Chuyển đổi số: Bước đà cho cú nhảy xa của Pháp sau đại dịch

Quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế và xã hội Pháp được coi là một bước chuẩn bị thiết yếu cho tương lai. Số và chuyển đổi số đang trở thành công cụ xuyên suốt trong kế hoạch phục hồi của nước Pháp hậu đại dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa nền kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời tối ưu hóa năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận dịch vụ công, hiện đại hóa doanh nghiệp và giảm thiểu bất bình đẳng.

Kế hoạch phục hồi nước Pháp

Kế hoạch “Nước Pháp 2030”, hay còn được biết đến với cái tên Kế hoạch “Phục hồi nước Pháp” (France Relance), được Tổng thống Emmanuel Macron giới thiệu vào ngày 12/10/2021, trước sự chứng kiến ​​của Thủ tướng, các Bộ trưởng liên quan và 200 lãnh đạo doanh nghiệp và sinh viên.

Kế hoạch “Nước Pháp 2030” giải quyết những thách thức lớn của thời đại, thông qua 1 kế hoạch đầu tư lớn nhằm khuyến khích các nền tảng công nghệ tương lai và hỗ trợ quá trình chuyển đổi trong các lĩnh vực vốn là thế mạnh của nước Pháp, như năng lượng, sản xuất ô-tô, hàng không hoặc không gian vũ trụ.

Những mục tiêu chính mà Kế hoạch “Nước Pháp 2030” đang hướng tới, đó là chuyển đổi sinh thái, phát huy tính thông minh, tính bền vững và tính toàn diện của nền kinh tế, xây dựng hệ thống y tế hiệu quả, khuyến khích các tài năng và thúc đẩy các kế hoạch đào tạo phù hợp với thời đại, và chuyển đổi kỹ thuật số.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ số trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội. Thế giới đã trở nên phụ thuộc vào các công nghệ kỹ thuật số hơn bao giờ hết.

Tại Pháp, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế và xã hội Pháp được coi là 1 bước chuẩn bị thiết yếu cho tương lai. Một phần tư của kế hoạch có số vốn đầu tư lên tới 100 tỷ euro, trong đó 39,4 tỷ được tài trợ bởi Liên minh châu Âu sẽ dành riêng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Số và chuyển đổi số đang trở thành công cụ xuyên suốt trong kế hoạch phục hồi của nước Pháp, nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa nền kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời tối ưu hóa năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận dịch vụ công, hiện đại hóa doanh nghiệp và giảm thiểu một số bất bình đẳng.

Việc số hóa các dịch vụ công đặc biệt nhằm mục đích bảo đảm khả năng tiếp cận của mọi đối tượng công dân, do đó góp phần duy trì sự gắn kết xã hội. Sự chuyển đổi kỹ thuật số này của Nhà nước Pháp sẽ cung cấp các dịch vụ trực tuyến chất lượng và hiệu quả hơn nhiều.

Một trong những mục tiêu khác là số hóa các doanh nghiệp để cải thiện năng suất lao động và sản xuất. Đại dịch Covid-19 gần đây cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, làm tăng thêm nhu cầu cấp bách về số hóa để tăng cường khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của họ.

Tiếp đến là sự phát triển và gia tăng tỷ trọng của kinh tế số. Đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì nhiều mô hình kinh tế truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế số trở thành sự lựa chọn phù hợp để tạo ra thu nhập mới cho người lao động, đặc biệt là người lao động trẻ và có năng lực tiếp cận cái mới. Ví dụ: đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng, tạo thu nhập từ các tác phẩm số…

Chuyển đổi số tại Pháp trong giai đoạn 2020-2022

Gần 7 tỷ euro được cam kết trong giai đoạn 2020-2022. Bốn trụ cột chính mà kế hoạch chuyển đổi số tại Pháp trong thời gian này hướng tới, đó là:

