
Hoạt động gìn giữ hòa bình là một cơ chế đặc biệt, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 1948, đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chấm dứt xung đột, xây dựng hòa bình bền vững tại hàng chục quốc gia.
Ngày 20/9/1977, Liên Hợp quốc chính thức kết nạp Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 149 của tổ chức này. Thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế đa phương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, tổ chức, nhân lực và điều kiện vật chất để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Năm 2005, Việt Nam đã cử các đoàn công tác liên ngành đi thăm quan, nghiên cứu tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình để chuẩn bị triển khai lực lượng. Đến năm 2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.
Trên cơ sở đó, ngày 4/12/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 4792/QĐ-BQP về việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 589/ QĐĐ-BQP về việc điều động 5 đồng chí cán bộ về Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc[1]. Tiếp đó, ngày 31/12/2013, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 806-NQ/QUTW về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó xác định rõ nhiệm vụ: “... Chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp quốc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước...”[2].
Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ ra mắt thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam với nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 6/2014, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập của chúng ta. Đồng thời cho thấy Việt Nam sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế và tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Ngay từ khi thành lập, Trung tâm luôn chú trọng công tác huấn luyện nhằm bảo đảm lực lượng cán bộ, nhân viên được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết trước khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao khi được triển khai ở các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ngoài ra, Trung tâm cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các đối tác quốc tế trong công tác huấn luyện.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, tháng 11/2017, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được tổ chức lại thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tiếp đó, đến tháng 1/2018, Tổ Công tác liên ngành cũng được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng để bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Tháng 6/2018, Liên hợp quốc công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong 04 Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai một số chương trình huấn luyện cho các học viên quốc tế tại Việt Nam.
Sau hơn 4 năm chuẩn bị, đầu tháng 10/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, nhân viên đã lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nam Sudan, đặc biệt trong đó có 10 người là nữ (chiếm 16%, tỷ lệ cao nhất trong các nước tham gia lực lượng này[3]). Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là một bước đột phá đầy ấn tượng, thể hiện những cố gắng, năng lực của Việt Nam trong việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đồng thời, còn cho thấy thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực mang lại cuộc sống ổn định, hòa bình cho các quốc gia, khu vực còn gặp khó khăn vì bất ổn, xung đột hay nghèo đói, lạc hậu, dịch bệnh.
Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc).
Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc).
Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam cử Đội công binh số 1 tới Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Khu vực Abyei. Đây là một địa bàn mới với nhiều khó khăn, phức tạp trong việc triển khai lực lượng và thực hiện nhiệm vụ, nhưng cũng là bước đột phá của Việt Nam trong tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đã làm thay đổi diện mạo khu vực bị chiến tranh tàn phá, xứng đáng là những “sứ giả hòa bình”.
Bên cạnh đó, các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai theo hình thức cá nhân đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại các phái bộ như: sĩ quan tham mưu cao cấp về huấn luyện, sĩ quan tác chiến, sĩ quan hậu cần, sĩ quan điều phối quân - dân sự, sĩ quan công binh công trình, sĩ quan truyền thông... Trong môi trường làm việc quốc tế, họ đã thể hiện được trình độ, năng lực chuyên môn tốt; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người dân cũng như chính quyền địa phương.
Trong môi trường làm việc quốc tế, họ đã thể hiện được trình độ, năng lực chuyên môn tốt; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người dân cũng như chính quyền địa phương.
Hiện nay, lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Đến năm 2024, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó, có 5 thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại phái bộ Nam Sudan, 2 thê đội của Đội Công binh triển khai tại khu vực Abyei và 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân tại Trụ sở Liên hợp quốc, phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi[4].
Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là các đơn vị như Đội Công binh tại khu vực Abyei và Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Cộng hòa Nam Sudan đã tích cực giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương, như: tham gia xây dựng và tu sửa đường, cải tạo lớp học; tổ chức dạy học tình nguyện; khoan giếng nước tặng khu dân cư địa phương và các trường học; chăm sóc sức khỏe, điều trị với chất lượng cao cho nhiều lượt bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương; áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân phù hợp với điều kiện dã chiến thực tế tại địa bàn; tiến hành thành công các ca phẫu thuật phức tạp, vận chuyển cấp cứu đường không nhiều ca bệnh nguy hiểm…
Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang nỗ lực tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược với lãnh đạo các cấp để từng bước mở rộng quy mô lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, nhất là các vị trí chỉ huy tại trụ sở Liên hợp quốc và các phái bộ mà Việt Nam có thế mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, nâng cao tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình; tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành và các nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ về nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm; nâng cao năng lực để Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thực hiện tốt chức năng điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong quá trình triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình tại các địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, về Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình tại các địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, về Quân đội nhân dân Việt Nam. Các đội quân gìn giữ hòa bình của Việt Nam cũng làm hết sức mình để tô thắm thêm hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Đồng thời, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong suốt 10 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã đoàn kết thống nhất, chủ động, sáng tạo, nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam, của Liên hợp quốc, bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Với những thành tích đó, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
--------------------
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Phan Ánh Tuyết
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Báo QĐND, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam