Chương trình Top Runer:

Giải pháp hữu hiệu trong tiết kiệm năng lượng tại Nhật Bản

Việc tiết kiệm và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng vừa giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - nền tảng phát triển bền vữngcung cấp thông tin thực tiễn từ áp dụng công nghệ mới cho tới chiến lược, kế hoạch tổng thể mà Việt Nam và một số quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã triển khai và gặt hái thành công.

Là yếu tố đầu vào rất quan trọng, năng lượng luôn đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nhiều ngành kinh tế. Nguồn năng lượng được sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng các yêu cầu về an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Cho đến nay, Nhật Bản luôn trong tốp đứng đầu thế giới về tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng cũng như các cam kết chống lại biến đổi khí hậu. Thành quả này có được là nhờ một nền tảng pháp lý vững mạnh, các chính sách hỗ trợ rất mềm dẻo và linh hoạt, sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, các nỗ lực hợp tác tích cực của toàn xã hội.

Chương trình Top Runner là một phần trong những nỗ lực tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường được thực hiện tại Nhật Bản, Chương trình này không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị đầu tư đổi mới công nghệ, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, thân thiện với môi trường mà còn giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tối ưu trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng xã hội trung hòa carbon.

TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG KHU VỰC DÂN CƯ, THƯƠNG MẠI VÀ VẬN TẢI - VẤN ĐỀ KHÔNG DỄ GIẢI QUYẾT

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mức tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế. Năm 2000, mức tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản tăng khoảng 9 lần so năm 1955, tăng khoảng 2 lần so năm 1970.

Sau 2 cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới vào những năm 1970, Nhật Bản đã đồng loạt tiến hành nhiều chính sách và biện pháp bảo tồn năng lượng.

Và mặc dù ở khu vực công nghiệp, tổng mức tiêu thụ năng lượng đã giảm xuống nhờ những nỗ lực của ngành, thì từ năm 1982, ở khu vực dân cư, thương mại và giao thông vận tải, mức sử dụng năng lượng lại liên tục gia tăng. Vấn đề này là không dễ giải quyết, bởi nó liên quan tới cuộc sống hằng ngày và sự lựa chọn cá nhân của mỗi người.

Xuất phát từ thực tế là khó có thể điều chỉnh mức tiêu thụ năng lượng hằng ngày của mọi người, giải pháp khả thi được đưa ra là giảm mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị tiêu tốn năng lượng, hướng mục tiêu tiếp cận tới các nhà sản xuất hơn là người tiêu dùng, do đó, sẽ dễ dàng hơn trong việc giám sát và quản lý. Trong bối cảnh đó, năm 1999 Chương trình sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất (Chương trình Top Runner) ra đời nhằm giải quyết vấn đề gia tăng tiêu thụ năng lượng trong khu vực dân cư, thương mại và vận tải.

LIÊN TỤC MỞ RỘNG PHẠM VI

Luật Tiết kiệm năng lượng ban hành năm 1979 đã đưa ra các tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng năng lượng đối với máy móc, thiết bị và các mặt hàng khác nhằm khuyến khích việc tiêu dùng năng lượng tiết kiệm. Khi đó, các loại máy móc, thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định chỉ giới hạn ở 3 mặt hàng: tủ lạnh chạy điện, điều hòa không khí và ô-tô chở khách. Các giá trị tiêu chuẩn về hiệu quả tiết kiệm năng lượng được thiết lập để đạt được cải tiến công nghệ trong năm tài chính mục tiêu, khuyến khích các nhà sản xuất và nhập khẩu đạt được các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua các nỗ lực tự nguyện của họ.

Nghị định thư Kyoto được ký kết năm 1998 với các yêu cầu mục tiêu về giảm thiểu phát thải khí nhà kính đã khiến Nhật Bản có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Tháng 6/1998, Luật Tiết kiệm năng lượng được sửa đổi nhằm tăng cường nền tảng pháp lý cho các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau.

Là một biện pháp tiết kiệm năng lượng quan trọng cho khu vực dân cư và thương mại cũng như lĩnh vực giao thông vận tải, Chương trình Top Runner được chính thức ra đời năm 1999 nhằm thiết lập các tiêu chuẩn về hiệu quả tiêu thụ năng lượng cho máy móc, thiết bị và các mặt hàng khác.