  • 3,7 tỷ euro được sử dụng nhằm phát triển các công ty khởi nghiệp và chủ quyền công nghệ của Pháp. Đặc biệt, 2,4 tỷ euro được dành để khuyến khích các công nghệ kỹ thuật số mang tính đột phá trong các lĩnh vực như lượng tử, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, sức khỏe kỹ thuật số;
  • 800 triệu euro được triển khai nhằm bảo đảm tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ kỹ thuật số và có thể dễ dàng tiếp cận được chuyển đổi số;
  • 300 triệu euro được đầu tư vào công tác đào tạo các ngành nghề liên quan tới lĩnh vực kỹ thuật số, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho sự tham gia của giới trẻ và những người có nghề nghiệp bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và biến động kinh tế;
  • 2,3 tỷ euro được thông qua nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kỹ thuật số và hạ tầng kỹ thuật số của các cấp chính quyền quản lý công triển khai nhận dạng kỹ thuật số, trong đó 200 triệu euro được dành cho việc số hóa hệ thống y tế như một phần của kế hoạch y tế quốc gia.

13 triệu người Pháp vẫn chưa được tiếp cận với kỹ thuật số

Pháp có thể tận dụng các cơ hội đặc biệt do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại để phát triển. Năm 2019, 77% người Pháp có điện thoại thông minh và 76% trong số họ có máy tính bảng.

Thế nhưng, theo thống kê của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), năm 2020, khoảng 13 triệu dân số quốc gia châu Âu này chưa có điều kiện để tiếp cận với công nghệ và chuyển đổi số. Họ không có khả năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và công cụ công nghệ thông tin do thiếu hoặc hoàn toàn không có kiến ​​thức về cách thức sử dụng.

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều sự biến chuyển trong cuộc sống, mọi hoạt động con người đều phải được tiến hành từ xa, đòi hỏi kỹ năng tiếp cận công nghệ kỹ thuật số. Đây thật sự là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp, để được tiếp tục học tập, làm việc, được chăm sóc và hưởng các quyền lợi của mình, được vui chơi, giải trí và tiêu dùng...

Những hướng dẫn viên kỹ thuật số đã được đào tạo bài bản và đang ở tuyến đầu để hỗ trợ những người dân Pháp gặp khó khăn với công nghệ. Trong khuôn khổ Kế hoạch “Phục hồi nước Pháp”, 250 triệu euro đã được đầu tư để đưa công nghệ kỹ thuật số tới gần hơn với cuộc sống của người dân.

Chuyển đổi số hành chính công vì quyền lợi của mỗi người dân

Chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực công là đầu tàu chuyển đổi của cả 1 quốc gia. Thật vậy, việc số hóa nền hành chính là 1 bước quan trọng trong quá trình hiện đại hóa 1 nhà nước.

Hành chính công cũng bớt ách tắc nhờ chuyển đổi số. Điều này mang lại sự linh hoạt hơn và tiết kiệm thời gian cho cán bộ, nhân viên địa phương và người dân. Khu vực công cũng ghi nhận chi phí hoạt động giảm đáng kể sau quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Các dịch vụ cũng được phi vật chất hóa. Người dân và doanh nghiệp không cần phải đến các bộ phận liên quan để giải quyết hồ sơ hoặc phải mang theo giấy tờ hành chính, vì nhiều thủ tục đã được thực hiện trực tuyến từ trước đó. Cho tới hiện nay, tổng cộng 250 thủ tục hành chính đã được áp dụng công nghệ kỹ thuật số.

Chính phủ Pháp đã ban hành 1 kế hoạch mang tên “Kế hoạch hành động công 2022”, nhằm chính thức khởi động giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số mới của chính quyền, đồng thời triển khai chiến lược quốc gia về công nghệ số bao trùm nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ cần thiết cho người dùng Internet từ xa.

Trong quá trình chuyển đổi này, điều cần thiết là không bỏ sót những công dân chưa có điều kiện được tiếp cận với công nghệ và/hoặc mạng internet. Các dịch vụ công cộng phải thực sự dễ dàng tiếp cận  đối với tất cả mọi người.

