua đàm phán trả sớm máy bay.
CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam

Phóng viên: Như vậy Bamboo Airways đã và đang nhận được sự đồng thuận của các đối tác quốc tế thông qua việc giảm nợ và khoanh nợ, xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Lương Hoài Nam: Như tôi đã nói ở trên, chính các chủ nợ của Bamboo Airways cũng không hề muốn hãng phá sản, vì khi đó họ sẽ bị mất hết nợ. Chính vì vậy, chúng tôi đã và đang nhận được những sự thông cảm, ủng hộ riêng rẽ, cam kết đồng hành cùng Bamboo Airways trong đề án tái cấu toàn diện hãng hàng không, hướng tới một sự đồng thuận và ủng hộ tập thể trong thời gian tới.

Một số chủ cho thuê máy bay đồng ý rút máy bay khỏi Bamboo Airways trước thời hạn chấm dứt hợp đồng thuê do chúng tôi thay đổi mô hình kinh doanh, họ cũng vui vẻ miễn, giảm nhiều khoản nợ tiền thuê máy bay cho chúng tôi như đã nói ở trên.

Cho đến lúc này, tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu thiếu thiện chí nào từ phía các chủ nợ, các đối tác kinh doanh trong nước và quốc tế của Bamboo Airways, kể cả những đối tác tiếp tục hợp tác và những đối tác buộc phải tạm ngừng hợp tác vì lý do Bamboo Airways thực hiện tái cấu trúc.

Điều quan trọng là Bamboo Airways phải thực hiện việc tái cấu trúc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết liệt nhất, chuyên nghiệp nhất.

Điều quan trọng là Bamboo Airways phải thực hiện việc tái cấu trúc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết liệt nhất, chuyên nghiệp nhất.

Điều quan trọng là Bamboo Airways phải thực hiện việc tái cấu trúc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết liệt nhất, chuyên nghiệp nhất, qua đó tạo dựng được niềm tin cho đông đảo các đối tượng quan tâm.

 Người lao động có tin thì mới nỗ lực làm việc chăm chỉ, sáng tạo, với hiệu suất gấp đôi, gấp ba. Hành khách có tin thì mới yên tâm mua vé máy bay. Đại lý có tin mới bán vé Bamboo Airways cho khách hàng của mình. Các đối tác cung cấp dịch vụ có tin mới tiếp tục hợp tác. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tin mới đầu tư vốn vào Bamboo Airways để phát triển hãng. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có tin mới ủng hộ mạnh mẽ, hiệu quả, để Bamboo Airways tái cấu trúc toàn diện trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất.

MÔ HÌNH HÀNG KHÔNG TRUYỀN THỐNG TRÊN MẶT BẰNG KINH DOANH HÀNG KHÔNG GIÁ RẺ

Phóng viên: Vậy việc tái cấu trúc Bamboo Airways có ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách?

Ông Lương Hoài Nam: Đầu tiên, cho tôi thay mặt Bamboo Airways gửi lời xin lỗi đến toàn thể khách hàng đã bị ảnh hưởng trong quá trình tái cơ cấu của hãng thời gian qua. Các phương thức đền bù đang được chúng tôi tiến hành theo nhiều cách khác nhau, như hoàn tiền vé, hợp tác với các hãng hàng không Việt Nam khác để chuyển khách, hoặc chuyển đổi sang các dịch vụ nội địa của Bamboo Airways.

Về mô hình kinh doanh, Bamboo Airways sẽ không hướng tới một mô hình "hàng không 5 sao", khi mà phân khúc cao cấp trên thị trường hàng không Việt Nam hiện tại đang chiếm tỷ trọng chỉ 3-5% và được dự báo sau 5 năm vẫn ở mức dưới 10%. Đồng thời nước ta đang có mức thu nhập bình quân đầu người thấp khi so với TOP 6 ASEAN, chưa nói tới việc so với các quốc gia giàu có ở Đông Bắc Á. Thực tế đó phải được tính đến khi chúng tôi lựa chọn mô hình kinh doanh, thiết kế dịch vụ cho Bamboo Airways trong lần tái cấu trúc toàn diện, ở mức "đại giải phẫu" này.

Bamboo Airways tiếp tục duy trì hai hạng dịch vụ Thương gia và Phổ thông, vẫn là một hãng hàng không truyền thống, nhưng chúng tôi sẽ thiết kế các dịch vụ này theo hướng "vừa túi tiền", phục vụ nhu cầu đi máy bay của số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Qua các phân tích thị trường, chúng tôi thấy hiện vẫn có khoảng 30% phân khúc thị trường này chưa được phục vụ hiệu quả bởi các dịch vụ hiện có của các hãng hàng không Việt Nam. Chúng tôi hướng tới mục tiêu đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu đi máy bay của các đối tượng đó và qua đó tạo ra, định vị giá trị của Bamboo Airways đối với xã hội.

Chúng tôi sẽ hiện thực hóa điều đó thông qua các phương thức tổ chức hoạt động tiết kiệm chi phí và lao động ở tất cả các mảng khai thác, cung cấp dịch vụ; đồng thời áp dụng các phương pháp kiểm soát và quản trị chi phí tiên tiến nhất. Khi đó, chúng tôi sẽ bán được vé hạng Thương gia với giá rẻ hơn so với các hãng hàng không truyền thống khác và vé hạng Phổ thông rẻ ngang với hàng không giá rẻ, nhưng vẫn đạt hiệu quả cần thiết để phát triển trên một nền tảng kinh doanh bền vững.