Sau khi được ban hành chính thức, Chương trình áp dụng đối với 11 danh mục sản phẩm. Sau đó, Chương trình bổ sung thêm 7 danh mục năm 2002, 3 danh mục năm 2006, 2 danh mục nữa vào năm 2009 và 5 danh mục tiếp theo năm 2013. Từ năm 2013, chương trình được áp dụng với cả vật liệu xây dựng cách nhiệt. Tính đến tháng 2/2020, Chương trình bao gồm 32 danh mục sản phẩm thuộc các lĩnh vực, các sản phẩm này chiếm tới 70% tổng mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị trong khu vực dân cư.

Trong tương lai, Chương trình Top Runner vẫn sẽ xem xét mở rộng hơn nữa phạm vi áp dụng.

CÁCH TIẾP CẬN SÁNG TẠO TRONG TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

Chính phủ Nhật Bản đã có một cách tiếp cận khá sáng tạo so với nhiều quốc gia khác: thay vì đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu để đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng, Chương trình Top Runner tìm kiếm trên thị trường những sản phẩm tốt nhất hiện có về tiết kiệm năng lượng và quy định mức sử dụng năng lượng của những sản phẩm này sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các sản phẩm cùng hạng mục sau một khoảng thời gian (từ 3 đến 10 năm).

Cách tiếp cận khá linh hoạt này vừa giúp tránh loại bỏ tức thời các sản phẩm ít tiết kiệm năng lượng trên thị trường, vừa khuyến khích các nhà sản xuất tự nguyện phát triển các sản phẩm có tiêu chuẩn thậm chí còn cao hơn các sản phẩm thuộc Top Runner.

Thoạt nhìn, hệ thống này có vẻ vô cùng dễ hiểu, tuy nhiên, để thiết lập các giá trị tiêu chuẩn về hiệu quả tiết kiệm năng lượng mà tất cả các sản phẩm phải vượt qua, việc đánh giá hiệu lực kinh tế của các giá trị tiêu chuẩn đã được Nhật Bản cân nhắc rất cẩn trọng.

Các máy móc, thiết bị được chọn và các mặt hàng trong Chương trình Top Runner cần đáp ứng 3 điều kiện sau:

  • Sản phẩm được sử dụng với số lượng lớn ở Nhật Bản;
  • Sản phẩm tiêu thụ một lượng năng lượng đáng kể trong khi sử dụng;
  • Sản phẩm được đánh giá có nỗ lực cụ thể để cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng.

Đối với từng nhóm sản phẩm, sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau dựa trên một loạt các thông số ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng năng lượng. Các thông số này bao gồm thông số về chức năng. Chẳng hạn, máy photocopy được đánh giá qua số lượng bản sao được thực hiện mỗi phút. Với tủ lạnh là kích thước, thể tích sử dụng bên trong và phương pháp làm lạnh. Còn với tivi là kích cỡ màn hình. Với phương tiện giao thông chở khách đánh giá bằng mức tiêu hao nhiên liệu...

Việc tuân thủ quy định được đánh giá bằng doanh số bán sản phẩm trung bình của công ty. Để tuân thủ các tiêu chuẩn, các nhà sản xuất phải bảo đảm rằng hiệu suất bình quân của các sản phẩm mà họ bán trong một năm mục tiêu đạt được các tiêu chuẩn. Do đó, không phải tất cả các sản phẩm của nhà sản xuất đều đạt được mục tiêu, nhưng mức trung bình cần phải đạt ngưỡng này. Tính linh hoạt này cho phép các nhà sản xuất cung cấp nhiều mẫu mã, phiên bản để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời hướng thị trường tổng thể đến hiệu quả năng lượng cao hơn.

QUẢNG BÁ, THÚC ĐẨY SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG CÁC SẢN PHẨM TỐI ƯU HÀNG ĐẦU

Việc quảng bá, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các thiết bị tiết kiệm năng lượng thuộc Chương trình Top Runner được hỗ trợ bởi một số các hoạt động khác nhau.

Chương trình Dán nhãn tiết kiệm năng lượng

Từ ngày 21/8/2000,  Chương trình Top Runner được liên kết với Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Theo đó, trên nhãn của các sản phẩm sẽ liệt kê rõ việc cải thiện mức tiêu thụ năng lượng.

Chữ “E” màu xanh lá cây dùng cho các loại sản phẩm đạt trên 100% mục tiêu và ký hiệu chữ “E” màu da cam dùng cho các loại sản phẩm không đạt mục tiêu.

Chữ “E” màu xanh lá cây dùng cho các loại sản phẩm đạt trên 100% mục tiêu và ký hiệu chữ “E” màu da cam dùng cho các loại sản phẩm không đạt mục tiêu.