Năm 2022, Pháp là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về số lượng thuê bao băng thông rộng cố định với 43,2 thuê bao trên mỗi 100 người dân. Pháp cũng là quốc gia được trang bị nhiều điểm phát wifi công cộng nhất thế giới với 13 triệu thiết bị. Về chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, Pháp xứng đáng với vị trí thứ hai.

Y tế số vì 1 cuộc sống tốt đẹp hơn

Một tuần sau khi công bố Kế hoạch “Nước Pháp 2030”, chiến lược tăng tốc “Y tế số” được ban hành. Sự xuất hiện của các công nghệ thu thập dữ liệu mới, các công cụ đo lường mới, sự gia tăng, trao đổi và đánh giá các dữ liệu là những yếu tố dẫn đến xu hướng chuyển đổi trong lĩnh vực y tế.

Với kế hoạch “Đổi mới Y tế năm 2030” trị giá hơn 7,5 tỷ euro được công bố vào ngày 29/6/2021 tại Hội đồng Chiến lược cho các ngành Y (CSIS), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham vọng đưa nước Pháp trở thành một trong những quốc gia với nền y tế đổi mới đầu tiên ở châu Âu. Chiến lược tăng tốc “Y tế số” được thông qua ngân sách 650 triệu euro do Chương trình Đầu tư tương lai (PIA) tài trợ, nhằm phát triển, xác nhận và thử nghiệm các công cụ kỹ thuật số cho y học 5P (cá nhân hóa, phòng ngừa, dự đoán, cùng tham gia và triệu chứng).

Chiến lược tăng tốc “Y tế số” được thiết kế từ việc tiếp thu các kỹ năng thông qua đào tạo đến việc triển khai các giải pháp cụ thể trên quy mô lớn.

  • Một nguồn ngân sách lớn chưa từng có trị giá 81 triệu euro để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế số;
  • 60 triệu euro được thông qua cho Chương trình và Thiết bị Ưu tiên cho nghiên cứu (PEPR);
  • 20 triệu euro mỗi năm nhằm kêu gọi các dự án đánh giá lợi ích y tế và/hoặc kinh tế của các thiết bị y tế kỹ thuật số, hoặc các dự án trí tuệ nhân tạo;
  • Thành lập 30 địa điểm thử nghiệm bên thứ ba từ nay cho tới năm 2025 với ngân sách 63 triệu euro;
  • 95 triệu euro nhằm hỗ trợ các tài năng trong ngành chụp chiếu y tế;
  • 50 triệu euro nhằm nâng cấp các trang thiết bị phục vụ y tế số.

Quản lý sinh thái thông qua chuyển đổi số

Một lợi thế khác của công nghệ kỹ thuật số mà nước Pháp nhìn nhận thấy rất rõ đó là trong công tác quản lý hệ sinh thái, từ quản lý nước thông minh trong nông nghiệp, cho tới tối ưu hóa nguồn năng lượng, thậm chí quản lý nhiệt độ trong các tòa nhà, chuyển đổi số, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, giúp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên quý giá.

Công nghệ kỹ thuật số cũng làm giảm lượng khí thải nhà kính bằng cách cho phép con người liên lạc từ xa và do đó ít đi lại hơn. Để kiểm soát tốt hơn các vấn đề môi trường, trong chiến lược “Kỹ thuật số và môi trường” của mình, Chính phủ Pháp đã ban hành 1 chính sách công mới tập trung vào nhu cầu kết hợp quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.

Hàng loạt biện pháp đã được tung ra như khởi động các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hoạt động kỹ thuật số ít gây ô nhiễm, nhà nước thu mua 20% các thiết bị máy tính, điện thoại cố định và di động đã qua sử dụng để hỗ trợ người dân có điều kiện tiếp cận công nghệ kỹ thuật số hiện đại hơn.