Chúng tôi sẽ cố gắng tiết kiệm từng đồng để đem lại giá vé rẻ hơn cho khách hàng của Bamboo Airways mà không giảm chất lượng dịch vụ, cả ở hạng Thương gia và hạng Phổ thông.
CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam

Ở hạng Thương gia, chúng tôi sẽ bỏ các phòng chờ riêng sang trọng nhưng tốn kém và chuyển sang dùng chung phòng chờ hạng Thương gia với các hãng khác.

Ở hạng Phổ thông, chúng tôi sẽ chia tách các dịch vụ hợp thành ra, trên tinh thần hành khách nào sử dụng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ hợp thành đó, không sử dụng thì không phải trả tiền. Nếu hành khách ban đầu mua vé thiếu dịch vụ nào đó mà sau muốn mua thêm, việc mua bổ sung dịch vụ có thể dễ dàng thực hiện qua tất cả các kênh bán của chúng tôi, hoặc khi làm thủ tục ở sân bay.

"Chúng tôi tin là sẽ làm được bằng sức sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cả tập thể và mỗi cá nhân" - CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam.

"Chúng tôi tin là sẽ làm được bằng sức sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cả tập thể và mỗi cá nhân" - CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam.

Nếu ai đó nói chúng tôi định làm hàng không truyền thống trên mặt bằng kinh doanh của hàng không giá rẻ thì cũng không quá sai với những gì chúng tôi sẽ làm. Điều đó rõ ràng là rất thách thức, nhưng chúng tôi tin là sẽ làm được bằng sức sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cả tập thể và mỗi cá nhân.

Quán triệt từ ban lãnh đạo đến tập thể cán bộ nhân viên Bamboo, chúng tôi sẽ cố gắng tiết kiệm từng đồng để đem lại giá vé rẻ hơn cho khách hàng của Bamboo Airways mà không giảm chất lượng dịch vụ, cả ở hạng Thương gia và hạng Phổ thông. Bay đúng giờ, thái độ phục vụ tận tình là những thế mạnh vượt trội lâu nay của Bamboo Airways vẫn được chúng tôi quyết tâm giữ vững trong mô hình mới.

"Sau đại dịch Covid-19, giới chuyên gia ngành hàng không nhận định khả năng tăng trưởng của thị trường này sẽ rơi vào mức hơn 10%/năm và sẽ kéo dài ít nhất 5 năm tới. Đó là điều rất tích cực" - CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam

"Sau đại dịch Covid-19, giới chuyên gia ngành hàng không nhận định khả năng tăng trưởng của thị trường này sẽ rơi vào mức hơn 10%/năm và sẽ kéo dài ít nhất 5 năm tới. Đó là điều rất tích cực" - CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam

Phóng viên: Dự kiến Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ sớm đưa vào khai thác, ông đánh giá như nào về triển vọng ngành hàng không Việt Nam?

Ông Lương Hoài Nam: Sau đại dịch Covid-19, giới chuyên gia ngành hàng không nhận định khả năng tăng trưởng của thị trường này sẽ rơi vào mức hơn 10%/năm và sẽ kéo dài ít nhất 5 năm tới. Đó là điều rất tích cực.

Khó khăn lâu nay của ngành hàng không Việt Nam là sự quá tải các sân bay, đặc biệt tại sân bay lớn như Tân Sơn Nhất. Các diễn biến quyết liệt của Chính phủ thời gian vừa rồi thúc đẩy dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất kỳ vọng đưa vào khai thác sớm nhất. Cả hệ thống chính trị cũng đang thúc đẩy tối đa tiến độ dự án sân bay Long Thành.

Chúng tôi kỳ vọng dự án trọng điểm sân bay sẽ thực hiện được kế hoạch của Chính phủ. Khi đó sẽ là bước cải rất thiện lớn về hạ tầng sân bay của ngành hàng không Việt Nam. Số lượng chuyến bay được phép tại Tân Sơn Nhất sẽ tăng lên khi có nhà ga T3 và các công trình đi kèm. Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác sẽ tăng thêm công suất khá lớn cho hạ tầng sân bay nước ta.

Việc các công trình sân bay đưa vào như kế hoạch sẽ mở ra cơ hội mở rộng khai thác thêm từ các sân bay. Đó là những diễn biến tốt cho kế hoạch phục hồi, tăng trưởng trở lại của Bamboo Airways sau tái cấu trúc. Video: Trung Hiếu

Việc các công trình sân bay đưa vào như kế hoạch sẽ mở ra cơ hội mở rộng khai thác thêm từ các sân bay. Đó là những diễn biến tốt cho kế hoạch phục hồi, tăng trưởng trở lại của Bamboo Airways sau tái cấu trúc. Video: Trung Hiếu

Việc các công trình sân bay đưa vào như kế hoạch sẽ mở ra cơ hội mở rộng khai thác thêm từ các sân bay. Đó là những diễn biến tốt cho kế hoạch phục hồi, tăng trưởng trở lại của Bamboo Airways sau tái cấu trúc.

Chúng tôi kỳ vọng vào sự phát triển hạ tầng sân bay trong tương lai sẽ còn được thực hiện ở các sân bay khác như Nội Bài, Vinh, Phú Cát, Cát Bi…nhằm cung cấp đủ hạ tầng sân bay cho các hãng hàng không khai thác và phát triển thuận lợi.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!

Item 1 of 3

NGÀY XUẤT BẢN: 10/11/2023
CHỈ ĐẠO: KIM PHƯƠNG BÌNH
THỰC HIỆN: KHÁNH GIANG-TRUNG HIẾU-HOÀI THU-XUÂN BÁCH
TRÌNH BÀY: BẢO MINH