Mục đích của chương trình này là thúc đẩy việc phổ biến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng bằng cách cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về hiệu suất sử dụng năng lượng hiệu quả. Ban đầu, dù mới chỉ là chương trình tự nguyện dựa trên tiêu chuẩn JIS, nhưng nhãn tiết kiệm năng lượng được các nhà sản xuất tích cực sử dụng trong danh mục sản phẩm và khi trưng bày sản phẩm tại các cửa hàng bán lẻ.

Hệ thống dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị bán lẻ

Sau đó, Luật Tiết kiệm năng lượng sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4/2006 quy định rằng các đơn vị bán lẻ bắt buộc phải dán nhãn, hoặc cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm tiết kiệm năng lượng trên các trang thương mại điện tử. Quy định cũng đưa ra mẫu nhãn dán thống nhất, dễ hiểu dành cho các thiết bị.

Tới tháng 10/2006, Hệ thống dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị bán lẻ chính thức đi vào hoạt động. Các nhãn tiết kiệm năng lượng thống nhất được gắn trên tivi, máy điều hòa không khí và tủ lạnh.

Các thông số trên nhãn năng lượng của Nhật Bản.

Các thông số trên nhãn năng lượng của Nhật Bản.

Đối với từng dòng sản phẩm, nhãn dán cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về năm mục tiêu áp dụng Chương trình Top Runner, tỷ lệ hoàn thành mục tiêu của Chương trình, và mức tiêu thụ năng lượng hằng năm.

Chương trình đánh giá đơn vị bán lẻ sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Chương trình đánh giá nhà bán lẻ sản phẩm tiết kiệm năng lượng được thực hiện từ năm tài chính 2003. Chương trình này đánh giá cao các nhà bán lẻ tích cực thúc đẩy việc bán các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và cung cấp thông tin liên quan về tiết kiệm năng lượng. Các giải thưởng do Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp; Bộ Môi trường được triển khai từ năm tài chính 2004.

Diễn đàn thúc đẩy phát triển các thiết bị điện gia dụng tiết kiệm năng lượng

Ngoài ra, tại Nhật Bản, Diễn đàn thúc đẩy phát triển các thiết bị điện gia dụng tiết kiệm năng lượng cũng được tổ chức với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các nhà sản xuất thiết bị điện gia dụng, các đơn vị bán lẻ và các nhóm người tiêu dùng nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các thiết bị điện gia dụng tiết kiệm năng lượng (như máy lạnh, tủ lạnh, đèn chiếu sáng).  Bên cạnh đó, các Tuần lễ khuyến mãi thiết bị điện gia dụng tiết kiệm năng lượng cũng được tổ chức góp phần quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Radial Chart
Infogram

HIỆU QUẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH

 Trong hơn 20 năm qua, Chương trình Top Runner đã thể hiện được ưu điểm nổi trội, được liên tục mở rộng và hiện nay vẫn là một công cụ quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản.

Trung tâm Bảo tồn Năng lượng Nhật Bản năm 2015 đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng mà Chương trình Top Runner mang lại sau thời gian áp dụng từ 1995 - 2010 là ngoài mong đợi.

Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá, ngoài MEPS (Tiêu chuẩn Hiệu suất tối thiểu), không có chính sách nào đạt được kết quả tiết kiệm năng lượng như Chương trình Top Runner.

Hiệu quả
Infogram

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) trong Báo cáo đánh giá tình hình năng lượng tại Nhật Bản công bố hồi tháng 3/2021 cũng đánh giá cao Chương trình Top Runner và khuyến nghị Nhật Bản tiếp tục phát triển, mở rộng.

Theo đánh giá của Cơ quan năng lượng quốc tế tại Báo cáo trên, trong khu vực dân cư, nhu cầu năng lượng bình quân đầu người ở Nhật Bản giảm 8% trong giai đoạn 2007-2017. Điều này một phần nhờ vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ở các thiết bị sưởi và gia dụng từ Chương trình Top Runner.

Trong giai đoạn 2007-2017, việc sử dụng năng lượng để sưởi ấm không gian cho mỗi ngôi nhà đã giảm 20% , trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng cho nước nóng và thiết bị dân dụng cho mỗi ngôi nhà giảm tương ứng 22% và 19%. Trong lĩnh vực dịch vụ, hiệu quả sử dụng năng lượng của hệ thống sưởi đã được cải thiện 32%, hệ thống làm mát cải thiện 18%.

Ngoài các sản phẩm điện dân dụng và văn phòng, Chương trình Top Runner cũng giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải nếu so với những năm 2000. Hiệu suất nhiên liệu của các phương tiện đã được cải thiện đáng kể, và các tiêu chuẩn mới ngày càng khắt khe hơn.