Một số giải pháp ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp đã được triển khai ở Pháp. Công ty AgDataHub cung cấp cho các thành viên hàng nghìn dữ liệu nông nghiệp để phát triển các công cụ kỹ thuật số nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp.

Đồng cỏ trong các trang trại, dù là để chăn nuôi hay trồng trọt, đều cần thiết cho việc bảo tồn hệ sinh thái và môi trường, bởi đồng cỏ hấp thụ carbon và khí CO2, cũng như là nơi sinh sống của hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Biotex, 1 quá trình đánh giá tính đa dạng sinh học thông thường của vùng lãnh thổ tại điểm khai thác, là phần mềm cho phép nông dân xác định và chia sẻ dữ liệu liên quan đến đa dạng sinh học hiện có trong trang trại của họ. Với công cụ chính xác này, nông dân có thể thấy sự phát triển của đa dạng sinh học và điều chỉnh công việc của họ cho phù hợp.

Nhờ 1 bộ cảm biến nhà kính ghi lại nhiều dữ liệu khác nhau, dự án Magestan đã phát triển 1 hệ thống canh tác cà chua dưới lòng đất được tối ưu hóa hoàn toàn về chiếu sáng và sưởi ấm, cũng như nguồn cung cấp nước và nguyên vật liệu đầu vào.

Nền tảng Fraisetlocal.fr giúp kết nối người tiêu dùng và nhà sản xuất gần nhau về mặt địa lý, dễ dàng tìm kiếm nguồn cung ứng tại địa phương mà không thông qua các nhà buôn trung gian, do đó giảm thiểu được chi phí vận chuyển, đóng gói, cũng như tránh lãng phí thực phẩm và ô nhiễm rác thải nhựa.

Nền tảng học trực tuyến iCOsysteme cung cấp đào tạo hoàn toàn bằng kỹ thuật số và hỗ trợ nông dân chuyển đổi trang trại để giúp họ thiết lập hệ thống sản xuất tăng gia năng suất, đồng thời giảm tác động của hoạt động đối với thiên nhiên.

Sẽ còn nhiều dự án khác tiếp tục được phát triển và thực hiện trong những năm tới. Chính phủ Pháp vừa triển khai dự án AgriTech, với ngân sách lên tới 200 triệu euro, triển khai trong vòng 5 năm nhằm phát triển các đổi mới trong nông nghiệp số.

Đổi mới giáo dục từ chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 đã dần thay đổi thói quen dạy và học, từ cấp tiểu học cho tới giáo dục đại học hay như đào tạo nghề. Thầy và trò đều phải thành thạo các kỹ năng sử dụng phần mềm hội nghị và nền tảng trực tuyến.

Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp đã cho ra mắt “Không gian làm việc kỹ thuật số” (ENT). Đây là 1 tích hợp các dịch vụ kỹ thuật số được chọn và cung cấp cho cộng đồng giáo dục của 1 hoặc nhiều trường học. Nó tạo thành 1 điểm truy cập thống nhất, cũng như trao đổi cho những người sử dụng.

ENT cung cấp các dịch vụ như sách giáo khoa kỹ thuật số, không gian lưu trữ và làm việc chung cho học sinh và giáo viên, quyền truy cập vào tài nguyên kỹ thuật số, công cụ cộng tác, blog, diễn đàn, lớp học ảo… Bên cạnh đó, ENT còn hỗ trợ cho các hoạt động học đường bên lề như ghi chú, vắng mặt, thời khóa biểu, nhật ký lớp học… Công cụ này còn cho phép giáo viên, học sinh và cả phụ huynh giao tiếp, trao đổi thông tin, tham gia hội nghị trực tuyến…

Học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhân viên hành chính của các cơ sở giáo dục đều có thể truy cập các không gian làm việc kỹ thuật số này từ bất kỳ thiết bị nào được kết nối với mạng Internet.

Bộ Giáo dục quốc gia và Thanh niên Pháp cũng hỗ trợ phát triển và phổ biến hàng loạt tài nguyên giáo dục trên nền tảng kỹ thuật số. Éduthèque được biết tới như cổng thông tin cung cấp miễn phí cho giáo viên hơn 80 nghìn tài nguyên giáo dục kỹ thuật số từ các cơ sở công lớn mà Bộ đã hợp tác. Ngân hàng tài nguyên giáo dục kỹ thuật số cũng là một phần hành động trong công tác đổi mới kỹ thuật số trong giáo dục, cung cấp miễn phí cho giáo viên và học viên không chỉ từ lớp 1 mà còn lên tới cấp đại học. Bên cạnh đó, còn có nhiều công cụ giáo dục khác như ETINCEL - 1 nền tảng hỗ trợ thúc đẩy nguồn nhân lực kỹ thuật và công nghiệp, tài nguyên lập trình và tư duy thuật toán trong hệ thống Edu-Up…

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, tại Pháp, việc sử dụng các phần mềm giao tiếp qua video như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams hay Blackboard đã dần trở thành 1 thói quen trong cuộc sống hàng ngày của giáo viên, diễn giả và học viên. Mọi người đã quen với việc chia sẻ tài liệu thông qua các nền tảng lưu trữ kỹ thuật số như Dropbox.

Ngoài ra, nhiều cơ sở và cá nhân tại Pháp muốn đào tạo về 1 chuyên ngành nào đó đã lựa chọn tham gia vào các trang web hoặc nền tảng trực tuyến. Có một số phần mềm được truy cập để học ngôn ngữ như Babbel, Duolingo, Lingumi... Một số ứng dụng khác giúp tìm kiếm 1 giáo viên dạy kèm như MyTutor, SuperProf, GoStudent… Tại Pháp, số lượng các công ty công nghệ chuyên về lĩnh vực giáo dục được ước tính vào khoảng 400 đến 500.

Để quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tiếp tục diễn ra, một số nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đang áp dụng các công nghệ đổi mới tiên tiến như thực tế ảo (VR). Thí dụ, VR cho phép hình dung các khu vực trên thế giới hoặc các đồ vật từ lớp học hoặc ở nhà. Giải pháp này đáp ứng những thách thức hiện tại: cung cấp nhiều tương tác hơn trong quá trình học.

Năm 2022 khởi sắc của các doanh nghiệp công nghệ

Pháp là nước lớn thứ hai ở châu Âu với số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ có sự tăng trưởng cao trong năm qua. Bất chấp những biến động phức tạp của nền kinh tế, 2022 là 1 năm thuận lợi đối với lĩnh vực kỹ thuật số của Pháp. Theo báo cáo thường niên của tổ chức chuyên ngành kỹ thuật số Numeum, các nhà phát hành phần mềm, công ty dịch vụ số và doanh nghiệp tư vấn công nghệ đã đạt mức tăng trưởng 7,5%.

Cụ thể, các nhà phát hành phần mềm đang có hiệu suất mạnh nhất với mức tăng trưởng ước tính là 11,3% trong năm nay, cao hơn con số 9,5% của năm 2021. Các công ty tư vấn công nghệ, vượt qua những giai đoạn khó khăn của đại dịch, đã công bố mức tăng trưởng 7,4% trong năm 2022, cao hơn so với mức 5,9% của năm ngoái. 5,1% là mức tăng trưởng mà các công ty dịch vụ kỹ thuật số đạt được trong năm nay, khả quan hơn con số 4,4% của năm 2021.

Doanh thu trong năm của lĩnh vực này tại Pháp đạt 61 tỷ euro. Cụ thể, các nhà phát hành phần mềm và nền tảng đám mây đạt doanh thu 21,6 tỷ euro, chiếm 35,5% thị phần. Các công ty dịch vụ kỹ thuật số thu về 31,9 tỷ euro, chiếm 52,4% thị phần. Và cuối cùng, 7,4 tỷ euro là doanh số của các công ty tư vấn công nghệ với 12,1% thị phần.