Cụ thể, mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của ô-tô chở khách và xe tải hạng nhẹ đã giảm 22% trong giai đoạn 2000 - 2018, từ 2,85 MJ/pkm xuống 2,23 MJ/pkm. Mức tiêu thụ nhiên liệu sơ cấp của xe tải chở hàng giảm 16% trong giai đoạn nêu trên. Năm 2009, Nhật Bản đặt ra mục tiêu cho xe chạy bằng động cơ diesel tới năm 2020, nhưng nhờ các nỗ lực chung, mục tiêu này đã đạt được vào năm 2013.

Năm 2019, Nhật Bản đã áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu mới cho cả xe hạng nhẹ và xe hạng nặng chạy bằng động cơ diesel. Đối với xe hạng nhẹ, tiêu chuẩn mới được đặt ở mức trung bình 25,4 km / lít cho năm 2030, nghĩa là cải thiện 51% so với tiêu chuẩn năm 2015 (16,8 km/L), hoặc 25 % so với tiêu chuẩn năm 2020 (20,3 km/L).

VIỆT NAM NỖ LỰC THỰC THI SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Chương trình tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng hiện nay đã được triển khai tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

Bộ Công Thương được Chính phủ giao làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành đã tích cực triển khai các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP1 và VNEEP2). Kết quả, Chương trình VNEEP1 giai đoạn 2006-2010 và VNEEP2 giai đoạn 2012-2015 đã đạt được mức tiết kiệm năng lượng lần lượt là 3-4% (tương đương 4,9 triệu TOE) và 5,65% (tương đương 11,2 triệu TOE).

Chương trình VNEEP3 giai đoạn 2019-2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/3/2019, đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc giai đoạn 2019-2025 và 8-10% giai đoạn từ 2019-2030.

Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Chính phủ nói chung, giữa Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ Công thương nói riêng trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng. Nhiều công ty Nhật Bản hiện đã và đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ngày 17/3/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo. Ảnh: moit.gov.vn

Ngày 17/3/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo. Ảnh: moit.gov.vn

Chương trình dán nhãn năng lượng tại Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2008 theo hình thức tự nguyện đối với sản phẩm đèn compact chiếu sáng và bình đun nước nóng.

Trong khuôn khổ Chương trình VNEEP, Bộ Công thương thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 01/7/2013, nhằm định hướng việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao; loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp làm giảm phát thải các chất khí gây tác động tới tầng ozon và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Năm 2020, Bộ Công thương lần đầu tiên tổ chức Giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đứng đầu có sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao cung cấp cho thị trường Việt Nam, khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh, hướng tới sử dụng các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng. Theo đó, 54 sản phẩm gồm điều hòa không khí, máy giặt, đèn chiếu sáng, máy biến áp đến từ 5 doanh nghiệp uy tín đã được chứng nhận sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất.

Nhãn Hiệu suất năng lượng cao nhất với mã QR đi kèm do Bộ Công thương chứng nhận. Ảnh: vneec.gov.vn

Nhãn Hiệu suất năng lượng cao nhất với mã QR đi kèm do Bộ Công thương chứng nhận. Ảnh: vneec.gov.vn

Hiện Bộ Công thương phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam phát động Giải thưởng “Hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021” với thời gian nhận hồ sơ từ 25/8 đến 14/11/2021.

Thông qua việc chứng nhận các sản phẩm đạt tiêu chí hiệu suất năng lượng cao nhất hằng năm, tiêu chuẩn hiệu suất thực tế trên thị trường sẽ được xác lập liên tục theo thời gian. Đây được coi là động lực đề các cơ quan có liên quan chủ động cập nhật và ban hành các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng phù hợp và thúc đẩy thị trường sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao tại Việt Nam.

Item 1 of 3

Sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng kể từ sau thế chiến thứ hai và cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính là những nguyên do chính thúc đẩy Nhật Bản xúc tiến mạnh mẽ công tác bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, đất nước mặt trời mọc đã xây dựng được một cơ sở pháp lý vững chắc và các chính sách tiết kiệm năng lượng mềm dẻo, linh hoạt mà Chương trình Top Runner là một thí dụ tiêu biểu. Đây cũng chính là những bài học mà các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng có thể tham khảo khi hướng đến các mục tiêu tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ngày xuất bản: 14/11/2021
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: DIỆU THU, HỒNG VÂN
Nội dung tham khảo: Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản; Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Bộ Công thương Việt Nam, nangluongvietnam.vn, Tổ chức Năng lượng quốc tế
Ảnh: Reuters, Pexels, Freepik.