Ngân sách dành cho các hạng mục công nghệ thông tin trong doanh nghiệp tăng lên đáng kể, nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Lĩnh vực kỹ thuật số tại Pháp trong năm 2022 chủ yếu đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như trên từ công nghệ điện toán đám mây với mức tăng 24,5%. Tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi các đòn bẩy truyền thống: Dữ liệu lớn, dịch vụ IoT và chuyển đổi kỹ thuật số. Cuối cùng, các khoản đầu tư vào an ninh mạng đã tăng 11,3% lên 3,3 tỷ euro do sự bùng phát trở lại của các cuộc tấn công mạng trong những năm gần đây. Trong 1 môi trường kinh tế suy thoái và không chắc chắn, các khoản đầu tư kỹ thuật số vẫn rất cần thiết.

Sự tăng trưởng cho phép tạo ra khoảng 40 nghìn việc làm trong năm 2022, cao hơn nhiều so với con số 34 nghìn được ghi nhận vào năm 2021. Tuy nhiên, các công ty đang phải đối mặt với 1 “cuộc chiến nhân lực”. Vấn đề không mới nhưng ngày càng gay gắt, trở thành sự cản trở đối với tăng trưởng của lĩnh vực này. Tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về tất cả các kỹ năng cần thiết để triển khai những cải tiến công nghệ mới nhất và hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế Pháp trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang là điều đáng suy nghĩ.

Đầu tư và thương mại từ sau chuyển đổi số

Trong 1 cuộc phỏng vấn với báo LeMonde, chuyên gia về dịch vụ kỹ thuật số, ông Christiaan Van Der Valk cho rằng, việc số hóa các thủ tục giữa chính quyền và các doanh nghiệp không phải là 1 hạn chế, mà là 1 cơ hội để củng cố lòng tin và bảo mật. Đầu tư vào công nghiệp góp phần thúc đẩy nội địa hóa sản xuất trong các lĩnh vực thế mạnh của Pháp như y tế, điện tử, nông sản, thực phẩm, công nghiệp, ứng dụng công nghệ.

Năm 2021, Pháp đã triển khai 1.607 dự án đầu tư quốc tế, tạo ra hơn 45 nghìn việc làm, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể tăng 32% về số lượng dự án và 30% về số lượng công việc, vượt qua cả mức tăng trưởng của năm 2019.

Trên thực tế, các dự án công nghiệp đang tăng mạnh vào năm 2021 (49%) và chiếm 29% khoản đầu tư và 36% số việc làm được tạo ra. 460 dự án có vốn đầu tư nước ngoài minh chứng cho sự đẩy nhanh quá trình tái công nghiệp hóa của Pháp vào năm 2021. Một dấu hiệu mạnh mẽ khác về sức hấp dẫn của Pháp là các dự án đầu tư quốc tế được triển khai khắp toàn bộ lãnh thổ quốc gia này.

5.015 doanh nghiệp khởi nghiệp được ghi nhận từ năm 2017, trong đó 92,4% vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động trong năm 2022. Tất cả các công ty start-up này đã huy động được 1,8 tỷ euro và tạo ra hơn 47 nghìn việc làm, 35% trong số đó là người mang quốc tịch nước ngoài như Mỹ, Vương quốc Anh, Maroc, Đức…

Sự phát triển chưa từng thấy của thương mại điện tử minh chứng cho sự ra đời của nền kinh tế 2.0 tại Pháp, thị trường lớn thứ hai châu Âu và lớn thứ năm toàn cầu. Trong thực tế, 40 triệu người tiêu dùng điện tử ở Pháp đã chi 103,4 tỷ euro cho mua hàng trực tuyến, tăng 11,6% trong 1 năm.

Tổng doanh thu thương mại điện tử trong quý III/2022 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt nhờ doanh số bán dịch vụ tiếp tục tăng trưởng. Do đó, tổng doanh số bán hàng trực tuyến trong quý III năm ngoái đạt 35,9 tỷ euro, cao hơn con số 30,7 tỷ euro cùng kỳ năm 2021. Doanh số bán hàng qua thiết bị di động trong quý III/2022, bao gồm cả kinh doanh sản phẩm và lữ hành, đã tăng 6% so với cùng thời điểm của năm trước đó.

Số lượng trang web thương mại đang hoạt động tiếp tục tăng 6% so với quý III/2021, mặc dù có ghi nhận một số dấu hiệu chậm lại. Trong 1 năm, thêm 11 nghìn trang web thương mại điện tử đã ra đời.

Xây dựng chuyển đổi số bền vững, trách nhiệm và thân thiện

Trong 15 năm nay, Vincent Courboulay, kỹ sư kiêm giảng viên khoa học máy tính tại Đại học La Rochelle luôn quan tâm đến tác động của công nghệ kỹ thuật số. Ông là tác giả của cuốn sách “Hướng tới 1 kỹ thuật số có trách nhiệm. Hãy suy nghĩ lại về sự phụ thuộc của chúng ta vào các công nghệ kỹ thuật số”, xuất bản vào tháng 1/2021.

Đối với Françoise Berthoud, kỹ sư máy tính, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và là người đứng đầu nhóm dịch vụ EcoInfo, tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với hệ sinh thái là rất khó để định lượng.

Chuyển đổi số có trách nhiệm là giảm tác động tới môi trường của công nghệ kỹ thuật số, vốn là nguồn gây ra gần 4% lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Một mặt, kỹ thuật số góp phần phổ biến tri thức đến với mọi người, phát hiện bệnh tật, kết nối con người, đồng hành cùng các cuộc cách mạng của công dân.  Mặt khác, kỹ thuật số có tác động không nhỏ ở tất cả các khâu sản xuất và tiêu dùng. Ngày nay, việc khai thác nguyên liệu thô và sản xuất thiết bị đầu cuối như điện thoại thông minh, máy tính, màn hình… tạo ra tác động lớn nhất về cân bằng năng lượng, phát thải khí nhà kính, tiêu thụ nước và góp phần làm cạn kiệt hệ sinh thái và nguồn tài nguyên.

Việc quản lý chất thải điện và thiết bị điện tử (WEEE) cũng là 1 điều đáng phải suy nghĩ. Các công ty công nghệ có nghĩa vụ bảo đảm rằng chất thải của họ phải được tái chế. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khoảng 80% chất thải điện và thiết bị điện tử bị buôn bán bất hợp pháp và cuối cùng là nằm lại tại các bãi rác lộ thiên ở châu Phi, chẳng hạn như ở Tema, Ghana. Đây là những bài học liên quan đến sức khỏe và môi trường.

Công nghệ kỹ thuật số giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, máy tính bảng cho phép trẻ em học tốt hơn và ít nặng nề hơn so với sách vở, góp phần giảm thiểu tiêu thụ gỗ… Kỹ thuật số giúp con người tiết kiệm hơn các không gian lưu trữ, cũng dễ dàng hơn trong việc tra cứu, truy cập và cập nhật các thông tin. Rõ ràng, công nghệ kỹ thuật số cũng giúp nhân loại nhận thức hơn về sự nóng lên toàn cầu và ngăn ngừa sự suy thoái của hệ sinh thái. Công cụ kỹ thuật số cũng có thể giúp dự tính giảm phát thải khí nhà kính trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như xây dựng hay vận tải. Thách thức chính trong vài năm tới tại Pháp sẽ là xây dựng nền công nghệ kỹ thuật số bền vững, trách nhiệm và thân thiện.

Ngày xuất bản: 4/2023
Nội dung: KHẢI HOÀN-MINH DUY (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)
Trình bày: TRUNG HƯNG
Ảnh: Pixabay, LeMonde, Getty Image, Tetra Image